Thứ Tư, 11 tháng 9, 2024

Chuyện Văn nghệ: Truyện Kiều Qua Âm Nhạc


Chuyện Văn nghệ: 

Tôi sẽ kể giai thoại chuyện Kiều ở Paris:

Nhạc sĩ Quách Vĩnh Thiện qua Pháp du học nên ông tìm sách Kim Vân Kiều của thi hào Nguyễn Du đọc liên tục 5 năm đẻ hiểu và soạn thành trường ca 77 bài. Ngày ông ra mắt ở Viện Âm Nhạc Bussy sainh George, chúng tôi Đỗ Bình, GS Lê Mộng Nguyên, GS Nguyễn Đăng Trúc, GS Trần Quang Hải đã gìới thiệu tác phẩm Kim Vân Kiều phổ nhạc của nhạc sĩ Quách Vĩnh Thiện. Về phần tôi chịu trách nhiệm phân tích cấu trúc 77 bài hát.

Ở Paris đề tài Truyện Kiều được các vị trong CLB tranh luận sôi nổi một thời gian dài, dù bất đồng ý kiến nhưng không bất hòa.Họ trao đổi những ý kiến mới lạ. Các vị đó, gười trích từ sách chữ Hán, chữ Việt, chữ Pháp, chữ Anh để nói về cái hay, cái đẹp trong Thơ Kiều. Câu Truyện Kiều trở thành câu chuyện họp mặt. Có lần chúng tôi đi nghỉ hè ngắn ngày ở vùng Normandie nước Pháp do anh Trần Minh Răn tổ chức tại một trang viên (manoir) của GS Hoàng Xuân Hãn. Ngày đó thay vì ra tắm biển, một số các anh hội lại bàn chuyện Kiều, trong đó có DS Nguyễn Đình Tuấn, Thẩm phán Đoàn Trần Thiều, nhà báo Trịnh Long Hải, TS Võ Hùng Anh, BS Nguyễn Bá Linh, GS Nghiêm Xuân Hải, GS Nguyễn Vô Kỷ, nhà thơ Song Thái Phạm Công Huyền, nhà thơ Đỗ Bình. GS Nghiêm Xuân Hải là một giáo sư toán rất giỏi ở Paris, ông là con rể của Học giả Hoàng Xuân Hãn nên rất thuộc Kiều. Ông giải thích một số từ trong câu thơ Kiều đã bị tam sao hất bản mà Học giả, GS Hoàng Xuân Hãn vừa mới tìm lại trong các thư tịch cổ. GS Nguyễn Vô Kỷ là con trưởng của nhà thơ Hàm Thạch GS Nguyễn Xuân Nhẫn, người đồng sáng lập với nhà thơ Hương Bình, GS Cao Văn Chiểu tạo nên Hội Ba Lê Thi Xã. Cuộc tranh luận rất sôi nổi kéo dài từ sáng đến khuya, suốt thời gian mấy ngày nghỉ hè. Khi trở về Paris GS Hải còn hẹn tôi để đưa những tài liệu minh chứng. Mấy năm sau tôi gặp anh ở một cuộc đi chơi hè khác, anh cho biết đã thôi không nghiên cứu Kiều nữa sau ngày GS Hoàng Xuân Hãn qua đời. GS Nguyẽn Vô Kỷ, TS Võ Hùng Anh, GS Nghiêm Xuân Hải dều qua đời!

Ở Paris, những người thuộc Kiều không thiếu một câu là: Phương Du BS Nguyễn Bá Hâu, Vân Uyên GS Nguyễn văn Ái, Khuê Trai GS Vũ Quốc Thúc, Học giả TS TháiVăn Kiểm, Học giả, GS Võ Thu Tịnh, nhà thơ Minh Châu GS Thái Hạc Oanh,Kịch tác gia Văn Bá GS Nguyễn văn Ba, nhà thơ Song Thái Phạm Công Huyền, ( Nhà thơ Song Thái được nổi tiếng nhờ làm thơ lục bát rất nhanh, 10 bước làm được bài thơ),
Phượng Linh Đỗ Quang Trị, GS Phạm Thi Nhung, GS Nguyễn Thùy….
Chuyện Kiều được chuyển hướng sang mặt tư tưởng, từ khi chúng tôi mời Nhà văn, GS Nguyễn Thùy từ Thụy Sĩ sang Paris thuyết trình về Thơ, trong đó ông nói về mặt tư tưởng của Truyện Kiều.
Trong cuốn Những Khuôn Mặt Văn Hóa VN Paris, tôi có viết bài về Con Người và Tác phẩm của GS Nguyễn Thùy với chủ đề : KẺ ĐI TÌM LẼ ĐẠO

Nhà Văn GS Nguyễn Thùy
"…người đời có kiến thức nhận biết về tư tưởng thì nhiều nhưng không lắm người chịu sống về mặt tư tưởng. Tôi đã may mắn từng gặp và đọc sách của Thiền sư Nhất Hạnh, Thi sĩ Bùi Giáng, Triết gia Phạm Công Thiện, Họa sĩ Hiếu Đệ, Họa sĩ Vĩnh Ấn… Đó là những người đặc biệt, sách và tranh của họ có một số điều mà cho đến hôm nay tôi vẫn chưa hiểu hết ! Nhà văn Nguyễn Thùy cũng nằm trong số người đặc biệt ấy. Có lẽ tôi và Thi sĩ Phương Hà ở Bruxelles là hai người bạn thân nhất của anh ở Âu Châu. Nguyễn Thùy sinh ại Huế, quê nội Quảng Nam. Trước năm 1975 sống bằng nghề dạy học, mở trường tư. Là tác giả nhiều thể loại : Thơ, Truyện, Tiểu Luận, Biên Khảo, Phê Bình. Đã xuất bản trên 20 đầu sách. …..Nguyễn Thùy lại thích đọc sách của triết gia M.Heidegger, do đó anh bị ảnh hưởng rất nhiều tư tưởng của M.Heidegger và thi sĩ Bùi Giáng, từ phong cách sống, lối suy tưởng đến văn học nghệ thuật. Tôi nói với nhà văn Nguyễn Thùy:"Nhiều lúc thấy anh như người cõi trên, anh có sợ những điều mình viết ra người đời không hiểu mà cho là bất thường không?" 
Nguyễn Thùy:"Ai hiểu thì hiểu, không hiểu cũng không sao! Tôi viết cho tôi !". 
Tôi hỏi: "Nguyên nhân nào khiến anh từ một người cầm phấn đứng trên bục giảng lại quay sang cầm bút viết văn?" 
Anh kể:"Có lần đến nhà một người bạn, tình cờ thi sĩ Bùi Giáng cũng ghé qua chơi thấy tôi đang nói về Kiều, thi sĩ Bùi Giáng nạt to:“Chú mày khen Kiều như thế là chửi Nguyễn Du! Chú mày phải xỉ vả Nguyễn Du, chê truyện Kiều dở ẹt thì Nguyễn Du ở dưới suối vàng sẽ sung sướng cười hả hả vì trên thế gian vẫn còn có người dám chê truyện Kiều, chứ đằng này chú mày khen truyện Kiều quá mà chẳng hiểu gì hết, thì làm sao Nguyễn Du không đau lòng mà khóc! Bị Bùi Giáng chê dốt mặt tôi nóng lên vì bị tự ái, nhưng tình cảm của chúng tôi vẫn gắn bó cho đến ngày tôi đi Pháp. Trong suốt những năm dài câu mắng của Bùi Giáng vẫn ám ảnh, tôi bỏ thì giờ nghiên cứu về truyện Kiều và các loại sách tư tưởng của Việt Nam và ngoại quốc, nhờ đọc nhiều tôi mới khám phá lời chê đó là đúng, tôi đã không hiểu được cái tinh hoa tư tưởng trong truyện Kiều ! Nhờ thế sau này tôi mới viết được cuốn sách 443 trang : Đoạn Trường Tân Thanh Tiếng Vui Trong Lời Buồn, và một loạt sách về tư tưởng. Như thế là phải cảm ơn người bạn người anh Bùi Giáng."

Nhờ những lần tranh luận, nhà thơ Phương Du BS Nguyễn Bá Hậu đã thu hẹp giờ làm việc, tuần lễ vài ngày, để lấy thì giờ nghiên cứu thêm truyện Kiều và Đạo Phật. Nhờ bỏ thời gian dài nghiên cứu, BS Nguyễn Bá Hậu đã tìm ra một số ý câu thơ trong truyện Kiều có chứa tư tưởng của Phật, Lão, Nho, và có cả Thiên Chúa giáo. Với những kiến thức uyên bác của người Việt hôm nay, những nghiên cứu trong những thư tịch cổ trong truyện Kiều sẽ còn nhiều đièu mới lạ.
Xin gởi bài viết của GS Nguyễn Đăng Trúc và bài Truyện Kiều Qua Âm Nhạc của tôi.

Thân mến
Đỗ Bình


Truyện Kiều Qua Âm Nhạc

Hành trrình vào cõi thơ là làm một cuộc phiêu lưu vô tận. Thơ vốn sãn trong thiên nhiên, hàm chứa nhiều tính chất trong trời đất. Ngôn ngữ của thơ đôi khi ẩn trong văn, nhạc và hội họa bắt nguồn từ cảm xúc tâm hồn. Trong nền văn học Việt Nam thi phẩm Ðoạn Trường Tân Thanh của đại thi hào Nguyễn Du không những là một tác phẩm trác tuyệt hàng đầu của đất nước mà còn là đóa hoa muôn sắc trên thi đàn quốc tế. Thi phẩm được dịch sang nhiều thứ tiếng ở những quốc gia có nền văn học cao như Pháp, Anh , Đức, Ý, Hoa Kỳ, Nhật Bản, Trung Hoa, Nga, Tiệp, Hung, Ba Lan, v.v, năm 1965, tác giả Nguyễn Du đã được tổ chức Văn hóa Liên Hiệp Quốc UNESCO đ vinh danh là một đại văn hào của thế giới. Rất nhiều văn nhân, họa sĩ, trí thức, học giả, nhà phê bình..vv.. đã viết, phân tích, diễn thuyết, minh họa, biên kịch, cải lương… về giá trị tác phẩm của thiên tài Nguyễn Du qua những nét đẹp về phương diện văn chương, tư tưởng và hội họa..vv…Những ai từng đọc truyện Kiều chắc sẽ bùi ngùi thương cảm cho nàng Kiều bạc phận long đong chịu nhiều bất hạnh. Ngưòi đọc không khỏi thắc mắc:Tại sao thi hào Nguyễn Du đã đặt tên cho tác phẩm là Đoạn Trường Tân Thanh : Tiếng Kêu Mới về sự Đau Khổ? Tiếng kêu mới nơi đây phải chăng là quan niệm mới về đau khổ, khác với quan niệm cũ về đau khổ, nhìn sự đau khổ là những chuyện tất nhiên ? Hành trình từ đau khổ dẫn đến giải thoát, từ phiền não dẫn đến bồ đề, đó là nội dung tư tưởng mà Nguyễn Du đã thể hiện nơi Đoạn Trường Tân Thanh, ? Nếu thế, nỗi đau đó không còn của riêng Thúy Kiêu, mà nỗi đau của nhân sinh. Tư tưởng của Nguyễn Du không phải là Phật, Lão, hay Nho. Tư tưởng của ông là minh triết Việt Nam, nhân bản Việt Nam.
Những năm gần đây truyện Kiều đã được nhìn qua nét đẹp nghệ thuật âm nhạc, giới nhạc sĩ đã thực hiện phổ nhạc Đoạn Trường Tân Thanh, đã gieo vào vườn hoa nghệ thuật thêm sắc màu.
Thơ và nhạc là hai nghệ thuật riêng biệt nhưng rất khắn khít nhau làm say đắm lòng người». Thơ là nghệ thuật của «lờì», nhạc là nghệ thuật của «âm thanh. . « Thơ phổ nhạc là nghệ thuật đem thêm âm hòa với âm thanh sãn có trong thơ, hoặc thay đổi âm thanh của thơ chuyển thể thành những nốt nhạc để hát.

Trong 3254 câu thơ Kiều, những thanh bằng trắc tạo những nốt trầm bổng cao độ chỉ là “nhạc thơ” có sẵn chứa trong câu thơ. Trong khi “thơ trong nhạc” hay còn gọi là “tính nhạc” gồm những hình tượng, ngôn ngữ được ngắt nhịp theo tiết tấu riêng để diễn tả giai điệu toàn bài chuyên chở tứ thơ. Trong thi tập Đoạn Trường Tân Thanh gồm khá nhiều câu, chữ, chứa sẵn nhạc thơ tạo nên những tiết tấu, ngắt nhịp, xuống câu. Ví dụ:
Nhịp 2 gồm 3 từ:

“ Mai cốt cách/ tuyết tinh thần.

Nhịp 4 gồm 2 từ:

Mỗi người/ một vẻ/ mười phân/ vẹn mười….”

Hoặc, có thể phân làm 2 nhịp gồm 4 từ :

«Mỗi người một vẻ / mười phân vẹn mười…»

Hay, những câu nhịp 2 gồm 3 từ

“ Làn thu thủy/ nét xuân sơn

Và nhịp 2 gồm 4 từ:

Hoa ghen thua thắm/ liễu hờn kém xanh”..vv…

Để đọc, hay hát trọn vẹn toàn thi phẩm Kiều, người nghệ sĩ đã sáng tạo ra cách ngâm lảy Kiều, Sa mạc..vv.. giúp giới mộ điệu thưởng lãm những cái hay, nét đẹp của lời thơ ý truyện bằng âm thanh. ». Ngôn ngữ thơ trong truyện Kiều là những hình tượng đặt vào những thanh âm bằng trắc tạo thành những thang nhạc, cung bậc trong thơ diễn tả tình tiết, tâm lý những khía cạnh độc đáo từng nhân vật trong truyện. người nhạc sĩ sẽ đồng cảm với tác giả hòa vào từng con chữ để thấy cái sâu lắng chất chứa những âm thanh như tiếng kêu ai oán: « Đoạn Trường Tân Thanh »

Nhạc sĩ Phạm Duy là người tiên khởi đem âm nhạc vào Kiều, ông lựa những đoạn, câu thơ chứa nhiều tính nhạc trong Kiều phổ thành ca khúc. Nhạc sĩ đã dung hợp nhạc giao hưởng Tây phương với nhạc ngũ cung, trong đó chất ngũ cung để câu nhạc dễ luyến láy diễn tả được ý thơ, chất giao hưởng tạo cho câu nhạc được êm, vút cao, trầm bổng theo ý nhạc mà không theo thanh bằng trắc của vần thơ lục bát. Nhạc sĩ Phạm Duy gọi là: Minh Họa Kiều. Mấy năm gần đây dòng thơ phổ nhạc ở trong nước cũng như hải ngoại nở rộ, thơ nương nhạc chấp cánh, nhạc dựa thơ bay cao, cho dù muốn phổ được một bài thơ « đạt » đúng nghĩa là một nghệ thuật rất khó ! Phổ thi tập Kim Vân Kiều thành nhạc là một việc làm rất khó, cái khó nhất là vì đó là một tác phẩm lớn của dân tộc đòi hỏi nhạc sĩ phải có thực tài, nắm bắt được cái tinh hoa của hồn thơ, tính nhạc toàn thi tập. Nhạc sĩ phải dàn trải giai điệu, nhịp điệu, sắp đặt thể loại soạn thành những cấu trúc đoạn nhạc khác nhau; nhưng vẫn hài hòa, tạo ra từng phân đoạn hợp với tình tiết câu thơ theo nhân vật trong truyện. Cái khó của thơ lục bát là nhịp mạnh thường rơi vào cuối câu vần bằng, do đó nhạc sĩ phải khéo dùng những biến cung để dòng nhạc chuyển tiếp linh động không nhàm chán, lê thê. Từ trước đến nay những bài thơ lục bát của nhiều nhà thơ, nếu được phổ thành nhạc, hầu hết những bài thơ đó không dài quá 30 câu để nhạc sĩ dễ cảm nhận phổ thành ca khúc. Muốn thực hiện bản trường ca, nhạc sĩ phải bỏ thời gian để phân tích dàn trải cấu trúc toàn thi tập, tạo những thể điệu, những chuỗi hình nốt, giai điệu, tiếp nối nhau diễn tả dựa trên lời thơ không gián đoạn ý mà soạn cấu trúc nhạc theo lối tây phương, nhưng vẫn giữ được chất nhạc Việt. Điểm khó nữa đối với một thi phẩm lớn là không được sửa lời thơ, hay đổi thứ tự chữ để giai điệu, câu nhạc có cái kết hay. Do đó nhạc sĩ phải dừng nhiều biến cung thăng, giảm để dòng nhạc ít quay về chủ âm (tonique), hoặc khéo léo dùng những thể điệu, tiết tấu, uyển chuyển của dòng nhạc đương đại.. tạo sự bìến đổi cấu trúc giai điệu thành từng đoạn khác nhau làm phong phú ý nhạc.
Trong số những nhạc sĩ phổ truyện Kiều ngoài nhạc sĩ Phạm Duy ở hải ngoại còn có: 
Nhạc sĩ Quách Vĩnh Thiện.


Ông sinh ngày 18-5-1943 tại Sài Gòn là kỹ sư – nhạc sĩ, viện sĩ Viện Hàn lâm Châu Âu, người đã bỏ ra 5 năm để phổ nhạc toàn bộ tác phẩm Truyện Kiều của đại thi hào Nguyễn Du gồm 7 CD với 77 bài hát, theo những thể loại khác nhau. Muốn phổ được 3254 câu thơ Lục Bát mà không đổi một ừ và bớt đơn điệu, nhạc sĩ Quách Vĩnh Thiện phải chau chuốt từng nốt nhạc và sử dụng nhiều thể điệu khác nhau như : Valse, Boston, Blue, Slow- roch, Slow Sưtf, Chachacha, Samba, Tango, Blue –Jazz, Jazz…
Tuy nhiên chất thanh âm bằng trắc trong thơ Lục Bát rất khắt khe để gieo vần nhịp, nên nrất khó để chuyển thể điệu, tránh những câu nhạc trùng nhau trong trường thi 3254 câu. Nhạc sĩ Quách Vĩnh Thiện đã có công trong việc lưu giữ toàn thi tập Kiều bằng âm nhạc. Thiện bản trường ca Đoạn Trường Tân Thanh, nhạc sĩ Quách Vĩnh Thiện đã gieo vào vườn hoa nghệ thuật một hạt mầm để ươm thêm sắc màu cho muôn hoa bằng những dòng nhạc khai phá sáng tạo của riêng ông. Đây cũng là tấm lòng bày tỏ sự ca ngợi thi phẩm và cảm ơn tác giả thi hào Nguyễn Du đã cho đời một tác phẩm hay, và cho nhạc sĩ một nguồn cảm hứng phổ nhạc.

Ngoài ra, truyện Kiều còn được chuyển thể thành một vở ca kịch đương đại dàn dựng theo phong cách Broadway, được nghiên cứu từ bản dịch Anh ngữ tác phẩm Kiều“Tale of Kieu”do nhà soạn kịch Kiêm đạo diễn Burton Wolfe kết hợp cùng nhà soạn nhạc Scott Gehman, và Giáo sư, nhạc sĩ Linh Phương chuyển dịch lời ca tiếng Anh ngược lại tiếng Việt. Ở trong nước có nhạc sĩ Vũ Đình Ân phổ toàn tập, soan thành một đại hợp xướng Truyện Kiều, với sự cố vấn nghệ thuật Giáo sư nhạc sĩ Ca Lê Thuần.
Ttrong cõi bất tận của âm thanh, những dòng nhạc hôm nay đi vào lòng người. Thơ và nhạc quyện nhau, nhạc nhập vào thơ giúp những con chữ thơ nằm bất động trên trang sách được những người yêu thơ thưởng lãm bằng mắt, cảm nhận bằng tâm, nay hồn thơ cất lên giai điệu, tiếng hát truyền cảm, diễn tả tâm trạng, cảm xúc từng nhân vật trong tác phẩm bằng một thực thể sống động, thoát khỏi thế giới ảo, mơ hồ. Người nhạc sĩ hôm nay phổ thơ có nhiều sáng tạo, không chỉ dựa vào cái thanh bằng trắc có sãn cao độ trầm bổng trong thơ, mà phổ cái hồn thơ, cái tư tưởng, hay những hình ảnh ngôn ngữ trong thơ mang màu sắc hội họa…Chẳng có nhạc sĩ nào nhân danh sự sáng tạo dám viết lệch cảm xúc của thi sĩ ? Không ai lại soạn một khúc nhạc thật buồn để mừng ngày vui hội ngộ của gia đình Thúy Kiều, và ngược lại không thể viết những tiết tấu giai điệu của thể loại nhạc kích động, cuồng loạn, khi Thúy Kiêu đang gởi mình vào chốn thiền tu?

Những ai cảm tác về truyện Kiều, chắc sẽ cảm nhận được nỗi của kiếp người: Trong bài thơ: ‘La Phù giang thủy các độc tọa’ của Nguyễn Du:

« Thủy các các hạ, giang thủy thâm,
Thủy các các thượng, nhân trầm ngâm.
Du du vân ảnh biến thần tịch, Cổn cổn lãng hoa phù cổ câm, Trần thế bách niên khai nhãn mộng, Hồng sơn thiên lý ỷ lan tâm. Hồng sơn thiên lý ỷ lan tâm. Bồi hồi đối ảnh độc vô ngữ, Bạch phát sổ hành thùy ngã khâm.

Dịch nghĩa:

Ngồi một mình trên thuỷ các sông La Phù, Dưới thuỷ các, nước sông sâu, trên thuỷ các, người ngồi trầm ngâm. Bóng mây lững thững sớm chiều biến đổi, Lớp sóng cuồn cuộn kéo cả cổ kim đi. Cuộc trần thế trăm năm chỉ là giấc mộng khi mắt mở, Tựa lan can, lòng nhớ núi Hồng nơi ngàn dặm. Một mình bồi hồi ngắm bóng, chẳng nói năng gì, Mấy sợi tóc bạc phất phơ rủ xuống tà áo.

Bản dịch của Nguyễn Thạch Giang:

Ở dưới thuỷ các, nước sông sâu, Ngồi trên thuỷ các, người âu sầu. Bóng mây sớm chiều thay đổi chóng, Lớp sóng cổ kim chìm nổi mau. Mở mắt trăm năm trong giấc mộng, Tựa lan muôn dặm chạnh lòng đau.

Nuyễn Du mang tâm hồn rộng lớn, chứa nỗi buồn của tha nhân, của kiếp người và của thời thế nhưng không biết tỏ cùng ai, Thi hào cảm thấy mình cô đơn trong tư tưỏng, nên đã gởi gấm tâm sự vào tác phẩm. Tác giả đã than rằng:

«Bất tri tam bách dư niên hậu,
Thiên hạ hà nhân khấp Tố như »

Ðó là câu kết trong bài thơ chữ Hán Ðộc Tiểu Thanh ký. Nguyên văn như sau:

Tây Hồ hoa uyển tận thành khư
Ðộc điếu song tiền nhất chỉ thư
Chi phấn hữu thần liên tử hậu
Văn chương vô mệnh lụy phần dư
Cổ kim hận sự thiên nan vấn
Phong vận kỳ oan ngã tự cư
Bất tri tam bách dư niên hậu
Thiên hạ hà nhân khấp Tố Như
Bài thơ được ông Vũ Tam Tập dịch là:
Hồ Tây cảnh đẹp hóa gò hoang
Thổn thức bên song mảnh giấy tàn
Son phấn có thần chôn vẫn hận
Văn chương không mệnh đốt còn vương
Nỗi hờn kim cổ trời khôn hỏi
Cái án phong lưu khách tự mang
Chẳng biết ba trăm năm lẻ nữa
Người đời ai khóc Tố Như chăng?

Tiểu Thanh là một người con gái tài sắc sống vào thời nhà Minh ở tỉnh Chiết Giang, làm lẽ cho một người họ Phùng. Vợ cả ghen, đuổi lên sống trong một ngôi nhà nhỏ trên núi, nàng buồn đến chết ở đó, khi chưa đầy 20 tuổi, nay vẫn còn mộ. Khi nàng chết, vợ cả chưa hết ghen tức, còn đem đốt những gì Tiểu Thanh viết. Nguyễn Du đọc được những bài thơ còn sót lại của nàng, mới xúc động làm bài thơ này.
Ở câu thơ cuối, người đời thường hiểu: Nguyễn Du là Tố Như, nhưng Tố Như không phải là tác giả. Trong Thơ ông thương cản những người tài sắc như các nàng Tiểu Thanh, Đạm Tiên, Vương Thúy Kiều, vì cuộc đời đầy trầm luân bất hạnh. Nguyễn Du tự hoán mình vào hoàn cảnh của các nàng ấy. Vì thế ông mới hỏi, ba trăm năm sau, có ai hiểu những nỗi oan khuất của những kiếp người bất hạnh trong xã hội thời đó để thương xót mà nhỏ lệ!

Theo nhà thơ Nhất Uyên TS Phạm Trọng Chánh:

« Năm 1804 Nguyễn Du làm tri phủ Thường Tín, vợ mất, ông tìm về Cổ Nguyệt Đường gần đó mong nối lại duyên xưa, thi Hồ Xuân Hương đang làm lẽ Tổng Cóc Nguyễn Công Hòa, nàng đau ốm như nàng Tiểu Thanh, xót thương Nguyễn Du viết bài Độc Tiểu Thanh Ký gửi nàng. Hai chữ Tố Như hiểu là Nguyễn Du là vô nghĩa, vì 6 câu đầu viết về nàng Tiểu Thanh, tự nhiên hai câu cuối tự hỏi ai khóc mình là lạc đề, vô nghĩa, nếu Nguyễn Du muốn ai khóc mình thì sẽ nói : Ngàn năm sau ai nhắc đến ta ? : Bách Tri tam bách dư niên hậu, Thiên hạ hà nhân khấp tố như. Tra tự điển Thiều Chửu : tố là tơ trắng là người ( phụ nữ) phẩm hạnh cao quý, như là như thế như vậy. Hiểu : Không biết rồi đây ba trăm năm nữa , Ai khóc người phẩm hạnh cao quý như nàng Tiểu Thanh thì hoàn toàn phù hợp với ý sáu câu đầu bài thơ. Hai chữ Tố Như chỉ xuất hiện duy nhất trên bài Độc Tiểu Thanh Ký, do đó tôi cho rằng con cháu đời sau khi viết gia phả không hiểu mối tình Nguyễn Du Hồ Xuân Hương nên đoán bừa Tố Như là bút hiệu. Các người được thuê chép văn bản cho Trường Viễn Đông Bác Cổ chổ nào nghi là Nguyễn Du cứ chép vào hai chữ Tố Như. »

Qua sự thâm thúy của tác phẩm tư tưởng, đượm đầy triết lý nhân sinh, người đọc hôm nay đã hiểu, và khám phá được cái lẽ đạo trong Kiều. Ở một cõi nào đó , thi hào Nguyễn Du sẽ vui, khi biết ở thời đại sau vẫn còn nhiều người ca ngợi, và tưởng nhớ đến ông. Tác phẩm Đoạn Trường Tân Thanh vẫn là nguồn cảm hứng cho đời diễn thuyết, biên khảo, sáng tác ở các bộ môn nghệ thuật , trong đó có giới nhạc sĩ vẽ lại chân dung truyện Kiều bằng âm nhạc.

Đỗ Bình

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét