Chủ Nhật, 8 tháng 9, 2024

Thu Giang Tống Khách - 秋江送客白居易 - Bạch Cư Dị (Trung Đường)


Bạch Cư Dị 白居易 (772-846) tự Lạc Thiên 樂天, hiệu Hương Sơn cư sĩ 香山居士 và Tuý ngâm tiên sinh 醉吟先生, người Hạ Khê (nay thuộc Thiểm Tây). Ông là thi nhân tiêu biểu nhất giai đoạn cuối đời Đường, là một trong những nhà thơ hàng đầu của lịch sử thi ca Trung Quốc. Ông xuất thân trong một gia đình quan lại nhỏ, nhà nghèo nhưng rất thông minh, 9 tuổi đã hiểu âm vận, mười lăm tuổi đã bắt đầu làm thơ. Ông chủ trương thơ phải gắn bó với đời sống, phản ánh được hiện thực xã hội, chống lại thứ văn chương hình thức. Ông thường nói: "Làm văn phải vì thời thế mà làm... Làm thơ phải vì thực tại mà viết, mục đích của văn chương là phải diễn đạt tình cảm của nhân dân”. Thơ ông mang đậm tính hiện thực, lại hàm ý châm biếm nhẹ nhàng kín đáo. Họ Bạch chủ trương thơ ca phải giản dị để dân chúng đều hiểu được; tình cảm, tư tưởng phải giàu tính nhân dân, nói được nỗi lòng của mọi người trước thế sự. Thơ ông rất trữ tình. Khi ông bị đi đày từ Tràng An đến Tây Giang, ba bốn ngàn dặm, dọc đường thấy trường học, chùa chiền, quán trọ, hồ sen… đều có đề thơ của mình.

Một ngày mùa Thu, tiễn bạn trên bến sông, Bạch Cư Dị buồn lắm, buồn đến nỗi rượu Tầm Dương uống mãi không say. Tửu lượng của ông rất kém. Ông lại không thích uống rượu một mình. Khi tiếp bạn bè hoặc tiễn người thân, ông cũng chỉ uống cầm chừng. Tại sao hôm nay ông uống nhiều và uống mãi không say? Đó là kỹ thuật tả nỗi buồn của ông khi tiễn bạn: buồn mãi không thôi (uống mãi không say). Hãy thử đếm xem có bao nhiêu yếu tố buồn trong bài 秋江送客 Thu Giang Tống Khách:

1/ chim hồng lũ lượt bay đi (buồn)
2/ vượn hú sầu (buồn)
3/ thuyền đơn côi (buồn)
4/ chia tay nhau (buồn)
5/ mưa dầm (buồn)
6/ mây chắn buồm (buồn)
7/ rượu uống mãi chưa say (buồn)
8/ khói sóng (buồn)

Trong 8 câu thơ, câu nào cũng có yếu tố buồn. Hiển nhiên nó là một con yêu tinh chuyên gây buồn (buồn đến nỗi uống rượu Tầm Dương mãi không say).

Nguyên tác      Dịch âm                     Dịch nghĩa

秋江送客 Thu Giang Tống Khách   Sông thu tiễn khách

秋鴻次第過 Thu hồng thứ đệ quá,    Mùa thu chim hồng lần lượt bay qua,
哀猿朝夕聞 Ai viên triêu tịch văn.   Vượn sáng kêu thảm thiết
是日孤舟客 Thị nhật cô chu khách, Ngày ấy khách trên thuyền trơ trọi
此地亦離群 Thử địa diệc ly quần.   Nơi đây cũng là nơi chia đàn
蒙蒙潤衣雨 Mông mông nhuận y vũ, Mưa ướt thấm vào
áo 漠漠冒帆雲 Mạc mạc mạo phàm vân. Mây man mác ngăn buồm
不醉潯陽酒 Bất tuý Tầm Dương tửu, Rượu Tầm Dương không say
煙波愁殺人 Yên ba sầu sát nhân.        Khói sóng buồn chết người

Dịch thơ:

Sông Thu Tiễn Khách

Chim hồng bay lũ lượt
Vượn hú thê thảm buồn
Ngày ấy thuyền côi lướt
Đất này chia tay luôn
Mưa dầm dề áo ướt
Mây man mác ngăn buồm
Rượu Tầm Dương chưa khướt
Khói sóng sầu ngập hồn.

Lời bàn

Xuân, hạ, thu, đông, mùa nào cũng tốn nhiều giấy mực của thi nhân. Nhưng dường như cảnh mùa thu đa dạng và đậm nét hơn cả. Gió thu, mây thu, mưa thu, nắng thu, hồ thu, trăng thu, lá thu, rừng thu, chiều thu, đêm thu.... loại thu nào cũng xuất hiện trong cả ngàn bài thơ bất hủ. Nếu tiễn bạn trong mùa thu thì cảnh tiễn đưa sẽ buồn hơn. Bài thơ này quá buồn vì nó thắp nỗi buồn chia ly trên sông thu trong một ngày gió mưa dầm dề, vượn kêu thê thảm, chim hồng lũ lượt bay đi.

Tất cả 8 câu đều tả nỗi buồn. Câu 7 không có chữ buồn mà lại buồn hơn cả, buồn đến nỗi uống mãi cũng chưa say (tuy rằng tửu lượng rất kém).

 Con Cò
***
Trên Sông Tiễn Khách

Thu về hồng hạc vút bay mau
Vượn nhớ ai? Đang thảm thiết gào
Ngày đó người đi thuyền lướt gió
Nơi này kẻ ở buốt lòng đau
Mưa rơi áo ướt hồn châu đẫm
Mây thấp trời u gió đẩy sầu
Chén rượu Tầm Dương giờ lẻ bạn
Buồn theo khói sóng toả lan cao

Kiều Mộng Hà
8.31.2024
***
Sông Thu Tiễn Khách

Lũ nhạn thu ngang đây,
Sớm buồn vượn hú hoài.
Đúng ngày thuyền vắng khách,
Cũng chốn bạn chia tay.
Mưa phất phơ dầm áo,
Buồm mờ mịt phủ mây.
Rượu Tầm Dương nửa tỉnh,
Khói sóng chết lòng này.

Mỹ Ngọc phỏng dịch.
Aug. 31/2024.
***
Tiễn Khách Trên Sông Thu

Chim hồng tung cánh hướng nam bay
Vượn hú đau thương đêm lẫn ngày
Người khách trên thuyền cô độc ẩm
Xa xôi đất lạ rượu không cay
Y trang mưa phất vai lưng đẫm
Buồm chắn mịt mùng dưới đám mây
Chén rượu Tầm Dương ta uống cạn
Sóng thu đêm lạnh quạnh hiu say

Thanh Vân
***
Sông Thu Tiễn Khách

Trước sau, hồng hộc lướt
Sớm tối vượn buồn than
Ngày đó thuyền đơn khách
Nơi đây chốn sẻ đàn
Dầm dề mưa ướt áo
Man mác mây buồm ngăn
Không khướt Tầm Dương tửu
Chết người khói sóng loang!

Trước sau hồng hộc bay ngang
Sớm chiều nghe tiếng vượn than não lòng
Thuyền ngày đó khách phòng không
Nơi đây cũng chốn quạnh mông sẻ đàn
Dầm dề mưa ướt áo dần
Cánh buồm man mác mây ngăn chặn đường
Chẳng say chén rượu Tầm Dương
Buồn trông khói sóng sầu vương chết người!

Lộc Bắc
***
Bạch Cư Dị 白居易 Bái Jū Yì
Nguyên tác: Phiên âm: Dịch thơ:
秋江送客    Thu Giang Tống Khách   Tiễn Khách Trên Sông Thu

秋鴻次第過 Thu hồng thứ đệ quá       Lần lượt chim hồng vắng,
哀猿朝夕聞 Ai viên triêu tịch văn      Sáng chiều vượn ỉ ôi.
是日孤舟客 Thị nhật cô chu khách    Khách thuyền thấy cô độc,
此地亦離群 Thử địa diệc ly quần       Chia tay đất xa xôi.
蒙蒙潤衣雨 Mông mông nhuận y vũ  Mưa phùn thấm ướt áo,
漠漠冒帆雲 Mạc mạc mạo phàm vân Mây mù chắn thuyền trôi.
不醉潯陽酒 Bất túy Tầm Dương tửu  Không say Tầm Dương rượu
煙波愁殺人 Yên ba sầu sát nhân        Sương sóng chán chết thôi.

Bạch Thị Trường Khánh Tập - Đường - Bạch Cư Dị 白氏長慶 集-唐-白居易
Bạch Hương Sơn Thi Tập - Đường - Bạch Cư Dị 白香山詩集-唐-白居易
Thạch Thương Lịch Đại Thi Tuyển - Minh - Tào Học Thuyên 石倉 歷代詩選-明-曹學佺
Ngự Định Toàn Đường Thi - Thanh - Thánh Tổ Huyền Diệp 御定全 唐詩-清-聖祖玄燁

Ghi chú:

Thu hồng: ngỗng mùa thu, trong cổ thi thường tượng trưng cho sự chia tay
Triêu tịch: buổi sáng và buổi tối, ngày và đêm, cả ngày
Mông mông: mưa phùn, mưa mỏng nhẹ
Mạc mạc: mây mù, mây bủa mờ mịt
Tầm Dương: tên sông, khúc sông Dương Tử/Trường Giang chảy qua một phần phía bắc của thành phố Cửu Giang, tỉnh Giang Tây; Bạch Cư Dị trong bài Tỳ Bà Hành: Tầm Dương giang đầu dạ tống khách 潯江头夜送客 Đêm tiễn khách trên đầu sông Tầm Dương.

Dịch nghĩa:

Tiễn Khách Trên Sông Thu

Mùa thu chim hồng lần lượt bay về nam,
Vượn kêu thảm thiết cả ngày đêm bên bờ sông.
Ngày ấy khách trên thuyền càng cảm thấy cô đơn,
Vì nơi đây cũng là đất lạ quê người.
Mưa phùn lất phất làm ướt áo quần,
Mây mờ man mác chắn cánh buồm.
Ta không say vì chén rượu Tầm Dương,
Mà buồn chết người vì khỏi sóng trên sông.

Seing a Friend off on the River in Autumn by Bai Ju Yi

Pink wild geese fly South one by one,
Apes cry sadly all day on the river banks.
That day the traveller feels more lonely,
As it is quite far away from home, a place to say farewell.
The rain drizzles wet the clothes,
The light clouds obtruct the sail.
The wine of Xun Yang does not make me drunk,
But the fog and waves on the river bring me down with sadness.

Phí Minh Tâm
***
Góp ý:

哀猿朝夕聞=ai viên triêu tịch văn. 猿=viên là con gì?

猿=viên là ape trong Anh ngữ, grand singe hay singe sans queue trong Pháp ngữ, và khỉ không đuôi trong Việt ngữ. Chúng là các con vượn, tinh tinh, đười ươi của người Việt

Khỉ trái lại là 猴=hầu và thường là tên chung cho các loài khỉ có đuôi. 猴=hầu là một từ tương đối mới trong chữ viết của Hoa Lục vì có dạng tiểu triện nhưng không có dạng kim văn hay giáp cốt văn. Thế có nghĩa là người Hán đã biết đến khỉ có đuôi khá lâu nhưng không có nhu cầu tạo chữ viết sớm; một phần có lẽ vì hai loài khỉ có đuôi: khỉ Rhesus (M. mulatta) và khỉ Tây tạng (M. thibetana) chỉ hiện diện ở phía nam Trường Giang và ít người Hán biết đến cho tới khi chiếm được đất của Ngô và Sở.

Chữ 猿=viên chỉ xuất hiện lần đầu tiên trong từ điển Ngọc Thiên (玉篇, tk.6); sự kiện này cho ta thấy là người Hán chỉ biết đến con vượn từ thời Trung Cổ, và lý do dễ hiểu là vì vượn chỉ sống ở vùng cực nam Hoa lục, Đài Loan và Đông Nam Á. Đã đành rằng viên phải là con vượn vì đất Hoa Lục không có các giống khi không đuôi tinh tinh hay đười ươi, nhưng câu hỏi người ni đặt ra là các thi nhân thời Đường có biết con vượn chăng hay đang dùng một hình tượng ngoại lai để nói đến một nơi xa xăm, hay đến cảnh đọa đày biệt xứ? Tất cả cái tài liệu chữ Hán người ni đọc về 猿=viên cho thấy là các người viết thời xưa hình như không biết vượn ra sao và chỉ lập lại huyền thoại hay tạo các hư cấu về chuyện vượn biết làm rượu hay hiếp các con mái của loài ... người!

Huỳnh Kim Giám


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét