Thứ Năm, 17 tháng 6, 2021

Làm Thơ Như Hít Thở Khí Trời: Nhà Thơ Như Nguyệt


Hôm ấy là buổi chiều đầu mùa Xuân, bầu trời quang đãng và khí trời tươi mát. Đại hiền triết Socrates và đệ tử quý của ông là Plato đi dạo ven bờ biển, ngoại ô cổ thành Athens, nước xanh như ngọc và sóng bạc đầu chen chúc đổ xô lên bãi cát. Bầy hải âu trắng nhào lộn trên không gian theo vũ điệu mây trời lãng đãng. Hai thầy trò vừa đi vừa thảo luận về những câu hỏi triết lý để tìm giải đáp cho các vấn nạn nhân sinh.

“Sư phụ nghĩ gì về những nhà thơ?” Plato kính cẩn nhìn Socrates hỏi.
“Họ không phải là triết gia.” Socrates buột miệng trả lời không suy nghĩ.
“Vâng, con cũng nghĩ vậy. Nhưng bọn này nguy hiểm lắm.” Plato nhấn mạnh.
“Tại sao?” Socrates nhíu mày hỏi.

“Thưa sư phụ, bọn nhà thơ coi thường thần linh, chế nhạo nhà cầm quyền. Họ có thể mê hoặc quần chúng dễ dàng. Những điều họ viết ra chẳng thể giải quyết được gì cụ thể mà còn có mầm gây tai hại cho xã hội. Chúng ta phải đuổi bọn nhà thơ ra khỏi thành phố lý tưởng của chúng ta. Nếu để bọn này ở lại, cư dân sẽ bị đầu độc vì tác phẩm của họ.” Plato nói một cách rất hùng hồn cho sư phụ nghe.

“Dù sao thì ta cũng phải công nhận rằng có những nhà thơ được linh ứng khi họ sáng tác thi ca. Sáng tác của họ khơi dậy niềm hạnh phúc hay nỗi buồn vô vọng.” Socrates tính nói gì thêm nhưng ông khựng lại, rồi vội vã kéo Plato chạy tránh đợt sóng lớn bất ngờ ào lên bờ như muốn cuốn lôi hai thầy trò ra lòng biển.

Cuộc đàm thoại trên là do tôi tưởng tượng ra từ trí nhớ về quan niệm thơ của Plato và Socrates, hai đại hiền triết văn minh Hy Lạp và Tây Phương. Quan niệm về thơ của Plato có lẽ chỉ thích hợp cho các nhà thơ làm thơ để ca ngợi chủ nghĩa hay lãnh tụ. Với tôi, những nhà thơ hay nhà văn làm thơ viết văn ca ngợi lãnh tụ, vinh danh chủ nghĩa chẳng có gì đáng để ý, thơ và văn của họ chỉ nên quăng vào thùng rác. Chỉ có thơ văn vinh danh vẻ đẹp, ca ngợi tình yêu, tình người mới đáng cho ta chú ý.

Bàn về thơ là việc làm cũ như lịch sử nhân loại, nhưng lại mới như những khám phá tình cờ. Mời bạn đọc bài thơ ngắn sau đây.

Tại  Sao

Tại sao mặt trời chọn tôi để rực rỡ
Tại sao mặt trăng chọn tôi để sáng
Tại sao những bông hoa chọn tôi để nở
Những vì sao chọn tôi để long lanh
Chim chóc chọn tôi để hát vang
Cây cối, cỏ non chọn tôi để có mãi mầu xanh…

Và tại sao
Ở mãi cuối trời kia…
Cả anh cũng chọn tôi để nhớ?

Sau khi nhận và đọc bài thơ “Tại Sao,” tôi chuyển ngay đến vài người bạn và hỏi họ nghĩ gì? Có người bảo bài thơ rất trong sáng cả từ lẫn ý. Người lại bảo bài thơ có chất thiền. Nhưng không ai đoán được tuổi của người làm bài thơ này. Thật ra thì chính tôi cũng không đoán được tác giả đã sáng tác bài thơ này năm bao nhiêu tuổi nếu không được cho biết. Đây là bài thơ của cô học trò Trưng Vương, Sài Gòn, sáng tác năm cô mới 14 tuổi. Tuổi 14 là tuổi các thiếu niên, thiếu nữ bắt đầu tìm hiểu về mình và những người chung quanh. Đây là giai đoạn phát triển sinh lý và tâm lý rất quan trọng cho các thiếu niên cả nam lẫn nữ. Các em tập làm người lớn qua những liên hệ gia đình, học đường và bạn bè. Tuổi dậy thì, 14, cũng là giai đoạn các em bắt đầu mơ mộng về tình yêu và tương lai. Bài thơ “Tại Sao” là một trong những bài thơ cô học trò Như Nguyệt sáng tác lúc còn ở Sài Gòn. Theo tôi, bài thơ biểu lộ bản chất và cá tính của thiếu nữ ôm nhiều ước vọng, rất lãng mạn, thích phiêu lưu trong tình yêu và rất tự tin về mình. Bài thơ có lẽ đã là lời tiên đoán về một định mệnh nhiều nổi trôi trong đời.

Trong bài này tôi sẽ giới thiệu đến bạn đọc và thân hữu về nữ thi sĩ Như Nguyệt, người rời Việt Nam năm 16 tuổi và đã lớn lên ở Hoa Kỳ gần nửa thế kỷ, nhưng vẫn còn say mê thi ca Việt Nam và đã sáng tác gần 2,000 bài thơ và nhiều tuỳ bút bằng tiếng Việt. Tôi đã gặp nhiều người gốc Việt lúc rời Việt Nam lớn hơn Như Nguyệt, nhưng không còn giữ được vốn liếng tiếng Việt như cô gái đang học lớp 10 khi bỏ quê nhà đi biệt xứ. Tính theo tuổi đời thì dù Như Nguyệt sống chưa hết tuổi thiếu niên ở Việt Nam, nhưng tâm hồn cô gắn bó với tiếng Việt không thua gì những người Việt chưa từng xa quê hay khu phố đã sống cả đời người ở Việt Nam. Tôi viết về Như Nguyệt không phải vì cô là nhân vật đã nổi tiếng trong thế giới thi ca nghệ thuật của người Việt Hải Ngoại, nhưng vì sự gắn bó với ngôn ngữ Việt và trái tim rất Việt Nam của cô. Đã từ nhiều thập niên qua, trong những sinh hoạt cộng đồng dù rất giới hạn, tôi luôn luôn nhấn mạnh về sự quan trọng của việc phát triển tiếng Việt trong các cộng đồng người Việt Tha Hương. Chúng ta không nói tiếng Việt hay viết Tiếng Việt như người Việt ở Việt Nam vì văn hoá không cứng ngắc, ngưng đọng, nhưng thay đổi liên tục để thích ứng với những môi trường xã hội mới. Người Anh nói và viết tiếng Anh có rất nhiều khác biệt với người Mỹ, Úc, Gia Nã Đại hay Singapore. Người Việt ở Hoa Kỳ hay các miền đất khác trên thế giới cũng đang, hay sẽ nói và viết tiếng Việt khác với người Việt ở Việt Nam. Tôi không còn nhớ nhà văn nào đã nói rằng đối với những di dân, quê hương chính của họ là tiếng mẹ đẻ của mình. Người Việt Hải Ngoại tìm đến nhau cũng vì tiếng Việt. Tiếng Việt là sợi dây linh thiêng nối buộc người Việt tha hương lại với nhau.

Như Nguyệt là ai?
Hình trong Thông Tín Bạ, 13 tuổi

Tôi chưa hề gặp nhà thơ này nhưng qua những bài thơ và tuỳ bút của cô, tôi sẽ giới thiệu về cô như người tình phiêu lưu với nhiều mâu thuẫn và người có nhiều hệ luỵ về tình yêu. Như Nguyệt làm thơ viết văn rất bộc trực vội vàng. Ngôn ngữ trong thơ và tuỳ bút của cô không chải chuốt, gạn lọc, nhưng là những tâm sự, nhận xét và ghi nhận rất đời thường. Dường như cô làm thơ như đang hít thở khí trời. Tôi mời quý độc giả và thân hữu của tôi tham dự vào mạn đàm với Như Nguyệt sau khi tôi giới thiệu đôi điều về nữ thi sĩ này.

Người Tình Phiêu Lưu Với Nhiều Mâu Thuẫn.
Nhà thơ Như Nguyệt, thiếu nữ, chưa hết tuổi dậy thì đã lao đầu vào những cuộc tình lãng mạn. Mới 14 tuổi mà trái tim đã đầy ắp trí tưởng tượng về những cuộc tình mông lung vô định.

Và tại sao
Ở mãi cuối trời kia…
Cả anh cũng chọn tôi để nhớ?
(Tại sao)

Sau tháng Tư, năm 1975, khoảng từ 125 đến 130 ngàn người Việt chạy trốn quê nhà được chính phủ Hoa Kỳ tiếp nhận và cho tạm dung trong 4 trại lính. Fort Indiantown Gap thuộc bang Pennsylvania là trại lính rất lớn có khoảng 1400 toà nhà bao gồm các khu chung cư, tiệm tạp hoá, nhà thờ và bệnh viện. Vào cuối tháng Năm, 1975, nhóm người Việt đầu tiên được đưa đến trại rồi con số này tăng dần lên đến 20 ngàn người và trại lính đột nhiên trở nên một khu phố đông đảo dân Việt. Dường như hầu hết những người lớn đều hoang mang về tương lai vô định ở Hoa Kỳ. Ai cũng mong có bảo trợ tốt (Sponsor) và chờ ngày rời trại. Lúc ấy chưa có những cộng đồng Việt và những trung tâm thương mại Việt như bây giờ nên ai cũng như ai đều mù tịt về nơi sẽ đến. Thế nhưng, nơi đây đã có những cuộc tình vội vàng và những chia lìa ướt lệ. Trong những cuộc tình vội ấy, ta thấy có bóng dáng một thiếu nữ mang tên Như Nguyệt.
Cô đã nhắc lại một chuyện tình thuở còn ngây thơ ở Indiantown Gap. Dù bảo mình còn ngây thơ chưa muốn thật sự yêu ai, nhưng có lẽ cô đã ôm trong lòng nhiều mơ mộng về tình yêu.

Mười sáu tuổi, tuổi đời còn đẹp quá!
Em dại gì mà đi nói yêu thương?
(Chùm Hoa Dại Anh Hái Cho Em)

Và Như Nguyệt đã nhởn nhơ trong những liên hệ tình cảm một cách rất hồn nhiên.

Một phần đời của em ở Indiantown Gap
Được nhiều người tương tư, trong số đó có anh
(Chùm Hoa Dại Anh Hái Cho Em)

Như Nguyệt kể lại buổi tối trước ngày đám cưới của cô, một người bạn trai gọi cho cô. Người đó nói: “Chắc có nhiều người cuộn mình trong chăn vì N.” Và người thanh niên ấy đã tỏ tình với cô ngay lúc đó. Quá trễ!

Dĩ nhiên là không phải chỉ phái nữ mới gặp trường hợp như Như Nguyệt, nhưng dù nam hay nữ khi được một người khác phái (hay cùng phái) tỏ tình trước ngày đám cưới đương nhiên là điều khó quên. Nhà thơ vẫn giữ kỷ niệm trong hồn và sau này khi nhớ lại người xưa ấy cô đã tâm sự:

Mai em lấy chồng lòng thấy phân vân
Em sắp sang sông bây giờ mới nói
Sao anh không nói thương em lâu rồi?
Để đến bây giờ muộn quá, buồn thôi!
(Mai Em Lấy Chồng)

Đọc thơ Như Nguyệt rồi nghe cô kể về chuyện chồng con tôi tự hỏi nếu cô lấy chồng trễ thì có làm được thơ như cô đang làm không? Nếu Như Nguyệt đã sống thời làm cô sinh viên độc thân thì thơ sẽ ra sao? Thật ra thì câu hỏi này không đáng hỏi vì ở bất cứ không gian hay thời điểm nào nhà thơ vẫn yêu và vẫn lao đầu vào trò chơi tình ái như là chuyện rất tự nhiên.

Lần đầu được hôn…
Nụ hôn ngọt ngào, thơm lừng mùi rượu
Ôi! ngất ngây, ngây ngất nụ hôn đầu
…………….
Những nụ hôn đầu đời
Không ngờ -tuyệt vời- vượt qua ngòai tưởng tượng
Ôi, những nụ hôn đầu đời!
Có sức mạnh làm thay đổi cả cuộc đời em
(Những Nụ Hôn Đầu)

Nhà thơ vẫn trân trọng khi nhắc về một người tình đã qua đời. Trong tim cô dường như mỗi cuộc tình đều đã để lại những dấu ấn tuyệt vời. Và khi bất chợt nhớ về hay nghĩ đến người xưa cô vẫn nâng niu trìu mến.

Tối hôm nay, em nhớ anh xiết bao
Anh trở về, cuồng phong mãnh liệt!
Anh trở về, thiết tha nhắc nhở
Anh trở về … gió bão, cuồng điên
(Thơ Làm Nhớ Một Người)

Không cần biết lý do gì đã cách ly hai người nhưng cô vẫn một lòng trân quý người ngày cũ.

Anh cho em cảm thấy
Em là người hạnh phúc nhất
(Thơ Làm Nhớ Một Người)

Nếu người ấy mang đến hạnh phúc tuyệt vời thì cũng làm nhà thơ tan tác khổ đau.

Nhưng cũng cho em biết
Thế nào là người đàn bà đau khổ nhất dương gian
(Thơ Làm Nhớ Một Người)

Hay:

Đêm thở dài thao thức
Chợt thấy đời hư hao
Còn bao nhiêu năm nữa
Mới thoát khỏi cõi tình
Còn bao nhiêu ngày nữa
Mới thoáng thấy bình yên

Giờ này anh đang ngủ
Lòng đất chắc lạnh lùng
Vĩnh biệt anh yêu dấu
Tình vài năm mà thôi!
(Chợt Thấy Đời Hư Hao)

“Tình vài năm mà thôi.” Đấy là mới yêu có vài năm mà thi sĩ đã viết lên những dòng thơ thống thiết như vậy, còn yêu cả đời thì sao?

Với tôi, nhà thơ chân chính phải có tâm hồn rộng lượng, không ôm thù trách oán ai, không đay nghiến ai và sẵn sàng nhận ra được sai lầm hay lỗi do mình gây ra. Trái tim nhà thơ này quá lớn để chỉ chứa đựng một cuộc tình hay để chỉ yêu một người tình. Như Nguyệt chia tay chồng nhưng không hề đổ lỗi mà còn nhận hết lỗi về mình:

Cũng tại em không còn duyên, hết phước
Nên đành lòng bước ra khỏi đời anh
Cũng tại em thích gió giông, sóng nổi
Cũng tại em, chán cuộc sống an bình
Cũng tại em ngu si chê hạnh phúc
Cũng tại em, lỗi tất cả tại em
(Lỗi Tại Em)

Thường thì ta nhận thức rõ ràng hơn về trời nắng đẹp khi đang phải đi dưới mưa. Đôi lúc Như Nguyệt cũng có chút tiếc nuối:

Chẳng có ai chìu em như anh chìu chuộng em
Chẳng một ai yêu em như anh từng yêu em….
(Không Có Anh Trong Đời)

Điều đáng quý là nhà thơ sẵn sàng chấp nhận hậu quả của những việc mình làm và luôn luôn biết được mình là ai? Biết mình là ai là điều quan trong cho một nghệ sĩ sáng tác bởi vì khi ta biết được ta là ai thì ta không sáng tác như một văn nô hay như người bị lệ thuộc vào một quyền lực bên ngoài. Khi chia tay với chồng cũ, nhà thơ khẳng định rằng cô vẫn là cô và sự chia tay là do chính cô quyết định.

Số phận cho hai ta gặp nhau
Khi hết duyên thì tình mình tan vỡ
Anh là anh và em vẫn là em
Không còn nợ đành chia tay vui vẻ
(Những Nụ Hôn Đầu)

Nếu viết hết về những bài thơ hay tuỳ bút của Như Nguyệt thì bài viết quá dài. Bạn đọc hãy cùng tôi tham dự vào mạn đàm với nhà thơ.

TTM. Chào nhà thơ Như Nguyệt. Xin cô cho tôi và đọc giả biết cô bắt đầu sáng tác thơ, văn từ khi nào?

Như Nguyệt. N thích đọc thơ từ năm lớp 7 (đệ Lục); thích thơ của các nhà thơ tiền chiến như Vũ Hoàng Chương, Nguyễn Bính, Hồ Dzếnh, Xuân Diệu, Đinh Hùng…v.v.. Tập tành làm thơ vào năm 13 tuổi. N còn nhớ mình đứng sát cửa trong phòng có máy lạnh của mẹ N ở trên lầu, mơ mộng nhìn ra cửa sổ và làm bài thơ đầu tiên về mây bay, mây bay…

Về viết văn, N viết Nhật Ký từ năm 14 tuổi, viết Lưu Bút cho các bạn trước khi nghĩ hè, vậy mà cũng có nhiều bạn “ái mộ” cách viết văn của N.

Khi viết thật nhanh một bài viết để đọc cho bố trước khi di quan; ngồi trên xe, trên đường từ nhà đến nhà quàn khoảng 10 phút, N nghĩ rằng nên viết, cho dù viết vội còn hơn là không có; vì gia đình N, các anh chị em của N, N nghĩ chắc sẽ không có ai đứng lên đọc bài điếu văn cho bố N.

Khá lâu sau, nhờ bài viết đó; N mới “khám phá” ra là mình có khiếu viết văn vì thấy mình viết quá nhanh, quá dễ! Thương bố mà nên N viết được khá nhiều trong một thời gian rất ngắn. Khi đọc, có nhiều đoạn N đã nghẹn ngào và có nhiều thân quyến đã cảm động rơi nước mắt!

N có thơ được đăng trong Giai Phẩm Xuân Mê Linh của trường Trưng Vương. Tuổi mới lớn mơ mộng ngất trời! Khi qua Mỹ, N viết thư, trả lời thư cho nhiều người (mấy anh thích đọc thư N ziết quá chời, hihihi). Thỉnh thoảng N có viết vớ vẩn, có làm thơ lai rai cho đến năm 2009; từ năm đó trở đi, N dùng computer để làm thơ, viết lách, mới bắt đầu “sáng tác” nhiều.

TTM. Theo cô, những gì thôi thúc cô sáng tác?

Như Nguyệt. Năm 2009, sau khi bị thua Stock đậm, buồn quá N mới lên mạng. N làm thơ bằng cách gỏ trên phím lóc cóc, nhìn trên screen, chữ nhìn rõ ràng, dễ bôi xóa để viết lại; giúp ý tưởng của N mạch lạc hơn! N nhận ra làm thơ bằng cách này -đánh máy trên keyboard, chữ hiện lên trên big screen- dễ hơn là viết tay nhiều, nhiều lắm! Từ đó N “mê” làm thơ, mê viết tự truyện, đến nay cũng được gần 11 năm.

Mỗi lần buồn bã, thơ hay đến với N hơn thì phải nhưng không nhất thiết là như thế. Rất tự nhiên, từ một chữ hoặc từ một câu, thơ hiện ra từng hàng, từng hàng trong đầu N. Nhiều khi thơ đến khi N đang đi bộ, đang rửa chén, khi vừa mới thức dậy vào buổi sáng, nửa đêm thức giấc .vv…Vào nửa đêm, khi còn đang nằm trên giường hoặc đang lúc đi du lịch, khi thơ bất chợt đến, N làm thơ trong đầu nhưng nếu lười không viết xuống hoặc ra bàn gỏ phím (keyboard) ngay; N sẽ quên!!

TTM. Thưa cô, tính đến hôm nay đã có bao tác phẩm gồm những thể loại nào?

Như Nguyệt. N không đếm -cho đến bây giờ- mình đã làm tất cả bao nhiêu bài thơ, viết bao nhiêu bài viết ngắn… (có thể lên đến gần 2,000 bài). Riêng năm 2010; N có ngồi đếm sơ sơ vì năm đó là một năm rất đặc biệt! N đã làm đến gần 700 bài thơ. Năm đó, không hiểu sao N mê thơ lắm! Thơ đeo đuổi N ngày đêm! Thơ cứ đến tới tấp không cần biết lúc nào, đôi khi làm N bực mình nhưng hầu hết thì N rất vui, chấp nhận thơ! Có những khi N ngồi gỏ đến 4, 5, 6 bài thơ một lúc trong gần 1 tiếng đồng hồ, mấy ngón tay nhức mỏi! Nghĩ đến đâu đánh máy đến đó, may quá N gỏ lóc cóc (typing) trên keyboard nhanh như gió!

Khi làm thơ, viết bài N cứ làm, cứ viết thôi chứ cũng không biết là thơ, bài viết của mình thuộc vào thể loại nào? N làm thơ 4 chữ, 5 chữ, 6 chữ, 7 chữ, 8 chữ, thơ tự do, thơ lục bát. N có thử làm thơ 2 chữ, 3 chữ nữa, hihi…

N không chú ý đến phần kỷ thuật, vần điệu cho lắm. Nghĩ gì cứ viết ra, nhiều lúc còn không đọc lại trước khi gửi đi nữa. Bây giờ thì N đọc lại 2 lần trước khi gửi đi hoặc cứ để ở Draft, từ từ gửi sau. N thích làm thơ hơn vì một bài thơ làm không mất thì giờ nhiều, 5, 7, 15 phút; đôi khi lâu hơn nhưng vẫn nhanh hơn là viết. Mỗi khi viết, N nghĩ gì viết đó, nhưng phải đọc lại mà bài viết thường dài hơn thơ nên mỗi lần đọc lại để sửa, xem lại lỗi chính tả, lỗi đánh máy… mất rất nhiều thời gian. Có mấy người bạn Trưng Vương thích đọc bài N viết (văn xuôi) hơn là thơ của N.

TTM. Theo tôi, tất cả những sáng tác đều chứa đựng một thông điệp dù khi ta viết, có thể ta không đặt vấn đề làm thơ hay viết văn để làm gì? Xin cô cho biết các tác phẩm của cô chuyển đạt những ý tưởng gì?

Như Nguyệt. N nhớ về quá khứ, đến vài mối tình đã qua. N có biết thiền chút chút, có từng đọc nhiều bài giảng, nghe giảng về Tứ Diệu Đế, Bát Chánh Niệm, Cận Tử Nghiệp, biết chút chút về Phật Pháp nên thỉnh thoảng, N có làm thơ về đời sống, về cách xử thế, vô thường, vô ngã, tham sân si..v.v… để tự nhắc nhở mình. Đang buồn thật buồn, thơ làm giảm buồn, thơ giúp N vui. Có nhiều bài thơ N làm, khúc đầu buồn bã, than vãn nhưng khúc sau tươi vui, “bất cần đời” trở lại. Cũng chẳng mong chuyển đạt ý tưởng gì đến ai đâu anh ạ vì N làm thơ… thường là làm cho N. Gửi đi là để chia sẻ, để mọi người có vài phút phù du giải trí. Ngoài ra N chẳng có mong cầu gì khác cả.

TTM. Cô vừa bảo cô làm thơ cho cô, nhưng lại thích gửi đến bạn bè để chia sẻ. Khi ta muốn chia sẻ thì ta phải biết mình có gì để chia sẻ. Xin cô cho biết vài tác phẩm tiêu biểu của mình và cho độc giả biết đôi điều về tiến trình sáng tác các ca bài thơ hay văn như tuỳ bút, thí dụ như hoàn cảnh hay lý do cho mình cảm hứng để sáng tác các tác phẩm này.

Như Nguyệt. Thơ là thơ tình, thơ về đời sống…vv… Văn là bài viết ngắn, tùy bút, kể về những chuyến đi chơi. Nhiều người cũng thích những tấm hình N chụp… N cứ gửi đi chia sẻ, “hobby” của N mà, để “thiên hạ” nếu thích, họ đọc giải trí dăm ba phút phù du. Có nhiều người đã viết cho N nói là N viết thay cho họ, N nói lên được nỗi lòng của họ. Có nhiều người đang thất tình, đọc thơ thất tình của N… chịu quá! Họ viết cho N biết…sao thấy giống tâm trạng của họ ghê. Những bài thơ như “Dẹp tan bản ngã”, “Vô thường sẽ đến”, “Hãy thức tỉnh”, “Nếu biết đời phù vân” .v.v… dù N không có ý “chuyển đạt” ý tưởng ý tiếc gì cả, nhưng nếu ai thích về đề tài này; N mong sẽ giúp người đọc ôn lại, biết thêm một chút về vô thường, sự chết, vô ngã, vô minh..

Sao “cái tôi” tôi còn to lớn quá chừng?
Được ngợi khen vẫn sung sướng, vội mừng!
Bị chê bai vẫn vô chừng buồn bã
Xin dẹp bỏ, dẹp tan tành bản ngã!
——
Đúng với ta nhưng chẳng đúng với người
Cố gắng nhớ, đừng dính vào tranh luận
Càng buông bỏ càng tự do, hòa thuận
Cười hiền từ, “thế à”, tránh thị phi
(Dẹp tan bản ngã)

Đời vô thường lẽ ra em nên hiểu
Sao cắm đầu vào ái dục mà chi?
Cõi ta bà, vòng luân hồi bi lụy
Loay hoay hoài một kiếp sống hư hao

Vì vô minh em đón mời phiền não
Vì vô minh dục ái tưởng thiên đàng
Vì vô minh lo thân mình ích kỷ
Vì vô minh nên cứ mãi mê si
(Hãy Thức Tỉnh)

N cũng có làm một số bài thơ nói lên lòng yêu nước. Hai bài điển hình là “Quê Hương tôi hình cong chữ S” và “Xin tạ lỗi với Hai Bà Trưng”.

Ít khi làm thơ về quê hương
Không có nghĩa tôi không còn nhớ
Không còn thương, còn yêu dấu quê hương....

Độc giả có thể bấm vào các đường giây nối sau để nghe ca khúc đã được nhạc sĩ Ngô Bảo Quốc soạn từ thơ Như Nguyệt và một bài thơ của cô được nghệ sĩ Bích Vương diễn ngâm.

Cuồng Si
Ca sĩ Tâm Thư (nhạc Ngô Bảo Quốc)

Nghệ sĩ Bích Vương ngâm thơ:

TTM. Tôi nghĩ câu trả lời trên của cô có chút mâu thuẫn đấy. Việc in ấn sách ở thế kỷ 21 không còn là phương tiện duy nhất để tác giả phổ biến tác phẩm của mình. Khi cô gửi bài thơ mới cho bạn bè đọc hay cho lên Face Book cũng là hình thức xuất bản tác phẩm. Bây giờ xin cô cho độc giả biết thơ hay văn của tác giả nào cô thích và tại sao?

Như Nguyệt. Hiện tại, N không có Face Book Account, cũng không làm Website riêng cho mình. Đối với nhiều người (và cả N nữa), phải có những quyển sách, những CD thì mới gọi là có “tác phẩm” anh Miên ạ. Nếu những Youtube nhạc phổ thơ của N là “tác phẩm”, thì N có mâu thuẫn thật, vì N có khá nhiều Youtube nhạc phổ thơ. Nhưng so với nhiều người, họ thích tổ chức những buổi ra mắt sách, ra mắt CD rình rang; thì những Youtube của N chả thấm vào đâu.

Từ hồi nhỏ, N đã thích bài thơ “Kỳ Nữ” của thi sĩ Đinh Hùng nhất! N thấy bài thơ này thống thiết quá chừng!

Vì người em có bao phép nhiệm mầu,
Một sợi tóc đủ làm nên mê hoặc.
…..
Em đài các, lòng cũng thoa son phấn,
Hai bàn chân kiêu ngạo dẫm lên thơ.

Văn sĩ thì N thích đọc văn của ông Mai Thảo.

TTM. Nếu được, xin cô chia sẻ đôi điều về mình (tên khai sinh, bút hiệu), và lịch sử đời mình kể từ ngày thơ ấu đến hôm nay.

Như Nguyệt. Quách Như Nguyệt là tên khai sinh, không có tên “bút hiệu”. Nếu đọc những bài viết N viết về bố, về mẹ, 2 con của N, bạn bè của N, thì sẽ hiểu ngay về N, vì N là “open book” mà. Khi viết, N viết rất thật thà, chả dấu diếm gì.

TTM. Dĩ vãng và hồi ức là kho tàng cho nhà thơ nhà văn sáng tác. Cô có kỷ niệm nào vui nhất đời?

Như Nguyệt. N viết về hiện tại rất nhiều, kể chuyện hằng ngày, làm thơ về những chuyện tình vớ vẩn, tưởng tượng, những cảm xúc khi gặp người này, người nọ, tình bạn, tình yêu, gặp lại người xưa, làm thơ cho con gái, thơ tặng cháu ngoại khi con bé mới 2 tuổi; viết, làm thơ cho cả con chó cưng; viết về chuyện chưởng, xi nê, khi đi concert nghe nhạc; viết về cả lúc bị cảnh sát bắt ngừng trên xa lộ (Đừng lạng qua, lạng lại)…v.v. Không nhất thiết N luôn quay về quá khứ, luôn thích hoài niệm đâu anh Miên ạ. Có khá nhiều kỷ niệm vui nên chắc phải mất một thời gian ngồi nghĩ ngợi, tìm xem, cân nhắc xem kỷ niệm nào vui nhất?! Một trong những niềm vui lớn: sau khi sanh ra đứa con gái, niềm vui quá lớn làm cho N không thấy mệt, không thể ngủ nguyên đêm.

TTM. Đấy là bản năng làm mẹ cho cô niềm hạnh phúc ấy. Cô có kinh nghiệm nào bi tráng nhất đời?

Như Nguyệt. N nghĩ mình có khá nhiều kinh nghiệm bi tráng, nhưng bù qua sớt lại; kết cục N vẫn thấy mình là một người rất may mắn so với nhiều người! Mỗi lần đau khổ, đau khổ tận cùng; N đều tìm cách vượt qua và học hỏi được rất nhiều.

Một trong những lúc buồn nhất, nhớ lại, N đã làm bài thơ:

Lâu lắm rồi… tôi không nhớ đến anh
Một mối tình mong manh hơn sương khói
Tối hôm nay tự nhiên tôi lại nhớ
Môi anh mềm, những nụ hôn bốc khói…

Lòng trầm buồn, tôi nghĩ về quá khứ
Nhớ lại ngày anh làm tôi khóc ngất
Chưa bao giờ tôi khóc nhiều như thế
Tình đắm lụy nên tình buồn quá thể
Khóc một lần… vĩnh biệt những nụ hôn!
(Vĩnh Biệt Những Nụ Hôn)

TTM. Cô có những kỷ niệm gì đáng nhớ về những sinh hoạt văn nghệ của mình?

Như Nguyệt. N rất hân hạnh được quen với thi sĩ Trần Vấn Lệ, được ông anh thi sĩ này viết tặng cho nhiều bài thơ rất trữ tình, được gửi tặng nhiều quyển thơ. Chữ viết của thi sĩ tuyệt đẹp! Có nhiều lúc tâm hồn N khô cằn, đọc thơ của thi sĩ; N thấy trái tim mình bớt cằn khô.

N rất cảm kích nhạc sĩ Nguyễn Hữu Tân, anh Tân thấy bài thơ nào có “trăng”, có chữ nguyệt là phổ nhạc. Anh là một người có tâm hồn lãng mạn. Một nghệ sĩ rất nghệ sĩ, tính tình hiền lành, hòa nhã, khiêm nhượng, có tài viết nhạc nhanh rất nhanh, dễ rất dễ!

Cách đây gần 2 năm, N quen được nhạc sĩ Lê Quốc Thắng, nhạc sĩ của bản nhạc “Phố Xa” rất nổi tiếng. Thắng viết email cho N khen bài “Mai Em Lấy Chồng”, nhạc sĩ Nguyễn Hữu Tân sáng tác từ thơ của N.

Mai em lấy chồng (Hà Huệ Mẫn hát)
(bài thơ trong tự truyện “Làm thế nào em vá tim tôi vỡ”)

Từ đó, 2 chị em chúng tôi quen nhau. Ngay lúc này, Thắng đang thực hiện một Album CD gồm có 10 bản nhạc do Thắng phổ thơ của N. N rất vừa ý với Album này, do Thắng giúp làm từ A đến Z. Nhạc sĩ Lê Quốc Thắng vừa là luật sư vừa là nhạc sĩ. Hai chị em, tình nghệ sĩ, tình văn nghệ văn gừng… rất hợp ý với nhau! N thấy hào hứng, rất vui khi có được 1 Album đầu tay để làm kỷ niệm.

Dòng sông tương tư (Kana Ngọc Thúy hát)
Nhạc: Lê Quốc Thắng

Em ở nơi này, dòng sông tương tư
Con sông lượn vòng biết chẩy về đâu?
Em ở nơi này nhớ thương đầy ứ
Chỉ biết cầu mong tình đến nhiệm mầu
(Dòng Sông Tương Tư)

*N thật may mắn, rất hân hạnh được các nhạc sĩ Nguyễn Dũng, Mai Phạm, Văn Sơn Trường, Đỗ Hải, Đặng Vương Quân, Nguyễn Văn Thơ, Ngô Bảo Quốc, Nguyễn Thanh Hùng, Tuyết Phan, Võ Tá Hân, Nhược Thu, Lý Kiến Trung, Trần Thiên Anh, Nguyễn Tuấn, Minh Sơn, Mai Đằng, Phan Vũ Kiên Thanh, Tống Hữu Hạnh, Tuyền Linh viết nhạc cho thơ Quách Như Nguyệt.
Xin chân thành cảm ơn, rất cảm kích, rất biết ơn tất cả các nhạc sĩ.

N có khoảng gần 250 bài thơ được các nhạc sĩ phổ nhạc, hoặc hơn. Trong 250 bản nhạc đó, dĩ nhiên có nhiều bản nhạc nghe rất… đặng, rất hay (đối với N thôi nha, hihi). N định sẽ làm một buổi nhạc vinh danh các nhạc sĩ phổ thơ cho N, cũng chỉ là có ý định thôi nha. Ngoài ra N cảm thấy rất may mắn, hân hạnh được quen với nhiều người “nổi tiếng” mà trước đây nếu không làm thơ thì N không bao giờ có thể quen được. Anh Trần Thu Miên là một (N không biết một chút xíu gì về anh, mà anh lại có ý muốn viết bài về N nên N nghĩ anh là một nhân vật chắc cũng có nhiều người biết đến, hihi..). Trân trọng cảm ơn anh Miên đã có nhã ý muốn viết về N, đã bỏ nhiều thời gian, tâm trí để hoàn tất bài viết này, anh Miên nhé.

Vài tháng nay, nhạc sĩ, thi sĩ, văn sĩ Vũ Hạ có lập ra một mailing list gồm toàn các thi sĩ, nhạc sĩ; N hân hoan được sinh hoạt chung với các anh chị em, quen thêm được nhiều người. N rất vui mừng, hân hạnh được biết anh Liên Bình Định, anh Văn Duy Tùng, cô em Jazzy Dạ Lâm, chị Hạ Đỏ Bích Phượng, anh Nguyễn Thanh Cảnh, anh Vũ Lương Đúng, anh Nguyễn Công Hùng, anh Trần Thu Miên, cô em Trúc Tiên, cô em Thi Hạnh..v.v.. Một số các anh chị N đã biết trước rồi như anh Đỗ Bình, anh Phạm Anh Dũng, anh Mùi Quý Bồng, chị Chúc Anh, chị Ngọc Quyên, anh Chương Hà, anh Đặng Hoàng Sơn, anh Nguyễn Dũng..v..v.
(June 3rd, 2021)

TTM. Cô không nói, thì tôi không biết là cô đã có đến 250 bài thơ được các nhạc sĩ soạn thành ca khúc. Đấy là niềm vui và hãnh diện lớn. Chúc mừng cô. Hầu hết những người làm thơ viết văn ở Hải Ngoại đều là những người sáng tác để nuôi nghệ thuật chứ không kiếm sống được bằng sáng tác. Cô mưu sinh bằng nghề nghiệp nào?

Như Nguyệt. Tuy lấy chồng rất sớm, có con sớm nhưng N đã cố lấy được bằng Cử Nhân Accounting và Management Information System. Khi ra trường, đang làm Accounting vài tháng thì N bị cho thôi việc vì “giỏi” quá! Trên đường lái xe về nhà N đã khóc như mưa, khóc như chưa bao giờ được khóc, khóc thê thảm vì thất vọng về mình quá, thấy sao mà mình quá dở, quá tệ! (thêm một kinh nghiệm buồn trong những lúc buồn nhất trong đời!)

Sau đó, N mới quyết định làm một nghề rất bấp bênh, lãnh lương theo “commission”, chuyên giúp người mua nhà mượn được tiền từ nhà băng. N chỉ còn có 1 con đường cuối cùng để mà đi nên đã cố gắng hết sức mình! Ngoài chịu khó, có khả năng, còn được trời thương nữa, nên sau hơn một năm làm Loan Officer, N mở ra được văn phòng Mortgage Broker. Tổng cộng thời gian N làm nghề đứng trung gian vay tiền cho những người mua nhà, làm việc với thân chủ (clients) và mấy anh, chị địa ốc (realtors) là gần ba năm. Mùa xuân năm 1991, thấy đủ là đủ, hơn nữa vì lo lắng cho thằng con trai vừa đến tuổi dậy thì, sợ nó hư nên N đã quyết định về hưu, không làm nữa.

N không phải đi làm từ năm 1991 cho đến bây giờ. Cảm ơn Thượng Để đã ban cho N một đời sống nhàn nhã, thoải mái như N muốn. Năm 2008, kinh tế nước Mỹ và thế giới xụp đổ! N mất khoảng 70% hơn số tiền chơi chứng khoán. Một số tiền khá khổng lồ! Sự mất mát quá nhanh chóng này cho N thấy rõ sự vô thường của đời sống. Lần đầu tiên N mới hiểu rõ “nghèo” là thế như nào? Thì ra, thật thú vị, giàu nghèo, buồn vui, được mất, khen chê, hạnh phúc hay đau khổ đều từ cái đầu mình ra cả, là do mình suy nghĩ, mình cảm thấy chứ thật sự, sự thật thì không phải thế. Vì buồn, N đã bắt đầu lên Internet, mới bắt đầu viết emails cho bạn bè, bắt đầu khám phá ra thế giới ảo mông lung, đầy cạm bẫy, gặp được nhiều người tốt cũng như bị gặp vài người không tốt. Nếu không thua stock, N đã không trở thành thi sĩ bất đắc dĩ, hihihiiii..

TTM. Nghe cô kể về sự nhàn hạ trong đời sống làm tôi nhớ đến đoạn thơ của tiên sinh Nguyễn Công Trứ:

Tri túc tiện túc, đãi túc, hà thời túc,
Tri nhàn tiện nhàn, đãi nhàn, hà thời nhàn
Cầm kỳ thi tửu với giang sơn,
Dễ mấy kẻ xuất trần xuất thế
(Chữ Nhàn)

TTM. Sống được như cô là hạnh phúc. Thế thì sinh hoạt hàng ngày của cô ra sao?

Như Nguyệt. Rất thoải mái, tà tà, thong dong… Nói chung vì N là “tỉ phú thời gian” mà nên rất phung phí thời gian, không biết dùng thời gian cho hữu hiệu. Chẳng hạn như N dành khá nhiều thời gian cho việc lựa chọn hình do N chụp để post lên với những bài viết “báo cáo” sau những lần đi du lịch, viết kể lể tâm sự đời tui, “mần” thơ, thích xem xi nê… thay vì dùng thời gian để đọc sách, nghe giảng về Phật Pháp, về cách sống sao cho bình an, bớt nóng tính, bớt tham sân si, tập thể dục nhiều hơn.

N đi du lịch mỗi năm ít nhất là một lần. Có khi đi 3, 4 lần trong một năm. Ngày nào N cũng ngủ trưa, tối đến vẫn ngủ rất ngon nên thời gian dành cho ngủ nghĩ khá nhiều, chẳng có thì giờ để làm việc gì “lớn” cả. N biết thế và tự chấp nhận mình, chẳng mong mỏi gì nhiều ở nơi mình.

Hiện tại, N cố sống vui, không làm cho ai buồn, đóng góp cho những tổ chức từ thiện mà N thích. Tập không dậy dỗ, khuyên nhủ hai con nữa vì chúng đã trưởng thành rồi! Bổn phận làm mẹ của N đã xong tự lâu rồi. N dành thì giờ chơi với cháu nhưng không nhận giữ chúng (baby sit). N tập chú ý đến đời sống, lo cho sức khỏe của chính mình hơn. N liên lạc, gặp gỡ các bạn của mình thường xuyên hơn. Hiện N đang tập hạnh lắng nghe, nghe nhiều hơn là nói; nghe với lòng từ ái và cố gắng không cho ý kiến.

TTM. Cảm ơn nhà thơ đã chia sẻ nhiều chi tiết rất thú vị về các sáng tác của mình và quan niệm về thi ca và nhân sinh.

Giáo sư Harold Bloom (https://www.britannica.com/biography/Harold-Bloom) cho rằng ngôn ngữ thi ca là ngôn ngữ gợi hình bóng bảy (figurative language). Mỗi nhà thơ sử dụng ngôn ngữ theo cách riêng của mình. Có người thích dùng biểu tượng, ẩn dụ, hoán dụ, châm chiếm, trào phúng, so sánh, hay nhân cách hoá để diễn đạt hồn thơ của mình. Đa số thơ của Như Nguyệt là ngôn từ bộc trực, tuy vậy cũng có những bài thơ cô dùng biểu tượng để diễn tả tâm trạng mình. Vì số lượng thơ của cô quá nhiều nên tôi chưa có dịp được đọc hết. Khi tôi nghe cô kể là đã có gần tới 2,000 bài thơ, tôi giật mình kinh ngạc. Nữ thi hào Hoa Kỳ, bà Emily Dickinson (https://www.emilydickinsonmuseum.org), người tôi kính phục vì cách sử dụng ngôn ngữ và hồn thơ của bà xuất phát từ cảm nghiệm đời sống quanh mình cũng chỉ có được khoảng trên dưới 1,800 bài thơ và số bài thơ được xuất bản thời bà còn sống thì rất ít. Nghệ thuật đòi hỏi nghệ sĩ sáng hay biểu diễn phải làm việc liên lỉ để cải tiến và hoàn thiện tác phẩm hay cách biểu diễn của mình. Nhà thơ Như Nguyệt đã có số lượng thơ nhiều đáng kể, tôi nghĩ, nếu cô bỏ thời giờ đọc lại rồi trau chuốt thêm, các tác phẩm của cô sẽ là những đóng góp tốt đẹp vào việc phát triển văn học nghệ thuật và văn hoá Việt Nam Hải Ngoại.

Theo tôi, thơ văn là những món quà ta tặng cho đời, là những đoá hoa làm đẹp tình người. Nếu ngày nào nhân loại không còn thi ca thì ngày ấy các khu rừng cũng chẳng còn tiếng chim ca. Tôi nghĩ, cái đẹp của thơ là cái đẹp của tâm hồn, của trái tim. Ngôn từ đẹp không làm đẹp được tâm hồn, và cũng không làm đẹp được ý thơ.

Trần Thu Miên


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét