Thứ Sáu, 18 tháng 6, 2021

Covid - 19 Và Vấn Đề Xã Hội

1) Chủng ngừa Covid-19:

Tính đến hôm nay tôi đã được chủng ngừa Covid-19 và hệ miễn dịch bắt đầu có hiệu quả. Hiện nay có ba loại thuốc chủng ngừa Covid-19 được nhắc tới và sử dụng ở Hoa Kỳ. Pfizer: được tiêm làm 2 đợt cách nhau 13 tuần lễ; Moderna: được tiêm làm 2 đợt cách nhau 14 tuần lễ; và Johnson & Johnson: chỉ tiêm một lần. Và gần đây bộ y tế Mỹ thử nghiệm thêm loại chủng ngừa Covid-19 nữa là AstraZeneca. Moderna là loại chủng ngừa coronavirus mà tôi được tiêm, chia làm 2 đợt cách nhau 4 tuần lễ. Đợt tiêm đầu (ngày 11 tháng 2) không có nhiều phản ứng phụ, chỉ đau "rêm rêm" cánh tay vài ngày. Đến đợt 2 (ngày 12 tháng 3) thì cơ thể có nhiều phản ứng và "bị hành" dữ dội. Hôm chích ngừa đợt hai, tôi bị nóng sốt cao và cơ thể khó chịu không ngủ được cả đêm hôm đó. Ngày hôm sau, thân thể mệt mỏi rã rời và lúc nào cũng cảm giác ớn lạnh, đầu óc trĩu nặng. Thường thì tôi hay tắm vào lúc sáng sớm, nhưng hôm đó thì chỉ "trùm mềm" không dám bước xuống khỏi giường ngủ. Theo lời dặn của nhân viên y tế, tôi uống Tylenol liên tục, cách nhau mỗi 6 giờ. Cổ họng khô và đau nên cũng không màng ăn buổi sáng và cả buổi trưa. Nằm liệt giường và ngủ chập chờn đến khoảng gần 5 giờ chiều, thì tôi cảm thấy dễ chịu hơn, cơ thể đổ mồ hôi và bớt ớn lạnh. Bằng mọi cố gắng tốc mềm ngồi dậy, tôi quyết đi tắm bằng nước nóng. Quả thật như vậy, sau khi tắm trong bồn bằng nước nóng tôi thấy tinh thần "phấn chấn" hơn rất nhiều, mặc dù cơ thể vẫn còn mệt mỏi. Buổi chiều cố ăn một chén cháo trắng với thịt kho khô và tiếp tục uống Tylenol. Đêm thứ hai bớt nóng sốt và ngủ yên giấc hơn. Đến ngày thứ ba thức dậy sớm, thấy dễ chịu và chỉ cánh tay là còn đau nhức thêm vài ngày nữa mà thôi.

Moderna vaccine / Pfizer vaccine / J&J vaccine

Như vậy là đợt chích ngừa lần 2 của Moderna Covid-19 đã "hành" tôi gần đúng 2 ngày! Tuy nhiên nói theo phương thức y học thì đây là điều rất tốt. Vài ngày "nóng lạnh" cho thấy cơ thể đã phản kháng, chống lại chủng ngừa coronavirus xâm nhập vào cơ thể. Như một cuộc tập trận, cơ thể bạn "làm quen" với chiến trường, nâng cao hệ miễn dịch đối với Covid-19. Nếu các bạn đã được chủng ngừa coronavirus tôi tin rằng các bạn cũng trải qua những phản ứng như vậy? Hay nếu các bạn chưa được chủng ngừa, thì đây cũng xem như là kinh nghiệm của người đi trước, để các bạn yên tâm và chuẩn bị tinh thần! Và phải 2 tuần (14 ngày) sau khi chủng ngừa Covid-19 (đợt 2) thì hệ miễn nhiễm của các bạn mới bắt đầu có hiệu lực! Trong giai đoạn hiện nay chủng ngừa chỉ giúp sức đề kháng, hệ miễn dịch cá thể nên tôi vẫn phải tiếp tục đeo khẩu trang nơi công cộng, để bảo vệ việc lây nhiễm xã hội cho đến khi toàn thể nước Mỹ được chủng ngừa Covid-19.
Những ngày nằm "co ro", liệt giường vì bị hành tôi mới thấy cuộc đời thật đáng sống và cũng thật vô thường. Đáng sống vì giá trị nhân bản, sự kỳ diệu của sáng tạo không ngừng của con người nhằm khắc phục và giải cứu nhân loại trong kiếp nhân sinh. Vô thường vì sinh mạng của chúng ta thật mong manh, nhỏ bé biết chừng nào so với những biến động không ngừng và vô chừng của vũ trụ. Có hay không, buông hay nắm, may hay rủi, vui hay buồn, hạnh phúc hay đau khổ, yêu thương hay thù hận, may mắn hay bất hạnh,... tất cả chỉ là cuộc sống, chỉ là một kiếp người.
2) Covid-19 và vấn đề xã hội:



Vụ nổ súng nhắm vào 3 tiệm massage tại Atlanta tiểu bang Georgia, Mỹ ngày 16 tháng 3 vừa qua khiến 8 người thiệt mạng trong đó có 6 người phụ nữ gốc Á châu. Cuộc thảm sát đã gây chấn động cả nước Mỹ và thế giới trước vấn nạn kỳ thị chủng tộc gia tăng mạnh mẽ. Theo tin của đài Việt ngữ BBC: các vụ kỳ thị mang tính thù hằn nhắm chống người châu Á tăng gần 150% vào năm 2020, hầu hết ở New York, San Francisco và Los Angeles.
Kỳ thị màu da là vấn nạn xã hội vốn đã có từ lâu trong lịch sử của nước Mỹ. Nhưng kỳ thị nhắm vào người gốc Á châu, chừng như bắt đầu xảy ra từ cơn đại dịch coronavirus phát xuất từ Vũ Hán, Trung Quốc. Và gần đây các từ ngữ được gọi như: Dịch Cúm Tàu (China Virus) hay Dịch Cúm Vũ Hán (Wuhan virus) đã tạo nên những ngộ nhận tai hại trong vấn đề kỳ thị người gốc châu Á. Người Mỹ không thể nào phân biệt người Trung Quốc, người Nhật Bản, người Hàn Quốc, người Việt Nam, người Philippine, người Lào, người Thái Lan,... nhìn từ hình dáng bên ngoài. Những cuộc tấn công gây thương tích tại San Francisco, Oakland, New York... cho thấy nạn nhân gốc Á bao gồm nhiều quốc gia khác nhau. Nhưng cho dù thế nào, chúng ta cũng không khỏi những lo ngại vấn nạn kỳ thị người gốc Á châu phát xuất từ cơn đại dịch coronavirus đã và đang xảy ra ở nước Mỹ và cả một số quốc gia Âu châu như Pháp, Anh, Đức...
Không như cơn đại dịch cúm Tây Ban Nha năm 1918, con số người nhiễm bệnh và tử vong chỉ nói lên vấn đề y học của thời đại, không mang màu sắc chính trị và xã hội. Cơn đại dịch coronavirus trong thế kỷ mà nền khoa học hiện đại, công nghệ thông tin toàn cầu đã dẫn đến nạn kỳ thị chủng tộc người Á châu đáng lo ngại. Những thế hệ người di dân, người tị nạn gốc Á tại nhiều quốc gia trên toàn cầu đã và đang đối mặt với những nghi kỵ và phong trào gây thù ghét trong cộng đồng người bản xứ.
Hình ảnh hành hung người gốc Á châu tại Hoa Kỳ

Vào ngày thứ Sáu 19 tháng 3, Tổng thống Joe Biden và Phó Tổng thống Kamala Harris đã kêu gọi người dân Hoa Kỳ đoàn kết chống lại nạn kỳ thị chủng tộc, đồng thời lên tiếng chống lại bạo lực nhắm vào người Mỹ gốc Á. Những tuyên bố được đưa ra sau khi Tổng thống và Phó Tổng thống gặp gỡ các nhà lãnh đạo người Mỹ gốc Á tại tiểu bang Georgia sau khi xảy ra vụ nổ súng ở khu vực Atlanta giết chết 8 người, trong đó có 6 phụ nữ gốc Á, đã nói tầm mức quan trọng và khẩn cấp của vấn đề.
Nhiều tổ chức đoàn thể người gốc Á châu đã lên tiếng bằng những cuộc biểu tình trên các thành phố tại Hoa Kỳ để lên án và kêu gọi chấm dứt hành động thù ghét và kỳ thị này. Tuy đây có thể là hành động của một thiểu số người bản xứ quá khích, nhưng để ngăn chặn và xóa bỏ tư tưởng kỳ thị chủng tộc cũng không phải là "chuyện một sớm một chiều". Tất cả đòi hỏi thời gian và tinh thần đoàn kết trong tập thể của các thế hệ người gốc Á châu tại Hoa Kỳ và các quốc gia cùng khắp thế giới.


Chúng ta đang sống trong thời đại của nền kỹ thuật công nghệ toàn cầu, mong rằng sự phát triển của thuốc chủng ngừa Covid-19 sẽ đẩy lui cơn đại dịch và chấm dứt vấn nạn kỳ thị chủng tộc trong những ngày tháng tới. Đây không phải chỉ cho thế hệ chúng ta mà còn cho thế hệ của con, cháu chúng ta những người gốc Á châu đang sinh sống và đóng góp sức lực, tài năng và trí tuệ vào sự phát triển chung của nhiều quốc gia trên toàn thế giới.

Durham, North Carolina
Nguyễn Hoài Nam

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét