Thứ Năm, 20 tháng 5, 2021

Tiễn Biệt Nữ Họa Ký

 

Bấy giờ vào khoảng cuối thập niên năm mươi thế kỷ trước, tôi còn đang học bậc trung học ở trường Trưng Vương Saigon.

Tôi thường coi tập san Thế Giới Tự Do, một tập san có hình thức đẹp, bài vở, tin tức lạ ở khắp nơi trên thế giới.

Một lần có bài viết không nhớ của ai, giới thiệu nữ hoạ sĩ. Bé Ký, kèm theo mấy bức tranh tốc hoạ đơn sơ nhưng linh động, tôi đọc kỹ và hơi tò mò, vì theo bài giới thiệu thì nữ hoạ sĩ chỉ hơn tôi vài tuổi, mà vẽ tranh tài thế, có ghi ngày tháng triển lãm lần đầu ở Hội Văn Hoá Pháp, trung tâm thành phố.

Thú thật bây giờ tôi chỉ nhớ đường đi tới đó, chứ không nhớ tên đường phố, nhất là sau này đường cũng đã đổi tên. Tan học chiều. Tôi lấy xe đạp, rồi đạp thẳng tới nơi Hoạ sĩ Bé Ký đang triển lãm.

Bấy giờ trời lại hơi mưa mưa.Tôi dựng xe ở hành lang trụ sở Văn Hoá Pháp. Một thiếu nữ mặc áo dài đã đứng đón tôi ở cửa lớn ra vào, cô tươi cười, thân mật hỏi thăm tôi: " Tới xem tranh hả? Sao không rủ bạn cùng đi? "

Tôi ngạc nhiên quá, tới coi tranh thì đúng rồi, nhưng bạn nào đây, tôi có rủ ai đâu, nhất là bạn nữ sinh cùng trường, lớp bấy giờ, thì có nhỏ nào chịu đi coi triển lãm tranh đâu.

Tôi thấy vẻ mặt cô đó giống Nữ Hoạ sĩ Bé Ký trong tờ báo Thế Giới Tự Do, có điều trang phục hoàn toàn khác.

Bé Ký trong báo mặc quần đen, áo bà ba hay áo lá kiểu ngoài Bắc, ngắn ngủn, tóc kẹp sau lưng xuề xoà. Còn thiếu nữ đón tôi ở cửa ra vào phòng triển lãm, thì áo dài lụng thụng, quần satin trắng, cuốn tóc lên cao, đi giầy cao gót. Tôi vui vẻ hỏi cô: "Phải Nữ Hoạ sĩ Bé Ký không ạ?"

Cô ta kéo ngay tôi vào phòng tranh, chiều sắp tối, mưa mưa nhẹ ngoài trời buồn bã, không có ai trong phòng vì chắc giờ nghỉ và là ngày thường, không phải thứ 7, chủ nhật, nên cũng ít có khách coi triển lãm lắm. Không kịp đi vòng quanh phòng triển lãm nữa, cô cứ tíu tít hỏi thăm tôi đi học vui không, sướng không? Còn tôi cũng tíu tít hỏi cô này kia linh tinh, cả hai chúng tôi đều chẳng nói gì về tranh ảnh, vẽ vời gì, mà cứ như là bạn lâu năm gặp lại. Chúng tôi nói cho nhau nghe về cuộc sống riêng, tên, tuổi, số nhà vv...

Tôi được biết Bé Ký đang ở với ông bà hoạ sĩ Trần Đắc, là bố mẹ nuôi và cũng là thầy dạy Bé Ký vẽ lối tốc hoạ, một chuyên ngành vẽ ngó thật bình dân, nhưng có thể kiếm tiền dễ dàng, vì bức vẽ đơn sơ, hay vẽ ngay cho khách xem tranh, là đã có tiền rồi.

Đó cũng là lý do Hoạ sĩ Trần Đắc muốn Bé Ký biét vẽ để tung ra ngoài xã hội mưu sinh cho cả gia đình ông, xin lỗi, vì tôi sắp kể cho quý vị nghe cuộc đời Bé Ký rõ hơn ai hết, khi tôi đã cùng Bé Ký trở thành đôi bạn thân sau cuộc tôi đi thăm phòng tranh Bé Ký triển lãm nêu trên.

Thế là ngày nghỉ học tôi kiếm cách đi thăm Bé Ký ở đường Nguyễn Tri Phương gần ngã bảy Lý Thái Tổ. Tôi đã thấy tận mắt Bé Ký phải làm việc nhà vất vả. Rồi Bé Ký phải cắp một đống tranh tốc hoạ, mang theo một cái túi đựng bút vẽ, mực tàu đen vv... Tất nhiên Bé Ký còn mang theo một túi nhỏ khác để đựng tiền bán tranh.

Nơi Bé Ký sinh hoạt nghề vẽ tốc hoạ đơn giản, thật nhanh của Bé Ký chính là dọc con đường Catina tức đường Tự Do. Bé Ký có thể ngồi nghỉ để bày tranh vẽ cho khách ngoại quốc thưởng lãm.

Phần đông khách trên đường Tự Do thủa đó là người châu Au và nhất là người Mỹ sau này. Lối vẽ của Bé Ký thịnh hành mau chóng, rất được chiếu cố. Những bức tranh mộc mạc cảnh trí, đơn sơ nét vẽ, nội dung hình thức mang sắc thái dân tộc tính Việt Nam.

Một lần kia, có một khách du người Mỹ, đã mua khá nhiều tranh rồi, còn nhờ Bé Ký vẽ ngay cho khách bức vẽ ông ta đứng ở ngã tư đường Tự Do và Lê Lợi, trước cửa toà nhà Quốc Hội.
Số tiền thu được khá rồi, Bé Ký thấy tờ 20 $ mới và đẹp quá, đã cất riêng, không để chung trong cái túi tiền mà buổi tối sẽ phải đưa hết cho bà Trần Đắc kiểm nhận.

Buổi nào bà cũng khám coi Bé Ký có đưa cho bà đủ số thu không, nên hôm đó bà đã lần khắp người Bé Ký, để lấy tờ hai chục mới đẹp nêu trên, ở lưng quần đen thường nhật của Bé Ký. Chúng tôi vẫn bình thường liên lạc.

Cho tới khi tôi học nội trú 3 năm ở trường soeurs Thevenet , Bé Ký cũng đã qua giai đoạn còn tuổi trẻ nghiệt ngã. Hoàn cảnh khó khăn hơn về riêng tư thiếu nữ. Vì tôi đã ra trường và đổi ra miền Trung, tạm thời không có liên lạc với Bé Ký.
Vốn tôi tham gia công tác xã hội trong Quân Lực VNCH, nên ngày miền Nam bị cộng sản lấn chiếm, tôi cũng bị đi tù cải tạo mấy năm. Khi ra tù cải tạo, tình cờ tôi đến nhà chị tôi ở Đa Kao, chị tôi nói Bé Ký ở đường gần nhà chị.

Tôi đã gặp lại Bé Ký.
Và rất mừng là Bé Ký hoàn toàn khác xưa một trời một vực. Tôi mừng cho bạn. Đồng thời chúng tôi có dịp hàn huyên tưởng không sao kể hết sự tình. Bấy giờ tôi được biết Bé Ký là phu nhân của Hoạ sĩ tên tuổi Hồ Thành Đức, vị hoạ sĩ chuyên vẽ tranh sơn mài, một loại tranh mà thực hiện tốn kém nhất.

Nói trắng ra, loại tranh phải có vàng mới lên nổi hoạ phẩm tốn công, tốn của, dềnh dàng, và bề thế. Họa sĩ Hồ Thành Đức còn là một nghệ sĩ chân tình và hiếu khách. Qua câu chuyện của ông kể lại giai đoạn ông gặp Bé Ký.
" Tôi, Hoạ sĩ Hồ Thành Đức nói, cưới Bé Ký làm vợ , mà cái lý do duy nhất đúng, chính là tôi, Hồ Thành Đức , với Bé Ký cùng mồ côi . Phải cùng mồ côi mới thông cảm và thương nhau hết lòng..."

Cao Mỵ Nhân tôi rất cảm kích câu nói này.

Nhà ở và cơ sở làm tranh của nhị vị hoạ sĩ Bé Ký , Hồ Thành Đức rất rộng rãi, toạ lạc tại đầu đường Phan Thanh Giản Saigon, gần Đa Kao,
Bé Ký được Hồ Thành Đức hỗ trợ, đã làm mới hơn, tân tiến hơn, khoa học hơn các bức tốc hoạ đơn điệu xưa, đã mang nhiều mầu sắc hội hoạ hơn .
Đồng thời tôi cũng ngắm nghía những tác phẩm hội hoạ sơn mài của Hoạ Sĩ Hồ Thành Đức.
Quả là đồ sộ và bề thế . Thí dụ Hoạ sĩ Hồ Thành Đức phóng hoạ 5 bức sơn mài về 5dáng vẻ phụ nữ, mà mỗi nữ nhân là một phong cách chuyên chở một tâm trạng khác nhau.
Tôi nói đùa với ông bà Hồ Thành Đức & Bé Ký là: " tranh Hồ Thành Đức phải treo ở cung điện cấp quốc tế ".

Có thể nói Bé Ký, Hồ Thành Đức rất hiếu khách, tất nhiên cũng chút nào nghề nghiệp. Nhưng tôi thấy cặp Hoạ Sĩ này quả là chân tình, mỗi lần có khách nước ngoài tới thăm phòng tranh và đặt tranh của ông bà, đều được Hoạ Sĩ mời ra Đa Kao ăn uống ngon lành, vui vẻ .

Bé Ký , Hồ Thành Đức cũng tốn khá nhiều của cải cho cái gọi là thể chế mới ở VN sau 30 -4 - 1975.
Cũng tốn nhiều cho việc đi tìm tự do. Nhị vị Hoạ Sĩ này qua Hoa Kỳ trước tôi cũng vài năm, con cái đã thành đạt, toàn bộ đại gia đình vui vẻ, lạc quan.


Bỗng tôi hay tin Nữ Hoạ sĩ Bé Ký đã mệnh chung ngày 13 - 5 - 2021 vừa qua.
Hồ Thành Đức ở cạnh Bé Ký, cho tới lúc Bé Ký hoàn toàn yên nghỉ trong tư gia ở Nam Cali.
Thật là buồn trước những tin báo tử biệt sinh ly,

Xin thắp nén hương xa gởi Hoạ Sĩ Hồ Thành Đức và quý quyến, để vô cùng thương tiếc Bé Ký, người Hoạ sĩ lừng danh , bạn tôi, một thời nào hồn nhiên, đầy kỷ niệm , cầu nguyện cho hương linh Bé Ký thanh thản về cõi vĩnh hằng .

Hawthorne 18 - 5 - 2021
Cao Mỵ Nhân

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét