Thứ Sáu, 21 tháng 5, 2021

Nhạc Sĩ Đan Thọ: Một Đời Cho Nghệ Thuật

 

Như nhà thơ, nhạc sĩ Nguyễn Đình Toàn nhận xét: “… nhạc của ông, vui hay buồn đều chừng mực, lãng mạn nhưng không có vẻ ủy mị, đắm đuối, và nhất là luôn toát ra vẻ lịch sự, sang trọng”, những nốt nhạc cung Fa trưởng mở đầu cho bản Chiều Tím của Đan Thọ rồi chuyển nhẹ sang Ré thứ với tiết điệu Valse Lente man mác hoài nhớ:

… Chiều tím chiều nhớ thương ai, còn thương nhớ hoài
Đàn ơi nhắn dùm người đi phương nao
Nếp chinh bào biếc ánh sao.

Chiều Tím, chính nhạc sĩ Đan Thọ cho biết, có lời ca do nhà thơ Đinh Hùng viết chứ không phải là thơ phổ nhạc, theo tác giả Nguyễn Đình Toàn ghi lại. Đan Thọ kể lại rằng, trong một bữa uống cà phê tại La Pagode, Đan Thọ đã đưa bản nhạc vừa viết xong của mình cho Đinh Hùng và Thanh Nam coi. Đinh Hùng nói, “moi biết chơi mandoline, để moi viết lời ca cho”. Khi Đinh Hùng viết xong lời ca, ba người gặp lại nhau, Thanh Nam đề nghị đặt tên là Chiều Tím. Ca sĩ trình bày Chiều Tím đầu tiên trên làn sóng điện là Anh Ngọc.

Đó là những kỷ niệm của nhạc sĩ Đan Thọ hơn nửa thế kỷ trước tại Saigon. Ông là một nhạc sĩ tài ba, chơi được nhiều loại nhạc cụ khác nhau, nhưng nổi tiếng nhất với ngón đàn violin điêu luyện và tiếng kèn saxophone điệu nghệ, mà trong số báo tuần này, sau nhiều tháng ngày ấp ủ, Thế Giới Nghệ Sĩ hân hạnh được vinh danh sự nghiệp âm nhạc của ông.

***
Đan Thọ tên thật là Đan Đình Thọ, sinh ngày 21 tháng 6 năm 1924 tại Nam Định, Bắc phần. Cũng vào năm này, trường sư phạm Saint Thomas D’Aquin thuộc dòng Lasan khai giảng niên khóa đầu tiên tại Nam Định và hoạt động cho đến năm 1941 thì bàn giao cho dòng Đa Minh.

Đến tuổi trung học, Đan Thọ theo học tại trường Saint Thomas D’Aquin trong khoảng từ năm 1936 đến 1941. Lúc này, có sư huynh Maurice dạy Đan Thọ đàn vĩ cầm. Từng có một thời dưới mái trường Lasan, khi Trần Quốc Bảo tổ chức những đêm “Nhớ Ơn Thầy” trong thập niên 1990 tại vũ trường Ritz của Ngọc Chánh ở Nam California, nhạc sĩ Đan Thọ đều tham dự và vui vẻ trò chuyện với các frères dòng Lasan dù tuổi đời họ nhỏ hơn ông.


Nhạc sĩ Đan Thọ đang vui mừng trò chuyện với frère Cosme Tuân và frère Trần Trọng An Phong trong đêm Lasan Hội Ngộ “Nhớ Ơn Thầy” kỳ 3 do Trần Quốc Bảo tổ chức ngày 26 tháng 12 năm 1990 tại vũ trường Ritz của NS Ngọc Chánh (Photo: TQB)

Từ năm 1942 đến 1945, Đan Thọ học hòa âm và sáng tác với các giáo sư Tạ Phước và Vũ Đình Dự. Năm Ất Dậu 1945, nhiều biến cố đời sống khó quên trong đời người nhạc sĩ vừa trưởng thành. Ông bắt đầu đàn violin cho phòng trà Thiên Thai của nhạc sĩ Hoàng Trọng ở Nam Định. Cùng năm đó, ông lập gia đình với một thiếu nữ Hà Nội mới 16 tuổi, cho dù gia đình nàng Nguyễn Thị K. Thanh (sinh năm 1929) có phần e dè khi biết con gái sắp thành thân với một nhạc sĩ. Thế nhưng ông bà sống với nhau cho tới ngày nay răng long đầu bạc, cùng nuôi dạy nên người một con trai và ba con gái.

Nhạc sĩ cùng thời với Đan Thọ có Hoàng Trọng, Nhật Bằng, Hoàng Giác, Ngọc Bích, Canh Thân… Năm 1948, Đan Thọ gia nhập Ban Quân Nhạc Đệ Tam Quân Khu Hà Nội cùng với các tên tuổi khác như Văn Phụng, Nguyễn Hiền, Nhật Bằng… cho đến năm 1954 khi Hiệp Định Genève chia đôi đất nước. Trong thời gian này, ông được quân nhạc trưởng Schmetzler hướng dẫn về kèn. Ngoài những sinh hoạt trong ban quân nhạc, Đan Thọ cùng nhạc sĩ Nguyễn Túc từng trình diễn tại nhiều phòng trà ở Hà Nội.

Năm 1954, ban quân nhạc cùng gia đình ông di cư vào Nha Trang. Khi vào tới Saigon năm 1956, Đan Thọ được mời cộng tác ngay với vũ trường Đại Thế Giới, và ông tiếp tục trau giồi môn kèn với nhạc sĩ Mano Umali người Phi Luật Tân.

Nhà văn Bích Huyền, trong chương trình Câu Chuyện Thơ Nhạc phát thanh đầu năm 2010 trên Đài Tiếng Nói Hoa Kỳ VOA, đã giới thiệu những sáng tác thời kỳ mới di cư vào Nam của nhạc sĩ Đan Thọ:

Những nhớ nhung thương tiếc về nơi chốn cũ và những kỷ niệm dấu yêu được Đan Thọ ghi vào những tác phẩm của ông. Có người cho rằng, cứ nghe nhạc của một dân tộc, có thể biết được dân tộc đó có cuộc sống như thế nào, bởi vì âm nhạc không những phản ảnh những tình cảm gần gũi nhất của con người mà nó còn ghi lại những gì đang và đã xảy ra trong lịch sử của một dân tộc nữa. Cho nên, không có gì ngạc nhiên khi biến cố 1954, đất nước Việt Nam thân yêu của chúng ta bị chia ra làm hai thì hầu như đa số các bài hát sáng tác trong thời gian đó đầy ắp tình hoài hương của các nhạc sĩ di cư từ Bắc vào Nam. Cùng với nhạc sĩ Xuân Tiên, Đan Thọ viết ca khúc Xa Quê Hương, và với Nhật Bằng, Đan Thọ viết Bóng Quê Xưa trong niềm đau chia cắt, trong niềm thương nhớ quê hương đất Bắc, nên mỗi bài nhạc viết ra đều thấm đẫm một nỗi buồn tình quê hương chan chứa trong lòng người ra đi…

Một trong những ca khúc nữa của Đan Thọ được nhiều người yêu mến, đọng lại trong lòng người nghe là Tình Quê Hương… Dù quê hương của mỗi người sinh ra hoặc lớn lên, ở đó có lẽ có một chút gì đó khác nhau. Nhưng có lẽ ở đất nước chúng ta, quê ai hình như cũng có một con đường làng, một dòng sông nhỏ, một con đê, những ao hồ, những cánh đồng thẳng cánh cò bay. Và nơi đó hình ảnh mẹ già, người em nhỏ là những hình ảnh thương yêu nhất ở lại khi người chiến sĩ lên đường, cho nên bài thơ của Phan Lạc Tuyên được Đan Thọ chọn phổ nhạc cũng không là lạ, và bài hát Tình Quê Hương ấy là một bản tình ca thật là đẹp ca ngợi tình nước, tình riêng của âm nhạc Việt Nam…

Trước 1975 tại Saigon, Đan Thọ vô cùng bận rộn với sinh hoạt tại đài phát thanh, truyền hình và chơi nhạc hàng đêm ở các phòng trà. Đặc biệt, năm 1962 khi có lệnh cấm khiêu vũ, một ban nhạc của vũ trường Đại Nam tiên phong đổi qua trình diễn nhạc Jazz với thành phần nhạc sĩ nổi danh như: Văn Hạnh, Lê Văn Thiện, Huỳnh Anh, Đan Thọ. Riêng Đan Thọ có dịp cho khán giả Việt Nam thời đó thưởng thức tiếng kèn saxo quyến rũ của ông qua dòng nhạc Jazz tương đối mới mẻ với người thưởng ngoạn.

Cuối thập niên 1960 ông gia nhập ban Shotguns của nhạc sĩ Ngọc Chánh và tiếp tục trình diễn tại nhiều phòng trà, vũ trường cho tới ngày mất nước.

Gia đình Đan Thọ kẹt lại Việt Nam đến 1985 mới tới Hoa Kỳ, định cư ở California. Dù tuổi đã lục tuần, vợ chồng nhạc sĩ vẫn cần mẫn ngày ngày lái xe từ Quận Cam lên tận Van Nuys đi làm cho hãng General Ribbon. Đêm đêm vào cuối tuần, những âm giai luyến thương từ chiếc vĩ cầm hay cây kèn saxo của Đan Thọ lại cất lên trong vũ trường Ritz của người bạn âm nhạc lâu năm Ngọc Chánh, rưng rưng hoài niệm.

Ngày 30 tháng 6 năm 1995, nhạc sĩ Đan Thọ mở đêm nhạc từ giã bạn bè California về Louisiana đoàn tụ với gia đình con gái Đan Tâm và rể là bác sĩ Mùi Quý Bồng.
Bản nhạc cuối cùng Đan Thọ sáng tác dựa trên ý thơ Mùi Quý Bồng và cảm hứng khi thấy những ngón tay xinh xinh của cô cháu ngoại lướt trên phím dương cầm.

Nhà văn Bích Huyền đã giới thiệu về sáng tác này:


Qua ca khúc Dương Cầm, ta thấy hồn nhạc của Đan Thọ vẫn như xưa, vẫn nguyên nét quý phái và sang trọng, cho dù đã trải qua bao nhiêu là tang thương biến đổi vì từng giai đoạn lịch sử của đất nước. Quá khứ mịt mùng đã lùi xa rồi. Trong cái quá khứ mịt mùng ấy là mấy từng sương khói và hình như chỉ có những thanh âm mới thắp sáng lên được hình bóng cũ. Trong cái thế giới mờ ảo đó, người ta tha thiết nhớ về những kỷ niệm một thời, nhất là một thời tuổi trẻ. Không có gì khơi dậy kỷ niệm trong lòng người bằng âm nhạc, bằng thơ ca…

Những tưởng an hưởng tuổi già với con cháu, năm 2005, trận bão Katrina quét qua New Orleans khiến ông bà Đan Thọ phải dạt về Florida lánh nạn ở nhà trưởng nam Đan Thành. Dịp này, người nhạc sĩ lại mất sạch những nhạc cụ ông yêu quý, trong đó có cây vĩ cầm đến hơn 250 tuổi và cây kèn saxo mạ vàng. Cơn bão qua đi, ông bà dọn về Houston, Texas, cùng nơi cư ngụ của các con gái cho đến ngày nay.

***

Thực hiện số báo vinh danh nhạc sĩ Đan Thọ là một dự định ấp ủ từ lâu của Thế Giới Nghệ Sĩ, nên trong dịp Trần Quốc Bảo trình diễn tại Houston dịp lễ Chiến Sĩ Trận Vong hồi cuối tháng 5, tòa soạn đã liên lạc để gặp bác sĩ Mùi Quý Bồng hầu thu thập tài liệu cho số báo này. Chỉ tiếc thời gian lưu lại Houston quá ngắn và sức khỏe tác giả Chiều Tím không cho phép, nên Trần Quốc Bảo và Ông Thụy Như Ngọc chưa tiện ghé thăm ông vào dịp đó.


Bác sĩ, nhà thơ, họa sĩ Mùi Quý Bồng và Trần Quốc Bảo và những mẫu chuyện kỷ niệm về nhạc sĩ Đan Thọ trong lần gặp gỡ tại Houston chiều 26/5/2017

Tuy nhiên, số báo được hoàn tất với sự giúp đỡ tận tình của gia đình, đặc biệt Thế Giới Nghệ Sĩ xin tri ân vị trưởng nam là kiến trúc sư Đan Thành, con rể là bác sĩ Mùi Quý Bồng, cháu ngoại là ký giả Mùi Quý Y Lan (đài CNBC, trước đây viết cho tờ Washington Post) đã đóng góp bài vở, hình ảnh. Vừa là một nhà thơ vừa là họa sĩ, bác sĩ Mùi Quý Bồng đã vẽ chân dung nhạc sĩ Đan Thọ và cây đàn vĩ cầm ông hằng yêu quý để làm hình bìa tuần này.

(trích bài Thế Giới Nghệ Sĩ đăng trong tuần báo Thế Giới Nghệ Sĩ số 134 phát hành ngày 1 tháng 9 năm 2017)
*** 
ÔNG NGOẠI

Lời giới thiệu: 

Ký giả Mùi Quý Y Lan là ái nữ của ông bà bác sĩ Mùi Quý Bồng – Đan Tâm. Là cháu ngoại của nhạc sĩ Đan Thọ, Mùi Quý Y Lan từ nhỏ chơi dương cầm và hình ảnh cô ngồi đàn piano thuở bé đã tạo cảm hứng cho ông ngoại sáng tác bản nhạc cuối cùng tựa đề “Dương Cầm” với ý thơ Mùi Quý Bồng.
Mùi Quý Y Lan tốt nghiệp chuyên ngành Truyền Thông với hai chuyên ngành phụ Triết Học và Sinh Vật Học từ đại học Loyola University ở New Orleans. Cô từng là giáo sư thỉnh giảng ngành báo chí tại đại học University of Maryland. Sau gần 15 năm làm phóng viên chuyên về giáo dục rồi tài chánh cho nhật báo The Washington Post, Mùi Quý Y Lan bước sang lãnh vực truyền hình và cộng tác với hệ thống CNBC kể từ tháng 2 năm 2017 tại văn phòng trụ sở ở thủ đô Washington DC. Đồng thời, ký giả Y Lan thường xuyên được mời xuất hiện trên đài C-SPAN.
Bài viết sau đây ghi lại những kỷ niệm và tâm tình của cháu ngoại Y Lan dành cho ông ngoại Đan Thọ, nguyên tác tiếng Anh đã được bác sĩ Mùi Quý Bồng dịch sang Việt ngữ.

*** 

***
ÔNG NGOẠI
Ylan Mùi (CNBC)

Khi tôi còn nhỏ, Ông Bà Ngoại tôi sống trong một căn nhà bình thường, trên một con đường khiêm tốn trong khu Garden Grove. Đây là một căn nhà một tầng, với một hồ bơi, một mái hiên đằng sau, và một cái bếp nho nhỏ. Nhưng với một cô bé 10 tuổi, đó là một thế giới thần tiên, kỳ diệu.
Chị em tôi và những người anh em họ đã có những ngày Hè dài vẫy vùng trong hồ bơi, tắm mát trong ánh nắng trường cửu của California. Chúng tôi được ăn những ổ bánh mì Tây phết lớp bơ mịn màng trong nhà bếp. Chúng tôi hái trái từ những cây trong vườn sau, và mê thích những chú chim yến hót thật hay mà Ông Ngoại nuôi trong những chiếc lồng nhỏ treo dưới mái hiên. Nhưng không có tiếng nhạc nào ngọt ngào hơn những âm thanh từ chiếc vĩ cầm của Ông Ngoại. Ông đã cho tôi được ôm chiếc vĩ cầm ấy một lần khi tôi đến thăm ông, trao phó bảo vật ông quý nhất vào bàn tay vụng về của tôi. Tôi cố gắng kéo được vài nốt nhạc, và lập tức hiểu rằng những âm thanh kỳ diệu ông tạo ra từ cây vĩ cầm của ông đòi hỏi cả một đời để tôi luyện.

Ông Ngoại và âm nhạc, trong tâm trí tôi, là một. Lớn dần lên theo ngày tháng, nhưng tôi không hiểu rõ lắm hoàn cảnh và sự phấn đấu của gia đình. Chiến tranh và những chịu đựng là một khái niêm trừu tượng đối với cái tâm hồn Mỹ hoá của tôi. Nhưng tôi hiểu Ông Ngoại và âm nhạc của ông. Tôi vẫn biết rằng ông là một nhạc sĩ tài hoa, không những với vĩ cầm, mà còn với saxophone, và cả dương cầm. Khi ông đàn, ông gợi lên những dấu nét của một quốc gia mà tôi, thế hệ Việt Nam thứ hai, mới bắt đầu thấu hiểu. Cái hoa mỹ, cái lãng mạn, cái khổ tâm, hoà hợp làm một. Đến khi tôi đã lớn khôn, tôi mới nhận ra cái giá gia đình chúng tôi đã phải trả để Ông Ngoại có thể cho tôi thưởng thức âm nhạc trong căn nhà nho nhỏ, bình thường của ông ở khu Garden Grove.

Ông Ngoại đã truyền cái khả năng âm nhạc ấy vào hệ DNA của tôi. Tôi cảm nhận được sự hãnh diện của ông khi ông theo dõi sự tiến bộ về dương cầm của tôi. Ông thường nở nụ cười thoả mãn và dìu tôi đến ngồi trên ghế để tập dượt. Ông, người nhạc sĩ chuyên nghiệp và người bảo trợ của tôi!
Ông Ngoại là người tạo cảm hứng cho tôi là chuyện hiển nhiên. Nhưng tôi không ngờ tôi cũng đã là nguồn cảm hứng của ông! Một ngày nọ, sau khi nghe và nhìn tôi tập dượt, ông đã viết một bản nhạc mới mang hình ảnh tôi. Lời bài nhạc dựa theo ý một bài thơ do Bố tôi viết. Tựa bài nhạc là Dương Cầm. Một bản nhạc mới, viết trên một quê hương mới, một kết hợp phản ảnh ba thế hệ trong gia đình tôi! Đây là bản nhạc duy nhất Ông Ngoại viết trong những ngày sống tha hương, và là bản nhạc cuối cùng ông viết trong cuộc đời nghệ sĩ.

Lần chót Ông Ngoại đàn cho tôi là trong lễ cưới của tôi. Ông đã trình bầy bản nhạc nổi tiếng nhất của ông: Chiều Tím. Dường như cặp mắt ông chỉ hướng về tôi trọn vẹn trong những giây phút ấy, mặc dù có rất nhiều bạn bè, và gia đình thân thuộc khắp chung quanh. Ông đã đàn để thương tặng tôi một lần nữa, làm tôi nhớ lại những tháng ngày kỳ diệu của tuổi thơ tôi, nguồn âm nhạc đã luôn gắn bó chúng tôi với nhau, và niềm yêu thương còn mãi tồn tại sau khi những nốt nhạc cuối cùng đã dần lịm tắt.

Mùi Quý Bồng
(phỏng dịch)

Dương Cầm * Vũ Đức Nghiêm - Mùi Quý Bồng. - Clara Ngô


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét