Bồ cũ của cô dọa, sẽ theo cô miết, cho tới khi cô nối lại tình xưa. Cô rét quá, không dám lui tới những con đường tình ta đi. Thấy anh lòng vòng ở sân trường, cô mặt mày xanh mét, chạy lại anh lớp trưởng, hớt hơ, hớt hãi, bệnh nhức đầu kinh niên của cô tái phát, nhờ anh nói giúp, xin thầy chủ nhiệm cho cô nghỉ vài ngày. Đám bạn xúm lại cố vấn những biện pháp “trốn tình” cho cô. Liên la toáng mừng rỡ, như khi Archimède khám phá lực đẩy của nước:
-Tao nhớ ra rồi, nhỏ bạn bên trường Nguyễn Thượng Hiền, gần nhà tao, có quen bà thầy bói giỏi lắm. Nó cũng tên Ngọc như mày. Tao dẫn mày tới nó, bảo đảm xong chuyện.
Như vậy đó, cô quen Ngọc trong một bối cảnh thật tức cười. Ngọc dẫn cô đến bà thầy bói. Cả hai kính cẩn nuốt từng lời của bà thầy. Bà thầy nghe nỗi niềm của cô, bói cho cô một quẻ tình duyên, sự nghiệp. Bà còn đoán rằng, số cô sẽ được xuất ngoại. Nghĩ cho cùng, thuở đó, bói như bà, ai cũng làm được. Nhưng cô vẫn tỏ vẻ rất thành tâm. Bà lấy ở bàn thờ xuống một trái quít, đưa cho cô. Bà dặn, chờ đêm khuya, bóc vỏ quít, ném lên mái nhà, rồi ăn trái quít. Nhất thiết không để ai thấy, người kia sẽ buông tha. Chỗ quen biết với Ngọc, bà tính giá đặc biệt. Cô nộp cho bà thầy bói trọn tháng học bổng, vẫn thấy xứng đáng đồng tiền, bát gạo. Cô răm rắp làm theo lời bà. Trái quít chua loét, có lẽ sắp hư, mùi ung úng. Từ đó, cô thoải mái đạp xe rượt rượt với đám bạn “quỷ” trên những con đường cây xanh, dẫn đến hàng chè, gỏi, bò bía... mà không phải lấm lét ngó quanh, sợ bồ cũ phóng xe Honda tới trước chận đường. Cô xuýt xoa, bùa của bà thầy linh nghiệm như thần.
Ngọc cười rộn ràng:
-Mày với tao, sao mãi đến bây giờ mới gặp nhau nhỉ! Ừ, kể ra có duyên lắm đấy. Buồn cười nhẻ! Tự điển tiếng Việt tổ tướng như vậy. Thế mà ông bà cụ nhà mày, nhà tao lại ưu ái cho hai đứa mình cái tên giống nhau.
Trong đám bạn của cô, tự nhiên nảy sinh trục trặc kỹ thuật nho nhỏ. Thỉnh thoảng có những hiểu lầm do sự trùng tên của hai đứa. Bạn bè không thể kèm thêm tĩnh từ dựa theo trọng lượng như Ngọc ròm, Ngọc béo, vì hai đứa cùng có dáng dấp suy dinh dưỡng như nhau. Gọi Ngọc bắc, Ngọc trung có vẻ phân biệt địa phương. Gọi họ đi sau tên, cô nhiệt liệt ủng hộ. Nhờ họ Hoàng, cô sẽ “ngự” trên đầu thế gian. Nhưng Ngọc dãy đành đạch:
- Ối! Ông bà ông vải ơi. Chúng mày muốn chôn sống tao đấy phỏng? Nghe tên như vậy, thiên hạ tưởng tao đổi hệ, mê ăn so đũa nàm thao. Thôi, tôi lạy các bà.
Cả đám chợt nhớ ra cái họ Dương khó xử của Ngọc, cười lăn lộn, rồi cho qua sáng kiến này. Tự lúc nào cô chả rõ, đám bạn thân ông ổng gọi hai đứa cô là Mặt Dài và Trán Dồ, dựa theo nét nhân dạng đặc biệt, mà hai đứa giấu giếm, không khai trong thẻ căn cước. Dần dà, tụi bạn chẳng thèm nhắc cái tên quý phái, ngọc ngà châu báu của hai đứa. Hai đứa than thở, gọi hoài như vậy chết duyên... mỹ nhân. Cô đành thủ thỉ với Ngọc rằng, hai ta cứ như anh em thi sĩ Trung Quốc ngày xưa. Đứa thì, Tương tư giọt lệ rơi năm ngoái, Mãi đến năm nay chửa tới cằm. Đứa thì, Khấp khểnh chân chưa ra tới cửa, Trán đã nhô ra tận cổng ngoài. Hai đứa mến nhau ra mặt, hợp nhau đủ chuyện, từ đàn hát lăng nhăng, văn thơ phú lục cho đến triết lý cùn, tâm sự vụn.
Cô bỗng nhiên ưa mò lên nhà Liên, tạt qua một chút, đôi câu quơ quàng với mấy chị em Liên. Rồi kéo Liên đi, đến ngồi chuyện trò sa đà bên nhà Ngọc. Cả đám bạn của cô học ở Đại Học Sư Phạm, Quận 5. Chỉ một mình Ngọc bơ vơ ở Trung Học Sư Phạm bên Quận 1. Cô nghe kể lại, hồi thi vào đại học, cả đám bạn Ngọc rủ nhau ăn xôi cho dẻo, làm bài cho dính. Trước đó, Ngọc đã liên tục phù phép, nay xôi đậu xanh, mai xôi đậu đỏ, mốt xôi bắp... Đến ngày lều chõng đi thi, Ngọc ngán xôi quá, lui cui đem xôi chiên sơ, bỏ chút hành mỡ, cho dễ nuốt. Mẹ Ngọc thấy vậy lo lắm, nhưng không dám nhắc, sợ nói gở. Khi có kết quả, cả đám bạn học chung vào hết đại học. Riêng Ngọc thiếu điểm, rớt xuống trung học sư phạm. Mẹ Ngọc chửi một trận tắt bếp. Từ đó, Ngọc kịch mặt món xôi, bất kể xôi hấp, xôi chiên.
Vì “non sông” cách trở, thời khoá biểu khác nhau, trong tuần cả nhóm khó đi chơi chung. Nhưng cuối tuần có mục gì, cô cũng chèo nẹo, kéo Ngọc đi với nhóm. Liên từ trước đến giờ cặp kè với cô sát rạt, sợ bị “thất sủng”, giở giọng “ghen tuông”:
-Ê Trán Dồ, sao mày bu con Mặt Dài dữ vậy? Bộ, mày tưởng nhờ nó mà ông bồ cũ của mày hết theo mày sao? Đừng tưởng bở! Tại, ổng bận tò tò đi theo nhỏ Quận Chúa bên Cao Đẳng đó.
Cô trấn an Liên:
-Bậy nà, bậy nà! Tao đâu có nhớ đến chuyện đó nữa. Tại thấy con Ngọc hợp tính tụi mình, kéo nó thêm vào cho vui.
Cô khèo khèo mạng sườn Liên, cười rúc rích:
- Gì thì gì! Chớ mày lúc nào cũng là bạn ruột, thân nhứt của tao.
Liên ngúng nguẩy:
-Xì, ruột dư hả, không thèm.
Thật ra, dù gặp Ngọc sau, cô thương mến hai đứa như nhau và tận hưởng hạnh phúc tình bạn đầm ấm với bao nhiêu kỷ niệm khó quên suốt hơn hai thập niên.
Khi không còn cơ hội cỡi ngựa sắt đến nhà Ngọc, nhà Liên, bởi giữa cô và bạn bè là cả mấy đại dương, hai đứa vẫn đều đặn thư từ cho nhau. Cô ríu rít về những náo nức, khi lần đầu hoà mình vào đám đông tươi vui trong ngày hội hoá trang vào tháng hai ở Cologne, nước Đức. Cô nghĩ, trên thiên đường với thiên thần bay vòng vòng chơi vĩ cầm, hạc cầm chắc chỉ vui như tiếng chào Hellau ơi ới, như cảnh già trẻ lớn bé đứng hai bên lề đường, tranh nhau nhặt kẹo, bánh người ta tung ném từ những xe hoa. Ngọc tỉ tê về những ngày Tháng Tư oi bức ở Sài Gòn, với những cơn mưa lùm xùm, dai dẳng. Nắng nóng, hơi ẩm, bụi bặm làm con người lừ đừ, uể oải. Có lẽ dưới địa ngục, khi phải lăn lộn trong mấy chảo dầu, bị quỷ sứ chiên xào cũng khó chịu đến như vậy thôi.
Ngọc mơ màng kể cho cô về anh chàng cùng học lớp đàn guitar cổ điển. Một hôm, ngang nhiên vác đàn tìm đến nhà, lúc Ngọc đi vắng, chàng làm như thể rất thân quen. Mấy đứa em quý hóa, mừng, có người “trị” được bà chị, ưu ái mời chàng vào. Chàng xin cho chàng tự nhiên bên mấy cây lựu ngoài sân, rỉ rả trình diễn. Chàng đàn đi, đàn lại mãi bài Feste Lariane. Đám em ban đầu rất “hồ hởi phấn khởi”. Nhưng khi nghe bài nhạc đến lần thứ mấy chục, với đoạn chơi trémolo khục khặc như ngựa chứng, chúng rút ra sau bếp, cố tránh thật xa cung đàn của chàng. May quá, may cho chàng, lẫn cho đám em, lúc đó Ngọc về đến nhà. Đẩy cánh cửa sắt, Ngọc giật mình, ơ hay, thế nào mà “địch” lại vào tận sào huyệt nhỉ. Rồi Ngọc ngâm nga... yêu đàn là một, yêu chàng là hai... Lúc đó, cô thảo tờ sớ dài, báo cho Ngọc, cô lăm le bỏ đàn, một mực tin rằng đời êm như tiếng hát của lứa đôi. Cô kể cho Ngọc nghe về chàng của cô. Cô mượn ý của một nhà văn nổi tiếng để tỏ rõ quyết định của mình: Yêu nhau không phải chỉ nhìn nhau, để thấy rõ những khác biệt, những khuyết điểm nhau, mà cùng nhìn về một hướng. Cô chẳng hề bận tâm, mình sẽ thấy gì nơi hướng đó, vì cô mãi mơ được trọn đời với chàng. Dù con rùa bưu điện Việt Nam thuở ấy đạt kỷ lục thế giới về tốc độ... rùa bò, phong thư màu tai tái dày cộm của Ngọc, vẫn đến tay cô trước ngày cô hăm hở cùng chàng, ra sở hộ tịch đổi họ theo luật hôn nhân hiện hành tại Đức Quốc. Lá thư dài ngoằng của Ngọc, chi chít chữ trên giấy tái sinh, trăm điều nhắc nhở, dặn dò người con gái trước và sau ngưỡng cửa hôn nhân. Cô như nghe được giọng bắc Bùi Chu Phát Diệm của Ngọc: “Nhớ nhé con nỡm! Hãy mở mắt thật to trước khi quyết định, và nhắm tịt mắt lại sau khi đã gật đầu.” Giọng điệu dạy bảo của Ngọc, cứ như thể người đã lấy chồng dăm ba lần, hoặc như các cụ đã gả con mấy đám.
Cô hãnh diện gởi cho Ngọc những tấm hình của cô trong bài thơ vu qui. Trông mặt mày hớn hở của cô trong hình, Ngọc bảo, dám cá mười ăn một rằng cô sẽ hạnh phúc đến răng long, đầu bạc. Đàn nhạc thơ thẩn cô cho ra rìa cái một. Nhưng có lẽ cô lầm, cô không dễ dàng dứt đường tơ với con người mơ mộng của mình. Giữa bận rộn của những ràng buộc trong cuộc sống gia đình, cô có lúc rón rén, lấy cây đàn guitar xuống, lau nhẹ lớp bụi mờ, mở những cuốn nhật ký, tập thơ chép tay ngày xưa, nhìn những nét chữ mình lạ lẫm. Rồi cô vội vàng treo đàn lên tường, cất tập thơ tận đáy tủ, cảm thấy lòng bứt rứt, bất an. Nghe Ngọc tầm sư học đạo các phương pháp dưỡng sinh. Cô cầu cứu Ngọc: “Lang băm ơi, hốt cho tao vài thang thuốc thực tế, cho tao chữa dứt bệnh mơ mộng đi”. Cô thút thít với Ngọc. Mẹ chồng cô kể bâng quơ, rằng có ai đó ham học hành, xao nhãng chuyện nhà, chồng hăm he bỏ. Bà cụ biểu đồng tình:
-Bỏ là phải! Đàn bà mà học cho lắm, thì đối xử tệ với chồng chớ hay ho gì.
Rồi như chợt nhớ ra, bà cụ quay qua hỏi cô:
-Ủa, dậy chớ con học bao lâu nữa mới xong?
Cô tưởng như Ngọc đang nắm nhẹ tay cô dỗ dành: “Tránh voi chẳng xấu mặt nào, nhỏ ơi. Nhất định đừng bỏ cuộc nhe. Ráng học nhe, thêm được chữ nào hay chữ ấy. Trong cuộc chiến không đồng cân sức này, mày phải nhường cho đỡ thiệt hại. Tôn Tử dạy rồi, tri bỉ, tri kỷ. Thì cứ nghĩ thế này, chồng nói thì ra, bà gia nói thì vô.”
Ngọc vẫn thư đều cho cô: “Con ranh ạ, đừng trách chàng trai nước Việt không biết nịnh đầm. Bằng chứng rành rành trong lịch sử đấy nhé. Lưỡng quốc trạng nguyên Mạc Đĩnh Chi đi thăm nước Tàu. Gặp lúc công chúa từ trần bất đắc kỳ tử, bèn làm bài văn tế thế này: Thanh thiên nhất đóa vân, Hồng lô nhất điểm tuyết, Thượng uyển nhất chi hoa, Giao trì nhất phiến nguyệt. Ô hô! Vân tán, tuyết tan, hoa tàn, nguyệt khuyết. Thấy chưa! Cái gì cũng only one cả. Cho nên mày phải kiên nhẫn một tị đi nhé, sẽ có ngày phu quân hò rằng only you đó thôi.” Cô không nhớ đã kể cho Ngọc nghe chưa. Các cô em của chàng vừa giỡn, vừa thiệt, nói, cỡ như chàng ở Việt Nam, giai nhân đầy đủ công dung ngôn hạnh, bu theo, gạt ra không hết.
Cô trách Ngọc:
-Mày “nguyền” tao hạnh phúc đến lúc bạc đầu. Nên tao mới ngoại tam tuần, mà tóc muối nhiều, tiêu ít. Hèn chi...
-Này, con nhãi kia! Đừng bắt chước Chí Phèo. Hở một tí là lăn đùng ra nằm vạ. Tóc bạc thì đã sao? Tao đây, độc thân vui tính. Mới từng tuổi đầu, trông cứ như Kim Hoa bà bà đấy.
Cô tưởng như Ngọc vừa nói, vừa vén cho cô thấy mái tóc với nhiều sợi đã đổi màu.
-Có lẽ tại tụi mình hay suy nghĩ vẩn vơ nên mau già. Cô như nói với chính mình. Tình cảm phai tàn theo thời gian. Nhưng những khác biệt giữa tụi tao thì không. Xem chừng, ngày càng đậm nét.
-Trán Dồ, dỏng tai nghe cho rõ nhé. Tóc bạc có Hà Thủ Ô, có thuốc nhuộm L’Oreal. Hãy sống vui, sống nhộn. Tao muốn cuộc sống mày lúc nào cũng rổn rảng tiếng cười. Mày cứ một mực tự làm khổ mày, chẳng có trời nào thèm cứu.
Bao năm qua, mỗi khi đem những thư từ của Ngọc ra đọc, cô vẫn những bồi hồi, xúc động. Khi cô về Việt Nam, những tối, những khuya hai đứa rù rì nói chuyện không muốn dứt. Ngọc tặng cô một cuốn sách nặng ký, ngay trang đầu Ngọc phóng bút lả lướt: Có một bạn tri âm, như có vầng trăng sáng. Có đôi bạn tri âm, cả ngân hà lai láng*.
Bố Ngọc mất sớm, Ngọc quyền... tỉ thế phụ. Mẹ Ngọc an tâm giao Ngọc trọng trách, lo cho các cô em gái, tìm bến trong để trao thân gởi phận. Cứ vài ba năm nghe Ngọc báo tin, nhà vừa bớt đi trái bom nổ chậm. Nhưng trái bom lớn nhất vẫn chưa có hiện tượng dời đô. Con của cô đã bước vào tuổi dậy thì, Ngọc vẫn cu ky một mình. Các em Ngọc thấy viễn ảnh bà-cô-già-khó-tính, thường thúc chị, đừng kén cá chọn canh, cố tìm cho chị chút bầu bạn.
Ngọc cười giòn giã:
-Bầu thì thôi. Tao xin hai chữ bình an. Bạn hả? Tao có con Trán Dồ rồi.
Ngày nay, phương tiện truyền thông ngày càng nhanh chóng hiệu quả. Cô vẫn nhanh tay trên bàn phím gởi điện thư cho Ngọc, hoặc quay lẹ số điện thoại đã thuộc nằm lòng 00848... rù rì với Ngọc chuyện đời, chuyện người. Cô kể về nghệ thuật ăn uống của vợ chồng cô. Chồng cô nhận xét, món mì Quảng của cô, nước chẳng ra nước, khô chẳng ra khô. Rau mì xà bần, chẳng giống ai. Cô quan sát món thịt ba rọi kho trứng của anh, ăn với cơm, ngọt giống chè, ăn tráng miệng, lại quá béo. Cho nên nhiều bữa ăn, hai vợ chồng cô, đồng... bàn, dị mộng. Thỉnh thoảng, cô đưa điện thoại để Ngọc nói chuyện với chồng cô. Cô đi làm về trễ, ở Việt Nam đã nửa đêm. Thế nên trong tuần, chồng cô thường thay mặt cô, voice chat với Ngọc.
Cuối tuần, điện đàm với cô, Ngọc phân tích tình hình:
-Chàng không phải dở người đâu mày ạ. Nước sông Cửu Long khác nhiều so với nước sông Hương, sông Hồng. Ở đây đốt đuốc đi tìm, vất vả lắm mới tìm được mẫu mã tương tự. Mày tập nghĩ đơn giản hơn một chút. Cứ nơ- pa, xăng- phú hết mọi việc đi.
Cô máy móc gật đầu, chẳng biết sẽ đơn giản như thế nào:
-Ừ, tao đã tập thay đổi tao từ lâu rồi.
Ngọc cũng phần nào nhận thấy thay đổi trong cô, chẳng còn là những hỉ nộ ái ố rõ ràng như xưa. Con người hăng tiết vịt của cô ngày nào, bây giờ trở thành nghị gật.
* * *
Chồng cô nói, anh phải về Việt Nam để lo vài công chuyện cho họ hàng. Anh nói sao, cô biết vậy, không hỏi thêm. Cô ngại những đối thoại, khi cả hai chẳng bận tâm nhiều đến đề tài mình bàn cãi, mà chỉ bực tức nhau vì lối đặt vấn đề. Liên lăng xăng nhờ người quen ra đón chồng cô ở phi trường. Xếp đặt chương trình gặp gỡ đám bạn cô với chồng cô. Liên gọi điện thoại qua cho cô mấy lần, hỏi quanh quẩn khó hiểu:
-Mấy bữa nay con Ngọc đã nói năng gì với mày chưa?
-Chưa. Có gì sao mày cứ úp úp, mở mở hoài vậy?
-Hễ nó liên lạc với mày, báo cho tao liền nghe.
Khi nhận điện thư của Ngọc, kể bằng giọng điệu thản nhiên rằng, mấy hôm nay bận rộn không thư từ cho cô, vì có chồng cô lại chơi ở nhà.
Cô gọi Liên báo tin, lúc đó Liên mới ấm ức:
-Tao nhắc nó mãi. Bắt phải chính nó thông báo cho mày chuyện ổng đang tá túc nhà nó.
Cô dường như vẫn chưa thấy sự lạ:
-Ừ, có gì gấp gáp đâu. Anh đến thăm bạn bè tao là chuyện thường.
-Ừ, ổng sẽ đến thăm gia đình tao cho đúng thủ tục. Nhưng đằng này, ổng ở nhà con Ngọc, ngay hôm đầu từ phi trường về, cho đến bữa nay luôn.
Cô giật mình, cà lăm:
-Là, là sao? Anh ở nhà bác anh, rồi tới nhà con Ngọc thăm gia đình nó cho phải phép chứ. Hay là sao?
- Ngọc à, sao mày dật dờ, trời ơi đất hỡi quá. Đến bây giờ mày chẳng hiểu gì ráo trọi hả? Tao tức mình ghê. Mày coi! Tao hỏi nó, bữa nào rảnh, qua tao, cùng nhau đi mua sách cho mày. Nó tỉnh bơ kể, mấy hôm nay, bữa nào cũng thức khuya lắc, khuya lơ tán gẫu với ổng, sáng đi dạy, mở mắt không ra. Nó nói, đã hẹn ổng cuối tuần đi mua quà cho mày, tao bị cho de rồi.
Cô bỗng nghe tai mình lùng bùng, lắp bắp:
-Trời ơi, anh ở đó sao tiện cho con Ngọc. Nhà còn có ba chị em. Mẹ nó ở hoài bên chùa. Anh lui tới như vậy, hàng xóm nghĩ sao. Tội nghiệp cho mấy chị em nó chớ.
-Thì vậy. Tao cũng không biết sao nữa.
Liên coi bộ còn “bức xúc” hơn cô. Liên hay gọi điện thoại qua tường thuật, đưa những tin tức sốt dẻo. Đường dây từ Việt Nam, gọi qua internet, đôi khi không rõ, nhiều khi nghe chính giọng mình nói, nhiều hơn là người đối thoại. Có lẽ nhờ vậy Liên không nhận được rõ những bối rối của cô, cô không cảm được hết nhiệt lượng máu nóng của Liên sôi sùng sục.
Liên tức tối:
-Tao nói với nó, để ông xã mày ở lại nhà nó, rồi nó ăn nói sao với mày. Biết nó trả lời sao không? Đừng nghĩ nó là ni cô, trên giường bệnh hấp hối, xin được muỗng nước mắm. Nó nói vậy, tao câm luôn. Bây giờ chỉ có nước mày hỏi nó, hoặc hỏi thẳng chồng mày.
Cô chớp nhanh mắt, quay mặt khỏi ống nghe, đằng hắng cho giọng mình khỏi khàn:
-Hỏi là hỏi sao bây giờ? Nếu câu trả lời không phải sự thật, thì hỏi làm chi, cho khó nghĩ cả mấy đàng.
-Vậy, mày chờ khi ổng về lại bên đó, quan sát thái độ ổng có gì thay đổi không.
Cô ờ ờ cho xong chuyện. Cô nghĩ mãi đến Ngọc. Nếu có điều gì xảy ra, Ngọc sẽ mất mát nhiều lắm. Biết Ngọc bao nhiêu năm, cô hiểu Ngọc lắm chứ. Cô không dám kết luận võ đoán. Nhưng cô không tìm được lời giải thích nào thoả đáng.
Cô lóng ngóng trông tin Ngọc. Nghĩ, có lẽ Ngọc quá bận, không thư cho cô. Tối nào, cơm nước xong, để mặc nhà bếp bừa bộn, cô vào hộp thư, lúc nào cũng vẫn chút hy vọng, hồi hộp. Cô chờ mãi thư của Ngọc, tưởng tượng sẽ nhận được thư đại khái như, “Trán Dồ ạ, hồi nào mày chán chê đi làm bên xứ người, về đây, hành nghề đòi nợ. Mày ủng oẳng đòi thư, làm tao sốt cả tiết.
Người ta kể rằng, từ khi Khuất Nguyên tự trầm dưới sông Mịch La, văn nhân tài tử nào muốn đàm đạo chuyện thơ văn, cứ viết vào giấy thả trôi trên sông Mịch La, Khuất Nguyên sẽ chứng cho. Ấy, chớ nghe chúng xúi dại, quẳng cái gì xuống sông, một đi không trở lại. Phú- lít bắt gặp, lại phạt tội xả rác bừa bãi. Chớ ngốc nhé. Cứ viết thư cho tao, năm bữa nửa tháng, thể nào chả có lúc tao ngoáy cho mày đôi dòng. Tao bận quá nhỏ ạ, đám học trò dốt của tao đang quay tao như chong chóng...” Có lúc cô đổ tiệt hotmail làm ăn bê bối, bị trục trặc kỹ thuật nên thư Ngọc đi lạc. Nhưng lạ một điều, cô vẫn nhận thư của bao nhiêu người khác từ Việt Nam. Cô gọi điện thoại thăm những bạn bè chung của hai đứa. Nói chuyện trời trăng mây gió một hồi, cô vờ hỏi đám bạn có tình cờ nhận tin tức gì của Ngọc chăng. Năm đứa trong đám bạn xưa vẫn thỉnh thoảng nhận điện thư, đều “tình cờ” nhận được thiệp xuân của Ngọc. Tính Ngọc luôn chu đáo. Riêng cô, cũng rất tình cờ, chẳng nhận được chữ nào của Ngọc. Tự nhiên, cô mất trắng đứa bạn thân.
Cô se sẽ nói với Liên:
-Thôi cũng tiện. Nhỡ khi chàng gọi thầm tên em, đỡ khó xử cho chàng.
Liên la lên:
-Mày khùng thuộc loại siêu đẳng rồi. Chuyện như vậy, mà còn tửng tửng cái giọng dở hơi.
Không biết bà thầy bói ngày xưa còn sống chăng. Có lẽ cô phải đến tìm bà, nhờ bà xem cho một quẻ đầu xuân, cho cô biết thực hư thế nào. Không biết rồi bà sẽ đưa cho ai trái quít, để cô được lại con bạn xưa.
Hoàng Quân
*Trích lời ca trong các nhạc phẩm:
Hương Xưa của nhạc sĩ Cung Tiến
Ngày Đó Chúng Mình của nhạc sĩ Phạm Duy
*Bài thơ Tri Âm trích trong quyển thơ Biếc của thi sĩ Trụ Vũ
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét