Thứ Bảy, 13 tháng 2, 2021

Thơ Xướng Họa


Làm thơ xướng họa là cái thú văn chương tiêu khiển tao nhã, được chia sẻ, trao đổi giữa các thi hữu với nhau. Đó cũng là một cách gây hứng khởi, mời gọi nhau, khuyến khích nhau làm thơ. 

Thơ xướng họa là một thể thơ mà người làm thơ phải tuân thủ những luật lệ chặt chẽ, như các tay chơi cờ tướng, phải tuân thủ những luật chơi, như cầm một quân cờ, phải biết quân “tướng”, quân “sĩ”, “tượng, “xa”, pháo”, “mã, “tốt” phải di chuyển, phải đi ra sao trên một bàn cờ. Cầm một quân cờ mà chưa biết cách “đi”, nguyên tắc di chuyển quân cờ ấy ra sao trên một bàn cờ. Cầm cờ mà không biết nguyên tắc đi ra sao là chưa biết luật chơi, hoặc chơi mà chưa “sạch nước cản”!.

Làm thơ xướng họa cũng tương tự như vậy, phải biết luật chơi, biết “niêm-luật”. Thông thường là dùng một bài thơ theo thể “thất ngôn bát cú, 5 vần” để xướng họa. Người làm thơ phải tuân thủ luật phối trí “bằng trắc”, “niêm” trong câu và giữa các câu trong một bài thơ. Có biết những điều căn bản này thì mới thưởng thức được cái hay của thú vui xướng họa. 

Ngày nay, họa thơ chỉ là mượn 5 vần của bài xướng và nương theo 5 vần đó để sáng tác một bài thơ mới, một đề tài mới. Không nhất thiết bắt buộc hễ bài xướng làm theo luật bằng thì bài họa phải làm theo luật trắc, hoặc ngược lại, như ngày xưa, để người đọc dễ dàng phân biệt giữa bài xướng với bài họa.

Ngày nay, theo thời gian cải tiến đổi mới, thơ xướng họa mang nội dung cởi mở, khoáng đạt, nghệ thuật hơn thơ xướng họa ngày xưa giữa các thi gia thuộc thế kỷ thứ 19 trở về trước. Người họa thơ ngày nay chỉ cần giữ 5 vần của bài xướng, không nhất thiết phải khai triển chung một đề tài với bài xướng. Miễn sao cả 8 câu 5 vần của bài họa phải “nhất khí”, liền lạc, gắn bó chặt chẽ với nhau về một đề tài cho trơn tru, nghệ thuật để có một bài thơ, một sáng tác mới, đứng độc lập với bài xướng.

Họa thơ mà mỗi câu trong 8 câu tuy là suôn sẻ, không vấp váp, nhưng mỗi câu mỗi ý rời rạc, không quy về một đề tài thống nhất, khiến người đọc chẳng hiểu đại ý toàn bài tác giả muốn nói gì. Khác nào người chơi bài, cầm trên tay 13 lá rời rạc, thấy “dắt phé, dắt phé, mậu thầu đầu”, hoặc ba phé ba nơi, hết cả hào hứng. Bài thơ hay phải là một bài thơ “nhất khí”, diễn tả rõ ràng, mạch lạc, gẫy gọn, cả 8 câu trong bài đều quy về một mối, khiến người đọc nhận ngay ra được tư tưởng, tình cảm của tác giả qua bài thơ ấy. 
Cũng nên nói thêm rằng người làm thơ “thất ngôn bát cú” phải theo luật đối giữa hai vế trong các câu “thực đề” (câu 3 và 4) và “luận đề” (câu 5 và 6). Đối lời, đối ý sao cho tự nhiên. Đừng quá câu nệ gò gẫm, từng chữ đối nhau chan chát, khiến cho câu thơ trở nên gượng gạo, tối tăm, bất thành cú như việc làm của mấy ông thợ xếp chữ. Mới đọc câu trên, người đọc tinh ý có thể đoán trúng ngay chóc, câu dưới ông thợ xếp chữ nhà ta sẽ phải dùng chữ gì để đối một cách thật máy móc, bất kể cấu trúc ngôn ngữ hoặc nội dung ý tưởng qua câu thơ được viết ra, khiến cho toàn bài thơ chỉ còn là một mớ xác chữ, không hồn, đọc lên nghe thật ngây ngô!. 

Tôi chỉ xin phép được góp một vài ý kiến ngắn gọn, thô thiển, chung chung về thuật sáng tác trong thơ xướng họa. Có điều chi thất thố hoặc thiếu sót, xin quý thi hữu lượng thứ. 

Kính chúc quý thi hữu sáng tác mạnh. Mong rằng mỗi bài thơ xướng họa là một sáng tác mới, đóng góp mới vào kho tàng văn chương thi ca nước nhà. 

Austin ngày lễ Valentine 14 tháng 2 năm 2011
Hồ Công Tâm


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét