- Năm con trâu cháu ạ.
- Con trâu là con gì vậy? Có phải là con bò không bà?
- Cháu chưa trông thấy con trâu đâu vì ở Mỹ và Âu Châu ít nuôi trâu. 95% trâu trên thế giới sống ở châu Á. Đây này, vì cháu tuổi con trâu nên bà tặng cho cháu một con trâu bà làm lấy bằng nhung đen nhồi bông. Bên ngoài trâu to hơn con bò nữa và nó cũng ăn cỏ như bò. Đây là hình con trâu trong máy I pad của bà. Cháu nhìn đi...
- Trông nó hiền ghê bà nhỉ, mà cặp mắt nó như đang nghĩ cái gì xa xôi đâu đâu ấy bà nhỉ.
- Đúng thế cháu ạ, trâu to lớn nhưng chậm chạp hiền lành dễ cho người sai bảo. Ở Việt Nam và các nước châu Á, người ta nuôi trâu để cày ruộng, kéo xe. Trâu rất được việc nhờ khoẻ mạnh mà nuôi nó cũng chẳng tốn kém gì, chỉ cho bó cỏ là xong.
Trâu ơi ta bảo trâu này
Trâu ra ngoài ruộng trâu cày với ta
Cày cấy vốn nghiệp nông gia
Kiếp trâu khổ lắm cháu ạ.Trâu suốt đời phục vụ cho người, cày ruộng dưới nắng chang chang, ì ạch kéo gỗ trên ngàn, đạp lúa, kéo xe, ép mía, thế mà nếu lỡ có thèm ăn ngon, gặm một ít lúa là bị mấy chú mục đồng đánh cho đau điếng. Làm lụng vất vả mà chiều về trâu chỉ được tắm trong một vũng nước cạn chưa đủ để đằm mình, sau đó trâu chỉ được lùa vội vàng ít cỏ vào bụng để chú chăn trâu còn buộc trâu vào cột mà đi ngủ. Trâu khổ đến nỗi khi ngủ vẫn còn bị sỏ thừng vào mũi, buộc vào cột vì người ta sợ trâu đi mất. Cũng là con vật nhưng chó mèo được rong chơi, ngựa và trâu bò thì phải làm việc suốt ngày nên khổ lắm. Người vẫn nói khổ như trâu như bò, kiếp trâu bò.
- Tại sao trâu bò cứ nhóp nhép nhai suốt ngày và chỉ ăn cỏ mà sống vậy bà?
- Ừ, trâu bò tuy có hàm răng rất đẹp nhưng chúng không có hàm trên. Khi cho bó cỏ, chúng vội dùng lưỡi lùa ráo vào miệng, dùng hàm để cắn đứt, rồi đẩy thẳng xuống dạ dày cỏ.
- Dạ dày cỏ? kỳ vậy bà?
- Đúng đấy, dạ dày loài nhai lại có tới bốn ngăn và chu trình tiêu hóa tóm tắt như sau:
dạ cỏ → dạ tổ ong ---- miệng nhai lại- → dạ lá sách → dạ múi khế
Cỏ, sau khi được trâu bò ăn vào sẽ được chuyển vào dạ cỏ. Dạ cỏ là nơi chứa, làm mềm thức ăn, có các vi sinh vật cộng sinh tiết enzym Cellulase giúp trâu bò tiêu hóa cellulose trong cỏ và các chất khác. Cỏ, sau khi được lên men và làm mền sẽ được chuyển qua dạ tổ ong cùng với một lượng lớn vi sinh vật. Sau khi trâu bò ngừng ăn, thì thức ăn sẽ được ợ lên miệng để nhai kỹ lại. Thức ăn sau khi được nhai kỹ sẽ được chuyển xuống dạ lá sách để hấp thụ bớt nước sau đó được chuyển qua dạ múi khế, dạ múi khế đóng vai trò như dạ dày thật sự, tiết pepsin và HCl tiêu hóa protein ở cỏ và vi sinh vật. (internet)
Khi trâu ợ cỏ lên miệng mới là lúc nó nhai. Trâu nhai khoảng 6 đến 8 giờ mỗi ngày và tiết ra đến 160-180 lít nước bọt để nhai. Khi vi sinh vật tiêu hóa cỏ nó cũng tiết ra nhiều khí đi qua thành dạ dày cỏ để thành năng lượng nuôi trâu, sản xuất sữa. Khí cũng ợ qua miệng thành khí méthane. Cháu tưởng tượng đi, 1000 lít khí méthane mỗi ngày. Khí méthane CH4 mà ta gọi là hiệu ứng nhà kính, chuyển thành khí carbonic CO2 làm nóng trái đất. May thay các khí này lại được cây cối và nhất là cỏ trên đồng cỏ thu hồi lại và cho ra khí oxy (O2) qua quá trình quang hợp vào ban ngày nhờ ánh sáng mặt trời. Carbon (C) sẽ lưu lại dưới đất; vì thế khi nuôi bò cần một cánh đồng cỏ rộng để chuyển hóa méthane thành oxy, tuy vậy con người vẫn tiếp tục nghiên cứu thu hồi méthane làm khí đốt cho đỡ hại khí quyển.
Dạ tổ ong cũng giữ những vật lạ không ăn được lẫn chung vào cỏ, sau đó đẩy lại ra ngoài miệng mà nhổ ra, phần còn lại thì đẩy xuống dạ lá sách. Dạ sách có nhiều tờ y như quyển sách của cháu nhưng không chép chữ để học mà để ép chất lỏng xuống dạ múi khế. Dạ này giống múi trái khế mà loài heo cũng có, nhiều múi nên hấp thụ nhiều và mau. Có dạ sách nhưng chúng vẫn mang tiếng ngu như trâu bò đấy.
- Chúng có sách thật hả bà?
- Có thật chứ. Mẹ cháu vẫn mua sách bò về nấu phở đấy.
- A! cháu nhớ rồi, nó trắng và có nhiều tờ, giống quyển sách thật!
- Này, cháu ghé tai vào miệng con trâu bông bà vừa cho nghe xem Trâu nói gì đi.
- Sao? cô hỏi chúng tớ ăn cả ngày đêm hay sao miệng lúc nào cũng nhóp nhép. Không dám đâu. Làm việc quần quật xong chỉ được thưởng cho bó cỏ tí tẹo, đâu đủ ăn mà giả tỷ đến mùa gặt dư cỏ thì dạ dày dầu lớn cũng đâu phải bồ mà chứa được nhiều cỏ. Nhóp nhép suốt ngày vì lũ vi sinh vật trong dạ dày giúp chúng tớ nghiền cỏ, làm cỏ lên men, biến cỏ thành chất bổ dưỡng nhưng đồng thời chúng lại cứ đưa lệnh lên miệng khiến miệng chúng tớ tưởng có đồ ăn, thế là lại nhai, nhai lại.
Hà hà, tưởng tượng nếu các người cũng có hệ thống vi sinh vật này thì e người cũng sẽ ăn hết cỏ của lũ trâu bò đấy nhé. Tớ đùa thôi chứ bà con chúng tớ ở ngoại quốc là chú bò hay anh ngựa được người cho ăn bắp ngon lành, mà còn xay ra nữa đấy chỉ khác là suốt ngày đêm bị nhốt trong chuồng chờ vắt sữa hay làm thịt. Đấy, kiếp súc vật đấy. Người sướng thế mà còn than phiền đời là bể khổ!
- Bò cho sữa bò, thế trâu có sữa không?
- Sao lại không? Khi sanh con, trâu cái cũng có sữa thì mới nuôi con được chứ, nhưng bò cho nhiều sữa ngon nên người mới nuôi bò lấy sữa. Này nói nhỏ cho cô nghe, yếm bò lớn hơn yếm trâu vì nhiều sữa đấy.
- Trâu ơi, trâu có biết cười như bò không?
- Vớ vẩn! Bò cười là nhãn phó mát "La vache qui rit" vẽ hình con bò cười. Ngoài đời mà gặp bò cười xem các người có chạy tóe khói không!
Chỉ có con tinh-tinh hay con khỉ mới nhe răng khọt khẹt như cười thôi. Động vật không biết cười dù thực sự nhiều lúc thấy việc các người làm chúng tớ muốn bò ra mà cười, lúc đó chúng tớ chỉ kêu được vài tiếng, nghe như cười. Trời cho người nhiều thứ quá mà người không biết quí.
- Bà ơi, sao bà lại làm cho cháu con trâu mầu đen?
- Cháu hỏi Trâu xem.
- Đen? tại sao chúng tớ cứ đen thui lui à? Trời sinh ra đấy! À mà chúng tớ không đen thui lui nên cóc dám đòi hỏi “Black leaves matter”. 95% trâu sống ở châu Á vì chúng tớ thích nóng và ẩm nên trẻ con bên Âu Mỹ biết rất ít về trâu. Đại đa số trâu màu xám đen, giai cấp quý phái ít ỏi mới trắng, thường thấy ở Quảng Nam Việt Nam.
- Thế có trâu vàng không?
- Trâu vàng? Làm gì có! Chỉ là huyền thoại thôi. Người là chúa hay thêu dệt huyền thoại. Tớ nghe họ nói là xưa xửa xừa xưa, vào đời nhà Lý, có sư Không Lộ rất giỏi y thuật. Sư được mời sang chữa bệnh cho thái tử bên Tầu và được đền ơn bằng một bao đồng. Sư Không Lộ dùng phép thần thông lấy hết nửa kho đồng đen của Tầu. Đồng đen quí lắm, đắt hơn vàng. Ngài mang về đúc cái chuông rất to rồi đánh tiếng chuông đầu tiên. Tiếng chuông vang đi rất xa, đến tận bên Tầu khiến con trâu bằng vàng trong kho tưởng là mẹ gọi, đã ngày đêm phóng từ Tầu sang An Nam. Sang đến nơi, không thấy mẹ đâu, con trâu vàng tức giận đào sới tùm lum thành cái hồ Tây. Sư Không Lộ sợ vua Tống khiển trách nên vứt cái chuông xuống hồ khiến trâu vàng cũng nhảy xuống theo rồi biến mất nên hồ này còn mang tên hồ Kim Ngưu. Nhà sư di ngôn là nhà nào có đủ mười con trai, dẫn ra hồ làm lễ thì trâu vàng nổi lên. Đấy trâu vàng là con kim ngưu được đúc bằng vàng. Hồ Kim Ngưu tức hồ Tây.
- Cháu nghe nói Hồ Tây rộng và đẹp lắm, lại có đê Cổ Ngư với bánh tôm Cổ Ngư nổi tiếng dòn thơm… Bà ơi! Khi nào bà dẫn cháu đi thăm hồ Tây nhé. Cháu thấy bà hay nghe cô Mỹ Linh hát bài “Chiều phủ Tây Hồ” là buổi chiều phủ lên hồ Tây phải không bà?
- Không đúng cháu à. Phủ ở đây có nghĩa là điện thờ, nơi thờ các ông hoàng bà chúa, không như chùa là nơi thờ Phật. Bài hát nói về buổi chiều ở phủ Hồ Tây cháu ạ. Bà mở nhạc cho cháu nghe, bài này hát như nhạc chầu văn tức là nhạc để lên đồng:
https://www.youtube.com/watch?v=69wY4craPeo
Sóng bồng bềnh bồng bềnh
Sương giăng đỉnh núi mờ xa
Phủ Tây Hồ bâng khuâng huyền thoại
Xa xa hạc trắng bay về
Chiều như cơn mơ vỗ về hồn ta bơ vơ...
Chắp tay lạy thánh nhân trời đất
Em khói hương thanh thản một phần đời
Thả hồn mình bồng bềnh cõi Phật
Ta khói hương để khỏi chơi vơi
Những nỗi buồn gieo neo đời vắng
Bỗng chợt như thanh thản trước chiều nay
Hồn ta tĩnh lặng bên chùa vắng
Gió Tây Hồ thổi mãi mái rêu phong
Chiều như chậm rơi chậm rơi
Sóng bồng bềnh bồng bềnh
Hóa vàng đi em… Hóa vàng đi em… Hóa vàng đi em...
Hoá vàng là đốt vàng mã mà người ta mang để cúng bà Chúa…
Bà già rồi không còn dịp đi thăm Hồ Tây, thôi mình nhìn hình đỡ ghiền. Đây này, quang cảnh hồ Tây, tháp cao đỏ là phủ Tây Hồ.
Phủ Tây Hồ nằm trên bán đảo lớn giữa Hồ Tây, bên trong là bàn thờ. Phủ Tây Hồ thờ Liễu Hạnh Công chúa. Bà Chúa là một trong bốn vị thánh bất tử. Bốn vị đó là Sơn Tinh, Thánh Gióng, Chử Đồng Tử, Liễu Hạnh. Truyền rằng Bà Chúa tên là Quỳnh Hoa, con gái thứ hai của Ngọc Hoàng, bị đày xuống nhân gian vì đã làm vỡ ly ngọc quý. Thấy Tây Hồ phong cảnh xinh tươi nên bà lưu lại đây. Bà đã diệt trừ ma quái, trừng phạt tham quan và giúp người dân an cư lập nghiệp nên dân mang ơn, thờ bà và xưng danh bà là bà Chúa.
Cũng theo truyền thuyết, trước khi vào kinh đô, trạng nguyên Phùng Khắc Khoan dạo chơi hồ Tây, gặp được bà Chúa rồi hai người vui thú cầm kỳ thi họa mà thành đôi tri kỷ.
Khi trạng nguyên từ kinh đô trở về thì tiên nữ đã biến mất. Ông cho lập đền thờ tại đây, thờ Chúa Liễu Hạnh, gọi là Phủ Mẫu. Cạnh phủ Tây Hồ còn có đền Kim Ngưu thờ Ông nên gọi là đền Ông.
Phủ và đền là nơi thờ thần thánh. Gọi là phủ vì phủ là dinh cơ của các hoàng tử, công chúa. Đền, từ lâu vốn là nơi thờ thần thánh như đền Đức Thánh Trần tức Trần hưng Đạo ở Tân Định, đền Ngọc Hoàng ở Đa Kao, đền Hai bà Trưng ở đường Hoàng hoa Thám, Gia Định. Tại đền thờ Hai Bà có hội phủ Giầy thờ đức Thánh Mẫu tức Liễu Hạnh công chúa. Thường ở phủ hay tổ chức lên đồng. Người lên đồng gọi là đồng cô, đồng cậu. Họ ngồi đồng chờ thánh nhập vào, lúc đó họ lắc lư cái đầu và diễn tả một cảnh đời của thánh khi còn tại thế như bơi thuyền rồng, dạo chơi. Hôm nào bà dẫn cháu đi xem cho biết. Ngày xưa bà cũng hay theo cụ cố ngoại đi chùa hay xem lên đồng để được lộc.
- Bà ơi “lộc” là gì, mà sao lại gọi là phủ Giày?
- Lộc là quà của ông đồng, bà đồng cho, là kẹo bánh hay tiền. Hội phủ Giày vì người ta kể khi Chúa Liễu Hạnh về trời, ngài có để lại một đôi giày, có người gọi là phủ Dày. Khi di cư vào Nam, người miền Bắc mang theo ngài Liễu Hạnh vào, thờ ở Gia Định. Ngài rất linh thiêng nên ngoài phủ Tây hồ ở Hà Nội, ngài còn được thờ nhiều nơi như hội phủ Dày Nam Định rồi Gia Định.
- Mà bà ơi, tại sao khi viết bài bà lấy tên là Sao Khuê. Sao Khuê là gì vậy bà?
- Cháu thấy sao trên trời không? Sao Khuê thuộc nhóm 28 ngôi sao chính gọi là nhị thập bát tú, trong đó cũng có sao Ngưu thuộc chòm sao Huyền Vũ nằm ở phương Bắc, ứng với hành thuỷ, thuộc về mưa. Ngưu là trâu đó. Sao Kim Ngưu là sao Taurus vì có hai cái sừng xoè ra giống sừng trâu. Sao Ngưu, sao Đẩu là những ngôi sao sáng và thường được gắn cho những người có trí tuệ.
- À, bánh croissant cong như cái sừng nên mình gọi là bánh sừng trâu. Cái đầu con trâu gồ ghề thật, hai cái sừng nhọn hoắt.
- Thế mới có câu gọi “Ngưu đầu mã diện” tức đầu trâu mặt ngựa, là hai vị quỷ sứ dưới âm ty hay còn ám chỉ bọn côn đồ, mặt mũi bặm trợn.
- Allo, trâu gọi.
- Dạ tôi nghe.
- Hai bà cháu nói chuyện quên cả tôi đấy nhé. Này cô bé, mấy người thấy chúng tôi hiền lành nhưng hay nổi cọc nên họ chọc cho chúng tôi điên lên mà chọi nhau, dùng sừng mà húc nhau, móc ruột gan nhau. Thật là ác độc!
- Dạ, ác thật. Ngoài chọi trâu còn đấu bò. Bây giờ ở những nước văn minh người ta đã bỏ đấu bò nhưng ở Việt Nam vẫn còn chọi trâu, chọi gà, đá dế và lễ tế trâu cúng thần. Xin lỗi ông trâu nhe, cũng tại quan niệm sai lầm, người cho trâu là thánh vật nên dùng làm vật tế lễ, cầu cho mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu, dân cư an lạc…
- Các người luôn tự hào là văn minh, khôn ngoan nhưng không ngừng bắt loài vật đấu đá với nhau và người cũng không bao giờ ngưng chiến tranh với nhau. Chúng tôi rất tốt và có ích cho người nhưng rồi họ cũng giết chúng tôi và chẳng bỏ đi tí tẹo nào:
Con trâu có một hàm răng (trâu không có hàm răng trên)
Ăn cỏ đồng bằng uống nước bờ ao
Thời sống mày đã thương tao
Bây giờ mày chết, cầm dao xẻ mày…
Thịt mày tao nấu linh đình
Da mày bịt trống tụng kinh trong chùa
Sừng mày tao tiện con cờ
Làm dao, cán mác, lược thưa, lược dầy.
Trâu chết đi rồi mà còn bị đánh đập mãi đấy, khi người đánh trống là đánh vào da trâu đấy cô biết không?
- Cái đó… cái đó tuy là không phải tí nào nhưng chẳng qua là số kiếp của trâu. Lỗi tại ông Trời. Trâu không biết chứ đến phân trâu người ta cũng quý. Ngày xưa ở làng quê, người ta lấy xương hông trâu làm cái đồ để xúc, đi đường hễ gặp phân trâu là vội vàng xúc bỏ vào thúng mang về ủ phân cho ruộng. Trên ‘body’ của trâu cái gì cũng có ích hết. Trên đầu em bé mới đẻ hay có ghét đọng lại mà người ta gọi là ‘cứt trâu’, lấy lược bằng sừng trâu, mà cào là ra hết. Lược sừng trâu thường gọi là lược sừng và cong cong chứ không thẳng.
Trâu phải biết rằng loài người rất quý trâu, này nhé:
Trong ba việc ấy thật là khó thay
- Trâu biết giá trị lớn cỡ nào, lớn đến nỗi
Thằng bờm có cái quạt mo
Phú ông xin đổi ba bò chín trâu…
- Ừ ừ, lớn không bằng nắm xôi:
Phú ông xin đổi nắm xôi bờm cười!- Ơ hơ… xin lỗi Trâu nhé.
- Này cô bé! cô biết truyện ‘năm trâu sáu cột’ không?
- Dạ, bà kể rồi. Ngày xưa có ông phú hộ có đàn trâu, năm con. Một trong năm cái cột để buộc trâu bị mục nên quản gia cho đóng cái cột khác. Chẳng may cột cũ chưa được bỏ đi thì ông phú hộ thình lình qua đời. Con gái duy nhất của ông phú hộ cho rằng quản gia thừa cơ đem bán một con trâu và bắt người quản gia phải đền. Giải thích cách nào cô chủ cũng không nghe mà ông không có tiền mua trâu để đền nên ông quản gia tức, uất mà chết. Cô chủ tức quá cũng chết theo. Cả hai biến thành chim. Cuối rừng con mái kêu: “năm trâu sáu cột” thì con trống ở đầu rừng đáp “bắt cô trói cột”. Hai con cứ đối đáp nhưng không bao giờ gặp nhau… Dân Việt miền Bắc và những người bị đưa ra Bắc tù thì bảo tiếng kêu hai con chim này nghe như “khó khăn” và “khắc phục”.
Cô bé này giỏi.
Là nhờ bà hay kể chuyện cổ tích cho cháu nghe đó Trâu ơi.
Bà ơi, cháu hay nghe bà Cả mắng chú Út là ‘anh đi bốn biển năm châu rồi về sụp lỗ chân trâu’ là sao hả bà?
- À, tại chú Út thông minh học giỏi, kiếm nhiều tiền, nhưng kén mãi không được vợ, để sau khi về thăm Việt Nam lại cưới một cô vợ vừa già vừa xấu vừa nghèo vừa dốt nên bà Cả đau lòng, sót con… cũng ví như người đi sông sâu biển rộng không chết mà về chết trong cái ao tí tẹo.
- Trâu ơi! Trâu ơi… sao gọi mãi mà không trả lời. Trâu điếc thật à, chả trách người ta cứ bảo trâu là “sáng tai ọ, điếc tai cầy”.
- Dĩ nhiên rồi, cô cũng vậy, bố mẹ hét to bảo vào học thì làm bộ không nghe nhưng ai rủ đi chơi, dẫu nói thầm cũng nghe.
- Nói với Trâu cũng như “đem đàn mà gảy tai trâu”, chắc phải bắt chước Sào Phủ dẫn trâu đi chỗ khác uống nước sau khi nghe Hứa Do kể chuyện vua Nghiêu muốn nhường ngôi…
- Cái con bé đanh đá này. Cái đầu mi đúng là hôi rình
Dầu bông bưởi, dầu bông làiXức vô tới Tết còn hoài mùi cứt trâu
- Hứ, rõ là “trâu buộc ghét trâu ăn”. Không thèm chơi với trâu nữa.
- Trâu nghe cô hát hay, bây giờ Trâu đố cô một câu, cô không giảng được phải hát cho trâu nghe một bài.
- Trâu đố đi.
- ‘Vừa bằng cái bát, san sát giữa đồng’ là gì?- Là cánh đồng chum.
- Bậy, cái bát sao lại là cái chum. Đó là những vết chân trâu dẫm lên ruộng khi đi cày đó. Bây giờ cô hát đi.
- Ok, Trăng soi sáng ngời treo trên biển trời, tình ơi, một đàn con trai nhủ đàn con gái ra ngồi nhìn trăng.Trăng soi chú Cuội ngồi gốc cây đa để trâu ăn lúa, nhìn mây theo gió miệng ca bồi hồi…
Bà ơi bà, sao nước mình có nhiều truyện, bài hát, ca dao tục ngữ về trâu ghê, kể cả ngày không hết.
- Ừ tại nước mình là nước nông nghiệp, chuyên về cày cấy, gắn bó với trâu.
- Trâu còn được các thiền sư đưa vào Thiền đạo, nghe cô.
Mười bức tranh chăn trâu mang tên “Thập mục ngưu đồ” minh hoạ những giai đoạn mà một hành giả Thiền Tông trải qua trên con đường giác ngộ. Kèm theo mỗi tranh là bài thơ ngắn.
Nao nao vạch cỏ kiếm tìm trâu
Núi thẳm đường xa nước lại sâu
Kiệt sức mệt nhoài tìm chẳng thấy
Chỉ nghe réo rắt giọng ve sầu.
Rồi tiếp là “tìm thấy dấu chân trâu”, “thoáng nhìn thấy trâu” (như thấy giềng mối của Đạo, “bắt được trâu” (nắm được tâm trí và tìm cách điều phục tâm trí không cho đi lang thang nữa), “thuần hóa được trâu” (ứng với tu tập đã đạt được mức ĐỊNH), thong dong thổi sáo “cưỡi con trâu về nhà”, “Về tới nhà” hay “Quên trâu còn người” diễn tả hành giả đã về tới nhà mình, tâm trí tĩnh lặng, bình an.
Cưỡi trâu về thẳng đến gia san
Trâu đã không rồi người cũng nhàn
Mặt nhật ba sào còn say mộng
Dây roi dẹp bỏ bên cạnh sàng.
Tới đây tưởng là hết mà chưa hết,
* tranh số 8, vẽ một vòng tròn, không còn trâu cũng chẳng còn người, bức số 9, vẽ chim bay về tổ, lá rụng về cội, nước chảy về nguồn, tức là trở về nguyên vẹn thuở ban sơ, thấy mây chỉ là mây, núi chỉ là núi,
thấy sắc chính là sắc, thấy không chính là không.
* Bức tranh cuối, số 10, tiêu đề “thõng tay vào chợ” Mang bầu đi vào chợ, roi gậy trả lại nhà, nơi quán rượu hàng cá, hóa độ chuyển thành Phật hết.
Mười bức tranh này mô tả con đường của thiền giả, khởi đầu phát tâm đi tìm Đạo nhưng tìm mãi chưa gặp sau đó lờ mờ thấy, để rồi duyên may biết được Đạo. Đạo nằm trong tâm trí của mình nhưng tâm trí con người khó mà yên, lúc nào cũng suy nghĩ lung tung như con trâu lồng lộn lúc mới bị người bắt được, sau cùng mới chịu êm và khi êm rồi thì không cần giữ trâu nữa. Khi người sống cuộc đời bình thường, thấy mọi vật như là chúng đã là ‘as it as’, chính là đã đạt đạo.
- Bà ơi, cháu chẳng hiểu gì hết!
- Bà cũng chỉ hiểu lờ mờ. Khi còn nhỏ, bà thấy trẻ chăn trâu thổi sáo rất hay. Cảnh thanh bình này được ghi lại trên tranh mộc bản làng Đông Hồ.
- Cháu buồn ngủ quá, cháu đi ngủ đây. Trâu ơi, đi ngủ thôi. À, mà trâu là ai mà biết nhiều thứ thế.
- Trâu chính là Ngưu lang.
- Ngưu lang của Chức Nữ ấy à?
- Đúng thế, tháng mười hai ta này là tháng sửu, Ngọc Hoàng sai Trâu coi chừng hạ giới, thấy cô mang tuổi sửu, tình cờ đi ngang, thấy bà cháu nói chuyện nên Trâu ghé vào bàn chơi...
- Tại sao tháng này là tháng ‘sửu’, vậy tháng giêng không phải là tháng ‘tý’ sao?
- Âm lịch gọi tháng 11 là “một”, ứng với” tý”.Tháng 12 là “chạp” ứng với sửu, rồi lần lượt theo thứ tự:
*một, chạp, giêng, hai, ba, tư, năm, sáu, bảy, tám, chín, mười ứng với *tháng tý, sửu, dần, mão, thìn, tỵ, ngọ mùi, thân, dậu, tuất, hợi.
Tháng giêng đầu năm mới là tháng dần ứng với con cọp…
- À mà sao không vẽ con cọp mà lại vẽ mười bức tranh chăn trâu vậy?
- Khi xưa trâu cũng ở trên rừng, cũng hung dữ, sau bị người bắt về, dạy dỗ, trở nên hiền lành, có ích. Tâm trí của người cũng thế, vốn hiền lành nhưng cần dạy dỗ, tu tập mới nên người. Cọp, trái lại, rất hung dữ, khó mà dạy bảo được, có thể vật chết người bất cứ lúc nào, nên trâu đại diện cho bản chất thuần lương của con người...
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét