Thứ Hai, 2 tháng 5, 2016

Buồn Vui Tỵ Nạn

 

     Nước Úc gồm có các tiểu bang New South Wales, Victoria, Tasmania, Western Australia, South Australia, Queensland và hai lãnh thổ (Territory):  Northern Territory và Australia Capital Territory.
Thủ đô Úc là Canberra ở ACT (Australia Capital Territory) và Northern Territory thuộc chính quyền tiểu bang South Australia.
      Nước Úc không chỉ là một hòn đảo lớn mà Úc chiếm trọn một  trong năm châu ở địa cầu (Á, Âu, Phi,  Mỹ và Úc châu). được bao quanh bởi hai đại dương là Thái Bình Dương và Ấn Độ Dương. Diện tích đứng hàng thứ sáu trên thế giới sau Nga, Gia Nã Đại, Mỹ, Ba Tây và Trung Cộng. Úc thuộc vùng ôn đới nên thời tiết có bốn mùa rõ rệt:
      Mùa Xuân được kể từ tháng Chín đến tháng Mười Một.
      Mùa Hè từ tháng Mười Hai đến tháng Hai.
      Mùa Thu từ tháng Ba đến tháng Năm.
      Mùa Đông từ tháng Sáu đến tháng Tám.
      Nhiệt độ trung bình từ 27 độ C phiá cực Bắc đến 13 độ C phiá Nam.

     Vì là một hòn đảo lớn và không có núi cao nên giữa nước Úc là những sa mạc hoang vu, rộng lớn với nhiều khoáng sản. Các thành phố lớn đều ở ven biển. Úc có nhiều thành phố văn minh, tân tiến (các thành phố chính cũng là thủ phủ của các tiểu bang).
      Các thành phố Úc hầu như đều được xếp hạng từ 1 đến 10 trong số những thành phố sống dễ (liveable) nhất trên thế giới. Với kế hoạch phát triển đô thị, các thành phố Úc đều có những con đường cây xanh bóng mát, các công viên xinh đẹp, những ngôi nhà xinh xắn, ngăn nắp với vườn hoa khoe sắc.
     Trrước 1971, chính phủ Úc áp dụng chính sách "White policy" (ưu tiên cho di dân da trắng) nên người Úc gốc Á Châu rất ít.
     Hiện nay Úc là một nước đa văn hóa (multicultural) với cư dân từ 140 quốc gia. Sau Sydney, Melbourne là thành phố lớn của nước Úc, nơi có người Việt sống rất đông. So với những Tiểu Bang khác khí hậu Melbourne rất khắc nghiệt, một ngày có thể có bốn mùa, gió buốt. 


(Exhibition Building)
      Khi làn sóng người Việt ra đi tìm tự do. Úc là nơi mà hầu như những người ở các trại tỵ nạn chưa biết nhiều, nghe nhắc đến như là một nơi khỉ ho cò gáy, nên ít ai nghĩ đến để định cư.
      Lúc còn ở trại tỵ nạn, những người đợt trước 1979 cho biết,  Úc đã bốc đi một nhóm thanh niên độc thân, nhưng vì trai thừa gái thiếu nên phái đoàn Úc sang trại nhận thêm một nhóm nữ độc thân. Vào thời điểm đó tôi được may mắn, phái đòan Úc sang trại tỵ nạn bốc đi nhanh chóng trong lúc chị tôi ở Úc chưa kịp làm thủ tục bảo lãnh.
      Tôi đặt chân đến Melbourne vào đầu tháng 12 một mùa Xuân năm 1979, trung tâm tôi ở là Wiltona Migrant Hostel. Nơi đây những buổi chiều tan lớp Anh Văn về, chúng tôi một đám con gái rủ lên canteen ăn. Đi ngang qua bãi đậu xe, những anh chàng Việt Nam đậu xe choáng lối, huýt sáo, trêu ghẹo cũng y như ngày nào ở quê nhà, những buổi tan học chúng tôi ngượng ngùng, run rét phải đi qua những quán cà phê. Có những mối tình gắn bó từ đấy. Ly hương xa gia đình, buồn chán, cô đơn nên đôi tâm hồn đều dễ dàng cảm thông và đến cùng nhau.
      Sau vài tuần tôi xin hoán chuyển Hostel để được cùng ở chung với anh trai và cô em gái. Cái thú của dân tỵ nạn trong Midway Migrant Hostel là ngày Chúa Nhật, sáng thức thật sớm, vội vàng ăn sáng, đi thật nhanh ra khu chợ trời, mua quần áo cũ chỉ 20 cents là có được một bộ đồ. Những bộ nào đẹp rộng lớn thì đem về cắt xén, may lại là có một bộ vừa vặn " ăng ta ni láng coón" ngay.

( Chợ trời ngày Chúa Nhật )

            Cái thú ấy cho đến giờ vẫn chưa chán!
     Đã hơn ba mươi năm sống trên đất nước này, nhất là mùa đông, vào những sáng Chúa Nhật, thỉnh thoảng mấy chị em tôi lang thang trong khu chợ trời ngắm nghiá, chọn lựa những gì thật hiếm, thật xưa mà lại thật rẻ, thích làm vườn thì nơi đây cây kiểng rất nhiều, những người già họ trồng cây mang ra đây bán hoặc trao đổi những loại mà trong tiệm không dễ tìm. Thích nhất, ấm áp nhất là trên tay ly cà phê ngút khói cùng trái bắp nướng trét bơ, hay mỡ hành rắc chút muối ớt, muối tiêu. Ngon và thú vị lắm!
     Trong cuộc sống của chúng ta, cuộc sống ly hương chắc ai cũng có những mẩu chuyện vui nơi xứ sở mới này trong những ngày đầu tỵ nạn? Tôi à, có đó các bạn, sau này nhắc lại cười ra nước mắt, nhắc cho con cháu nghe.. chúng lắc đầu... cười.
     Ngày xưa ở Việt Nam, con gái nào không sợ nắng, đi học nào là nón, nào găng tay ... qua đến Úc cũng thế, trời nắng hai chị em che dù, xe nào chạy ngang cũng nhìn, ai đi qua cũng ngó, hai đứa ngạc nhiên. Ô hay chắc là mình đẹp? Thắc mắc được giải đáp thì ra …" bé cái nhầm" ! Không phải mình đẹp mà là mình " tốc kê", ở Úc chỉ xài dù lúc đi mưa, còn nắng thì thiên hạ càng mê phơi nắng..!!! Ố ồ…
     Có những điều mà không sao giải thích, những ngày mới đến Úc, vào mùa hè những con ruồi quái ác cứ không bu ai, đè mấy dân tỵ nạn nó bu, đuổi con này đi con kia bám.Thật xấu hổ vô cùng. Cũng như ngày nay khi trở về Việt Nam mấy con muỗi không chích ai nhè Việt Kiều mà chích tơi tả luôn.
     Mỗi khi đi ngang một tiệm Take Away Food, cả bọn tức nín thở mà đi. Họ trưng quảng cáo " Hot Dog". Vào siêu thị đồ đóng hộp tràn ngập " Dog Food" " Cat Food" . Ai bảo dân Úc yêu súc vật hơn yêu con người? Thế mà dám nói dân Việt Nam mình ních thịt chó. Ở đây ăn thịt chó là trọng tội. Bảng hiệu rành rành không giỏi bắt đi!!!.
     Hỏi rõ ra thì hỡi ơi! Đúng là cái xứ sở con vật quý hơn cả con người....Lại nhầm … lẫn to!!!, Đó là thực phẩm dành cho từng loài gia súc, chó, chim, mèo…Bà con ơi!
     Tôi học Pháp Văn, qua đây thật là một nỗi khổ tâm, những ngày đầu bập bẹ tiếng Anh, đi đâu cũng kè kè quyển tự điển cho chắc ăn. 
    Tôi và cô em đi về nhà thăm chị, đứng trên đường chờ chiếc Taxi, nhìn lên cây cột có tấm bảng xem viết những gì " NO STANDING ANY TIME", sau khi làm một màn dịch nghĩa " Không được đứng đây bất cứ lúc nào" .Hai chị em sợ bị phạt, đành nhích đi nơi khác... và cứ nhích như thế ... cho đến khi cả hai về đến nhà. Than ơi! Tội nghiệp cặp giò!!! Lại dốt!! Bảng ghi chú đó chỉ dành cho xe hơi…. Thiệt khổ!
    Lần đầu đi xe công cộng một mình, tôi muốn tự mình tập nói tiếng Anh, xem có về được tới nhà không cho biết. Từ trung tâm di dân về nhà rất dễ, chỉ cần lội bộ đến xe lửa, khỏi suy tư,  xe một mạch đến trung tâm City. Từ City mới khó vì qua rất nhiều trạm, sợ quên một trạm, lạc làm sao. Ông bà xưa mình hay bảo, đường đi trong cửa miệng mà, tôi vội vàng áp dụng ngay.
    Tôi đến bên ông bán vé Xe Tram trổ tài (Xe Điện thời đó có một tài xế và một người quảy cái bị bán vé) " Excuse me, can you call me when you go to the end". Wow! quá lịch sự phải không các bạn...nhưng sao ông tài xế chết đứng, trố mắt nhìn tôi nói không ra lời... Tôi cũng trố mắt nhìn ông mm cười gây thiện cảm. Ông suy nghĩ sao đó... và cười cười gật gật đầu.. " Yes...yes... don't worry! ", về nhà tôi khoe với các cháu thì ra hỡi ơi....đại họa... Hy vọng ông tài xế đó bây giờ vẫn còn, đừng "go to the end, please!".

( Xe tram )
       Hai chị em tôi hùn tiền cùng nhau mua cái máy chụp hình, lựa những chiếc xe hơi "cáu cạnh " đứng dựa lấy le, tìm nhà nào sang và đẹp đứng ké. Bấm nút mỗi bóng đèn nổ cái " bốp" là xong môt " bô", rửa ra gửi về nhà chú thích để người nhà được an tâm, tả tình, tả cảnh, tả sao cho gia đình biết con đây sung sướng, ấm êm, hạnh phúc tràn đầy...dù lòng đau buồn, tâm nhừ nát như tương và cuộc sống cũng trầy vi tróc vy.
     Nhớ nhà, nhớ cha mẹ, anh em, nhớ con đường, góc phố Vĩnh Long…nhớ da diết… không ngày nào mà tôi và cô em không rơi nước mắt. Nhưng bản chất người Việt dễ sinh tồn trên bước đường gian khó. Buồn thì có buồn mà gì cũng cười… niềm vui cũng lắm điều đễ cuộc sống đỡ vất v gian nan.
    Hội nhập rất nhanh trong môi trường mới. Có lẽ tình yêu gia đình là nền tảng, Sự cần cù của cha mẹ đã nung đúc tinh thần cầu tiến, sự chịu khó trau dồi hoặc làm lụng siêng năng để hội nhập vào bất cứ hoàn cảnh nào. Hình ảnh cha mẹ người thân lúc nào cũng thôi thúc, phải làm việc hăng say, làm không biết mỏi mệt làm chết thân mình cũng không than. Miễn sao đáp lại tình mẹ cha và lo cho anh em còn kẹt lại quê nhà đang vất v.
    Ba mươi ba năm nhìn lại, tuy ngày xưa mới đến xứ người thiếu thốn, cô đơn, bơ vơ nhưng được người Úc cưu mang, tìm niềm vui trong nỗi buồn. Ngày nay cuộc sống đủ đầy, vẫn cô đơn, xót xa nhiều và cũng bất hạnh nhiều...nhưng bù lại được xã hội cưu mang suốt đời và vẫn tìm vui để bớt sầu.
    Ba mươi ba năm thăng trầm trong buồn vui tỵ nạn. Có người hỏi tôi "Đã sợ chưa? "
    Tôi vẫn trả lời " xin cho tôi được sống lại con đường và những ước mơ đầu trong cuộc đời tỵ nạn của tôi, vẫn chọn Melbourne. Dù sao đi nữa nơi đây tôi đã có một Quê Hương Thứ Hai Tự Do, Nhân ái, An Lành và Mái Ấm ".

( Yarra River - Melbourne City)

Kim Oanh
Melbourne  10/2011

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét