Trong các bộ chưởng của Kim Dung, có một nhân vật, tuy chỉ xuất hiện ngắn ngủi (phần đầu của Cô Gái Đồ Long) nhưng đã để lại tôi nhiều ấn tượng (tôi dùng đúng nghĩa), là Côn Luân Tam Thánh Hà Túc Đạo.
Đó là một chàng trai ‘’mắt sâu, má hõm, trạc độ ba mươi tuổi’’, tự nói về mình (với Quách Tường): ‘’ Côn Luân Tam Thánh xưa nay chỉ có một người. Tôi ở Tây vực tạo được chút danh tiếng. Các bạn nơi đó khen tôi cầm, kiếm, kỳ tam tuyệt, có thể cầm thánh, kiếm thánh, kỳ thánh. Nhưng tôi nghĩ chữ thánh không thế đúng trong trường hợp đó, Tuy người khác đặt cho tôi cái tên thơm tho như vậy, nhưng tôi vẫn thấy không xứng đáng, vì thế mới tự đặt cái tên Hà Túc Ðạo, nghĩa là "không đáng nói". Vậy, đọc cả biệt hiệu lẫn tên họ của tôi thì thành Côn Luân Tam Thánh Hà Túc Ðạo. Nghĩa là không đáng gọi là Côn Luân Tam Thánh. Tôi muốn thiên hạ không muốn coi tôi là kẻ tự kiêu’’. ‘’Thánh’’ thì có nhiều (ngay cả Thánh …rắc muối) nhưng khiêm tốn như chàng, bao nhiêu người có được?!. Đó là cái đáng yêu nhất của Côn Luân Tam Thánh. Không biết sao Kim Dung chỉ cho Hà Túc Đạo là ‘’tam’’ mà không là ‘’tứ’’ thánh ? -Cầm, kỳ, kiếm, chưởng chẳng hạn ? -Có lẽ ông sợ cho thêm một ‘’thánh’’ nữa thì Hà Túc Đạo trở thành Hà.. Nội ‘’nổ’’?!
4 chữ ‘’Cầm, kỳ, thư, họa’’ xuất hiện lần đầu trong tác phẩm ‘’Bắc Mộng Tỏa Ngôn’’ của Tôn quang Hiến (đời Tống), nói về 4 thú tiêu khiển của người Tàu xưa : ‘’đàn, cờ, thư (pháp), vẽ’’. Với người Việt Nam là ‘’đàn, cờ, thơ, vẽ’’. Tuy chỉ là ‘’chơi cho vui’’ nhưng người đời, vì yêu mến, cũng phong thánh cho những người ‘’vô địch’’ mỗi bộ môn.
Tứ Thánh, theo tôi:
‘’Cầm thánh’’: Tư Mã Tương Như, dù ông được gọi là ‘’phú thánh’’ (viết bài ‘’phú’’). Thời Tây Hán, chỉ nhờ vào tiếng đàn mà cua được giai nhân (Trác văn Quân) thì chỉ có ‘’Thánh’’ mới làm nổi thôi !
‘’Kỳ thánh’’: Đế Thích (không phải người Miên). Bài thơ cờ tướng, được nhắc đến nhiều nhất là bài ‘’Đánh cờ người’’ của nữ sĩ Xuân Hương, dù cứ bị ‘’chiếu’’ dài dài nhưng bà vẫn ..’’ngoan cố’’, ‘’thua thì thua, quyết níu lấy con’’ !
‘’Thi thánh’’’: Tôi không biết ai là ‘’thi thánh’’, chỉ biết người được tôn vinh‘’Thi Tiên’’ là Lý Bạch (nên còn được gọi là Lý trích Tiên, tiên bị đày xuống trần !)
‘’Họa thánh’’: Ngô Đạo Tứ (Đường) được tôn làm ‘’Nhất đại họa thánh’’ (giỏi nhất mọi thời đại)
Ở miền Nam, ở tuổi thiếu niên (cuối thập niên 60s), tôi chỉ nghe nói đến các thú vui tao nhã ‘’tứ xây tường’’ (ngược lại với ‘’tứ đổ tường’’): cầm, kỳ, thi, họa . Mãi đến những năm cuối trung học, mới biết đến ‘’nghệ thuật nhiếp ảnh’’ ! Mà dường như không chỉ có mình tôi. Cho đến năm 1975, với nhiều người trẻ, nghệ thuật nhiếp ảnh vẫn còn là một bộ môn xa lạ ! Mặc dầu nó đã được giảng dạy ở các viên đại học Vạn Hạnh, Minh Đức từ 1972. Nói thế, không phải là ‘’chúng tôi’’ không biết chiêm ngưỡng những bức ảnh, thỉnh thoảng xem được, của các ông Nguyễn Mạnh Đan, Nguyễn Cao Đàm, Trần Cao Lĩnh, Nguyễn Ngọc Hạnh vv Cũng như không phải là không biết có cả giải Văn Học Nghệ Thuật ( của Tổng Thống Việt Nam Cộng Hòa) dành cho Nhiếp Ảnh. Nhưng biết là biết vậy, xem là xem vậy, chứ ‘’nhiếp ảnh’’ chưa được ngồi vào chung chiếu với các thú ‘’tiêu khiển’’ khác để trở nên: ‘’cầm, kỳ, thi, họa, ảnh’’. Giản dị vì ‘’máy chụp hình’’ là một thứ đại ‘’xa xỉ phẩm’’, không chỉ ở lớp trẻ, mà còn ở các tầng lớp khác. Trong 21 năm miền Nam, máy chụp hình, hầu như, chỉ dành cho các ..ký giả, phóng viên chiến trường và các bác phó nhòm chuyên nghiệp. Đại đa số chưa biết ‘’thưởng thức’’ cái ĐẸP (nghệ thuật) của một tấm ảnh!
Những năm cuối trung học, đầu đại học, tôi quen vài tên bạn ‘’con-nhà-giàu’’. Bọn này có dàn máy nghe nhạc tối tân, có trống, có đàn điện, có (lái) xế hộp vv nhưng không đứa nào có máy chụp hình riêng ! ‘’Không mua không phải không tiền không mua’’. Mà vì không thích, không biết thưởng thức ‘’nghệ thuật nhiếp ảnh’’ ! Mặc dầu đã có những quyển sách dạy ‘’chụp ảnh nghệ thuật’’ của các ông Cao Đàm, Cao Lĩnh từ năm 65,67 vv
Nếu tấm ảnh đầu tiên trên thế giới (Point de vue du Gras) được Nicéphore Niépce chụp năm 1827, từ một cửa sổ phòng nhìn ra ngoài thì, dù phương tiện giao thông quốc tế chỉ bằng đường hàng hải, 42 năm sau, năm 1869, ở Hà Nội, đã có tiệm chụp ảnh Cảm Hiếu Đường của cụ Đặng Huy Trứ. Là một vị quan triều Tự Đức, năm 1865, khi đi công tác sang Tàu, cụ Trứ đã mua nguyên bộ máy chụp, rửa ảnh, và mướn cả một người Tàu sang Hà Nội, để mở tiệm.
Từ đó, mãi đến 61 năm sau, đầu thập niên 1930s, nhiếp ảnh mới bắt đầu trở thành một bộ môn nghệ thuật, với những tên tuổi : Võ An Ninh, Phạm Ngọc Chất, Nguyễn văn Khải vv Bài viết đầu tiên (1938,1939) về Nghệ Thuật Nhiếp Ảnh, là của một ….họa sĩ nổi tiếng : Tô Ngọc Vân. Theo ông Vân, như hội họa, nhiếp ảnh cũng diễn đạt tình cảm, tuy ‘’hiện thực’’ một cách khoa học, nhưng cũng bao hàm một ý nghĩa nào đó.
1952, cuộc triển lãm nhiếp ảnh đầu tiên (mang tên ‘’Triển lãm Ảnh Mỹ Thuật’’) ở ‘’Nhà Hát Lớn’’ Hà Nội, với hơn 100 tác phẩm của 21 nhiếp ảnh gia. Tiếp tục thêm 2 năm : 1953, 1954 cho đến lúc ký Hiệp Định Geneve !
Ở miền Nam, từ 1955 đến 1975, mỗi năm đều có, ít nhất, một triển lãm và cuộc thi Nhiếp Ảnh. Không những thế, ngay từ 1958, chính quyền đã tổ chức các cuộc thi Ảnh Quốc Tế cũng như nhiều nhiếp ảnh gia miền Nam đã tham gia và đoạt nhiều huy chương, tước hiệu cao trong các cuộc tranh tài ở các quốc gia khác.
Tuy đoạt nhiều giải Nghệ thuật Nhiếp Ảnh quốc tế, nhưng hai tấm ảnh miền Nam được ‘’thế giới’’ nói đến lại là hai tấm ảnh ‘’tin …. tức’’ của hai phóng viên chiến trường làm việc cho hãng thông tấn AP (Associated Press / Hoa Kỳ). Tấm Eddie Adams chụp tướng Nguyễn ngọc Loan-‘’cầm-súng’’ hôm ‘’Tết Mậu Thân’’ (!) và tấm ‘’em bé Napalm’’ Kim Phúc, do Nick Út chụp ở Trảng Bàng 6/1972. Cả hai tấm đều được giải thưởng ’’cao quý’’ Pulitzer 1969, 1973! Không một giải nào cho những tấm chụp ở nghĩa trang Huế - 68!
Thú thật là tôi chỉ bắt đầu ‘’cảm’’ được cái ‘’nghệ thuật nhiếp ảnh’’ khi, khoảng năm 87,88 gì đó, xem các tấm ảnh trong quyển ‘’Việt-Nam Quê Hương Muôn Thuở’’ của ông Trần Cao Lĩnh. Cảm, vì, thứ nhất, đó là những hỉnh ảnh quê hương ghi lại trước 75, qua những tiểu đề, mỗi tiểu đề có dẫn nhập của tác giả : Dấu xưa tích cũ, Biển rộng quê cha, Núi đồi đất mẹ, Hương quê, Cao Nguyên thông xanh, suối bạc … Quê mình, quê người. Ôi, những cái tên ‘’10 năm tình cũ’’ (tôi rời nước 1979) nhưng lòng tôi không ‘’mới’’ nổi chút nào(!); thứ hai, đó là những hình ảnh thân yêu, từ Bắc vào Trung, lên Cao Nguyên, xuống tận đồng bằng ‘’miền Tây’’! Những bãi biển, sông dài, những đền đài, lăng tẩm, những bụi chuối, hàng cau, nét nhăn cụ già, nụ cười em bé vv Ngần ấy thứ khiến tôi vô cùng xúc động. Những đêm cuối tuần khó ngủ, tôi mang tập ảnh vào bếp, bật đèn, ngồi đọc lại từng lời ‘’dẫn nhập’’, xem lại từng trang hình, từng tấm ảnh. Và tôi bắt đầu tự hỏi, ngoài ‘’hình ảnh’’ và ‘’tựa đề’’ trong quyển sách, cái gì đã mang đến cho tôi nhiều cảm xúc ? Lại xem lại, từ từ, chiêm nghiệm từng tấm ảnh, tôi thấy, cũng như bất cứ một sáng tác văn nghệ, văn chương nào : ‘’xấu, đẹp, hay, dở’’ tùy người đối diện .
Trong quyển sách của ông Trần, có một vài hình tôi đã xem qua, trước 75. Lúc đó (trước 75) thấy ‘’đẹp’’ thì xem nhưng không gì ‘’lưu luyến’’ Như tình cờ gặp một.. giai nhân, có ‘’bắt mắt’’ đấy, nhưng không có đợt sóng nào trong lòng cả. Nhìn xong rồi quên đi ! Chả bù với những ‘’người đâu gặp gỡ làm chi!’’.
Bây giờ thì khác, cũng hình ảnh đó, nhưng tôi lại thấy ‘’hay’’! Có lẽ do tuổi trời, có lẽ do tuổi đời (va chạm xã hội) lẫn cả tuổi ‘’nghề’’ (quan sát, phân tích) vv Ngần ấy ‘’kinh nghiệm’’ sống đó khiến tôi ‘’thấy’’ được (tôi nghĩ vậy) cái ‘’nghệ thuật’’ trong nhiếp ảnh ! Trước hết, tấm ảnh đó phải có sức thu hút người xem. Khi đã ghé mắt vào rồi, thì mới từ từ khám phá được cái ‘’ĐẸP’’ (nghệ thuật) của tấm ảnh, từ đó, thấy ra cái ‘’tài’’ của người chụp ảnh ! Do đó, với tôi, một tấm ảnh có ‘’nghệ thuật’’ là một tấm ảnh mà ‘’chủ đề’’ ( nhân vật/cảnh trí) nổi bật, ‘’dàn cảnh’’ khéo léo, ánh sáng (màu sắc) thích hợp, thấy rõ chi tiết (nhờ kỹ thuật), tựa đề độc đáo vv
Sau này, qua mạng, tôi được xem rất nhiều hình ảnh đẹp. Của một Việt Nam quê hương yêu dấu. Của một buổi sáng vàng nắng hồ Gươm, một buổi trưa phượng ngời thành nội, một đêm hoa đăng rực phố Sài Gòn, hay những buổi chiều rơi trên hai dòng sông Tiền, Hậu vv Cũng như rất nhiều hình ảnh rất buồn. Của những vành khăn tang trắng đầy nghĩa trang Huế. Của một khoảng đại lộ kinh hoàng. Của chiếc trực thăng đầy người xếp hàng chờ, trên nóc một chung cư đường Gia Long. Của những đôi mắt vô hồn thuyền nhân vv Nhưng xúc động nhất, vẫn là tấm ‘’Vá Cờ’’ của nhiếp ảnh gia (Trung Tá Nhảy Dù) Nguyễn Ngọc Hạnh!
Người ta khen một ca khúc hay, một áng văn hay, một bài thơ hay, nhưng lại là một bức tranh đẹp, một tấm ảnh đẹp! Nhưng hay, đẹp không hẳn là yêu, thích! Đôi mắt có hai nhưng con tim thì chỉ một! Điều đó đã không xảy ra khi tôi xem ‘’Đường Mây Rộng’’ !
Đường Mây Rộng là tên bộ ‘’album’’ ảnh-chụp của ‘’nhiếp ảnh gia’’ Vũ Ngọc Hiến, mà tôi gọi là ông anh, dù ‘’biết tên nhưng chưa biết tuổi chàng’’. Gọi là ông anh vì trước 75, chàng đã khoác áo treillis, mà đối với tôi (một người còn đi học), đã là LÍNH QLVNCH rồi thì ai cũng xứng đáng là đàn anh tôi cả (anh tiền tuyến, ‘’em’’ hậu phương mà) !
Cách đây vài năm, tôi được anh Hiến cho vào danh sách những khán-giả xem chùa hình anh chụp. Lâu lâu, anh em được chàng gởi xem mấy tấm ảnh mới đi ‘’săn’’ về : trong các lễ hội, ở những vườn hoa, khi chạy đua, lúc bắn pháo bông, hôm nhật thực, chim bay, cò bay vv Tấm nào cũng đầy ‘’nghệ thuật’’ (tôi tự cho mình có đủ …. ‘’tư cách’’ để nói 2 chữ này rồi) xem rất đã mắt ! Cuối năm 2024 này, Papa Noel Vũ Ngọc Hiến gởi cho tôi cuốn ĐƯỜNG MÂY RỘNG số 5 ( các số 2,3,4 đã tuyệt bản ! ) Mới bốc vài trang mát như ‘’lụa là’’ đã thấy ngẩn người, chưa kịp xem hết, thì ‘’Papa’’ bồi thêm cuốn đầu tiên (ĐƯỜNG MÂY RỘNG số 1). Vậy, tôi xin nói về cuốn 1 trước !
ĐƯỜNG MÂY RỘNG -1 có 92 trang, thì tôi yêu hết 92 trang. Ngay cả 3 trang giới thiệu của hai Bác Sĩ Trần Xuân Ninh và Đặng Phú Ân ! Cũng như trang có ‘’chân dung’’ tác giả với 4 câu thơ rất‘’hà túc đạo’’ (không đáng nói) : ‘’Xin chớ phong bừa nhiếp ảnh gia / Lửng lơ tài mọn chút thôi mà / Hoa xinh, bướm đẹp thu vào máy / Để giữ lòng vui lúc xế tà !’’.
Thú thật là tôi hay ‘’nịnh đầm’’ nhưng chưa bao giờ biết bốc ‘’tây’’ hay ‘’phong bừa’’ ai cả. Nên, khi yêu ĐƯỜNG MÂY RỘNG -1 thì tôi cứ bảo là tôi yêu ĐƯỜNG MÂY RỘNG -1. Mấy tấm tôi ‘’scan’’ lại dưới đây (xin lỗi vì qualité dõm, không đúng với ảnh chụp) chỉ là mấy tấm kiểu ‘’bói Kiều’’, lật … đại trang nào, scan trang nấy, đều là mấy tấm ‘’nghệ thuật’’ đầy .. hình: từ ‘’chủ đề’’, bố cục, màu sắc đến ánh sáng, chi tiết vv Tấm ‘’Kent Parc’’, chỉ với hai màu đen trắng, làm tôi nghĩ đến ‘’một cõi đi về’’. Có đi đến những đâu rồi thì, cuối cùng, người ta cũng trở về ‘’đó’’. Một mình thôi!
Nguồn: Đường Mây Rộng số 1
Xin cám ơn anh chị Thủy Hiến! Về món quà cuối năm quý giá và đầy ý nghĩa này !
-----------------
Cảm tác sau khi xem Đường Mây Rộng-1
thân gởi anh Vũ Ngọc Hiến
Hôm xưa vác súng hành quân
Hôm nay vác máy đi săn ảnh hình
Mỗi tấm chụp, một góc nhìn
(cám ơn nghệ thuật đồng hành tài-hoa)
Những trang ấn phẩm lụa-là
Khởi từ những bước ta-bà đó đây
Cám ơn nẻo Rộng, Đường Mây
Ơn con mắt nhắm, ngón tay bấm hình
Ơn từng bức ảnh như tranh
Có sông Hương Thủy quẩn quanh bên người
Cám ơn đã Hiến cho đời
(Thu qua ống kính) góc trời riêng tây!
BP
14/01/2025
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét