Thứ Ba, 6 tháng 2, 2024

Những Ngày Lễ Tết Trong Niên Lịch


A. Niên Lịch 

 

*

Phổ Thông tạp chí số 31 trong thời VNCH viết về Lịch (Calendriers, Calendars) trong mục trả lời độc giả như sau:

 

Dương Lịch (Calendriers solaires) căn cứ trên tuần hoàn của Địa cầu chung quanh Mặt Trời, tức là 365 ngày và 6 giờ (hay hơn kém một vài phút).

Trong lịch sử, Dương Lịch biến đổi 2 lần.

         Lịch Julien (Lịch xưa) do Hoàng đế Julius Cesar đặt ra từ năm 45 trước chúa Giê-su.  Lịch nầy được thông dụng ở khắp nơi ở Âu châu và Tây Á cho đến cuối thế kỷ XVI (16), nói đúng hơn cho đến năm 1582.  Riêng nước Nga vẫn dùng cho tới năm 1918 và nước Hy Lạp dùng đến năm 1923.  Dương Lịch Julien tính một năm là 365 ngày 1/4.  Cứ 3 năm (365 ngày) liên tiếp rồi đến một năm nhuần 366 ngày (thêm một ngày vào tháng 2).

         Lịch Gregorien (Lịch mới).  Gần cuối thế kỷ 16 các nhà Thiên văn học La mã xét lại thấy rằng căn cứ theo Tiết Xuân phân (Equinoxe de Printemps) thì Địa cầu xoay chung quanh Mặt Trời (Thái dương) không phải là 365 ngày 6 giờ mà 365 ngày 5 giờ 48 phút 45 giây 985, mới thật là đúng theo Xuân tiết.  Vì vậy cứ tính theo Lịch Julien của Julius Cesar thì dồn lại từ xưa cho đến năm 1582 lịch nầy đã quá lố 10 ngày.  Giáo hoàng Gregoire XIII liền sửa đổi Lịch Julien cho đúng với Xuân tiết nên quyết định ngày 5 tháng 10 năm 1582 đổi thành ngày 15 tháng 10 (năm 1582); nghĩa là năm 1582 phải rút ngắn lại 10 ngày.  Thế là Lịch mới nầy được gọi là Lịch Gregorien (theo tên của Giáo hoàng Gregoire XIII) và bắt đầu từ ngày 15 tháng 10 năm 1582.  Các nước theo Thiên Chúa Giáo ở Âu châu đều sửa lại theo Lịch mới vào ngày 15 tháng 10 năm 1582 chỉ trừ nước Nga (cho đến ngày 15 tháng 10 năm 1918) và nước Hy Lạp (cho đến ngày 15 tháng 10 năm 1923).

 

Cho đến ngày nay, Dương Lịch theo Lịch mới Gregorien được thông dụng khắp Thế giới, không còn sửa đổi gì nữa.  Theo đó cứ 4 năm thì có 1 năm nhuần, nghĩa là năm ấy có tháng Hai có 29 ngày còn 3 năm không nhuần thì tháng 2 chỉ có 28 ngày.  Theo lịch mới, mỗi năm lịch là 365 ngày 5 giờ 49 phút 12 giây so với mỗi năm của Xuân tiết (là 365 ngày 5 giờ 48 phút 45 giây 985) thì phải 4000 năm mới sai 1 ngày. 

 

Âm Lịch hay Nguyệt Lịch (Calendriers lunaires) chỉ tính theo Mặt Trăng chớ không tính theo Mặt Trời.

         Lịch La mã trước Julius Cesar: mỗi năm chỉ tính có 304 ngày.

         Lịch Macedoine: cũng mỗi năm có 12 tháng, mỗi tháng có 29 hay 30 ngày.

         Lịch Hy Lạp : mỗi năm có 354 ngày.

         Lịch Ba Tư: mỗi năm có 365 ngày

         Lịch Hồi Giáo: mỗi năm có 360 ngày.

 

Âm Dương Lịch (Calendriers luni-solaire), tức là Lịch Tàu, Nhật và Việt Nam.  Lịch nầy người ta hoàn toàn sai lầm khi gọi là Âm Lịch.  Vì chỉ có Lịch Tàu là tính theo đúng với tuần hoàn của Địa cầu (Trái Đất) chung quanh Mặt Trời và tuần hoàn của Mặt Trăng chung quanh Địa cầu, theo kinh tuyến Bắc kinh.  Quyển Lịch Tàu đầu tiên được xuất bản tại Bắc Kinh vào năm 1644.  Mỗi năm 12 tháng lấy theo 12 con Trăng, tức là 360 ngày tất cả.  Tuy nhiên có tháng đủ là 30 ngày, có tháng thiếu là 29 ngày.  Có năm phải tính 13 tháng (tháng nhuần) cho hợp với vị trí Mặt Trời, và theo mỗi Niên kỷ là 60 năm.  Năm 1983 là khởi tiếp Niên kỷ 78.

 

*

Dương Lịch và Âm Dương Lịch

 

Sự khác biệt về ngày tháng của 1 năm Dương lịch và 1 năm Âm Dương lịch.

         Năm của Dương Lịch có 365 ngày, nếu năm nhuần có thêm 1 ngày (366 ngày).  

         Năm của Âm Dương Lịch có 12 tháng, nếu năm nhuần (nhuận) có thêm 1 tháng (13 tháng).  Một tháng Âm Dương lịch thì có trung bình 29.5 ngày.  Năm Âm Dương lịch có 354 ngày do đó ngắn hơn năm Dương lịch 11 ngày.

 

Bốn năm (Dương Lịch và Âm Dương Lịch) thì có một năm nhuần.  

         Sau 3 năm thì năm Âm Dương lịch ngắn hơn năm Dương lịch 33 ngày.  Do đó nếu năm thứ 4 là năm nhuần thì năm Âm Dương lịch vẫn còn ngắn hơn năm Dương lịch (vì 1 tháng Âm Dương lịch thêm trong năm nhuần chỉ có 29.5 ngày).

         Do đó có thêm 1 luật nữa (để năm Âm Dương lịch bắt kịp năm Dương lịch): cứ 19 năm lại có 1 lần cách 2 năm thì năm Âm lịch có thêm 1 năm nhuần (thêm 1 tháng Âm lịch).  

Những luật về năm nhuần của năm Âm Dương Lịch là để năm Âm Dương Lịch bắt kịp năm Dương Lịch.  Ngày Tết Âm Dương lịch trễ nhất trong tháng 2 Dương lịch là ngày năm Âm Dương lịch bắt kịp năm Dương lịch.

 

 

B. Những Ngày Lễ Tết (trong Niên Lịch)

 

Người Việt và người Trung Hoa có những ngày Lễ Tết trong năm dựa theo Âm Dương Lịch (mà chúng ta quen gọi lầm là Âm Lịch), bắt đầu từ văn hóa người Trung Hoa.  Âm Dương Lịch có nguồn gốc từ người Trung Hoa và truyền bá sang Nhật Bản và Việt Nam. 

 

a) Tiết và Khí Tiết

 

Theo học giả Đỗ Chiêu ĐứcTiết có nghĩa gốc là các mắt, đốt, lóng của cây Tre; nghĩa rộng là các mắt, đốt, lóng của thực vật; và nghĩa rộng hơn là các phần nhỏ của sự vật nào đó.  Nhưng khi dùng cho niên lịch, Tiết có nghĩa khác.

 

Lịch Cổ  của Trung Quốc chia 1 năm ra làm 8 Tiết, gọi là Bát Tiết (8 Tiết): Lập Xuân, Lập Hạ, Lập Thu, Lập Đông, Xuân Phân, Thu Phân, Hạ Chí và Đông Chí.

 

Lịch Kim (tức là lịch từ đời nhà Hán cho đến bây giờ) chia 1 năm ra làm 24 Khí hoặc Tiết.  Cứ 3 ngày là 1 Hậu, cứ 5 Hậu là 1 Khí hay Tiết. 

Mỗi năm chia làm 4 mùa và 12 tháng và như vậy mỗi tháng có 2 Khí hoặc Tiết, thường cũng gọi là Khí Tiết.

Các Tiết trong Tháng (mỗi tháng có 2 tiết) và trong Mùa:

(Mùa Xuân)

         Tháng Giêng: Lập Xuân - Vũ Thủy.

         Tháng Hai: Kinh Trập - Xuân Phân.

         Tháng Ba: Thanh Minh - Cốc Vũ.

(Mùa Hạ)

         Tháng Tư: Lập Hạ - Tiểu Mãn.

         Tháng Năm: Mang Chủng - Hạ Chí.

         Tháng Sáu: Tiểu Thử - Đại Thử.

(Mùa Thu)

         Tháng Bảy: Lập Thu - Xử Thử.

         Tháng Tám: Bạch Lộ - Thu Phân.

         Tháng Chín: Hàn Lộ - Sương Giáng.

(Mùa Đông)

         Tháng Mười: Lập Đông - Tiểu Tuyết.

         Tháng Mười Một: Đại Tuyết - Đông Chí.

         Tháng Mười Hai: Tiểu Hàn - Đại Hàn.

 

Tóm lại, 24 Tiết nêu trên được gọi là Khí Tiết có nghĩa là khí hậu và thời tiết căn cứ theo mùa màng của Âm lịch cho Canh nông.

 

b) Lễ Tiết hay Lễ Tết

 

Khác với Khí Tiết, Lễ Tiết là những cột mốc, là những ngày Lễ theo truyền thống và phong tục tập quán của từng dân tộc hay địa phương. 

Lễ Tiết được gọi trại thành những ngày Lễ Tết vì thường đọc trại là Tết từ Tiết, thường dùng cho Lễ Tết.  Tiết là Hán Việt ngữ còn Tết là Tiếng Nôm.

 

Tóm lại Tiết khi được gọi là:

         Khí Tiết thì có nghĩa là khí hậu và thời tiết của mùa màng trong một năm.  (Trong Hán ngữ, Khí Tiết còn có nghĩa khác là "nghĩa khí và tiết tháo" của Nho sĩ.

         Lễ Tiết thì có nghĩa là những ngày Lễ Tết trong năm.  Tết trong Lễ Tết là đọc trại của Tiết và Lễ Tiết đọc trại là Lễ Tết.  Lễ Tết cũng thường gọi vắn tắt là Tết.

 

Trong 1 Năm (12 tháng) có những Lễ Tết (Lễ Tiết), theo thứ tự thời gian trong năm:

         Tết Nguyên Đán là ngày mồng một tháng giêng.

         Tết Nguyên Tiêu là ngày rằm (15) tháng giêng.

         Tết Thanh Minh trong tháng ba; vừa là Lễ Tiết vừa là Khí Tiết.

         Tết Hàn Thực là ngày mùng ba tháng ba.

         Tết Đoan Ngọ hay Đoan Dương là ngày mùng năm tháng năm.

         Tết Trung Nguyên là ngày rằm (15) tháng bảy.

         Tết Trung Thu là ngày rằm (15) tháng tám.

         Tết Trùng Cửu hay Trùng Dương là ngày mùng chín tháng chín.

         Tết Hạ Nguyên là ngày rằm (15) tháng mười. 

 

Những ngày Lễ Tết (Lễ Tiết) thường là:

- Ngày đầu Tháng và đầu Năm: Tết Nguyên Đán (ngày mùng một tháng giêng)

- Ngày Rằm giữa tháng (ngày thứ 15): 

         Tết Nguyên Tiêu hay Thượng Nguyên là ngày rằm (15) tháng giêng.

         Tết Trung Nguyên là ngày rằm (15) tháng bảy.

         Tết Trung Thu là ngày rằm (15) tháng tám.

         Tết Hạ Nguyên là ngày rằm (15) tháng mười. 

- Ngày trùng: thứ tự của ngày trong tháng trùng với thứ tự của tháng trong năm:

         Tết Hàn Thực là ngày mùng ba tháng ba.

         Tết Đoan Ngọ hay Đoan Dương hay Trùng Ngũ là ngày mùng năm tháng năm.

         Tết Trùng Cửu hay Trùng Dương là ngày mùng chín tháng chín.

- Tết Thanh Minh trong tháng ba; vừa là Lễ Tiết vừa là Khí Tiết.

 

Tất cả những ngày Lễ Tết đều có sự tích cho ngày Lễ. 

 

Bs PHAN THƯỢNG HẢI biên soạn

 

Bài này là trích đoạn bài "Sự Tích Những Ngày Lễ Tết Trong Niên Lịch" (Bs Phan Thượng Hải) đăng trong phanthuonghai.com mục Văn Hóa phần Học Thức và Đời Sống. 


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét