Thứ Bảy, 10 tháng 2, 2024

Nhân Tết Giáp Thìn 2024, Tản Mạn về Rồng Qua Ca Dao Việt Nam

Rồng là con vật đứng đầu trong bộ Tứ linh: Long, Lân, Quy, Phụng.

Và như chúng ta biết, Rồng là con vật không có thật trên thế gian và Rồng do trí tưởng tượng của con người mà có trong chuyện cổ tích.

Trong 12 con giáp, Rồng đứng thứ Năm và có thể nói là con vật cao quý nhất vì lúc nào Rồng cũng ở trên … mây. 
Riêng kho tàng Ca Dao, Tục Ngữ Việt Nam không thiếu những câu nói về Rồng, điển hình
 
          Thuyền Rồng chở ván mù u
          Người khôn ở với người ngu bực mình.
 
Trong lãnh vực yêu đương, hãy nghe anh chàng văn hoa ví von
          Rồng nằm bể cạn phơi râu
          Mấy lời anh nói dấu đầu hở đuôi
 
Nhưng đôi khi, tình yêu đã làm cho “chàng Rồng” ta gồng mình hỏi thẳng thừng
          Rồng giao đầu, Phụng giao đuôi,
          Nay tui hỏi thiệt : Mình thương tui không mình?
 
Văn chương Việt Nam phong phú nên câu ca dao trả lời cũng rất văn hoa, trữ tình
          Nhớ chàng như vợ nhớ chồng
          Như chim nhớ tổ, như rồng nhớ mây…
Để diễn tả cảnh vợ ngóng chồng, ca dao Việt diễn tả
          Thế gian được vợ hỏng chồng
          Có đâu như rồng mà được cả đôi
 
Diễn tả sự hiếu thảo của con cái đối với Cha Mẹ, người đời diễn tả ước mơ đó như sau
          Bao giờ cá chép hoá long
          Đền ơn cha mẹ ẵm bồng ngày xưa
 
Tình yêu, duyên phận đôi khi rất tình cờ, tình cờ nưng trữ tình như qua câu ca dao
          Tình cờ anh gặp mình đây
          Như cá gặp nước, như mây gặp rồng
 
Để rồi nhớ nhung lúc xa nhau cũng rất văn hoa
          Thiếp xa chàng như rồng nọ xa mây
          Như con chèo bẻo xa cây măng vòi
 
Tình nghĩa vợ chồng trong Xã hội Viêt Nam như chúng ta biết rất gắn bó bất chấp hiểm nguy (điển hình trong thời chiến của Việt Nam trước 1975) cho nên Ca Dao Việt Nam cũng ví von
          Có chồng thì phải theo chồng
          Chồng đi hang rắn, hang rồng cũng theo...
 
Diễn tả sự chung thủy, tính thủy chung trong tình yêu cũng mượn Rồng để đề cập đến
          Trăm năm ghi tạc chữ đồng
          Dù ai thêu phụng vẽ rồng mặc ai
 
Để ví von người phụ nữ lấy được ông chồng khôn ngoan, ca dao Việt Nam có câu
          Phận gái lấy được chồng khôn
          Xem bằng cá vượt vũ môn hóa rồng
 
và qua câu ca dao sau đây cho ta thấy giá trị cao quý của “Rồng”
          Một ngày dựa mạn thuyền rồng
          Còn hơn chín tháng nằm trong thuyền chài ….
Không chỉ có  CA DAO mà ngay cả Tục Ngữ Việt Nam cũng đề cập đến RỒNG, điển hình như
          Rồng đến nhà tôm
          Rồng bay phượng múa
hay
          Cá chép hóa Rồng
          Ngọc ẩn long tu
 
Xin được mở ngoặc thêm ở đây chút xíu để nói về Rồng (trích dẫn / tóm lược theo internet và mạn phép được diễn đạt theo văn phong học Việt Văn của một cựu học sinh ban Toán (Ban B) trước 1975 thời Việt Nam Cộng Hòa. Mong quý thưác giả hoan hỷ cho mọi sơ sót !).
 
Quý vị cũng biết dưới chế độ phong kiến, Rồng tượng trưng cho Vua (long thể) còn được mệnh danh là Thiên Tử (con trời). Vì vậy, các bộ phận trên thân thể cho đến những đồ dùng hàng ngày của “Thiên Tử” đều được gắn với hình tượng con Rồng: long nhan (mặt vua), long bào (áo của vua có thêu rồng), long xa (xe dành cho vua), long sàng (giường để vua nằm)…
 
Với truyền thuyết Con Rồng, cháu Tiên, Rồng là niềm tự hào về dòng giống, cội nguồn của người Việt Nam. Nếu chúng ta nhìn hình thể đất nước Việt Nam từ Bắc đến Nam với hình cong chữ S, có thể nói là không khác gì con Rồng nằm uốn khúc dọc theo bờ biển và các địa danh (theo internet) như : Long Ðổ, (rún Rồng), Long Biên, Thăng Long (tên thủ đô Việt tộc vào thế kỷ thứ 6), Vịnh Hạ-Long (đây là kỳ quan thế giới công nhận), Bình Long, Phước Long, Long Thành, Long Khánh, Long Hải (bải tắm đẹp ở Vũng Tàu), Long Bình, Long An (nếu ai đi trên đường từ Sài Gòn về Miền Tây thì sẽ qua cầu Bến Lức thuộc Tân An ngày xưa (thuộc  Long An), Long Hồ (nằm trong lãnh thổ Vĩnh Long), Long Mỹ (thuộc về Chương Thiện), Thới Long (là một xã thuộc quận Ô Môn, Tỉnh Cần Thơ tức Hậu Giang ngày nay, nơi đây có nhiều cây trái danh tiếng nhứt là Cam, Bưởi…). Ở Miền Tây có 2 địa danh mang tên Long, trở thành tỉnh lỵ, không những có những cây lành trái ngon ngọt nữa, đó là Vĩnh Long và Long Xuyên. Cầu Long Biên là cây cầu thép đầu tiên bắc qua sông Hồng tại Hà Nội, do Pháp xây dựng (1899-1902) Cầu Long Bình thuộc tỉnh An Giang, Cầu Thăng Long bắc ngang qua hai làng Đông Ngạc và Võng La. Cầu Rồng bắc qua sông Hàn (Đà Nẵng)… (sưu tầm và biên soạn lại).
Suốt quá trình Việt Nam bị đô hộ và sau đó phải “giao lưu văn hóa với Trung Hoa”, khái niệm Rồng của Trung Hoa mới du nhập vào nước Việt Nam ta. Từ đó, người Việt mới có khái niệm Rồng như là một con vật linh thiêng, trong hệ thống Tứ Linh: Long, Lân, Quy, Phụng và cũng từ đó, trong ngôn ngữ, từ long hay Rồng mới gắn liền với cương vị đế vương, vua chúa, hay những thực thể cao quý. Như một loạt từ sau đây:
 
          Long thể: thân thể vua
          Long nhan: mặt vua
          Long sàng: giường vua
          Long ngai: ngai vua
          Long cổn, long bào: áo vua
          Long châu, long thuyền: thuyền vua…

Và hình ảnh tưởng tượng của Rồng cũng đã chi phối cách mô tả ngoại hình các bậc vua chúa của nhà văn: râu rồng, mũi rồng, đi nhẹ như nước, ngồi vững như non v.v…
Đó là trong ngôn ngữ và văn chương. Còn trong ngôn ngữ và văn học dân gian, từ Rồng, hình tượng Rồng được dùng mở rộng hơn và không có hệ thống. Nên đề cập về hình tượng Rồng, từ rồng trong ngôn ngữ và văn học dân gian vì thế chỉ có tính chất phiếm luận.
Dấu ấn trong tâm thức người Việt Nam cũng được diễn tả qua tục ngữ, thành ngữ, ca dao vì con Rồng là một hình tượng có vị trí đặc biệt trong văn hóa, tín ngưỡng của dân tộc Việt Nam, từng là biểu tượng linh thiêng liên quan đến truyền thuyết con Rồng cháu Tiên của người Việt. Các vị Vua Việt Nam xăm lên đùi mình hình ảnh rồng để giữ truyền thống của cư dân ven biển. Đến đời Vua Trần Anh Tông (1293-1314) mới chấm dứt tục xăm rồng trên đùi. Rồng tượng trưng cho quyền uy tuyệt đối của các đấng Thiên Tử (bệ rồng, mình rồng). Rồng là hình tượng của mưa thuận gió hòa, là vật linh thiêng đứng vào hàng bậc nhất trong Tứ Linh Long, Lân,Quy, Phụng. Đặc biệt, hình tượng con Rồng Việt Nam tương phản với hình tượng con rồng độc ác, tượng trưng cho cái xấu của các nước phương Tây.
* Vài nét về hình tượng Rồng qua các triều đại phong kiến Việt Nam
Hình tượng Rồng từ thời Hùng Vương đã được hình dung là con vật thân dài, có vẩy như cá sấu, được chạm trên các đồ đồng. Qua hơn 1000 năm Bắc thuộc, con rồng Việt Nam xuất hiện rõ nét dưới thời Lý. Hình ảnh Rồng bay lên (Thăng Long) tượng trưng cho khí thế vươn lên của dân tộc, được lấy làm tên cho mảnh đất đế đô. Rồng thời Lý tượng trưng cho mơ ước của cư dân trồng lúa nên xuất hiện trong khung cảnh của nước, của mây cuộn. Rồng thời nhà Lý mình dài như rắn, thân trơn nếu là con nhỏ, còn con lớn thì thân có vẩy, lưng có vây. Hình tượng con rồng thời Trần có nhiều biến đổi so với thời Lý. Rồng xuất hiện thêm hai chi tiết là cặp sừng và đôi tay. Đầu rồng uy nghi, đường bệ với chiếc mào lửa ngắn hơn. Thân rồng tròn lẳn, mập mạp, nhỏ dần về phía đuôi, uốn khúc nhẹ, lưng võng hình yên ngựa. Đuôi rồng có nhiều dạng, khi thì đuôi thẳng và nhọn, khi thì xoắn ốc. Các vảy cũng đa dạng. Có vẩy như những nửa hình hoa tròn, nhiều cánh đều đặn, có vẩy chỉ là những nét cong nhẹ nhàng.
Rồng thời nhà Lê thay đổi hẳn. Rồng không nhất thiết là một con vật mình dài, uốn lượn đều đặn mà ở nhiều tư thế khác nhau. Đầu rồng to, bờm lớn ngược ra sau, mào lửa mất hẳn, thay vào đó là cái mũi to. Thân rồng lượn hai khúc lớn. Chân có năm móng sắc nhọn quắp lại dữ tợn. Rồng thời Lê tượng trưng cho quyền uy phong kiến. Cũng chính bắt đầu từ thời đại này xuất hiện quan niệm tứ linh tượng trưng cho uy quyền của vương triều rồng đứng đầu trong tứ linh. Ba vật thiêng kia là: Lân (tượng trưng cho sự thái bình và minh chúa), Quy (tượng trưng sự bền vững của xã tắc) và Phụng (tượng trưng cho sự thịnh vượng của triều đại).
Rồng thời Trịnh Nguyễn vẫn còn đứng đầu trong bộ tứ linh nhưng đã được nhân cách hóa, đưa vào đời thường như hình rồng mẹ có bầy rồng con quây quần, rồng đuổi bắt mồi, rồng trong cảnh lứa đôi. Con rồng thời Nguyễn trở lại vẻ uy nghi tượng trưng cho sức mạnh thiêng liêng. Rồng được thể hiện ở nhiều tư thế, ẩn mình trong đám mây, hoặc ngậm chữ thọ, hai rồng chầu mặt trời, chầu hoa cúc, chầu chữ thọ… Phần lớn mình rồng không dài ngoằn mà uốn lượn vài lần với độ cong lớn. Đầu rồng to, sừng giống sừng hươu chĩa ngược ra sau. Mắt rồng lộ to, mũi sư tử, miệng há lộ răng nanh. Trên lưng rồng có tia, phân bố dài ngắn đều đặn. Râu rồng uốn sóng từ dưới mắt chìa ra cân xứng hai bên. Hình tượng rồng dùng cho vua có năm móng, còn lại là bốn móng.
Hiện nay hình tượng con Rồng tuy không còn tính chất thiêng liêng, tối thượng nhưng vẫn được đưa vào trang trí cho các công trình kiến trúc, hội họa, chạm, khắc nghệ thuật…
Trong mọi thời điểm nào, con rồng vẫn là một phần trong cuộc sống văn hóa của người Việt.
 
* Rồng trong tâm thức người Việt qua thành ngữ, tục ngữ, ca dao
Theo cách tính dân gian của người xưa, trong một Giáp có 12 năm. Khởi đầu bằng năm con Chuột (Tí) và kết thúc bằng năm con Lợn (Hợi). Qua thống kê ở một tài liệu khoa học gần đây về 12 con vật này cho thấy đây là những con vật có tần số xuất hiện khá cao trên tư liệu thành ngữ, tục ngữ, ca dao. Trong số này, chỉ có tên gọi các con vật như: Khỉ, Dê, có vị thế thấp hơn, những con vật còn lại đều có tần suất xuất hiện cao.
Trong số 12 con vật được dùng vào hệ 12 Con Giáp thì Rồng ở vị trí thứ 5. Rồng là con vật tuy chưa ai nhìn thấy diện mạo thật của nó thế nào nhưng trong lịch sử và nghệ thuật, trong văn học và đời sống của người Việt, Rồng là con vật xuất hiện nhiều hơn cả, xuất hiện một cách vừa thực vừa hư, vừa gần, vừa xa, vừa giản dị lại vừa linh thiêng. Có thể nói Rồng là một con vật huyền thoại. Hình tượng Rồng là một biểu tượng văn hóa, phương Tây thường đối lập với sức mạnh “chính nghĩa” và cuối cùng bị sức mạnh chính nghĩa đánh bại.
Con Rồng ở phương Đông nói chung, Việt Nam nói riêng là hình ảnh đẹp, là biểu tượng của sự cao cả, thiêng liêng và sức sống vĩnh hằng. Hình tượng con Rồng rất quen thuộc trong tâm thức người Việt. Người Việt có tục thờ cúng Lạc Long Quân, có tục xăm mình bằng hình Rồng. Mỗi khi nói đến “Con Rồng Cháu Tiên”, người Việt Nam ta đều cảm thấy hãnh diện, tự hào.
Trong suốt chiều dài tháng năm dựng nước và giữ nước, hình tượng Rồng đã gắn chặt với đất nước Việt Nam, con người Việt Nam từ tên sông, tên núi, tên đất, tên người. Nào là Vịnh Hạ Long – cảnh quan thiên nhiên được xếp hạng di sản văn hóa thế giới; thủ đô nước Việt từ năm 1010 đến nay vẫn được gọi là đất Thăng Long (Rồng bay). Con sông lớn nhất phía Nam đang chuyển tải phù sa, cấp nước cho vựa lúa Nam Bộ được gọi là Sông Chín Rồng (Cửu Long Giang); có hàng trăm địa danh gắn với tên Rồng trên khắp đất nước Việt Nam chúng ta. Trong dân gian, Rồng tượng trưng cho thần linh và điềm lành, Rồng đi mây về gió, có thể đem lại sự tốt tươi cho cây cối, muôn vật:
         
          Rồng đen lấy nước thì nắng
          Rồng trắng lấy nước thì mưa?
 
Người Việt ngày xưa thường cầu khẩn Long Vương ban cho mưa thuận gió hòa, cho mùa màng bội thu. Hình tượng con Rồng muôn vàn dáng vẻ, màu sắc rực rỡ, không chỉ xuất hiện trong các truyền thuyết, thơ ca, trên các sản phẩm mỹ nghệ, điêu khắc mà Rồng còn được thể hiện trong nhiều phong tục tập quán, lễ hội dân gian… Nhiều người chọn đặt tên con trai là: Long (Rồng) với mong muốn con mình sẽ có sự uy vũ, cương nghị của đấng nam nhi. Thời phong kiến, Rồng trở thành biểu tượng của quyền lực thiên tử. Chỉ có Vua mới được mặc áo thêu rồng. Hình tượng rồng mang vẻ cao quý, tôn nghiêm, tượng trưng cho uy quyền: Long nhan, Long trượng, Long thể… Rồng đứng đầu trong Tứ Linh: Long, Ly, Quy, Phượng. Mặc dù chịu ảnh hưởng của nhà nước phong kiến, Rồng vẫn gần gũi với cuộc sống dân gian. Nhiều khi Rồng được dân gian lấy làm vũ khí đấu tranh chống áp bức cường quyền, để phê phán những thói hư tật xấu nịnh bợ trong xã hội:
          Vóc rồng thì để hầu vua
          Vải thô, lụa xấu thì chừa cho dân
Truyền thuyết Lạc Long Quân lấy bà Âu Cơ đã đi vào ý niệm, tiềm thức đã làm cho người dân Việt tự hào mình là “con Rồng cháu Tiên”. Rồng đi vào trong tâm thức của người Việt từ trò chơi trẻ con: rồng rắn lên mây. Rồng được chạm khắc trên các đình làng, cổng xóm; trong Tranh Tết Đông Hồ, Hàng Trống mỗi dịp Tết đến Xuân về (theo internet, ngưng trích dẫn).
 
Trong ngôn ngữ dân gian, Rồng xuất hiện với tần số lớn trong ca dao, tục ngữ, thành ngữ. Trong hôn nhân vì nhiều lẽ, người con gái tài sắc bị gả ép lấy phải người chồng không ra gì, rồng trong câu ca dao sau được so sánh như một sự nghịch lý trớ trêu kể trên:
          Rồng vàng tắm nước ao tù
          Người khôn ở với người ngu bực mình
Tuy nhiên tư duy về Rồng trong thành ngữ, tục ngữ, ca dao của người Việt cũng khá phức tạp, không phải lúc nào cũng thống nhất trong các ý kiến về hình tượng đó. Để chỉ người giàu sang đến thăm người nghèo hèn có thành ngữ: “Rồng đến nhà tôm”, còn khi con người thỏa mãn về mong ước cao sang nào đó thì lại nói: “như Rồng gặp mây”.
Phê phán những thói ba hoa, dân gian ta cũng mượn Rồng để diễn tả:
          Trong lưng chẳng có một đồng
          Lời nói như rồng chúng chẳng thèm nghe
Từ ngữ trong tiếng Việt, kiểu kết hợp “Rồng – Phượng” cũng như trong thành ngữ, tục ngữ, ca dao thường được hiểu theo nghĩa tích cực (positiv). Giống như người có kiểu chữ viết phóng khoáng, không gò bó thì ứng với thành ngữ: “rồng bay phượng múa”.
Các kết hợp “rồng – mây”, “rồng – phượng”, “rồng – vây” trong tiếng Việt đều được hiểu theo nghĩa tích cực, đẹp đẽ, được vận dụng vào trong những bối cảnh thuận lợi, phát triển. Còn các kết hợp “rồng – giun”, “rồng – liu điu” lại theo chiều hướng tiêu cực (negativ), hoàn toàn tương phản. Ví dụ nói đến tình cảnh chung đụng vợ chồng mà một người chẳng ra gì làm mình bực bội lại có ý liên tưởng: “Rồng ở với giun”. Các kết hợp “Rồng – Phượng” có khi vẫn được dân gian dùng với ý nghĩa phê phán: “chạm rồng trổ phượng” (ngoài nghĩa đen còn có nghĩa phê phán sự tô điểm rườm rà thái quá !!!).
Nói cho cùng hình ảnh Rồng được người Việt Nam ta sử dụng khá đa dạng nhằm diễn đạt các quan điểm, nhận thức, tư tưởng phong phú về đời sống:
          Ăn như rồng cuốn
          Làm như cà cuống lội sông
 
Nhân dịp Xuân Giáp Thìn 2024, kính chúc đồng hương mọi chuyện đều hạnh thông như “CÁ GẶP NƯỚC – NHƯ RỒNG GẶP MÂY” (theo internet)!
 
Bây giờ, trước khi viết đoạn kết xin trở lại với Ca Dao và Tục Ngữ về Rồng.
Dân gian quan niệm, tản mạn về rồng như sau:
          Cá gáy hóa rồng

Quan niệm này cũng được Ca Dao Việt Nam đề cập đến :
          Mồng bốn cá đi ăn thề.
          Mồng tám cá về cá vượt Vũ môn.

Vũ môn, tức cửa Vũ gồm có ba tầng. Ở Việt Nam ta cũng có điểm này và đó là nơi mà người xưa tưởng là cá trải qua cuộc thi khảo sát về trình độ và năng lực. Nếu vượt qua ba cấp Vũ môn thì sẽ hóa rồng (!)
 
Từ khái niệm cụ thể đó, thành ngữ “cá hóa rồng” thường dùng để chỉ việc thi cử thành đạt của sĩ tử ngày xưa. Dân gian đã từng nuôi ước mơ:
          Biết bao giờ cá gáy hóa rồng,
          Đền công ơn thầy mẹ ẵm bồng ngày xưa
 
Khái niệm này cũng được mở rộng, dùng để ám chỉ cho việc người con gái lấy được người chồng xứng đáng, Ca Dao Tục Ngữ Việt Nam diễn tả điều này như sau :
          Phận gái lấy được chồng khôn,
          Xem bằng cá vượt Vũ môn hóa rồng.
 
Để diễn tả sự chung thủy vợ chồng, Việt Nam ta có câu:
          Lấy chồng thì phải theo chồng,
          Chồng đi hang rắn, hang rồng, cũng đi.

Người đời nói Rồng nở từ trứng và ở hang nhưng trong dân gian cũng có một quan niệm khác: rồng cũng sinh sản như rắn:
          Trứng rồng thì nở ra rồng,
          Hạt thông thì nẩy cây thông rườm rà.
                  
Xa hơn nữa, trong ngôn ngữ và văn học dân gian của Việt Nam, Rồng là một yếu tố ví von, so sánh để biểu đạt một số sinh hoạt của con người như ăn, nói, viết, giao tế, thời vận, tình yêu, nhận định về con người và cuộc sống.

Ngay cả về chuyện ăn cũng có thành ngữ: “ăn như rồng cuốn“. Rồng cuốn tức là rồng hút, chỉ hiện tượng vòi rồng trong tự nhiên, như cách tiên đoán về thời tiết:
          Rồng đen uống nước thì nắng,
          Rồng trắng uống nước thì mưa.

Về chữ viết, người văn hay chữ tốt thường được ca ngợi như
          ” Rồng bay Phượng múa “.
và “nói như rồng” là để khen tặng người có tài nói thao thao bất tuyệt:


Tuy nhiên trái lại nếu một người mà
          Trong lưng chẳng có một đồng,
          Lời nói như rồng chúng chẳng thèm nghe.
thì lời nói trở thanh vô giá trị.

Nhưng nên coi chừng, bao giờ cũng cần nói đúng thực chất, phù hợp với kiến thức mà mình nếu không dễ trở thành khập khiễng: “nói những lời như rồng như rắn”. Thêm yếu tố rắn ở trên làm chuyển đổi tức khắc giá trị nội dung của câu nói:
          Học chẳng biết chữ cua, chữ còng,
          Nói những lời như rồng, như rắn!

Riêng trên phương diện giao tế, dân gian Việt Nam dùng thành ngữ: “rồng đến nhà tôm” để vừa bày tỏ sự khiêm tốn, nhún nhường của gia chủ, vừa gián tiếp ca ngợi người khách quý. Nhưng có khi, đó cũng là cách mai mỉa:
          Mấy đời rồng đến nhà tôm.
          Tôi đến nhà chị không môn thì bầu.

Âu cũng là một lối giao tế thực dụng. Và quen thuộc nhất là Rồng chỉ thời vận. Thành đạt Hạnh thông như là “rồng gặp mây”.
Thường chỉ người thành đạt khoa cử:
          “Như cá gặp nước, như rồng gặp mây”

Nhưng nếu mất yếu tố thời vận thì chỉ là “Rồng nằm ở cạn”,
không còn vùng vẫy, múa may gì được, mà chỉ còn trơ hình hài:
          Rồng nằm bể cạn giơ râu,
          Mấy lời anh nói giấu đầu hở đuôi.
 
Hay đau khổ hơn là:
          Rồng vàng tắm nước ao tù,
          Người khôn ở với đứa ngu bực mình.

Dễ thường mấy khi rồng mây được dùng để chỉ lứa đôi, vì những hình tượng khác quyến rũ hơn, như: mận – đào, loan – phượng, yến – oanh, gió – trăng v.v… nhưng điều đó cũng có:
          Mấy khi Rồng gặp mây đây,
          Để Rồng than thở với mây vài lời.
          Nữa mai Rồng ngược mây xuôi,
          Biết bao giờ lại nối lời Rồng Mây.

Xa hơn nữa, “lời rồng mây” cũng là lời hẹn thề, lời nước non hay là lời hứa thủy chung.

Một kiểu nói khác bày tỏ sự ước ao cao sang, biểu hiện một tâm lý hưởng thụ :
          Một ngày dựa mạn thuyền Rồng,
          Còn hơn chín tháng nằm trong thuyền chài.

Cách nói trên tất nhiên bị phủ định bằng một suy nghĩ chín chắn hơn và xác thật hơn:
          Chớ tham ngồi mũi thuyền rồng,
          Tuy rằng tốt đẹp, nhưng chồng người ta.

Và quả thật, dân gian chúng ta đã xét đoán đúng giá trị, nhìn đúng thực chất con người, không lệ thuộc những thứ trang sức phù hoa trang hoàng sang trọng:
          Dù ngồi cửa sổ chạm rồng
          Chăn loan gối phượng, không chồng cũng hư

Nhưng sâu sắc và không kém chua chát là lời cảm thán sau đây:
          Khen ai khéo dựng bình phong,
          Bên ngoài long phượng, trong lòng gạch vôi!
 
Hoặc nhằm để mỉa mai, phê phán lối sống thiếu trách nhiệm, đánh lừa người và đánh lừa cả chính mình ca dao Việt Nam chúng ta cũng không bỏ qua nên có câu:
 
          Học chẳng biết chữ cu chữ cò
          Nói những chữ như rồng như rắn
 
Tóm lại, tâm thức về Rồng – hình ảnh con vật vừa hư, vừa thực, vừa cao quý thiêng liêng, vừa gần gũi là cách tiếp cận uyển chuyển, phóng khoáng đầy tự tin của người Việt Nam.
Rồng đã trở thành biểu tượng văn hóa, một biểu tượng thiêng liêng gắn với tâm thức về cội nguồn dân tộc Việt Nam. Trong thành ngữ, tục ngữ, ca dao, Rồng lại càng thể hiện độc đáo nhiều ý nghĩa, mang biểu tượng của sự cao cả, thiêng liêng và tồn tại mãi mãi …
 
Ca dao và tục ngữ truyền khẩu Việt về Rồng thì còn rất nhiều nhưng người viết chỉ có thể trích dẫn một số ít ca dao trên đây, góp nhặt được trên internet. Rất tiếc bài viết có giới hạn nên tôi không thể trích dẫn hết để trình bày cùng quý độc giả, mong thông cảm. Đa tạ.
 
Hy vọng là bài tạp ghi trên cũng đủ gói ghém ý nghĩa sâu sắc của Ca Dao Việt, có thể nói là căn bản của Nền Văn Hóa Dân Tộc Việt Nam.
 
Kính chúc Quý độc giả một Năm Mới Giáp Thìn 2024, “AN KHANG THỊNH VƯỢNG”.

* © Lê Ngọc Châu 
(Nhân Tết Giáp Thìn2024, Nam Đức, ngày 18.01.2024)
 
– Tài liệu tham khảo: Phỏng tác theo ca dao và thành ngữ góp nhặt trên internet.
– Nguồn u.a.: http://www.nuiansongtra.com/index.php?c=article&p=4640

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét