Thứ Sáu, 26 tháng 1, 2024

Túy Ông Đình Ký 醉翁亭記 - Âu Dương Tu (Bắc Tống)


Âu Dương Tu (歐陽修, sinh ngày 1 tháng 8, 1007 mất ngày 22 tháng 9, 1072), tự là Vĩnh Thúc, hiệu "Tuý Ông", là nhà thơ kiêm nhà sử học nổi tiếng thời Tống ở Trung Quốc).

Quê ông ở Lư Lăng (nay thuộc tỉnh Giang Tây). Năm Thiên Thánh thứ 7 (1030), ông đỗ đầu khoa thi tiến sĩ; từng giữ các chức quan Hàn lâm học sĩ, Xu mật viện phó sứ, Tham tri chính sự... Dưới thời vua Tống Thần Tông, làm Binh bộ Thượng thư, khi mất được đặt tên thụy là Văn Trung.

Âu Dương Tu là một nhà văn nổi tiếng, một nhà thơ lớn, một nhà sử học, chính trị gia và đồng thời là một nhà làm từ xuất sắc đời Tống. Ông là người khai sáng ra thể loại “thi thoại" (bình luận và ghi chép lại các cuộc bàn luận của các thi nhân, ...), cuốn "Lục Nhất thi thoại" là cuốn thi thoại đầu tiên của Trung Quốc. Ông còn viết những bài rất nổi tiếng như Túy Ông đình ký. Mai Thánh Du thi tập, Thu Thánh Phú. Bằng đảng luận. Vì thế, Âu Dương Tu tự xưng mình là "Lục nhất cư sĩ" (cư sĩ với sáu cái "một": một vạn quyển sách, một ngàn thạch văn, một cây đàn, một bàn cờ, một bầu rượu và một thân già).

Thuở thiếu thời

Khi Âu Dương Tu mới 4 tuổi, cha bị bệnh mất, bà mẹ dẫn ông đến Tùy Châu (nay là huyện Tùy, Hồ Bắc) dựa vào người chú để mưu sinh. Mẹ Âu Dương Tu quyết tâm cho ông học hành, nhưng nhà nghèo, không có tiền mua giấy bút. Bà thấy trong cái ao trước nhà có mọc nhiều cói, liền dùng cọng cói thay bút dạy Âu Dương Tu viết chữ trên đất bùn. Cậu bé Âu Dương Tu được mẹ giáo dục từ nhỏ nên sớm yêu thích đọc sách.

Khi lên 10 tuổi, Âu Dương Tu thường xuyên đến 1 nhà có nhiều sách trong làng mượn sách đọc và chép lại những đoạn thấy hứng thú. Một lần, ông đến mượn sách của nhà họ Lý, phát hiện thấy trong đống giấy cũ 1 cuốn sách nhàu nát. Ông giở xem, thấy đó là văn tập của Hàn Dũ, 1 nhà văn nổi tiếng đời Đường, liền mượn chủ nhà, đem về đọc.

Đầu đời Tống, trong xã hội có xu hướng ưa chuộng lời văn hào nhoáng mà coi nhẹ nội dung. Vì vậy, văn phong thời này chú trọng sự đẹp đẽ của ngôn từ nhưng rất trống rỗng, nghèo nàn về nội dung. Âu Dương Tu sau khi đọc tản văn của Hàn Dũ, thấy văn chương lưu loát, lập luận thấu triệt khác hẳn với văn chương thịnh hành đương thời. Ông ra sức nghiền ngẫm, học tập văn phong của Hàn Dũ. Khi trưởng thành, ông tới Đông Kinh thi tiến sĩ, đỗ đầu 3 vòng thi. Khi mới hơn 20 tuổi, tiếng tăm của Âu Dương Tu đã vang dội trên văn đàn.

Làm quan

Sau khi Phạm Trọng Yêm cải cách chính trị thất bại, bị gạt bỏ khỏi triều đình, biếm trích xuống phương nam, người cộng sự của ông là Phú Bật, Hàn Kỳ cũng bị cách hết quan chức. Những người đồng tình không dám ra mặt bênh vực họ Phạm. Chỉ có mình Âu Dương Tu dám dâng sớ lên Tống Nhân Tông, nói: "Từ xưa tới nay, kẻ xấu hãm hại người tốt, đều vu cáo người tốt là bè đảng, chuyên quyền. Phạm Trọng Yêm là nhân tài quan trọng của quốc gia, cớ sao lại bị bãi miễn. Nếu bệ hạ tin theo lời kẻ xấu thì chỉ khiến kẻ xấu đắc ý, quân thù vui mừng". Âu Dương Tu tuy không giữ chức quan cao, nhưng rất quan tâm đến triều đình và mạnh dạn can gián hoàng đế.

Cao Nhược Nạp cho rằng Phạm Trọng Yêm bị biếm trích là đúng. Âu Dương Tu rất phẫn nộ, viết 1 lá thư kịch liệt công kích hắn là kẻ không biết liêm sỉ. Vì việc đó, ông bị giáng chức, điều về địa phương, 4 năm sau mới được trở lại kinh thành. Lần này, Âu Dương Tu lại đứng ra bênh vực tân chính của Phạm Trọng Yêm, khiến bọn quyền quý trong triều nổi giận. Chúng tìm mọi chứng cớ vu vơ, gán cho Âu Dương Tu một số tội danh. Triều đình lại biếm Âu Dương Tu đi Từ Châu (nay là huyện Từ, An Huy).

Từ Châu là nơi có phong cảnh đẹp, 4 xung quanh là núi. Đến Từ Châu, ngoài những giờ làm việc công, Âu Dương Tu thường du lãm sơn thủy. Dựng tòa đình trên Lang Nha Sơn làm nơi nghỉ cho du khách. Âu Dương Tu thường tới tòa đỉnh đó uống rượu. Ông tự xưng là "Túy ông" (ông già say) và đặt tên cho tòa đình đó là "Túy Ông đình". Bài tản văn "Túy Ông đình ký" của ông là 1 kiệt tác được người đời truyền tụng, đến cả Tống Nhân Tông cũng vô cùng yêu thích văn chương của ông.

Cải cách văn phong đương thời, phát hiện nhân tài

Âu Dương Tu làm quan địa phương hơn 10 năm trời. Sau Tống Nhân Tông vì quá mến mộ văn tài, mới triệu về kinh thành, phong làm Hàn lâm học sĩ. Sau khi nhận chức, Âu Dương Tu ra sức đề xướng việc cải cách văn phong.

Một lần, kinh thành tổ chức khoa thi tiến sĩ, ông được cử làm chủ khảo. Thấy đây là 1 cơ hội để cải cách văn phong lựa chọn nhân tài. Âu Dương Tu đọc kĩ các quyển thi, thấy quyển nào chỉ có hình thức hào nhoáng mà nội dung trống rỗng thì đánh trượt hết. Kết quả khóa thi, một số người không đỗ rất căm tức Âu Dương Tu. Một hôm, ông cưỡi ngựa đi ra đường, bị 1 đám thí sinh bị đánh trượt ngăn lại, ồn ào chửi mắng và gây sự. Sau nhờ có lính tuần tra đến giải tán, ông mới được vô sự.

Qua việc đó, văn phong trong thi cử nhờ đó mà có biến chuyển lớn. Mọi người đều theo xu hướng viết những bài văn có nội dung sâu sắc, lời lẽ giản dị. Âu Dương Tu không những chỉ ra sức cải cách văn phong, mà còn chú trọng phát hiện và bồi dưỡng nhân tài. Rất nhiều người vốn không nổi tiếng lắm, nhờ được ông tán thưởng và tiến cử, đều trở thành những danh gia, như: Tăng Củng, Vương An Thạch, Tô Tuân (và hai con là Tô Triệt và Tô Đông Pha).

Trong lịch sử văn học, người ta ghép Âu Dương Tu và 5 người trên cùng với Hàn Dũ, Liễu Tông Nguyên thời Đường thành 1 danh sách, gọi là "Đường Tống bát đại gia" (8 tác gia văn xuôi lớn đời Đường - Tống).

Lời phi lộ

Bài này có 21 câu dài ngắn khác nhau (từ 5 chữ tới 32 chữ); câu nào cũng tận cùng bằng chữ dã 也 (một giới tự nằm cuối câu có nghĩa là đấy, vậy, đó, thế, như thế … ). Lời văn bình dân nhưng nội dung thâm thúy. Con Cò giữ nguyên số chữ của từng câu. Chữ dã 也 ở cuối câu thì dịch là đấy hoặc vậy. Khách dự tiệc là dân huyện Trừ nên Con Cò dùng chữ dân để dịch chữ khách. (dân là cái đinh của bài ký, rút từ câu của Mạnh Tử: 民為貴, 社稷次之, 君為輕 Dân vi qúy, xã tắc thứ chi, quân vi khinh. Dịch thoát là: Dân quý nhất, tổ quốc hạng nhì, vua hạng ba).

Nguyên tác

醉翁亭記

環滁皆山也
其西南諸峯, 林壑尤美, 望之蔚然而深秀者, 琅琊也.
山行六七裏, 漸聞水聲潺潺, 而瀉出於兩峯之間者, 釀泉也
峯迴路轉, 有亭翼然臨於泉上者, 醉翁亭也.
作亭者誰?山之僧智仙也.
名之者誰?太守自謂也.
太守與客來飲於此, 飲少輒醉, 而年又最高, 故自號曰, 醉翁也.
醉翁之意不在酒, 在乎山水之間也.
山水之樂, 得之心而寓之酒也
若夫日出而林霏開, 雲歸而巖穴暝, 晦明變化者, 山間之朝暮也。
野芳發而幽香, 佳木秀而繁陰, 風霜高潔, 水落而石出者, 山間之四時也。

朝而往, 暮而歸, 四時之景不同, 而樂亦無窮也。
至於負者歌於途, 行者休於樹, 前者呼, 後者應, 傴僂提攜, 往來而不絕者, 滁人遊也。
臨溪而漁, 溪深而魚肥, 釀泉爲酒, 泉香而酒洌; 山餚野蔌, 雜然而前陳者, 太守宴也。
宴酣之樂, 非絲非竹, 射者中, 弈者勝, 觥籌交錯, 起坐而喧譁者, 衆賓歡也。

蒼顏白髮, 頹然乎其間者, 太守醉也。
已而夕陽在山, 人影散亂, 太守歸而賓客從也。
樹林陰翳, 鳴聲上下, 遊人去而禽鳥樂也。
然而禽鳥知山林之樂, 而不知人之樂; 人知從太守遊而樂, 而不知太守之樂其樂也。
醉能同其樂, 醒能述以文者, 太守也。
太守謂誰?廬陵歐陽修也。

Dịch âm

Túy Ông Đình Ký

Hoàn Trừ giai sơn dã.
Kì Tây Nam chư phong, lâm hác vưu mĩ, vọng chi uý nhiên nhi thâm tú giả, Lang Da* dã.
Sơn hành lục thất lí, tiệm văn thuỷ thanh sàn sàn, nhi tả xuất vu lưỡng phong chi gian giả, Nhưỡng Tuyền dã.
Phong hồi lộ chuyển, hữu đình dực nhiên lâm vu tuyền thượng giả, Tuý Ông đình dã. .
Tác đình giả thùy? Sơn chi tăng Trí Tiên dã.
Danh chi giả thùy? Thái thú tự vị dã.
Thái thú dữ khách lai ẩm vu thử, ẩm thiểu triếp tuý, nhi niên hựu tối cao, cố tự hiệu viết, Tuý Ông dã.
Tuý Ông chi ý bất tại tửu, tại hồ sơn thủy chi gian dã.
Sơn thủy chi lạc, đắc chi tâm nhi ngụ chi tửu dã.
Nhược phù nhật xuất nhi lâm phi khai, vân qui nhi nham huyệt minh; hối minh biến hoá giả, sơn gian chỉ triêu mộ dã.
Dã phương phát nhi u hương, giai mộc tú nhi phồn âm, phong sương cao khiết, thuỷ lạc nhi thạch xuất giả, sơn gian chi tứ thời dã.
Triêu nhi vãng, mộ nhi qui, thứ thời chi cảnh bất đồng, nhi lạc diệc vô cùng dã.
Chí vu phụ giả ca ư đồ, hành giả hưu ư thụ, tiền giả hô, hậu giả ứng, ủ lũ đề huề, vãng lai nhi bất tuyệt giả, Trừ nhân du dã.
Lâm khê nhi ngư, khê thâm nhi ngư phì; Nhưỡng tuyền vi tửu, tuyền hương chi tửu liệt**; sơn hào dã tốc, tạp nhiên nhi tiền trần giả, thái thú yến dã.
Yến hàm chi lạc, phi ti phi trúc, xạ*** giả trung, dịch giả thắng, quang trù giao thác, khởi toạ nhi huyên hoa giả, chúng tân hoan dã.
Thương nhan bạch phát, đồi nhiên hồ kì gian giả, thái thú tuý dã.
Dĩ nhi tịch dương tại sơn, nhân ảnh tán loạn, thái thú qui nhi tân khách tòng dã.
Thụ lâm âm ế, minh thanh thượng hạ, du nhân khứ nhi cầm điểu lạc dã.
Nhiên nhi cầm điểu tri sơn lâm chi lạc, nhi bất tri nhân chi lạc; nhân tri tòng thái thú du nhi lạc, nhi bất tri thái thú chi lạc kì lạc dã.
Tuý năng đồng kì lạc, tỉnh năng thuật dĩ văn giả, thái thú dã.
Thái thú vị thùy? Lư Lăng Âu Dương Tu dã.

Bài này được làm vào năm thứ 6 niên hiệu Khánh Lịch đời Tống Nhân Tông. Lúc ấy tác giả đương nhậm chức Tri Châu ở Trừ Châu. Túy Ông đình nằm ở phía Tây Nam Trừ châu tỉnh An Huy. Sơn tăng Trí Tiên xây một cái đình ở đây. Âu Dương Tư đặt tên cho đình là Túy Ông đình (đình Ông Say); ám chỉ mình thường say sưa với dân tại đình này.

Chú giải

*琅琊 Lang Da: Núi Lang Da, nằm ở phía Tây Nam huyện Trừ (có người phiên âm là Từ).
**洌 liệt: thanh khiết. Câu này có người viết là “tuyền liệt nhi tửu hương” nhưng Tô Thức viết lại trong bài bi văn “Túy Ông đình ký” sửa thành “tuyền hương nhi tửu liệt”.
***射 xạ: Một trò chơi thời xưa gọi là đầu hồ 投壶; dùng một tấm thẻ có hình dạng mũi tên ném vào cái bình cổ cao, căn cứ vào số lần trúng mà phân ra thắng thua.

太守 Thái thú:

Là một chức quan trong thời kỳ cổ đại của lịch sử Trung Quốc, đứng đầu đơn vị hành chính "quận".

Chức vụ này được đặt ra từ thời Chiến Quốc. Thời đó, các nước chư hầu được thành lập ở gần biên cảnh, quan đứng đầu nước chư hầu Công, được cha truyền con nối.

Nhà Tần chiếm lục quốc, bãi bỏ chế độ sắc phong, toàn Trung Hoa lập thành 36 quận, quận thú (người đứng đầu quận) do hoàng đế trực tiếp bổ nhiệm và miễn nhiệm.

Nhà Tây Hán thay đổi quận thú thành Thái thú. Thái thú là người đại diện của triều đình trung ương tiếp xúc với dân địa phương, được hưởng lương 2000 thạch. Nhiệm vụ chính của các thái thú trong thời bình là thu nạp các cống phẩm của địa phương (thường là sản vật quý) để dâng nộp về triều đình trung ương theo các hạn định đã được đặt ra. Tại những quận không yên ổn (có sự chống đối của dân địa phương hoặc giáp vùng biên), nhà Hán đặt thêm chức Đô úy có nhiệm vụ phụ trách quân sự, đóng quân đồn trú tại địa phương để đánh dẹp các lực lượng nổi dậy hoặc sự xâm lấn của ngoại bang. Thái thú chịu sự giám sát của các Thứ sử.

Sang thời Đông Hán, triều đình đặt ra chức Kế lại. Người Kế lại có nhiệm vụ thay mặt Thái thú lên báo cáo tình hình với Thứ sử. Kế lại thay mặt thứ sử lên triều đình tâu báo, còn Thứ sử chuyên tâm vào việc ở bản châu.

Nhà Tùy xóa bỏ quận, lập châu (đơn vị hành chính cấp thứ hai), chức thái thú bị bãi bỏ, thời kỳ này quan Thứ sử trở thành chức quan gần tương đương với quan thái thú thời nhà Hán.

Từ thời nhà Tống về sau, chức thái thú chỉ tri phủ (phủ nhỏ gọi là huyện, nhỏ hơn nữa và ở miền núi thì gọi là châu). Âu Dương Tu dùng thái thú để chỉ chức tri huyện; nhưng vùng cai trị mà ông đảm trách lúc này là huyện Trừ, một huyện ở miền núi nên thực ra là chức tri châu.

Bài này được làm vào năm thứ 6 niên hiệu Khánh Lịch đời Tống Nhân Tông. Lúc ấy tác giả đương nhậm chức Tri Châu ở Trừ châu. Túy Ông đình nằm ở phía Tây Nam Trừ châu tỉnh An Huy. Sơn tăng Trí Tiên xây một cái đình ở đây. Âu Dương Tu đặt tên cho đình là Túy Ông đình (đình Ông Say); ám chỉ mình thường say sưa với dân Trừ châu tại đình này.

Túy Ông Đình có mái như chim xòe cánh

Dịch ký

Bài ký Đình Túy Ông

Núi bọc huyện Trừ đấy,
Tây nam huyện Trừ hang hốc đẹp vô cùng vậy.
Xa xa cây cỏ thanh tú xum xuê, Lang Da* đấy.
Sáu bảy dặm sườn non, đang nghe suối chảy rì rầm, bỗng nước lao thẳng xuống giữa hai ngọn núi, suối Nhưỡng đấy.
Đường núi quanh co, đình bên suối có mái như chim xòe cánh, đình Tuý Ông đấy.
Ai xây đình vậy? sơn tăng Trí Tiên xây đấy.
Ai đặt tên đình? thái thú tự đặt đấy.
Thái thú mời dân uống rượu tại đây, uống ít mà say, vì nhiều tuổi nhất, nên tự lấy tên mình, Túy Ông đấy.
Nghĩa Túy Ông không nằm tại rượu, nằm tại phong cảnh núi sông đấy.
Thú vui sông núi, thấy trong rượu cảm trong lòng đấy.
Như khi nắng lên làm tan sương rừng, khói mây bay về tụ hội; hang hốc tối tăm dần, núi đổi sáng thành chiều đấy.

Cỏ dại ngoài đồng tỏa hương, cây to bóng râm đậm màu, gió sương tinh khiết, nước xuống thấp đá nhô lên, cảnh trông như bốn mùa vậy.
Sáng vào núi, tối quay về, cảnh bốn mùa chẳng giống nhau, niềm vui cũng vô cùng vậy.

Người dân khuân vác hát trên đường, bộ hành nghỉ dưới cây, kẻ trước hô, người sau ứng, cúi ngẩng hả hê, dìu nhau qua lại không ngớt, dân Trừ chơi đấy.
Tới khe câu cá, khe sâu thì cá béo, suối Nhưỡng cất rượu, suối thơm cho rượu ngon, ốc núi rau đồng, la liệt bày trước mặt dân, tiệc thái thú đấy.
Yến tiệc vui say, không đàn không sáo, thẻ** ném chai, cờ giành thắng, ly thẻ ngổn ngang, đứng ngồi ồn ào náo nhiệt, dân chung vui đấy.
Da mồi tóc bạc, lảo đảo ngả nghiêng trước tiệc, thái thú say đấy.
Tới khi ác lặn đầu non, bóng người tán loạn, thái thú ra về dân theo sau đấy.
Cây rừng mờ mờ, tiếng chim trầm bổng, khi dân về hết chim muông vui đấy.
Chim muông chỉ biết vui chơi cùng rừng núi, đâu biết được niềm vui của dân; dân chỉ biết theo thái thú mua vui, đâu biết thái thú mua cái vui của dân vậy.
Say thì cùng vui vầy, tỉnh thì vịnh cảnh vui ấy, thái thú đấy.
Thái thú là ai? Lư Lăng Âu Dương Tu đấy.

Lời bàn:

Trước hết, Con Cò nhắc các bạn đọc lại phần tiểu sử của Âu Dương Tu (nhất là những khúc tô đậm) để biết công lao của ông đối với nền văn học Trung Quốc (rồi lan tỏa tới Hàn Quốc, Nhật Bản và Việt Nam). Ông là Ân sư của Tô Đông Pha và đã dẫn dắt họ Tô trở thành thi hào lớn nhất thời Tống.

Ký là một loại tản văn tự sự, như bút ký, hồi ký, nhật ký, du ký, phóng sự, ký sự, tùy bút. Đặc điểm của ký là lấy phi hư cấu làm chất liệu để tạo thẩm mĩ. Ký xuất hiện rất sớm trong lịch sử văn học của Trung Quốc, nó ra đời từ thời tiền Hán. Đến đời Đường, Tống, bên cạnh những tác phẩm chép sử, đã thấy có các tập bút kí ghi chép những nhân, vật, sự việc có thật (phi hư cấu) trong xã hội. Âu Dương Tu là người đầu tiên phá vỡ cái vỏ biền ngẫu của ký. Trước kia, ký giống như cái trống (mặt thì kêu to, lòng thì trống rỗng). Ông đã biến lối văn biền ngẫu kêu mà rỗng thành lối văn biển ngẫu bình dân mà trữ tình; nhờ thế mà ký diễn đạt được mọi tư tưởng tiến bộ trong tản văn.

5 câu chót tóm tắt ý chính trong bài Túy Ông Đình Ký:

- Tới khi ác lặn đầu non, bóng người tán loạn, thái thú ra về dân theo sau đấy.
- Cây rừng mờ mờ, tiếng chim trầm bổng, khi dân về hết chim muông vui đấy.
- Chim muông chỉ biết vui chơi cùng rừng núi, đâu biết được niềm vui của dân; dân chỉ biết theo thái thú mua vui, đâu biết thái thú mua cái vui của dân vậy.
- Say thì cùng vui vầy, tỉnh thì vịnh cảnh vui ấy, thái thú đấy.
- Thái thú là ai? Lư Lăng Âu Dương Tu đấy.

Một ngàn năm sau, tổng thống Hoa Kỳ Abraham Lincoln cũng nói một câu tương tự: “Government of the people, by the people, for the people, shall not perish from the earth”.

Con Cò
***
Túy Ông Đình Ký

Huyện Trừ núi bao,
Núi phía tây nam, hang động đẹp vô ngần,
Xa nhìn phong cảnh xum xuê tươi mát, Lang Da đó.
Vào núi chừng sáu bẩy dậm, thoáng nghe tiếng nước róc rách, từ khe hai giải núi, suối Nhưỡng đó.
Đường núi quanh co, có một ngôi đình, mái cong như cánh chim bay trên mặt suối, Túy Ông đình đó.
Ai xây đình này?
Nhà Sư Trí Tiên chùa núi đấy.
Ai đặt tên đình?
Thái Thú tự lấy tên mình đặt đấy.
Thái Thú mời khách đến đây uống rượu, uống ít mà say, Ông lớn tuổi nhất, nên lấy tên là Túy Ông. 
Túy Ông không phải người say vì rượu, mà say vì cảnh đẹp núi sông đấy.
Niềm vui say cùng sông núi, có được trong lòng như có được trong rượu vậy.
Khi nắng lên, cây rừng hiện rõ, mây lui về hốc tối: ánh sáng thay đổi sớm chiều trên núi đấy.
Hoa rừng thơm ngát, cây to bóng mát, sương gió trong lành, nước rút đá nhô, bốn mùa trên núi đó.
Sáng tới thăm, chiều trở về, khung cảnh bốn mùa thay đổi, niềm vui vô tận đấy.
Người khuân vác ca hát, bộ hành nghỉ dưới cây, kẻ trước hỏi, người sau thưa, khom lưng dắt díu nhau, tới lui liên tục, dân Trừ sinh hoạt đó.
Cá câu bên suối, suối sâu cá mập, nước suối nấu rượu, suối thơm rượu sảng khoái, thịt rừng rau dại, la liệt bày trước mặt, bữa tiệc của Thái Thú đấy.
Niềm vui của tiệc rượu, không phải ở đàn sáo, đua ném tên, thắng đấu cờ, ly chén bừa bãi, ngồi đứng ồn ào, mà là sự tập hợp của tân khách.
Một người tóc bạc già nua đang say sỉn, Thái Thú đang say đấy.
Chẳng mấy chốc, mặt trời lặn, bóng người tản mát, Thái Thú về, khách khứa về theo đấy.
Rừng cây sẫm tối, tiếng hót bổng trầm, người đi hết, chim chóc vui.
Tuy nhiên, chim chỉ biết vui cùng rừng núi, không hiểu được niềm vui của người dân, dân chỉ biết du hí cùng Thái Thú để tìm vui, họ đâu biết Thái Thú đã tìm cái vui của họ làm niềm hạnh phúc của mình đấy.
Say cùng nhau vui thú, tỉnh ghi chép lại cuộc vui thú này, Thái Thú làm đó.
Thái Thú là ai? Là Âu Dương Tu người gốc Lư Lăng đó.

Mỹ Ngọc phỏng dịch.
Nov. 15/2023.
***

Để dễ đọc, dễ trình bày và có thể ngâm vịnh được Lộc Bắc đã chuyển thể bài Túy Ông đình ký từ thể ký thành thể thơ; thể thơ này hao hao giống như thể hát nói do đó số câu không khớp với bài nguyên bản. Bài phỏng dịch có 27 câu so với nguyên bản 21 câu; tuy nhiên vẫn giữ nguyên nội dung và trình tự của nguyên bản.

Phỏng dịch Bài ký Đình Túy Ông

Núi non bao bọc huyện Trừ
Tây Nam hang hốc gió ru bốn bề
Lang Da cây cỏ xum xuê
Đường mòn suối Nhưỡng sơn khê hai bờ

Đường quanh co, đình bên suối mái cánh cong, đình Túy Ông đấy
Ai xây đình vậy? sơn tăng Trí Viên
Ai đặt tên đình? Thái thú đặt tên
Đây chốn Thái Thú mời dân uống rượu vui chơi, ca hát.

Sao gọi Túy Ông? vì nhiều tuổi nhất
Nghĩa của tên thật? từ cảnh núi sông
Vui thú núi sông
Cảm xúc trong lòng, qua dòng rượu gợi!

Nắng bạt sương rừng. Mây tụ, hang hốc tối tăm, núi quang chuyển tối
Bóng rợp cây cao, tỏa hương cỏ rối, tinh khiết gió sương, đá nhô cạn thủy, tứ quý đề huề
Sáng vào núi, tối quay về
Cảnh bốn mùa chẳng giống nhau gì, niềm vui vô cùng vậy!

Dân phu hát dạo, người dựa gốc cây; trước hô sau ứng, cúi ngẩng hả hê, qua lại không ngơi, dân huyện Trừ chơi đấy!
Khe sâu cá béo. Nước trong suối Nhưỡng cất rượu ngon. Ốc núi rau đồng bày la liệt, tiệc thái thú đãi dân.
Yến tiệc vui say, không đàn không sáo. Ném thẻ đầu hồ, cờ giành phần thắng, ly thẻ ngổn ngang, đứng ngồi náo nhiệt. Khách lên tinh thần
Da mồi tóc bạc, lảo đảo nghiêng thân, thái thú say khướt!


Ác lặn đầu non, bóng người tán loạn Thái thú về dân theo chậm bước
Cây rừng mờ mờ, chim kêu suốt lượt, người vắng chim vui
Chim muông vui mừng rừng núi, dân theo thái thú vui chơi
Thái thú mua cái vui của dân chúng.

Say thì quan dân phóng túng
Tỉnh, người ghi lại ký, thơ
Ai? Thái thú Âu Dương Tu!

Lộc Bắc
***
***

Chuyện Đình Túy Ông

Huyện Trừ có núi bọc chung quanh
Hang động Tây Nam cảnh tuyệt trần
Cây cỏ Lang Da thanh thản mọc
Trên cao suối nước đổ rì rầm

Ngôi đình mái cong chim xòe cánh
Bên suối sơn tăng xây đã lâu
Tên đặt Túy Ông đình Thái thú
Mời dân uống rượu chén cùng nâng

Thảnh thơi sông núi hòa hương rượu
Nắng sáng tản sương, mây buổi chiều
Núi biếc cỏ thơm cây rạp bóng
Bốn mùa dân chúng sống bình yên

Ra khe câu cá rượu thơm bày
Yến tiệc vui chơi thẻ ném chai
Thái thú với dân men lảo đảo
Chiều tà tàn tiệc ngật ngà say

Chim muông ca hót nơi rừng núi
Dân chúng an nhiên hưởng thú nhàn
Thái thú Lư Lăng bày cảnh trí
Âu Dương hoan lạc sống cùng dân!

Thanh Vân
***

醉翁亭記-歐陽修 Túy Ông Đình Ký - Âu Dương Tu


Bài Túy Ông Đình Ký được viết vào năm Tống Nhân Tông Khánh lịch năm thứ 5 (1045), khi Âu Dương Tu đang giữ chức Thái Thú Trừ Châu. Tại Trừ Châu, ông đã thực hiện một sự cai trị đơn giản và khoan dung, phát triển sản xuất và cho phép người dân địa phương sống một cuộc sống yên bình và ổn định. Tuy nhiên, mặc dù toàn bộ triều đại Bắc Tống lúc bấy giờ đã tiến bộ về chính trị, gió mưa thuận lợi, nhưng những thiếu sót tích lũy của đất nước Trung Hoa không thể mất đi. Điều này khiến ông cảm thấy lo lắng và đau lòng.

Bài này là một hiện tượng văn học của Trung Hoa cổ đại. Tiếc là tôi không đọc được chữ Hoa để thưởng thức văn phong của bài. Nghiên cứu văn tự, bài có văn tự rất phức tạp và có những tình tiết khó hiểu hết được.

Bài văn xuôi gồm 21 câu, chia làm 4 đoạn:

Câu 1 đến 6: Cảnh đẹp trong vùng Túy Ông Đình
Câu 7 đến 11: Cảnh thay đổi từ sáng đến chiều
Câu 12 đến 14: Sự yên bình và vui chơi của dân
Câu 19 đến 21: Niềm vui của chim muông, người dân và tác giả

Bài viết này là kết quả nghiên cứu trên internet và có tiết mục như bên dưới:

Nguyên tác
Phiên âm
Thành ngữ và ẩn dụ
Câu có hình thức đặc biệt
Từ ngày nay có nghĩa khác
Từ sống động được dùng khác từ loại
Từ có nhiều nghĩa
Ghi chú thêm về từ ngữ
Dịch nghĩa
Bản dịch Anh ngữ

Bình luận

Nguyên tác:

醉翁亭記-歐陽修 Túy Ông Đình Ký - Âu Dương Tu

環滁皆山也。
其西南諸峰,林壑尤美,望之蔚然而深秀者,琅琊也。
山行六七里,漸聞水聲潺潺而瀉出於兩峰之間者,釀泉也。
峰迴路轉,有亭翼然臨於泉上者,醉翁亭也。
作亭者誰?山之僧智仙也。
名之者誰?太守自謂也。
太守與客來飲於此,飲少輒醉,而年又最高,故自號曰醉翁也。
醉翁之意不在酒,在乎山水之間也。
山水之樂,得之心而寓之酒也。
若夫日出而林霏開,雲歸而岩穴暝,晦明變化者,山間之朝暮也。
野芳發而幽香,佳木秀而繁陰,風霜高潔,水落而石出者,山間之四時也。
朝而往,暮而歸,四時之景不同,而樂亦無窮也。
至於負者歌於途,行者休於樹,前者呼,後者應,傴僂提攜,往來而不絕者,滁人游也。
臨溪而漁,溪深而魚肥。釀泉為酒,泉香而酒洌;山餚野蔌,雜然而前陳者,太守宴也。
宴酣之樂,非絲非竹,射者中,弈者勝,觥籌交錯,起坐而喧譁 者,眾賓歡也。
蒼顏白髮,頹然乎其間者,太守醉也。
已而夕陽在山,人影散亂,太守歸而賓客從也。
樹林陰翳,鳴聲上下,遊人去而禽鳥樂也。
然而禽鳥知山林之樂,而不知人之樂;人知從太守游而樂,而不知太守之樂其樂也。
醉能同其樂,醒能述以文者,太守也。
太守謂誰?廬陵歐陽修也。

Phiên âm:

Túy Ông Đình Ký – Âu Dương Tu

Hoàn Trừ giai sơn dã.
Kỳ Tây Nam chư phong, lâm hác vưu mỹ, vọng chi úy nhiên nhi thâm tú giả, Lang Da dã.
Sơn hành lục thất lý, tiệm văn thủy thanh sàn sàn, nhi tả xuất vu lưỡng phong chi gian giả, Nhưỡng Tuyền dã.
Phong hồi lộ chuyển, hữu đình dực nhiên lâm vu tuyền thượng giả, Túy Ông đình dã.
Tác đình giả thùy? Sơn chi tăng Trí Tiên dã.
Danh chi giả thùy? Thái thú tự vị dã.
Thái thú dữ khách lai ẩm vu thử, ẩm thiểu triếp tuý, nhi niên hựu tối cao, cố tự hiệu viết, Tuý Ông dã.
Túy Ông chi ý bất tại tửu, tại hồ sơn thủy chi gian dã.
Sơn thủy chi lạc, đắc chi tâm nhi ngụ chi tửu dã.
Nhược phù nhật xuất nhi lâm phi khai, vân quy nhi nham huyệt minh, hối minh biến hoá giả, sơn gian chi triêu mộ dã.
Dã phương phát nhi u hương, giai mộc tú nhi phồn âm, phong sương cao khiết, thuỷ lạc nhi thạch xuất giả, sơn gian chi tứ thời dã.
Triêu nhi vãng, mộ nhi quy, thứ thời chi cảnh bất đồng, nhi lạc diệc vô cùng dã.
Chí vu phụ giả ca ư đồ, hành giả hưu ư thụ, tiền giả hô, hậu giả ứng, ủ lũ đề huề, vãng lai nhi bất tuyệt giả, Trừ nhân du dã.
Lâm khê nhi ngư, khê thâm nhi ngư phì, Nhưỡng tuyền vi tửu, tuyền hương chi tửu liệt, sơn hào dã tốc, tạp nhiên nhi tiền trần giả, thái thú yến dã.
Yến hàm chi lạc, phi ty phi trúc, xạ giả trung, dịch giả thắng, quang trù giao thác, khởi toạ nhi huyên hoa giả, chúng tân hoan dã.
Thương nhan bạch phát, đồi nhiên hồ kỳ gian giả, thái thú túy dã.
Dĩ nhi tịch dương tại sơn, nhân ảnh tán loạn, thái thú quy nhi tân khách tòng dã.
Thụ lâm âm ế, minh thanh thượng hạ, du nhân khứ nhi cầm điểu lạc dã.
Nhiên nhi cầm điểu tri sơn lâm chi lạc, nhi bất tri nhân chi lạc; nhân tri tòng thái thú du nhi lạc, nhi bất tri thái thú chi lạc kỳ lạc dã.
Túy năng đồng kỳ lạc, tỉnh năng thuật dĩ văn giả, thái thú dã.
Thái thú vị thùy? Lư Lăng Âu Dương Tu dã.

Bài văn xuôi gồm 21 câu với nghệ thuật sử dụng chữ. Nhiều chữ được xài nhiều lần và có nghĩa khác nhau:

歸quy 3 lần
其kỳ 4 lần
樂lạc 11 lần
之chi 17 lần
也dã 21 lần
而nhi 24 lần

Thành ngữ và ẩn dụ:

Quang trù giao thác: sự tương tác giữa bình rượu và sổ ghi nợ rượu rất phức tạp. Mô tả bữa tiệc và đồ uống.
Phong hồi lộ chuyển: đường núi quanh co. Ẩn dụ cho một bước ngoặt mới sau khi trải qua nhiều thăng trầm.
Phong sương cao khiết: gió sương tinh khiết. Thời tiết mát mẻ và sương giá lạnh trắng.
Tiền hô hậu ứng: người phía trước gọi và người phía sau trả lời. Sử dụng như một phép ẩn dụ để lặp lại phần đầu và phần cuối của một bài viết.
San hào dã tốc: thịt rừng và rau dại. Món ngon vật lạ của miền rừng núi hoang dã.
Túy ông chi ý bất tại tửu: ý định của người say rượu không có trong rượu. Ẩn dụ là không có ý định ban đầu hoặc sau này ở đây. Cũng ẩn dụ cho việc làm với động cơ thầm kín.
Thủy lạc thạch xuất: nước rút đá hiện ra, đá lộ ra sau khi mực nước giảm xuống. Ẩn dụ cho sự thật được bộc lộ đầy đủ.

Câu có hình thức đặc biệt:

1. Câu đảo từ:
Câu 13: Chí vu phụ giả ca ư đồ, hành giả hưu ư thụ, tiền giả hô, hậu giả ứng, ủ lũ đề huề, vãng lai nhi bất tuyệt giả, Trừ nhân du dã. Phải là: ư đồ ca, ư thụ hưu
Câu 20: Túy năng đồng kỳ lạc, tỉnh năng thuật dĩ văn giả, thái thú dã. Phải là: dĩ văn thuật chi
2. Câu phán đoán:
Chữ 也dã ở cuối câu 1, câu 4 và câu 21 biểu thị sự phán đoán. Trong những câu khác, chữ 也dã là dấu hiệu đánh giá mẫu câu.
3. Câu tinh lọc (bỏ bớt chữ):
Câu 9: Sơn thủy chi lạc, đắc chi tâm nhi ngụ chi tửu dã. Đầy đủ là: đắc chi vu tâm nhi ngụ chi vu tửu dã.
Câu 20: Túy năng đồng kỳ lạc, tỉnh năng thuật dĩ văn giả, thái thú dã. Đầy đủ là: thuật chi dĩ văn.

Từ sống động được dùng khác từ loại:

Sơn hành lục thất lý - sơn: dọc thung lũng, danh từ được dùng làm trạng từ
Hữu đình dực nhiên lâm vu tuyền thượng giả - dực nhiên: giống như đôi cánh chim sải rộng, danh từ được dùng làm trạng từ
Danh chi giả thùy – danh: đặt tên, danh từ được dùng làm động từ
Tự hào viết túy ông dã – hào: danh hiệu, danh từ dùng làm động từ
Nhi bất tri thái thú chi lạc kỳ lạc dã - lạc: lạc thú
Chí vu phụ giả ca vu đồ ca: bài hát, danh từ dùng làm động từ
Tạp nhiên nhi tiền trần giả - tiền: phía trước, danh từ làm trạng từ
Thái thú yến dã - yến: bữa tiệc, danh từ là động từ

Từ ngày nay có nghĩa khác:

Phi ti phi trúc: không phải lụa, không phải tre – trúc: nhạc cụ thổi; tre
Tứ thì chi cảnh bất đồng: phong cảnh bốn mùa khác nhau- thì: mùa; thời gian
Dã phương phát nhi u hương: hương hoang dã lan tỏa thơm ngát – phát: khai mở; lan tỏa
Lâm phi khai: sương rừng tiêu tán - khai: tiêu tán; mở
Đồi nhiên hồ kỳ gian giả: giữa những người say xỉn - đồi nhiên: vẻ say xỉn; vẻ suy đồi
Túy ông chi ý bất tại tửu: ý định của người say không có trong rượu – ý: hương vị; ý muốn, ý định

醉翁亭 Túy Ông Đình

Từ có nhiều nghĩa:

Quy:
Thái thủ quy (hồi khứ) nhi tân khách tòng: thái thú quay đi và khách theo sau
Vân quy (tụ long) nhi nham huyệt minh: mây tụ tập lại và hang động trở nên tối tăm
Mộ nhi quy (hồi lai): trở về lúc hoàng hôn

Vị:
Thái thú vị (vi) thùy: ai đã nói
Thái thú tự vị (mệnh danh) dã: thái thú tự gọi mình: đặt tên

Lâm:
Hữu đình dực nhiên lâm (cư cao hướng hạ) vu tuyền thượng giả: có ngôi đình như dương cánh trên bờ suối
Lâm (kháo cận) khê nhi ngư: câu cá gần suối

Tú:
Vọng chi úy nhiên nhi thâm tú (tú lệ) giả: xa nhìn cây cối tốt đẹp tươi mát
Giai mộc tú nhi phồn âm: cây xum xuê bóng mát

Lạc:
Sơn thủy chi lạc (lạc thú): thú vui của phong cảnh
Nhân tri tòng thái thủ du nhi lạc (hoan lạc): người dân biết đi cùng thái thú để vui chơi (tìm niềm vui)
Nhi bất tri thái thủ chi lạc kỳ lạc dã: nhưng không biết rằng niềm vui (hạnh phúc) của thái thú chính là niềm vui (cái vui của người khác)

Nhi:
Khê thâm nhi ngư phì: suối sâu cá béo (kề nhau)
Ẩm thiểu triếp túy, nhi niên hựu tối cao, biểu đệ tiến: uống ít hơn nhưng thường say xỉn, và (anh ấy) là người lớn tuổi nhất, biểu hiện ngày càng tiến bộ.
Tạp nhiên nhi tiền trần giả: nhiều phẩm vật linh tinh bày trước mặt
Nhược phu nhật xuất nhi lâm phi khai: Nếu mặt trời mọc và sương rừng tiêu tán (tiếp nối)

Chi:
Vọng chi úy nhiên nhi thâm tú giả: xa nhìn cây cối tốt đẹp tươi mát, chữ đứng giữa chủ ngữ và vị ngữ không được dịch được
Danh chi giả thùy: tên ai, chỉ Túy Ông Đình (đại danh từ)
Túy ông chi ý bất tại tửu: ý của người say không ở trong rượu (trợ từ)
Sơn thủy chi lạc: niềm vui của núi sông (trợ từ)

Ghi chú thêm về từ ngữ:

Túy Ông Đình 醉翁亭: là ngôi đình đầu tiên trong bốn gian hàng nổi tiếng ở Trung Hoa, nằm trong Khu thắng cảnh núi Lang Da, phía tây nam thành phố Trừ Châu, tỉnh An Huy.
Túy Ông: ông già say rượu, danh hiệu Âu Dương Tu tự cho mình
Phong Lạc Đình 豐樂亭: được xây cất giữa triều đại nhà Tống và nhà Thanh, cũng nằm trong Khu thắng cảnh núi Lang Da, ở phía nam Trừ Châu (thành phố Hoàng Sơn), dưới chân phía bắc của núi Phong Sơn, cách Túy Ông Đình gần 400km

Hoàn Trừ: bao quanh thành phố Trừ Châu
Trừ Châu: nay là huyện Lang Da, thành phố Trừ Châu, tỉnh An Huy
Kỳ: đại danh từ, dùng để chỉ thành phố Trừ Châu.
Vưu: phi thường, đặc biệt.
Úy nhiên nhi thâm tú giả, Lang Da dã: thảm cây cối tươi tốt rậm rạp, và đó là núi Lang Da
Sàn sàn: tiếng nước chảy.
Nhưỡng Tuyền: tên nguyên thủy là Pha Ly Tuyền, suối trong núi Lang Da, dưới chân đình Túy Ông, có tên Nhưỡng vì tương truyền nước trong có thể cất ra rượu.
Dực nhiên: giống như một con chim dang rộng đôi cánh
Trí Tiên: thiền sư đời Tống Nhân Tông khánh lịch (1041-1048) trụ trì Tu viện Khai Hoa, người xây đình Túy Ông

Danh: tên, đặt tên, danh từ được dùng làm động từ
Tự vị: tự xưng, đặt tên theo bí danh của chính mình.
Hào: bí danh, danh từ được dùng làm động từ
Niên hựu tối cao: lâu đời nhất.
Lâm phi: sương mù trong rừng
Hối minh: chỉ thời tiết nhiều mây và âm u
Chí vu: liên từ, ở đầu câu, chỉ ra sự chuyển tiếp giữa hai đoạn văn và đề cập đến một vấn đề khác.
Hưu vu thụ: nghỉ ngơi dưới gốc cây.
Ủ lũ: lom khom, chỉ người già
Đề huề: chỉ những người trẻ đang đi bộ.
Ty: tơ, nhạc cụ có dây như đàn
Trúc: tre, nhạc cụ thổi như sáo
Thương nhan: khuôn mặt già nua
Lạc kỳ lạc: hạnh phúc cho niềm vui của người khác
Lư Lăng: tổ tiên của Âu Dương Tu ở huyện Lư Lăng nay là Tế Châu, thành phố Tế An, tỉnh Giang Tây

Dịch nghĩa:

Túy Ông Đình Ký Ghi Chép Về Đình Túy Ông

Hoàn Trừ giai sơn dã
Trừ Châu có núi bao bọc chung quanh.
Kỳ Tây Nam chư phong, lâm hác vưu mỹ, vọng chi úy nhiên nhi thâm tú giả, Lang Da dã.
Núi ở phía tây nam Trừ Châu có hang động đẹp, xa nhìn cây cối tốt đẹp tươi mát, đó là núi Lang Da.
Sơn hành lục thất lý, tiệm văn thủy thanh sàn sàn, nhi tả xuất vu lưỡng phong chi gian giả, Nhưỡng Tuyền dã.
Đì vào núi sáu bảy dặm, thoạt nghe tiếng nước róc rách, bỗng thấy nước lao thẳng xuống giữa hai ngọn núi, đó là suối Nhưỡng Tuyền.
Phong hồi lộ chuyển, hữu đình dực nhiên lâm vu tuyền thượng giả, Túy Ông đình dã.
Đường núi quanh co, có một ngôi đình mái cong lên như cánh chim bay trên mặt suối, đó là đình Túy Ông.
Tác đình giả thùy? Sơn chi tăng Trí Tiên dã.
Ai xây đình này? Đó là sư sống trên núi tên Trí Tiên.
Danh chi giả thùy? Thái thú tự vị dã.
Ai đặt tên cho đình? Thái thú tự đặt đó.
Thái thú dữ khách lai ẩm vu thử, ẩm thiểu triếp túy, nhi niên hựu tối cao, cố tự hiệu viết, Túy Ông dã.
Thái thú mời dân đến đây uống rượu, uống ít mà say xỉn vì nhiều tuổi nhất, nên tự đặt danh hiệu cho mình là Túy Ông.
Túy Ông chi ý bất tại tửu, tại hồ sơn thủy chi gian dã.
Túy Ông không có ý say vì rượu, mà say vì cảnh đẹp của núi sông.
Sơn thủy chi lạc, đắc chi tâm nhi ngụ chi tửu dã.
Niềm vui cùng sông núi, có được trong lòng như là có trong rượu vậy.
Nhược phù nhật xuất nhi lâm phi khai, vân quy nhi nham huyệt minh, hối minh biến hóa giả, sơn gian chi triêu mộ dã.
Nếu nắng lên làm sương tan cây rừng hiện rõ, mây bay về hang hốc tối tăm, ánh sáng dần thay đổi, núi sẽ trở thành chiều tối.
Dã phương phát nhi u hương, giai mộc tú nhi phồn âm, phong sương cao khiết, thủy lạc nhi thạch xuất giả, sơn gian chi tứ thời dã.
Cỏ dại tỏa hương thơm, cây xum xuê bóng mát, gió sương trong sạch, nước xuống thấp đá nhô lên, cảnh trông như bốn mùa vậy.
Triêu nhi vãng, mộ nhi quy, thứ thời chi cảnh bất đồng, nhi lạc diệc vô cùng dã.
Sáng vào núi, tối quay về, cảnh bốn mùa không giống nhau, do đó niềm vui cũng vô cùng vậy.
Chí vu phụ giả ca ư đồ, hành giả hưu ư thụ, tiền giả hô, hậu giả ứng, ủ lũ đề huề, vãng lai nhi bất tuyệt giả, Trừ nhân du dã.
Người khuân vác hát ca, bộ hành nghỉ dưới cây, kẻ trước gọi, người sau thưa, lom khom dìu dắt nhau, không ngớt qua lại, người dân Trừ sinh hoạt như thế.
Lâm khê nhi ngư, khê thâm nhi ngư phì, Nhưỡng tuyền vi tửu, tuyền hương chi tửu liệt, sơn hào dã tốc, tạp nhiên nhi tiền trần giả, thái thú yến dã.
Câu cá bên khe, khe sâu thì cá béo mập, suối Nhưỡng như có rượu, hương thơm của nước làm cho rượu thêm ngon, thịt rừng rau dại bày la liệt trước mặt, đó là bửa tiệc của thái thú.
Yến hàm chi lạc, phi ty phi trúc, xạ giả trung, dịch giả thắng, quang trù giao thác, khởi toạ nhi huyên hoa giả, chúng tân hoan dã.
Yến tiệc vui say, không đàn không sáo, đua ném tên, thắng tranh cờ, ly chén ngổn ngang, ngồi đứng ồn ào, dân khách chung vui.
Thương nhan bạch phát, đồi nhiên hồ kỳ gian giả, thái thú túy dã.
Một người tóc bạc gương mặt già nua, lảo đảo ngã nghiêng trước tiệc, đó là quan thái thú đang say rượu.
Dĩ nhi tịch dương tại sơn, nhân ảnh tán loạn, thái thú quy nhi tân khách tòng dã.
Khi mặt trời lặn trên đầu núi, bóng người tản mát, thái thú ra về, quan khách về theo.
Thụ lâm âm ế, minh thanh thượng hạ, du nhân khứ nhi cầm điểu lạc dã.
Cây rừng sẫm mờ, tiếng chim trầm bổng, khi người đi hết chim muông vui mừng.
Nhiên nhi cầm điểu tri sơn lâm chi lạc, nhi bất tri nhân chi lạc; nhân tri tòng thái thú du nhi lạc, nhi bất tri thái thú chi lạc kỳ lạc dã.
Tuy nhiên chim muông chỉ biết cái thú vui của rừng núi, nhưng đâu biết được niềm vui của người; người chỉ biết theo thái thú để vui chơi, nhưng đâu biết được niềm vui của thái thú, chính là niềm vui đó (của người dân).
Túy năng đồng kỳ lạc, tỉnh năng thuật dĩ văn giả, thái thú dã.
Say thì cùng vui vầy, tỉnh thì ghi chép lại cảnh vui ấy, đó là thái thú.
Thái thú vị thùy? Lư Lăng Âu Dương Tu dã.
Vậy thái thú là ai? Đó là Âu Dương Tu người gốc Lư Lăng.

Bản dịch Anh ngữ: Zuiwengting Ji - Wikipedia

Zuiwengting Ji 醉翁亭記 (pinyin: Zùiwēngtíng Jì; lit. 'An Account of the Old Toper's Pavilion') is a semi-autobiographical essay by Ouyang Xiu (1007–1072 CE). The title refers to himself and the Zuiweng Pavilion (Zuiwengting) near Chuzhou City, Anhui, China.[1] The essay's most well-known line is: The Old Toper cares not for the wine, his interest lies in the landscape (醉翁之意不在酒,在乎山水之間也), an idiom still used in modern Chinese to describe someone with an ulterior motive.

English translation

Around Chu are all mountains, and as for the peaks in its southwest, their forests and valleys are especially beautiful. Looking toward Langye, one sees that it is lush and deeply flowering. Walking into the mountains six or seven li, one gradually hears the chan chan sound of water flowing, streaming out between two peaks. This is the "Brewer's Spring." Returning to the mountain path, there is a pavilion with outstretched wings, which the spring descends toward. This is the Pavilion of the Old Toper. As for who built this pavilion, it was the Buddhist priest of the mountain, Zhi Xian. As for who named it, the Grand Warden named it after himself. The Grand Warden and his guests come here to drink, and drink but a little and are at once intoxicated. As he got older, the Grand Warden gave himself the name "Old Toper." The Old Toper cares not for the wine, his interest lies in the landscape. The happiness of mountains and streams is obtained in the heart and lodged in wine.

Imagine the rising sun and the parting of the forest mist, the return of clouds and the darkening of cliff-side caves. These changes between darkness and brightness are the sunrise and sunset in the mountains. The country fragrance is faintly redolent; fine trees flower and flourish in the shade; the wind is high and the frost is pure; the water level lowers and the riverbed rocks come forth: these are the four seasons amid the mountains. One goes out at sunrise and returns at sunset. The scenes of the four seasons are not the same, and their pleasures are likewise inexhaustible. Those carrying burdens sing along dirt paths, those walking rest under trees. Those in the front call out, and those at the back respond. Hunched over old folks and those leading children by the hand, coming without stopping, these are the outings of the people of Chu. Fishing just before the brook, the stream is deep and the fish are plump. Brewing the spring water into wine, the spring water is fragrant and the wine is pure.

Mountain game meat and wild vegetables are laid out in an assortment for the Grand Warden's feast. The happiness of the feast and drinking has nothing to do with strings and flutes. The shooters of dice hit their mark, and players of Chinese chess are victorious. Wine cups and game tallies cross back and forth, and people sit and stand in an uproar. The multitude of guests is happy. Senile-looking and white-haired, slumped amidst them is the Grand Warden, drunk. Shortly afterwards, the setting sun is behind the mountains and the peoples' shadows scatter disorderly.

The Grand Warden returns and the guests follow. The forest of trees is dark, and the sound of birds is all over: the traveling people have left and the birds are pleased. Naturally, the birds know the pleasures of the mountains and forests, and do not know the happiness of people. People know to take after the happiness of the Warden, but do not know that the happiness of the warden is their own happiness. The Grand Warden is one who can share their happiness when drunk, and can express it in literature when sober. What is the Grand Warden called? He is Ouyang Xiu of Luling.

Bình luận:

Chủ ý của Âu Dương Tu khi viết bài Túy Ông Đình nằm gọn trong câu 19: Nhiên nhi cầm điểu tri sơn lâm chi lạc, nhi bất tri nhân chi lạc; nhân tri tòng thái thú du nhi lạc, nhi bất tri thái thú chi lạc kỳ lạc dã.

Câu này có 5 chữ lạc với nghĩa khác nhau. Tạm dịch:

Tuy nhiên chim muông chỉ biết cái thú vui (danh từ) của rừng núi, nhưng đâu biết được niềm vui của người; người dân chỉ biết theo thái thú để vui (động từ) chơi, nhưng đâu biết được niềm vui (hạnh phúc) của thái thú, chính là cái niềm vui đó (của người dân).

Ông khéo léo đem thú vui của núi đồi thành niềm vui của chim muông, dùng niềm vui của chim muông khơi dậy niềm vui của người chỉ biết theo vui chơi. Người dân không biết được niềm vui của ông. Niềm vui của ông thì khác, là gì không phải ai cũng hiểu được. Ba chữ lạc kỳ lạc viết đầy đủ phải là thái thú chi lạc kỳ Trừ nhân chi lạc.

Một chánh sách cai trị lý tưởng “Niềm vui của người cai trị là hạnh phúc của người dân”. Viết cách khác, “Hạnh phúc của người dân là niềm vui của người cai trị”.

Phí Minh Tâm 
***
Góp ý:

Có nhiều lối đọc một bài văn để lấy dữ kiện trong bài, hay để hiểu ý tác giả qua những dữ kiện đó. Đạo Mò vì méo mó nghề nghiệp (phân tâm), đọc để biết thêm ít nhiều về tác giả. Âu Dương Tu bị vu tội loạn luân với con dâu và suýt bị tử hình rồi bị biếm làm thái thú Trừ Châu (滁州) năm Khánh Lịch thứ 6 (1046), lúc mới 39 tuổi, nhưng đã tự xem là thương nhan bạch phát (蒼顏白髮) trong bài ký nói về việc du ngoạn núi Lang Da (琅琊山). Mặc dù bài ký sự có tựa đề là Túy Ông Đình, ngoài việc nói rằng đình có mái cong như cánh chim (ngôi đình ta thấy trong các hình bây giờ được xây thời nhà Thanh nhưng có lẽ phản ảnh sự kiện này), thái thú họ Âu Dương tả toàn cảnh núi rừng quanh đó. Và người đọc nên để ý tới việc tác giả viết trong cái nhìn của một người bàng quan về đời sống, cảm nghĩ của thái thú họ Âu Dương.

Viết khách quan và dùng chữ 樂=lạc nhiều lần như thể chủ ý muốn người đọc phải phân vân tác giả vui vì lý do gì trong khi vừa suýt chết vì bị vu cáo và đang sống trong hoàn cảnh biếm trích. Tại sao một chính trị gia mới 39-40 tuổi với ý hướng kinh bang tế thế lại có thể vui khi đang bị biếm khỏi kinh đô? Có lý do gì đó tác giả mới viết dài dòng rằng chim rừng vui hót sau khi du khách ra về (chuyện dĩ nhiên) nhưng không biết loài người vui chuyện gì (cũng dĩ nhiên), và người đồng du biết thái thú vui nhưng không biết nỗi vui của thái thú là gì; có phải chăng các từ cầm điểu (禽鳥) và nhân (人) có thể ngụ ý các quan lại trong triều ở Biện Kinh? Tại sao phải nhắc lại hoài rằng ta đang là một thái thú trong một ký sự về du ngoạn núi Lang Da? Cái đình với mái hình cánh chim hình như chưa hề có tên, và chính Âu Dương Tu đặt tên cho nó; thế thì bài ký sự là để kể lại cuộc du ngoạn, hay để nói lên tâm sự của chính tác giả, tâm sự của một người đang bị thất thế và biết mình có nhiều kẻ thù?

Có lẽ ít người đọc để ý tới hàm ý trong 4 chữ 山餚野蔌=sơn hào dã tốc; hào là thịt, tốc là rau và sơn hào dã tốc là thịt rừng, rau hoang. Cụm từ này tương phản với thành ngữ 山肴海味=sơn hào hải vị dùng cho các món ngon vật lạ chỉ các nhà quyền quí mới có; không cần phải có quyền cao chức trọng, luôn dự tiệc tùng hát xướng (非絲非竹=phi ty phi trúc) ở triều đình với bạn đồng liêu mới là hoan lạc. Cụm từ 衆賓=chúng tân dùng để chỉ những du khách đồng hành với thi-văn sĩ đi chơi núi chứ không phải để chỉ đám thường dân do quan thái thú cai trị, và hàm ý rằng nếu không có bạn đồng liêu thì ta vẫn có thể vui sống với người cùng thị hiếu nơi hoang dã.

Tiệc nào cũng có rượu, cho dù chỉ là tiệc bày lúc du ngoạn với sơn hào, dã tốc, nhưng tác giả nói rõ rằng không có nhiều rượu và ông ta say vì nước suối Nhưỡng - 酿 viết với bộ tửu và có nghĩa là cất rượu hay rượu - trong và thơm như rượu, và vì thấy du khách đồng hành vui chơi rất bình dân. Mới quanh 40 tuổi đã thấy mình già nhưng có thể vui say giữa thiên nhiên và thường dân; rất tiếc rằng cái mộng kinh bang tế thế không cho phép Âu Dương Tu có thể tự mãn với những nhận xét về thiên nhiên, thời tiết, nhân tình thế thái và hạnh phúc.

Huỳnh Kim Giám

***
ỐC góp thêm ý:

Xét theo tiểu sử cá nhân, lịch sử đương thời, cùng cách cư xử với học trò, với bạn tri kỷ & bạn đồng triều, và lòng yêu chuộng vẻ đẹp thuần túy (chống lại vẻ hào nhoáng bề ngoài) thì thấy rằng tất cả 21 câu trong bài Túy Ông Đình đều ăn khớp với con người của Âu Dương Tu. Còn nữa, xét lịch sử một ngàn năm sau thì thấy lời vu cáo đương thời không thể vùi dập được con người cương trực.

ÔC

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét