Thứ Tư, 29 tháng 6, 2016

Việt Nam Văn Học Sử Yếu - Dương Quảng Hàm.(Chương Thứ Sáu)

VIỆT NAM VĂN HỌC SỬ YẾU 
THIÊN THỨ HAI
ẢNH HƯỞNG CỦA NƯỚC TÀU 
CHƯƠNG THỨ SÁU 



SỰ TRUYỀN BÁ PHẬT GIÁO VÀ ĐẠO GIÁO

Trong hai chương thứ ba và thứ tư, ta đã xét qua hai bộ Tứ thư và Ngũ kinh nói về học thuyết Nho giáo là cái đạo giáo được Việt Nam tôn sùng nhất. Nhưng trừ Nho giáo ra, người nước ta còn chịu ảnh hưởng của hai tôn giáo khác nữa là Phật giáo và Đạo giáo, mà cả hai tôn giáo ấy cũng từ nước Tàu, hoặc gián tiếp, hoặc trực tiếp, truyền sang ta. Vậy ta phải xét quả chủ nghĩa hai tôn giáo và sự truyền bá hai tôn giáo ấy trong nước ta như thế nào? 


Phật giáo. 

Phật tổ. Người sáng lập ra Phật giáo (hoặc Thích giáo là Tất Đạt Đa, họ Cồ Đàm (Gotama), thuộc dòng Thích ca hoặc Thích già (Sakya); bởi thế ta thường gọi ngài là Thích ca mâu ni (Sakya Muni) (mâuni: tịch mịch, lặng lẽ). Ngài sinh ở thành Ca-tỳ-la (Kapilavastu) ở phía bắc Ấn độ, vào thế kỷ thứ VI và mất vào khoảng năm 480 tr.T.L nghĩa là ở đồng thời với Đức Khổng tử. Ngài là con một nhà quí tộc, có vợ con, nhưng thấy sự khổ sở của người đời, bỏ cả quyền vị phú quí, đi tu trong sáu năm, sau ngài tỉnh ngộ, tự xưng là Như lai (1), rồi đi thuyết pháp các nơi để truyền đạo giáo của ngài. Đời sau gọi ngài là Phật (2) và tôn ngài là ông tổ Phật giáo. 

-- 
(1) Như lai: Bậc giác vi như, kim giác vi lại, nghĩa là: vốn biết là như, nay biết là lai (đạo viên tập) 
(2) Phật , hoặc Phật đà hoặc Bồ đề (chữ Phạn là Bouddha) nghĩa là giác (biết): một là tự giác (tự mình tỉnh ngộ), hai là giác tha (thuyết pháp để cứu độ người khác), ba là giác hành viên mãn (sự biết và làm đều trọn vẹn) -- 



Chủ nghĩa của đức Thích ca. 

A) Đức Thích ca nhận thấy cuộc đời là khổ ải tức là biển khổ (sinh, lão, bệnh, tử, v.v.) mà người ta bị trầm luân nghĩa là chìm đắm trong đó. Sự khổ ấy, không phải một kiếp nầy phải chịu mà hết kiếp nầy sang kiếp khác, cứ sinh tử, tử sinh mãi mà chịu nỗi khổ ấy không bao giờ thôi: tức là người ta phải ở trong vòng luân hồi nghĩa là cái bánh xe xoay hết vòng lại trở lại mãi. Cái nghiệp ta chịu kiếp nầy là cái quả của công việc ta về kiếp trước mà những công việc của ta về kiếp nầy lại là cái nhân của nghiệp ta về kiếp sau, thế là ta cứ phải chịu sự nghiệp báo (karma) ấy mãi. 

B) Cái nguyên nhân của sự khổ là gì? 
Chính là lòng tham muốn của người ta: tham sống, tham sướng, tham mạnh. 
C) Vậy muốn diệt khổ nghĩa là dứt hết nổi khổ não thì phải tiêu trừ lòng ham muốn không để cho còn một chút nào. Muốn thế, phải dốc chí tu hành, chánh tâm theo đạo để cắt đứt những cái nhân duyên nó ràng buộc mình ở trần thế. Khi đã diệt được sự khổ rồi, tức là được giải thoát, nghĩa là ra khỏi vòng luân hồi, nghiệp báo, không sinh không tử nữa mà tới cõi Niết bàn (Nirvana). 
Tóm lại, đức Phật cho đời người là khổ và mục đích lập giáo của ngài là cứu độ chúng sinh cho thoát nỗi khổ não (Xem bài đọc thêm số 1 và số 2) 



Sự bành trướng của Phật giáo. – Sau khi Phật tổ mất, Phật giáo dần dần lan rộng: 

A) Trong nước Ấn độ, thoạt tiên ở khu vực sông Hằng Hà (Gange) là nơi sinh trưởng của Phật tổ rồi đến khắp cả nước Ấn Độ (thế kỷ thứ III tr.T.L) 

B) Ra các nước ngoài do hai đường: 
1) Do đường bộ, sang các nước Trung hoa (thế kỷ thứ I, về đời nhà Hán), Cao ly (thế kỷ thứ IV), Nhật Bản (thế kỷ thứ VI), các xứ ở Trung Á như Tây Tạng, Mông Cổ (thế kỷ thứ VII). 
2) Do đường thủy sang đảo Tích Lan (Sri Lanka), Nam dương quần đảo (Indes Néerlandaises)v.v. 
Sự truyền bá Phật giáo ở nước Nam. 
- Phật giáo truyền sang nước ta do hai cách: 
A) Nhờ các vị sư Tàu sang tránh nạn ở Bắc kỳ, sau khi vua Hán Linh đế mất (189) trong khi nước Tàu có nội loạn (cuối thế kỷ thứ II và đầu thế kỷ thứ III): 
B) Nhờ các vị sư người Thiên trúc : Khang cư, Nguyệt thị, Indoseythe (4) sang ở nước ta, hoặc đi qua nước ta để sang Tàu trong thế kỷ thứ III. 
Xem thế thì biết Phật giáo sang ta hoặc theo cách trực tiếp từ Ấn độ sang, hoặc theo cách gián tiếp tự bên Tàu sang. Nhưng về sau cái ảnh hưởng Phật giáo Tàu mạnh hơn nên nay Phật giáo ở bên ta cũng theo phái Đại thừa (5) như ở bên Tàu vậy. 



Lịch sử Phật giáo ở nước Nam. 

Có thể chia ra làm ba thời kỳ: 

A) Thời kỳ truyền bá (từ cuối thế kỷ thứ II đến cuối thế kỷ thứ VI, tự lúc nội thuộc nhà Hán đến hết đời Nam Bắc triều): nhờ các vị sư Tàu và thứ nhất là các vị sư Ấn độ mà Phật giáo dần dần truyền trong dân gian, nhưng chưa có tổ chức gì. 
B) Thời kỳ phát đạt: (tự thế kỷ thứ VII đến thế kỷ thứ XIV , từ lúc nội thuộc nhà Tùy đến cuối đời nhà Trần): trong thời kỳ này, có ba Thiền phái (6) kế tiếp nhau thịnh đạt ở nước ta. 
1) Tự năm 580, vị sư người Tây trúc tên là TiniĐaLưuChi, đến ở chùa Pháp vân (nay thuộc tỉnh Bắc ninh) lập một Thiền phái thứ nhất ở nước Nam truyền được 19 đời (680-1216) trong các vị Pháp Hiền (+626), Đỗ Pháp Thuận (+990+, Vạn Hạnh (+1018), Từ Đạo Hạnh (+1122). 
2) Tự năm 820, vị sư người Tàu tên là Vô Ngôn Thông đến ở chùa Kiến sơ (ở làng PHù đổng, huyện Tiên du, tỉnh Bắc ninh) lập một Thiền phái thứ hai truyền được 14 đời (820-1221) trong có các vị sư Ngô Chân Lưu (+1011) và vua Lý Thái Tôn (1000-1054) . 
3) Đến thế kỷ thứ XI, vị sư Tàu tên là Thảo Đường được phong làm quốc sư lập một Thiền phái thứ ba truyền được 5 đời (1069-1205), trong các vị vua nhà Lý: Thánh tôn (1023-1072), Anh Tôn (1136-1175), Cao tôn (1173-1210) 



Trong thời kỳ nầy, đạo Phật ở nước ta rất thịnh, hầu được coi như quốc giáo: triểu đình đặt chức quốc sư, mở khoa thi tam giáo (Nho, Phật, Lão); nhiêù ông vua nhà Lý, nhà Trần đi tu sau khi thoái vị và chùa chiền dựng lên ở trong nước rất nhiều. 

C) Thời kỳ suy đồi (từ thế kỷ thứ XV tức là tự đời Hậu Lê trở về sau): Phật giáo bị phái Nho công kích không được nhà vua săn sóc đến nữa, lâu dần thành một tôn giáo của dân chúng, không có tổ chức thống hệ gì nữa. Các tăng ni phần nhiều là người vô học thức bày ra các mối dị đoạn, các lễ nghi phiền phức để cho bọn hạ lưu (thứ nhất là đàn bà) dua theo còn các giáo lý cao thâm của đạo Phật ít người hiểu nữa. 

-- 
(3) Khang cư (Sogdiane): tên cũ một xứ ở Châu Á, nay là xứ Boukhara thuộc Turkestan russe. 
(4) Nguyệt thị (Indescythe): giống người ở phía bắc Ấn độ, phía trên sông Indus bây giờ. 
(5) Vào khoảng thế kỷ thứ II sau T.L, Phật giáo chia làm hai phái: một là Tiểu thừa (nghĩa đen là xe nhỏ: chữ phạn là Hinayâna) về giáo lý thì Tiểu thừa được giữ chính truyền của Phật tổ hơn. Về sau các nước thuộc về Nam tôn (như Tích lan, Xiêm la, Miến điện, Cao Miên) theo phái Tiểu thừa, cón các nước htuộc về Bắc tôn (như Tây tạng, Trung Hoa, Cao Ly, Nhật Bản, Việt Nam ) theo phái đại thừa. 
(6) Thiền phái hoặc thiền tôn: Một phái của Phật giáo do ông tổ thứ 28 là Bồ đề đạt ma (Bodhidharma - mất năm 528) người Thiên trúc, sang đất Quảng Châu bên tàu về đời nhà Lương lập ra. Thiền nghĩa là thanh tĩnh; phái này cốt đem lòng thanh tĩnh để tu luyện cho thành Phật, không cần văn tự nên cõng bọi là “tâm tôn”. 



2. Đạo giáo 

Lão tử.- Người sáng lập ra Đạo giáo là Lão Tử (hai chữ này chỉ là danh hiệu và nghĩa là “ông thầy già”, nhưng thân thế của ông ,ta không biết rõ. Theo sách Sử ký của Tư mã Thiên (7) thì ông họ là Lý, tên là Nhĩ tự là Bá dương thụy là Đam người huyện Hỗ thuộc nước Sở (nay thuộc tỉnh Anh huy) không rõ sinh và mất năm nào (có sách cho là sinh năm 570 và mất năm 490 tr.TL(nhưng cũng ở đồng thời với đức Khổng tử, nghĩa là vào thế kỷ thứ VI tr.T.L vì sử chép rằng năm 522, Khổng tử có một lần đến hỏi lễ ở ông. Ông có làm quan trụ hạ sử (quan giữa công văn) nhà Chu. Sau ông bỏ đi về phía tây (Cam túc), không biết rồi ra thế nào. Nhưng có người lại bác cái thuyết ấy, cho rằng Lão tử chính tên là Dương Bá Phú ở vào thế kỷ thứ VIII tr.TL chứ không phải là Lão Đam ở đời Xuân thu nói trên. 

Dù sao chăng nữa, ông có viết ra Đạo đức kinh (hai thiên, 81 chương, hơn năm ngàn lời nói) để bày tỏ cái tôn chỉ của ông, bởi thế mới gọi cái đạo của ông sáng lập là đạo giáo. 
Về sau lại có Liệt tử và Trang Tử cũng làm sách để diễn giải và truyền bá cái tôn chỉ của ông và bài bác các học thuyết khác, thứ nhất là Nho giáo. 
-- 
(7) Tư Mã Thiên: Một đại sử gia nước Tàu vào thế kỷ thứ I tr. T.L về đời nhà Hán. 
(8) Liệt tử: Họ Liệt, tên là Ngự Khấu người nước trịnh (nay thuộc tỉnh Hà Nam) ở về đời Chiến Quốc, vào quảng thế kỷ thứ V, thứ IV tr. TL . Các môn đệ của ông chép những lời ông dạy thành chữ Liệt Tử gồm có 8 thiên. 
(9) Trang Tử: tên là Chu, người đất Mông (nay thuộc tỉnh An Huy) ở về đời Chiến quốc, vào thế kỷ thứ IV tr. TL soạn ra sách Trang tử gồm hơn mươi vạn lời nói. 
-- 
Tôn chỉ của Lão tử 
A) Về triết lý.- Lão tử cho Đạo là một nguyên lý rất huyền diệu do đấy mà sinh ra trời đất và vạn vật. Đạo vốn là đơn nhất, sinh ra âm dương; âm dương sinh ra trời, đất và khí; trời, đất và khi sinh ra muôn vật, muôn vật sinh ra khắp cả thế gian, rồi quay trở về Đạo. Trở về Đạo,rồi lại hóa ra vạn vất, cứ đi đi về về mãi thế, tức là cái cuộc biến cải sống chết ở đời, mà là cái cuộc tuần hoàn theo lẽ tự nhiên. 
B) Về Luân lý.- Người ta muốn theo đạo thì nên thanh tĩnh vô vi. Nghĩa là phải tuyệt hết cái bụng nghĩ ngợi, ham muốn và quên cả hình hài đi để được trong sạch yên lặng mà không hành động gì cả, cứ phó mặc tự nhiên không phải nhọc trí nhọc sức. Sở dĩ người ta phải khổ sở, lo nghĩ là vì phải hành động mà nguồn gốc của sự hành động là dục tình; bởi thế, nếu dứt hết dục tình thì không hải hành động, không phải lo nghĩ khổ sở mà lòng được thư thái, thân được an nhàn. Cho nên trong nhân loại kẻ gần Đạo nhất là đứa anh nhi mà người có nhiều đức cũng hồn nhiên như đứa bé con vậy. 
Đạo giáo biến đổi thế nào? – tư tưởng của Lão tử là một nền triết học cao thâm quá, người thường không hiểu, nên không bao lâu đạo ấy biến đổi đi mà thành một tôn giáo có nhiều dị đoan và ảo thuật. Người ta tôn Lão tử làm Thái thượng Lão quân và bày ra thuật tu tiên, luyện đan (luyện thuốc tràng sinh bất tử), thuật số, phù thủy v.v. .. 



Sự truyền bá Đạo giáo sang nước ta. 

Đạo giáo truyền sang ta từ đời Bắc thuộc, những không có môn phái thống hệ gì. 

Bậc thượng lưu học thức xem sách của Lão tử và của các môn đồ Đạo giáo như Liệt tử, Trang tử thì nhiễm những tư tưởng tiêu diêu phóng khoáng, chán đường công danh phú quý, cần sự an nhàn tự do. 
Còn thường dân thì tin các dị đoan về thần tiên, về phù thủy và theo các ảo thuật như bùa bèn, ấn quyết v.v.. 
Ảnh hưởng Phật giáo và Đạo giáo đối với văn chương của ta.- Không kể phương diện tín ngưỡng và dị đoan, Phật giáo và Đạo giáo rất có ảnh hưởng đến văn chương nước ta. Trong tác phẩm cũ của ta, bao nhiêu những tư tưởng phóng khoáng, nhàn tản, yếm thế là do ở đạo giáo mà ra. Thí dụ, trong tập thơ của Nguyễn Bỉnh Khiêm và trong tập hát nói của Nguyễn Công Trứ, những bài vịnh cảnh nhàn đêù là chịu ảnh hưởng của Đạo giáo cả. 
Còn những tư tưởng về khổ ải, trầm luân, nhân quả, nghiệp báo, là do Phật giáo mà ra cả. 
Ta cứ xem khúc Cung oán (đoạn nói về cuộc đời khổ sở) và Truyện Kiều thì thấy nhiều ý tưởng đã thoát thai ở Phật giáo mà ra.

Các bài đọc thêm.



1) Phật thuyết pháp lần thứ nhất về “tứ diệu đề” 

“Nầy các thầy sa môn, ở đời có hai sự thái quá, người tu đạo phải lánh xa. Hai sự thái quá là gì? Một là đam mê trong vòng sắc dục : như thế thì hèn xâú, trái với đạo lý, uổng công không đáng. Này các thầy sa môn, hai sự thái quá ấy , Như lai đều phải lánh xa cả. 

Như lai đã tìm được con đường đi giữa, để mở mặt, mở trí cho người ta, khiến cho tinh thần được bình tĩnh, được thông tỏ, được sáng suốt, được tới cõi nát bàn. Vậy các thấy có biết con đường giữa mà như lai đã tìm được ấy, con đường đểm ở mắt mở trí cho người ta, khiến cho tinh thần được bình tĩnh, được thông tỏ, được sáng suốt, đươc tới cõi nát bàn ấy, là gì không? 
Con đường thần diệu ấy gọi là đường bát chính: 1) Chính kiến (samyaksadrsti), nghĩa là thành thực mà tin đạo; 2) Chính tư duy (samyaksankalpa) , nghĩa là thành thực mà suy xét; 3) chính ngữ (samyaksarmaunta), nghĩa là thành thực mà làm việc; 5) Chính mệnh (samyabjvara), nghĩa là thành thực mà mưu sinh; 6) Chính tinh tiến ( sayakvyâma), nghĩa là thành thực mà mong tới; 7) Chính niệm (samyaksmarti) nghĩa là thành thực mà tưởng nhớ ; 8) Chính định (samyaksamạdhi) , nghĩa là thành thực mà ngẫm nghĩ. Nầy các thầy sa môn, ấy đó là con đường trung đạo. Như Lai đã phát minh ra được, để mở mắt mở trí cho người ta, khiến cho tinh thần được bình tĩnh, được sáng suốt, được tới cõi niết bàn. 
“ Nầy các thầy sa môn, đây là phép mầu về sự khổ: sinh là khổ, già là khổ, bệnh là khổ, chết là khổ, cái gì không ưa mà phải hợp là khổ, cái gì ưa mà phải dời là khổ, cái gì muốn mà không được là khổ, nói tóm lại triền miên trong ngũ trọc là khổ (10) . 
“Nầy các thầy sa môn, đây là phép mầu về nguyên nhân sự khổ: nguyên nhân sự khổ là lòng tham sống, vì tham sống mà phải luân hồi sinh tử, càng tham càng muốn, càng được càng tham, tham sống, tham sưóng, tham mạnh (11) 
“Nầy các thầy sa môn, đây là phép mầu về sự diệt khổ, diệt khổ phải tiêu trừ lòng tham dục, phải giải thoát chi hết lòng tham dục, không để cho còn một chút nào. (12) 
“Nầy các thầy sa môn, đây là phép mầu về sự diệt khổ, đạo diệt khổ tức là đạo bát chính: chính kiến, chính tư duy, chính ngữ, chính nghiệp, chính mệnh, chính tinh tiến, chính niệm, chính định (13)”
Phạm Quỳnh 

Phật giáo lược khảo 

(Nam phong tạp chí, t.VII số 40, tháng 10-1920)
-- 

(10) Đây tức là đệ nhất diệu đề.- “Ngũ trọc” hay là “ngũ uẩn” (panchaskandha) là năm cái nguyên tố họp lại làm thành ra thân thể tâm thần người ta: 1: sắc uẩn (rupaskhandha) là hình thể người; 2. thụ uẫn (vedaskandha), là sự cảm giác; 3 tưởng uẩn (sanjnaskandha), là sự tưởng tượng; 4: hành uẩn (sanskaraskandha) là sự hành vi, 5: thức uẩn (vijnânaskandha, là sự ý thức. 

(11) đệ nhị diệu đề 

(12) đệ tam diệu đề. 
(13) Đệ tứ diệu đề - Bốn diệu đề trong sách Tàu thường nói tóm lại bốn chữ là khổ tập, diệt đạo 
-- 
2. Nát bàn là gì? 
Thuộc về Nát bàn, các học giả Âu châu nghị luận cũng đã nhiều, nhiều người lấy cái lý tưởng riêng của Âu châu mà bình phẩm, đại khái trách đạo Phật rằng lấy sự hư vô tịch diệt làm cứu cánh cho đời, một tôn giáo như thế thời không những không bổ ích gì cho quần sinh, mà lại có thể di hại cho xã hội. Nay không muốn nối gót các học giả Âu châu mà phẩm bình bao biếm đạo Phật, nhưng phải biết rằng đạo Phật đã lấy sự “khổ” làm tiền để thời phải lấy sự “diệt” làm hậu kết, đã cho rằng người ta có thên là có khổ thời muốn hết khổ tất phải diệt thân, trước sau thật là duy nhất, lý luận không có mâu thuẫn. Vậy rút lại vấn đề chỉ ở một câu, ở đời có khổ hay không? Câu hỏi đó , thiết tưởng không ai là không trả lời rằng có, không ai là không cùng phật công nhận rằng sống là khổ, và nước ở đời ví đem tích lại thời sánh với nước mặn bể khơi cũng chưa thấm vào đâu.Sự khổ đã có, thì phải tìm đường thoát khổ, muốn thoát khổ thời phải diệt khổ, nhưng khổ là liền với thân, khổ là một với sống, diệt khổ tức là diệt thân, diệt sống, tự diệt vậy. 



Song người đời vẫn lấy sự hư vô làm sợ; nếu mãn kiếp tu hành, hết sức học đạo mà cứu cánh chỉ đến tiêu nhập vào chốn hư vô, thời kinh hải biết dường nào ! Phật cũng biết thế, nên Phật đối với vấn đề cứu cánh cũng giữ một thái độ như khổng phu tử đối với qủy thần vậy; không hề nói rõ bao giờ, mỗi khi đề cập đến, vẫn có ý thoái thác. Khổng tử thời môn đệ hỏi đến việc qủy thần, đến sự chết, trả lời rằng: “Các anh chưa biết việc đời người đã hỏi việc qủy thần làm chi, các anh chưa biết sự sống đã hỏi sự chết làm gì?” Phật tổ thời đệ tử hỏi cứu cánh có phải là cõi hư vô không, và khi linh hồn đến khi nhập nát bàn còn gì nữa không, bèn dùng cách tỉ dụ mà hỏi lạirằng: “Ta hỏi : nay có một người bệnh thập tử nhất sinh, có kẻ đem thuốc lại cứu cho khỏi chết, người ấy có chịu uống ngay không, hay là còn hỏi thuốc kia ở đâu mà lại, thuốc kia làm bằng vật gì? Như lai thấy chúng sinh trầm luân trong bể khổn, muốn ra tay tế độ cho siêu thoát, khác nào như kẻ cho thuốc người bệnhh bệnh nặng, thuốc ẳsn, cứ việc uống còn hỏi gì?” – Xưa nay những bậc triết nhân quân tử đã sáng suốt muôn lẽ, đã thấu hiểu mọi sự, muốn ra tay tế độ cho quần sinh thường có nhiều điều tự mình biết mà không thể truyền bá ra được cũng tức như ông thầy thuốc biết là bệnh trạng nguy mà không dám nói rõ cho bệnh nhân biết vậy. Phật tổ cũng vậy; chắc trong ý riêng vẫn biết rằng linh hồn sau khi tịch diệt rồi là vào cõi tịch mịch hư vô, chớ chẳng phải nơi thiên đàng cực lạc gì; nhưng không hề thuyết minh cho ai biết bao giờ, là sự có kẻ chưa thoát sạch trần tục, nhân thế mà ngã lòng tu đạo chăng? Vì những sự biết như thế là sự biết “chết người” vậy. Bởi thế nên dầu các nhà bác học tìm khắp trong kinh sách, cũng không hề giải được nát bàn là thế nào. Ông Oldengerg đã phải chịu thú thật rằng: “Chúng tôi đã hết sức nghiên cứu mà kết quả cũng lạ thay: chỉ có hai thuyết, không ra ngoài được, một rằng nát bàn là cõi hư vô, hai rằng nát bàn là nơi cực lạc, thời rút cục lại chẳng thuyết nào đúng hẳn” (14)
Phạm Quỳnh 

Phật giáo lược khảo.
(14) “Le résultar deces recherches est d’ailleurs assez singulier; les deux alternatives qui formaient, semble-t-il, un véritable dilemme, à savoir que dans ;’ancienne communauté, le nirvâna devait être concu soit comme le néant, soit comme la beatitude suprême, it s’est trouvé que ni l’une ni l’autre n’avait tout à fait raison” Oldengerg, P.274, Tự số 910 đến 14): (Lời chú thích của tác giả) 

-- 

3. Đạo là gì? 

Đạo là gì mà tự đâu sinh ra? Lão tử cho là thoạt kỳ thủy thì không có gì cả (15), bởi cái không mà thành ra cái có, rồi do cái có đó mà thành ra muôn vật, nghĩa là trước hết là không, rồi tự nhiên thành ra một vật độc nhất trong khoảng không gian: do vật độc nhất ấy mà sinh muôn vật trong thiên hạ. 
Vật độc nhất đó gọi là gì? Không biết gọi tên là gì, nhưng ta đặt tên là chữ đạo (16). Đạo là một chữ đặt ra để có tên mà gọi cho dễ, chứ kỳ thực thì không sao mà tả rõ ra được, vì rằng: (17) cái đạo mà đã nói rõ ra được thì không phải cái thuờng bao giờ cũng có nữa mà một vật đã có thể gọi tên ra được thì cũng không phải cái vật thường vẫn có ấy nữa. 
Đạo là một vật tự nhiên hỗn thành ra trước khi có trời đất, mờ mờ mịt mịt, im lặng một mình trong khoảng không gian ở đâu cũng có, mà bao giờ cũng thế, không suy suyển chút nào mà muôn vật trong vũ trụ cũng bởi đó mà sinh ra cả. 
Đạo lại là một giống rất to, mà không có hình thể gì cả. (19) Trông không trông thấy được, nghe không nghe thấy được, sờ không sờ thấy được, mênh mông, lờ mờ, dẫu muốn suy diễn đến đâu cũng không xiết được, mà bao giờ các toàn thể của Đạo vẫn là đơn nhất, nghĩa là chỉ có một mà thôi, chứ không có hai ba nào cả. Nhân có cái tính đơn nhất ấy mà thành ra có trời đất và muôn vật, nghĩa là do cái tính đơn nhất của Đạo mà sinh ra âm dương , tức là trời đất, trời đất cùng với khí sinh ra vạn vật. Với tính đơn nhất ấy thực là linh hoạt. Trời có được cái tính đơn nhất ấy mới sáng, đất có nó mới vững, thần có nó mới thiêng, muôn vật có nó mới sinh sản mãi mãi. (22)
Trần Trọng Kim 

Đạo giáo 

(Nam Phong tạp chí t.XII, số 57 tháng giêng 1923)
4. Lẽ sinh tử theo Trang tử. 

Người ta sinh ra ở trong khoảng trời đất này chẳng khác gì cái bóng mặt trời thoáng qua trước cái khe cửa. Đường sin htử là cái lối đi ra đi vào của vạn vật. Sự đi lại ấy thật là nhẹ nhàng, dễ dàng, ai ai cũng thế, chứ không ai khác ai. Vì sự hóa mà sinh, rồi lại vì sự hóa mà tử, vậy thì việc gì mà ta lo, ta buồn. Những người lấy sự sống chết làm lo làm buồn là người không biết gì, khác nào như muốn đem cất cai cung của trời, thắt cái túi áo của trời, làm trái với mệnh trời thì làm sao được. Ta nên để mặc cái cung trời lúc dương lúc trùng, cái túi áo trời lúc mở lúc xếp, cứ biết rằng cái lẽ sống chết là một lẽ thay đổi, vừa liên tiếp, vừa thong thả, khi hồn phách ở thì thân mình ở, khi hồn phách đi thì thân mình đi theo, cũng về cả trong quãng thái hư mà thôi (23) 

Sự sống chết là thế thì việc gì mà lo sợ. Chẳng qua mình lo sợ cái mình chưa biết ra thế nào, chứ biết đâu sự thay đổi của tạo hóa là một sự hay. “Ngày xưa, người con gái đẹp đất Lệ sang lấy vua nước Tấn, lúc ở nhà đi ra thì kêu khóc. Đến lúc về ở với vua được đủ mọi điều sung sướng, lúc ấy mới hối sự mình kêu khóc”. Thế thì biết đâu người chết rồi lại không hối lúc trước mình đã cầu sống. thường đêm nằm chiêm bao uống rượu thấy sáng dây có sự buồn rầu, hoặc đêm nằm chiêm bao thấy sự buồn rầu, sáng dậy có sự vui vẻ, nghĩa là sự chiêm và sự thực không giống nhau. Đương lúc mình chiêm bao mình không biết là chiêm bao, mà trong lúc chiêm bao mình vẫn đoán việc chiêm bao, mãi đến khi tỉnh dậy mới biết là chiêm bao thật. Chỉ có bậc đại giác thì mới biết được cuộc đời là một giấc chiêm bao lớn mà thôi, con người ngu thì chiêm bao vẫn cho là tỉnh, rồi tưởng mình chủ tể được cái tâm trí ấy (24) 

Thường giấc mộng mơ màng là cuộc sống ở đời, mà lúc tỉnh dậy là sự chết đó thôi. Bởi vậy cho nên những bậc “chân nhân” cứ tự nhiên nhi nhiên, hễ gặp vào lúc sống mà sống là hợp thời, gặp lúc nào chết mà chết là thuận cảnh, hợp thời và thuận cảnh, thì còn có việc gì mà buồn hay vui? Người ta lúc sống chẳng qua cũng như bị cái dây nó treo mình ở trong khoảng không gian, lúc chết cổi cái dây ấy mà xuống. Cũng thí dụ như củi với lửa: Củi là hình hài, lửa lái tinh thần, lửa bén vào củi, rồi củi hết là lửa tắt. nhưng kỳ thực là ta biết thế nào là lửa hết được: lửa tắt là vì hết củi đó thôi (25)
Trần Trọng Kim 
Đạo giáo II 
(Nam phong tạp chí t.XII, số 58, tháng hai 1923)
--
(15) Đạo đức kinh chương thứ 40
(16) Đạo đức kinh chương thứ 25
(17) Đạo đức kinh chương thứ1
(18) Đạo đức kinh chương thứ 25
(19) Đạo đức kinh chương thứ 41
(20) Đạo đức kinh chương thứ 14
(21) Đạo đức kinh chương thứ 42
(22) Đạo đức kinh chương thứ 39
(23) Trang tử: Trí bắc du
24) Trang tử: Tế vật. 

Các tác Phẩm để kê cứu


1. Phạm Quỳnh Phật giáo đại quan, Nam phong tùng thư, Hà Nội, Đông kinh ấn quán x.b 
2. Trần Trọng Kim, Đạo giáo, Nam Phong tạp chí t.XII tr.12-32 và 103-113; tXIII, tr.113-127 và 197-209; Phật lục, Hanoi, Imp, du Nord 1940. 
3. Đại nam cao tăng truyện , Nam phong tạp chí, t.XXI, Phần chữ Hán, trang 27-30, 41-44, 54-57. 
4. Phật giáo nam lai khảo, Nam phong tạp chí t. XXII , Phần chữ Hán tr.45-48. 
5. Trần văn Giáp , Le Bouddhisme en Annam, des origines au XIIIè siècle BEFEO. T.XXXII fase. L.pp.191.268 
6. Oldengerg. Le Bouddha.Sa vie, sa doctrine, sa communauté, traduit de l’1allemand par A.Fourcher, Bibliothèque de philosophie contemporainee 3è édition francaise, Paris, Félix Alcan 1921. 
7. Tené Grousset. Histoire de la philosophie orientale. Inde Chine Japon, Bibliothéque francaise de philosophie, Paris, Nouvelle Librair nationale, 1923. 
8. Le P.Léon Qieger. Histoire des croyances religieuses et des opinions philosophiques en Chine depui l’origine jusqu’à nos jours. Hokien fou Imp. De la Misision catholique, 1917. 
9. Le P. Léon Wieger, Textes philoshophiques. Sommaire des notions chinoises depuis ; l’origine jusqu’à nos jours. Hokien fou. Imp de la Mission catholique, 1906.

Dương Quảng Hàm

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét