Chủ Nhật, 12 tháng 6, 2016

Việt Nam Văn Học Sử Yếu - Dương Quảng Hàm.(Chương Thứ Ba)

VIỆT NAM VĂN HỌC SỬ YẾU 
THIÊN THỨ HAI
ẢNH HƯỞNG CỦA NƯỚC TÀU 
CHƯƠNG THỨ BA 


CÔNG DỤNG CỦA VĂN HỌC TÀU
Xét qua Bộ Tứ Thư

Công dụng của văn học Tàu. Như Chương dẫn đâù đã nói ,dân tộc Việt Nam, ngày từ khi thành lập đã chịu ảnh hưởng của văn hóa Tàu. Cái văn hóa ấy truyền sang nhước ta tuy do nhiều cách, nhưng thứ nhất là do văn học, tức là nhờ sự học chữ Nho và các sách chữ Nho của người Tàu đem sang. Chính cái văn học của người Tàu ấy đã chi phối tư tưởng, học thuật, luân lý, chánh trị, phong tục của dân tộc ta. 
Trong các trào lưu tư tưởng của người Tàu tràn sang bên ta, có ảnh hưởng sâu xa đến dân tộc ta nhất là Nho giáo. Các sách làm gốc cho Nho giáo là Tứ thư và Ngũ kinh; các sách ấy vừa là kinh điển của các môn đồ đạo Nho, vừa là những tác phẩm văn chương tối cổ ở nước Tàu. Vậy ta phải xét những bộ sách ấy trước. Thoạt tiên xét về bộ Tự thư (bốn sách) gồm có Đại học, Trung dung, Luận ngữ và Mạnh Tử. 

Đại học, 
A) Cuốn nầy là sách của bậc “đại học” cốt dạy cái đạo của người quân tử. 
Sách chia làm hai phần: 
1) Phần trên gọi là kinh, chếp lời đức Khổng tử. (1) có I chương. 
-- 
(1) Khổng tử (551-479) , chính tên là Khưu, người nước Lỗ (nay thuộc tỉnh Sơn đông) trước làm quan Đại tư khấu, (coi việc hình ở nước Lỗ, sau được cất lên nhiếp tường sự. Sau vì vua Lỗ không muốn dùng ngài, ngài đi chu du các nước chư hầu (Vệ, Tống, Trần v.v. .. ) trong 14 năm, nhưng không ông vua nào biết dùng ngài. Ngài bèn trở về nước lỗ dạy học trò, san định các Kinh, làm sách Xuân Thu để bày tỏ cái đạo của Ngài. Tuy ngài không phải là người sánglập ra Nho giáo vì như ngài đã nói: “Thuật nhi bất tác, ngài chỉ thuật lại đạo giáo của cổ nhân mà không sáng tác ra gì, nhưngngài đã có công lớn đem cái đạo của thánh hiền thời thượng cổ mà phát huy ra và lập thành hệ thống để truyền cho đời sau; bởi thế ngài vẫn được coi là ông tổ của Nho giáo. 
-- 
2) Phần dưới, gọi là Truyện, là lời giảng giải của Tăng tử (2) là môn đệ của Khổng tử có 10 chương. 
Mục đích bậc đại học hay cái tôn chỉ của người quân tử, đã tóm ở câu đầu sách là: “Đại học chi đạo, tại minh chi đức, tại thân dân, tại chỉ ư chi thiện. 
Nghĩa là: Cái đạo của người theo bậc đại học là cốt làm sáng cái đức (đức tốt) của mình, cốt làm mới (ý nói cải hóa) người dân, cốt dừng lại ở cõi chí thiện. Vậy người quân tử trước phải sửa sang đức tính mình cho hay, rồi lo dạy người khác nên hay, và lấy sự chí thiện làm cứu cánh. 

C) Mục đích đã như vậy, phương pháp phải thế nào? Phải sửa mình trước (tu thân), rồi mới chỉnh đốn việc nhà (tề gia), cai trị việc nước (trị quốc) và làm cho cả thiên hạ được bình yên (bình thiên hạ). Cái phương pháp ấy là tuần tự mà tiến, tự mình đến người ngoài, mà điều cốt yếu nhất là việc sửa mình, nên trong Đại học có câu:”Tự thiên tử dĩ chí ư thứ dân, nhất thị giai dĩ tu thân vi bản, nghĩa là: Từ ông vua đến kẻ thường dân, ai nấy đều lấy việc sửa mình làm gốc. 
-- 
(2) Tăng tử: xem lời chú số (2) ở chương thứ hai. 
-- 
D) Nay muốn sửa mình, phải thực hành theo cách nào? 
Trước hết phải cách vật nghĩa là thấu lẽ mọi sự vật, rồi phải trí tri, nghĩa là biết cho đến cùng cực, thành ý: nghĩa là ý phải thành thực, chánh tâm, nghĩa là lòng phải cho ngay thẳng. Bốn điều ấy phải theo htứ tự kể trên mà tiến hành, có làm được điều trên mới làm được điều dưới. Làm được bốn điều áy thì thì sẽ tu được thân, rồi tề được nhà, trị được nước và bình được thiên hạ, mà làm trọn được cái đạo của người quân tử. 

Trung Dung. Cuốn này là gồm những lời tâm pháp của đứcKhổng tử do học trò ngài truyền lại, rồi sau Tử tư là cháu ngài chép thành sách, gồm có 33 chương. 
“Ông Tử Tư dẫn những lời của Khổng Phu tử đã giảng về đạo trung dung. Ngài nói rằng: Trung hòa là cái tính tình tự nhiên của trời đất, mà trung dung là cái đức hạnh của người ta. Trung là giữa, không lệch về bên nào: dung là thường, nghĩa là dùng đạo trung làm đạo thương (4). đạo trung dung thì ai ai cũng có thể theo được, thế mà không mấy người chịu theo. Khác nào như ai cũng ăn uống cả, nhưng ít người ăn mà biết rõ mùi vậy. Chỉ có thánh nhân mới theo được mà thôi, vì theo đạo ấy cốt phải có ba cái đạt đức là trí, nhân và dũng. Trí là để biết rõ các sự lý, nhân là để hiều điều lành mà làm, dũng là để có cái khí cường kiện mà theo làm điều lành cho đến cùng. 

“Ông Tử tư lại dẫn lời đứcKhổng Phu tử nói về chữ thành, “Thành là đạo Trời, học cho đến bậc thành là đạo người” Đạo người là phải cố gắng hết sức để cho đến bậc chí thành. Phải học cho rộng, xét hỏi cho kỹ, nghĩ ngợi cho sâu, biện biệt điều phải trái cho rõ, và dốc lòng làm điều thiện cho đến cùng. Hể ai làm được như thế thì rồi ngu thành sáng, yếu thành ra mạnh, tức là dần dần lên đến bậc chí thành. Ở trong thiên hạ duy có bậc chí thành tức là bậcthánh, thì mới biết rõ cái tính của Trời; biết rõ cái tính của trời thì biết rõ cái tình của người; biết rõ cái tình của người, thì biết được cái tính của vạn vật; biết rõ cái tính của ạn vật thì khả dĩ giúp được sự hóa dục của trời đất và có công ngang với trời đất vậy … 
-- 
(3) Tâm pháp (tâm: lòng; pháp: phép) là những điều đạo giáo thày trò dạy bảo truyền thụ cho nhau. 
(4) Trung dung là đạo người quân tử ăn ở đúng mực, không thái qua, không bất cập. chữ dung ở đây nghĩa là không thay đổi. 
(5) Trung dung XX. 
-- 
“Sách Trung dung nói cái đạo của thánh nhân căn bản ở Trời, rồi giải diễn ra hết mọi lẽ, khiến người ta phải giữ mình cho kính cẩn trong khi hành động và khi im lặng một mình. Suy cái lý ấy ra cho đến sự nhân nghĩa, để khiến cho thiên hạ được bình trị và lại tán dương cái công hiệu linh diệu của đạo ấy cho đến chỗ tinh thần vô thanh, vô sắc mới thôi. Thật là một quyển sách triết lý rất cao” (Trần Trọng Kim, Nho giáo, q1, tr.279-285) 

Luận ngữ. 

A) Luận ngữ (nghĩa đen là bàn nói) là cuốn sách chép các lời đức Khổng tử khuyên dạy học trò hoặc các câu chuyện ngài nói với những người đương thời về nhiều vấn đề (luân lý, triết lý, chánh trị, học thuật) do các môn đệ ngài sưu tập lại. 
Sách ấy chia làm hai quyển (thượng, hạ) gồm có 20 thiên (mỗi thiên lâý hai chữ đầu đặt tên). Các chương không có liên lạc thống hệ gì với nhau. 

B) Sách luận ngữ cho ta biết những điều gì? – Sách Luận ngữ có thể coi là cuốn sách dạy đạo người quân tử một cách thực tiễn và mô tả tình tình, cử chỉ, đức độ của đức Khổng tử như phác họa ra một cái mẫu mực hoạt động cho người đời sau theo. 

Xem sách ấy ta có thể biết được: 
1) Nhiều câu cách ngôn xác đáng về đạo người quân tử. 
2) Phẩm cách cao thượng (hồn hậu, thành thực, khiêm cung, khoái hoạt) của đức Khổng tử biểu lộ ra trong những chuyện ngài nói với học trò. 
3) Cảm tình phong phú và lòng ái mỹ của ngài. 
4) Khoa sư phạm của ngài. Trong các lời khuyên dạy chuyện trò với học trò, ngài tỏ ra là một ông thầy hiểu thấu tâm lý học trò và khéo làm cho lời dạy bảo của mình thích hợp với trình độ cảnh ngộ của mỗi người. có khi cùng là một câu hỏi mà ngài trả lời khác, tùy theo tư chất và chí hướng của từng người (Xem bài đọc thêm số 1) 

Mạnh tử. 

A) Đó là tên cuốn sách của Mạnh tử (6) viết ra. 
Sách gồm có 7 thiên. Các chương trong mỗi thiên thường có liên lạc với nhau và cùng bàn về một vấn đề. 

B) Tư tưởng của Mạnh tử . Xem sách ấy, ta có thể nhận được tư tưởng của mạnh tử về các vấn đề sau này: 
1) Về luân lý. a) Ông xướng lên cái thuyết tính thiện để đánh đổ cái thuyết của người đương thời (như Cáo Tử) cho rằng tính người không thiện không ác. Theo ý ông, thì thiên tính người ta vốn thiện, ví như tính nước vốn chảy xuống chỗ thấp; sở dĩ thành ác là vì làm trái thiên tính đi, ví như ngăn nước cho nó phải lên chỗ cao vậy (xem bài dọc thêm số 2). 
b) Tính người vốn thiện, nhưng vì tập quan, vì hoàn cảnh vì vật dục làm sai lạc đi, hư hỏng đi, vậy cần phải có giáo dục để muôi lấy lòng thiện, giữa lấy bản tính. Mấy điều cốt yếu trong việc giáo dục ấy là: dưỡng tính (giữ lấy thiện tính), tồn tâm (giữa lấy lòng lành), trì chí (cầm lấy chí hướng cho vững), dưỡng khí (nuôi lấy khí phách cho mạnh). 
-- 
(6) Mạnh Tử (372-289) tên là Kha, người đất Châu (nay thuộc tỉnh Sơn đông), ở về đời Chiến quốc, học trò Tử tư cháu đích tôn Khổng tử) Ông hiểu rõ đạo của Khổng tự, lại có tài hùng biện, thường đi du lịch các nước chư hầu (Tề, lương, Tống, đằng), muốn đem cái đạo của thánh nhân ra cứu đời, nhưng không được ông vua nào biết dùng. Sau lúc gần già thấy cái đạo ấy không thể thực hành được, ông về nhà dạy học trò và soạn ra sách Mạnh tử. Ông là người có công to nhất trong việc làm sáng tỏ đạo lý Nho giáo và bệnh vực đạo ấy để chống với các học thuyết khác về đời Chiến quốc, nên vẫn được coi là bậc á thánh (gần bậc thánh) 
-- 
c) Ông thường nói đến phẩm cách của người quân tử mà ông gọi là đại trượng phu hoặc đại nhân: bậc ấy phải có đủ bốn điêù là : nhân, nghĩa, lễ, và trí. 
2. Về chính trị. Ông nói bậc làm vua trị dân phải trọng nhân nghĩa chớ đừng trọng tài lợi thì mới tránh được sự biến loạn và việc chiến tranh (Xem bài đọc thêm số 3) 

2) Ông cũng lưu tâm đến vấn đề kinh tế lắm. Ông nói: Người ta có hằng sản, rồi mới có hằng tâm, nghĩa là người ta có của cải đủ sống một cách sung túc thì mới sinh ra có lòng tốt muốn làm điêù thiện. Vậy bổn phận kẻ bề trên làp hải trù tính sao cho tài sản củadân được phong phú rồi mới nghĩ đến điều dạy dân và bặt dân làm điều hay được. Ông lại chỉ các phương lược mà các bậc vua chúa phải theo để làm cho việc canh nông, mục súc, công nghệ của dân được phát đạt. 

C) Văn trừ trong sách Mạnh tử.Mạnh tử không những là một nhà tư tưởng lỗi lạc, lại là một vậc văn gia đại tài. Văn ông rất hùng hồn, và khúc triết: ông nói điều gì, cãi lẽ gì, thật là rạch ròi, góc cạnh. Ông hay nói thí dụ: muốn cho ai hiểu điều gì, muốn bắt ai chịu phục lẽ gì, ông thường dẫn các thí dụ mượn ở sự vật cho người ta dễ nhận xét. Ông lại hay dùng thể ngụ ngôn hoặc kể những câu chuyện ngắn để diễn đạt tư tưởng cho người nghe vui thích và dễ nhận cái thâm ý của ông (Xem bài đọc thêm số 4). 

Kết luận.
Bộ Tứ thư là bộ sách gồm những điều cốt yêu của Nho giáo, ai muốn hiểu rõ đạo giáo ấy tất phải nghiên cứu bộ ấy. Trong bộ ấy, có nhiều câu cách ngôn xác đáng, nhiều chân lý đương nhiên đáng để cho chúng ta, bất kỳ là người nước nào, ở thời đại nào, ngẫm nghĩ suy xét và rất có bổ ích về đường tinh thần, đức hạnh của ta vậy. 

CÁC BÀI ĐỌC THÊM 

1. Thế nào là hiếu? 
Mạnh Tử (7) hỏi thờ đáng thân thế nào gọi là hiếu? Đức Khổng nói rằng: “Thờ đấng thân mà không ngang trái là hiếu” 
Thầy Phàn Trì (8) ngự xe cho đức Khổng, đức Khổng bảo cho rằng: “Họ Mạnh tôn (8) hỏi ta điều hiếu ,ta thưa rằng: “Không ngang trái” Thầy Phàn Trì hỏi rằng: “Lời ấy là ý bảo thế nào?” Đức Khổng nói rằng: “Ta nói không ngang trái là không ngang trái với lẽ phải. Người con thờ đấng thân, khi đấng thân còn thì phụng dưỡng cho phải lễ; khi đấng thân mất thì tống táng cho phải lễ; khí tế đáng thân thì tế cho phải lễ” 
Mạnh Vũ Bá (9) hỏi điều hiêú. Đức Khổng nói rằng: “Cha mẹ chị chăm lo về tật bệnh người con” 
Thầy Tử Du (10) hỏi điều hiếu. Đức Khổng nói rằng: “đời nay chỉ bảo rằng nuôi được cha mẹ là hiếu. Nhưng suy đến loài hèn như khuyển mã, cũng còn nuôi nó cả. Nếu nuôi cha mẹ mà chẳng kính, thì có khác gì!” 
Tử Hạ (11) hỏi điều hiếu, Đức Khổng nói rằng: “Khi thờ cha mẹ, khó nhất là nét mặt hòa vui. Nếu kẻ đệ tử chỉ biết phục dịch làm thay việc khó nhọc cho phụ huynh, và có rượu cơm mời ngài xơi, những điều ấy có kể là hiếu đâu!” 
Luận ngữ (Thiên vi chính thứ hai, chương V – VIII) Nguyễn Hữu tiến và Nguyễn Đôn Phục dịch. Luận ngữ quốc văn giải thích (Đông kinh ấn quán, Hà Nội). 

2.- Cái thuyết “tính thiện” của Mạnh tử
Cáo tử (12) nói rằng: Tính người ta cũng như nước chảy quanh vậy; khơi sang phương đông thì chảy phương đông, khơi sang phương tây thì chảy phương tây; tính người không phân biệt thiện với bất thiên, cũng như nước không phân biệt phương đông với phương tây vậy”. 
Thầy Mạnh nói rằng: “Nước đành là không phân biệt phương đông phương tây, nhưng lại không phân biệt chỗ cao chỗ thấp đấy ư? Tính người ta vốn thiện, cũng như nước vốn chảy chỗ thấp; tính người ta không có người nào là chẳng thiện, nước không có nước nào là chẳng chảy chỗ thấp. Nay nước kia đập mà cho bắn lên, có thể khiến vọt qua tràn; ngăn mà cho đi ngược, có thể khiến tràn đến núi; ấy há phải cái nguyên tính của nước thế đâu, vì cái thế nó bị đập, bị ngăn thì nó mới thế vậy; người ta mà khá khiến làm điều bất thiện, vì cái tính nó bị vật dục che lấp cũng như nước bị người đập hay ngăn đi vậy. 
Mạnh tử (Thiên Cáo tử thượng, Chương 11) Nguyễn Hữu Tiến và Nguyễn Đôn Phục dịch. Mạnh tử uqốc văn giải thích (Trung Bắc tân văn Hà Nội xuất bản) 
-- 
(7) Mạnh Ý tử : quan đại phu nước Lỗ, họ Trọng tôn, tên là Hà Kỵ. 
(8) Phàn Trì: học trò 9ức Không, tên là Tu, Mạnh tôn: tức : Trọng Tôn. 
(9) Mạnh Vũ Bá: con Mạnh Ý tử, tên là Trệ. 
(10) Tử Du: học trò đứcKhông, họ Ngôn, tên là Yến. 
(11) Tử Hạ: học trò đức Khổng, họ là Bốc, tên là Thương 
(12) Cáo tử: người đồng thời với thâỳ Mạnh. 
-- 
3. Ông vua phải lấy nhân nghĩa làm đầu 
Thầy Mạnh yết kiến vua Huệ vương nước Lương. Vua hỏi: “cụ chẳng quản xa xôi nghìn dặm mà đến đây, chừng cũng có thuật gì làm lợi cho nước tôi chẳng?” 
Thầy Mạnh thưa: “Nhà vua hà tất phải nói đến lợi, chỉ nên nói nhân nghĩa mà thôi. Nếu vua lên mà nói rằng làm thế nào có lợi cho nước ta, thời các quan Đại phu cũng bắt chước mà nói rằng làm thế nào lợi cho nhà ta; kẻ trên người dưới giao nhau tranh lợi, thời nước nguy mất! Rồì thì có cái kẻ giết vua nước vạn thặng đó, tất là cái nhà thiên thặng; cái kẻ giết vua thiên thặng đó, tất là cái nhà bách thặng. Khi xưa đấng tiên vương chia đất: trong phần vạn, quan Công Khanh đã được phần thiên; trong hần thiên, quan Đại phu đã được phần bách; được thế cũng đã nhiêù lắm rồi, nếu lại cho nghĩa là hoãn mà bỏ lại sau, cho lợi là kíp mà xướng lên trước, thời cứ như cái lòng tham lợi ấy, không cướp được của nhau, không biết thế nào là đủ. Chửa thấy kẻ có nhân mà bỏ cha mẹ mình bao giờ; chửa thấy kẻ có nghĩa mà trễ nải việc vua mình bao giờ. Vua cũng chỉ nên nói nhân nghĩa mà thôi, hà tất phải nói đến lợi. !” 
Mạnh tử (Thiên Lương Huệ vương, thượng. Chương 1) Nguyễn Hữu Tiến và Nguyễn Đôn Phục dịch (Sách đã kể trước). 

4. Vợ chồng người nước Tề. 
Một người nước Tề cùng ở một nhà với hai vợ. Người ấy cứ ngày ngày đi đâu về cũng thấy no say. Người vợ cả hỏi đi ăn uống với ai, thì người ấy nói đi ăn uống rặt với những người sang giàu cả. Người vợ cả bảo người vợ lẽ rằng: “chồng ta đi đâu thì cũng ăn uống no say rồi mới về. Hỏi thì nói rằng: “Đi ăn uống với những người sang giàu hết cả. Thế mà ta chưa thấy ai là người sang trọng đến nhà ta. Ta sẽ dò xem chồng ta đi những đâu”. Ngày hôm sau, sáng dậy, người vợ cả lẻn đi theo chồng. Đi khắp mọi nơi, không thấy ai đứng nói chuyện với chồng mình. Sau thấy người chồng đi đến xóm đông, chỗ có người đang cải mả, xin những đồ người ta cúng lễ xong mà ăn, ăn chưa đủ, lại nghễnh lên trông xem có chỗ nào lại đi đến xin ăn nữa. Ấy là cái cách của người ấy làm cho được no say là thế. Người vợ cả nói với người vợ lẽ rằng: “Người chồng là người của ta trông cậy suốt đời, nay đê hạ như thế đấy”. Người vợ cả nói cái xấu xa của chồng với người vợ lẽ, rồi cả hai cùng khóc ở giữa sân. Người chồng về không biết, hớn hở đi từ ngoài vào, lên mặt với hai vợ. 
Cứ người quân tử xét ra, thì người cầu phú quý lợi đạt, mà thê thiếp không xấu hổ và khóc với nhau, là ít có vậy. 
Mạnh tử (Thiên Ly Lâu hạ, Chương XXXII) Lệ Thần Trần Trọng Kim dịch; Nho giáo quyển 1 (Trung Bắc tân văn Hà Nội) 

CÁC TÁC PHẨM KÊ ĐỂ KÊ CỨU 

1) Phan Kế Bính, Việt Hán văn khảo, Etudes sur la littérature sinoannamite, Hanoi. Editions du Trung Bắc tân văn 1930. 
2) Phạm Quỳnh, L’idéal du Sage dans la philosophie confucéenne (cái quan niệm người quân tử trong triết học đạo Khổng) avec traduction annamite. Nam phong tùng thư, Hanoi, Đông kinh ấn quán x.b.1928. 
3) Lệ Thần Trần Trọng Kim, Nho giáo, Quyển 1. Hanoi. Editions du Trung Bắc tân văn, 1930. 
4) Nguyễn Hữu Tiến, Học thuyết thầy Mạnh, N.P.t.XXXII. số 133 tr. 340-350.

Dương Quảng Hàm
(ktk sưu tầm)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét