Thứ Tư, 2 tháng 11, 2022

Canh Lậu Tử Kỳ 2 更漏子其二 Ôn Đình Quân (Vãn Đường) Từ


Ôn Đình Quân (溫庭筠, 812-870), vốn tên Kỳ (岐), tự Phi Khanh (飛卿); là nhà thơ, và là nhà làm từ thời Vãn Đường.

Ông là người đất Kỳ, phủ Thái Nguyên (nay là huyện Kỳ, tỉnh Sơn Tây), là cháu nội của Ôn Ngạn Bác, tể tướng triều Đường Cao Tông.

Ông thông minh, giỏi văn thơ, âm nhạc ; nhưng dung mạo xấu xí và có tính phóng đãng. Ông thường cùng bọn con em vô lại các nhà quý tộc ra vào nơi ca lâu, rượu chè, bài bạc, say đắm nữ sắc, vì thế bị các sĩ đại phu đương thời khinh rẻ, suốt đời không đỗ được tiến sĩ.

Có một thời, ông hay lui tới nhà quan tướng quốc Lệnh Hồ Đào (con Lệnh Hồ Sở), nhưng sau vì việc riêng, Hồ Đào đâm ra ghét ông.

Đến khi người ông quen là Từ Thương đi trấn giữ Tương Dương, ông được theo làm tuần quan, nhưng rồi vì bất đắc chí, ông xin thôi chức để sống đời phiêu lãng.

Mãi đến khi tuổi đã cao, đời vua Đường Tuyên Tông, ông mới nhận làm chức úy ở Phương Thành, rồi đổi sang huyện Tùy. Năm 866, ông được cử làm chủ thí, cuối cùng làm Quốc tử trợ giáo. Sau, ông lại bỏ chức, từ giã kinh thành Trường An, đi lưu lạc giang hồ cho đến khi mất.

Trước đây, người ta thường coi Lý Thương Ẩn và Ôn Đình Quân là hai nhà thơ cùng một phái, và gọi là “Ôn Lý”. Song, theo các nhà nghiên cứu văn học gần đây, thì gọi như thế có phần không chính xác, vì phong cách nghệ thuật của hai ông rất khác nhau. Về thành tựu thơ ca, Ôn Đình Quân còn kém xa Lý Thương Ẩn, vì thơ ông có phần “phù phiếm, nông cạn, thiếu những tình cảm chân thành”; nhưng nói về từ thì ông có nhiều bài rất đặc sắc. Từ của Ôn Đình Quân hiện còn hơn 70 bài trong Kim thuyên tập, nội dung hầu như đều viết về phụ nữ, về những mối sầu tương tư; và lấy màu sắc nồng đượm, lời lẽ hoa mỹ, tạo thành phong cách “thơm tho mềm mại, tràn ngập hương vị son phấn” của riêng ông. Phong cách này có ảnh hưởng đến các nhà làm từ đời sau, hình thành “Phái trong hoa” (Hoa gian phái) mà ông được tôn vinh là người đứng đầu.

Cho nên khi nói về từ đời Đường, học giả Nguyễn Hiến Lê cũng đã có lời khen ngợi từ của ông như sau:

Từ Ôn Đình Quân rất diễm lệ, lại sáng tác được nhiều điệu mới, ảnh hưởng đến đời sau rất nhiều. Ông đứng đầu trong nhóm từ gia có tác phẩm chép trong bộ “Hoa gian tập”. Ông chiếm một địa vị đặc biệt ở giữa cái thời thơ suy mà từ thịnh.

Tác phẩm của ông có Hán Nam chân cảo và Ác Lan tập, song đều tán lạc không còn nhiều.
(Phỏng theo Thi Viện)

Nguyên tác     Dịch âm

更漏子其二    Canh lậu tử kỳ 2


星斗稀 Tinh đẩu hy,
鐘鼓歇 Chung cổ yết,
簾外曉鶯殘月 Liêm ngoại hiểu oanh tàn nguyệt.
蘭露重 Lan lộ trọng,
柳風斜 Liễu phong tà,
滿庭堆落花 Mãn đình đôi lạc hoa.

虛閣上 Hư các thượng,
倚欗望 Ỷ lan vọng,
還似去年惆悵 Hoàn tự khứ niên trù trướng.
春欲暮 Xuân dục mộ,
思無窮 Tứ vô cùng,
舊歡如夢中 Cựu hoan như mộng trung.

Chú giải

堆 đôi: đổ đống, rất nhiều.
似 Tự: giống như.

Dịch từ

Canh lậu tử kỳ 2


Tinh tú thưa,
Chuông trống hết,
Ngoài rèm nguyệt tàn oanh hát.
Sương lan nặng,
Liễu gió lơi,
Đầy sân hoa rụng rơi.

Trên gác trống,
Tựa lan ngóng,
Giống hệt năm xưa buồn lắm.
Xuân muốn tắt,
Ý chưa cùng,
Thú xưa còn mơ mòng.


Bài từ thể phú tả một người mong tình-nhân nhưng hụt hẫng sau một bữa tiệc tàn, khách ra về hết.
Tiếp theo mối tình tuyệt vọng tả trong kỳ 1, chàng đãi tiệc. Sau khi tiệc tàn, khách về hết, chạnh nhớ người xưa, lại buồn bã… (Theo Ôn, người đãi tiệc vẫn là chính mình).

Câu 1, 2 & 3:
Tinh tú thưa; Chuông trống tắt; Ngoài rèm trăng lặn trễ. (Bữa tiệc đã tan lâu rồi). Oanh hót sớm.

Câu 4, 5 & 6:
Sương đọng trên lá lan; Gió đu đưa lá liễu; Hoa rụng đầy sân (Quang cảnh trở nên tiêu điều khi khách đã về hết).

Câu 7, 8 & 9:
Trên gác vắng; Tựa hoa lan ngóng; Giống hệt một đêm lẻ loi năm xưa, buồn lắm. (Nhớ kỷ niệm cũ).

Câu 10, 11 & 12:
Xuân muốn tắt; Mà ý thơ còn nhiều; Thú vui xưa vẫn còn trong mộng mơ. (Bây giờ anh đã già rồi; Nhưng ý thơ còn phong phú lắm; Cho nên cái thú vui mà anh mơ ước cùng em năm sưa vẫn còn âm ỷ trong đầu).

Con Cò
***

Canh Lậu Tử là một từ khúc thường mô tả tâm trạng của một người thất tình, nam hay nữ, nhớ người yêu, đêm trằn trọc, không ngủ được, suy nghĩ vẩn vơ.

Trong bài kỳ nhất và kỳ này, ÔC đều nói tới bữa tiệc đã tàn, mà BS không tìm thấy ẩn ý đó, nhờ ÔC giải thích giùm. BS thắc mắc thật, chứ chẳng phải đá giò lái đâu.

Kỳ này, BS nghĩ là nỗi lòng của một người đàn ông, nàng đi biền biệt, chàng nhớ mong, cả đêm không ngủ, cho tới gần sáng, sao đã thưa, trăng tà, chuông thu không và trống cầm canh đã ngừng, chim oanh sớm đã bắt đầu hót ngoài mành. Phong cảnh thật buồn: sương đọng nặng cành lan, gió tà thổi qua rặng liễu, hoa tàn rụng đầy sân. Trên gác vắng, chàng đứng tựa lan can, và nỗi buồn thì giống hệt nỗi buồn năm ngoái… Hoa rụng thành đống là xuân sắp tàn, nhưng tình ý trong lòng thì quá nhiều. Niềm vui ngày xưa chỉ còn trong giấc mộng.

Bài này không có chữ khó, đọc là hiểu ngay, chẳng biết có đúng ý tác giả hay chăng?

Canh Lậu Tử Kỳ Hai

Sao đã thưa,
Chuông trống tắt,
Ngoài rèm oanh ca, trăng lặn.
Sương lan nặng,
Gió liễu tà,
Khắp sân rụng đầy hoa.

Trên gác vắng,
Tựa hiên* ngắm,
Lại giống năm qua, buồn lắm.
Xuân muốn hết,
Ý còn đầy,
Vui xưa như mộng say.


*Lan là lan can, hàng hiên, BS dùng chữ hiên cho dễ hiểu.
Chuông thu không thì tắt rất sớm, lúc chập tối; trống cầm canh, ngược lại, sẽ còn suốt đêm mỗi canh giờ (5 canh)

Bác Sách
***
Canh Lậu Tử Kỳ 2.


Tinh tú thưa,
Chuông trống vắng,
Oanh hót cửa ngoài trăng lặn.
Lan sương nặng,
Liễu gió hòa,
Ngập sân rơi xác hoa.

Trên gác trống,
Tựa song vọng,
Hồi tưởng cảnh xưa sầu mộng.
Xuân muốn tận,
Ý còn say
Thú vui xưa mộng hoài


Mỹ Ngọc

July 1/2022
***
Hoài Cố Nhân

Sao thưa, chiêng trống bặt, trăng tà
Hoa rụng đầy sân, sương nhạt nhòa
Cành liễu gió lay, oanh hót sớm
Hiên lầu thơ thẩn một mình ta
Lung linh ký ức, xuân hồ muộn
Chưa dứt đường tơ, ý thiết tha
Xanh biếc mùa xưa còn luyến mãi
Chập chờn huyễn mộng bóng hình qua


Yên Nhiên
***
Mời nghe nhạc Canh Lậu Tử :

国乐大典 沙纤沵 古琴演奏《更漏子》
《更漏子》-北京电影学院大三联合动画短片《伴羽人》印象曲

Nguyên tác:

更漏子其二
溫庭筠
星斗稀
鐘鼓歇
簾外曉鶯殘月

蘭露重
柳風斜
滿庭堆落花

虛閣上
倚欗望
還似去年惆悵
春欲暮
思無窮
舊歡如夢中

Phiên âm:

Canh Lậu Tử Kỳ 2

Tinh đẩu hy
Chung cổ yết
Liêm ngoại hiểu oanh tàn nguyệt
Lan lộ trọng
Liễu phong tà
Mãn đình đôi lạc hoa

Hư các thượng
Ỷ lan vọng
Hoàn tự khứ niên trù trướng
Xuân dục mộ
Tứ vô cùng
Cựu hoan như mộng trung

Ôn Đình Quân

Dịch nghĩa:

Canh Dài Kỳ 2


Sao Bắc Đẩu mờ,
Chuông trống ngừng nghỉ,
Ngoài màn cửa trăng lặn oanh hót sớm.
Lan nặng trỉu trong sương,
Liễu nghiêng nghiêng trong gió
Hoa rụng chất đầy sân.

Gác trên trống rỗng
Tựa lan can nhìn xa,
Giống như năm xưa buồn bã.
Xuân muốn tàn sớm,
Ý chưa hết,
Vui xưa như trong mộng.


Vài sách có khắc bản bài từ này:

Hoa Am Từ Tuyển - Tống - Hoàng Thăng 花菴詞選-宋-黃昇
Hoa Thảo ? Biên - Minh - Trần Diệu Văn 花草稡編-明-陳耀文
Từ Tống - Thanh - Chu Di Tôn 詞綜-清-朱彝尊
Ngự Định Toàn Đường Thi - Thanh - Thánh Tổ Huyền Diệp 御定全唐詩-清-聖祖玄燁

Hai kiểu đồng hồ cổ xưa

Ghi chú:

Canh Lậu Tử 更漏子: một điệu từ gồm 46 chữ, chia làm 2 đoạn, đoạn trước có 2 vần trắc và 2 vần bằng, đoạn sau có 3 vần trắc và 2 vần bằng. Còn có tên gọi là Phó Kim Thoa, Độc Ỷ Lâu, Lật Thúy Tụ…Các tác phẩm tiêu biểu như Canh Lậu Tử - Liễu ti trường của Ôn Đình Quân", "Canh Lậu Tử - Chung cổ hàn của Vi Trang.

Các chữ trong câu phải có thanh bằng trắc như được ấn định trong từ phổ được chép lại trong bản bên dưới. Có thể có dị bản với số chữ và thanh vận khác hơn bên trên.

Canh lậu: để đo thời gian, người xưa sử dụng thùng đồng đựng nước, có dùi lủng một lỗ nhỏ để nước nhỏ ra từng giọt, nước đầy thì cái thẻ khắc giờ nổi lên, xem phân số nhiều ít thì biết được thì giờ đã trôi qua.

Tử: viết tắt chỉ bài hát.
Tinh đẩu: một vì sao có vận hành thất thường
Chung cổ: chuông và trống, nhạc cụ nghi lễ cổ xưa
Tàn nguyệt: mặt trăng sắp lặn
Ỷ lan: dựa vào lan can
Trù trướng: buồn bã thất vọng
Vô cùng: vô tận, vô hạn
Cựu hoan: niềm vui của quá khứ

Luật Thanh:

TBB
BTTv
TTBBBTv
BTT
TBBv
TBBTBv

BBTv
BBTv
TTBBTTv
TTT
TBBv
BBTTBv

Phiên âm:

Canh Lậu Tử Kỳ 2


Tinh đẩu hy
Chung cổ yết
Liêm ngoại hiểu oanh tàn nguyệt
Lan lộ trọng
Liễu phong tà
Mãn đình đôi lạc hoa

Hư các thượng
Ỷ lan vọng
Hoàn tự khứ niên trù trướng
Xuân dục mộ
Tứ vô cùng
Cựu hoan như mộng trung


Dịch từ:

Canh Dài Kỳ 2


Bắc Đẩu mờ,
Ngừng chuống trống.
Oanh hót líu lo trăng tà bóng,
Lan trỉu nặng.
Liễu la đà,
Đình tràn ngập xác hoa.

Sân thượng trống,
Tựa xa ngóng,
Buồn bã năm xưa chán sống,
Xuân tàn sớm
Ý không bờ,
Xưa vui trong mộng mơ.


Chú thích: B: thanh bằng không bắt buộc T: thanh trắc không bắt buộc
B: thanh bằng bắt buộc T: thanh trắc bắt buộc
Bv: thanh bằng vần Tv: thanh trắc vần

 Phí Minh Tâm



Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét