Trong những thập niên đầu thế kỷ XX, mặc dầu ngành khảo cổ học Việt Nam chưa được phát triển, trường Viễn Đông Bác Cổ cũng đã phát hiện nhiều di vật quan trọng liên quan đến văn hóa Óc Eo, đã làm sáng tỏ thêm về một nền văn hóa đã từng có một thời rực rỡ trên vùng đất Nam Kỳ, nhất là những khám phá của nhà khảo cổ học Louis Malleret đã khơi sáng hơn về sự phát triển và đặc trưng của nền văn hóa được phát triển đến cực độ bởi một vương quốc mang tên Phù Nam cũng là một tên gọi mơ hồ.
Không ai trong chúng ta, ngay cả những nhà cổ sử và các nhà khảo cổ học, có thể đoan chắc về xuất xứ của danh xưng nầy. Người ta chỉ đoán rằng từ “Phù Nam” chỉ là phiên âm theo tiếng “Phnom” của người Khmer, có nghĩa là “Núi”, chứ không chắc gì ngày trước vương quốc và cư dân trú ngụ trên mảnh đất nầy gọi vương quốc của họ là “Phù Nam”. Ngay cả cư dân trú ngụ trong vương quốc Phù Nam, chúng ta cũng không rõ họ thuộc sắc dân nào, họ từ đâu đến, họ có liên hệ gì đến người Khmer hiện tại, và văn hóa của họ có dính dáng gì đến văn hóa Angkor hay không?
Tất cả những vấn đề nầy vẫn còn là những quan tâm chánh cho công cuộc khảo sát và khai quật của các nhà khảo cổ học hiện nay. Hiện tại, các nhà khảo cổ vẫn đang tiếp tục khai quật và khảo sát những di chỉ tìm thấy trong khu vực vương quốc Phù Nam, nhất là trong những tỉnh thành thuộc miền đất Nam Kỳ. Riêng tại vùng đất Bình Dương, qua những tư liệu khảo cổ đã cho thấy vùng đất nầy có nền văn hóa cổ gắn liền với lịch sử phát triển của những cư dân cổ đã từng cư ngụ tại miền Đông Nam Phần.
Ngày nay, những phát hiện về di tích khảo cổ có giá trị cao tại vùng Cù Lao Rùa đã chứng minh được một thời vàng son của vùng đất nầy. Cù lao Rùa nằm trên dòng sông Đồng Nai, trong địa phận xã Thạnh Hội, huyện Tân Uyên. Những mảnh gốm sứ tại đây đa số có niên đại từ 3.000 đến 3.500 năm bao gồm nhiều chủng loại rất phong phú từ cà ràng, tô, chén, dĩa, chậu, nồi, lu, hủ, vân vân. Những mảnh gốm sứ thu nhặt được từ các hố khai quật lên đến 85.901 miếng, trong đó có 6.791 miếng được chôn theo mộ táng. Về chất liệu và màu sắc, những mảnh gốm sứ tại vùng Cù Lao Rùa gồm khoảng trên 14 phần trăm có màu đen với những chất liệu xốp và nhẹ, đa số đã bị cháy nám đen và hình thể đều bị méo mó. Loại kế tiếp có màu nâu đen, chiếm khoảng trên 57 phần trăm, loại nầy có tỷ lệ đất sét pha cát và một ít vỏ nhuyễn thể nghiền rất mịn có màu nâu đen, đây là chất liệu của những đồ gốm sứ gia dụng gồm những nồi, bình, và những vò (dùng để đựng nước) có kích thước trung bình.
Loại có màu xám đen chiếm tỷ lệ khoảng trên 8 phần trăm, loại nầy có tỷ lệ đất sét pha nhiều cát, nên khi được nung ở nhiệt độ cao nó có màu xám đen, đây là chất liệu của những đồ gốm sứ gia dụng gồm những dĩa và bát có chân cao và kích thước nhỏ. Loại màu nâu đỏ chiếm khoảng trên 11 phần trăm; loại màu đỏ chiếm khoảng 4,5 phần trăm; và loại màu xám trắng chiếm khoảng 5 phần trăm. Bộ sưu tập khảo cổ đồ gốm sứ tại Cù Lao Rùa rất đa dạng với những màu men tráng bên ngoài khác nhau. Đa số các nhà khảo cổ đều đồng ý rằng những bộ sưu tập gốm sứ khảo cổ tại vùng Bình Dương đều có tính thực dụng, chứ ít mang tính nghệ thuật hoa mỹ như những đồ gốm sứ tìm thấy ở Bắc Phần.
Những khám phá về khảo cổ đồ gốm sứ tại vùng Cù Lao Rùa đã cho thấy những cư dân bản địa tại vùng Bình Dương đã có khả năng sản xuất hàng loạt đồ gốm sứ với kỹ thuật khá cao cách nay trên 3.000 năm. Những mảnh gốm sứ khai quật được với tính đa dạng và phong phú về loại hình và phong cách trang trí trên đồ gốm sứ đã cho chúng ta thấy người xưa không những chỉ sản xuất cho nhu cầu địa phương, mà có lẽ đã dùng những gốm sứ nầy để trao đổi hàng hóa với những nơi khác, vì không thể nào chỉ một địa phương nhỏ như Cù Lao Rùa lại có sự sản xuất qui mô về gốm sứ như vậy.
Vào ngày 27 tháng 9 năm 1934, các nhà khảo cổ học người Pháp đã tìm ra được tại Bình Phú(47) một chiếc trống đồng, mang đặc điểm trống đồng Đông Sơn, có niên đại từ 2.000 đến 2.200 năm. Hiện trống đồng Bình Phú đang được lưu giữ tại Viện Bảo Tàng Hà Nội. Từ năm 1995 đến năm 2001, sau nhiều khai quật, các nhà khảo cổ học Việt Nam đã liên tục tìm ra 4 chiếc trống đồng nữa, với kích cỡ khác nhau tại vùng Bưng Sình, thuộc ấp Phú Bưng, xã Phú Chánh(48), huyện Tân Uyên. Người ta đặt tên cho bộ sưu tập nầy là ‘Trống Đồng Phú Chánh’, cũng như chiếc trống đồng tìm được ở Bình Phú vào năm 1934, tất cả những chiếc trống đồng Phú Chánh đều mang đặc điểm của trống đồng Đông Sơn, thuộc nhóm trống muộn. Đến tháng giêng năm 2006, các nhà khảo cổ học Việt Nam lại tìm ra thêm một chiếc trồng đồng nữa, gần khu Suối Cái, cũng tại khu Bưng Sình, ở độ sâu 1,5 mét.
Chiếc trống đồng nầy có đường kính trên bề mặt rộng khoảng 49 phân, bề cao khoảng 43 phân, nặng khoảng 14 kí lô, và cũng có kiểu dạng như những chiếc trồng đồng đã tìm ra được trước đây từ năm 1995 đến năm 2001; tuy nhiên, mặt và thân trống được trang trí hoa văn phức tạp hơn. Phần chính giữa mặt trống là mặt trời 10 tia, có một vành hoa văn hình 10 chim lạc đang bay ngược chiều kim đồng hồ. Kế đến là một vành hoa văn trang trí hình người chim, xen kẽ 4 mảng, với hình nhà thuyền đối xứng nhau, có nhiều lỗ vuông nhỏ nằm xen kẽ rải rác khắp thân trống. Như vậy, tính đến nay, Bình Dương đã tìm ra cả thảy 6 chiếc trống đồng, ngoài chiếc trống đồng Bình Phú ở Thủ Dầu Một, 5 chiếc còn lại đều tìm thấy ở Bưng Sình, trong một khu vực chỉ cách nhau từ 200 đến 300 mét mà thôi. Ngoài những trống đồng vừa kể trên, người ta cũng đã tìm thấy tại khu Bưng Sình một số di chỉ bằng gỗ, mà các nhà khảo cổ học đoán là dấu tích còn sót lại của vật bao khuôn đúc trống đồng.
Nếu đúng như vậy, thì cộng đồng cư dân cổ tại vùng Bình Dương đã phát triển cùng lúc với sự phát triển của những nền văn hóa nổi tiếng khác tại vùng Đông Nam Á. Và điều nầy cho thấy các cộng đồng cư dân cổ đã sinh sống rải rác khắp địa bàn tỉnh Bình Dương ngày nay, đương nhiên là họ có liên hệ với văn hóa Óc Eo ở miền Tây. Điều đáng nói ở đây là theo những di chỉ trống đồng đã khai quật được, cho thấy họ đã có những mối liên hệ với các cộng đồng khác ở những nơi rất xa như Sa Huỳnh hay Đông Sơn(49).
Truyền Thống Gốm Sứ Trên Vùng Đất Bình Dương:
Trong thập niên 1900, các nhà khảo cổ học người Pháp đã phát hiện tại vùng Cù Lao Rùa (nằm trên dòng sông Đồng Nai, trong địa phận xã Thạnh Hội, huyện Tân Uyên) những mảnh gốm sứ có niên đại từ 3.000 đến 3.500, gồm những nồi, bình, và những vò(50) có màu xám đen, những dĩa và bát có chân cao và kích thước nhỏ có màu nâu đỏ, cùng một số gốm sứ có màu men trắng khác. Đó là truyền thống gốm sứ của thời tiền sử đến thời sơ sử, có niên đại từ trước thời Óc Eo, ngay thời Óc Eo và sau thời Óc Eo ra. Tuy nhiên, không ai biết truyền thống gốm sứ thời cận đại ở vùng Bình Dương đã có từ thời nào, nhưng có lẽ từ cuối thế kỷ thứ XIX, sau khi vùng Cây Mai (Sài Gòn) bị đô thị hóa với những công trình xây cất lớn thì các lò gốm tại đó đã lần lượt chuyển tới các vùng Bình Dương, Lái Thiêu và Biên Hòa, vân vân. Ngày nay, gốm sứ Bình Dương đã rất nổi tiếng trên khắp Nam Kỳ, đặc biệt là gốm sứ vùng Lái Thiêu. Đặc trưng của gốm sứ Bình Dương là sự kết hợp hài hòa giữa phong cách Việt Nam và Trung Hoa. Tuy nhiên, gốm sứ Bình Dương nặng phần trang trí hoa văn chung quanh sản phẩm với những nét vẽ chìm hoặc trổ thủng, rồi sau đó tô men lên. Đa số sản phẩm gốm sứ Bình Dương bao gồm chén, dĩa, tô, ấm, bình trà, chậu bông, chân đèn, lu, hũ, chai, lọ, đôn có hình voi, tượng voi, tượng lân, và tượng người, vân vân.
Tại thị trấn Tân Phước Khánh(51), thuộc huyện Tân Uyên, có nhiều ấp vẫn còn làm đồ gốm sứ như ấp Khánh Ngọc, Khánh Lợi, Bình Hòa và Khánh Thạnh, vân vân. Theo các bô lão địa phương kể lại thì khoảng thế kỷ thứ XIX, trong vùng đã có vài lò gốm người Minh Hương hoạt động rất mạnh.
Đến đầu năm 1930, xã Tân Khánh đã có 10 lò gốm lớn. Nguyên liệu làm đồ gốm sứ ở Bình Dương rất phong phú, người ta lấy đất Kaolin ở vùng Bến cát, Thuận Giao, và Tân Uyên, lấy cát ở Bình Quới (52), còn các loại đất sét (vàng, trắng, đỏ) thì hầu như chỗ nào trong tỉnh Bình Dương cũng có. Sau khi đem đất sét về, người ta bẻ nhỏ đất ra rồi cho vào chậu ngâm nước, trong khi ngâm đất người ta luôn khuấy đất cho đều lên để lọc bớt cát và những tạp chất khác ra. Trước đây, người ta dùng củi khô làm nhiên liệu để nung gốm(53); tuy nhiên, ngày nay người ta không còn nung gốm theo phương cách cổ truyền nữa, mà chuyển sang dùng lò gas theo kiểu sản xuất công nghiệp hàng loạt. Giữa Lái Thiêu và Thủ Dầu Một là một dãy những lò gốm nằm trong xã Hưng Định.
Đây là một trong những vùng kinh rạch chằng chịt nhất của vùng đất Bình Dương, với con sông Búng(54) chảy qua địa phận xã, đủ cung cấp đất sét làm gốm cho toàn khu vực. Chính vì vậy mà làng gốm Hưng Định đã sớm nổi tiếng trong suốt từ những thế kỷ XIX đến thế kỷ thứ XX. Theo các bô lão địa phương thì ngay từ thế kỷ thứ XVII đã có lưu dân Việt Nam đến đây khai hoang lập ấp, nhưng theo Gia Định Thành Thông Chí của Trịnh Hoài Đức thì mãi đến thế kỷ thứ XVIII mới có cư dân đến đây lập nghiệp, và đến đầu thế kỷ thứ XIX, Hưng Định mới được triều đình Huế cho phép lập làng. Ngày nay, xã Hưng Định gồm 3 ấp: Hưng Phước, Hưng Thọ và Hưng Lộc. Tuy nhiên, các lò gốm chỉ tập trung nhiều trong ấp Hưng Lộc. Nổi tiếng nhất là khu lò gốm Chòm Sao(55), do những người Triều Châu xây dựng lên. Lúc đầu lò Chòm Sao chuyên sản xuất chén và dĩa tráng men trắng có hình rồng phượng, hình bông cúc, và hình con gà rất đẹp. Về sau, người Hẹ cũng tới lập lò ở Hưng Lộc, họ chuyên chế tác các loại khạp(56), chậu bông, lư hương, và tượng những con thú. Trước năm 1975, một số lò gốm từ Sài Gòn dời về vùng Thạnh Hòa và hoạt động rất mạnh tại đây cho tới ngày nay.
Bình Dương Thời Việt Nam Cộng Hòa (1955-1975):
Tưởng cũng nên nhắc lại, từ buổi đầu của cuộc Nam Tiến cho đến khi quan Chưởng Cơ Lễ Thành Hầu Nguyễn Hữu Cảnh vào vùng đất Đồng Nai để thành lập phủ Gia Định, thì toàn vùng chỉ gồm có hai huyện: Phước Long(57) và Tân Bình(58).Rồi sau đó, vào năm 1808, vua Gia Long cho nâng Phước Long lên làm phủ với 4 huyện Bình An, Phước Chánh, Long Thành và Phước An; thì Tân Bình cũng được nâng lên làm phủ với 4 huyện Bình Dương, Tân Long, Thuận An và Phước Lộc. Hai phủ Phước Long và Tân Bình về sau nầy trở thành Biên Trấn và Phiên Trấn của Thành Gia Định.
Ngày nay, mỗi khi nhắc đến cái tên Bình Dương là chúng ta liên tưởng ngay đến tổng Bình Dương, hoặc huyện Bình Dương, thuộc phủ Tân Bình của Phiên Trấn. Sau khi thu hồi độc lập vào năm 1955, đến tháng 8 năm 1957, tỉnh Bình Dương được chính thức thành lập, trên địa bàn tỉnh Thủ Dầu Một trước đây. Tuy nhiên, tỉnh Bình Dương mà chúng ta đang nói đây không phải nằm trên vùng đất ấy. Người ta chỉ tình cờ lấy cái tên Bình Dương mà đặt cho tỉnh mới nầy mà thôi. Về sau chánh phủ VNCH đã tách quận Hớn Quản ra để thành lập tỉnh Bình Long, và tách quận Bù Đốp cho sáp nhập vào phần đất phía bắc của Biên Hòa để thành lập tỉnh Phước Long. Sau đó, 14 xã thuộc quận Củ Chi lại được sáp nhập vào tỉnh Bình Dương mới nầy. Đến ngày 15 tháng 10 năm 1963, tỉnh Bình Dương lại tách 6 xã của huyện Củ Chi để cho sáp nhập vào tỉnh Hậu Nghĩa, mới được thành lập(59).
Tháng 7 năm 1965, quận Phú Giáo, có diện tích 582,4 cây số vuông, được sáp nhập vào tỉnh Bình Dương. Như vậy, tính đến tháng 7 năm 1965, tỉnh Bình Dương có tổng diện tích khoảng 2.031 cây số vuông, gồm 6 quận: Châu Thành (171 cây số vuông), Bến Cát (616,8 cây số vuông), Lái Thiêu (68,1 cây số vuông), Phú Hòa (237 cây số vuông), Trị Tâm (376,1 cây số vuông), và Phú Giáo (562,4 cây số vuông). Sau năm 1975, chánh quyền mới cho sáp nhập vùng Bình Dương và một số vùng phía bắc Biên Hòa để thành lập tỉnh Sông Bé, nhưng đến năm 1997, họ lại tái lập tỉnh Bình Dương.
Địa Danh Thủ Dầu Một:
Có nhiều giả thuyết về nguồn gốc địa danh Thủ Dầu Một, có người cho rằng địa danh nầy xuất phát từ tiếng Khmer. Trong ‘Việt Nam Từ Điển,’ xuất bản tại Sài Gòn vào năm 1970, hai ông Lê văn Đức và Lê Ngọc Trụ đã đưa ra giả thuyết cho rằng địa danh Thủ Dầu Một đọc trại từ tiếng Khmer ‘Thun Doán Bôth’, có nghĩa là ‘Gò có Đỉnh Cao Nhất’, mà thật vậy, lỵ sở Thủ Dầu Một nằm trên ngọn đồi ven sông Sài Gòn. Trong ‘Từ Điển Tiếng Việt Miền Nam’, xuất bản tại Sài Gòn năm 1997, nơi trang 645, Vương Hồng Sển cho rằng người Campuchia gọi vùng Thủ Dầu Một là ‘Chhoeutal Muey Doem’, trong đó Chhoeutal có nghĩa là gỗ dầu, Muey có nghĩa là một, và Doem có nghĩa là cây, và từ ‘Chhoeutal Muey Doem’ có nghĩa là Cây Dầu Một.
Đa số đều đồng ý có lẽ người xưa đã dùng tên thảo mộc để đặt thành địa danh như vẫn thường thấy ở nước ta. Có lẽ địa danh Thủ Dầu Một đã xuất hiện từ lâu lắm, nhưng không thấy sách địa chí nào của xứ Đàng Trong ghi lại, ngoại trừ bộ Đại Nam Nhất Thống Chí, vào năm 1838 đã viết về sự liên hệ giữa địa danh Phú Cường và Thủ Dầu Một như sau: “Chợ Phú Cường ở thôn Phú Cường, huyện Bình An, tục danh là chợ Dầu Một.” Như vậy, địa danh Thủ Dầu Một có lẽ xuất hiện trước năm 1838, là tên dân gian của Phú Cường. Có thể vào năm 1808, tổng Bình An được vua Gia Long cho nâng lên làm huyện và cho xây đồn binh để phòng thủ ở vùng Dầu Miệt, mà từ đó dân gian mới gọi tên đồn là đồn Thủ Dầu Miệt, về sau đọc trại thành Thủ Dầu Một.
Dầu chỉ mới xuất hiện chưa đầy một thế kỷ, nhưng cái tên Thủ Dầu Một đã nổi tiếng khắp nơi, kể cả trong và ngoài nước. Thủ Dầu Một được người Pháp biết đến như là xứ của gỗ và cao su. Ngoài ra, mỗi khi nhắc đến Thủ Dầu Một, người miền Nam luôn liên tưởng đến những vườn cây ăn trái xanh um của miệt vườn miền Đông, như sầu riêng, măng cụt, mãng cầu, chôm chôm... của các vùng Búng và Lái Thiêu.
Về phía Tây như các vùng Dầu Tiếng và Bến Cát là những vùng đất đỏ rất thích hợp cho việc trồng cây cao su, cà phê, trà, cây va ni, và thầu dầu. Tuy nhiên, những vùng phía nam tỉnh Bình Dương lại rất nổi tiếng về các vườn cây ăn trái, như các vùng Lái Thiêu và Dĩ An, vân vân. Tuy là vùng đất cao và thích hợp cho việc trồng cao su, cà phê, trà, và mía, Thủ Dầu Một cũng trồng được một số lúa khả quan, nhưng không đủ cung cấp cho dân trong tỉnh nên phải nhập lúa từ các tỉnh khác như Gia Định và Long An...
Từ hàng trăm năm nay Lái Thiêu đã nổi tiếng với tổng số diện tích trồng cây là 1.250 héc ta với cây trái quanh năm bốn mùa, đặc biệt là từ tháng năm đến tháng tám, các vườn cây trái chín rộ, với những loại trái cây đặc sắc như sầu riêng, chôm chôm, măng cụt, vú sữa, mít tố nữ... từ tháng 5 đến tháng 8 là mùa trái cây chín rộ nên đi đâu đến đâu chúng ta cũng nghe thoang thoảng một mùi thơm thật dễ chịu. Từ Sài Gòn đến Thủ Dầu Một chỉ cách nhau khoảng 30 cây số, nhưng trên đường đi từ Thủ Đức, lên Dĩ An, và Lái Thiêu lại có nhiều vườn cây ăn trái, nổi tiếng nhất là những khu vườn ở Lái Thiêu, với tổng diện tích khoảng 1.230 mẫu tây, với những vườn cây măng cụt, sầu riêng, chôm chôm, vú sữa, mít tố nữ, mận, xoài, bòn bon rất ngon.
Vào thời Pháp thuộc, Thủ Dầu Một có trại giam tù chánh trị rất nổi tiếng về khắc nghiệt, đó là trại “Ông Yệm” chính vì vậy mà dân gian Nam Kỳ thời đó và mãi cho đến sau này mỗi khi nghe đến hai chữ “Ông Yệm” ai cũng le lưỡi lắc đầu. Nơi đây thực dân Pháp bắt các tù phạm phải làm lao động khổ sai ở những khu rừng cao su lân cận. Về sau này cũng như đến thời đệ nhất Cộng Hòa thì trại này dùng để giam giữ những người phạm pháp vị thành niên và thanh thiếu niên vô nghề nghiệp hay vô thừa nhận. Thời Pháp thuộc, người Pháp đã mở ra một trường dạy nghề cẩn ốc xa cừ và chạm trổ trên gỗ. Theo thống kê năm 1920 của người Pháp thì dân số trong tỉnh Thủ Dầu Một là 128.000 người, đa số là người Việt, kế đến là người Khmer và người Thượng làm công cho các đồn điền cao su. Ngoài ra, những năm đầu thế kỷ 20 có một số người Nam Dương nghèo khổ đến Thủ dầu Một làm thợ cho các đồn điền cao su.
Người Long Hồ
Anaheim ngày 3 tháng 8 năm 2011
Copyright © 2012 by Ngoc Tran. All rights reserved.
Nhấp vào Links:
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét