Thứ Hai, 18 tháng 6, 2018

Đất Phương Nam I - Từ Vùng Đất Biên Đến Tỉnh Biên Hòa-Đồng Nai (Phần 5)

(Chợ Biên Hòa xưa)
Danh Lam Thắng Cảnh Biên Hòa: 

Từ ngã ba Tân Phong theo lộ 56 đi khoảng 10 cây số, tức là về phía Tây tỉnh lộ số 2 từ Long Khánh đi Bà Rịa, cách Biên Hòa khoảng 80 cây số, trên cao độ khoảng 250 mét, có ngôi cổ mộ Hàng Gòn, là ngôi mộ đã có cách đây trên 2.500 năm, do một người Pháp tên Bouchot tìm ra vào năm 1927 khi họ mở đường tỉnh lộ nối Long Khánh và Bà Rịa, chứng tỏ nơi này đã từng có một nền văn minh cổ đại. Kiến trúc toàn mộ gồm hai hàng trụ bao quanh hầm mộ, có 10 trụ đá cao từ 2.5 đến 3 mét. Hầm mộ có dạng hình hộp dài 4.2 mét, ngang 2.7 mét và cao trên 1.6 mét. Đặc biệt là toàn ngôi mộ được ghép lại bởi những tấm đá hoa cương nặng hàng tấn, riêng tổng sức nặng trên nắp mộ có hơn 10 tấn. Đây là ngôi mộ cổ và quy mô nhất được tìm thấy trong vùng đồng bằng miền Nam. 

Tại vùng Hố Nai Biên Hòa hiện nay có Chợ Sặt, là ngôi chợ chính của toàn vùng. Dân Hố Nai hầu hết là người Bắc di cư vào năm 1954, đa số là thợ mộc có tay nghề rất cao, và hầu hết theo đạo Thiên Chúa. Biên Hòa còn là một khu công nghệ nặng và nhẹ cho cả nước với những mặt hàng được biết đến khắp nơi như vật dụng bằng cao su, vải sồ, gạch ngói, vân vân. Ngoài ra, Biên Hòa còn nổi tiếng về trái cây như cam, quít, đặc biệt là bưởi Thanh Trà. Hiện nay, tại Biên Hòa có cả một khu sinh thái nhà vườn mà trung tâm là làng bưởi Tân Triều, với những khu vườn bưởi xum xuê.

Về thắng cảnh, dầu đã được phát triển về mặt kỹ nghệ ngay từ thời Pháp thuộc, Biên Hòa vẫn còn là một trong những vùng thiên nhiên kỳ thú nhất của miền Nam. Cách Biên Hòa khoảng 6 cây số là khu núi Bửu Long, có Hồ Long Ẩn, đây là hồ nhân tạo được thành hình sau một thời kỳ gần trăm năm khai thác đá. Hồ rộng trên mười mẫu tây, với những vách đá soi bóng trên mặt nước tạo cho cảnh trí hồ một mỹ quan thật đặc sắc. Từ trên nhìn xuống, hồ trông giống như vịnh Hạ Long thu nhỏ. Ngay giữa lòng hồ là một khu ốc đảo cao hơn 35 mét, nơi trú ngụ của hàng ngàn loài chim quý hiếm. Bên cạnh hồ là hai ngọn núi thấp, trên núi Bửu Long có ngôi chùa cổ Bửu Phong nổi tiếng nằm thấp thoáng sau cây bồ đề đại thụ. Bên ngọn núi kia có hang Sơn Thạch Động có hình dạng giống như hàm ếch với nhiều nhũ thạch rủ xuống trông đẹp không kém gì Thạch Động ở Hà Tiên. Đi xa hơn về phía Trị An, cách Biên Hòa khoảng 30 cây số có hồ Trị An, trong hồ có rất nhiều đảo nhỏ. Ngoài vẻ đẹp tự nhiên, vùng đảo Ó trong hồ Trị An còn là một vùng với môi trường thiên nhiên trong lành. Đi xa hơn chút nữa, cách Biên Hòa chừng 50 cây số có thác Trị An, trên đó Chánh phủ VNCH xây đập và nhà máy phát điện vào đầu thập niên 60. Thác cao 8 mét, rộng hơn 30 mét. Tuy không hùng vĩ như những thác khác trên cao nguyên Đà Lạt, nhưng tại vùng này thì thác Trị An là một thắng cảnh có vẻ đẹp thiên nhiên, có những tảng đá lớn nằm rải rác giữa sông với dòng nước cuồn cuộn ngày đêm.

Từ Sài Sòn người ta đi theo quốc lộ số 1, rẽ phải theo tỉnh lộ 763, qua bến phà Cát Lái, đi thêm vài cây số là tới vùng giồng Ông Đông, bên kia giồng là cù lao Đại Phước, có hình số ‘8’ rất lý thú. Đây là giao điểm giữa hai sông Đồng Nai và Nhà Bè. Kỳ thật sông Nhà Bè cũng chính là sông Đồng Nai chảy qua địa phận quận Nhà Bè. Sau năm 1975, người ta biến khu nầy thành khu du lịch Bò Cạp Vàng, có lẽ vì nơi đây có trồng nhiều loại cây Bò cạp vàng, một loài hoa có mùi thơm thoang thoảng dễ chịu. Trên cù lao có nhiều nhà sàn, du thuyền, xe đạp nước và thuyền máy dưới nước kiểu giống như xe hơi dưới nước. Những ngày cuối tuần du khách từ Sài Gòn thường đến đây cắm trại dưới những khóm hoa ‘bò cạp vàng’. Nếu tiếp tục theo quốc lộ số 1 đến Biên Hòa, người ta sẽ thấy cả một khu vườn bưởi san sát nhau, mà trung tâm là làng bưởi Tân Triều. Vùng nầy đa số các chủ vườn đều biến cải ngôi vườn nhà của mình thành một nơi mà du khách có thể vừa nghỉ mát vừa có thể thưởng thức những món ăn rất đặc sắc của Biên Hòa. Thường mùa thâu hoạch bưởi là từ tháng 8 đến tháng 12, tuy nhiên, những tháng khác trong năm vùng nầy vẫn đủ khả năng cung cấp bưởi cho du khách. Tuy không có núi cao như các tỉnh vùng cao nguyên Trung phần, nhưng từ khi vùng Định Quán được sáp nhập vào Biên Hòa, vùng nầy cũng có một số đồi thấp rất đẹp.

Từ Biên Hòa, theo quốc lộ số 1, qua khỏi Trảng Bom, rẽ trái vào quốc lộ 20 đi Gia Kiệm, Định Quán và Tân Phú. Trong huyện Định Quán có khu ‘Thác Mai’ mà ngày nay người ta đã biến nó thành khu du lịch ‘Thác Mai’. Muốn đi vào khu du lịch nầy người ta phải đi qua một khu rừng nguyên sinh với cả một cảnh trí tuyệt đẹp. Tại đây người ta có thể tìm thấy trên 240 loại chim như trĩ, công, sếu, gà lôi, kéc, le le, cu trắng, cu đen, và rất nhiều các loại cò, nhất là các loại chim quí hiếm như cò quắm xanh và trĩ lông đỏ. Kỳ thật ‘Thác Mai’ chỉ là một đoạn của sông La Ngà bị những tảng đá lớn chắn ngang dòng sông nên dân địa phương gọi nó là thác. Vào mùa hè, dân địa phương thường đến đây nghỉ ngơi và tắm mát trên dòng ‘Thác Mai’ nầy rất đông. 
Từ Ngã Ba Dầu Giây rẽ phải theo quốc lộ 20 về hướng Đông Bắc đi Đà Lạt, cách Biên Hòa khoảng 50 cây số, là vùng Đá Chồng, nơi hãy còn rất nhiều di tích văn hóa Phù Nam. Với ba hòn đá nằm chồng lên nhau ở độ cao 36 mét so với mặt lộ. Hòn dưới cùng lớn gấp hai hòn trên, hòn trên cùng nằm ở vị thế chênh chông chìa ra ngoài quá phân nửa như muốn đổ nhào bất cứ lúc nào, thế nhưng đã từ bao đời nay ba hòn đá ấy vẫn trơ gan cùng tuế nguyệt. Đây là một trong những thắng cảnh của vùng Biên Hòa, nay thuộc tỉnh Đồng Nai. Về phía Tây Bắc của Hòn Đá Chồng là Hòn Dìa, là một hòn đá thật to hình chữ nhật không đều, một đầu to một đầu nhỏ, tuy nhiên nó lại nằm trên một hòn đá khác nhỏ hơn nó rất nhiều lần, nằm cao hơn mặt lộ khoảng 43 mét. Về phía Tây Nam của Hòn Đá Chồng là núi Bạch Tượng hay núi Đá Vôi, núi có hình hai con voi trắng nằm cạnh nhau. Trên đỉnh là hòn Voi Đực có tượng Đức Phật Thích Ca khổng lồ, nhìn về hướng Đông. dưới chân là hang Bạch Hổ và hòn Voi Cái. Từ Hang Bạch Hổ người ta có thể theo một hành lang nhân tạo để đi thẳng lên tới đỉnh hòn Voi Đực. Ngoài ra, gần Hòn Đá Chồng còn có Hang Dơi, chỉ cao khoảng hơn 100 mét, nhưng đường lên hang rất trơn trợt khó đi. Bên trong hang trời tối đen như mực, nên thường thì du khách phải nhờ dân địa phương dẫn đường vì họ biết rõ những con đường vào hang. Từ Biên Hòa đi về phía Long Thành, cách Sài Gòn khoảng 70 cây số có Thác Đá Hàn, với dòng nước từ trên cao đổ ầm ầm xuống, tạo ra một vùng bọt trắng xóa giữa cảnh trời mây tuyệt đẹp. Hai bên suối xanh um bởi những hàng cây, ruộng lúa và vườn tược. Dưới lòng suối là những tảng đá nằm ngổn ngang làm cản trở dòng nước đang chảy mạnh và tạo ra cả một vùng bọt nước trắng xóa. 
Mộ Cổ Hàng Gòn -Biên Hòa

Về phía Bắc của vùng Tân Phú là khu vườn quốc gia ‘Nam Cát Tiên’. Đây là một trong những khu rừng nguyên sinh nhiệt đới có thực vật và động vật phong phú nhất của Việt Nam. Khu rừng nầy có tổng diện tích khoảng 74 ngàn mẫu tây đất, trong đó có ‘Thác Trời’ và ‘Bàu Sấu’, trong bàu có rất nhiều các loài cá quí hiếm, đặc biệt nhất là các loại sấu nước ngọt. Bên bờ Bàu Sấu là nơi hội tụ của đủ các loại chim cò như công, trĩ, sếu, gà lôi, le le, cu, và đủ các loại cò. Nơi đây ngày nay vẫn còn những đàn voi, đàn nai và bò rừng sống tập thể không khác những khu rừng bên Phi châu. Tuy nhiên, sau năm 2008, các nhà vạn vật học đang quan ngại là những loại thú rừng vừa kể đã bị săn bắt gần hết, đến nỗi ngày nay ai mà tình cờ tìm thấy một chú thú rừng được xem là một cơ may rất hiếm hoi. Riêng về thực vật, khu vườn Nam Cát Tiên có trên 600 loại, hơn 100 loại cây quí, và hàng trăm loại cây thuốc rất quí. Đây cũng là lãnh địa của những loài phong lan với hơn 60 loại khác nhau. Người ta cũng phát giác trong khu rừng Nam Cát Tiên một vài chú tê giác một sừng chủng loại Java, có lẽ đây là một trong những con tê giác Java cuối cùng còn sót lại ở Việt Nam.

Cây Trái Vùng Đồng Nai-Biên Hòa: 


Trên mười ngàn năm nay, vùng này được bồi đắp bởi phù sa đất đỏ của sông Đồng Nai lên vùng nham thạch cổ của một vùng núi lửa đã ngưng hoạt động từ lâu. Đây tuy không phải là vùng bạt ngàn những rừng cao su và những núi đồi ngút ngàn, nhưng vùng nầy cũng có những dòng sông ngắn với đỏ ngầu phù sa, và đất đỏ bụi mù về mùa nắng, nhưng lầy lội về mùa mưa. Vùng Đồng Nai-Biên Hòa là vùng đất tiếp giáp giữa miền Nam cao nguyên Trung Phần và Nam Phần. Toàn vùng phía Bắc và Đông Bắc của vùng Đồng Nai-Biên Hòa có loại đất đen và đất đỏ với độ màu mỡ cao, rất thích hợp cho các loại cây công nghiệp như cao su, trà, cà phê và hạt tiêu...

Càng về phía Nam, địa hình đất đai càng trở nên thấp dần với những đồi núi thấp và phần lớn đất đai của vùng nầy được bồi đắp bởi lớp phù sa cổ có màu đỏ vàng và xám. Dọc theo các bờ sông thế đất nầy trũng dần giữa các nhánh sông và tạo thành từng dãy đất hẹp có chiều rộng thay đổi từ vài chục mét đến vài cây số. Về phía Nam của vùng Biên Hòa như các vùng Long Thành và Nhơn Trạch... là vùng trũng nằm trên trầm tích đầm lầy của vùng biển cổ, có nơi thấp hơn cả mực nước biển trung bình. Đất ở đây có màu bùn đen, đây là loại đất thích hợp cho việc trồng các loại cây như đậu, mè, và cây hạt điều... Riêng đất đai về phía Nam, dọc theo các bờ sông Mã Đà, Sà Mách, Đồng Nai và La Ngà thuộc vùng phù sa mới, đất cát... rất thích hợp cho việc trồng các loại cây lương thực, rau quả và các cây hoa màu khác. Chính nhờ vậy mà từ xưa đến nay vùng Đồng Nai-Biên Hòa rất nổi tiếng về các loại cây trái, đặc biệt là bưởi, mận, mít tố nữ, vân vân. Cách trung tâm Sài Gòn chỉ khoảng chừng 40 cây số có một làng nổi tiếng về bưởi từ hàng thế kỷ nay, đó là làng Tân Triều. Tại đây người ta có thể tìm thấy đủ thứ các loại bưởi như bưởi đường cam, bưởi thanh, bười ổi, bưởi xiêm, bưởi chua, bưởi bà Vân, bưởi long, vân vân. Theo các bô lão địa phương kể lại thì sau khi người Pháp chiếm Nam Kỳ, giáo xứ Tân Triều được thành lập, cha xứ đã mang hai cây bưởi ổi từ Ba Tây về đây trồng trong khuôn viên nhà thờ. Bưởi vừa ngon vừa sai trái nên dân làng đã xin chiết nhánh đem về trồng ở nhà. Ít lâu sau tiếng tăm bưởi Tân Triều được biết khắp vùng và lan tới các vùng Sài Gòn-Chợ Lớn. Ngày nay bưởi Tân Triều đã trở thành đặc sản của Biên Hòa và hầu như dân miền Nam ai cũng biết đến tiếng tăm của làng bưởi Tân Triều. Trước năm 1975, bắt đầu từ tháng 10 đến tháng 12, dân Sài Gòn thường về đây nghỉ ngơi để thưởng thức vị ngon của bưởi Tân Triều. Tại xã An Phước, huyện Long Thành có một loại mận rất nổi tiếng, đó là mận roi. Đây là loại mận có nguồn gốc từ Thái Lan, trái dài và lớn, vỏ màu tím đỏ có sọc trắng mờ, không có hạt, ăn rất ngon.


Sau năm 1975, cư dân vùng đồng bằng sông Cửu Long đã lên An Phước chiết nhánh về trồng tại địa phương mình, nhưng trái cho ra không ngon bằng cây mận trồng tại An Phước. Nói tới Đồng Nai-Biên Hòa mà không nói tới mít Tố Nữ quả là một thiếu sót. Việt Nam, nhất là vùng Nam Bộ thì có nhiều loại mít, nhưng phải nói không có loại mít nào qua được mít Tố Nữ. Mít Tố Nữ có nguồn gốc từ Thái Lan và được trồng nhiều nhất trong vùng Long Thành. Theo các vị bô lão trong vùng thì mít Tố Nữ còn có tên là mít Xiêm vì nó là một trong những loại cây quí được vua Xiêm triều cống cho nước ta từ hơn hai thế kỷ trước. Trái mít Tố Nữ tuy nhỏ, nhưng muối mít to, dòn và thơm ngọt, rất ít sơ. Người ta chỉ cần bấm quanh cuốn rồi nắm chặt cuống rồi xoay và kéo lên là toàn bộ muối dính với cùi bên trong trái mít sẽ tuột ra, chỉ còn lại sơ nằm dính với vỏ mà thôi. 
Di Tích Khảo Cổ Trên Vùng Đất Đồng Nai-Biên Hòa: 

Vào năm 1679, các di thần nhà Minh(45) là các tướng Trần Thượng Xuyên và Trần An Bình được phép chúa Nguyễn đi vào khai phá đất Đồng Nai. Ngay sau khi tướng Trần Thượng Xuyên cùng quan quân của ông đến vùng Đồng Nai, họ đã khai hoang lập ấp và thiết lập phố phường buôn bán trao đổi với người ngoại quốc từ các nơi đến. Không phải đợi đến khi các nhà khảo cổ người Pháp đến đây khai quật và khám phá ra những di vật của các cộng đồng cư dân cổ tại đây, mà ngay từ cuối thế kỷ thứ XVII, khi những lưu dân người Minh Hương của tướng Trần Thượng Xuyên bắt đầu đào móng xây phố, họ đã khám phá ra rất nhiều di vật vật của người xưa tại khu vực Đồng Nai. Tuy nhiên, thời đó họ không có cách chi để xác định niên đại cũng như nền văn hóa mà những di vật nầy được chế tác ra. Vì thế họ chỉ biết đem về nhà cất giữ làm vật kỷ niệm của tiền nhân để lại. Về sau nầy khi người Pháp đánh chiếm Việt Nam và thiết lập thuộc địa trên vùng đất nầy, họ mới bắt đầu cho các nhà khảo cổ sang khảo cứu. Kết quả của những cuộc nghiên cứu nầy cho thấy vùng Đồng Nai là một trong những địa bàn cư trú chính của các cộng đồng cư dân cổ, cổ hơn cả cư dân Phù Nam hai ngàn năm trước. Người ta cũng tìm thấy tại vùng đất Đồng Nai đã từng có một nền văn hóa rất lâu đời mà họ đặt tên là ‘Văn Hóa Đồng Nai’. Nền văn hóa nầy trải rộng trên địa bàn các tỉnh miền Đông Nam Phần ngày nay từ Tây Ninh, Bình Phước, Đồng Nai, thành phố Hồ Chí Minh, đến Bà Rịa-Vũng Tàu. Nói cách khác, phạm vi của văn hóa Đồng Nai thời tiền sử bao gồm lưu vực các sông Đồng Nai, sông Bé, sông Sài Gòn, sông Vàm Cỏ Đông và Vàm Cỏ Tây.


Vào hậu bán thế kỷ thứ XIX, khi người Pháp xây dựng một số công trình lớn ở Sài Gòn, họ đã tìm thấy rất nhiều di vật khảo cổ học. Sau khi trường Viễn Đông Bác Cổ ra đời, các nhà khảo cổ học người Pháp đã bắt đầu có nhiều hứng thú với việc nghiên cứu và khai quật thêm nhiều địa điểm khảo cổ ở miền Đông Nam Phần để tìm ra manh mối của nền văn hóa lâu đời nầy. Đến những năm từ 1960 đến 1970, một số nhà địa chất học người Pháp đã cho công bố việc phát hiện các công cụ thời đá cũ ở vùng Xuân Lộc, thuộc tỉnh Đồng Nai và nhiều di tích ở vùng hạ lưu sông Đồng Nai mà họ gọi là nền văn hóa ‘Cù Lao Rùa’. Từ năm 1954 đến năm 1975, công trình khảo cổ bị đình trệ vì chiến tranh. Sau năm 1975, nhiều nhà khảo cổ học Việt Nam đã đẩy mạnh việc khai quật và nghiên cứu về văn hóa Đồng Nai. Hình ảnh của các cộng đồng cư dân cổ cũng như nền văn hóa Đồng Nai hiện rõ dần sau khi người ta đã phát hiện hàng chục ngàn di vật sau khi đã khai quật hàng trăm khu di tích. Nền văn hóa nầy trải rộng từ cao nguyên Bảo Lộc-Di Linh xuống hạ lưu sông Đồng Nai, rồi chạy dài ra đến vùng biển của miền Đông Nam Phần. Trong hàng chục ngàn di vật tìm thấy, đồ đá là những di vật phổ biến và có số lượng lớn nhất. Qua những khám phá nầy, người ta thấy những công cụ đồ đá còn tồn tại lâu dài đến cả những giai đoạn sau nầy như thời kim khí, có lẽ vì miền Đông Nam Phần không có quặng mỏ, mà ngược lại chỉ có rất nhiều đá. Các loại hình công cụ phổ biến là búa, rìu, dao, mũi tên, vòng đeo tay, bông đeo tai, chuỗi hạt, vân vân. Đặc biệt người ta tìm thấy bộ đàn đá trong vùng Đồng Nai-Bình Phước có niên đại 3.000 năm trước. Người ta cũng tìm thấy rất nhiều khuôn đúc trong vùng Đồng Nai, cho thấy nghề đúc đồng và luyện kim đồng thau ở đây đã tương đối phổ biến cách nay khoảng 3.000 năm trước. Từ năm 1995 đến năm 2006, người ta còn tìm thấy tại vùng Bưng Sình(46) năm chiếc trống đồng có phong cách Đông Sơn tại miền Đông Nam Phần.

Do vị trí địa lý, hầu như toàn bộ miền Đông Nam Phần nằm trên vùng đất cao, nên phương thức nông nghiệp chính của các cộng đồng cư dân cổ là trồng lúa trên ruộng cao hay làm rẫy với dụng cụ chính là cây cuốc. ngoài ra, họ còn sinh sống bằng cách hái lượm hoa quả hoặc đánh bắt cá tôm trên sông. Đồng thời, cũng có một số cư dân chuyên sống bằng nghề trao đổi hàng hóa, vì kết quả khai quật những mộ chum tại Đồng Nai cho thấy cách nay trên 2.000 năm, cư dân cổ tại đây đã từng trao đổi buôn bán với nhóm cư dân cổ bên phía Cần Giờ (47). Ngày nay hầu hết các nhà khảo cổ học đều đồng ý với nhau rằng trên 3.000 năm trước, chính nền văn hóa Đồng Nai đã mở đầu cho truyền thống văn hóa kế tiếp, đó là văn hóa Óc Eo, khoảng trên dưới 2.000 năm trước; rồi văn hóa Angkor, khoảng 1.000 năm trước; và sau cùng là nền văn hóa Nam Kỳ của nhân dân Việt Nam ngày nay.

Người Long Hồ 
Anaheim ngày 3 tháng 8 năm 2011 
Copyright © 2012 by Ngoc Tran. All rights reserved.

Nhấp vào Links:

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét