Thứ Năm, 19 tháng 7, 2018

Đất Phương Nam I - Cộng Đồng Người Minh Hương Tại Vùng Đất Hà Tiên

Cộng Đồng Người Minh Hương Tại Vùng Đất Hà Tiên

Lăng Mạc Cửu

Đồng thời với những người Hoa khác như Trần Thượng Xuyên ở Cù Lao Phố và Dương Ngạn Địch ở vùng Đại Phố Mỹ Tho, Mạc Cửu đã khai mở vùng Hà Tiên với nhiều huyền thoại. Mạc Cửu (1655-1735) nguyên là người xã Lê Quách, huyện Hải Khang, thuộc phủ Lôi Châu, tỉnh Quảng Đông, Trung Hoa, trong một gia đình thương nhân nổi tiếng. Khi nhà Minh bị nhà Mãn Thanh tiêu diệt, tuy ông không làm quan với nhà Minh, nhưng không phục nhà Mãn Thanh và không chịu được sự hà khắc của Thanh triều nên năm 1671, lúc vừa tròn 17 tuổi, ông đã vượt biển đi về phương Nam, sang ở tại đất Chân Lạp. Khi Mạc Cửu đến vùng Mang Khảm, thuộc vương quốc Chân Lạp, thì vùng này hãy còn là một vùng đất hoang vu. Trong khi đó, một số cư dân vùng Mang Khảm chuyên sống bằng nghề buôn lậu và cướp biển. Mạc Cửu nghĩ phải tìm cách lên Nam Vang yết kiến quốc vương Cao Miên để có thể được nhà vua chính thức cho phép khẩn đất lập làng. Tại Nam Vang, quốc vương Cao Miên phong cho Mạc Cửu làm chức Ốc Nha(14), và cho phép ông trở lại khai khẩn vùng Lũng K, còn có tên tên là Mang Khảm, tức vùng lỵ sở của Hà Tiên ngày nay. Tại đây ông thấy có nhiều người Hán(15), Mã Lai, Nam Dương và Ấn Độ tụ tập buôn bán, ông bèn mở sòng bạc kiếm lời, đồng thời chỉ trong vòng 10 năm ông đã chiêu tập dân lưu tán từ các nơi, nhất là người Quảng, Tiều, Hẹ, Phúc Kiến và Hải Nam, đến khẩn hoang các vùng Phú Quốc, Sài Mạt(16), Gia Khê, Hương Úc(17), Cần Bột(18), Luống Cày và Cà Mau. Mạc Cửu chủ trương để cho dân tự do khai khẩn và canh tác trên mảnh đất của chính mình mà không bị thu thuế. Ông chỉ đứng ra mua lại sản phẩm để bán lại cho khách buôn. Chính nhờ tài tháo vát của Mạc Cửu mà chẳng bao lâu sau đó ông đã qui tụ rất đông lưu dân sơ tán từ các nơi hội tụ về Hà Tiên lập nghiệp, nhất là những Hoa kiều gốc Quảng Đông, Triều Châu, Hẹ, Hải Nam và Phước Kiến. Lúc đó tại vùng Hà Tiên, ghe thuyền các nơi, kể cả ngoại quốc, đến mua bán tấp nập. Theo Đại Nam Thực Lục, thì tại các nơi Mạc Cửu đều cho xây dựng đồn lũy bảo vệ những vùng vừa mới khai khẩn. Riêng tại vùng Cà Mau, ông đã cho nhiều đoàn người Tiều và Hẹ đi vào sâu trong đất liền lập ấp, rồi từ đó phát triển ra hướng mũi Cà Mau và hướng biển Tây bên vịnh Thái Lan. 

Sau khi đến khai khẩn vùng Hà Tiên trong một thời gian ngắn, tiếng tăm của Mạc Cửu lẫy lừng, chẳng mấy chốc mà số người theo về Hà Tiên với ông rất đông. Các tàu buôn từ khắp nơi đều biết tiếng của ông nên hay đi lại đây để mua bán. Người Âu Châu, Nhật Bổn và Trung Hoa tới buôn bán tấp nập. Tiếng nói tuy có khác, nhưng văn tự Việt Nam thời đó vẫn còn dùng chữ Hán, nên việc liên lạc giữa Mang Khảm và xứ Đàng Trong rất dễ dàng. Sau khi Mạc Cửu đã phát triển và biến vùng Hà Tiên thành một hải cảng phồn thịnh, thì vào khoảng năm 1687, quân Xiêm kéo sang cướp phá Hà Tiên và bắt Mạc Cửu đem về Muang Galapuri(19). Hai năm sau, nhân lúc bên Xiêm rối ren, ông bèn trốn trở về Lủng Kỳ tụ tập dân xiêu tán các nơi trở về tái thiết lại Hà Tiên. Dù công việc khai khẩn và buôn bán trên vùng đất này rất phát triển, nhưng hồi ấy Mang Khảm luôn bị vương quốc Xiêm La dòm ngó, còn vương quốc Chân Lạp lại đang trên đà suy vong, nên không giúp ích gì được cho Hà Tiên. Trong khi đó, xứ Đàng Trong dưới sự cai trị của các chúa Nguyễn ngày càng vững mạnh. Nhận thấy vùng đất mới trù phú và thịnh vượng nầy dễ dàng trở thành mục tiêu cho sự tranh chấp giữa hai thế lực Xiêm-Việt, nên sau khi cân nhắc kỹ lưỡng Mạc Cửu có ý định muốn đem xứ Mang Khảm sáp nhập vào Nguyễn triều. Tháng 8 năm Mậu Tý 1708, đời chúa Nguyễn Phúc Chu, Mạc Cửu cùng con là Mạc Thiên Tích hợp cùng với Trương Cầu, Lý Xã mang lễ vật đến kinh đô gặp chúa Nguyễn xin dâng đất Hà Tiên. Không nhọc công chinh chiến mà lại có lợi to nên chúa thu nhận ngay phần đất này và phong cho Mạc Cửu chức Tổng Binh, tước Cửu Ngọc Hầu, ban cho ấn kiếm, cờ hiệu, và xuống chiếu cho Mạc Cửu được cai trị dãy đất mà bây giờ chạy dài từ Hà Tiên, Châu Đốc, Long Xuyên, Rạch Giá, Cà Mau... Chúa lại cho mở yến tiệc khoản đãi Mạc Cửu. Sau khi thâu nhận các vùng đất nầy, chúa Nguyễn Phúc Chu cho lập các huyện Long Xuyên (Cà Mau), Kiên Giang (Rạch Giá), Trấn Giang (Cần Thơ), và Trấn Di trực thuộc Hà Tiên Trấn. Từ khi được nội thuộc vào xứ Đàng Trong, Mạc Cửu ngày đêm củng cố thành lũy, mở mang doanh trại, chăm lo việc khai khẩn những vùng đất hoang vu, mở mang sản xuất và phát triển thương mại.
Chính Mạc Cửu là người đầu tiên đã biến vùng Hà Tiên thành một hải cảng sầm uất nhất tại Nam Kỳ thời đó. Riêng dưới thời Mạc Cửu cộng đồng người Minh Hương tại vùng đất Hà Tiên đã trải rộng ra đến các vùng Kompong Som, Kampot, Long Xuyên(20), Trấn Di(21), và Trấn Giang(22). Mạc Cửu là người đầu tiên chẳng những có công khai phá và phát triển vùng đất Hà Tiên, mà ông còn có công trong việc xây dựng cộng đồng người Minh Hương đầu tiên tại đây. Ngay dưới thời Mạc Cửu, vùng Hà Tiên đã có những thôn ấp định cư đông đúc nằm sát biển, thuận lợi cho ghe thuyền tới lui buôn bán. Danh tiếng của Mạc Cửu đã vang xa đến tận Xiêm La, khiến cho rất nhiều người Xiêm đã lui tới đây làm ăn, và cũng khiến cho hoàng gia Xiêm La khơi dậy lòng tham muốn đánh chiếm lấy vùng đất nầy. Ngược dòng thời gian trước khi Mạc Cửu đến khai phá đất Mang Khảm thì cả một vùng rộng lớn từ Chưng Rum đến Ba Thắc là một hoang địa. Dân cư chỉ mới đến đây định cư trong khoảng 200 năm trở lại đây mà thôi. Trong 18 năm Mạc Cửu đã lập nên 7 thôn đầu tiên là Phú Quốc, Cần Bột (Kampot), Giá Khê(23), Trủng Kè, Hương Úc (Kompong Som), Cà Mau và Hà Tiên. Vùng Hà Tiên thời Mạc Cửu bao gồm cả một vùng đất bao la bạt ngàn từ Giang Thành, Hà Tiên, Long Xuyên, Rạch Giá, Cà Mau, Bạc Liêu và Sóc Trăng ngày nay. Theo Gia Định Thành Thông Chí: “Hà Tiên là một trung tâm kinh tế lớn. Đường lối tiếp giáp, phố xá liền lạc... ghe thuyền ở sông biển qua lại không dứt, thật là một đại đô hội nơi góc biển.” Thật vậy, vào hậu bán thế kỷ thứ XVIII, sau khi tham quan vùng Hà Tiên, nhất là tại khu thị tứ của cộng đồng người Minh Hương, một nhà du hành người Pháp tên là Pièrre Poivre đã viết một bài tham luận về một vương quốc mà ông gọi là “Ponthiamas”, được đọc trước Hàn Lâm Viện Pháp vào năm 1768. Nội dung của bài tham luận như sau: “Một thương gia Trung Hoa làm chủ một chiếc tàu buôn, thường lui tới bờ biển nầy, có đầu óc suy tính và trí thông minh truyền thống của dân tộc ông. Ông rất đau lòng khi trông thấy những đất đai rộng mênh mông mà còn bị bỏ hoang, tuy đất nầy phì nhiêu hơn cả những vùng đất trù phú nơi chính quê hương ông. Ông có ý khai hoang. Để thực hiện kế hoạch, ông chiêu mộ một số nông dân của xứ ông hợp cùng dân các xứ láng giềng, bảo đảm đời sống cho họ, rồi ông bắt đầu khéo léo ngoại giao để được sự che chở của các xứ láng giềng hùng mạnh, gửi đến giúp ông một đạo quân hùng mạnh. Lãnh thổ của ông đã trở thành xứ sở của những người siêng năng cần mẫn muốn đến đó để lập nghiệp. Hải cảng của ông được mở rộng cho tất cả các quốc gia. Chẳng bao lâu sau, rừng hoang được khai phá một cách thông minh, đất hoang thành ruộng lúa, kinh rạch đã được đào để dẫn thủy nhập điền, mùa màng dồi dào, lúc đầu cung cấp cho dân cày ruộng no đủ, về sau là một mối lợi cho thương mại lớn mạnh. Cái mảnh đất nhỏ kia, ngày hôm nay đã được coi như một kho lúa dồi dào nhất của phần đất miền Đông châu Á nầy. người Mã Lai, Nam Hà, cả đến Xiêm... đều xem hải cảng nầy như một nguồn lợi bảo đảm cho những nạn đói...” 

Sau khi Mạc Cửu mất, chúa Ninh Vương lại phong cho con trai lớn của ông là Mạc Thiên Tứ (1706-1780) làm Tổng Binh Đại Đô Đốc(24) tiếp tục trấn giữ Trấn Hà Tiên vào năm 1736. Chúa Ninh Vương còn ban cho Mạc Thiên Tứ quyền hành rộng rãi hơn, chẳng hạn như được phép lập sở đức tiền kẽm. Chính Mạc Thiên Tứ đã có công khai phá và phát triển rồi dâng lên cho chúa Nguyễn phủ Sài Mạt của Chân Lạp, từ Chưng Rum, Cần Bột, Linh Quỳnh, Sài Mạt, Hà Tiên chạy xuống Rạch Giá, xuống tận Cà Mau, Bạc Liêu, Sóc Trăng, Cần Thơ, Long Xuyên và Chậu Đốc. Đại Đô Đốc Mạc Thiên Tứ(25) đã không hổ danh khi kế thừa sự nghiệp của cha mình, chỉ ít lâu sau khi kế nghiệp cha mình, Mạc Thiên Tích đã chẳng những tiếp tục củng cố các vùng Rạch Giá và Cà Mau, mà còn theo dòng sông Cái Lớn tiến qua khai khẩn vùng Trấn Di (Bạc Liêu), rồi tiến về phía bắc thành lập vùng Trấn Giang (Cần Thơ ngày nay). Tại các vùng nầy, Mạc Thiên Tứ đều khuyến khích người Minh Hương đến đó khai khẩn và định cư. Chính nhờ vậy mà không đầy một thế kỷ sau thời Mạc Thiên Tứ, các cộng đồng người Minh Hương ở Rạch Giá, Cà Mau, Bạc Liêu, Sóc Trăng và Cần Thơ phát triển lớn mạnh. Ngoài ra, phải nói Mạc Thiên Tứ là một thiên tài quân sự, ông đã nhiều lần đánh trả những cuộc xâm lấn đánh phá của quân Xiêm La, tiễu trừ giặc cướp trên biển, và giữ cho cảng Hà Tiên ổn định trong một thời gian dài. Chính sự yên ổn và thịnh vượng đã thu hút cư dân về đây lập nghiệp ngày một đông. Nói đúng ra, Hà Tiên thời Mạc Thiên Tứ có phần phát triển hơn dưới thời cha ông là Mạc Cửu rất nhiều. Mạc Thiên Tứ chẳng những giúp chúa Nguyễn trong việc khai khẩn hoang địa và giúp bảo vệ đất nước khỏi sự xâm lăng của quân Xiêm La; ông còn mở mang kinh tế, xây dựng các cộng đồng người Minh Hương trên khắp cả miền Tây ngày nay. Ngoài ra, Mạc Thiên Tứ còn chứng tỏ thiên tài văn chương xuất chúng của mình qua Hà Tiên Thập Vịnh(26) và Chiêu Anh Các. Từ giữa thế kỷ thứ XVII, theo Gia Định Thành Thông Chí(27), chính Mạc Thiên Tứ đã chiêu tập những văn nhân lỗi lạc tứ xứ, đặc biệt là những thi nhân từ Phúc Kiến, đến Hà Tiên như Châu Phát, Trần Minh Hạ, Ngô Chi Hàn, Trần Duy Đức, Trần Tự Nam, Châu Cảnh Dương, Vương Đắc Lộ, vân vân. Mạc Thiên Tích đã nối nghiệp cha mình trong việc tích cực khai khẩn và phát triển vùng Hà Tiên, và chính ông đã biến Hà Tiên trở thành một mắt xích quan trọng trong tuyến đường thương mại hàng hải giữa các nước trong vùng Đông Á qua vịnh Thái Lan và Ấn Độ. Mạc Thiên Tích là người rất thức thời, ông đã mở rộng cảng biển Hà Tiên để đón nhận tất cả tàu buôn nước ngoài đến đây giao thương. Vì chúa Nguyễn đã cho ông toàn quyền trong việc cai quản Hà Tiên nên có khi ông ra lệnh miễn thuế cho những hàng hóa nào mà cư dân vùng Hà Tiên đang cần. Ngay từ thời Mạc Thiên Tích, vùng đất Hà Tiên đã nổi tiếng với những thổ sản hiếm của địa phương như sáp trắng, hỗ phách, huyền, và đủ thứ hải sản. Tuy nhiên, chính vì sự thịnh vượng của Hà Tiên mà vùng đất nầy phải chịu nhiều tàn phá do chiến tranh xâm lược của quân Xiêm La. 
Người Long Hồ 
Anaheim ngày 3 tháng 8 năm 2011 
Copyright © 2012 by Ngoc Tran. All rights reserved.

Nhấp vào Links:

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét