Thứ Hai, 11 tháng 6, 2018

Đất Phương Nam I - Từ Vùng Đất Biên Đến Tỉnh Biên Hòa-Đồng Nai (Phần 4)

 
Sông Ngòi Vùng Đồng Nai-Biên Hòa: 

Tuy là vùng đất tương đối cao hơn các miền ở trong miền Đông Nam Phần, Đồng Nai-Biên Hòa lại có một hệ thống thủy lộ rất phong phú gồm hồ Trị An và trên 60 sông, kinh, rạch lớn nhỏ, chẳng những rất thuận tiện cho việc giao thông bằng đường thủy, mà còn cho việc phát triển một số ngành nghề trên sông như nuôi cá bè, nuôi tôm, và đánh bắt thủy sản, vân vân. Sông ngòi trong vùng Biên Hòa không lớn và dài như hệ thống sông Cửu Long và Vàm Cỏ nhưng cũng dư sức tưới tẩm cho đồng ruộng toàn miền, gồm các sông Phước Long, sông Ngã Ba, sông Ngã Bảy, sông La Ngà, sông Đồng Nai, sông Bé, sông Trúc, sông Bồng, sông Đồng Bản, sông An Hòa, sông Sa Hà, sông Kính Giang, sông Lá Bối, sông Thanh Thủy, sông Ngã Ba Nhà Bè, sông Bình Giang, sông Băng Bọt, sông Thủ Đức, sông Ký Giang, sông Hương Phước, sông Xoài, sông Vũng Dương, sông Thất Kỳ, sông Xích Lam, sông Lai, sông Dã Ôi, rạch Gò Chè, rạch Đầm Gấm, rạch Đầm Nát. Cứ mỗi cây số vuông đất trong vùng là có khoảng nửa cây số sông ngòi, tuy nhiên, đa số sông ngòi của vùng Đồng Nai-Biên Hòa tập trung ở phía Bắc như sông Mã Đà, sông Sà Mách, sông Đồng Nai, và sông La Ngà. 

Sông Đồng Nai là một trong những con sông lịch sử và nổi tiếng nhất của miền Đông Nam Phần. Tuy không sánh được với hai con sông lớn là Hồng Hà và Cửu Long, nhưng chính nó đã biến cả miền Đông Nam phần thành một vùng trù phú không kém gì vùng châu thổ sông Cửu Long. Sông Đồng Nai phát nguyên từ cao nguyên Lâm Viên(35), chảy qua địa phận Lâm Đồng (Bảo Lộc), tiếp tục chảy ngang qua các thác Dambri, xuống đèo Bảo Lộc, Suối Tiên, rồi dòng sông tiếp tục chảy qua các vùng rừng núi Nam Trung Việt đến địa phận Định Quán, rồi đổ vào hồ Trị An. Tuy nhiên, ở khúc sông này mùa khô thì thiếu nước, mùa mưa thì nước chảy xiết cuồn cuộn, nên tàu bè không lưu thông được. Qua khỏi vùng Trị An thì thế đất tương đối bằng phẳng hơn nên sông sâu và nước chảy chậm hơn. Trước khi chảy vào Biên Hòa, sông Đồng Nai phân làm hai nhánh, bao bọc những cù lao Tân Chánh, cù lao Rùa, và cù lao Tân Triều. Sau khi chảy qua tỉnh lỵ Biên Hòa, sông lại chia nhánh bao bọc các cù lao Phố và cù lao Ông Còn. Sau đó hai dòng hợp lại để chảy theo hướng Bắc Nam về hướng Sài Gòn, nó không chảy ngang qua thành phố Sài Gòn, mà chảy qua Nhà Bè(36). Qua khỏi Nhà Bè, sông Đồng Nai có một phân lưu khác là sông Lòng Tảo(37). Các phụ lưu lớn của sông Đồng Nai là sông La Ngà chảy về phía Bình Thuận, và sông Bé chảy về phía Tân Uyên thuộc tỉnh Bình Dương. Khúc sông Đồng Nai từ Lâm Đồng chảy xuống Định Quán qua hồ Trị An, đến cửa sông Bé(38), dòng sông chảy theo hướng tây bắc-đông nam, và có bề rộng trung bình từ 100 đến 300 mét. Khúc sông từ Tà Lài đến hồ Trị An có nhiều ghềnh thác, không thuận tiện cho việc giao thông. Dọc theo sông Đồng Nai về phía Tây Nam, sau khi dòng sông này chảy ra khỏi hồ Trị An, qua thành phố Biên Hòa và trở thành sông Nhà Bè, dòng chảy trở nên êm đềm hơn và lòng sông mở rộng và sâu hơn. Trên đường chảy ra cửa Cần Giờ, sông Đồng Nai lại có thêm những phụ lưu quan trọng khác, bên hữu ngạn có sông Bé và sông Sài Gòn, tả ngạn có sông La Ngà. Hệ thống thủy lộ trong khu vực nầy trở nên phong phú với các dòng Nhà Bè, Lòng Tàu, Bà Giải, và Thị Vải, vân vân. Tại đây các sông Vàm Cỏ Đông và Vàm Cỏ Tây cùng chảy vào sông Đồng Nai trước khi đổ ra biển tại cửa Xoài Rạp(39).



Sông La Ngà chảy trong địa phận Đồng Nai-Biên Hòa(40) khoảng 55 cây số, nhưng lòng sông lại hẹp và có có rất nhiều ghềnh thác, không thuận tiện cho việc giao thông, như Thác Trời cao hơn 5 mét. Trước khi chảy vào ranh giới huyện Đức Linh (tỉnh Bình Thuận), có nhiều suối đổ vào dòng La Ngà, điển hình là suối Gia Huynh và suối Tầm Bung. Suối Gia Huynh bắt nguồn từ khoảng quốc lộ số 1, trong khi suối Tầm Bung bắt nguồn từ cao nguyên Xuân Lộc. Về mùa mưa, nước từ hai dòng suối nầy đổ vào La Ngà(41) khiến cho dòng chảy của dòng sông nầy trở nên mạnh hơn và nước dâng cao rất nhanh trước khi đổ vào hồ Trị An. Ngoài ra, vùng Đồng Nai-Biên Hòa còn có những sông nhỏ nhưng không kém phần quan trọng khác như sông Buông (Lá Buông), bắt nguồn từ cao nguyên Xuân Lộc, có chiều dài khoảng 40 cây số, chảy theo hướng đông-tây và đổ ra sông Đồng Nai tại vùng An Hòa. Sông Ray cũng phát nguồn từ cao nguyên Xuân Lộc, chảy theo hướng bắc-nam, xuống vùng Bà Rịa-Vũng Tàu, rồi đổ ra biển. Về phía cực nam của vùng Đồng Nai-Biên Hòa, ngoài những sông lớn như Đồng Nai, Nhà Bè, và Lòng Tàu... còn có rất nhiều sông nhỏ, điển hình nhất là hai con sông Xoài và sông Thị Vải. Cả hai con sông nầy đều phát nguyên từ cao nguyên Xuân Lộc và chảy thẳng ra biển. Về phía thượng nguồn, hệ thống sông Thị Vải gồm nhiều con suối nhỏ và dốc; về phía hạ lưu phía dưới quốc lộ 51 đi Vũng Tàu, lòng sông mở rộng hơn, nhưng nước mặn vì gần biển. Sông Xoài có hai nhánh chính là Châu Pha và Suối Dun, cùng nhiều con suối nhỏ, ngắn và hẹp hơn. Tuy nhiên, nước ở thượng nguồn sông Xoài rất quan trọng trong việc cung cấp nước ngọt cho Vũng Tàu; đến gần biển, nước của dòng sông nầy lại có độ mặn tương đương với nước biển. Chính nhờ hệ thống sông ngòi phong phú mà phương tiện giao thông đường thủy của Biên Hòa cũng rất tiện lợi và thiết yếu cho toàn tỉnh.


Di Tích Lịch Sử Biên Hòa:

Có thể nói vùng Biên Hòa là cái nôi của cuộc Nam tiến của các chúa Nguyễn, vì trong suốt thời Nam tiến, mọi sinh hoạt chính trị và văn hóa quan trọng đều diễn ra tại vùng này. Ngoài Cù Lao Phố cũng như những đình chùa cổ trong vùng, Đồng Nai còn là vùng đất có nhiều di tích lịch sử văn hóa lâu đời nhất của miền Nam với những di chỉ khảo cổ Ốc Eo ở Định Quán, cũng như dấu tích văn minh cách nay trên 1.300 năm của dân tộc Phù Nam ở Cát Tiên. Tại phường Bửu Long trong thành phố Biên Hòa có Văn Miếu Trấn Biên, được chúa Nguyễn Phúc Chu xây vào cuối thế kỷ thứ 17. Theo chánh sử triều Nguyễn, vào năm 1715, chúa Nguyễn Phúc Chu sai quan Trấn Thủ Nguyễn Phan Long và quan Ký Lục Phạm Khánh Đức chọn thôn Tân Lại, tổng Phước Vĩnh, nay là phường Bửu Long, thuộc thành phố Biên Hòa để xây dựng Văn Miếu Trấn Biên(42). 

Thời đó văn miếu đóng vai trò của một trung tâm văn hóa và giáo dục của cả miền Nam trong nhiều thế kỷ, và đây cũng là văn miếu đầu tiên của vùng đất phương Nam. Tuy nhiên, theo dòng thời gian, văn miếu bị tàn phá nặng nề trong thời chiến tranh giữa Nguyễn Ánh với nhà Tây Sơn, rồi đến thời Pháp thuộc, và thời chiến tranh Quốc Cộng. Vào những năm 1794 và 1852, triều đình đã sai trùng tu lại ngôi Văn Miếu. Sau chiến tranh dân chúng đã xây dựng lại Văn Miếu theo lối kiến trúc cổ để tưởng nhớ lại một thời văn hiến của dân tộc. Năm 1861, văn miếu bị thực dân Pháp tấn công và tàn phá hoàn toàn khi chúng chiếm 3 tỉnh miền Đông. Từ năm 1954 đến năm 1975, chánh quyền đệ nhất và đệ nhị cộng hòa không trùng tu văn miếu được vì tình trạng chiến tranh Nam-Bắc. Mãi đến 27 năm sau khi chiến tranh chấm dứt (2002), Văn Miếu Trấn Biên mới được xây dựng lại trên nền Văn Miếu khi xưa, thuộc phường Bửu Long, thành phố Biên Hòa, cách trung tâm thành phố khoảng 3 cây số. 

Tại thành phố Biên Hòa còn có đền thờ thần Thành Hoàng của dân địa phương, nhưng sau người ta cũng thờ ông Nguyễn Tri Phương. Nguyễn Tri Phương là một danh tướng của triều Nguyễn vào cuối thế kỷ thứ XIX, người đã đắp đồn Kỳ Hòa để chống Pháp sau khi chúng lấn chiếm 3 tỉnh miền Đông Nam Kỳ vào năm 1861. Nguyễn Tri Phương chẳng những là một võ tướng tài ba, mà còn là một vị quan có tài và có công trong việc lập đồn điền, khai hoang lập ấp ở các tỉnh miền Nam. Ông qua đời vào năm 1873. Sau khi ông mất, để tỏ lòng biết ơn ông, dân chúng trong vùng tạc tượng ông và đem vào thờ trong đền, tại làng Mỹ Khánh, dinh Trấn Biên, nay là phường Bửu Hòa, thành phố Biên Hòa. Lễ Kỳ Yên tại đây được tổ chức vào hai ngày 16 và 17 tháng 10 âm lịch. Vào các ngày lễ, đông đảo dân chúng trong vùng tụ họp về đây để dâng hương cầu phúc. 

Tại xã Hòa Hiệp (Cù Lao Phố), cũng thuộc thành phố Biên Hòa có đền thờ ông Nguyễn Hữu Cảnh, một trong những khai quốc công thần thời các Chúa Nguyễn, đã có công mở mang và xây dựng miền Nam. Theo chánh sử triều Nguyễn, năm 1698, chúa Nguyễn Phúc Chu sai Nguyễn Hữu Cảnh vào Nam kinh lược đất Nông Nại. Ông đã đặt tên cho vùng đất mới là phủ Gia Định, dựng dinh Trấn Biên, chia phủ nầy ra làm hai huyện: Phước Long và Tân Bình. Sau đó, ông đặt ra phường, Ấp, xã, thôn, rồi cho lập bộ đinh và bộ điền, và chiêu mộ lưu dân từ các vùng Ngũ Quảng đi vào Đồng Nai để lập nghiệp. Đền thờ ông được xây cách đây trên 300 năm, mặt đền nhìn ra sông Đồng Nai theo hướng tây nam, sân đền rộng. Năm 1802, vua Gia Long đã cho trùng tu lần đầu, và được vua Tự Đức trùng tu lần nữa vào năm 1851, và thời VNCH trùng tu năm 1961. Hàng năm dân chúng trong vùng đổ xô về đây tổ chức tế lễ, cầu cho quốc thái dân an và để tưởng nhớ đến ân đức lớn lao của quan Chưởng 

Cơ Lễ Thành Hầu Nguyễn Hữu Cảnh, bậc tiền hiền đã có công khai sanh ra vùng hoang địa nầy. Lễ Kỳ Yên tại đền thờ Nguyễn Hữu Cảnh được tổ chức hai lần vào ngày 16 tháng 6 và vào ngày 11 tháng 1 âm lịch. Cách đền thờ quan Chưởng Cơ khoảng 100 mét là ngôi chùa Quan Thánh Đế (chùa Quan Công). Đây là một trong những ngôi chùa Hoa cổ nhất tại miền Nam. Chùa được xây vào khoảng năm 1684. Ngày trước, chùa có tên là Miếu Quan Đế; bây giờ có tên là ‘Thất Phủ Cổ Miếu’.
Đây là một trong những ngôi chùa được người Hoa đến chiêm bái nhiều nhất.
Trong thành phố Biên Hòa còn có đình Tân Lân, được xây vào thế kỷ thứ XVIII, nơi thờ ông Trần Thượng Xuyên, một người Hoa đã có công khai phá và mở mang vùng Nông Nại Đại Phố, nay là Biên Hòa, ông được chúa Nguyễn phong làm quan Thượng Đẳng Đại Thần, và dân chúng trong vùng ngày ngày đến lễ bái thờ tự nên lúc nào trong đền cũng khói hương nghi ngút, lễ Kỳ Yên được tổ chức vào ngày 23 tháng 11 âm lịch. Tại thành phố Biên Hòa còn có đình An Hòa, trong đình hãy còn rất nhiều tấm hoành phi và câu đối từ các đời vua Gia Long và Minh Mạng. Đình được xây dựng vào năm 1788, được vua Tự Đức sắc phong vào năm 1856, tại đây dân chúng tổ chức lễ Kỳ Yên vào hai ngày 15 và 16 tháng 8 âm lịch. Trải qua những năm tháng di dời, cuối cùng ngôi đình được xây cất khá kiên cố trên diện tích hiện tại.


Trấn Biên còn là quê hương của ông Trịnh Hoài Đức (1765-1825). Trịnh Hoài Đức là hậu duệ của những người Minh Hương đã đến đây khai khẩn nên cù lao Phố ngày trước. Hiện vẫn còn khu lăng mộ của ông bà Trịnh Hoài Đức trong phường Trung Dũng, cạnh quốc lộ số 1. Trên tường thành phía sau hai ngôi mộ là bức phù điêu bằng xi măng có hình rồng cuộn mây. Hàng năm vào dịp lễ Thanh Minh, khoảng tháng 3 âm lịch, để tưởng nhớ công ơn của một bậc tiền hiền khai cơ, dân chúng trong vùng đổ xô về đây vẩy mã và cúng kiếng cho ngài Trịnh Hoài Đức. 

Ngoài ra, tại thành phố Biên Hòa còn có các chùa Đại Giác, Long Thiền và Bửu Phong. Chùa Đại Giác tọa lạc trong địa phận xã Hiệp Hòa (Cù Lao Phố). Đây là một trong ba ngôi chùa cổ kín nhất trong vùng Đồng Nai. Chùa được Hòa Thượng Thành Đẳng(43) xây dựng vào khoảng đầu thế kỷ thứ XVII. Năm 1779, trên đường chạy trốn nghĩa binh Tây Sơn, công chúa thứ ba của vua Gia Long là bà Nguyễn thị Ngọc Anh đã có lần lẩn trốn trong chùa. Sau khi lên ngôi, vua Gia Long cho trùng tu lại ngôi chùa và cúng thêm cho chùa pho tượng Phật A Di Đà bằng gỗ, cao 2,56 mét. Chính vì vậy mà dân chúng địa phương gọi là ‘Chùa Phật Lớn’. Riêng công chúa Ngọc Anh đã cúng cho chùa một bức hoành phi lớn có đề ba chữ ‘Đại Giác Tự’ treo ngay trước chánh điện. Hai ngôi chùa khác là chùa Long Thiền và Bửu Phong(44) được xây vào 1664 và 1679, trong hai chùa này hiện còn những pho tượng Phật cổ trên 300 năm.

Người Long Hồ 
Anaheim ngày 3 tháng 8 năm 2011 
Copyright © 2012 by Ngoc Tran. All rights reserved.

Nhấp vào Links:

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét