Cây Trái Miệt Vườn Của Vùng Đất Bình Dương:
Ngoài những đồn điền trồng cây tiêu(17), vùng đất xám là vùng đồng bằng bồi đắp bởi phù sa từ các con sông Sài Gòn, Đồng Nai và Sông Bé chạy dài trên 100 cây số, từ Dĩ An, Lái Thiêu, lên Thủ Dầu Một, qua Tân Uyên, tạo nên các vườn cây ăn trái và những cánh đồng màu mỡ tại vùng Lái Thiêu, nổi tiếng miệt vườn của miền Đông với các loại trái cây như sầu riêng, măng cụt, chôm chôm, mít, xoài, mãng cầu, mít tố nữ, vân vân.
Phải thật tình mà nói, Lái Thiêu là một vựa trái cây nổi tiếng nhất nhì Nam Kỳ, nhưng nổi tiếng nhất là hai loại sầu riêng và măng cụt. Ngày nay ở Sài Gòn, hễ nói đến trái cây là người ta nghĩ ngay đến các vườn cây ăn trái ở Lái Thiêu, đặc biệt là những vườn măng cụt Lái Thiêu. Thật vậy, ở Lái Thiêu có những vườn măng cụt rộng đến hàng chục mẫu đất, với hàng ngàn cây, và mỗi cây hàng năm cho ra vài trăm trái. Măng cụt là một loại trái cây đứng vào hàng đệ nhất đặc sản của Lái Thiêu, có vị thơm ngon khác hẳn với bất cứ nơi nào ở Nam Bộ.
Măng Cụt có tên khoa học là ‘mangou stana’, tên tiếng Anh là mangosteen, lớn cỡ trái quít, có vỏ dầy với màu nâu đỏ, bên trong trái có từ 5 đến 6 múi màu trắng, có vị thoáng chua mà ngọt và mùi thơm. Khi trái còn xanh, người ta có thể lấy ruột măng cụt cắt mỏng ra để trộn gỏi, ăn có vị chua chua ngọt ngọt, rất ngon. Theo sách Đại Nam Nhất Thống Chí, được nhà Nguyễn soạn trong khoảng từ 1864 đến 1875, bản dịch của Nguyễn văn Tạo, năm 1973, trong mục ‘Thổ Sản’ của tỉnh Biên Hòa, có nhắc đến trái măng cụt tại huyện Bình An, tức địa phận tỉnh Bình Dương ngày nay. Và trước đó, vào thời Minh Mạng, khoảng từ năm 1820 đến năm 1840, nhà vua cũng đã từng biết đến trái ‘giáng châu tử’, tức trái măng cụt. Trong quyển ‘Địa Chí Sông Bé’, xuất bản năm 1991, trong bài ‘Vườn Lái Thiêu’, nhà văn Sơn Nam đã viết: “Theo nhà khảo cổ học Louis Malleret, cây măng cụt có nguồn gốc từ Mã Lai và được đem qua Việt Nam trồng đầu tiên ở nhà thờ họ đạo Lái Thiêu.”
Vì thấy hương vị đặc biệt của măng cụt, nên sau đó người dân Lái Thiêu đã lập vườn chuyên trồng măng cụt. Theo Ngọc Am trong quyển ‘Địa Chí Sông Bé’, xuất bản năm 1991, trong bài ‘Vườn Cây Trái Lái Thiêu’, hiện nay Lái Thiêu được coi là vùng có diện tích trồng măng cụt lớn nhất vùng Đông Nam Á. Tuy nhiên, theo thiển ý, có lẽ tác giả Ngọc Am muốn nói đến thời kỳ sau năm 1897, tức là lúc Thủ Dầu Một được thực dân Pháp chọn làm thí điểm canh nông đầu tiên tại Nam Kỳ, vì thời đó đất đai Lái Thiêu hãy còn bao la bạt ngàn với những vườn cây măng cụt, chứ ngày nay sau khi vùng Bình Dương được công nghiệp hóa, diện tích trồng cây ăn trái đã bị thu hẹp, nên không thể nào hiện nay diện tích vườn măng cụt ở Lái Thiêu vẫn còn nguyên vẹn như xưa được.
Miệt vườn Lái Thiêu còn có một loại trái cây thuộc hàng đặc sản, và sự nổi tiếng của nó cũng không thua gì măng cụt, đó là trái sầu riêng, tên tiếng Anh là durian, tên khoa học là ‘duris zibethius’, cũng có nguồn gốc từ Mã Lai(20). Phải nói sầu riêng là một trong những loại cây sinh sống giữa vùng xích đới và nhiệt đới và rất khó trồng. Tuy nhiên, đất Lái Thiêu là vùng đất tốt, nên trồng loại cây ăn trái nào cũng ra bông kết trái thật nhiều mà không thay đổi hương vị nguyên gốc của nó. Trái sầu riêng có lớp vỏ rất cứng và có nhiều gai nhọn, bên trong chia làm nhiều múi, mỗi múi chứa khoảng từ 2 đến 3 hạt, mỗi hạt đều được bao bọc bởi một lớp cơm dầy, có màu ngà, với mùi thơm nồng và gắt; tuy nhiên, rất nhiều người không chịu nổi mùi sầu riêng. Ngày nay, trên đất Bình Dương người ta lập vườn khắp nơi để trồng sầu riêng, nhưng có lẽ không đâu sánh bằng Lái Thiêu.
Nhờ mùi thơm nồng nên sầu riêng còn được các nhà ẩm thực pha chế vào một số thực phẩm thông dụng như kem, mứt, bánh, kẹo, xôi chè, vân vân. Ngoài hai loại đặc sản của vùng đất Bình Dương là măng cụt và sầu riêng, mít tố nữ Bình Dương cũng nổi tiếng không kém.
Đây là loại mít trái nhỏ, múi không dính với sơ, chỉ cần xẻ dọc một đường ngoài vỏ, rồi chẻ ra thì sơ sẽ dính hết vào vỏ, còn lại là những múi bám chặt vào lõi. Mít tố nữ có mùi thơm ngon và ngọt không có loại mít nào có thể sánh bằng.
Khi đến vùng Lái Thiêu-Thuận An, người ta sẽ thấy hiện ra trước mắt một cảnh quang ‘miệt vườn’ hết sức đặc sắc của miền Đông Nam Phần, với một màu xanh của những vườn cây ăn trái bạt ngàn rộng hàng ngàn mẫu đất. Đây là một vùng sông, nước, kinh, rạch san sát nhau bên tả ngạn của sông Sài Gòn. Nếu chúng ta đến đây vào những ngày mùa trái chín, chúng ta sẽ thấy trên nền xanh của miệt vườn rộn ràng vui mắt với đủ màu đủ sắc của những loại trái cây chín như vàng, tím, đỏ.. với tràn đầy hương vị nồng nàn của mít tố nữ, sầu riêng, măng cụt, dâu, xoài, ổi, mận, vù sữa, chôm chôm. Vào năm 1972, có lần tôi theo anh bạn về quê của anh ta ở Lái Thiêu, nhân tiện tôi đã đi một vòng quanh những làng vườn trái cây Lái Thiêu. Có đến tận nơi, có thấy tận mắt những sinh hoạt của người dân miệt vườn Lái Thiêu mới thấy được khung cảnh sinh hoạt cũng như những tình cảm gắn bó mà họ đã dành cho làng quê của họ, thật chân chất mà thật khắng khít. Tôi nghĩ người dân Lái Thiêu yêu làng quê của họ đến độ không một thứ gì có thể tách rời họ ra khỏi nơi mà họ đã sanh ra và lớn lên.
Ngoài những đồn điền trồng cây tiêu và những trái cây nổi tiếng như sầu riêng, măng cụt, chôm chôm, mít, xoài, mãng cầu, mít tố nữ, vân vân, Bình Dương còn nổi tiếng với những đặc sản như bánh bèo bì chợ Búng và bún tôm Châu Trúc. Bánh bèo bì chợ Búng được làm từ loại bột gạo đỏ rất thơm. Sau khi đổ bột vào khuôn, người ta bỏ vào bên trên cái bánh một ít đậu xanh không vỏ đã được quết ra cũng thành bột. Thường thì trong một dĩa bánh bèo người ta để thêm vào thịt heo khìa trộn thính rồi cắt thành sợi như cọng bún (giống như bì của miền Tây, nhưng không có da heo). Khi ăn chỉ cần thêm vào một ít dưa chua, rau thơm, giá sống và rắc đậu phộng đâm rồi chan nước mắm tỏi ớt lên chúng ta sẽ có một dĩa bánh bèo bì chợ Búng thật đặc sắc. Còn bún tôm Châu Trúc cũng ngon không kém gì bánh bèo bì chợ Búng.
Nghề Mộc Và Nghệ Thuật Điêu Khắc Trên Gỗ Của Tỉnh Bình Dương:
Ngày trước, hầu như toàn bộ các miền đất Bình Dương, từ Phú Giáo qua Dầu Tiếng, xuống Thủ Dầu Một, Thuận An, Tân Uyên, và Dĩ An... đi đâu đến đâu người ta cũng thấy rừng là rừng. Đối với dân Bình Dương, rừng là huyết mạch, rừng là tài sản quí báu mà vùng đất nầy đã ban tặng cho họ. Mà thật vậy, rừng Bình Dương đã không phụ lòng người tại đây, vì trong những khu rừng nầy người ta sẽ tìm thấy toàn là những loại gỗ tốt như sao xanh, sao vàng, sao đá, sao chân tôm... Đây là những danh mộc quí hiếm cho kỹ nghệ đóng ghe xuồng. Ngày trước, nghe nói đến ghe ‘Thủ’ ai cũng phát thèm vì chất lượng tốt của gỗ, cũng như độ bền và sức chịu đựng dưới nước của chúng.
Có lẽ ngày nay không còn những khu rừng sao bao la bạt ngàn như vào thập niên 1950 nữa, nhưng ngày trước, về phía bắc Thủ Dầu Một, những cây sao mọc thành rừng. Chính vì vậy mà ngày nay vẫn còn những địa danh như ‘Sở Sao’, ‘Dầu Tiếng’, vân vân. Ngoài cây dầu và cây sao ra, rừng Bình Dương còn có rất nhiều loại gỗ quí khác như gõ, huỳnh đàn, giáng hương, trai, vân vân. Cây gõ là một loại cây có thớ thịt tím thâm, cứng và rất nặng, người ta thường dùng gõ làm cột nhà, vì nó có thể chịu đựng hàng mấy trăm năm. Cây huỳnh đàn có sớ thịt trắng, có thể chịu đựng lâu năm dưới đất, nên người ta thường dùng huỳnh đàn để đóng hòm. Cây giáng hương có mùi thơm, màu gỗ cũng tốt như cẩm lai nên người ta thường dùng nó để đóng bàn ghế. Cây trai là một trong những loại cây rất bền, có thể chịu đựng hàng trăm năm không mục. Dầu trai rất tốt, thường được dùng để trét ghe xuồng. Muốn lấy dầu trai, người ta đụt vài cái lỗ gần gốc cây, rồi đốt lửa vào cho nhựa chảy ra, mà dân địa phương gọi là dầu rái. Đây là một trong những nguồn tài nguyên quí hiếm và đặc biệt của vùng đất Bình Dương.
Chính nhờ tài nguyên lâm sản phong phú như vậy mà Bình Dương ngày nay rất nổi tiếng về ngành mộc và nghệ thuật điêu khắc cũng như chạm trổ trên gỗ. Cũng như các vùng khác của miền Nam, cư dân Bình Dương ngày nay đều là con cháu của các lưu dân vùng Thuận Quảng từ miền Trung Việt Nam đi vào thời khẩn hoang lập ấp. Ngoài những nông dân và những người không có nghề nghiệp chuyên môn, còn có rất nhiều người thợ thủ công đủ các loại ngành nghề. Khi vào vùng đất miền Nam đầy hứa hẹn nầy, từ nông dân đến những người thợ chuyên môn, vừa hành nghề và cũng vừa truyền nghề lại cho những thế hệ sau nầy. Nhờ vậy nên chỉ sau thời khẩn hoang lập ấp chừng nửa thế kỷ, nghĩa là đến giữa thế kỷ thứ XVIII, ngành mộc và điêu khắc trên gỗ tại vùng Bình Dương ngày nay, tức vùng tổng Bình An ngày trước, đã lên đến tột đỉnh nghệ thuật. Đến cuối thế kỷ thứ XIX, đầu thế kỷ thứ XX, sản phẩm ngành mộc tại các vùng Lái Thiêu và Thủ Dầu Một đã được ưa chuộng trong nhiều tổ hội chợ tại Hà Nội cũng như tại Pháp. Hiện tại, tại thị xã Thủ Dầu Một vẫn còn những ngôi nhà bằng gỗ quí, chỉ nối kết bằng các khớp mộng, chứ không dùng đinh sắt. Trong những ngôi nhà nầy, các bao lam đều được trang trí bằng các công trình mỹ thuật chạm trổ hết sức tinh vi, từ các bức tranh bông sen, chim cò, chim phượng, đến bát tiên và lưỡng long tranh châu, vân vân. Sau khi đã đi qua và quan sát các loại hình chạm trổ trên gỗ nhiều nơi tại miền Nam, mình mới thấy quả là chưa có nơi nào có thể qua mặt được Thủ Dầu Một về mặt nầy. Năm 1901, thực dân
Pháp đã thành lập trường Mỹ Nghệ Thực Hành tại Thủ Dầu Một, còn gọi là trường Bá Nghệ, chuyên dạy đủ thứ các ngành nghề liên hệ đến ngành mộc.
Bên cạnh những người thợ thủ công lành nghề người Việt Nam, phải nói người Hoa cũng góp phần không nhỏ trong việc đưa ngành mộc và chạm trổ trên gỗ của Bình Dương lên hàng đầu. Họ là hậu duệ của những người Minh Hương đã cùng tướng Trần Thượng Xuyên đến khai phá vùng Cù Lao Phố hồi hậu bán thế kỷ thứ XVII, rồi sau đó tản mác đi khắp các tỉnh miền Đông. Do nhu cầu tạo tác tượng thờ trong các đình chùa, như các tượng Phước Lộc Thọ, Quan Công, Bồ Tát, Phật, hay Thập Bát La Hán, Thập Điện Minh Vương, Văn Thù, Phổ Hiền, Hộ Pháp, vân vân, mà những người thợ lành nghề tại vùng Bình Dương đã tạo nên những pho tượng trứ danh, vẫn còn lưu lại đến ngày nay.
Chính nhờ vậy mà nét đặc sắc của ngành chạm trổ và điêu khắc tại đây là các tượng gỗ với nét mặt vừa trang nghiêm mà hiền hòa, nói lên được bản sắc đặc thù của người dân Nam Kỳ. Ngoài nghệ thuật tạo tác những pho tượng gỗ, người Bình Dương còn có khả năng chạm lộng(21) trên gỗ những tác phẩm nghệ thuật hết sức đặc sắc như Phước Lộc Thọ, Bát Tiên, Bát Bửu, Mai-Lan-Cúc-Trúc, Thập Bát La Hán, và Mai-Điểu, vân vân. Hiện tại, những tác phẩm trứ danh nầy vẫn còn tồn tại trong các đình chùa ở Bình Dương. Bên cạnh nghệ thuật chạm lộng, người Bình Dương còn có khả năng chạm nổi những bức phù điêu nhằm trang trí các bờ rìa của những tấm hoành phi, liễn đối hay bàn hương án, và các cột tròn trong nhà cũng như tại các đình chùa. Ngoài ra, ngay từ thời xa xưa, người Bình Dương đã biết tận dụng những gốc cây lớn để tạo thành những tác phẩm nghệ thuật hết sức độc đáo và có giá trị thẩm mỹ rất cao.
Ngành Thủ Công Nghệ Sơn Mài Và Gốm Sứ Tại Bình Dương:
Về nghệ thuật sơn mài và điêu khắc trên gỗ chắc không có địa phương nào ở miền Nam có thể qua mặt được Bình Dương. Đối với người Bình Dương, nghệ thuật tạo tác sơn mài và điêu khắc trên gỗ không chỉ đơn thuần là cái nghề kiếm cơm, mà hai ngành nầy đóng vai trò rất quan trọng trong việc giữ gìn truyền thống cổ truyền từ cha anh ngay từ thời còn đi khai hoang trong vùng. Mà thật vậy, ngày nay nếu chúng ta chịu khó ngồi lại để ngắm nhìn một tác phẩm sơn mài hay điêu khắc trên gỗ của Việt Nam, chúng ta sẽ thấy phảng phất đâu đó một trời Việt Nam trong tác phẩm nầy. Đây là những ngành thủ công nghệ có lẽ xuất phát từ những nhu cầu cần thiết của lưu dân buổi đầu đi khẩn hoang. Khi vào các vùng hoang địa của rừng núi miền Đông, lưu dân không mang theo thứ gì, ngoại trừ những hiểu biết về những nghề thủ công nghệ truyền thống đã được lưu truyền từ nhiều đời ở miền ngoài(22), như các ngành mộc, sơn mài, điêu khắc trên gỗ, vân vân. Thêm vào đó, rừng đồi miền Đông Nam Phần thời đó lại có rất nhiều gỗ quí có thể dùng làm nguyên liệu để sản xuất ra sản phẩm, xây dựng nhà cửa, cũng như đóng ghe thuyền cho việc vận chuyển như các loại sao, dầu, cẩm lai, trắc, gõ, mun, trai, huỳnh đàn, giáng hương, vân vân.
Sau khi xâm chiếm miền Nam, thực dân Pháp đã sớm nhận ra ngành nghề thủ công mỹ nghệ của người Việt rất tinh xảo, nên ngay từ năm 1901, trường Mỹ Nghệ Thủ Dầu Một đã được thành lập, vì từ thời nhà Nguyễn, Thủ Dầu Một đã nổi tiếng với những ngành mộc, chạm trổ, cẩn ốc xa cừ, và sơn mài. Về sau nầy, hầu hết những học sinh tốt nghiệp trường Mỹ Nghệ Thủ Dầu Một đều trở thành những tay thợ giỏi, những nhà giáo hay những nghệ sĩ, họa sĩ tài ba của miền Nam. Đến năm 1964, chánh quyền Đệ Nhị Cộng Hòa đã quyết định biến trường Mỹ Nghệ Thủ Dầu Một thành trường Kỹ Thuật Bình Dương. Từ đó về sau nầy, đã có rất nhiều người đã thành danh từ ngôi trường nầy. Riêng về ngành sơn mài đã phát triển mạnh tại Bình Dương từ thế kỷ thứ XVII. Đây là một trong những ngành thủ công nghiệp cổ nhất của miền Nam, nó đã góp phần không nhỏ trong việc phát triển kinh tế cũng như trong cuộc an cư lạc nghiệp của dân chúng trong vùng đất Bình Dương.
Lái Thiêu(23) còn là cái nôi của tranh sơn mài nổi tiếng tại miền Nam, với những làng thủ công nổi tiếng như làng sơn mài Tương Bình Hiệp(24). Từ thị xã Thủ Dầu Một đi trên quốc lộ 13 về phía Bắc khoảng 8 cây số là làng Sơn Mài Tân Bình Hiệp, từ lâu đã nổi tiếng về sản phẩm sơn mài cha truyền con nối. Làng nầy qui tụ những người thợ sơn mài chuyên môn từ các tỉnh miền Bắc và Trung vào Nam lập nghiệp từ giữa thế kỷ thứ 18, và tại đây ngày nay hầu như nhà nào cũng sinh sống bằng nghề sơn mài. Ban đầu thì họ chỉ truyền nghề trong gia đình (cha truyền con nối), mỗi nhà đều làm riêng lẻ, hoặc vài nhà hợp tác với nhau làm thành một công ty, nhưng về sau nầy, do nhu cầu sơn mài lên cao, người Pháp cũng đặt mua tranh sơn mài rất nhiều, nên những người thợ lão luyện từ miền ngoài đã truyền nghề lại cho dân địa phương. Những năm gần đây, để cung ứng kịp với nhu cầu sơn mài sản xuất ra ngoại quốc, hàng chục hay hàng trăm gia đình kết hợp lại thành một công ty tương đối khá lớn, cộng với việc cơ giới hóa các bộ phận làm tranh nên việc sản xuất cũng khá nhanh và sắc xảo hơn.
Phải nói Bình Dương là một vùng đất có truyền thống rất lâu đời về mỹ nghệ. Đến đầu thế kỷ thứ XX, thì hầu như trai tráng cả làng Tương Bình Hiệp đã trở thành những người thợ tài hoa chuyên điêu khắc trên gỗ, chạm lộng, hay vẽ trên đồ gốm sứ. Sau nầy, những thợ chuyên môn nầy qui tụ lại tại vùng Tương Bình Hiệp, chỉ chuyên làm sơn mài. Vào những năm đầu thế kỷ thứ XX, sản phẩm của họ nổi tiếng từ trong quốc nội ra đến hải ngoại. Chính vì vậy mà vào khoảng năm 1901, khi thực dân Pháp mở trường Bách Nghệ Thủ Dầu Một, họ đã cho mời những tay thợ lão luyện của làng Tương Bình Hiệp về trường giảng dạy. Đến hậu bán thế kỷ thứ XX(25), khi nói đến làng Tương Bình Hiệp người ta mặc nhiên xem nó là làng sơn mài. Vào những năm nầy, làng Tương Bình Hiệp có nhiều xưởng sơn mài nổi tiếng như Thành Lễ và Trần Hà, chuyên môn sản xuất tranh sơn mài để xuất khẩu sang các nước Âu Mỹ. Sở dĩ tranh sơn mài ‘Tương Bình Hiệp’ luôn giữ được tiếng tăm từ xưa đến nay là nhờ những tay thợ giỏi ở đây lúc nào cũng tuân thủ những phương pháp cổ truyền trong kỹ thuật làm tranh như sơn lộng, sơn mài vẽ chìm, sơn mài vẽ mỏng, sơn mài khoét trũng, sơn mài cẩn ốc sa cừ, vân vân.
Những người thợ lành nghề sơn mài tại vùng Tương Bình Hiệp có khả năng sáng tạo rất cao trong các loại hình vẽ kiểu như hoa lá, long-lân-qui-phụng, phong cảnh địa phương, nông dân làm ruộng, phụ nữ Việt Nam, hay ngư-tiều-canh-mục, vân vân. Sản phẩm làm ra, ngoài những tuyệt tác qua tranh sơn mài, người Bình Dương còn dùng hình thức sơn mài qua những đồ lưu niệm, hộp đựng đồ trang sức, tủ thờ, ghế ngồi, hay bàn ăn, vân vân. Sau năm 1975, có lúc làng sơn mài Tương Bình Hiệp sa sút, trai tráng phải bỏ nghề đi lập nghiệp ở xứ khác. Tuy nhiên, ngày nay ngành sơn mài bắt đầu sống lại, và Tương Bình Hiệp vẫn luôn là trung tâm sơn mài nổi tiếng trong cả nước(26).
Ngay từ khi mới di cư vào khẩn hoang lập ấp ở miền Nam, cha anh chúng ta đã tìm thấy ở Bình Dương với một trữ lượng rất lớn về Kaolin(27) và đủ loại đất sét, là những nguyên liệu cần thiết cho việc phát triển ngành gốm sứ. Và nhắc tới Bình Dương là người ta liên tưởng ngay đến những làng gốm sứ nổi tiếng của miền Nam.
Thủ Dầu Một là một trong hai trung tâm sản xuất đồ gốm sứ lớn nhất của miền Nam Việt Nam(28). Hiện nay, trong tỉnh Bình Dương có ba làng gốm truyền thống đã thành hình và phát triển cho đến ngày nay, như Phước Khánh (Tân Uyên), Lái Thiêu (Thuận An), và Chánh Nghĩa (Thủ Dầu Một). Người sành điệu chỉ cần nhìn vào lớp men tráng bên ngoài là họ có thể biết ngay xuất xứ của loại gốm sứ đó. Lớp men tráng bên ngoài vừa đóng vai trò bảo vệ sản phẩm mà cũng vừa mang phong thái của trường phái đã chế tác ra nó. Hiện tại, ngoài phong thái cổ truyền của Việt Nam, các sản phẩm gốm sứ Bình Dương còn mang sắc thái của các trường phái Trung Hoa(29) như Phúc Kiến, Triều Châu và Quảng Đông, vân vân.
Về phía Bắc và Đông Bắc thị xã Thủ Dầu Một có nhiều đất sét và đất đá ong, nên vùng đất Bình Dương còn nổi tiếng về ngành đồ gồm sứ với hàng ngàn lò gốm. Theo các nhà nghiên cứu về gốm sứ Việt Nam, thì nguồn gốc của gốm sứ Bình Dương xuất hiện từ vùng Tân Phước Khánh, trong huyện Tân Uyên, là nơi có nhiều nguyên liệu thạch cao(30). Khoảng năm 1867, người Hoa ở Bình Dương đã xây một ngôi miếu để thờ Thiên Hậu Thánh Mẫu, trong miếu có trang trí nhiều lư hương và bình hoa bằng gốm sứ có xuất xứ từ làng Tân Khánh.
Như vậy, người Hoa đã đến vùng nầy từ trước khi ngôi miếu Bà Thiên Hậu được xây dựng. Ngày nay, hãy còn nhiều lò gốm sứ của người Hoa trong vùng Tân Phước Khánh như lò Thái Xương Hòa. Tuy nhiên, về sau nầy, đồ gốm sứ phát triển mạnh sang các vùng Lái Thiêu và Thủ Dầu Một. Hiện nay, tại Lái Thiêu có rất nhiều lò gốm và lò gạch sản xuất với số lượng cao và phẩm chất nổi tiếng cả nước. Các sản phẩm đồ gốm ở đây rất nổi tiếng nhờ hình thức đã phong phú, kiểu cách rất đẹp lại thêm nước men bóng và bền nên được nhiều người ưa chuộng. Nghề gốm sứ Bình Dương(31) có lẽ đã được du nhập vào Lái Thiêu vào cuối thế kỷ thứ XVII, do những người Hoa theo chân các đoàn thuyền buôn đi vào, có lẽ từ Móng Cái đã đi vào Gia Định lập nghiệp. Họ đã phát triển những lò gốm sứ trong vùng Lái Thiêu.
Ngày nay, vùng Lái Thiêu vẫn còn những lò gốm sứ lớn của người Hoa, như lò Anh Ký, Quảng Thái Xương, Kiến Xuân, Liên Hiệp Thành, vân vân. Ngoài ra, tại Thủ Dầu Một còn có gần 500 lò gốm sứ, và một số làng lân cận như Hưng Thịnh, Tân Phước Khánh, vân vân. Tưởng cũng nên nhắc lại là Lái Thiêu đã sản xuất rất nhiều đồ gia dụng, đồ trang trí mỹ nghệ và sản phẩm sơn mài đã từng tham dự tại các hội chợ nổi tiếng thế giới. Những năm gần đây, tại Bình Dương có nhiều người chuyển hẳn sang nghề làm đồ gốm, nhất là những làng Định Hưng, Thuận Giao, Bình Hòa và Chánh Nghĩa có hơn 500 lò gốm sứ.
Làng gốm Chánh Nghĩa(32)thời xa xưa còn có tên là làng gốm Bà Lụa, thuộc thôn Phú Cường,huyện Tân Bình. Đước thời Pháp thuộc, làng gốm Bà Lụa thuộc làng Phú Cường, tỉnh Thủ Dầu Một. Gôm Chánh Nghĩa có nguồn gốc từ gốm Cây Mai bên Gia Định và từ Lái Thiêu chuyển lên vào khoảng giữa thế kỷ thứ 19. Có người cho rằng vào khoảng những năm từ 1840 đến 1850, đã có ba lò gốm xuất hiện đầu tiên trong vùng đất nầy (Chánh Nghĩa); tuy nhiên, đa số các lò gốm tại đây đều do người Hoa làm chủ.
Người Long Hồ
Anaheim ngày 3 tháng 8 năm 2011
Copyright © 2012 by Ngoc Tran. All rights reserved.
Nhấp vào Links:
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét