Thứ Năm, 5 tháng 7, 2018

Tuổi Thơ Và Cuộc Đời - Kỳ 10

Lần đầu tiên tôi được đi Hà tiên chơi, lúc ấy tịnh xá Ngọc sơn thường tổ chức đi tham quan danh lam thắng cảnh, đi theo đoàn cũng vui lắm tôi đi cùng đám bạn tuổi nhỏ ở xóm nhưng giờ đứa nào cũng lớn cả rồi, chùa hang hòn phụ tử nhìn thật đẹp ven bờ biển có hàng dương gió thổi lao xao cảnh rất nên thơ.

Lăng Mạc Cửu

Lăng MẠC CỬU một công thần có công khai phá vùng đất Hà Tiên, rất được người dân ngưỡng mộ dù ông không phải là thần dân xứ Việt, vì không khuất phục nhà Thanh nên đã dẫn gia quyến và đoàn tùy tùng sang đất An Nam lập nghiệp làm nên một huyền thoại...

Còn chùa PHÙ DUNG nơi tu hành và an nghĩ của một hồng nhan bạc phận
một chuyện tình buồn của một nàng thứ thiếp ngài tổng trấn Hà Tiên.
Hình như sau này soạn giả Kiên Giang có soạn thành tuồng cải lương: Áo cưới trước cổng chùa....nay tất cả đều đi vào quá khứ, nhưng dòng lịch sử vẫn còn trong lòng người dân Hà Tiên.

Nào núi TÔ CHÂU, nào ĐÔNG HỒ tất cả đều mang một vẽ đẹp hoang sơ.
Rồi THẠCH ĐỘNG: đứng trên thạch động nhìn xa xa thấy biên giới Campuchia. Đất nước Campuchia, quê ngoại tôi mà tôi chưa một lần biết đến, dẫu nó gần sát bên Việt nam, còn nói về quê cha đất tổ thì còn xa xôi cách trở tôi không biết quê nội ở phương trời nào chỉ biết là đảo Hải Nam bên Trung hoa lục địa, ba nói xóm ba ở là cùng chung một họ.

Hình Toàn và bạn tuổi thơ

Tỷ như xóm này họ Hình thì cả xóm họ Hình.
Qua xóm khác mới họ khác, cho nên lúc sau này có những người bà con một họ của ba sang Việt nam lập nghiệp, rồi cưới chị ruột và chị em bạn dì của má
cũng là người họ Hình (thế nên Nghiềl vừa là chị em bạn dì của tôi vừa là chị em họ tôi)...

Ở Hà Tiên có nhiều cây thốt nốt, loại cây này giống như một loại đặc sản vùng miền mà xứ khác không có. Những hàng cây thốt nốt xoè ra như cánh quạt, đường thốt nốt thơm ngon hơn đường thẻ, đường thùng, còn trái thốt nốt chặt ra lấy thịt ăn dẻo dẻo cũng ngon như dừa nước, nó như một thứ nước giải
khát, còn nếu trái chín đem mài ra lấy bột màu vàng trộn với bột gạo bột nếp dừa nạo gói lá chuối đem hấp rất ngon.

Tôi nói mài trái thốt nốt (là vì khi trái chín bóc lớp vỏ đen ra thì ở trong có sợi có sợi giống như sợi tóc, thịt vàng mình phải dùng rổ thưa mài lấy chất bột sền sền, có thể làm bánh bò thốt nốt, nhưng tôi thích bánh gói lá chuối hơn, vừa thơm mùi lá mùi thốt nốt bột dẻo dẻo có dừa nạo rắc lên trên.
Ăn ở đẳng chưa đã khi về tui còn mua cả chục trái thốt nốt chín đem về, thiệt tình mà nói tui mê ăn mê chơi mà hỏng mê làm (ba cái chuyện bếp núc)

Nấu ăn tôi cũng không rành (biết nấu nhưng không ngon)
May vá tôi cũng không rành (lên bàn máy thì cũng biết đạp đường thẳng)
Khoái mặc đồ đẹp mà không chịu học may, ba tôi thường nói nữa lớn mày làm cái gì ăn, con gái lớn rồi cái gì cũng không biết làm

Tôi trả lời: ba thấy có ai thợ may mà giàu không? Hỏng có...
Ai làm đầu bếp mà khá không ? Hỏng có.. nấu xong mệt quá ăn hỏng vô
Làm bánh, bưng đi bán...bán hỏng hết phải ăn trừ cơm...
Mình buôn bán có tiền, có tiền thì..cái gì cũng có ...
Ai dám cưới mày!!
- Xời ...tui cần gì ai cưới(nếu có tui tìm ai hỏng có cha có mẹ khỏi làm dâu)

Thằng đó chắc ở dưới đất chui lên mới không có cha có mẹ ...
Tóm lại tui không thèm để ý đến ai ... thế là xong...
Tại sao trai lớn lên phải lấy vợ, gái lớn phải lấy chồng ? Chi cho phiền dzậy
Rồi đẻ ra cả bầy...nuôi không nổi còn khổ cả chùm ...


Tôi thì ngán ngẫm những gia đình nghèo đông con, nghèo muốn có hạnh phúc cũng khó, vì có thương nhau lắm (thời trẻ) rồi nghèo túng cũng cắn đắng nhau
“Vợ đẻ con đau nhà nước ngập “ thì khổ biết chừng nào....
Có nhiều cặp còn đánh lộn ỳ sèo, chung qui cũng một chữ nghèo
Tôi nhớ thời đó có chương trình sổ số kiến thiết, có nhiều giải trúng khác nhau, bắt đầu bằng giải:
- Giải nhất = có hai con số (người ta lợi dụng lấy loại này đánh số đề)
- Giải nhì  = có ba con số
Rồi từ từ xuống đến sáu con số gọi là "lô độc đắc"

Nhưng than ôi!!! Những người nghèo thì lại càng nuôi hy vọng trúng số để đở nghèo, vì số đề mua một đồng trúng được bảy chục đồng
Nên nó mới sanh thêm một nghề ghi phơ (nghĩa là có những người đi bán ghi cho chủ thầu ăn tiền cò, rồi lại thêm ba cái vụ nằm chiêm bao bàn đề, có khi còn đi thỉnh xác ông tà để xin số đánh đề ... ôi đã nghèo lại càng thêm nghèo lại càng thêm túng quẩn nợ nần, chồng thì tìm quên trong men rượu ....

Ôi ngán ngẫm cho một kiếp người ...

Ngày xưa tại sao thái tử TẤT ĐẠT ĐA sau một lần dạo chơi ra ngoại thành thấy cảnh : SINH-LÃO-BỊNH-TỬ thì trong lòng chán nản muộn phiền, tại sao
cuộc đời cứ mãi lập đi lập lại như vết xe lăn, nên ngài đã từ bỏ cung vàng điện ngọc để tìm về một cỏi vĩnh hằng để đời không còn đau khổ ...
Con người là một kiếp nhân sinh, chào đời đã khóc than cho thân phận rồi

Thôi không nói về chuyện dân tình ấm lạnh đói no, tôi còn cơm cha áo mẹ
thì lo chuyện học hành, nhưng học hành có yên đâu, nay nghe trận đánh này
mai nghe pháo kích ở kia, tình hình đất nước sôi động những đứa bạn những người
người quen có người bỏ học đi tòng quân nhập ngũ, đứa về quê phụ giúp gia đình, mỗi người một hoàn cảnh khác nhau, một tương lại mờ mịt, chúng tôi một đàn chim mới lớn biết bay về đâu ?.
Chúng tôi mỗi ngày ôm tập đến trường nhưng đầu óc hoang mang,không thể tập trung vào những bài học những vần thơ, những bài toán nữa vì chúng thật mơ hồ, còn tin chiến sự thì loan báo hàng ngày, nào Hoàng sa, nào Trường sơn .....Ôi biết cuộc đời sẽ ra sao !!??
Buâng khuâng với hiện tại, lo lắng chuyện tương lai, quá khứ thì đã qua dòng đời trôi mãi như những dòng sông chảy tràn ra biển, một thời kỳ một đấu móc của lịch sử, mà vô tình thế hệ chúng tôi là một chứng nhân !!!

Hẹn lại kỳ 11 vận nước nổi trôi đời người trôi nổi.

Hình Toàn

Xin mời xem tiếp:

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét