Cộng Đồng Người Minh Hương Trong Vùng Mỹ Tho Đại Phố:
Trong khi quan Tổng Binh Trấn Thủ các châu Cao, Lôi, Liêm là Trần Thượng Xuyên, còn gọi là Trần Thắng Tài, cùng phó tướng là Trần An Bình, đem gia quyến và tùy tùng trên 3.000 người và 50 chiến thuyền được chúa Nguyễn cho vào khai khẩn đất Đồng Nai; thì quan Tổng Binh Trấn Thủ Thủy Lục ở Long Môn, thuộc tỉnh Quảng Tây là Dương Ngạn Địch và Phó Tướng của ông là Hoàng Tấn cũng được chúa Nguyễn đồng ý cho về miệt Mỹ Tho để vừa giúp đám lưu dân Việt Nam đang ở chung đụng với người Chân Lạp, vừa tiếp tục khai khẩn những vùng đất hãy còn hoang vu, mà cũng vừa trấn át quân Xiêm và Chân Lạp lúc nào cũng lăm le quấy phá vùng đất mới này. Theo Đại Nam Thực Lục Tiền Biên, năm Kỷ Mùi, 1679, mùa xuân, tháng giêng, tướng cũ nhà Minh là Long Môn tổng binh Dương Ngạn Địch và phó tướng Hoàng Tiến, Cao Lôi Liêm, tổng binh Trần Thượng Xuyên và phó tướng Trần An Bình đem hơn 3.000 quân và hơn 50 chiến thuyền đến các cửa biển Tư Dung và Đà Nẳng, tự trần là là bề tôi của nhà Minh, vì nước mất nên trốn đi, không chịu làm tôi nhà Thanh, đến để xin làm tôi tớ. Bấy giờ bàn bạc rằng: phong tục tiếng nói của họ đều khác, khó bề sai dụng, nhưng họ bị thế cùng bức bách đến đây thì không nỡ cự tuyệt.
Nay đất Đông Phố, nước Chân Lạp đồng ruộng phì nhiêu nghìn dặm, triều đình chưa rỗi mà kinh lý, chi bằng nhân lấy sức của họ cho đến khai khẩn để ở, làm một việc mà lợi ba điều. Chúa theo lời bàn bèn sai đặt yến ủy lạo khen thưởng, trao cho quan chức, khiến đến ở đất Đông Phố. Lại cáo dụ nước Chân Lạp rằng như thế là có ý không để nước Chân Lạp ra ngoài. Nhóm Dương Ngạn Địch đến cửa khuyết tạ ơn để đi. Binh thuyền của Ngạn Địch và Hoàng Tiến vào cửa Lôi Lạp (Soài rạp), đến đóng ở Mỹ Tho(10). Binh thuyền của Thượng Xuyên và An Bình vào cửa Cần Giờ, đến đóng ở Bàn Lân(11). Họ vỡ đất hoang, dựng phố sá, thuyền buôn của người Thanh và các nước Âu châu, Nhật Bản, Chà Và đi lại tấp nập(12). Nhờ hai đạo quân hùng mạnh giữ an ninh trật tự nên chẳng mấy chốc, các sắc tộc Việt, Miên và Hoa cùng nhau khai phá, phát triển và biến những vùng đất này thành một trong những vùng đất trù phú nhất Nam Kỳ thời đó. Khác với những nhóm lưu dân người Việt đến đó trước đây là chỉ lưu tâm đến phá rừng làm ruộng rẫy, những nhóm người Hoa mới đến này họ vừa phá rừng làm ruộng rẫy, vừa làm thương mại buôn bán. Hai nhóm người Hoa này đến Việt Nam thời đó đi theo rất nhiều nhà khoa bảng bất mãn với Thanh triều nên chẳng mấy chốc hai vùng Đồng Nai và Mỹ Tho biến thành hai thành phố vừa lớn mạnh về các mặt nông nghiệp và thương mại, mà cũng vừa phát triển về văn hóa nữa. Chính những người Minh Hương nầy đã biến hai vùng này thành hai trung tâm thương mại và giao dịch với nước ngoài lớn nhất vùng Nam Kỳ thời đó.
Cũng như Mạc Cửu ở Hà Tiên, nhóm người Minh Hương ở Mỹ Tho Đại Phố cũng tìm cách giao dịch với người Tân Gia Ba, Hương Cảng, Nhật Bản, và người Tây Dương(13). Thời đó thuyền buôn các xứ này tới lui vùng Mỹ Tho thật tấp nập. Khu chợ búa trong vùng Mỹ Tho Đại Phố chẳng những qui tụ những người Minh Hương, mà còn qui tụ khá đông người Việt từ các khu vực lân cận. Theo Gia Định Thành Thông Chí: “Tại Mỹ Tho, phố xá buôn bán đông đúc. Chợ phố Mỹ Tho có nhà ngói cột chạm, đình cao, chùa rộng, ghe thuyền ở các ngã sông, biển đến đậu đông đúc, làm thành một chốn đại đô hội, rất phồn hoa, huyên náo. Bên cạnh đó, tại Mỹ Tho Dương Ngạn Địch cũng khai khẩn nhiều thôn ấp. Vùng này đất đai phì nhiêu, sông sâu nước chảy, rất thuận tiện cho việc trồng trọt.” Theo Đại Nam Nhất Thống Chí:
“Ở đây người Hoa cùng người Việt khai phá đất mới làm ruộng, lập vườn trồng cau bán cho thương nhân Mã Lai. Ruộng bằng phẳng tốt ... có những vườn cau xum xuê. Nhà nào cũng có chứa cau khô và cau tươi đầy sân, đầy lẫm để bán đi các nơi xa gần. Đời sống dân Mỹ Tho thời đó có phần sung túc hơn ở Gia Định. Phụ nữ thì nuôi tằm, dệt cửi cũng hơn, mà nhà nông cày cấy cũng hơn.” Thật tình mà nói, trong cuộc mở cõi về đất phương Nam, Trần Thượng Xuyên, Dương Ngạn Địch, cùng với Mạc Cửu là những người Minh Hương đã góp phần không nhỏ trong việc mở mang, khai phá và phát triển vùng đất Nam Kỳ, đáng được toàn dân Việt Nam nói chung và con dân Nam Kỳ nói riêng ghi nhớ công đức và lập đền thờ lưu lại cho hậu thế.
Tóm lại, sự xuất hiện của tướng Dương Ngạn Địch và quân dân Long Môn tại vùng Thủy Chân Lạp vào cuối thế kỷ thứ XVII đã góp phần tạo nên những biến chuyển quan trọng cho việc định hình và phát triển vùng đất Nam Kỳ về sau nầy. Chính Dương Ngạn Địch và những người Minh Hương cùng tháp tùng theo ông đã tự nguyện trở thành thần dân của xứ Đàng Trong và không riêng gì gia quyến của Dương Ngạn Địch, mà cả đoàn đi theo ông đã có những hành động rất tích cực trong việc khẩn hoang lập ấp để không những xây dựng nên một cộng đồng người Minh Hương vững chắc tại vùng Mỹ Tho. Bên cạnh đó, nhóm người Minh Hương nầy còn giúp cho các chúa Nguyễn xây dựng và phát triển một Nam Kỳ thật vững chắc và phát triển vượt bực so với các vùng khác. Phải thành thật nói rằng công lao khai phá vùng đất Nam Kỳ của cộng đồng người Minh Hương không phải là nhỏ. Chính bao nhiêu thế hệ của những người Minh Hương đã đổ ra không biết bao nhiêu là mồ hôi và xương máu để biến vùng đất Nam Kỳ thành một trong những miền đất trù phú và thịnh vượng nhất Đông Nam Á.
Người Long Hồ
Anaheim ngày 3 tháng 8 năm 2011 Copyright © 2012 by Ngoc Tran. All rights reserved.
Nhấp vào Links:
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét