Thứ Sáu, 14 tháng 9, 2018

Vui Buồn Tuổi Học Trò

(Lớp Seconde Moderne II cuối niên học 1953-1954)
Hình 1:
Hàng đứng từ trái qua phải:
- Hàng trước: Phạm huy Hoàng (con thầy Liêu), Nguyễn văn Tiết (kỹ sư), Lâm văn Mẫn (đốc sự),Lâm văn Miếng, Châu minh Thiện, Trần bá Xử,Lưu bỉnh Khiêm, Lê khắc Nghĩa, Nguyễn phú Quí, Hứa xướng Văn, Dương quang Ngự.

- Hàng sau: Trương quang Minh (HT), Nguyễn trung Nghĩa, Lê văn Hai (trung tá),Huỳnh minh Bảo (kỹ sư), Hồ công Minh (hàng hải thương thuyền/marine marchande), Hồ công Tâm (em ruột Hồ công Minh). 

Lời Mở Đầu:

Khi chọn tựa đề bài viết Vui Buồn Tuổi Học Trò, người học trò già này liên tưởng ngay đến quyển sách Vinh Nhục Đời Lính (Grandeur et Servitude Militaires) của nhà văn kiêm nhà thơ nổi tiếng của Pháp ở thế kỷ 19 thuộc trường phái lãng mạn là Alfred De Vigny vì có lẽ hơi giống nhau ở hai thái cực vui và buồn trong cuộc đời. Dưới đây tôi xin phép quý thầy cô và quý niên trưởng, đồng môn và thân hữu được nêu lên vài câu chuyện vui buồn tuổi cắp sách đến trường mà đa số buồn nhiều hơn vui trong suốt chiều dài ở Trường Trung Học Phan Thanh Giản Cần Thơ trong nửa đầu thập niên 50.

Câu chuyện của chị đồng môn Nguyễn Thị Cẩm Lệ.

Nguyên nhân chính và sâu xa nhứt khiến tôi viết bài này bắt nguồn từ khi tôi mày mò xem bài VUI BUỒN CỦA TUỔI ĐỜI HỌC SINH do chị đồng môn Nguyễn thị Cẩm Lệ viết trong chuyên mục TRƯỜNG TÔI TRONG TRÍ NHỚ (TẬP I) xuất hiện trên giai phẩm PHAN THANH GIẢN & ĐOÀN THỊ ĐIỂM được xuất bản năm 2002. Như vậy có thể nói bài Vui Buồn Tuổi Học Trò của tôi là phần nối tiếp bài viết của chị Nguyễn Thị Cẩm Lệ vì lúc đọc bài của chị tôi rất vui khi nhận ra "đây là bà con của mình đây mà" vì chúng tôi học cùng một thời và cùng một trình độ như nhau, chỉ khác biệt ở chỗ chị học ở série Classique, section Moderne đi từ Sixìème đến Première Moderne trước khi lên classe terminale, còn tôi thuộc enseignement Secondaire, section Moderne đi từ Première Année đến Première Moderne trước khi qua classe terminale.

Đúng như chị đã viết là người ta nói hễ già hay nhớ chuyện xưa nên bây giờ tôi không thoát ra khỏi thông lệ đó, do vậy tôi thường hay hồi tưởng lại cái thuở cắp sách đến trường từ cái ngày mới là cậu bé học ở trường làng bậc tiểu học nhưng phải nói nhớ nhứt là thời gian mài đủng quần ở các trường trung học đệ nhứt cấp và đệ nhị cấp, cái thời gian nhiều kỷ niệm êm đềm nhứt mà mỗi lần nhớ lại là không sao tránh khỏi nỗi bâng khuâng tiếc nuối như đã đánh mất đi cái thời vàng son quý báu nhứt của cuộc đời.

Vì trong bài viết của chị có đoạn cho biết Chị còn nhớ nhiều đồng môn bên nam cùng thời với chị nên tôi hớn hở liên lạc với đồng môn niên đệ Lê Hoàng Viện được xem như quyển tự điển sống của sinh hoạt PTGĐTĐ hải ngoại để hy vọng được liên lạc với chị Nguyễn Thị Cẩm Lệ và ba hoa chích chòe đôi điều với chị về cái thuở được hân hạnh làm học trò của Collège de Cần Thơ xa xưa ấy, nhưng than ôi, bản điện thư hồi âm của niên đệ Lê Hoàng Viện như gáo nước lạnh dội vào người khi được biết hung tin là chị Nguyễn Thị Cẩm Lệ đã qua đời đã hơi khá lâu nhưng vì chị và phu quân là anh Trương Kim Thạch ở tận bên phương trời Âu Châu xa tít mù khơi là Hy Lạp nên chỉ có bạn bè ở Houston TX là biết được tin này mà thôi. Đây là tin buồn đầu tiên trong một chuổi dài những tin buồn liên quan đến chuyện Vui Buồn Tuổi Học Trò nêu trên. Trong kỳ Đại Hội đầu tiên các Cựu Học Sinh Trung Học Phan Thanh Giản- Đoàn Thị Điểm Hải Ngoại tổ chức tại Houston TX năm 19 97 kỷ niệm 80 năm ngày thành lập trường, các đồng môn luôn nhắc đến sự kiện chị Nguyễn Thị Cẩm Lệ rất vui mừng khi gặp lại thầy xưa bạn cũ đến bật khóc trông rất dễ thương và cảm động. Ngày xa xưa ấy nay còn đâu hỡi chị Cẩm Lệ thân thương, và như vậy là điều mong mỏi thiết tha nhứt của tôi được tâm sự với chị sẽ không bao giờ thực hiện được; qua bài viết này, tôi xin kính cẩn đốt nén hương lòng để tưởng nhớ đến chị, một chị bạn đồng song mà tôi rất mến mộ khi xem bài viết đầy chân tình của chị mà chưa bao giờ tôi hân hạnh được diện kiến với chị để biết thêm những tin tức về các bạn đồng môn cùng thời ở đầu thập niên 50 với chúng ta.

Câu chuyện về đồng môn Huỳnh Minh Bảo

Anh Huỳnh Minh Bảo là người bạn rất thân học cùng lớp với tôi những niên học 1953, 1954 và 1955. Tuy thời gian học chung với nhau chưa đủ dài nhưng tình cảm giữa hai chúng tôi rất khắng khít mà chúng tôi xem như anh em ruột vậy. Ngày ấy, khi Mối Tình Học Trò chớm nở, tuy chỉ trong tư tưởng mà thôi, nhưng anh là nhân chứng đặc biệt quan trong khi anh đang ở đường Capitaine d'Hers, sau này gọi là đường Phan Thanh Giản, dường như ngụ chung nhà với "người đẹp" giống Nhật (quê ở Sóc Trăng) học Đệ Ngũ A cùng lớp với cô Huệ Judo và Bích Hằng con thầy hiệu trưởng Nguyễn Băng Tuyết mà các bạn quỹ sứ lớp tôi đã đùa nghịch, trêu chọc và gán ghép với tôi vì biết tôi rất nhát gái, có trời mà biết thôi quý vị à? Đến khi tôi gởi thiệp chúc Giáng Sinh cho người đẹp mà không được hồi âm, chính anh Bảo là người tôi nhờ hỏi thăm tin tức dùm tôi vì tôi biết anh cũng mến tôi và tôi đặt hết tin tưởng vào anh vì dĩ nhiên tôi biết anh không đùa nghịch với tôi như một vài bạn khác. Sau này, khi tôi gia nhập Trường Võ Bị Liên Quân Đà Lạt thì cũng đúng lúc anh Bảo vào học Trường Quốc Gia Nông Lâm Súc ở Blao (Bảo Lộc) nên có đôi ba lần anh xuống thăm tôi tại Trường Võ Bị Liên Quân Đà Lạt. Một thời gian sau, khi tôi là Trung úy huấn luyện viên, sau đó làm Trưởng Ban 3/Huấn Luyện của Liên Đòan B Trung Tâm Huấn Luyện Quang Trung thì một sự bất ngờ thú vị đã xảy ra khiến tôi gặp lại anh trong hoàn cảnh dở khóc dở cười ngoài ý muốn của anh để tôi được dịp giúp lại người bạn cũ chí cốt ngày xưa mà cháu Huỳnh Minh Bích Nga, con gái đầu lòng của anh đã ghi lại trong trang nhà của trường Mẹ qua bài Một Cách Sống Của Ba.

Câu chuyện chưa chấm dứt ở đây vì sau biến cố 30.4.1975, tôi được định cư tại Mỹ sau những năm tháng lao tù, còn anh, tuy cũng là sĩ quan và là kỹ sư ngành Nông Lâm như vẫn ở lại Saigon với gia đình. Chúng tôi vẫn liên lạc qua thư từ và vẫn giữ tình cảm sâu đậm với nhau như ngày nào. Trong lần về thăm nhà vào cuối năm 2013, tôi dự định mời anh về thăm Cần Thơ và trường Mẹ nhưng sức khỏe anh suy yếu dần dần nên tôi hứa với anh khi trở về Saigon, hai anh em sẽ rủ nhau đi uống cà-phê, nhưng ngày tôi trở lại thì cũng là ngày tôi tiễn anh đến ga cuối cùng của cuộc đời. Anh Bảo ơi, còn đâu những giây phút chúng ta gặp nhau ở Đà Lạt, một dân sự và một quân sự, hay những giây phút ở nhà anh cùng chị và các cháu, đặc biệt cháu Bích Nga luôn túc trực bên cạnh để chăm sóc cho anh từng ly từng tí một không rời xa anh một bước! Mong anh ở chín tầng mây bạc luôn phù trợ cho Chị và các cháu được mọi việc an lành.

Câu chuyện về đồng môn Trương Quang Minh.

Trong hai năm học lớp Seconde Moderne II và Première Moderne II từ năm 1953 đến 1955, bạn Trương Quang Minh là học sinh Trưởng Lớp (major) gương mẫu. Phải nói một cách công tâm rằng gần như hầu hết các bạn cùng lớp với tôi học hành chăm chỉ, ngon lành lắm chớ bộ, nhưng chỉ có vài trự vượt trội "đè đầu đè cổ" chúng tôi trong đó phải nói đến bạn Trương Quang Minh. Anh chẳng những học giỏi mà tính tình rất dễ mến. Da dẻ anh hồng hào như con gái mà mỗi khi ai chọc anh mắc cở thì y như rằng anh có vẻ bẽn lẽn như con gái và ít tranh cải với ai, nhưng trong học tập, anh luôn luôn có những ý kiến sắc bén đầy tính thuyết phục người nghe. Đặc biệt trong giờ Physique (Vật Lý), thầy Nguyễn Văn Trọng (FM Đầu Bạc) thường gọi bạn lên giảng bài cho cả lớp nghe, và từ những giây phút đầu tiên ấy, anh đã có đầy đủ đức tính của một giáo sư lành nghề sau này.

Từ khi lên Saigon học tiếp rồi gia nhập Trường Võ Bị Liên Quân Đà Lạt trở về sau, tôi không biết tin tức về người bạn học cùng lớp giỏi giang này nữa, mãi cho đến kỳ Đại Hội Thế Giới XVI PTG-ĐTĐ tổ chức tại thủ phủ Boston, Massachusetts gần nơi tôi cư ngụ, tôi đã thăm hỏi một số đồng môn các nơi về tham dự Đại hội 16, đặc biệt là hai đồng môn chuyên trách trang nhà của Trường Phan Thanh Giản-Đoàn Thị Điểm (mà tôi mới có dịp làm quen lần đầu tiên) là Nguyễn Công Danh và Lê Hoàng Viện, khi ấy tôi mới được biết tin bạn Trương Quang Minh đã vĩnh viễn ra đi tại Melbourne, Úc Châu vào đầu năm 2005 để lại trong tôi vô vàn luyến tiếc khôn nguôi.

Câu chuyện về những đồng môn khác cùng lớp với tôi.

Đúng theo tinh thần của chủ đề Tìm Về Kỷ Niệm của Đại Hội Truyền Thống PTG&ĐTĐ và Một Thời Để Nhớ của Đặc San số 19, qua thông tin cung cấp bởi đồng môn niên đệ Hồ công Nghiệp là em của hai đồng môn bạn cùng lớp với bạn Trương quang Minh và tôi là Hồ công Minh và Hồ công Tâm, học trò già Luật sư Hồ Trung Thành đã chuyển đến quý Thầy Cô và đồng môn 2 tấm hình ngày xưa của các bạn học cùng lớp Seconde Moderne II với tôi chụp vào cuối niên khóa 1953-1954 tại Trường Phan Thanh Giản Cần Thơ (danh xưng ngày ấy là Lycée Phan Thanh Giản Cần Thơ).

Hình 2:
- Hàng đầu: Trương quang Minh, Châu minh Thiện, Lê văn Hai 
- Hàng thứ 2: Lâm văn Miếng, Lê khắc Nghĩa
- Hàng thứ 3: Dương quang Ngự, Lưu bỉnh Khiêm, Nguyễn phú Quí, Hứa xướng Văn, Phạm huy Hoàng, Lê văn Tiết
- Hàng thứ 4: Các anh Hồ công Minh, Nguyễn trung Nghĩa, Trần bá Xử, Lâm văn Mẫn, Huỳnh minh Bảo, Hồ công Tâm
(chỉ thêm một anh ngồi đàng sau chỗ cao nhứt là Nguyễn thới Lai, GS đại úy, còn những người khác như hình 1.
- Hàng sau cùng có anh Nguyễn thới Lai ngồi cao nhứt

Một trời kỷ niệm đã ập đến với tôi khi nhìn thấy các diện mạo còn trẻ măng của bạn cũ năm nào từ bạn Phạm Huy Hoàng, con cố GS Phạm kim Liêu hiện ở Hoa Kỳ, bạn Nguyễn văn Tiết là kỹ sư hiện còn ở Việt Nam, đến các bạn Lâm văn Mẫn, đốc sự hành chánh hiện ở Sacramento, CA, bạn Hồ công Minh tốt nghiệp hàng hải thương thuyền hiện ở Westminster, CA, và em là GS Hồ công Tâm, cựu Trưởng Phòng Văn Hóa Trường Thiếu Sinh Quân Vũng Tàu hiện ở Tân Định, quận 1 Saigon, bạn Nguyễn thới Lai, GS hiện ở An Hội, quận Ninh Kiều, thành phố Cần Thơ. Trong hình còn có bạn Châu minh Thiện, kỹ sư là em của cố Trung tá Châu minh Hiền và cố Thiếu tá Châu minh Huệ là con của cố GS Châu văn Đồng (?) ở Châu Đốc mà tôi không biết bạn Thiện bây giờ ở đâu cũng như các bạn Nguyễn văn Miếng, Lưu bỉnh Khiêm, Lê khắc Nghĩa, Nguyễn phú Quí, Dương quang Ngự cao nhòng, Lê văn Hai từng ở Phủ Tổng Thống Đệ Nhị Cộng Hòa, anh Nguyễn xuân Nghĩa, và đặc biệt là anh Hứa xướng Văn trọ học tại Sca-Radio cạnh sông cái ngang nhà chị em người đẹp 11 bia (onze bis hay ông già bích). Cũng trong hình thứ hai này còn có hai anh bạn đã nêu ở phần trên là bạn trưởng lớp Trương quang Minh, cố Hiệu Trưởng trường PTG, cố Chánh Sự Vụ Sở Học Chánh Phong Dinh và cố kỹ sư Huỳnh minh Bảo đã rời bỏ các bạn cùng lớp chúng tôi năm 2014 vừa qua.

Một điểm đặc biệt khác nữa là trong lớp tôi có hai cặp là anh em ruột, cặp thứ nhứt là hai bạn Hồ công Minh và Hồ công Tâm, còn cặp thứ hai quê ở Sa Đéc là hai bạn Trần văn Dẫu và Trần văn Dược là bạn rất khắng khít với đồng môn bác sĩ Nguyễn việt Tân Roland, con trai duy nhứt của thầy Nguyễn gia Lịnh, hiện đang định cư tại Miami, Florida.

Điểm đặc biệt cuối cùng mà tôi muốn đề cập đến trước khi chấm dứt việc ba hoa chích chòe ở đây là lúc bấy giờ (những năm 1953-1955) trong lớp tôi có hai bạn là người Miên mà tôi không nhớ tên. Từ năm 1956 trở về sau, chúng tôi chưa bao giờ gặp lại nhau mãi cho đến năm 1971, lúc bấy giờ tôi là Trung tá phục vụ tại Tổng Cục Quân Huấn Bộ Tổng Tham Mưu, trong dịp tiếp đón Phái đoàn Campuchia trong thời gian Lon Nol lãnh đạo quốc gia này, bấy giờ Quân Lực VNCH giúp Campuchia huấn luyện binh sĩ của họ tại TTHL Lam Sơn ở Vùng 2 Chiến Thuật. Khi tiếp rước phái đoàn Kampuchia (Délégation Cambodienne), điều bất ngờ thú vị là tôi đã gặp lại anh bạn đồng học cùng lớp năm xưa ở Lycée Phan Thanh Giản Cần Thơ khi ấy anh mang cấp bậc Trung tá của Quân đội Campuchia, dĩ nhiên là anh ta đã rất vui mừng nên đã xí xô xí xào bằng tiếng Việt Nam với tôi một lúc khá lâu trước sự ngạc nhiên của cả hai phái đoàn Cao Miên và Việt Nam.

Viết tại Springfield, Massachusetts, mùa thu năm 2015
Trần Bá Xử

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét