Thứ Bảy, 25 tháng 8, 2018

Đất Phương Nam I-Từ Tổng Bình An Đến Tỉnh Bình Dương Phần 4

MiễuThờ Bà Thiên Hậu 

Di Tích Lịch Sử Và Danh Lam Thắng Cảnh Bình Dương: 

Tại chợ Bình Dương hãy còn một biểu trưng đặc sắc của dân buôn bán người Hoa, đó là Miễu thờ Bà Thiên Hậu với tên chính thức là ‘Thiên Hậu Cung’. Miếu được xây dựng vào khoảng giữa thế kỷ thứ 19, được trùng tu lần đầu vào năm 1880, lần thứ nhì vào năm 1925. Theo truyền thuyết Trung Hoa, Thiên Hậu Thánh Mẫu quê ở Phúc Kiến, sanh ra vào đời nhà Tống. Bà có tài tiên đoán về thời tiết và gió bão trên biển khơi, nên đã giúp được dân chúng thoát qua nhiều cơn nguy hiểm, vì thế bà được tôn vinh như Hiền Thánh. Bà được đa số người Hoa di cư sang Việt Nam thờ phụng sau khi họ được an toàn đến quê hương mới, dần đà về sau này người ta đến cầu bà về việc mua may bán đắc, vì cầu đâu được đấy nên người ta trở nên tin tưởng bà về mọi mặt. Lễ hội chùa Bà hàng năm được tổ chức vào ngày 15 tháng giêng âm lịch. Ngoài việc cúng tế người ta còn tổ chức vui chơi tiệc tùng linh đình. 

Ngay tại trung tâm thị xã Thủ Dầu Một còn có một ngôi chùa Ông của người Hoa, nơi thờ ông Quan Công. Chùa được xây dựng vào năm 1868, ban đầu có tên là Thanh An Cung, về sau đổi lại là Thanh An Tự. Ngay trước chùa người ta cũng thờ tượng con ngựa Xích Thố(33), với Thanh Long Đao. Nhờ hai báu vật nầy mà Quan Công đã lập được rất nhiều chiến công hiển hách, và đã trở thành một danh tướng trong thời Tam Quốc. Chùa có lối kiến trúc Trung Hoa, theo kiểu cổ, trên lầu trang trí tứ linh(long, lân, qui, phụng), bên dưới có cảnh ‘Đào Viên Kết Nghĩa’, ‘Quan Công phò Nhị Tẩu’, và ‘Lưu Bị cầu hôn Giang Tả’. Chánh điện là bàn thờ ông Quan Công(34), kế đến là bàn thờ ngũ vị: chính giữa là Quan Công; hai bên gồm các vị Lưu Huyền Đức(35), Trương Dực Đức(36), Quan Bình(37), Châu Xương(38). Cả năm vị nầy đều được người Hoa tôn vinh là ‘Ngũ Công Vương Phật’. Ngoài ra, trong chùa Ông còn thờ Chúa Tiên Nương Nương, Tôn Ngộ Không, Lý Trích Tiên Chân Nhân, và Phước Lộc Thọ, vân vân. Nói đúng hơn, Thanh An Tự là một ngôi đền cổ, nơi phối hợp giữa hai luồng tín ngưỡng Phật giáo và tín ngưỡng dân gian của người Hoa. 

Tại thị xã Thủ Dầu Một còn có ngôi chùa cổ tên Hội Khánh(39), trong phường Phú Cường, thị xã Thủ Dầu Một. Chùa được Thiền sư Đại Ngạn thuộc dòng Thiền Lâm Tế xây dựng vào năm 1741. Năm 1861, khi thực dân Pháp tiến đánh tổng Bình An, họ đã san bằng ngôi cổ tự nầy thành bình địa. Năm 1868, Hòa Thượng Chánh Đắc tái xây dựng lại ngôi chùa dưới chân đồi, cách vị trí ngôi chùa cũ khoảng 100 mét, với diện tích khoảng 1.300 mét vuông, trên một khuôn viên rộng khoảng 3 mẫu. Năm 1883, Phật tử Dương văn Lúa đã hiến cúng một chiếc đại hồng chung cho chùa. Tính đến nay, chùa đã được trùng tu nhiều lần, vào những năm 1891, 1906, 1917, 1984, 1991 và 1999. 
Năm 1891, Hòa Thượng Ấn Long xây dựng lại ngôi chánh điện. Năm 1906, ngài lại cho trùng tu ngôi Đại Hùng Bảo Điện (nơi thờ Phật Tổ). Tuy đã được trùng tu và sửa chữa nhiều lần, chùa Hội Khánh vẫn còn giữ được nét kiến trúc cổ kín lúc ban đầu. Hiện chùa còn lưu giữ được rất nhiều hiện vật, trong đó có khoảng 126 cổ vật với vài trăm năm tuổi, có giá trị về lịch sử, văn hóa, tôn giáo, và mỹ thuật, như kinh sách, bản khắc in bằng gỗ, liễn đối, hoành phi, vân vân. Chùa có ba gian, gian đầu là chánh điện, phía trước thờ Phật, phía sau thờ các vị tổ. 

Gian thứ nhì là trung điện, dùng làm giảng đường thuyết pháp; tuy nhiên, trung điện chùa Hội Khánh không nằm trên trục dọc với chánh điện như hầu hết các chùa ở Nam Kỳ, mà nó thẳng góc với chánh điện. Gian thứ ba là hậu điện được dùng làm trai đường, được tách rời khỏi trung điện bằng một khoảng sân nhỏ. Tính đến nay, chùa đã có trên 250 năm lịch sử với 9 đời trụ trì. Hiện nay chùa Hội Khánh còn là giảng đường cho chư Tăng Ni tại các chùa trong các tỉnh miền Đông.
Tại trung tâm thị xã Thủ Dầu Một còn có một ngôi chùa Tây Tạng, theo truyền thống Mật Tông. Tên cũ của chùa là Bửu Hương Tự, được dân chúng địa phương dựng lên để có nơi tín ngưỡng và thờ Phật. Đến năm 1937, các Phật tử địa phương thỉnh tỳ kheo Minh Tịnh(40), người vừa mới vân du tu học ở Tây tạng trở về. Sau khi trở thành vị sư trụ trì tại chùa, sư Minh Tịnh đã đổi tên chùa thành chùa Tây Tạng. Chùa nằm trên một ngọn đồi thoáng mát và được bao bọc bởi nhiều cây xanh. Từ khi được xây dựng đến nay, chùa đã nhiều lần được trùng tu. Phía trước chùa Tây Tạng có thờ Hộ Pháp và Long Vương, chứ không phải Hộ Pháp và Tiêu Diện Đại Sĩ như các chùa Bắc Tông khác. 

Chánh điện có cấu trúc hình khối vuông, chính giữa là ngôi tháp tứ giác, có chiều cao trên 15 mét, được thiết trí như một pháp hội khi đức Phật còn tại thế. Ngay giữa chánh điện là tượng Phật Tổ Thích Ca Mâu Ni đang ngồi, cao khoảng 2,3 mét. Chung quanh đức Phật là các vị Bồ Tát như Địa Tạng, Di Lặc, Phổ Hiền, Văn Thù Sư Lợi, Quán Thế Âm, Đại Thế Chí, vân vân. Cách thiết trí tầng thượng ở mặt bằng nóc chùa để thờ ‘Ngũ Trí Như Lai’, hệ thống Mạn Đà La trong Phật Giáo Mật Tông(41). Còn ‘Ngũ Trí Như Lai’ là năm vị Phật theo tông Chân Ngôn, gồm: Dược Vương Như Lai (Bhaisajya), Đa Bảo Như Lai (Prabhutaratna), Tỳ Lô Giá Na Như Lai (Vairocana), A Súc Bệ Như Lai (Aksobhya), và Ly Bố Úy Như Lai (Amoghasiddhi). Tượng mỗi vị cao khoảng 1,5 mét, ở tư thế ngồi kiết già phu tọa. Phía trên đỉnh tháp cũng thờ tượng ‘Ngũ Trí Như Lai’, nhưng kích thước nhỏ hơn.
Hiện tại, chùa có dáng dấp gần giống như một ngôi chùa Tây Tạng. Các đức tính của
‘Ngũ Trí Như Lai’ trong Phật giáo Mật Tông Tây Tạng cũng là những đức tính mà người Phật tử theo Mật tông hướng tới. Tưởng cũng nên nhắc lại, sư Minh Tịnh cũng chính là dịch giả của bộ ‘Lăng Nghiêm Tông Thông’, từ chữ Hán sang chữ Việt. Tuy chùa Tây Tạng không phải là một ngôi cổ tự như các ngôi chùa cổ khác ở Bình Dương, nhưng đây là ngôi chùa Tây Tạng đầu tiên trên vùng đất nầy, cũng có thể nói là ngôi chùa Tây Tạng đầu tiên ở Việt Nam, nên ngôi nầy khá nổi tiếng, chẳng những với người Việt Nam, mà còn với nhiều ngoại quốc nữa. Năm 2004, nhiều vị Lạt Ma từ Ấn Độ đã làm chuyến hành hương về thăm ngôi chùa Tây Tạng trên đất Bình Dương nầy.

Tại ấp Thạnh Lợi, xã An Thạnh, huyện Lái Thiêu, cách quốc lộ 13(42) khoảng 200 mét về phía tây, có một ngôi chùa cổ tên ‘Sắc Tứ Thiên Tôn Tự’. Chùa được Gia Tiền Đại Sư, thuộc phái Thiền Lâm Tế khai sơn vào khoảng năm 1773. Tương truyền đến năm 1776, khi Nguyễn Ánh chạy trốn nghĩa binh Tây Sơn, ông đã vào tá túc tại chùa và được thiền sư Gia Tiền tiếp đãi và chăm sóc rất hậu. Chính vì vậy mà về sau nầy, sau khi lên ngôi vua vào năm 1802, Nguyễn Ánh đã ban sắc tứ cho chùa, từ đó chùa mới có tên là ‘Sắc Tứ Thiên Tôn Tự’. 

Chùa được dựng trên một ngọn đồi cây cối xanh tươi, quang cảnh thoáng đãng, nhìn xuống phía dưới là dòng sông Búng lặng lờ uốn khúc, lúc ẩn lúc hiện qua các đồi gò. Năm 1806, vua Gia Long lại xuống chỉ cấp cho chùa 4 mẫu đất công điền và ra lệnh cho các quan chức địa phương trùng tu lại ngôi tự viện. Từ đó ngôi chùa trở thành một trong những ngôi chùa uy nghi tráng lệ nhất trong vùng. Từ xa trông lại, ngôi chùa đứng sừng sững cao ngất trên ngọn đồi, nên dân chúng địa phương còn gọi là chùa lầu. Về sau nầy, các thí chủ giàu có ở địa phương lại cúng thêm cho chùa gần 5 mẫu đất nữa, nên tổng diện tích của chùa lên đến gần 9 mẫu. Nhờ vậy mà từ đó về sau nầy, hầu hết những Phật sự quan trọng của Phật giáo tại Bình Dương đều được tổ chức tại đây. 

Năm 1933, Hòa Thượng Từ Phong đã đứng ra làm Đàn Đầu cho buổi lễ Đại Giới Đàn của Phật Giáo vùng Thủ Dầu Một. Đến năm 1945, thực dân Pháp chiếm đóng khu chùa để làm đồn bót, và ngôi chùa lớn nấy đã bị thiêu hủy vào năm 1946. Đến năm 1955, Tăng Ni và Phật tử trong vùng đã tái xây dựng lại ngôi chùa, nhưng chùa lại bị thiêu hủy lần nữa trong trận tổng công kích Tết Mậu Thân (1968). Đến năm 1970, chư Tăng Ni lại tái xây dựng ngôi chùa lần nữa ngay trên nền chùa cũ, và chùa được trùng tu vào năm 1977. Hiện tại, trong chánh điện có thờ các vị Phật A Di Đà, Thích Ca Đản Sanh, tượng Phật Niết Bàn, cũng như các vị Bồ Tát Quán Thế Âm, Đại Thế Chí, Di Lặc, Ác Hữu, và Thiện Hữu, vân vân. Dầu ngày nay ngôi chùa cổ của thời Đại Sư Gia Tiền không còn nữa, nhưng ngoài sau vườn chùa vẫn còn lại 6 ngôi bảo tháp cổ, dấu ấn rõ ràng của ngôi ‘Sắc Tứ Thiên Tôn Tự’ hồi thế kỷ XVIII. 

Chùa Long Hưng

Tại Bến Cát còn có chùa Long Hưng do Hòa Thượng Thiện Hiếu xây dựng vào thế kỷ thứ XVIII. Hòa Thượng còn được dân chúng trong vùng gọi là “Tổ Đỉa” vì ngài có công trong việc giúp dân chúng trong vùng trừ nạn đỉa “lềnh như bánh canh” tại khu Hòa Định. 
Tại Dĩ An có chùa Núi Châu Thới, chùa do Thiền sư Khánh Long xây vào thế kỷ thứ XVII. Đây là một trong những ngôi chùa cổ nhất của miền Nam và cũng là một trong những ngôi chùa cổ nổi tiếng của vùng đất Gia Định xưa, phong cảnh thanh u mà trang nghiêm, đứng trước chùa người ta có thể nhìn thấy cảnh đẹp của toàn vùng Dĩ An. Chùa cách thành phố Biên Hòa chỉ vào khoảng 4 cây số, cách Sài Gòn khoảng 24 cây số và cách thị xã Thủ Dầu Một khoảng 20 cây số. Chùa được xây trên đỉnh núi Châu Thới(43), cao khoảng 82 mét, thuộc xã An Bình, huyện Dĩ An, nay thuộc tỉnh Bình Dương. 

Từ chân núi, người ta phải bước lên 220 bậc thềm mới lên tới cổng tam quan. Theo sách ‘Sơ Khảo Phật Giáo Bình Dương’ của tỳ kheo Thích Huệ Thông, xuất bản năm 2000, có nói về nguồn gốc chùa Châu Thới như sau: “Ngôi chùa đầu tiên ở vùng đất Bình Dương ngày nay được xây vào năm 1612 do thiền sư Khánh Long, trên bước đường vân du hoằng pháp, lên đồi Châu Thới, thấy cảnh hữu tình, sư cất một ngôi thảo am nhỏ để tu tịnh, thảo am được gọi là chùa Hội Sơn, sau đổi tên thành chùa núi Châu Thới.” Theo tấm bảng ghi nơi cổng thì chùa với bốn chữ ‘Châu Thới Sơn Tự’, được xây vào năm Tân Dậu 1612, dưới thời chúa Nguyễn Phúc Chu, nhưng năm 1612 không phải là năm Tân Dậu, mà là năm 1681. Có người nói năm 1612, vùng nầy chưa có nhiều lưu dân Việt Nam, nên có lẽ chùa được xây dựng sau khi nhóm người Việt theo lời kêu gọi của công nữ Ngọc Vạn vào định cư ở xứ Nông Nại sau năm 1623. Dầu được xây dựng vào năm nào của thế kỷ thứ XVII thì chùa Núi Châu Thới vẫn là ngôi chùa cổ nhất của tỉnh Bình Dương. Hiện nay, chùa là tập hợp của một quần thể kiến trúc đa dạng, đã được trùng tu nhiều lần trong nhiều thời kỳ khác nhau. 

Trong ngôi chánh điện, phần trên thờ Phật A Di Đà, Bồ Tát Quán Âm, Đại Thế Chí; phần kế thờ Phật Thích Ca Mâu Ni; và phần dưới thờ tượng Phật Đản Sanh. Toàn bộ tượng đồng đều được đúc tại chùa, do nhóm thợ người Huế vào đây thực hiện. Chùa còn thờ bộ Thập Bát La Hán và Thập Điện Diêm Vương bằng đất nung. Đây là hai bộ tượng bằng gốm sứ khá xưa, nói lên sự phát triển mạnh mẽ của gốm sứ vùng nầy. Bên cạnh đó còn có các điện thờ cổ Phật Quán Âm Thiên Thủ Thiên Nhãn, Linh Sơn Thánh Mẫu, Diêu Trì Kim Mẫu, Ngũ Hành Nương Nương, và cả điện thờ Ngọc Hoàng Thượng Đế nữa. Phải nói chùa núi Châu Thới là nơi dung hợp giữa Phật giáo và tín ngưỡng dân gian địa phương. Năm 1988, chùa khởi công đúc một đại hồng chung theo mẫu của chùa Thiên Mụ (Huế), nặng 1,5 tấn, đường kính 1,2 mét, cao 2 mét, được đặt trên một cái giá bằng gỗ lim đưa vào từ Hà Nội. Từ năm 1996 đến năm 1998, chùa cho đút thêm 7 tượng Phật bằng đồng và xây thêm một tòa bảo tháp cao 24 mét. Năm 2002, người ta xây thêm bên phải thêm ngôi bảo tháp thờ tượng Quan Âm bằng đồng, cao 3 mét và nặng khoảng 3 tấn. Hiện tại, chùa còn lưu giữ trên 55 hiện vật có giá trị lịch sử, văn hóa và khoa học.

Sau năm 1975, quận Tân Uyên của tỉnh Biên Hòa được sáp nhập vào tỉnh Bình Dương. Tại xã Bửu Long, huyện Tân Uyên có hai ngọn núi đá, đó là núi Long Ẩn và núi Bửu Phong, tuy núi không cao lắm, nhưng cảnh trí rất đẹp. Theo Đại Nam Nhất Thống Chí, núi Bửu Phong cách huyện Phước Chính(44) khoảng 13 dặm, dòm xuống sông lớn, làm hậu vệ cho núi Long Ẩn. Trên núi có chùa Bửu Phong(45), núi và mây trời man mác, cây cối um tùm. Đây là đệ nhất thắng cảnh trong khu vực. Trong khi núi Long Ẩn ở phía Nam huyện Phước Chính khoảng 15 dặm, đất đá lẫn lộn, cây cối xanh tốt. 
Vì núi nầy nằm trong thôn Bình Điện, nên dân chúng ở đây còn gọi là núi Bình Điện. Hình núi uốn cong và cao đẹp, có đá pha lê. Núi nầy làm hậu bình cho văn miếu. Từ Biên Hòa, theo tỉnh lộ số 11 về phía Tây, sau khi qua những khu xóm đông đúc trong xã Tân Thành, đến ngã ba hương lộ 9, là tới xã Bửu Long. Đường tới chân núi khá rộng rãi nên xe cộ có thể di chuyển dễ dàng. Từ chân núi lên đến đỉnh có những bực xi măng rất thuận tiện cho việc lê và xuống núi. Trên đỉnh núi Bửu Phong có ngôi chùa Hang. Ngay phía trước chùa Hang, bên phải có một tảng đá hình đầu con hổ gọi là ‘Hổ Đầu Thạch’, xa xa trên đường mòn có một tảng đá khác có hình đầu con rồng gọi là ‘Long Đầu Thạch’. 
Nhờ hai tảng đá nầy mà cảnh trí của chùa được tăng thêm phần đẹp đẽ. Chùa Hang tạo thành bởi nhiều phiến đá lớn chồng chất lên nhau. Chánh điện và nhà khói (nhà bếp của chùa) thì được xây dựng xung quanh hang. Trong chùa có thờ một tượng Phật 18 tay. Từ trên sân chùa nhìn xuống bốn phía, chúng ta sẽ thấy về phía bắc là sông Đồng Nai, lờ mờ về phía tây là núi Châu Thới, về phía nam là thành phố Biên Hòa, và về phía đông là rừng núi Vĩnh An và Vĩnh Cửu chạy dài đến hồ Trị An.

Đình Bến Thế

Tại xã Tân An, cách thị xã Thủ Dầu Một khoảng 6 cây số còn có một ngôi đình cổ, đó là đình Bến Thế(46), cách quốc lộ 13 khoảng 3 cây số. Theo các bô lão trong vùng, đình Bến Thế là một trong những ngôi đình cổ kính nhất trong vùng, có lẽ đình đã được xây dựng từ năm Minh Mạng nguyên niên (1820), và có thể đã được trùng tu dưới thời vua Tự Đức, vì trong đình hãy còn tấm bảng đế 4 chữ ‘Chung Linh Dục Tú’ bên cạnh lại ghi thêm ‘Tự Đức Ngọ Thu’. Đình được xây dựng bằng gỗ sao trên một gò đất cao, với diện tích còn lại hiện nay khoảng 1.400 mét vuông. Chung quanh đình hãy còn nhiều cây cổ thụ cao đến 40 hoặc 50 mét. Phía trước đình là cổng tam quan, với cổng chính rộng đến 7 mét, và hai cổng phụ hai bên mỗi cổng rộng khoảng 3 mét. Bên trái cổng có một cây đa cổ thụ với rễ cây quấn quít khiến cho rạn nứt nhiều nơi trên cổng. 

Tại thị xã Thủ Dầu Một còn có một ngôi đình cổ, đó là đình Bà Lụa. Đình được xây dựng khoảng năm 1838, nhưng đến khi thực dân Pháp chiếm Thủ Dầu Một, họ đã triệt hạ ngôi đình. Đến năm 1890, dân chúng địa phương xây dựng lại ngôi đình trên nền cũ. Đây là một trong những ngôi đình cổ ở miền Nam, có lối kiến trúc cổ, với những cột gỗ quí. Trên tường có nhiều hoa văn, hoành phi và câu đối. Trong đình hiện vẫn còn nhiều chuông, khánh, binh khí và vật thờ cổ. Ngoài ra, vùng Thủ Dầu Một còn một ngôi đình cổ khác, đó là đình Phú Long, với kiến trúc cổ, hình chữ tam, lợp ngói âm dương, nền lót gạch tàu lớn. Đình gồm có tiền đình, trung đình và hậu đình. Trên mái tiền đình được trang trí bốn con lân đứng hàng ngang, hướng về phía trước. Phần mái của trung điện và hậu điện được trang trí hoa văn cá hóa long và lưỡng long tranh châu, mặt trước của đông lang và tây lang được đắp nổi cảnh ‘bát tiên’ rất đẹp. Đây là một trong những nét đặc trưng của những ngôi đình Nam Bộ với lối kiến trúc cổ kính, hoành tráng, nhưng đầy màu sắc dân gian, và cho đến nay vẫn còn giữ gìn tương đối nguyên vẹn. 

Ngoài những đình chùa với lối kiến trúc cổ xưa, mặc dầu đã bị thực dân Pháp phá hủy rất nhiều, Bình Dương vẫn là một trong những vùng đất ở miền Nam hãy còn rất nhiều những ngôi nhà có lối kiến trúc cổ. Sau năm 1862, ngay sau khi chiếm xong ba tỉnh miền Đông, thực dân Pháp đã ra lệnh triệt hạ hầu hết đình chùa và những ngôi nhà cổ trong vùng Thủ Dầu Một để lấy gỗ xây dựng dinh thự và công sở cho các quan Tây. Chính vì vậy mà hiện nay nếu còn tồn tại những ngôi nhà cũ, thường là những ngôi nhà xa khu chợ ‘Thủ’. Ngay tại chợ Thủ, nếu còn sót lại phải là trường hợp hiếm hoi như ngôi nhà dòng họ Trần ở số 21 trên đường Ngô Tùng Châu, phường Phú Cường, thị xã Thủ Dầu Một. 

Nhà được cụ tổ 4 đời trước của dòng họ Trần xây dựng từ năm 1835, đến năm 1839 mới xong. Ngôi nhà có hình chữ nhật, gồm 8 căn và hai chái, dài 24 mét, ngang 22 mét, trên một diện tích khoảng 500 mét vuông. Nhà lợp ngói âm dương, và chiều cao của căn nhà thật thấp so với những kiểu cách kiến trúc ngày nay; tuy nhiên, bốn phía đều có cửa sổ, nên bên trong nhà lúc nào cũng sáng sủa và mát mẻ. Toàn bộ vật liệu xây dựng đều được làm bằng những loại danh mộc như mun, sao, cẩm lai, huỳnh đàn, gõ, và trắc, vân vân. Đặc biệt, toàn bộ ngôi nhà được nối ráp với nhau bằng những khớp mộng chứ không dùng một cây đinh nào cả, nên không có chuyện rỉ sét ở đây. 

Bên trong nhà, tất cả những đồ đạt và đồ trang trí hầu như vẫn còn nguyên vẹn, như ba bộ ghế bành tượng khảm ốc xa cừ, với mặt bàn bằng cẩm thạch. Giữa nhà người ta chưng bộ ‘Bát Bửu’ và quanh vách nhà người ta trang trí nhiều tấm liễn và hoành phi chạm trổ rất tinh vi. Ngoài ra, nhắc tới Bình Dương-Thủ Dầu Một cũng nên nhắc tới nhà thờ Lái Thiêu và các cha cố tại đây, những người chẳng những đã có công mang niềm tin Thiên Chúa đến với dân tộc Việt Nam, mà còn có công mang đến Việt Nam những loại cây trái trứ danh từ những miền đất nhiệt đới khác. Ngày nay, Lái Thiêu nổi tiếng là ‘miệt vườn’ của miền Đông Nam Kỳ là cũng nhờ vào công lao của các ngài. Phải nói đạo Thiên Chúa đã có mặt khá lâu trên vùng đất Thủ Dầu Một, có mặt trước khi người Pháp cưỡng chiếm Việt Nam. Ngay từ đầu thế kỷ thứ XIX, họ đạo Lái Thiêu đã được thành lập tại tổng Bình An, thuộc trấn Biên Hòa, và hồi nầy nhà thờ Lái Thiêu là trung tâm của cả giáo phận phía Nam của xứ Đàng Trong. Theo quyển ‘Địa Chí Sông Bé’, xuất bản vào năm 1991, trong chương ‘Truyền Thống Văn Hóa’, nhà văn Sơn Nam đã viết: “Nhà thờ họ đạo Lái Thiêu đầu tiên được thiết lập tại chợ Cây Me, có bàn thờ Chúa do Bá Đa Lộc cho xây đơn sơ vào năm 1771”. 

Theo quyển ‘Lịch Sử Truyền Giáo ở Đàng Trong’ của Launay, xuất bản tại Paris vào năm 1924, kể từ năm 1747, họ đạo Lái Thiêu có tổng cộng 400 giáo dân, và đã nằm trong danh sách 11 họ đạo của vùng đất Trấn Biên. Điều nầy cho thấy họ đạo Lái Thiêu đã được thành lập từ trước năm 1747 rất lâu, vì hồi đó một họ đạo có được 400 giáo dân đã là họ đạo lớn và phải mất nhiều năm mới xây dựng được như vậy. Hiện tại, tại ấp Bình Giao, xã Thuận Giao, huyện Thuận An, trên một vùng gò rừng hãy còn một số mồ mả bằng đá ong của những tín đồ của nhà thờ Họ Gò. Người ta cho rằng Nhà Thờ Họ Gò là ngôi nhà thờ Thiên Chúa đầu tiên tại vùng Lái Thiêu, có thể tồn tại từ trước năm 1747 đến năm 1787. 

Đến năm 1782, sau khi chiến tranh giữa Nguyễn Ánh và Tây Sơn trở nên lắng dịu ở miền Nam, các cha cố và giáo dân tìm cách dời nhà thờ Họ Gò đến nơi khác thuận tiện hơn. Nhờ đó mà nhà thờ Họ Gò được chuyển về ấp Bình Đức, xã Bình Nhâm, và được đổi tên là nhà thờ Lái Thiêu. Tuy nhiên, ngôi nhà thờ nầy chỉ được cất bằng vật liệu nhẹ, mái ngói lợp ván. Đến năm 1894, khi người Pháp đã đặt nền móng cai trị khá vững chắc tại miền Nam, đạo Thiên Chúa hồi nầy cũng phát triển mạnh, nên họ đạo Lái Thiêu cũng lớn mạnh hơn và nhu cầu cho một ngôi nhà thờ lớn hơn cũng được đặt ra. 

Chính vì vậy mà cha sở họ đạo Lái Thiêu hồi đó là Herri Axémar đã đứng ra xây dựng ngôi nhà thờ mới, nhưng đến năm 1895 thì cha qua đời; cha sở mới là Jean Ernest Verrey tiếp tục công trình xây dựng và hoàn tất ngôi Thánh đường vào năm 1897. Có thể nói, đây là ngôi nhà thờ xưa nhất trong vùng Thủ Dầu Một với lối kiến trúc cổ kín, và đây là một trong những cơ sở truyền giáo quan trọng của đạo Thiên Chúa tại miền Nam. Ngoài ra, tại vùng Phú Cường hiện nay trong thị xã Thủ Dầu Một còn có ngôi nhà thờ Chánh Tòa, nhưng ngôi nhà thờ Chánh Tòa nầy chỉ mới được xây dựng vào khoảng thập niên 1930 mà thôi.

Người Long Hồ
Anaheim ngày 3 tháng 8 năm 2011
Copyright © 2012 by Ngoc Tran. All rights reserved.


Nhấp vào Links:


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét