Chủ Nhật, 9 tháng 9, 2018

Tha Phương Cầu Thực I


Trường Tín Thu Từ của Vương Xương Linh gồm ba bài, nhưng bài giữa là bài hay nhất và có nhiều người biết nhất, bài nầy còn có tên là Trường Tín Oán, được trích trong số 300 bài của tập Đường Thi Tam Bá Thủ. Bây giờ thì ta cùng đọc bài thơ nầy nhé !

長信怨 TRƯỜNG TÍN OÁN 
王昌齡 Vương Xương Linh 

奉帚平明金殿開, Phụng trữu bình minh kim điện khai,
暫將團扇共徘徊。 Tạm tương đoàn phiến cộng bồi hồi.
玉顏不及寒鴉色, Ngọc nhan bất cập hàn nha sắc,
猶帶昭陽日影來。 Do đái chiêu dương nhật ảnh lai

Chú thích:
1. Trường Tín, Chiêu Dương : Tên của 2 cung trong hoàng cung của nhà vua.
Trường Tín Oán : là nỗi oán hờn trong cung Trường Tín.
2. Phụng Trữu: Phụng : là bưng, là cầm. Trữu : là cây chổi.
3. Tạm Tương: Tạm : là đở, là tạm thời. Tương : là đem, là lấy. Tạm Tương ở đây có nghĩa là Cầm đở, không có cái gì để cầm thì cầm tạm cái gì đó.
4. Đoàn Phiến: Đoàn : là tròn trịa, Phiến là cây quạt. Đoàn Phiến là Cây quạt hình tròn.
5. Ngọc Nhan : là chỉ Dung nhan đẹp như ngọc, thường dùng để ví với nhan sắc của các giai nhân người đẹp.
6. Hàn Nha: Hàn là Lạnh, Nha là Con Quạ. Hàn Nha là Con quạ lạnh lẽo trong đêm thu.
7. Do là Liên từ, có nghĩa là Còn. Đái : là mang, là xách, là dẫn dắt.
8. Nhựt Ảnh: là Bóng mặt trời, ở đây có nghĩa là Ánh Nắng, ánh sáng mặt trời.

Dịch nghĩa:
Cầm cây chổi để quét lá thu vàng rụng trong buổi bình minh khi điện vàng vừa mở cửa,( sau đó ) nàng mân mê cánh quạt lụa tròn theo thói quen cầm tay, nhưng đã hết công dụng trong mùa thu mát mẻ nầy. Oán hận vì thương cho nhan sắc đẹp như ngọc của mình lại không bằng được con quạ lạnh lẽo trong đêm vừa bay đến, vì con quạ tuy lạnh lẽo, nhưng còn mang được ánh nắng ấm áp của điện Chiêu Dương, nơi mà nhà vua đang ngự, còn mình thì....

Diễn nôm:
Điện vàng, tay chổi, sáng mờ sương,
Quạt lụa bâng khuâng nỗi đoạn trường,
Vẻ ngọc không bằng con quạ lạnh,
Còn mang ánh nắng điện Chiêu Dương !
Lục bát :
Điện vàng mở, chổi cầm tay,
Bâng khuâng quạt lụa ai hoài xót thương.
Không bằng quạ lạnh kêu sương,
Còn mang ánh nắng Chiêu Dương đến gần
(Đỗ Chiêu Đức)

Năm 1964, sau khi thi đậu BằngTrung học Đệ Nhất cấp, vì nhà nghèo, nên tôi phải khăn gói lên Sài Gòn kiếm sở để vừa làm vừa học. Được sự giới thiệu của người thầy cũ, xưa làm Hiệu Trưởng ở trường Tiểu học Tân Hưng Cái Răng giới thiệu vào làm lao công cho trường Trung Tiểu Học PHƯỚC ĐỨC ở đường Khổng Tử trong Chợ Lớn. Đó là thầy Trần, nay là Tổng Giám Thị của Trường Phước Đức, còn Bà Trần, vợ thầy, cũng là cô giáo cũ của tôi, làm Giám Thị của khu Nữ Trung học. Hai ông bà còn kinh doanh riêng một trường Tiểu Học tư thục Phước Dân, tọa lạc ở đường Học Lạc.


Tôi và một anh bạn học cũ nữa, cũng là dân Cái Răng. Ban ngày thì làm lao công quét dọn trường học, ban đêm thì đi học luyện thi Tú Tài 1 ở Trường Trung Học Chu Văn An. Chúa nhật, thì hai đứa cùng chui vào rạp chiếu bóng bình dân thường trực xem 2 phim Hồng Kông nhập một để học nghe và nói tiếng Quan Thoại.

Có một Chúa Nhật, Ông bà Trần nhờ 2 đứa đến giúp dọn dẹp và làm vệ sinh trường riêng của ông bà . Thỉnh thoảng ông bà vẫn thường nhờ như thế. Hôm ấy, vì mới đọc được bài " Trường Tín Oán " của Vương Xương Linh nêu trên, nên sau khi quét dọn xong, tôi bèn nổi hứng, cầm phấn viết ngay lên bảng bài thơ trên, nhưng đã được cải biên như sau:

校工怨  HIỆU CÔNG OÁN 
王猖伶  Vương Xương Linh

奉帚平明課室開, Phụng trữu bình minh khóa thất khai,
暫將垃圾共徘徊。 Tạm tương lạp cấp cộng bồi hồi.
校工不及痰盂福, Hiệu công bất cập đàm vu phúc,
猶帶先生吐出來。 Do đái tiên sinh thổ xuất lai!

Ghi Chú: 

1. Hiệu Công: Hiệu là trường học. Công là lao công. Hiệu Công : là Lao công trường học.
2. Khóa Thất: là Lớp học, là phòng học.
3. Lạp Cấp: là rác rến. trong bài thơ bị ẩn hết 1 chữ chỉ : Thùng xúc rác.
4. Đàm Vu: là cái ống nhổ để khạc đàm.
5. Tiên Sinh: là Thầy giáo, là ông ,là Ngài.
6. Thổ Xuất: là nhổ ra.

Dịch nghĩa:

Cái oán của Lao công trường học.
Buổi sáng đã phải xách cây chổi khi lớp học vừa mới mở ra , xách cái thùng rác để quét rác vào mà lòng cảm thấy bồi hồi.( Tự cảm thấy rằng ) Lao công trường học không có phước bằng cái ống nhổ, ( Vì cái ống nhổ ) còn mang được những cái gì mà thầy giáo nhổ ra.

Diễn nôm:

Xách chổi ban mai lớp mở ra,
Bùi ngùi quét rác tủi ru mà !
Lao công thua cả cái ống nhổ,
Còn chứa những gì thầy nhổ ra !

Viết xong những câu trên, tôi vô cùng đắc ý. Thứ nhất là các từ dùng để thay thế vào bài thơ đều đúng luật bằng trắc và rất tự nhiên như chính mình làm ra. Thứ hai là các từ đó cũng diễn đạt được ý mình muốn nói lại còn gởi gấm được tâm sự tủi hổ của cái nghề nghiệp thấp hèn của mình. Thứ ba là cái tự hào, cái ngông của tuổi mới lớn, muốn chứng tỏ cho Thầy Bà biết rằng Lao Công cũng có thể đọc hiểu và thưởng thức văn chương như ai, chứ đâu phải... đồ bỏ ! Thế nhưng...

Thế nhưng, sáng Thứ hai, khi học sinh vừa vào giờ học xong, thì có lịnh của văn phòng Tổng Giám Thị mời... anh lao công Đỗ Chiêu Đức lên văn phòng làm việc. Tuổi trẻ chóng quên, lúc đó tôi rất ngạc nhiên không biết là chuyện gì, chừng bước vào Văn Phòng, thấy đầy đủ cả chức sắc của Ban Giám Thị đều có mặt, tôi cúi đầu chào tất cả rồi đứng nép một bên. Ông thầy tôi, Ngài Tổng Giám Thị, vẻ mặt giận dữ, chìa một tấm giấy trước mặt tôi và hỏi : 

- Bài thơ nầy phải của em viết không?. Tôi khép nép:
- Thưa thầy, phải ạ.
- Ai dạy và xúi giục em viết bài thơ nầy ?
- Thưa thầy, tự em viết chớ không ai xúi cả à.
- Em đọc được Đường Thi?. Em thử đọc lại nguyên bản khi chưa sửa xem!

Tôi đọc lại bài thơ xong, ông càng giận dữ hơn:
- Em sửa bài thơ lại với ý gì ? Em oán trách chúng tôi bốc lột và đối xử tệ bạc với em chứ gì ?.
- Dạ thưa thầy, em không dám, em chỉ sửa cho hợp với hoàn cảnh của mình, và...
-...Và muốn khoe tài giỏi chứ gì ?. Tôi ức lắm, nhưng cũng trình bày:
-... Và em muốn gởi gắm tâm sự của mình trong đó !. Tôi nói theo những gì đã học trong trường. Thường thì các tác giả mình học hay gởi gắm tâm sự, hoài bão qua thơ văn. Không ngờ quý thầy trong phòng đều bật cười, một thầy hỏi:
- Gởi gắm tâm sự gì qua cái ống nhổ vậy ?. Một thầy khác nói:
- Tâm sự dơ dáy, mất vệ sinh ! Bộ hết cách gởi gắm tâm sự rồi hay sao ?.

Tôi ức đến muốn trào nước mắt, định tìm lời nói lại, thì ông thầy tôi đã quát:
- Thôi ! Đi ra ngoài làm việc đi! Kỳ sau đừng sửa thơ bậy bạ nữa, cả tên tác giả cũng viết sai, may mà không có ý đồ xấu, nếu không thầy Hiệu Trưởng sẽ cho Cảnh Sát điều tra làm việc với em đó!

Bước ra khỏi phòng Tổng Giám Thị, nước mắt tôi mới trào ra. Tôi tức tối và khinh bỉ họ quá. Một lũ thầy giáo dốt ! Họ đã vô tình chà đạp lên nhân cách của một người nghèo, cười cợt trên sự tủi hổ của tôi. Họ đâu có biết, hoặc không thèm biết rằng, ở lứa tuổi 16 của tôi, nếu gia đình khá giả , thì giờ nầy tôi cũng cấp sách đến trường, chớ đâu phải cầm cây chổi quét rác dọc theo hành lang trong giờ vào học, để nhìn các người cùng trang lứa với mình đang vui vẻ cười đùa trong lớp.....

Tâm sự dơ dáy ư? Họ là thầy giáo dạy tiếng Hoa mà quên hết chữ nghĩa của Thánh Hiền. Cái ống nhổ chỉ là giả tá, mượn để so sánh với thân phận thấp hèn của mình, còn cái mà Thầy Cô nhổ ra , phun ra ở đây, đâu phải là đờm rải dơ dáy, chữ THỔ còn có nghĩa là nói ra mà, ví dụ như Thổ Lộ là bày tỏ vậy . Tôi chỉ buồn tủi cho thân phận của mình không bằng được cái ống nhổ, vì cái ống nhổ còn chứa đựng được những gì mà Thầy Cô nói ra, là những khuôn vàng thước ngọc, là kim ngôn ngọc ngữ, là kim ngọc lương ngôn, là những đạo lý làm người, là lẽ phải ở đời.... Sao họ không hiểu gì hết vậy ?. Họ chỉ biết có đờm rải dơ dáy mất vệ sinh mà thôi ! Hỡi ôi !!!!....

Còn Cảnh Sát điều tra ư?. Tôi có xúc phạm gì đến Ngài Hiệu Trưởng Tăng Kim Đông sắp lên làm Bộ Trưởng Bộ Quốc Gia Giáo Dục của Thủ Tướng Lộc (1965) của họ đâu mà lại hù dọa!. Tôi muốn dọn đồ xin nghỉ làm ngay ngày hôm sau. Thời may tối hôm đó, Thầy Tổng Sự Vụ Trưởng của trường đến gặp tôi, thầy an ủi và khuyên tôi hãy ráng ẩn nhẩn vừa làm vừa học, rồi thầy sẽ giới thiệu cho tôi đi dạy học trong tương lai.... Và nhờ vậy mà tôi trở thành thầy giáo khi mới tròn 18 tuổi.

Đỗ Chiêu Đức
     

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét