Chính Sách Dễ Dãi Của Xứ Đàng Trong Đối Với Người Minh Hương Và Sự Đóng Góp Của Người Hoa Trong Việc Khẩn Hoang Và Phát Triển Đất Phương Nam:
Ngay từ khi những người Hoa đầu tiên theo chân các tướng Trần Thượng Xuyên, Dương Ngạn Địch và Mạc Cửu đến xứ Đàng Trong, các chúa Nguyễn đã có những chánh sách hết sức dễ dãi cho họ trong vấn đề khẩn đất và làm ăn trong vùng đất mà bây giờ chúng ta gọi là Nam Phần. Nhờ vậy mà di dân người Hoa đã tận dụng những điều kiện có lợi trong việc làm ăn sinh sống để tạo nên những cộng đồng người Hoa rất thịnh vượng và đoàn kết trên khắp xứ Đàng Trong. Khởi đầu bằng những cộng đồng Minh Hương ở vùng Cù Lao Phố (Đồng Nai), Mỹ Tho Đại Phố, Hà Tiên... rồi sau đó phát triển đến các vùng Prei Nokor(37), Bình Dương, Bình Long, Phước Long, Tân An, Gò Công, Mộc Hóa, Tây Ninh, Cao Lãnh, Bến Tre, Vĩnh Long, Trà Vinh, Sa Đéc, Sóc Trăng, Bạc Liêu, Cà Mau, An Giang, Châu Đốc và Rạch Giá. Chính sự dễ dãi của chính quyền xứ Đàng Trong mà các công đồng người Minh Hương đã phát triển vững mạnh cho đến ngày nay. Theo tài liệu lịch sử của Quốc Sử Quán Triều Nguyễn, rõ ràng các chúa Nguyễn đã cậy tay người Hoa làm những người dẫn đạo và chỉ huy trong công cuộc khai phá hoang địa Nam Kỳ thời đó. Theo tài liệu lịch sử của Quốc Sử Quán Triều Nguyễn, rõ ràng các chúa Nguyễn đã cậy tay người Hoa làm những người dẫn đạo và chỉ huy trong công cuộc khai phá hoang địa Nam Kỳ thời đó. Theo quyển Văn Hóa & Cư Dân Đồng Bằng Sông Cửu Long, đa số những lưu dân Nam Kỳ đều là những nông dân nghèo ở miền ngoài hay những người Hoa không chịu hợp tác với Thanh Triều.
Đây là những nông dân, binh lính, địa chủ và thương gia người Hoa ở các vùng Quảng Đông, Quảng Tây và Phước Kiến đã vì yêu nước và bảo vệ dân tộc chống lại sự đàn áp của triều đại Mãn Thanh. Họ còn lànhững nông dân bị cướp đất đuổi ra khỏi vùng môi sinh mà họ đã khai phá ở các vùng ngoại ô các thành phố miền Nam Trung Hoa(38). Khi đến xứ Đàng Trong, họ được sự bao dung đón nhận của một dân tộc hiền hòa hiếu khách, thà chịu “chật bụng chứ không chật nhà” như dân tộc Việt Nam, thêm vào đó vùng đất phương Nam quả đúng như lời truyền tụng từ bao đời nay là vùng của “đất lành chim đậu”, nên những người Hoa một khi đã đến đây là muốn ở lại luôn chứ không còn có ý định muốn trở về xứ nữa. Chính nhờ vậy mà sau đó những khu buôn bán sầm uất ở Đông Phố (Biên Hòa), Bến Nghé (Sài Gòn), Chợ Lớn, Hà Tiên, và Bạc Liêu tuần tự được thành hình.
Ngoài ra, các chúa Nguyễn cũng hết sức dễ dãi cho người Hoa trong mọi vấn đề khiến cho cuộc sinh hoạt của họ trên vùng đất mới khai phá phương Nam thật là thuận tiện. Trước tiên, các chúa Nguyễn cho người Hoa được tự do lựa nơi cư trú. Chính vì thế mà sau khi tướng Trần Thượng Xuyên đã thành lập khu cù lao Phố, một số không nhỏ người Hoa đã lần mò đi đến các vùng xa hơn như Biên Hòa, Bình Long, Phước Long, Xuyên Mộc, Tây Ninh, Lộc Ninh, Hớn Quản, Bình Dương. Sau cuộc chạm trán khốc liệt giữa nghĩa quân Tây Sơn và quân của Nguyễn Ánh tại vùng cù lao Phố vào năm 1776, rất nhiều người Hoa bị kẹt giữa hai chiến tuyến và đã chết trong trận chiến nầy, nên sau đó những người còn sống sót đã bỏ đi thật xa, họ chạy về phía tây nam của vùng Bến Nghé, tức vùng Prei Nokor thời đó hay vùng Chợ Lớn ngày nay để thành lập một cộng đồng người Hoa lớn nhất cả nước.
Hiện nay tại Hội An vẫn còn một tấm bia “Tuy Tiên Đường Bi” hãy còn ghi lại một đoạn văn nói về sự thiên di của nhóm ‘mười vị đại lão’ như sau: “Ban đầu họ ở Trà Nhiêu, sau dọn về Hội An, chia thôn đào giếng, dựng cổng xây tường, lưu truyền cho con cháu đến ngày nay.” Đây là một bằng chứng hiển nhiên về sự tự do lựa chọn chỗ ở của người Hoa ở xứ Đàng Trong. Kế đến, các chúa Nguyễn còn cho phép những người Hoa được tự do lựa chọn nghề nghiệp. Nói về buôn bán, chỉ cần họ đóng thuế đầy đủ, còn thì họ được tự do làm ăn tùy theo điều kiện và phương tiện mà họ có. Nói về làm ruộng rẫy, theo Đại Nam Thực Lục, họ có thể tự mình khẩn đất để làm ruộng rẫy hay họp lại thành nhóm khẩn đất để lập nên những đồn điền(39). Thời đó chính nhờ vậy mà rất nhiều người Minh Hương đã phiêu lưu tới những vùng xa để phá rừng làm rẫy như tại các vùng Biên Hòa, Tây Ninh, Bình Long, Phước Long, Lộc Ninh, Hớn Quản, Hà Tiên, Rạch Giá, Long Xuyên (Cà Mau), Trấn Di (Bạc Liêu), Ba Thắc (Sóc Trăng), Trà Vinh và Trấn Giang (Cần Thơ).
Chính nhờ chánh sách dễ dãi đối với sự di dân của người Hoa ngay từ thời các chúa Nguyễn, rồi đến thời các vua nhà Nguyễn, rồi đến thời Pháp thuộc và sau cùng là thời Việt Nam Cộng Hòa, nên lưu dân người Hoa đến lập nghiệp ở Nam Kỳ ngày càng đông. Năm 1955, theo thống kê của VNCH, tổng số người Hoa từ vĩ tuyến 17 trở vào là hơn 800 ngàn người. Riêng tại Sài Gòn-Chợ Lớn đã có trên 500 ngàn, Rạch Giá khoảng 27 ngàn, Bạc Liêu khoảng 26 ngàn, Sóc Trăng khoảng 25 ngàn, Trà Vinh và Gia Định mỗi nơi khoảng 20 ngàn người; trong khi đó toàn miền Trung từ Quảng Trị vào Phan Thiết chỉ có khoảng chừng 25 ngàn người mà thôi. Sau năm 1975, tổng số người Hoa trên toàn quốc khoảng từ 1,3 đến 1,5 triệu người(40).
Ngoài việc trồng lúa nước, người Minh Hương còn lên líp làm rẫy và trồng nhiều loại hoa màu khác như củ cải, thuốc lá, bí, dưa, bắp, khoai. Chính những hoa màu phụ nầy đã giúp người Minh Hương làm giàu ở nhiều nơi như dọc theo bờ sông Ba Lai và cửa biển Mỹ Thanh(41). Bên cạnh việc buôn bán và làm ruộng rẫy, người Minh Hương còn làm nghề đánh bắt thủy hải sản và làm muối như tại các vùng Bạc Liêu và Hà Tiên(42). Ngoài ra, dầu ở Nam Kỳ không có nhiều quặng mỏ như các vùng Bắc và Trung bộ, vẫn có một số người Hoa làm nghề khai thác quặng mỏ, như những người Phúc Kiến khai thác quặng sắt ở núi Lò Thổi, thuộc trấn Biên Hòa. Họ lấy sắt đúc chảo, nồi, và nhiều vật gia dụng khác. Trong tất cả mọi ngành nghề mà người Minh Hương làm ở xứ Đàng Trong phải nói đến nghề buôn bán, đây là sở trường của người Hoa. Họ thường tập trung sinh sống tại những nơi có điều kiện mua bán như tại các đầu mối giao thông, các hải cảng, giang cảng, hoặc khu trung tâm của địa phương.
Cũng giống như những người tiên phong của họ đã làm ở cù lao Phố, Mỹ Tho Đại Phố và Hà Tiên, vân vân, họ xây dựng phố sá để buôn bán ở những nơithuận tiện, tạo nên cảnh quang thật tấp nập, trên bến dưới thuyền. Ngay từ cuối thế kỷ thứ 16, đầu thế kỷ thứ XVII, người Hoa đã lập nên những phố Thanh Hà ở Phú Xuân, phố Khách ở Hội An và Quảng Ngãi. Đến cuối thế kỷ thứ XVII, đầu thế kỷ thứ XVIII, ở vùng Đồng Nai-Gia Định, họ đã lập ra cù lao Phố, Mỹ Tho Đại Phố, và những khu phố sá buôn bán của người Hoa ở Hà Tiên. Đến giữa thế kỷ thứ 18, hầu hết những khu phố của người Minh Hương ở Nam Kỳ đã trở thành những nơi buôn bán phồn thịnh nhất trong vùng. Theo Gia Định Thành Thông Chí, Nông Nại Đại Phố ở đầu phía tây cù lao Đại Phố, lúc đầu tướng Trần Thượng Xuyên chiêu tập nhiều người Hoa đến xây dựng phố sá, mái ngói, tường vôi, lầu cao, quán rộng, dọc theo bờ sông liền lạc tới 5 dặm, chia vạch làm 3 đường phố, đường phố lớn lót đá trắng, đường phố ngang lót đá ong, đường phố nhỏ lót đá xanh, đường phố rộng bằng phẳng, kẻ buôn tụ tập, ghe thuyền lớn ở biển và ở sông đến đậu neo, có những xà lan liên tiếp nhau, ấy là một chỗ đo hội.”(43)
Đến khoảng hậu bán thế kỷ thứ XVIII, khoảng năm 1776, sau trận chiến giữa Nguyễn Ánh và Tây Sơn, số người Minh Hương còn sống sót đã bỏ cù lao Phố để chạy về vùng Prei Nokor, tức vùng Chợ Lớn ngày nay, để thành lập một khu thương mại của người Hoa, chẳng những lớn nhất ở Nam Kỳ, mà có thể nói là lớn nhất trong cả nước. Trịnh Hoài Đức đã ghi lại vùng Chợ Lớn trong Gia Định Thành Thông Chí như sau: “Đường phố lớn thẳng, suốt ba đường giáp đến bờ sông, bề ngang một con đường giữa và một con đường dọc theo sông. Các con đường ấy xuyên giáp nhau như hình chữ điền, phố sá liên tiếp sát mái nhau, người Tàu và người ta ở chung lộn dài độ ba dặm... Ấy là một thị phố lớn và đô hội náo nhiệt.”(44). Đến thời Pháp thuộc, họ cho sáp nhập hai thành phố Bến Nghé và Chợ Lớn lại với nhau để thành lập đô thành Sài Gòn-Chợ Lớn, lúc đó Chợ Lớn là kho hàng chính của toàn miền Nam. Thời đó, Chợ Lớn là điểm tập trung phân phối hàng hóa cho sáu tỉnh miền Nam.
Đồng thời, vào cuối thế kỷ thứ 18, nhiều khu phố khác của người Minh Hương đã được thành lập dọc theo bờ sông Cửu Long như Vĩnh Long, Sa Đéc, An Giang và Châu Đốc. Tuy nhiên, những nơi nầy chỉ là những điểm chuyển tiếp, họ mua hàng hóa tại địa phương để chuyển về Chợ Lớn, và ngược lại họ lấy hàng hóa mà địa phương của họ không có từ Chợ Lớn để mang về phân phối lại cho các vùng xa trong tỉnh. Nói như vậy không có nghĩa là thương nhân người Hoa chỉ tập trung buôn bán tại những trung tâm buôn bán lớn, mà họ còn phiêu lưu đi về các vùng xa xôi hẻo lánh, tại các bờ sông, cửa biển, vân vân. Nói chung, hễ chỗ nào có cư dân người Việt hay người Khmer là có người Hoa tới cộng cư. Một điểm đặc biệt khác khiến cho các cộng đồng người Hoa ngày càng phát triển vững mạnh, dù họ ở đâu, họ cũng mở trường dạy tiếng Hoa cho con cháu của họ và dù làm gì đi nữa bên ngoài xã hội, đến khi về nhà họ chỉ nói tiếng Hoa chứ không nói tiếng Việt. Người Việt gốc Hoa ở Vĩnh Long và Bến Tre cũng như hầu hết người Việt gốc Hoa ở các nơi khác, họ sống co cụm thành nhóm và lập thành những bang hội, mỗi bang có một bang trưởng lãnh đạo. Họ sống rất đoàn kết, nếu cần thì bang của họ có thể đứng ra giúp đỡ về tài chánh để họ cùng làm ăn vươn lên với nhau. Chính vì vậy mà đa phần họ làm kinh tế rất mạnh.
Tóm lại, với chánh sách thật dễ dãi của các chúa Nguyễn đối với người Hoa đã góp phần không nhỏ trong việc khiến cho vùng đất Nam Kỳ đi sau mà đến trước. Ngày nay, ai trong chúng ta cũng đều phải công nhận Nam Kỳ chẳng những là vựa lúa lớn nhất cho cả nước, mà nó còn là trung tâm thương mại phát triển mạnh nhất trên toàn quốc. Trong sự nghiệp khai khẩn và phát triển vùng đất phương Nam, dĩ nhiên người Việt luôn đóng vai trò chính yếu và chủ động; tuy nhiên, nếu không có sự góp sức một cách tích cực của người Hoa, thiết tưởng Nam Kỳ chưa có được bộ mặt của nó như ngày nay. Chính những người Minh Hương mà khởi đầu từ các bậc tiền bối Trần Thượng Xuyên, Dương Ngạn Địch và Mạc Cửu... cùng nhiều thế hệ con cháu của họ đã đóng góp vào việc khẩn hoang lập ấp, định hình làng xã và bộ máy hành chánh, rồi mở mang sản xuất và phát triển mọi ngành nghề. Họ đã cùng chia ngọt sẻ bùi với các cộng đồng người Việt, người Khmer và người Chăm, vân vân, trong mọi hoàn cảnh lịch sử và trải qua một thời gian gần bốn thế kỷ nay. Là con dân Nam Kỳ chúng ta không thể nào không nhớ ơn các bậc tiền hiền và hậu hiền người Minh Hương, những người đã góp phần không nhỏ trong việc khai khẩn và phát triển, khiến cho vùng đất Nam Kỳ trở nên phồn thịnh như ngày nay.
Người Long Hồ
Anaheim ngày 3 tháng 8 năm 2011
Copyright © 2012 by Ngoc Tran. All rights reserved.
Chú Thích:
(1) Theo Phủ Biên Tạp Lục, Lê Quý Đôn đã ghi chép về việc xứ Đàng Trong buôn bán với các thuyền buôn của thương nhân Trung Hoa như sau: “Xứ Thuận Hóa, đường thủy đường bộ liên tiếp với xứ Quảng Nam, phía hữu xứ Quảng Nam lại thông với các phiên quốc. Về đường biển thì xứ Thuận Hóa và Quảng Nam chỉ cách tỉnh Phúc Kiến, tỉnh Quảng Đông không đến 3, 4 ngày đường, nên các tàu buôn của Trung Quốc từ xưa đến nay thường tụ tập ở hải phận Thuận Hóa và Quảng Nam.”
(2) Ngay từ thế kỷ thứ XVI, những thương nhân người Hoa đã thành lập cộng đồng đầu tiên của họ tại Hội An của xứ Đàng Trong.
(3) Trên đường lên thượng nguồn sông Đồng Nai, đến khúc Bến Gỗ, Trần Thượng Xuyên đã ra lệnh hạ trại và khởi công khai khẩn đất hoang. Tuy nhiên, sau đó Trần Thượng Xuyên đã quyết định về khai phá vùng cù lao Phố. Sở dĩ Trần Thượng Xuyên cho di chuyển từ vùng Bến Gỗ về Cù Lao Phố là vì ông nhận thấy tại vùng cù lao Phố có những điều kiện thuận lợi chẳng những về việc sinh sống, mà còn rất tốt cho việc phát triển kinh doanh buôn bán về sau nầy. Lúc đó vùng cù lao Phố là một bãi phù sa nằm giữa sông Đồng Nai. Phía Nam cù lao Phố là sông Phước Long, phía bắc có sông Rạch Cát hay Sa Hà, có vực sâu rất tiện lợi cho tàu bè ghé lại. Trần Thượng Xuyên quả là một nhân tài lỗi lạc, chẳng những về quân sự, mà ngay từ thời đó, ông đã nhìn thấy được tương lai của thương cảng Cù Lao Phố về sau nầy. Ngày nay cù lao Phố thuộc xã Hòa Hiệp, cách thành phố Biên Hòa khoảng 1 cây số (cách Sài Gòn khoảng 31 cây số), thuộc tỉnh Đồng Nai. Phía bắc giáp đường Thống Nhất, phía nam giáp xã Tân Vạn, đông giáp phường An Bình và xã Tam Hiệp, phía tây giáp xã Bửu Hòa. Cù Lao được nối liền với thành phố Biên Hòa bởi hai cầu Rạch Cát và Cầu Gành (trên quốc lộ 1).
(4) Theo Phan Quang trong “Bút Ký Đồng Bằng Sông Cửu Long”, TPHCM: NXB Trẻ, 2002, tr. 136-139.
(5) Sở dĩ những di thần nhà Minh không ghé lại xứ Đàng Ngoài vì họ sợ xứ Đàng Ngoài quá gần với Trung Hoa và đang thần phục Thanh Triều, nên rất có thể vua Lê và Chúa Trịnh chẳng những không dung chứa họ, mà còn có thể giải giao họ về cho nhà Thanh.
(6) Cũng theo Gia Định Thành Thông Chí, phía bắc gành đá có vực sâu làm chỗ cho tàu biển các nước tới đậu. Xưa nay thuyền buôn đến đây bỏ neo xong thì lên bờ mướn phố để trú ngụ. Sau đó họ đi đến nhà các chủ vựa để thương lượng bán hàng. Thường thì chủ vựa định giá và mua tất cả hàng hóa bất kể tốt xấu. Trong lúc lưu lại Đại Phố, các chủ thương thuyền cũng đi tìm mua hàng hóa trước khi nhổ neo về xứ.
(7) Thuở đó, lúa gạo Đồng Nai nhiều nên rất rẻ. Theo Phủ Biên Tạp Lục của Lê Quý Đôn, Q.III, tr. 223, đồng tiền xưa thì một tiền (60 đồng) đong được 16 đấu thóc. Cứ lường theo bát được gạt bằng miệng mà dân địa phương thường dùng thì ba bát ngang với 30 bát của nhà nước. Một quan tiền đong được 300 bát đồng của nhà nước, tức bát định chuẩn.
(8) Năm 1776, khi đại quân Tây Sơn kéo vào vùng Gia Định để tảo thanh tàn quân của Nguyễn Ánh, nhưng ở vùng Cù Lao Phố quân Tây Sơn không được sự yểm trợ của người Minh Hương nên quân Tây Sơn đã bị tổn thất khá nặng. Nguyễn Nhạc nghĩ rằng chính những người Hoa ở đây đã theo phe Nguyễn Ánh để đánh lại Tây Sơn, nên ông đã cho đốt phá và tàn sát rất nhiều người Minh Hương trong vùng cù lao Phố. Sau sự kiện nầy, đa số người Hoa đã bỏ vùng cù lao Phố để chạy về phía Nam, dọc theo sông Tân Bình, để thành lập nên khu Chợ Lớn ngày nay. Theo Đại Nam Nhất Thống Chí, sau khi đánh phá vùng Nông Nại Đại Phố, quân đội Tây Sơn cho dỡ lấy hết nhà cửa, gạch đá và mang hết của cải về Qui Nhơn. Sau khi Gia Long lên ngôi, dân chúng có trở về đây xây dựng lại, nhưng chưa được một phần trăm thời trước.
(9) Theo Nam Bộ Đất & Người của Viện Khoa Học Lịch Sử, TPHCM: NXB Trẻ, 2004, tr. 155-156.
(10) Nay thuộc tỉnh Định Tường.
(11) Nay thuộc Biên Hòa.
(12) Đại Nam Thực Lục Tiền Biên, Tập I, Quyển V, theo bản dịch của Viện Khoa Học Xã Hội Việt Nam, Viện Sử Học, NXB Giáo Dục, tr. 91.
(13) Người Âu châu nói chung.
(14) Theo chữ Khmer, chức Ốc Nha là một chức quan nhỏ, tương đương với chức quận trưởng của Việt Nam.
(15) Trong đó có nhiều sắc tộc khác nhau như Quảng Đông, Triều Châu, Phước Kiến, Hẹ, Hải Nam, vân vân, nhưng đông nhất là nhóm người Triều Châu tháp tùng theo Mạc Cửu. Nhóm người nầy người Việt gọi là Minh Hương, vì cho rằng họ là những người trung thành với quê hương của nhà Minh.
(16) Thuộc vùng Hà Tiên ngày nay.
(17) Kompong Som ngày nay.
(18) Kampot ngày nay.
(19) Vạn Tuế Sơn, thuộc vương quốc Thái Lan ngày nay.
(20) Cà Mau ngày nay.
(21) Vùng Bạc Liêu và Bãi Xàu mà bây giờ thuộc Sóc Trăng.
(22) Cần Thơ ngày nay.
(23) Vùng Rạch Giá ngày nay.
(24) Chúa Nguyễn cho ông nối nghiệp Mạc Cửu với chức vụ Hà Tiên Trấn Đại Đô Đốc, tước là Tông Đức Hầu.
(25) Lúc nhỏ thì ông có tên là Mạc Thiên Tứ, nhưng khi lớn lên thì đổi làm Mạc Thiên Tích; tuy nhiên, người ta vẫn gọi ông là Mạc Thiên Tứ. Ông còn có tên Miên là Práh Sàtắt.
(26) Kim Dự Lan Đào, Bình San Diệp Túy, Tiêu Tự Thần Chung, Giang Thành Dạ Cổ, Thạch Động Thôn Vân, Châu Nham Lạc Lộ, Đông Hồ Ẩn Nguyệt, Nam Phố Trừng Ba, Lộc Trĩ Thôn Cư, và Lư Khê Ngư Bạc.
(27) Gia Định Thành Thông Chí, Q.III, tờ 63a – 64b.
(28) Theo Đại Nam Thực Lục Chính Biên, Q.III, Đệ Nhất Kỷ tr. 255.
(29) Người Trung Hoa.
(30) Theo Đại Nam Thực Lục Tiền Biên, Q.VII, tr. 115.
(31) Kỳ thật khi tướng Dương Ngạn Địch đi vào Mỹ Tho Đại Phố, ông đã cho một số nhỏ ghé lại khai khẩn vùng Lôi Lạp rồi.
(32) Ngày nay là hai vùng Vĩnh Long và Bến Tre.
(33) Theo Gia Định Thành Thông Chí, Q.III, tờ 63a – 64b.
(34) Sông Hưng Hóa là tục danh của sông Vũng Gù, cách trấn Phiên An khoảng 160 dặm về phía tây, cách lỵ trấn Định Tường khoảng 47 dặm về phía đông), vùng hạ lưu sông Bát Chiên (hồi nầy cũng thuộc trấn Định Tường.
(35) Vùng Trường Tàu cách cửa sông Bassac khoảng 60 dặm về phía tây.
(36)Hồi nầy cửa biển Mỹ Thanh thuộc trấn Vĩnh Thanh.
(37)Vùng Chợ Lớn ngày nay.
(38)Theo Nguyễn Công Bình-Lê Xuân Diệm-Mạc Đường trong “Văn Hóa & Cư Dân Đồng Bằng Sông Cửu Long”, NXB Khoa Học Xã Hội, 1990, tr. 223-224.
(39)Đại Nam Thực Lục Chính Biên, Tập III, đệ nhất kỷ, bản dịch của NXB Sử Học Hà Nội, 1963, tr. 94.
(40)Theo Phan Quang trong “Bút Ký Đồng Bằng Sông Cửu Long”, NXB Trẻ, TPHCM, 2002, tr. 139-140. (41)Theo Gia Định Thành Thông Chí, Q.II, Xuyên Sơn Chí, tờ 64b.
(42)Theo Gia Định Thành Thông Chí, Q.V, Sản Vật Chí, tờ 7b. (43)Gia Định Thành Thông Chí, Q.III, Thành Trì Chí, tờ 28a. (44)Gia Định Thành Thông Chí, Q.VI, Thành Trì Chí, tờ 18b.
Nhấp vào Links:
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét