Thứ Tư, 12 tháng 9, 2018

Người Cao Tuổi Tuyệt Đối Không Nên Làm 8 Việc Hại Sức Khoẻ​


Đại tiện cũng là một vấn đề sức khỏe cần lưu ý đối với người lớn tuổi.
Hạn chế được 8 hành động này, người cao tuổi sẽ tránh được cơ số những nguy hiểm đối với sức khỏe.

1. Không dùng quá sức khi đi đại tiện

Hạn chế dùng sức rặn khi đi đại tiện là một trong những điều cần lưu ý đối với người cao tuổi. Bởi hành động này sẽ khiến ổ bụng chịu áp lực lớn, huyết áp lên nhanh và làm tăng nguy cơ xuất huyết não.

Bên cạnh đó, việc dùng sức rặn quá mạnh khi đi đại tiện còn tăng áp lực đối với tim và có thể dẫn tới nhồi máu cơ tim.

Những người cao tuổi mắc chứng táo bón nên tăng cường ăn rau xanh và hoa quả giàu chất xơ, hình thành thói quen đại tiện đúng giờ hoặc dùng thuốc theo chỉ định của bác sĩ để việc đi vệ sinh diễn ra dễ dàng và an toàn hơn.

2. Không nên vội rời giường khi vừa ngủ dậy

Khi vừa thức dậy, những người tuổi tác đã cao nên hạn chế việc xuống giường ngay lập tức để tránh nguy cơ xuất huyết não, thậm chí đứt mạch máu não.

Nguyên tắc này đặc biệt quan trọng đối với người cao tuổi có tiền sử cao huyết áp hoặc mắc bệnh động mạch vành.

Các chuyên gia kiến nghị, người cao tuổi nên tuân thủ nguyên tắc "chậm thêm 3 lần, tránh hại một giây".

Tức là sau khi ngủ dậy, họ nên nằm yên trên giường thêm ba phút, từ từ ngồi dậy trong 3 phút, sau đó tiếp tục ngồi ở mép giường, thả lỏng 2 chân trong 3 phút rồi mới rời giường.

3. Không nên ăn quá nhanh

Đối với những người cao tuổi mắc huyết áp cao hoặc có tiền sử xuất huyết não, thói quen ăn quá nhanh được ví như "hung thần" sức khỏe của họ.

Nguyên nhân là bởi chức năng nhai nuốt và tiêu hóa của họ đã bị thoái hóa theo thời gian và tuổi tác. Do đó, ăn quá nhanh sẽ không có lợi cho hệ tiêu hóa của nhóm người này, thậm chí còn dễ bị nghẹn, gây tổn thương thực quản và tăng áp lực lên tim.

4. Không nên đứng co một chân để mặc quần

Khả năng giữ thăng bằng ở người cao tuổi rất kém, nên việc đứng co một chân để mặc quần dễ khiến họ bị ngã và có nguy cơ gãy xương.

Vì vậy, cách mặc quần an toàn nhất đối với họ là ngồi lên giường hoặc dựa vào một vị trí cố định chắc chắn.

Ngoài ra, khi rời giường hoặc đi vệ sinh, đi tắm cũng là thời điểm dễ ngã. Những người tuổi tác đã cao nên chú ý vịn tay vào chỗ chắc chắn rồi mới từ từ hoạt động.

5. Không nên nói nhanh, nói nhiều

Các chuyên gia y tế đặc biệt khuyến cáo, những người cao tuổi mắc bệnh tim hoặc có vấn đề về hệ tiêu hóa nên hạn chế nói quá nhanh, quá nhiều.

Trên thực tế, khi tuổi tác đã cao, càng nói to bao nhiêu sẽ càng gây hại cho sức khỏe của họ rất nhiều. Nói nhiều, nói nhanh, nói to đều khiến nhịp tim và huyết áp tăng nhanh một cách đột ngột.

Trong trường hợp tranh cãi với người khác, huyết áp của họ lại càng dễ tăng cao. Vì vậy, người cao tuổi nên duy trì thói quen nói chuyện nhỏ nhẹ, từ từ, giữ bình tĩnh trong mọi trường hợp và hạn chế tranh cãi cùng người khác.

Rèn luyện và duy trì thói quen nói chuyện từ tốn, thong thả cũng là một cách để bảo vệ sức khỏe đối với người cao tuổi. (Ảnh minh họa).

6. Không bước lên cầu thang quá nhanh

Tuổi tác càng cao, các bắp thịt, xương cốt và hệ thống thần kinh càng lão hóa. Nếu trong lúc bước lên cầu thang, hệ thống thần kinh phụ trách điều khiển bỗng nhiên bị "chậm" lại và không theo kịp hành động cơ thể thì nguy cơ bị ngã là rất cao.

Vì thế, khi bước lên cầu thang, người cao tuổi nên chú ý vịn tay vào tường hoặc lan can, bước chắc chắn, từ từ, chậm rãi để đảm bảo an toàn.

7. Hạn chế khom lưng

Trên thực tế, khom lưng là hành động không thích hợp với hầu hết người cao tuổi, đặc biệt là nhóm người có tiền sử mắc bệnh về hệ thống thần kinh.

Sự thoái hóa về xương cốt và hệ thống thần kinh khiến người già có khả năng thăng bằng kém, khớp xương cứng và bắp thịt không đủ khả năng bảo vệ xương cốt.

Bởi vậy, việc khom lưng quá thấp dễ dẫn đến nguy cơ trật khớp và làm tổn thương tới các khớp xương.

Các chuyên gia cũng khuyến cáo, người cao tuổi nên tránh việc đột ngột khom lưng quá nhanh để hạn chế nguy cơ xuất huyết não. Trong trường hợp phải cúi người nhặt đồ, họ nên cúi xuống một cách từ từ, vịn tay vào vật cố định hoặc ngồi xuống nhặt đồ với tư thế thẳng lưng.

Theo thời gian, xương cốt của chúng ta sẽ bị thoái hóa. Vì vậy, khom lưng hay cúi người đột ngột là hành động nên hạn chế khi tuổi tác đã cao. (Ảnh minh họa).

8. Tránh quay đầu đột ngột

Khi quay đầu quá nhanh, các mạch máu dẫn lên não của người cao tuổi sẽ bị chèn ép đột ngột, dẫn đến tình trạng thiếu máu não, thậm chí kéo theo các biến chứng nguy hiểm như ngất, hôn mê, tai biến, đột tử.

Vì vậy, cách tốt nhất là người cao tuổi nên quay cả người lại phía sau, hoặc quay đầu một cách từ từ.

Bao nhiêu cái xuân xanh thì gọi là người cao tuổi?
Bạn hãy tự quyết định!

Đỗ Đình Tiến Sưu Tầm

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét