(Nhờ bạn Mùi chuyển cho hai chị BẠCH YẾN & THANH VÂN! Cám ơn bạn!)
Quách Vĩnh Thiện & Trần Quang Hải năm 2005
Sáng 29/12 (tin báo không chính xác!) tôi đã khóc trong khi thông báo điện thoại cho bạn Lê Trường Xuân, trưởng nhóm hay đại diện lớp 1956-1963 Petrus Trương Vĩnh Ký ở Sài Gòn và một bạn khác không muốn đề tên, về sự ra đi vĩnh viễn của bạn Trần Quang Hải, giáo sư tiến sĩ nổi tiếng khắp thế giới (nhứt là ở Pháp).
Nhân tiện, tôi viết bài lưu niệm nầy cho cả hai bạn học của tôi ở Petrus Ký là Trần Quang Hải và Quách Vĩnh Thiện mà hai năm trước bạn Hải và vợ là nữ ca sĩ Bạch Yến đã đưa bạn Thiện về cõi hư vô và có gởi hình cho tôi.
Tuy nhiên, tôi xin phép viết về bạn Thiện trước theo thứ tự thời gian ra đi và sự quen biết của tôi với bạnThiện trước bạn Hải và dùng chữ “bạn” trước tên họ dù rằng thuở xưa chúng tôi gọi nhau bằng “mầy” và xưng “tao” vì cả ba chúng tôi đều là người miền Nam.
Bạch Yến, Trần Quang Hải và Thanh Vân (vợ của QVT)
Quách Vĩnh Thiện
Chúng tôi học chung hai lớp 7F và 6F ở trường Petrus Ký trong hai năm 1956-1958. Nhưng qua tháng 3, 1957 tôi mới dọn nhà về Gia Định ở gần nhà của bạn Thiện. Tôi nhỏ hơn bạn Thiện một tuổi và bạn tôi cao và mập mạp hơn tôi nhiều thuở bấy giờ.
Nhà của bạn Thiện ở đường Ngô Tùng Châu (như một biệt thự đơn giản trên đất rộng khoảng 30m x 50m, hàng rào kẽm sơ sài) cách Ngã Ba Cầu Cống (Gia Định) độ 1km và hồ tắm Chi Lăng độ 1km5; nhà tôi ở khu Xóm Đình, vô sâu đến chỗ Xóm Ruộng, nhà tôi ở cuối xóm. Tuy nhà của chúng tôi cách nhau non 3 cây số nhưng tôi rất thích đạp xe đến để nói chuyện âm nhạc, nhạc cụ và thỉnh thoảng tôi khoái thọt hay leo lên hái vài trái trứng cá chín mùi mà bạn Thiện còn nhớ nên nhắc ở E-mail hồi âm từ bên Pháp sau hơn 50 năm hai chúng tôi không thấy nhau.
Tôi chỉ biết tổng quát ba má bạn Thiện là công chức và có dịch vụ tương đối khá giả, có xe hơi. Thuở bấy giờ, sống chung trong nhà bạn Thiện có anh trai là anh Quách Vĩnh Trường (mà thỉnh thoảng tôi cũng có nói chuyện đôi chút, về sau anh trở thành thương phế binh anh hùng nổi tiếng trước 1975 và chắc hiện còn sống ở Gia Nã Đại hay Hoa Kỳ), một em gái kế và hai em trai. Hai người mà bạn Thiện thường hãnh diện nói đến và cho coi hình ảnh là hai cậu Lương Vinh Sanh và Lương Vinh Diệu đều là nhạc sĩ và dạy nhạc ở Mỹ Tho và tôi tin chắc rằng tài nghệ âm nhạc nổi danh của bạn Thiện về sau là cũng nhờ ơn dạy dỗ chút ít của hai cậu khi Thiện chưa qua lớp đệ nhị cấp trung học (lớp Đệ Tam hay lớp 10 bây giờ). Bấy giờ tôi chỉ mới bắt đầu học măng cầm với giáo sư Trần Anh Tuấn nổi tiếng nhứt về đàn nầy ở lớp nhạc tư trong phòng trà Anh Vũ trên đường Bùi Viện gần sau lưng rạp hát Nguyễn Văn Hảo và sau đó học tiếp môn nầy với nhạc sĩ Hương Tử vốn tốt nghiệp môn nầy với thầy Tuấn trước kia; còn bạn Thiện thì đã đàn khá cả măng cầm và Tây ban cầm.
Bạn Thiện tuy là con nhà giàu, nhưng ăn nói và đối xử với bạn học bình dân và chân thật bởi thế tôi, con nhà nghèo và trong hoàn cảnh không may (ba bạo lực và có dì ghẻ khó chịu—xin xem đính kèm!) đã chơi thân với bạn Thiện. Trung bình mỗi tháng tôi đạp xe lên nhà bạn Thiện ít nhứt một lần để nói chuyện văn nghệ, tập đàn với nhau; thỉnh thoảng bạn Thiện san sẻ cho tôi bánh, trái trong gia đình mà một học trò nghèo như tôi gần như lúc nào cũng cần thiết; tình bạn học và văn nghệ giữa tôi và bạn Thiện càng ngày càng thân. Ngoài ra, vì nhà nghèo, tôi làm gì có tiền mua dĩa nhạc ngoại quốc để nghe (tôi đã rồi biết nghe nhạc ngoại quốc từ khi mới 4-5 tuổi khi sống với má tôi ở Thị Nghè bên kia Sở Thú Sài Gòn) nên nhà bạn Thiện là nơi tôi may mắn có dịp để nghe.
Kể từ tháng 9, 1958, tôi lên lớp 5C, còn bạn Thiện lên lớp Đệ Ngũ nào tôi không nhớ nên chúng tôi gần như không còn cơ hội gặp nhau. Tôi không biết gia đình bạn Thiện dọn về đường Vườn Chuối bên hông chợ Vườn Chuối năm nào; mãi đến năm 1962 tôi mới biết và đôi khi tôi có ghé thăm bạn Thiện ở nhà mới và cũng còn gặp anh Quách Vĩnh Trường. Sau khi thành lập ban nhạc Les Fanatiques với các ca sĩ Công Thành, Tới, Helena, v.v., bạn Thiện trở thành thần tượng của tôi, nhứt là khi bạn Thiện trổ tài biểu diễn cây ghi-ta điện sau lưng. Trong đặc san Tết Quí Mão (1963) mà tôi là trưởng ban báo chí toàn trường Petrus Ký (vì tôi học lớp duy nhứt 1C chuyên ban văn chương và sinh ngữ), tôi thích nhứt bài “Chất Học Sinh” (trang 9-10) của bạn Thiện.
Đến cuối mùa Hè 1964, bạn Thiện qua Pháp du học. Trước khi đi, bạn có cho tôi địa chỉ sẽ sang cư ngụ ở Paris mà tôi còn giữ đến bây giờ (nhưng để bên Hoa Kỳ trong khi tôi viết bài nầy ở Sài Gòn!). Năm 1979, từ thành phố Nữu-Ước tôi qua Pháp lần đầu tiên để thăm má tôi, tôi có kiếm nhà của bạn Thiện nhưng bạn đã dọn đi nơi khác nên tôi không có dịp tái ngộ với người bạn xa xưa.
Mãi đến khoảng năm 2013, tôi mới có dịp liên lạc lại với bạn Thiện qua E-mail, và mỗi tuần Thiện chắc đã nhận những tài liệu hữu ích mà tôi sưu tầm, phổ biến và tôi cũng đã gởi những tác phẩm do tôi sáng tác như thơ, văn và nhạc đã đăng trên Google , Youtube và vài mạng khác. Tôi cũng đã giới thiệu tựa của hơn 10 cuốn sách của tôi đã được xuất bản ở Hoa Kỳ và Việt Nam, nhưng tôi chắc bạn Thiện quá bận sáng tác và trình diễn văn nghệ nên không có thì giờ cho các tác phẩm của tôi.
Dù là kỹ sư toán, nhưng Quách Vĩnh Thiện đã được người Pháp công nhận tài năng âm nhạc nên được phong chức Viện sĩ của Viện Hàn Lâm Âm Nhạc (?) Pháp. Tôi rất khâm phục bạn Thiện hy sinh, kiên nhẫn trong 5 năm (2005-2009) cho công trình phổ nhạc Truyện Kiều của thi hào Nguyễn Du gồm 7 CDs, được Unesco xem như di sản văn hóa nhân loại và phổ nhạc thi phẩm Chinh Phụ Ngâm Khúc của bà Đoàn Thị Điễm qua 2 CDs trong 2 năm 2010-2011. Ngoài ra, bạn Thiện còn sáng tác nhiều CDs nhạc tâm linh, v.v..
Tóm lại, bạn Thiện và tôi đã học chung lớp và san sẻ bao nhiêu kiến thức âm nhạc trong non 2 năm (thật ra, tôi học nhiều ở bạn Thiện trong giai đoạn nầy); sau đó, dù ít gặp nhau và sau 1964 thì không còn gặp nhau nữa, nhưng tình bạn chung lớp và văn nghệ vẫn luôn gần nhau. Có một điều tôi phải công nhận là tài âm nhạc của Quách Vĩnh Thiện hơn tôi quá xa và lý tưởng phục vụ âm nhạc của bạn Thiện cũng hơn tôi nhiều và rất đáng trọng.
Trần Quang Hải
Bạn Hải và tôi học chung lớp 5C, 4C và nửa năm lớp 3C cho đến khi bạn được ba là giáo sư Trần Văn Khê rước sang Pháp.
Khi còn học chung 2 lớp đầu, tôi thật sự không biết ba của Hải là ai mà chỉ biết má của Hải đang làm giám thị ở trường nữ trung học Gia Long thời đó.
Nhà của Hải ở trong hẽm Xóm Chùa (bấy giờ chưa đặt tên đường cho hẽm nầy), đâm ra đường Trần Quang Khải độ 200m và cách đường Hai Bà Trưng độ 250m. Từ tháng 9, 1958 (tôi học lớp 5C) đến tháng 1, 1959, đang đi hoang, sống tự lập, buổi sáng tôi lo bán bắp rang trong khu vực đường Nguyễn Tri Phương và Lý Thái Tổ nên coi như tôi không biết hay không quan tâm đến bạn Hải học chung lớp. Từ tháng 2, 1959 (đã trở về nhà trong tháng 1, 1959), tôi nhớ là có thì giờ đi đây đó nên tôi có đến nhà của bạn Hải chơi khoảng 2-3 lần, một lần được bạn kéo vĩ cầm cho tôi nghe khá hay nhưng tôi không hề biết bạn đang học ở Trường Quốc Gia Âm Nhạc về môn nầy; bạn cũng mời tôi ăn bánh trái trong nhà và tôi thích nhứt là được bạn Hải cho nghe ké dăm dĩa nhạc ngoại quốc phổ thông và cổ điển như khi ở nhà bạn Thiện. Từ đầu tháng 9 năm 1959 đến Hè 1960, ngoài giờ học tôi quá bận với chuyện mưu sinh trong Giải Trí Trường Thị Nghè nên không còn thời gian để giao du với bạn bè, bởi thế chúng tôi chỉ thấy nhau trong giờ học mà thôi.
Qua tháng 9, 1960, tôi không còn mưu sinh ở Giải Trí Trường Thị Nghè nữa, chúng tôi vẫn học chung lớp 3C, nhưng tôi lại quá lo việc học hành nên mỗi tuần ba bốn lần vào Thư Viện Quốc Gia cũ ở góc đường Gia Long (bây giờ là Lý Tự Trọng) và Tự Do (bây giờ là Đồng Khởi) để sưu tầm và học hỏi nên gần như chúng tôi không còn gặp nhau cho đến một ngày các bạn trong lớp cho biết rằng bạn Hải đã qua Pháp.
Mùa Hè 1979, tôi sang Pháp để thăm má tôi và các em lần đầu tiên và tôi vô cùng ngạc nhiên và thán phục thấy và nghe những dĩa cổ nhạc Miền Nam do giáo sư Trần Văn Khê và bạn Hải trình bày, khi thì độc tấu, khi thì song tấu hay toàn ban hòa âm. Bấy giờ tôi cũng có phần nào hãnh diện có người bạn học giỏi và tài tình như thế. Tôi đem các dĩa giới thiệu với bà con ở bên Pháp, chứ không có thời gian để đi tìm gặp bạn Hải hay Thiện vì tôi đang làm việc ở thành phố Nữu-Ước, chỉ được nghỉ phép qua Pháp 2 tuần thôi.
Độ đầu năm 2011, giáo sư Trần Văn Khê có tổ chức một buổi văn nghệ ngay tại tư gia của ông ở gần chợ Bà Chiểu với sự tham dự của bạn Hải và vợ là ca sĩ Bạch Yến từ bên Pháp về. Tôi được bạn Hải thông báo nên đã mướn xe tắc-xi để đi với bạn gái ở thành phố Biên Hòa xuống. Biệt thự của giáo sư tuy rộng rải nhưng phòng trình diễn thì quá nhỏ cho một buổi văn nghệ có tiếng tăm. Tôi và bạn gái đến đúng giờ nhưng vẫn phải đứng nghe ở ngoài hành lang. Bạn Hải và tôi có gặp nhau ở ngoài sân sau, nhưng chỉ trau đổi một hai câu xã giao rồi bạn Hải phải trở vô tiếp tục trình diễn. Quá mõi chân cho một người ở tuổi đã về hưu như tôi phải đứng coi nên khoảng nửa tiếng sau thì tôi và bạn gái tự động kêu xe đã mướn trở về Biên Hòa.
Đầu tháng 2, 2015, bạn Hải nhờ tôi dịch bài về “Hát Bài Chòi” từ Việt văn qua Anh văn (13 trang) và tôi đã giúp. Mỗi tuần bạn Hải đều nhận ít nhứt 5 E-mails của tôi và thỉnh thoảng tôi cũng nhận một E-mail của bạn Hải. Ngày 20/12/21 tôi nhận E-mail trong đó bạn Hải mặc đồ Ông Già hát và thổi “the Jew’s harp” bài “We wish you a merry Christmas and a happy New Year” và ngày 21/12/21 tôi lại nhận E-mail của Hải với tựa “meilleurs voeux pour un joyeux NOEL” trong đó bạn Hải hát bài “JINGLE BELLS WITH THE OVERTONE SINGING”. Nước mắt của tôi trào ra khi nghe bạn hát bài thứ hai nầy vì không ngờ đời quả vô thường và từ nay tôi không bao giờ thấy hay gặp bạn Hải của mình nữa.
Những ai quan tâm đến cổ nhạc, nhứt là cổ nhạc Nam phần, hãy tin rằng chúng ta sẽ KHÔNG bao giờ tìm lại được một Trần Quang Hải thứ hai với di truyền gia đình, tài nghệ, kiên nhẫn và tấm lòng và chúng ta nên biết nhớ ơn giáo sư, tiến sĩ Trần Quang Hải (cộng với sự phụ tá của vợ là ca sĩ Bạch Yến) đã trình diễn và truyền bá cổ nhạc Việt Nam khắp bốn phương trời trong hơn 40 năm qua.
Tôi trọng cả hai bạn học của tôi vì căn cứ vào tiểu sử cũng như hoạt động suốt đời, tôi tin rằng bạn Quách Vĩnh Thiện và bạn Trần Quang Hải là hai cá nhân sống lương thiện mà với tôi ai sống lương thiện là người được sự kính trọng của tôi bất kỳ người đó giàu, nghèo, có tài hay bất tài.
Tạ ơn Trời, Phật, Chúa hay Thượng Đế đã cho tôi có hai người bạn học như Quách Vĩnh Thiện và Trần Quang Hải để tôi thương, trọng và nhớ ơn; và chắc chắn sớm muộn gì tôi cũng nối gót theo hai bạn Thiện và Hải.
Vương Đằng
(Trưa Thứ Ba 04/01/22 là lúc dự định hỏa thiêu bạn Hải ở Pháp)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét