Thứ Năm, 6 tháng 1, 2022

Quỳnh Hoa


Sáng nay, ngày sinh nhật, chậu hoa Tiểu Quỳnh chào mừng bằng một bông hoa vừa mới nở với nhiều bông còn đang phong nhuỵ e ấp chờ đến lượt mình mang lời chúc tụng đến chủ nhân.

Chậu hoa tiểu quỳnh này là loại quỳnh nở ngày có mầu hồng tím ngọt ngào (fluchsia) mà Sao Khuê mua cả hai năm nay. Sau khi ra hoa, nàng có nụ nhưng chưa nở hoa đã rụng sạch cả. Hè này Sao Khuê mang nàng máng đại ở dàn mướp, chả buồn trông nom, lâu lâu cho tí nước. Thế rồi nàng có nụ, trắng chứ không hồng. Biến thái rồi chăng. Những nụ lớn dần và vẫn giữ mầu trắng, không trắng muốt như dạ quỳnh mà…. khó tả quá, có chút gì trong suốt. Thường thì dạ quỳnh mới trắng và thơm...

Quỳnh Hoa

Ôi! Quỳnh hoa, Em đến về đêm
Không gian chào đón, lặng như chìm
Cánh trắng hé ra, trăng huyền hoặc
Em đã đến rồi…đời lãng quên …

Em đến thăm, đêm đầu là đêm cuối
Thoảng hương trinh, tiên nữ bị đày
Chỉ một lần thôi gây thương nhớ
Rồi Em trở gót, nhẹ như mây….

Nhụy vàng một cặp, đôi hài nhỏ
Áo em tà trắng, mỏng lụa sa
Mỗi độ thu về, đêm Em đến,
Sáng đã đi rồi, ta xót xa!

Em đã đi rồi! đâu hình bóng
Thoảng chút hương thừa theo gió bay
Ta chờ Em nhiều đêm thanh vắng
Và thấy Em tàn buổi sáng nay!

Em vô tình quá! Chẳng tiếc thương
Sao mau trở lại chốn thiên đường
Em đến, như là cơn ảo mộng
Hương quyện trong hồn ta vấn vương …

Nhờ ai nối dài cho giấc mộng
Nhớ nối giùm ta chút tơ vương…..

Sao Khuê
16-12-2004
Xin mời quý vị nghe diễn ngâm bởi nghệ sĩ Hồng Vân:

Quỳnh hay còn gọi là Chi Quỳnh ( Epiphyllum) nguyên gốc từ tiếng Hy Lạp, gồm chữ Epi là "trên" và phyllum là "lá". Như vậy epiphyllum là "trên lá": hoa, trái và hạt, cành của cây quỳnh đều bắt đầu ngay ở lá. Tuy nhiên gọi là lá cũng không đúng vì quỳnh chỉ có cành, và cành biến thể trông giống như lá vậy. Cây Quỳnh khởi đầu chỉ là cây dại, mọc dựa vào các thân cây trong các khu rừng nhiệt đới tại Trung và Nam Mỹ, tuy nhiên Quỳnh sống cộng sinh chứ không phải sống ký sinh.

Thân cây quỳnh hình trụ, mọng nước, xen vào nhau, thành một bụi rộng và dẹp, cao từ 2-3 mét. Chi Quỳnh là một chi thực vật lớn gồm khoảng 19 loài và thuộc họ Xương rồng (Cactaceae).

Nói đến hoa quỳnh, người Việt Nam xưa chỉ biết hoa quỳnh trắng, nở về đêm, thơm ngát và chưa sáng đã tàn gọi là Dạ Quỳnh, mầu trắng rất tinh khiết nên được gọi là nữ hoàng đêm.

Sau này người ta biết thêm đến loại giống như hoa quỳnh nhưng nhiều mầu, nở ban ngày, lâu tới gần một tuần mới tàn. Để phân biệt, người ta gọi loại sau là Nhật Quỳnh, quỳnh nở ngày, thường nở vào tháng 4 đến tháng 10 nên gọi là Cractus de Pâques. Loại này thường có nhiều mầu như đỏ, vàng, hồng, cam; hoa to gần giống dạ quỳnh. Một loại nhật quỳnh khác, hoa nhỏ, dài, cũng có nhiều mầu tươi đẹp, nở được vài ngày vào dịp Giáng Sinh mang tên là Christmas cactus, mình gọi là Tiểu Quỳnh.

Dạ Quỳnh hay Quỳnh trắng (Epiphyllum oxypetalum) có tên gọi khác, xuất phát từ chữ Hán là "Đàm Hoa Nhất Hiện" nghĩa là hoa chỉ nở thoáng qua. Hoa có dạng hình giống kèn Trumpet, cuống phủ một màu đỏ cam, với những chiếc gai nhỏ, ngắn. Quỳnh trắng thường nở vào khoảng tháng 6, tháng 7 và chỉ nở duy nhất một đêm và 3-4 tháng sau, tháng 10, có thể ra hoa một đợt nữa. Cánh hoa mỏng, mềm mại, bề mặt như phủ sáp trong, sắc trắng với nhị vàng và hương thơm nhẹ nhàng. Khi hoa nở, cánh từ từ hé mở thấy được bằng mắt thường như đoạn phim quay chậm cho đến khi đạt kích thước tối đa rồi cụp dần lại và tàn đi nhanh chóng trong khoảng vài giờ.

Hoa nở về đêm thường không được chuộng vì tính cách như có vẻ vụng trộm, lén lút nhưng hoa quỳnh lại rất được quý trọng vì vẻ đẹp đài các thanh cao, hương thơm quý phái và …và hơn nữa, chỉ sau vài giờ ngắn ngủi, đoá hoa khép lại. Ong và bướm ngay cả sâu bọ chưa có dịp cợt đùa .“Nữ hoàng đêm” đã được bóng đêm che chở vì đêm là lúc côn trùng cũng nghỉ ngơi... Với hoa quỳnh, con người cũng có phần vị nể, thường chỉ ngắm mà không ngắt nói chi là vò nát...

Ta mang cho em một đoá quỳnh
Quỳnh thơm hay môi em thơm
Em mang cho ta một chút tình
Miệng cười khúc khích trên lưng

Đêm này đêm
Buồn bã với những môi hôn
Trong vườn trăng
Vừa khép những đóa mong manh...
(Bài hát Quỳnh Hương -Trịnh Công Sơn)

Khi Sao Khuê nghe bài hát “Ta mang cho em một đoá quỳnh, quỳnh thơm hay môi em thơm”, Sao Khuê đã buồn cười vì có ai ngắt đoá quỳnh đem tặng người yêu đâu. Hoa quỳnh không có cành, nở ra từ kẽ lá cơ mà… cho đến một ngày tiếc công chăm sóc, Sao Khuê cắt theo hai lá mang hoa đến nhà bạn để cùng ngắm thì Sao Khuê mới thấy có lẽ có người cắt hoa quỳnh đem tặng...

Người xưa rất quý hoa quỳnh và cho quỳnh là giống hoa đài các thanh cao:

... Hài văn lần bước dặm xanh
Một vùng như thể cây quỳnh cành dao…..

Xem hoa quỳnh nở là thú vui tao nhã của người xưa, thường chỉ dành cho các người lớn tuổi, thích văn thơ, chuộng sự tao nhã:

Khi chén rượu, lúc cuộc cờ
Khi xem hoa nở, khi chờ trăng lên
(Truyện Kiều - Nguyễn Du)

Khi xem hoa nở khi chờ trăng lên là phút giây giao cảm của tri kỷ cũng là phút giây đẹp nhất của đời hoa, của vầng trăng. Yêu hoa, yêu trăng và đủ duyên để xem hoa nở lúc trăng lên bên người tri kỷ há chẳng là hạnh phúc lắm sao?

Thời gian hoa nở là khoảnh khắc tuyệt vời vô cùng lý thú. Gần về nửa đêm, như người mẹ chuyển bụng, đoá hoa quỳnh chuyển mình và từng cánh theo nhau từ từ hé để sau cùng bung xoè ra thành đoá hoa trắng muốt, mầu trắng đặc biệt không giống bất cứ mầu trắng nào, tinh khiết kiêu sa. Người ta cầu kỳ xem hoa nở dù phải thức khuya vì bằng mắt thường người ta có thể thấy từng khoảnh khắc mà cánh hoa bung ra. Cũng bằng mắt thường, người ta thấy nhuỵ hoa vươn dài, tua nhị bung, bung, bung ra như người làm ảo thuật, và người ta theo dõi hoa quỳnh nở như nín thở theo dõi màn ảo thuật mà các cô tiên xiêm y trắng muốt lần lượt xuất hiện. Chỉ riêng với dạ quỳnh, phải chỉ dạ quỳnh tức nguyệt quỳnh mới đem lại cho người ta giây phút xuất thần mà quên, quên hết để chỉ thấy: kìa đoá hoa nhúc nhích, kìa búp hoa xoè ra, xoè ra, xoè rộng ra….rất từ tốn. Từ tốn đủ để nhìn thấy sự chuyển mình bung nở của cánh hoa, không giấu kín, nhưng không quá chậm rãi như một vũ khúc uyển chuyển tặng dâng người.. những cánh hoa trắng muốt khiến người ta có cảm tưởng như có những cô tiên xiêm y trắng toát, trốn khỏi thiên đàng, chỉ lưu lại trần thế vài giờ rồi mau mau bay về. Chỉ những người yêu cô, có duyên với cô mới được thấy cô múa. Khi cô múa, xiêm y từ từ bung ra như vũ điệu ballet, và khi cô ngồi xuống là lúc hoa mãn khai, nhuỵ vàng bao quanh nhuỵ đỏ cũng bung ra và mùi thơm tràn khắp không gian. Khi người ta đã ngắm đủ, đã rời đi thì cô cũng lẳng lặng ra về trong đêm tối như một mối tình đẹp, dở dang của Lưu Nguyễn chốn thiên thai

Phải, chỉ với dạ quỳnh và chỉ dạ quỳnh thôi ta thấy khoảnh khắc tuyệt vời của khai hoa nở nhuỵ theo nghĩa đen

Cũng chỉ với dạ quỳnh ta mới thấy mùi hương quả thật đang lan ra, lan ra từ đóa dạ quỳnh đang nở và tràn ra không gian …Đêm nay hương lan không gian mơ màng để lòng thôi bâng khuâng mà nương theo hoa nở rồi tàn...


Cùng lúc hoa nở là hương hoa lan toả. Một mùi hương dịu dàng, thanh khiết nhưng đầm ấm, ngọt ngào cho người ta cảm giác ngây ngất bồi hồi quyến luyến và ngưỡng mộ.
….

Hoa quỳnh đến như là ảo mộng, nếu không chịu khó theo dõi thì chỉ đành than thở “ ta chờ em nhiều đêm thanh vắng, chỉ thấy em tàn buổi sáng nay!”

Người ta kể rằng:

*Đời nhà Tùy (587‐617), ở Dương Châu thuộc huyện Giang Ninh, một phồn hoa đô hội Trung Quốc, có ngôi chùa tên Dương Ly. Một đêm giữa lúc canh ba, ngoài chùa bỗng có ánh sáng lòe như lửa dậy. Trên không lại có tiếng nổ vang, rồi có một vật gì sa xuống như sao rơi và hương thơm sực nức lạ lùng, khiến dân chúng đổ xô đến xem. Gần bên giếng của chùa bỗng mọc lên một cây hoa lạ, trên ngọn trổ một đóa hoa cực kỳ tươi đẹp. Trên hoa chia làm 18 cánh lớn, dưới có 24 cánh nhỏ. Dân chúng đặt tên là hoa Quỳnh. Lúc bấy giờ có người tên Vương Thế Sung ở thành Lạc Dương, nguyên trước can án giết người nên chạy trốn đến chùa trú ngụ. Vương vốn biết vẽ, thấy thế mới lấy bút mực ra vẽ đóa hoa ấy. Vua nhà Tùy là Dạng Đế (ông vua hôn quân vô đạo, chơi bời trác táng, xa hoa, phung phí) nhân một đêm nằm mộng thấy hoa, nay được tin có hoa lạ trổ tại Dương Châu, mới yết bảng, ai vẽ được đóa hoa ấy đem dâng cho nhà vua sẽ được trọng thưởng. Vương Thế Sung mang bức tranh ấy đến dâng, được nhà vua tha tội giết người, lại được phong chức Quỳnh Hoa Thái thú. Chùa Dương Ly đổi thành chùa Quỳnh Hoa. Hoa trong tranh nhìn đẹp lộng lẫy, cố nhiên hoa thực còn đẹp gấp ngàn lần. Vì lòng tò mò, ham thích nên nhà vua nhất định ngự giá ra Dương Châu xem hoa.

Vốn đường đất từ Lạc Dương (kinh đô nhà Tùy) đến Dương Châu ở Giang Nam rất xa xôi, khó đi. Nhà vua cho đi xe giá nhọc nhằn nên truyền cho người đốc xuất dân chúng lao dịch khai kinh bắc cầu từ Long Trì thẳng qua ải Trường Bình, thông với sông Hoàng Hà cho đến Dương Châu để ngự thuyền rồng cho tiện. Đồng thời lại truyền cho người xây cất cung điện nơi ấy để nghỉ ngơi.Việc lao dịch quá gian lao, bọn quan lại tham tàn thừa nước đục thả câu càng bóc lột nhũng nhiễu dân chúng. Nhân dân cực khổ chết chóc, tiếng thán oán kêu khóc ngập trời. Vì dục vọng xem hoa mà làm khổ trăm họ. Nhưng nhà vua không nghĩ đến, lại ra lịnh cấp tốc hoàn thành công việc đào kinh trong vòng một tháng. Chậm trễ hoa sẽ tàn mất. Đàn ông cung cấp không đủ thì đàn bà cũng bị bắt đi làm. Sử chép: đào con kinh ấy lao dịch có đến một triệu dân phu. Cung phi, mỹ nữ, ngự binh, cước điện (người kéo thuyền) có đến 80 ngàn người. Dân chúng trong vòng 500 dặm dọc theo kinh phải mang thức ăn cung phụng cho đoàn du hành quý phái ấy.
Nhưng khi thuyền rồng ngự đến Dương Châu và chuẩn bị ngày mai Tùy đế xe giá đến xem thì khuya hôm ấy, mưa gió đầy trời, hoa thần rụng mất.
Vì đây là thần hoa, hiện ra không phải để cho bạo chúa xem mà là để cho nhân dân và chân chúa xem đồng thời để chỉ rõ sự diệt vong của nhà Tùy. Mười tám cánh trên của hoa biểu hiệu 18 vị phản vương, 24 cánh nhỏ dưới biểu hiệu 24 trấn khởi loạn chống lại Tùy đế. Và, cơ nghiệp nhà Tùy sẽ chuyển sang nhà Đường do con của vị đại thần Lý Uyên là Lý Thế Dân khai sáng, đánh bại 18 phản vương và dẹp yên 24 trấn, thống nhứt lãnh thổ. Đó là một chân chúa.
Vì vậy, trong khi lãnh sứ mạng bảo giá Tùy đế ra Dương Châu, Lý Thế Dân đến chùa trông nom lính dọn dẹp, chuẩn bị cho ngày mai Tùy đế đến xem, Thế Dân thừa dịp đến xem hoa trước. Quỳnh hoa nhún lên xuống ba lần như đón chào. Rồi ngay đêm hôm ấy, sau một cơn mưa to, hoa tàn rụng. Mộng xem hoa của tên bạo chúa tan vỡ. Dục vọng ngông cuồng của nhà vua đã làm cho hàng vạn sinh linh điêu đứng, chết chóc, lầm than!

Sáng hôm sau, Tùy Dạng Đế xa giá đến xem hoa, chỉ còn thấy cánh hoa úa rũ, tan tác. Vua tức giận, tiếc công đi nghìn dặm không được xem hoa, ra lệnh nhổ bỏ, vứt đi.

Từ đó hoa Quỳnh chỉ nở trong một thoáng về đêm, không nở ngày và không tỏa hương thơm cho khắp thế gian nữa. Nó chỉ khiêm nhường nở về đêm và chỉ dành cho những tâm hồn thanh tao biết đợi chờ.Người Tây phương đã nói hoa Quỳnh tượng trưng cho "sắc đẹp phù du" (transient beauty), nở đó để rồi tàn đó. Thật là tiếc cho thoáng hương Quỳnh trong đêm, một thoáng phù du, đã vội cùng cánh gió bay xa!

Hoa Quỳnh tượng trưng cho cái "vẻ đẹp chung thủy" (loyal beauty), vì hoa chỉ nở một lần rồi tàn tạ; cũng như một tình yêu đầu tiên và duy nhất dâng hiến cho người tình. Hoa quỳnh cũng chỉ sự e ấp, thanh khiết, khiêm nhường, thầm lặng nhưng huyền bí thanh cao và tạo nên nhiều áng thơ, bản nhạc để đời:

Hoa quỳnh

Hoa phi hoa, vụ phi vụ
Dạ bán lai, thiên minh khứ
Lai như xuân mộng kỷ đa thời
Khứ tự triêu vân vô mịch xứ

Bạch Cư Dị

Hoa chẳng hoa, sương chẳng sương
Đêm khuya mới đến, sáng tường ra đi
Đến, êm gối mộng xuân thì
Đi, như mây sớm vô vi khôn tìm.

Sao Khuê phỏng dịch


Vì kiếp hoa sớm nở chóng tàn, Quỳnh Hoa đã được ví như một cuộc tình mong manh, đẹp và thanh tao hay cho cuộc sống vô thường của kiếp người. Hoa vội tàn làm thổn thức người xem, thấm thía bùi ngùi nhớ lời ru:

Bông ngâu rụng xuống cội ngâu
Em còn phụ mẫu dám đâu tự mình
Bông quỳnh rụng xuống cội quỳnh
Dù ai ngậm ngọc dỗ mình đừng xiêu

Nhưng nàng Quỳnh Như dường như đã quên lời mẹ dặn, cùng Phạm Thái để lại thiên tình sử làm tê tái lòng người:

Lời Đường thi còn rền vang trong sương mưa; Cung Nguyệt cầm vẫn thương Cô Tô; Tiếng đàn đợi chờ mơ hồ vẫn thương muôn đời nàng Quỳnh Như thưở đó...nên hồn tôi vẫn nhớ mãi một thời hoàng kim xa qúa, chìm trong phôi pha ( nhạc Cung Tiến)

Nhật quỳnh

Ngoài dạ quỳnh hay nguyệt quỳnh, người ta còn có nhật quỳnh, loại quỳnh nở ngày, nở lâu và nhiều mầu sắc. Hình dạng giống như dạ quỳnh, nhật quỳnh nở vào lễ Phục sinh mang tên Cactus de Paques , nhiều bông và nhiều mầu sặc sỡ, hoa giữ được đến cả tuần mới tàn



Tiểu Quỳnh
Hoa tiểu quỳnh có tên tiếng Anh là Christmas Cactus, tiếng Pháp là Cactus de Noel.

Hoa tiểu quỳnh hay còn được gọi là hoa càng cua hay cây lan càng cua, xuất phát từ những khu rừng ven biển và rừng có độ cao từ 100 – 1500m ở Brazil và Rio De Janeiro…Cây mọc thành từng bụi nhỏ, có nhiều cành và buông thõng xuống nên được trồng trong chậu treo lên cao. Cây nở hoa từ tháng 10 đến tháng 3 năm sau, để chưng vào dịp Giáng Sinh, Tết với ý nghĩa mang lại sự may mắn. Trong phong thủy quỳnh thuộc họ xương rồng mang nghĩa trừ tà và mang lại cảm giác thoải mái, yên bình.

Hoa tiểu quỳnh nhỏ, dài, gai ở lá không nhọn, hoa nở vào dịp Giáng sinh.


Hoa nhật quỳnh tròn to, gai ở lá nhọn, hoa nở vào dịp Phục sinh.

Hoa quỳnh chuộng chỗ râm mát, độ ẩm cao, không chịu được giá rét cũng không chịu mặt trời gay gắt. Nhiệt độ thích hợp từ 20-25 độ

Đất trồng giống cây quỳnh phải tơi xốp, nhiều mùn, đủ chất dinh dưỡng và thoát nước tốt. Tưới nước cho hoa vào sáng sớm đủ ẩm cho đất cho cây không bị khô héo và giúp cây hấp thu chất dinh dưỡng nhưng không để cây úng nước. Muốn nhân giống hoa quỳnh thì giâm hoặc ghép cành vào mùa xuân.

Như bất cứ loài thảo mộc nào, hoa quỳnh cũng có những dược tính như nhuận phổi trị ho, khan giọng, giảm đau, giúp máu lưu thông …

Nhật Quỳnh và Tiểu Quỳnh rực rỡ, dễ trồng nên được ưa chuộng riêng Dạ Quỳnh khó trồng hơn, khó chăm sóc hơn và thưởng thức cũng công phu hơn. Dạ Quỳnh chỉ nở một đêm và thời gian để hoa tươi chỉ có phải tiếng đồng hồ. Có người thì thương tiếc cho đời hoa ngắn ngủi cho hồng nhan bạc phận có người thì thấy Quỳnh trắng muốt kêu sa hương thơm thoang thoảng quý phái nên cho rằng quỳnh là một nàng tiên chỉ ghé xuống trần gian trong giây lát vậy thì Nguyệt Quỳnh, nàng là ai

Nguyệt Quỳnh

Đêm khuya vằng vặc ánh ngà
Xiêm y trắng muốt mượt mà ghé qua
Cánh bung nhẹ dáng kiêu sa
Hương đưa chỉ thoáng thoảng qua gửi đời
Nguyệt Quỳnh ơi !Nguyệt Quỳnh ơi
Băng trinh giữ kín, tặng người tri âm.

Và xin mời quý vị nghe nhạc sĩ Phạm anh Dũng, người say mê Quỳnh với 18 sáng tác về Quỳnh trong hơn 15 năm mà bài đầu tiên là

Dạ quỳnh hương:

và Dạ khúc- Bài nhạc Quỳnh cuối cùng: 

Sao Khuê   
(Sưu tầm và Biên Soạn)                                 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét