Là nữ sinh của trường Nữ Trung Học Nha Trang, tôi luôn mặc những chiếc áo dài trắng đơn sơ mộc mạc của mình trong suốt thời gian học từ lớp Đệ Thất cho đến lớp Đệ Nhất (sau được gọi là lớp 6 và lớp 12). Tuy nhiên, tôi không hề có ý nghĩ xa xôi gì về đặc tính hay ý nghĩa của tà áo dài trắng thường xuyên mặc trong suốt thời gian đến trường. Đối với tôi, áo dài trắng (và quần trắng) là bộ đồng phục bắt buộc theo nội quy nhà trường mà tôi và tất cả nữ sinh trong trường phải tuân theo. Chỉ thế!
Sau biến cố tháng tư năm 1975, những chiếc áo dài trắng của chúng tôi hoàn toàn biến mất. Ngôi trường Nữ Trung Học Nha Trang thân ái ngày xưa của chúng tôi không còn những tà áo dài trắng thấp thoáng trong những hàng dương. Thay vào đó là những bộ y phục nhiều màu, đủ kiểu đã vô tình phá vỡ khung cảnh trang nghiêm đẹp đẽ của ngôi trường chúng tôi. Dường như trường tôi bị khoác lên một vỏ bọc mới vừa rối loạn vừa kém mỹ thuật. Điều này đã khơi dậy trong tôi niềm đau xót và thương nhớ thời áo trắng cùng bạn bè trong suốt thời trung học.
Một chú sĩ quan quân lực Việt Nam Cộng Hòa quen thân với gia đình tôi, kể rằng ông đã từng được điều trị tại Quân Y Viện Nguyễn Huệ, tọa lạc trên con đường Đinh Tiên Hoàng, song song với trường Nữ Trung Học Nha Trang. Trong suốt thời gian chữa trị và dưỡng thương tại Quân Y Viện Nguyễn Huệ, ông thường nhìn về phía trường Nữ Trung Học Nha Trang để ngắm các cô nữ sinh trong những tà áo dài trắng. Hình ảnh ngoan hiền của những tà áo trắng với cặp sách, nón lá, hay xe đạp đã làm dịu nỗi cô đơn và giảm bớt sự đau đớn từ những vết thương mà ông phải chịu đựng. Ông cho rằng hình ảnh khi tan trường về của học sinh Nữ Trung Học Nha Trang là hình ảnh thú vị mà ông không thể nào quên.
Ông nói: “Mỗi lần nghe những tiếng kẻng báo giờ tan học và thấy hai cánh cửa sắt của ngôi trường Nữ Trung Học Nha Trang mở rộng thì những thương binh chúng tôi ở Quân Y Viện sẽ được chứng kiến hằng trăm nữ sinh túa ra cổng trường như những đàn bướm trắng thật đáng yêu! Cho nên, thương binh chúng tôi thường có thói quen ngồi ở các khung cửa sổ của các phòng trong Quân Y Viện chờ giờ tan trường ở bên đó để ngắm nhìn. Đến bây giờ, lưu lạc trên xứ người, xa quê hương Nha Trang ba, bốn chục năm trời, mỗi khi chứng kiến cảnh tan trường của học sinh trung học, tôi thường nhớ đến những nữ sinh của trường Nữ Trung Học Nha Trang ngày nào.”
Tôi đã tinh nghịch hỏi ông rằng người bạn đời của ông có phải là một trong những nữ sinh của trường Nữ Trung Học Nha Trang không thì ông trả lời không. Nhưng ông tiếp tục huyên thuyên về những nhạc phẩm và những bài thơ có liên quan đến những tà áo trắng để khẳng định mỹ cảm của ông về những chiếc áo dài trắng ngày xưa của nữ sinh trường Nữ Trung Học Nha Trang. Dường như ký ức đẹp đẽ ấy mãi mãi là dấu ấn khắc sâu trong tâm hồn ông mà qua bao năm tháng ông không tìm lại hình ảnh nào khác có thể thay thế được.
Tôi hiểu lời tâm sự của ông. Chẳng khác gì ông, tôi đã từng nhớ quay quắt những tà áo trắng ngày xưa. May mắn thay, sau một thời gian dài vắng bóng, đến năm 1987 những chiếc áo dài trắng từ từ xuất hiện trong các trường học của Việt Nam cho mãi đến ngày nay. Tuy nhiên, chúng chỉ xôn xao làm tôi xúc động trong vài năm đầu, rồi sau đó xao nhãng dần. Và mỗi khi tôi nghĩ lại những tà áo trắng ngày xưa và những cá tính của những nữ sinh chúng tôi khi khoác những chiếc áo trắng xa xưa ấy, tôi cảm thấy chạnh lòng.
Nhiều lần tôi tự hỏi: “Tại sao ta đặt sự phân biệt trong nhận thức?”, “Tại sao ta không cởi mở với ý nghĩ rằng: mỗi thời có một kiểu cách riêng biệt, không thể so sánh cái cũ với cái mới.” và “Tại sao ta không thừa nhận thực tế rằng ở mỗi thời đại khác nhau, tính cách của sự vật khác nhau.” Nhưng, cho dù tôi tự đặt ra những biện luận để giải thích quan niệm “Chiếc áo không làm nên thầy tu”, tôi vẫn không thể nào tìm thấy cái “hồn” trong những chiếc áo trắng ngày nay.
Tuy rằng áo trắng của các nữ sinh trung học ngày nay cũng mang ý nghĩa của trinh nguyên, và trong trắng nhưng chúng không thực sự toát nên vẻ thuỳ mỵ và nết na của người mặc như các nữ sinh ngoan hiền và đoan trang của thời trước năm 1975. Khác với nữ sinh áo trắng trong trường công lập toàn là nữ sinh trước đây, các em áo trắng ngày nay học chung với các em nam sinh và thường giao tiếp hàng ngày với các bạn nam trong lớp. Sự quen thuộc và gần gũi giữa nam và nữ đã tạo nên sự dạn dĩ trong giao tiếp đến mức có khi các em nữ đối đáp thẳng thắn và hành xử bình đẳng bất chấp giới tính. Trong lúc các em nữ không có sự e dè và các em nam không có sự giới hạn về khoảng cách, sự phải lòng nhau hay tán tỉnh dễ dàng xảy ra. Cũng vì thế các em nữ sinh áo trắng thời nay không có những cảnh: “trồng cây si trước cổng trường, “Em tan trường về anh theo Ngọ về”, những bức thư tình hẹn hò gửi vội, những ngón tay run run vân vê tà áo, những đôi má ửng hồng khuất dưới những vành nón lá bài thơ…như thời xa xưa của chúng tôi.
Bởi vì nữ sinh của các trường nữ trung học công lập trước năm 1975 không có điều kiện giao tiếp với nam sinh. Cho nên, hầu hết các nữ sinh áo trắng trong thời chúng tôi đều e dè trước những người khác phái bất kỳ là người lớn hơn hay cùng trang lứa. Thêm vào đó, những bài giảng trong các lớp học Nữ Công Gia Chánh, Công Dân Giáo Dục, Việt Văn, Triết học và sự kỷ luật nghiêm minh của trường luôn rèn luyện chúng tôi bốn phẩm chất “Công, Dung, Ngôn, Hạnh” của người phụ nữ Việt Nam đoan chính.
Sự hướng dẫn trong những giờ học Nữ Công Gia Chánh đã giúp chúng tôi biết may vá thêu thùa, biết nấu vài món ăn thông thường, biết làm các món bánh mứt và nhất là giúp chúng tôi hiểu được giá trị của công việc tề gia nội trợ. Ngoài ra, trong những buổi chào cờ, chúng tôi luôn được nhắc nhở chuyện trau dồi bản thân qua những câu chuyện ý nghĩa và luôn có cơ hội quan sát phong cách gương mẫu của cô Hiệu Trưởng và tất cả các cô giáo trong trường.
Cô Hiệu Trưởng Bùi Ngoạn Lạc luôn mặc những chiếc áo dài nhạt màu, cao cổ, tóc bới gọn với cử chỉ khoan thai. Giáo sư Nữ Công Gia Chánh Thái Thị Bạch Vân hay mặc những chiếc áo dài bông nền nã, nói năng dịu dàng, thân ái. Giáo sư hội họa Nguyễn Thị Thanh Trí thường có những chiếc áo dài mới đủ màu với những đóa hoa lớn nhỏ rực rỡ hay hình lập thể lạ mắt và đầy tính nghệ thuật. Hầu hết các nữ giáo sư trong trường đều có phong cách riêng biệt với những chiếc áo dài màu đặc biệt nhưng tất cả đều toát lên hình ảnh mẫu mực với vẻ đẹp cao quý khiến cho những nữ học sinh chúng tôi luôn để ý, và noi theo.
Người ta thường nói: “Nhất quỷ nhì ma, thứ ba học trò!” Đúng vậy! Là học trò, chúng tôi cũng có những lúc nghịch ngợm nhưng không bao giờ quá trớn. Nhiều nhất và ‘lớn’ nhất là “chuyện ăn vụng trong lớp”, “Nói chuyện trong lớp bằng những mẫu giấy viết truyền tay”, “cột các tà áo dài đến nỗi rách toạc nửa tà áo”… Những chuyện nghịch ngợm này thường biến mất sau các “vũ khí” lạnh lùng sương khói của những khuôn mặt giận dỗi,và những cuộc chiến tranh lạnh của những cái quay lưng, không nhìn mặt nhau hay im lặng. Nhưng sau đó, những bài học trong giờ học Công Dân Giáo Dục đã làm mờ nhạt những giận hờn của những ngày trước đó.
Sự giáo dục chu toàn đã giúp chúng tôi đã trở thành những cô gái áo trắng thực sự ngoan hiền và trong trắng như mục đích đào tạo của trường Nữ Trung Học Nha Trang nói riêng và những trường nữ trung học có đồng phục áo dài trắng của hầu hết các trường nữ trung học của miền Nam Việt Nam trước năm 1975. Có lẽ vì những chiếc áo dài trắng của các trường nữ trung học trước năm 1975 có “hồn” nên đã “hớp hồn” khá nhiều họa sĩ, thi sĩ, và nhạc sĩ thời ấy. Đã có khá nhiều bức vẽ những cô nữ sinh với những tà trắng thướt tha trong minh họa trong các cuốn Đặc San của các trường kể cả các trường nam trung học. Nhiều nhạc phẩm và thi phẩm mang “hồn áo trắng” như:
“Nắng Sài Gòn anh đi mà chợt mát
Bởi vì em mặc áo lụa Hà Đông
Anh vẫn yêu màu áo ấy vô cùng…
Thơ của anh vẫn còn nguyên lụa trắng”
Nguyên Sa
Hoặc:
“Áo tà nguyệt bạch
Ôm nghiêng cặp sách
Vai nhỏ tóc dài...”
Phạm Thiên Thư
Hay:
“Em tan trường về
Ðường mưa nho nhỏ
Ôm nghiêng tập vở
Tóc dài tà áo vờn bay …"
Ðường mưa nho nhỏ
Ôm nghiêng tập vở
Tóc dài tà áo vờn bay …"
Phạm Duy
Dù là thế, nữ sinh áo trắng thời ấy không phải là những cô gái nhàm chán. Chúng tôi không phải lúc nào cũng cúi đầu tuân thủ mọi thứ sắp xếp trước bởi thầy cô giáo hay răm rắp làm theo ấn định của nội quy và kỷ luật trường. Chúng tôi còn biết sáng tạo trong những tiết mục Văn Nghệ, hợp tác tốt với nhau để cùng nhau thực hiện các chương trình thi đua do trường đề ra cho các lớp như trang hoàng cổng trại, bích báo của lớp, nấu ăn, làm hoa giấy, hay cắm hoa. Ngoài ra, chúng tôi còn tham gia nhiều cuộc thi đấu bóng bàn, bóng chuyền, bơi lội với các trường khác trong thành phố hay với các tỉnh khác.
Mấy chục năm qua, những tà áo trắng ngày xưa đã chìm vào quên lãng nhưng linh hồn của chúng vẫn còn lưu đọng mãi trong từng cựu học sinh Nữ Trung Học chúng tôi. Chúng tôi vẫn cố gắng sống tốt và giữ phẩm chất Công Dung Ngôn Hạnh như đã từng được giáo dục trong trường Nữ Trung Học Nha Trang. Cho dù chúng tôi bận rộn với công việc làm để mưu sinh kiếm sống, chúng tôi vẫn sẵn sàng tham gia công tác cộng đồng, vẫn là những phụ nữ đảm đang, nội trợ giỏi, nuôi dạy con cái nên người và giữ gìn văn hóa Việt Nam. Chúng tôi biết cách sử dụng thời gian đúng đắn, biết tháo vát mọi việc trong nhà, biết giữ gìn vẻ đẹp hài hòa của tâm hồn và hình thể bên ngoài và luôn ăn mặc lịch lãm khi ra đường. Chúng tôi biết ứng xử phải phép, lịch sự và thông minh để có thể thuyết phục người nghe đồng thời hạn chế những tranh cãi vô ích.
Có lẽ độc giả cho rằng tôi khá chủ quan khi đề cập vấn đề này. Những nhận định trên của tôi từ kinh nghiệm thực tế khách quan, từ những câu chuyện thật và từ những cuộc quan sát rõ ràng và chính xác của những người bạn gần gũi tôi. Đôi lúc tôi thầm nghĩ những tà áo trắng ngày xưa giống như trong chuyện cổ tích, không ai tin được, nhưng, tôi tin những “nhân vật” trong truyện cổ tích ấy vẫn còn giữ “linh hồn” của chiếc áo trắng ngày xưa. Mặc dù họ không có dịp chia sẻ ý nghĩ hoặc quan niệm cá nhân về những tà áo trắng ngày xa xưa ấy, họ đã từng suy nghĩ tương đồng và từng hành xử đúng mẫu mực về “công, dung, ngôn, hạnh.”
Cung Thị Lan
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét