Má tôi là con gái thứ ở quê, sau cậu tôi là con trai trưởng. Năm cậu đậu bằng tiểu học ở Batri, Bến Tre, cậu cũng thi đậu vào trường Chasseloup Laubat ở Sài gòn và chuẩn bị đi học xa nhà. Cả nhà rộn rịp chuẩn bị cho cậu từng bộ đồ đồng phục đúng tiêu chuẩn, đồ mặc đi ngủ trong nội trú, giày dép, nón mũ, đồ dùng cá nhân theo đòi hỏi của nhà trường. Có lẽ Má vui theo với niềm vui chung trong gia đình và vẽ vời cho tương lai sắp tới của mình. Đến khi Má học hết lớp nhất (lớp 5 bây giờ) Má cũng lên Bến Tre ở nhà bà con thi bằng tiểu học, và cũng thi đậu. Sau đó Má hớn hở làm đơn nộp vào trường Gia Long để nối gót cậu Hai. Ông bà ngoại tôi bảo má không được học thêm vì nhà không có phương tiện. Má khóc nhiều ngày. Có lẽ Má bất ngờ và thất vọng lắm, và có lẽ đó là lần đầu tiên Má hiểu được xã hội phong kiến trọng nam khinh nữ của Việt Nam thời ấy. Sau này trong những năm giặc giã chạy loạn lên Rạch Cát, bà ngoại đổ bánh bò cho Má đội thúng đi ra bến sông bán cho công nhân nhà máy, kiếm từng đồng đi chợ và gửi cho cậu Hai tôi vẫn bình yên trọ học trên Sài gòn.
Theo gia đình kể lại thì ngày bé tôi đeo Má ghê lắm. Từ lúc mới mười bảy tuổi chưa về với ba tôi Má đã đi làm để phụ giúp kinh tế với ông bà ngoại, sau khi cả nhà chạy giặc từ quê lên Sài gòn bỏ cả ruộng vườn nên phải vất vả tìm cách sống tại thành phố đô hội. Má tôi nhờ chị họ đang làm tại trường Chasseloup Laubat xin cho chân thư ký tại trường, lập hồ sơ, sổ điểm danh, ghi điểm thi, phát học bạ cho học sinh, v.v. Sau khi lập gia đình, Má về ở bên nội và vẫn tiếp tục đi làm, cùng góp phần với ba tôi cũng làm công chức thấp tại Bưu điện Sài gòn. Sau khi sinh tôi được vài tháng thì Má đi làm trở lại. Bà vú ở nhà pha sữa bình cho tôi bú nhưng tôi ngoảnh đi không thèm, nhất định “tuyệt thực” đòi sữa mẹ. Cuối cùng cả nhà phải nhượng bộ con bé nhõng nhẽo mới vài tháng tuổi: mỗi buổi trưa Bà vú bồng tôi lên xe ngựa đi đến sở để Má cho bú rồi bồng về.
Sau này lớn lên tôi vẫn đeo Má như sam. Buổi chiều anh em tôi ăn cơm trước, sau đó tôi bắc ghế ngồi trước nhà trông bóng Má đi làm về. Bữa cơm tối đã có bà nội và bà vú dọn sẵn cho Ba Má ăn. Sau bữa cơm tối Má rửa chén rồi giặt đồ, lúc nào cũng có tôi ngồi cạnh tỉ tê nói chuyện với Má. Đôi khi Má cắt đồ may, đạp chiếc Sinco ráp từng cái quần cái áo mới cho anh em tôi. Tôi cũng nằm dưới chân Má chờ xem những mảnh vải dần dần được Má chắp lại thành những bộ đồ đẹp đẽ. Khi tôi sắp đến tuổi đi học thì Má dạy tôi các chữ cái và dạy đánh vần. Tôi nhớ có lần buồn ngủ quá, đầu óc mụ mị nên nhìn chữ u mà vắt óc mãi không nhớ ra chữ gì, đành trả lời: “chữ anh nờ ngược”. Ba tôi ngồi đọc báo gần đó nghe thế thì bảo Má: “Thôi nó mệt rồi, cho nó nghỉ đi”.
Những năm học tiểu học thời tổng thống Ngô Đình Diệm gia đình tôi còn khá giả vì nước nhà hòa bình, lương công chức có phần dư dả. Ngày chủ nhật Ba Má hay đón taxi đưa anh em tôi đi xem ciné ở rạp Eden, sau đó đi ăn kem Lan Phương ở đường Nguyễn Huệ, hay đi ra bến tàu ngồi hóng gió. Có năm cả nhà đi Đà lạt ăn Tết, còn mùa hè thường ra Vũng Tàu nghỉ mát, ở tại nhà nghỉ dành cho công chức của Bưu điện ngay tại Bãi Trước, có sân thượng rộng rãi, buổi tối trải chiếu nằm ngắm trăng, xem ngọn hải đăng trên núi chiếu qua chiếu lại, và nghe Ba kể chuyện cổ tích.
Dần dà đời sống trở nên khó khăn trong thời Đệ Nhị Cộng Hòa, vật giá leo thang vùn vụt, lương công chức ba cọc ba đồng ngày càng thiếu hụt. Những người làm sở Mỹ thì được thu nhập khá, còn Ba Má tôi phải giật gấu vá vai, cho bà vú nghỉ việc về quê và cắt bỏ những mục đi chơi giải trí xa xỉ. Lúc đó anh em tôi bắt đầu lên trung học nhưng vẫn khù khờ không hiểu được nỗi khó khăn của Ba Má. Hai người cũng chẳng bao giờ than thở cho chúng tôi nghe. Ba tôi tìm chỗ dạy kèm thêm sau giờ làm việc, tối mịt mới về nhà. Xe đạp của Ba thường treo lủng lẳng vài khúc bánh mì thịt mang về làm quà cho anh em tôi khi thức khuya học bài. Phần Má thì Má cứ tự co cắp lại để bớt chi tiêu. Tuy nhiên, biết anh em tôi thích đọc những truyện tranh tiếng Pháp như Lucky Luke, Tintin, Spirou, v.v. mà Má không có tiền mua cho xem, nên Má thương lượng với ông bán báo ở đường Công Lý gần sở cho Má thuê truyện về cho anh em tôi đọc. Chúng tôi phải thận trọng giở nhẹ từng trang, xem xong vẫn còn nguyên như mới để mang trả cho ông bán tiếp. Tuy vậy năm nào nhập trường tôi cũng có ba bộ áo dài trắng đi học, xin tiền sách vở không bao giờ bị từ chối, và Má vẫn cho anh em tôi ghi tên học Anh văn tại Hội Việt Mỹ, xoay sở để khóa nào cũng đóng học phí đầy đủ. Sau này Má kể lại tôi mới biết có những lúc quần Má bận đi làm bị mòn rách phần mông vì phải ngồi xe cọ sát, nên Má quay lưng lại mặc phần rách vá ra đằng trước, có áo dài che phủ, để người khác không thấy. Tôi cũng nhớ những năm ấy Má đau yếu liên miên, sau này thành suyễn nặng kinh niên. Bây giờ nghĩ lại tôi biết rằng Má bị suy dinh dưỡng vì phải nhịn mồm bóp miệng lo cho chúng tôi.
Sau tháng 4-75 Ba Má tôi không biết công chức chế độ VNCH có còn được lưu dụng hay không. Phần anh em tôi thì vẫn đang học đại học, chưa đứa nào có công ăn việc làm cả. Sau đó thì Ba tôi ngã quỵ vì bệnh ung thư và mất đầu năm 76. Tội nghiệp Ba tôi suốt đời lúc nào cũng lo cho tương lai nên trong những năm làm việc ông nhịn bớt phần lương đóng tối đa vào quỹ hưu để sau này lãnh tiền hưu rộng rãi hơn người khác. Khi ông bệnh rồi mất thì mất tất cả, chẳng có tiền tử hay tiền hưu gì cả.
Còn lại Má tôi một mình chống chọi gồng gánh gia đình. Bữa cơm gia đình ngày càng đạm bạc, gạo ăn mốc ẩm và đầy sạn thóc, cơm độn mì độn khoai, áo quần ngày càng cũ nát, xe đạp lỏng sên, vá ruột vá bánh đùm đụp, v.v. Mỗi chiều đi làm về Má cầm cái rổ nhỏ (chỉ cần rổ nhỏ đi chợ, đâu có tiền mua sắm nhiều mà cầm rổ lớn) bước sang chợ nhỏ bên kia đường mua một bó rau thay đổi hằng ngày. Thức ăn chỉ một món rau xào với ít mỡ là món chính. Trong nhà chỉ có Má là công nhân viên chức có một số “tiêu chuẩn”, còn anh em tôi vẫn là diện “ăn theo”. Sau bữa cơm Má đong gạo nấu ngày mai ra nhặt bỏ ra từng hạt sạn hạt thóc để ngày hôm sau nấu cơm, thế mà vẫn sót vì nhiều viên sỏi nhỏ màu trắng như gạo, chẳng lần ra được. Lỡ cắn nghe cái “cóc” một cái là ôm mặt nhăn nhó muốn khóc, thôi đã mẻ cái răng rồi, mà đâu có tiền đi nha sĩ. Má khổ tâm vô cùng vì Má đã nhặt gạo mà để sót, nhưng Má làm sao được. Má để “nếp sống suy dinh dưỡng” lồ lộ ra mặt nên được sở đề nghị cho đi nghỉ dưỡng vài tuần, có người nấu ăn bổ dưỡng và cho uống thuốc bổ lên được vài cân, nhưng thực ra thì chính chế độ ấy đã ngăn sông cấm chợ, hạn chế lương thực nghiệt ngã khiến cho sức khỏe người ta phải xuống cấp trầm trọng, rồi lại “ơn Bác ơn Đảng” được đi nghỉ dưỡng.
Sau khi trở lại trường học tập chính trị và đi lao động xã hội chủ nghĩa một thời gian, chúng tôi lãnh bằng tốt nghiệp đại học của VNXHCN. Tôi đỗ đầu lớp và cùng với một số bạn khác được trường giữ lại đào tạo thêm một năm rồi ra đứng lớp đại học, vì các trường đại học thiếu giáo sư trầm trọng sau khi một số giáo sư tài giỏi kỳ cựu miền Nam đã tìm đường vượt biên. Đó là một vinh dự cho tôi và là bước bảo đảm cho tương lai nghề nghiệp, nhưng bà ngoại tôi nghe qua thì tức giận bảo: “Tụi bây phải lo cho má mày chứ. Má mày cực khổ bao nhiêu năm nay mà cứ ngồi đó học hoài vậy?” Đúng là ngoại nghĩ rất thực tế, thêm một công nhân viên chức trong nhà, thêm sổ gạo và nhu yếu phẩm thì cũng làm cho Má đỡ phải cực khổ nhịn nhục như bấy lâu nay. Má tôi thì bảo cứ để tôi học thêm một năm nữa, có cơ hội tốt sao lại bỏ. Má nói như vậy có nghĩa là Má sẽ tiếp tục chống chỏi với gian khó vì tương lai của con.
Sau này khi tôi vượt biên và định cư tại Mỹ, tôi chắt bóp tiết kiệm từng đồng để “đóng thùng” gửi về nhà. Tôi nâng niu từng xấp soie Suisse đen bỏ vào thùng mà nhớ những ngày Má mặc quần rách vá đi làm. Tôi bỏ cả mì gói vào thùng vì nó nhẹ cân, và đó là “thực phẩm sang cả” ngày tôi còn ở nhà. Có lần tôi gửi dầu gội đầu mà không biết bao bọc cẩn thận nên chai thuốc đổ ra thấm vào cả thùng. Má viết thư kể Má đem những xấp hàng thấm thuốc ra ngâm rồi vớt lại nước để gội đầu dần. Lúc này Má đã nghỉ hưu, lãnh được một số tiền nhỏ trọn gói chứ không có hưu bổng suốt đời. Má vẫn làm bánh trung thu bán vào tháng 8, làm mứt bán mùa Tết để có thu nhập thêm mặc dù đã có “thùng” của tôi gửi về.
Rồi Má sang đoàn tụ với tôi. Má không còn phải lo kinh tế nữa nên dành thì giờ đi học lớp Anh văn cho người lớn tuổi, cùng kết bạn với một số người Việt mới chân ướt chận ráo sang định cư, cũng ríu rít với nhau như học trò nhỏ rất vui. Có thời gian cô bạn gần nhà nhờ Má giữ đưa con nhỏ. Sau này cô không gửi con nữa thì Má tự mày mò gửi đăng quảng cáo trên báo tiếng Việt nhận giữ trẻ, đến khi người ta gọi điện thoại đến nhà tôi mới biết. Má cũng học lái xe vì tôi vừa khuyến khích vừa dọa nạt: “Má phải chuẩn bị lỡ nửa đêm con ngã bệnh lăn đùng ra đó rồi Má ngồi đó nhìn hay sao? Phải chở con đi nhà thương chứ? (Tôi dấu nhẹm dịch vụ 911 để gây áp lực). Người ta học 3 tháng thì biết lái. Mình không bằng người ta thì mình học ba năm, chừng nào đậu thì thôi.” Nhờ vậy mà sau này Má tự lái xe đi chợ, đi bác sĩ, đưa con tôi đi học bơi, đi tập đá banh, khi con tôi ngã bệnh tại trường thì Má lái xe đi đón vì tôi làm việc xa, cách nhà cả tiếng đồng hồ. Tôi hãnh diện vì các bà cùng tuổi chung quanh đều lệ thuộc vào con cái, chỉ có Má là tự lái xe đi đây đó được.
Ngày tôi sinh con, rước cháu về nhà tôi gần như thức trắng suốt đêm đầu vì con bé khóc ằng ặc, cứ bế con trên tay đi đi lại lại dỗ dành. Sáng hôm sau Má bảo: “đẩy nôi nó qua phòng Má, Má trông cho”. Thế là từ đó tôi ngủ yên lành suốt đêm, đến khoảng 5 giờ sáng Má gõ cửa đánh thức dậy để tôi cho con bú. Sau một tháng ở nhà tôi đi làm trở lại. Từ đó Má chăm bẳm cho cháu ngoại trong lúc tôi bận rộn trong sở mỗi ngày. Có những lần con bé kén ăn, bà cháu phải đẩy xe ra đường giữa trưa nắng, ngồi túp vào bóng mát cây to để dỗ đút từng muỗng bột. Những lần con tôi bệnh, nóng sốt, ói mửa đều một tay bà ngoại nửa đêm thức dậy dọn giường chiếu, lau rửa sạch sẽ, cho cháu uống thuốc, còn mẹ cứ yên chí ngủ ngon. Ngày con đến tuổi đi học cũng có bà ngoại hay bố đã về hưu ngày ngày đưa đến trường. Mẹ lúc nào cũng quần quật làm việc ở công ty tuốt tận San Francisco, cách nhà 1 tiếng xe điện hay xe buýt. Sau này con tôi nói rành tiếng Việt cũng nhờ có bà ngoại trông nom dạy dỗ từ bé.
Lúc chúng tôi dọn sang Maryland thì con tôi lên cấp 2 và tôi đón cháu gái con anh tôi sang học năm cuối trung học bên này để dễ bề chọn lựa đại học. Sáng sớm Má dậy chuẩn bị phần cơm cho tôi mang theo đi làm, cho con tôi và cháu mang đi học. Mỗi chiều thứ sáu Má lại làm “Gradma’s Special”, hôm thì bánh xèo, hôm thì gỏi bánh phồng tôm, chả giò, cà ri, v.v. để thết đãi các cháu, nên cháu tôi rủ cả bạn cùng trường về nhà để cùng thưởng thức những buổi “Friday Special” đó. Đến mùa Noel Má tự lái xe ra mall gần nhà để một mình chọn quà cho con cháu, không cho đứa nào thấy được quà bí mật của bà.
Giờ đây Má đã 88 tuổi, một con mắt bị hỏng và con còn lại vướng nhiều chứng nên xem rất mù mờ. Má không còn lái xe, nấu nướng, hay đọc email trên computer được nữa. Đọc sách báo Má phải ghé sát mặt chỉ còn độ 1 cm mới thấy, nhưng vẫn thường xuyên đọc mỗi ngày không nghỉ. Má lại quên trước quên sau, bước đi phải dẫn vì chân yếu và vì không thấy rõ. Đôi khi tôi nhìn bà lão nhỏ người, tóc bạc phơ, da nhăn nheo, bước đi chậm rãi rụt rè trước mặt mà nhớ lại người thiếu phụ mạnh mẽ nhanh nhẹn ngày xưa trong chiếc áo dài thướt tha, đeo kính mát, trang điểm nhẹ, tóc uốn quăn, mỗi ngày đánh xe đến sở để tiếp tay chồng mưu cầu cuộc sống cho hai con. Má của tôi lúc nào cũng là con người bề ngoài nhỏ nhẹ yếu đuối nhưng bên trong là cả một nghị lực phi thường để nuôi nấng anh em tôi nên người.
Thúy Messegee
2/17/2021
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét