Thứ Bảy, 8 tháng 1, 2022

Đề Thi Hậu 題詩後 - Giả Đảo

 

題詩後  Đề Thi Hậu - Giả Đảo

Tóm tắt tiểu sử Giả Đảo 

Giả Đảo (賈島,779-843) hiệu Kiệt Thạch Sơn Nhân, là người Phạm Dương, tỉnh Hà Bắc (nay thuộc ngoại ô Bắc Kinh).
Thời trẻ, ông thi nhiều lần không đỗ, đi làm tăng tại Lạc Dương, pháp danh là Vô Bản. Sau đến kinh đô Trường An, ngụ tại chùa Thanh Long. Ở đấy, ông gặp được Hàn Dũ và nghe lời danh sĩ này hoàn tục.
Tác phẩm của ông để lại là Trường Giang tập, gồm 10 quyển.
Thơ Giả Đảo phần nhiều viết theo thể thơ ngũ ngôn luật thi và ông đã tỏ ra sởtrường về thể loại này.
Từ điển văn học (bộ mới) viết:
Đặc sắc của thơ Giả Đảo là lạ lùng, trầm tĩnh, ít có niềm vui và nỗi buồn bồng bột. Phong cách cô đơn hiu quạnh đó đã từng được một số nhà thơ cuối thời Đường rất chuộng. Do vậy họ tôn sùng ông, sớm chiều cúng bái ông như Phật và sau này phái Giang hồ cuối thời Tống cũng suy tôn Giả Đảo là ông Tổ.
Ông mất năm 64 tuổi, tại nơi làm quan ở Phổ Châu.

Lời Phi Lộ

Giả Đảo là người gọt văn, chọn chữ rất cẩn thận khi làm thơ.
Truyện kể rằng, trong một đêm trăng sáng, Giả đang đi dạo, ngắm phong cảnh, thấy chim chóc đậu ở mấy cành cây bên bờ ao, và một ông sư đứng trước cổng chùa, phân vân chưa biết nên gõ hay đẩy cửa. Trước cảnh ấy, Giả xuất thần làm 2 câu thơ
Điểu túc trì biên thụ,
Tăng THÔI nguyệt hạ môn.
(Chim đậu trên cây cạnh ao,
Sư ĐẨY cửa dưới trăng.)

Nhưng Giả phân vân không biết nên dùng chữ THÔI hay chữ XAO.
THÔI là đẩy. Ban đêm mà đẩy cửa thì có vẻ lén lút, không quang minh chính đại. XAO là gõ. Nếu gõ thì làm khuấy động không gian yên tĩnh rất nên thơ vàêm đềm.
Giả vừa đi vừa suy nghĩ, tay trái dắt lừa, tay phải hết đẩy lại gõ, vô tình đụng phải xe của Hàn Dũ, là một thi sĩ nổi tiếng, đang làm Kinh Triệu Doãn. Giả xin lỗi rồi trình bầy tự sự, Hàn khuyên Giả nên dùng chữ XAO. Và câu thứ 2 thành “Tăng XAO nguyệt hạ môn”.
Từ đó, THÔI, XAO trở nên thành ngữ để chỉ việc gò chữ khi viết văn, Vì gò chữ như vậy nên Giả làm thơ rất vất vả, và rất lâu, như bài thơ này:

Nguyên tác       Dịch âm
題詩後             Đề Thi Hậu

二句三年得     Nhị cú tam niên đắc,
一吟雙淚流     Nhất ngâm song lệ lưu.
知音如不賞     Tri âm như bất thưởng,
歸臥故山秋     Quy ngoạ cố sơn thu.
 
Dịch thơ:
Đề Sau Tập Thơ

Ba năm làm được hai câu,
Một lần ngâm, ứa dòng châu đôi hàng.
Tri âm nếu chẳng ngó ngàng,
Thì ta về khểnh thu vàng núi xưa.

Bát Sách
***
Dịch nghĩa
Đề sau tập thơ

Ba năm mới làm được hai câu,
Ngâm lên một tiếng, hai dòng lệ rơi không cầm được.
Người tri âm nếu không cùng hưởng,
Mùa thu sang ta về núi cũ nằm.

Dịch thơ
 
Đề sau tập thơ
Ba năm được hai câu,
Một ngâm hai dòng châu.
Tri âm mà chẳng thưởng,  
Về ngủ núi thu sầu.


Con Cò
***
Các Bài Thơ Dịch Khác:

Đề SauThơ

1- 
Ba năm chuốt mấy câu,
Ngâm vọng lệ rơi sầu,
Chẳng đẹp lòng tri kỷ,
Núi xưa thu ẩn sâu.

2-
Ba năm viết được vài câu,
Dưng dưng mắt lệ âu sầu lúc ngâm,
Nếu không đẹp ý tri âm.
Ta về núi cũ sơn lâm thu này.
 


Mỹ Ngọc
Oct. 26/2021.
***
Ba năm làm được đôi câu
Ngâm lên một chút lệ châu hai hàng
Bạn bè nếu chăng ngó ngàng
Đành về núi cũ thu sang nằm dài
 
LTĐQB
***
Không Còn Ai

Ba năm trau chuốt câu thơ
Tự ngâm tự cảm thẫn thờ lệ rơi
Tri âm chẳng một bóng người
Thu sang về với núi đồi tịch liêu
 
Aesthete

I spent three years to sharpen up two verses
As I recited them, tears welled up in my eyes
If there were no poetic soulmate for me
I'll retreat into the mountains


Yên Nhiên
***
Đề Sau Tập Thơ

1-
Hai đoạn ba năm được
Một ngâm song lệ rơi
Tri âm không thưởng thức
Về núi cũ thu ngơi!

2-
Ba năm làm được hai câu
Một ngâm lệ rỏ âu sầu sóng đôi
Tri âm nếu chẳng góp lời
Trở về núi cũ nằm ngơi thu vàng!

Lộc Bắc
***
Nguyên Tác:   Phiên Âm:     Dịch Thơ:

題詩後*-賈島 Đề Thi Hậu - Giả Đảo Tuyệt Cú

二句三年得 Nhị cú tam niên đắc     Hai câu mất ba năm,
一吟雙淚流 Nhất ngâm song lệ lưu Lệ tuôn tràn khi ngâm.
知音如不賞 Tri âm như bất thưởng Không bạn cùng thưởng thức,
歸臥故山秋 Quy ngọa cố sơn thu    Về quê sống âm thầm.

* Tựa bài thơ có một ghi chú được nói bên duới.

Sách Ngự Định Toàn Đường Thi - Thanh - Thánh Tổ Huyền Diệp 御定全唐詩

--聖祖玄燁 có đăng bài Đề Thi Hậu như một bài tuyệt cú riêng lẻ, trong khi các sách Trường Giang Tập - Đường - Giả Đảo 長江集--賈島 (mộc bản bên trên), và các sách Nguyên, Tống, Minh, Thanh khác… đăng 4 câu thơ như một phần tập thơ, nên không thấy có tựa riêng. Tựa bài trong NĐTĐT có một ghi chú: Đảo ngâm thành “độc hành đàm để ảnh, sổ tức thụ biên thân” nhị cú hạ, chú thử nhất tuyệt” 島吟成獨行潭底影數息樹邊身二句下註此一絶 (Đảo ngâm hai câu “Đi một mình dưới đáy vực, đếm hơi thở bên thân cây", ghi chú này độc đáo). Hai câu thơ này trong bài Tống Vô Khả Thượng Nhân 送無可 上人 của Giả Đảo.

Có một điển tích khác nói vể sự khó khăn, cân nhắc chữ của Giả Đảo trong thơ.
Một ngày nọ, ông đang cưỡi lừa, đột nhiên nghĩ ra hai câu thơ: Điểu túc trì biên thụ, tăng xao nguyệt hạ môn (Chim ngủ trên cây bên hồ, sư gõ cửa dưới trăng) trong bài Đề Lý Ngưng U Cư 題李凝幽居.
Ngay từ đầu ông nghĩ dùng tăng thôi nguyệt hạ môn (sư đẩy cửa dưới trăng.)
Cảm thấy không hay, ông mới dùng chữ xao = gõ, dùng xao = gõ lại cảm thấy không bằng thôi = đẩy. Nghĩ tới nghĩ lui không quyết định được, liền quơ tay làm ra tư thế gõ gõ ở trên lưng con lừa. Vì quá say mê ý thơ, lừa của ông chạm vào đội thị vệ của Kinh Triệu Doãn Hàn Dũ. Bị bắt đưa gặp Hàn Dũ, ông trình bày chuyện mình đắc ý làm thơ lại có một chữ không định được. Hàn Dũ, cũng là một nhà thơ, suy tư một lúc lâu, rồi khuyên ông dùng chữ xao = gõ.
 
Chữ xao = gõ hay hơn chữ thôi= đẩy ra sao? Chữ xao = gõ khiến cho câu thơ trong tĩnh có động, trong động có tĩnh. Chúng ta có thể nghĩ về một bức tranh: một đêm trăng sáng, tất cả đều tĩnh mịch, bỗng nhiên vang lên một tiếng gõ cửa nhẹ nhàng, làm náo động những con chim đâu trên cây bên hồ. Tiếng động như vậy càng rõ ràng trong sự yên tĩnh của đêm.
 
Ghi chú:
Nhị cú: theo ghi chú trong tựa bài Đề Thi Hậu như nói trên, hai câu thơ: Độc hành đàm để ảnh, sổ tức thụ biên thân (Đi một mình dưới đáy vực, đếm hơi thở bên thân cây) 1ấy từ bài Tống Vô Khả Thượng Nhân 送無可上人 của Giả Đảo. Cũng có thể là hai câu Điểu túc trì biên thụ, tăng xao nguyệt hạ môn
(Chim ngủ trên cây bên hồ, sư gõ cửa dưới trăng) trong bài Đề Lý Ngưng U Cư 題李凝幽居.
Tri âm: người có hiểu biết sâu sắc và đánh giá chính xác; Bá Nha giỏi cổ cầm, Chung Tử Kỳ biết nghe đàn. Nghe tiếng đàn Bá Nha có ý chí ở vùng núi cao, Tử Kỳ liền nói nga nga hề nhược Thái sơn (chót vót như núi Thái sơn); tiếng đàn thanh thoát ý như nước chảy, Tử Kỳ nói dương dương hề nhược giang hà (mênh mang như nước sông Hà).
Quy ngọa: từ quan về quê
Cổ sơn: núi cũ, ẩn dụ cho quê hương
 
Dịch Nghĩa:
Đề Sau Tập Thơ


Mất ba năm làm hai câu thơ,
Ngâm lên nước mắt chảy hai dòng.
Không bạn tri âm thưởng lãm,
Sẽ trở về quê sống cho hết đời.

 
Inscribed in the Poetry Book by  Jia Dao
It took me three years to produce two verses
When reciting them, tears dropped from my eyes
If you, my soul friend, do not appreciate them
I will return to the mountain to sleep through autumn.
 
Inscription After a Poem by Jia Dao
I thought about these two lines for three years before writing them,
At first reading, hot tears could not be helped.
With no one who understands my thoughts and feelings to appreciate them,
I shall go back to my hometown in the mountains and live through my autumn years.

Phí Minh Tâm
***
Bài Cảm Tác:

 Thơ sao bón quá người ơi!
Nhớ tới tri kỷ một đời không quên
Sao duyên mình chẳng gặp hên!
Năm nay không gặp sẽ bèn về quê

Đồ Cóc
***
Góp ý:

知音如不賞 tri âm như bất thưởng
Như ta thấy trong các câu dịch qua Anh ngữ do cùng một người (Tàu) dịch (Jia Dao), có hai lối hiểu câu thơ thứ 3.
If you, my soul friend, do not appreciate them
With no one who understands my thoughts and felings to appreciate them
Lối hiểu và dịch nào đúng? Chữ =thưởng là một từ hài thanh, thuộc bộ 賞 =bối (vật quý) và có nghĩa nguyên thủy là quà tưởng lệ; về sau được dùng với các nghĩa ban thưởng, thưởng thức, ngợi khen. Người 知音=tri âm là người tâm đầu ý hiệp, hiểu lòng/ý ta, nên "bất thưởng" phải có nghĩa là 'không thấy hay', không buồn khen, và lối dịch thứ nhì không đúng.
***
歸臥故山秋  quy ngoạ cố sơn thu

Câu này càng không dễ hiểu vì chữ =thu. Người đời sau cương ẩu rằng là một từ hội ý, gồm hay chữ hòa và hỏa với nghĩa lúa chín trong mùa thu nhưng thật sự ra trong giáp cốt văn chữ cho thu vẽ hình một con dế và dế là biểu tượng của mùa thu (với người Tàu cổ); lối viết đổi đi từ thời tiểu triện và trên thẻ tre với bộ , có thể vì không còn ai biết chữ nguyên thủy, mặc dầu nó hiện diện trong kim văn. Ngoài nghĩa mùa thu, còn có các nghĩa năm, lúc, già cỗi, nhưng hiểu lối nào thì chữ cũng "tối nghĩa" trong câu 4! 

- 漢語多功能字庫  Hán Ngữ Đa Công Năng Tự Khố cho ta:「春秋歲嘗」.歲」,「嘗」皆是祭名。歲祭一年舉行一次,「嘗」是秋季 的祭祀.
“xuân thu tuế thường”. ‘tuế’, ‘thường’ giai thị tế danh. 'tuế' tế nhất niên cử hành nhất thứ, 'thường' thị thu quý đích tế. [lễ tế xuân thu. 'tuế' và 'thường' là tên (của lễ). Tuế {lễ đầu năm} cử hành mỗi năm một lần, thường là lễ nùa thu.]
Hai chữ =thường và =thưởng viết gần giống hệt nhau và phát âm tựa nhau.
Có phải chăng Giả Đảo nghĩ đến các âm thường/thưởng khi viết thu? Thôi thì nếu bạn tri âm không khen hai câu thơ thì ta về núi thưởng thức mình ta vậy.

Huỳnh Kim Giám


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét