Thưa quý anh chi,
Đề tài ve sầu này thật “trúng tủ” với em, em xin góp đôi lời cho vui diễn đàn. Nếu có làm phiền ai thì xin vui lòng thứ lỗi.
Bên Úc ở Sydney mùa hè có rất nhiều ve sầu. Ve sầu được cho là “cái haut parleur” lớn nhứt trong các loài sâu bọ (Cicadas hold the record for the loudest insect in the world). Trong chậu trồng hoa của nhà em, những con sâu ve chưa có vỏ là nơi chúng tượng hình. Em nghĩ nếu gặp mấy ông nhậu chắc họ sẽ đào lên hết đem lăn bột chiên để làm một chầu say xỉn.
Còn đối với những tâm hồn thi nhân thì ve sầu là thơ là nhạc, một biểu tượng chia ly của tuổi học trò. Có người học sinh nào không khỏi bồi hồi rung động khi nghe ve sầu cất tiếng báo hiệu hè sang mùa tan trường sắp đến cho xa bạn xa thầy.
Xin mời quý anh chị đọc một đoản văn cho Mùa Tan Trường em viết sau đây nha.
Một buổi sáng nắng hồng chợt oi ả
Nghe đâu đây ra rả tiếng ve sầu
Trên cành, nàng phượng vĩ cũng bâng khuâng
Trong nắng hạ, hoa ngập ngừng hé nở
Hoa rạng rỡ mà lòng buồn da diết
Sắp xa rồi những buổi học bên nhau
Nhớ hôm nao còn bỡ ngỡ câu chào
Mà thoáng chốc giờ chia ly đã điểm
Tan trường rồi mỗi người đi một ngã
Lưu bút nào ghi hết nỗi thân thương
Còn đâu nữa lớp học với sân trường
Bạn hởi biết có chăng ngày tái ngộ ?!
Ngày đi ngày lại, những buổi học trôi qua thật nhanh tưởng chừng như tên lao vun vút. Và một buổi sáng nọ, nắng hồng chợt oi ả, nghe đâu đây ra rả tiếng ve sầu, trên cành phượng vĩ cũng bâng khuâng, trong nắng hạ những bông hoa đầu mùa ngập ngừng hé nở báo hiệu một mùa biệt ly.
Hoa phượng, loài hoa được mệnh danh là hoa học trò, từ thuở nào đã đi vào thơ vào nhạc, đã mang đến cho đời học trò biết bao là kỷ niệm buồn vui, đánh dấu một thuở vàng son hoa bướm, một thuở vô tư cắp sách đến trường, tràn đầy hoa mộng.
Hoa phượng đã cho tôi một ký ức êm đềm thời thơ ấu xa xưa dưới mái trường dòng của các bà Soeurs áo trắng. Ngày xưa đó, ngồi trong lớp mà cứ dõi mắt nhìn chừng ra sân xem có bao nhiêu bông hoa rụng và cứ thầm vái van cho chóng đến giờ tan lớp để chạy u ra thật nhanh tranh cùng lũ bạn nhặt cho thật nhiều. Hoa phượng đối với bọn trẻ có rất nhiều cách chơi, thí dụ như chơi bong bóng(vò vò cho dập rồi thổi phồng lên và đập cho nổ bốp), hoặc chơi móc ngoéo đá gà hay chơi nhà chòi bán quán, đám cưới, cúng đình v. v… Thế nên hoa phượng nhặt bao nhiêu cũng không thấy đủ, bao nhiêu cũng không thấy chán, càng nhặt càng mê mẩn quên thôi quên về.
“Rồi chiều nay hè trở về đây, phượng thắm rơi phượng thắm rơi đầy”(Mùa chia tay, nhạc sĩ Duy Khánh) tan tác trên sân, cũng màu rực rỡ năm xưa nhưng tôi không còn muốn nhặt nữa để chơi đùa. Nhớ lúc tôi vào học chưa lâu, có lần Frère đã nói với tôi rằng “Những cây phượng ở trường này là của Frère, do chính Frère trồng lấy khi mới đổi về đây, sang năm đến mùa hoa nở Frère sẽ tặng hết cho em rồi Frère đi”.
Tôi đã nghe sầu từ dạo đó, thầm mong cho hoa đừng nở để tôi đừng xa Frère. Nhưng có ai níu được áo thời gian, bây giờ thì mùa đã sang và hoa cũng vừa bừng mắt dậy sau một giấc ngủ dài. Nhìn hoa khoe sắc vươn mình, tôi nghe lòng ủ rủ héo hon. Mùa phượng đến cho mắt tôi sầu, cho tim Frère héo hắt, cho thuyền tách bến chia xa đôi đời.
Một niên học với những buổi học sáng sáng chiều chiều thấm thoát mà đã trôi qua. Ngày nào rồi cũng tắt. Cuộc vui nào rồi cũng tàn. Những ngày bên nhau giờ đây đã chấm dứt cho buổi họp mặt cuối cùng này thành buổi tiệc ly.
“Ve kêu gọi hè sang, phượng về khơi niềm nhớ, giây phút chia ly là đây” (Họp mặt lần cuối, nhạc sĩ Song Ngọc)
Những bài ca ly biệt, những nhạc khúc hạ buồn vang vang từ các lớp học khiến cho bao tâm hồn bồi hồi xao xuyến. Nhớ ngày nào trong thu phong cùng gặp gỡ, nhìn nhau mà bỡ ngỡ câu chào. Thời gian gần gũi chẳng được bao lâu rồi giờ đây đã tan trường cách biệt. Còn đâu nữa những ngày chung học, những khi ném cho nhau mảnh giấy nhắc bài hay hẹn gì nhau giờ tan lớp. Còn đâu nữa những buổi học khó khăn, ngồi chán ngán ngó bâng quơ chợt bắt gặp một ánh mắt thông cảm đồng tình. Và còn đâu nữa những lúc du ngoạn đồng xa, những cuộc chơi hào hứng say lòng tuổi trẻ. Ôi! Còn đâu, có còn chăng chỉ là kỷ niệm. Mai đây tan trường rồi mỗi người một nẻo, như chim đàn lìa tổ tung bay biền biệt phương trời, biết bao thuở mới họp mặt trở về để cùng sống lại những ngày thân ái êm đềm bên nhau. “Mỗi năm đến hè lòng man mác buồn”(Nỗi buồn hoa phượng, nhạc sĩ Lam Phương) phải chăng là vì thế?! Nỗi buồn ấy phải chăng là nỗi buồn truyền kiếp mà đời học sinh mấy ai tránh được bao giờ?!...
Người Phương Nam
Nghe lại hai bản nhạc mà rưng rưng lòng. Nhớ quá một thời áo trắng thư sinh.
Trả lờiXóaCám ơn Kim Oanh đã lồng hai youtube nhạc vào khiến cho bài viết thêm thăng hoa.
TK
Chị ơi, cám ơn chị cho em đi lại con đường áo trắng ngày xưa. Đọc và xúc động!
Xóa