Thứ Ba, 18 tháng 6, 2024

Cố Nhân

 

“... buổi chiều xuân năm Mậu Thân, khi con đường quốc lộ số 4 bị cắt đứt, ba tôi phải đưa tôi ra bến tàu xin quá giang một đoàn tàu quân đội về Sài-gòn nhập học. Năm đó, nhà cháy, của cải tan hoang, ba tôi 58 tuổi, tóc sương phơ phất, bộ quần áo bà ba trắng quen thuộc sao như rộng hơn thường khi. Ông đứng đó không nói một lời nào, tay xách túi quần áo của tôi, lo lắng bồn chồn, cặp mắt vắng vẻ... Rồi tàu rời bến, mặt sông rộng mênh mông, gió lên và chiều xuống. Ông đứng đó, đằng sau lưng một mặt trời tẻ lạnh, bỗng nhiên tôi thấy ba tôi giống như một pho tượng, im lìm, chịu đựng, nhẫn nhục như suốt một đời đã nhẫn nhục nuôi lớn bầy con quá đông. Tàu xa dần, pho tượng vẫn im lìm, bất động. Và bỗng dưng, tôi như thấy một giọt nước mắt nào đó đọng mơ hồ trên khóe mắt ba tôi. Giọt nước mắt mà dường như ba tôi đã cố nén tự nãy giờ. Từ lâu lắm. Từ câu nói vói “ thôi con đi ”. Từ lúc móc đưa cho tôi xấp tiền cuối. Từ lúc nhà cháy. Từ lúc dắt tôi đi thi tú tài. Từ lúc dắt tôi đi thi trung học, tiểu học. Từ lúc ẳm tôi đặt tôi vào nôi ...” - trích LỜI TRẦN TÌNH CỦA NGƯỜI THẦY CŨ 

Cố Nhân

Mai về còn gặp Người không
Hay Người đã chắp cánh hồng vội bay
Mai về người có còn say
Rượu đào năm cũ chén đầy chờ con
Mười lăm năm, tuổi hao mòn
Nửa đau vận nước, nửa hờn nỗi con
Gặp Người, giấc mộng chẳng tròn
Bên nây bến lạ, đá mòn dạ đau
Ngày đi con nước lên mau
Trùng trình sóng lớn, hồn lao đao sầu
Thuyền xa bạt gió giang đầu
Ngoảnh nhìn tóc bạc thoáng màu phù du
Dặn lòng chắc dạ ngàn thu
Ngỡ về Người đón bên cầu bến xưa
Người ơi một bước Người đưa
Con buồn như một ngàn xưa lỗi thề
Người ơi chim mõi chưa về
Cọng rơm tha mãi không se hết sầu
Mịt mờ chín ngọn cù lao
Con giờ chín hận mười đau một mình

Cao Vị Khanh
Tháng chạp năm Ất Hợi

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét