Chủ Nhật, 16 tháng 6, 2024

Hành Trình Về Quê Nội


Kỷ niệm về bố in đậm trong lòng tôi là những buổi tối sau bữa cơm, cả bốn chị em tôi quay quần chung quanh bố để nghe bố kể chuyện. Thôi thì đủ chuyện, từ những tiểu thuyết của nước Pháp như Ba Chàng Ngự Lâm Pháo Thủ… rồi đến những chuyện Tầu như Đông Châu Liệt Quốc, Tam Quốc Chi’…lồng vào trong những chuyện kể đó là những câu chuyện ngày xưa khi bố còn nhỏ sống với ông nội và bà cô chị của ông vì bà nội mất từ khi bố chỉ có mấy tháng...dần dần những nét đặc thù của buổi lễ hội Làng Nôm đã thấm sâu vào trong lòng non dại của chị em chúng tôi cùng với những bài thơ bố làm và hay ngâm nga mà dù không học tôi vẫn nhớ

Ngày xưa ăn Tết dựng cây nêu
Đón chúa xuân sang pháo nổ đều
Trai gái trong làng quần áo đẹp
Đền chùa rền rả khánh chuông reo…
(Xuân Xưa - Thiện Tôn)

Bố phiêu bạt từ khi bắt đầu lớn lên, tự học và gây dựng sự nghiệp cho mình, đến khi bố có gia đình và có con thi bố đã có cơ xưởng thuộc da khá lớn ở Hải Phòng, có một số ô tô để đi giao và lấy hàng. Ông nội đã tục huyền và người vợ sau này còn rất trẻ và đẹp, chỉ lớn hơn bố có mấy tuổi, vì thế những người con của bà với ông nội nhỏ tuổi hơn bố nhiều. Có một thời gian, ông bà và các cô chú đến ở chung với gia đình tôi ở Hải Phòng và bố bảo chúng tôi gọi bà là bà trẻ vì bà còn rất trẻ. Tôi thì hầu như không nhớ gì và ngay cả hai chị Lan và Thu cũng chỉ nhớ lờ mờ về những ngày sống chung ở Hải Phòng. Một chuyện buồn mà tôi nhớ mãi vì thường nghe bố mẹ nhắc lại trong thời gian sống ở Hải phòng là việc anh Tưởng, anh kế giữa chị Thu và tôi bị chết đuối vì mắc lưới đánh cá khi đi tắm sông với người anh họ.

Sau ngày đi cư vào miền nam và sống ở Túc Trưng, mẹ tôi và hai chị lớn đi làm rẫy, bố tôi vì sức khỏe kém nên thường ra phường xã giúp về hành chánh hay đi chữa bệnh cho người trong xóm, mặc dù không phải là bác sĩ hay y tá nhưng ngày trước bố có học ở trường thuốc, bỏ học theo kháng chiến chống Pháp như phần lớn thanh niên thời đó, nên có nhiều hiểu biết về y tế. Những lúc rảnh rỗi thì dậy tôi học và chơi đùa với con trai út mới ba tuổi, còn tôi thì tám tuổi, ba bố con quanh quẩn với nhau chờ mẹ và hai chị về lo cơm nước. Ngày đó hai chị em tôi hay ngồi vào lòng bố nghe bố kể chuyện, bố thường gọi tôi là con gái rượu của bố vì tôi rất ngoan và là đệ tử chân truyền của bố về truyện cổ.

Sau khi đậu Tú tài II, tôi được gia đình cho đi học đại học ở Saigon. Khi tôi về Ban mê thuột để ăn Tết thì nhà của gia đình tôi bị cháy vì cuộc tấn công của cộng sản vào dịp tết Mậu thân năm 68. Khoảng một năm sau thì cả gia đình tôi di chuyển về Saigon, hai chị tôi đã xin chuyển được việc làm về đây. Hai năm sau, tôi học xong, ra trường và đi làm. Đó là khoảng thời gian tương đối ổn định và thơ mộng nhất của tôi, tôi đã đi làm để phụ với hai chị lo cho gia đình và có người yêu. Hai đứa chúng tôi đồng ý chờ anh học xong bên trường luật để việc cưới hỏi được dễ dàng.

Vào năm 74, mẹ tôi bất ngờ bị mất vì bệnh cao máu, để lại cho bố và tất cả chị em chúng tôi những nỗi buồn và tiếc nuối khôn nguôi. Em trai tôi đã có gia đình vào dịp đó, chị Lan đã có gia đình từ mấy năm trước và có hai con nhỏ. Gia đình em trai, chị Thu và tôi sống chung và săn sóc cho bố. Từ ngày mẹ mất thì tôi càng thân với bố tôi hơn, bố buồn vì mẹ mất và lại càng hay nhắc nhở đến ông nội và gia đình bỏ lại từ ngày di cư mà không liên lạc được, thơ của bố mang tất cả nỗi buồn xa làng quê cũ

….Tôi đã đi qua buổi ấu thời
Và rồi xa cách mãi quê tôi
Rồi xa xa lắm ngày xưa ấy
Thủa ấy hương hoa ngát ngập trời. (TT)

Ngày đó, tôi chỉ biết yêu thơ của bố và cảm động về tình yêu làng cũ nhưng từ ngày vượt biển, rời bỏ quê hương đến định cư tại một quốc gia hoàn toàn xa lạ thì mới cảm thấy thật là thấm thía.

Khi biến cố năm 75 xảy ra, chúng tôi bị chấn động rất mạnh vì tất cả đã hoàn toàn thay đổi, những ước mơ hoài bão về tương lai và công trình ăn học đã tan vỡ. Gia đình chị Lan tôi may mắn đã di tản được và định cư ở Mỹ, phần còn lại của gia đình sống trong sự lo lắng sợ hãi vì chẳng biết mọi sự rồi sẽ ra sao.

Khoảng hơn một năm sau, bất ngờ có mấy người từ miền Bắc vào thăm gia đình tôi, bố thì nhận ngay ra người em trai và người mẹ kế dù đã xa cách hơn hai mươi năm. Thật là một buổi hội ngộ đầy cảm động, bà nội và chú tôi đã khóc vì thấy bố tôi quá gầy yếu và bệnh hoạn, còn bố tôi vì quá xúc động, cơn suyễn kéo lên làm bố không thở được, em tôi phải mang thuốc vào giúp. Khi cả đại gia đình quây quần trò chuyện vui vẻ vì cùng đi theo bà trẻ còn có hai người em họ của chúng tôi. Chị Thu còn nhớ và gọi bà là bà trẻ nhưng bố cười bảo bây giờ chỉ gọi là bà thôi vì bà không còn trẻ nữa làm cả nhà cười. Chú tôi nói phải mất một thời gian khá lâu cơ quan lo việc tìm thân nhân giữa hai niềm mới tìm ra địa chỉ của gia đình tôi, và bà bảo chú Đắc, con trai lớn của bà phải đưa bà vào gặp bố trước khi bà chết vì bà cũng đã già quá sợ không còn dịp nữa. Bà và chú Đắc hứa sẽ vào thăm bố nữa nhưng đó là lần duy nhất bố gặp lại người thân trong gia đình ở làng Nôm.

Sau khi bố tôi mất vì bệnh suyễn quá nặng, chúng tôi vẫn tiếp tục lo chuyện vượt biên và cuối cùng được tàu chở dầu của giàn khoan dầu ở Indonesia vớt, đưa đến đảo Kuku và đi định cư tại Hoa Kỳ năm 1984

Làm lại cuộc đời ở xứ Mỹ lúc ban đầu có rất nhiều khó khăn, chúng tôi vừa đi làm vừa đi học anh văn, dành tiền để làm đám cưới và gửi giúp gia đình còn kẹt lại. Một năm sau, con gái đầu lòng, Thảo Vi ra đời, cả hai chúng tôi đều làm việc cho chính phủ liên bang nên đời sống tương đối ổn định.

Mười năm sau, khi gia đình người em út của chúng tôi qua Mỹ định cư theo diện đoàn tụ gia đình, các em mang tro cốt của bố mẹ chúng tôi qua luôn vì sợ không còn ai chăm sóc. Chúng tôi làm lễ và gởi hai cụ ở chùa Vạn Phước, một ngôi chùa nhỏ gần nhà tôi để dễ thăm viếng và được nghe kinh kệ hàng ngày.

Như thế cũng tưởng là tạm yên, nhưng cũng như đa số người sống ở xứ Mỹ, luôn luôn di chuyển, tro cốt của các cụ đã được đưa đến đến chùa Pháp Vương vì chùa Vạn Phước đóng cửa. Khoảng vài năm sau thì chùa Pháp Vương phải di chuyển tất cả các cốt trong chùa ra nhà quàn ở nghĩa trang vì không có giấy phép chứa cốt trong chùa. Lúc đó vào mùa đông, khi được nhà chùa thông báo, tôi và chị Thu đến nhà quàn tìm cốt bố mẹ trong một ngày mưa bão, tuyết rơi phủ trắng cả trời. Trong căn phòng giá lạnh không hơi ấm, các hũ tro cốt để đầy trên sàn nhà, hai chị em lần mò đọc từng tên trên các hũ cốt, cũng may là đọc qua tên trên các hũ cốt hơn nửa sàn nhà thì thấy hai hũ đựng cốt của bố mẹ để gần nhau. Ngày hôm sau, hai chị em tôi lặn lội trong tuyết đi đến chùa Giác Hoàng ở DC xin chỗ để cốt cho cha mẹ.

Sau khi xin phép chùa Pháp Vương để xin chuyển cốt, nhà chùa đến lấy hai hũ cốt của bố mẹ ở nhà quàn đem về chùa và cho gia đình chúng tôi đến chùa xin làm lễ đón cốt. Hai vợ chồng em trai tôi đại diện đón cốt và cả đại gia đình đưa cốt ông bà bố mẹ đến an cư ở chùa Giác Hoàng. Anh chị em chúng tôi bàn bạc và đồng ý là sẽ mua một miếng đất ở nghĩa trang để chôn cốt của bố mẹ cho yên tâm .

Cuộc sống gia đình chúng tôi như dòng nước êm ả trôi, sáu năm sau khi có Thảo Vi, chúng tôi có thêm một đứa con gái thứ hai, Thảo Chi, cả hai chúng tôi đều miệt mài làm việc và chăm sóc con cái. Giang làm việc từ mười giờ đêm cho đến sáng, anh thích làm thêm giờ và thường không để ý đến sức khỏe, tôi thì làm ban ngày và luôn cố gắng về đúng giờ để cơm nước và trông nom việc học của hai con.

Làm việc nhiều, nghỉ ngơi ít, ăn uống không cẩn thận nên khi Thảo Vi vào đại học thì Giang bị stroke, cũng may là nhẹ, chỉ ảnh hướng nhiều vào chân trái nên đi hơi yếu nhưng vẫn cố gắng đi làm. Còn tôi thì cũng bận đi làm và lo lắng việc học cho con nên không săn sóc cho anh chu đáo được vì giờ làm việc khác biệt. Đến khi Thảo Chi học năm thứ hai thì Giang bị stroke lần thứ hai và không phục hồi được nữa, tình trạng sức khỏe rất tệ, đi không vững, nói không rõ, mọi chuyện hàm hồ không thể tự lo cho mình được nên phải xin nghỉ làm, lãnh lương hưu trí non. Năm đó Thảo Vi vừa mới ra trường và đi làm, còn Thảo Chi nhờ học giỏi nên có học bổng toàn phần bốn năm, tôi không phải lo lắng nhiều về tài chánh nên xin nghỉ làm cùng lúc với Giang và dành hết thì giờ lo săn sóc cho chồng.

Đó là những ngày tháng thật vất vả và đầy lo nghĩ, hai con thì đi làm và đi học xa mà bệnh của Giang thì càng ngày càng nặng, mấy lần bị ngất xỉu, may mà có tôi bên cạnh nên còn cứu được, bệnh chuyển sang tim và tôi phải đưa anh vào nhà thương. Nhưng cũng còn may mắn là sau cuộc giải phẫu và thông tim, Giang bình phục trở lại, tuy vẫn chậm, và vẫn khó khăn trong việc diễn tả ý muốn, nhưng đã nói rõ hơn và đi vững hơn trước nhiều nên cũng tạm yên.

Gần một năm sau, khi bệnh đã thuyên giảm nhiều, Giang muốn đưa hai con về thăm quê như lời chúng tôi đã hứa với con từ những ngày chúng còn nhỏ. Đây là một cơ hội thật tốt cho tôi vì từ khi định cư ở Mỹ, đã gần ba mươi năm tôi chưa có dịp được về thăm quê hương cũ. Trong khi lo chuẩn bị cho ngày về thăm quê của cả gia đình, lòng tôi thật là bồn chồn lo lắng và nao nức. Tâm nguyện của tôi là tìm về quê nội ở làng Nôm, thuộc tỉnh Hưng Yên của bố để hỏi thăm tìm lại người thân và biết đâu lại có dịp đưa bố mẹ về quê an nghỉ như lòng mong mỏi của chị em chúng tôi. Tôi có cô em họ xa tên Thục làm cho công ty du lịch nên tôi nhờ Thục chuẩn bị cho chuyến du lịch của gia đình tôi

Ngoài sự đau lòng và bỡ ngỡ của tôi khi về thăm chốn cũ sau ba mươi năm xa cách, thì đây là một chuyến du lịch khá hoàn hảo. Khí hậu cuối đông ở Việt Nam thật là dễ chịu cho những người đã sống ở xứ lạnh nhiều năm và nhất là tối cho hai đứa con của chúng tôi, những đứa trẻ đã sinh ra và lớn lên trong vùng khí hậu khác biệt. Đa số những thắng cảnh thăm viếng là những nơi mà chính chúng tôi cũng chưa được thấy bao giờ. Những hang động, núi non hùng vĩ của miền Trung, thành nội Huế với những lăng tẩm của Vua chúa ngày xưa, những đêm đi dạo quanh hồ Tây, thăm thành phố Hà Nội và nhất là đi tầu trên vịnh Hạ Long thật là thú vị. Vì vài trở ngại, chúng tôi không ghé qua được chùa Nôm và làng Nôm như dự định, chị Thu và tôi cảm thấy buồn nhưng đã quen biết cách và điều kiện thăm viếng, tôi tự hứa sẽ cố gắng nhiều trong lần tới

Thật không ngờ vì chỉ hơn một tháng sau chúng tôi lại có dịp về vì ông anh của chồng tôi, sau khi nghe kể về những thích thú của chuyến đi, muốn về thăm quê cũ vì cũng như chúng tôi, anh định cư ở Mỹ đã gần hai chục năm mà chưa về thăm quê nhà. Tôi nhờ Thục chuẩn bị cho chuyến đi chỉ có ba người, anh Khánh, anh của Giang và hai vợ chồng tôi. Tôi dặn Thục
- Chuyến đi trước chị không ghé qua làng Nôm được vì thời gian eo hẹp và phải đúng giờ cho hai cháu về, lần này em cho chị nguyên một buổi ở làng Nôm nhé.
Thục cười
- Em hứa với chị sẽ để nguyên buổi sáng ngày cuối, sáng sớm sẽ có xe chở các anh chị đến làng Nôm, anh chị thăm chùa rồi đi vào làng hỏi thăm tin cho đến khoảng xế trưa sẽ về khách sạn ở Hà Nội, nghỉ ngơi rồi chuẩn bị ra phi trường lúc năm giờ chiều để về thành phố.
Khoảng chín giờ sáng, Tú, chú tài xế lái xe đã đưa ba anh em chúng tôi đến chùa Nôm. Tú dặn tôi
- Cháu đến chùa nhiều lần rồi, các bác cứ thoải mái thăm viếng cảnh chùa, cháu đậu xe ở gần cổng chùa, cần gì thì cho cháu biết
- Cám ơn Tú

Quả thật đây là ngôi chùa thật đẹp và cổ kính, quanh sân chùa có những cây cảnh đẹp và có nhiều cây có trái được xếp đặt rất khéo làm cho phong cảnh thêm phần trang nghiêm của nơi thờ cúng. Chúng tôi đốt nhang cúng chùa ở đỉnh ngoài sân, cầu xin cho may mắn tìm lại người thân, rồi mới vào trong chùa cúng Phật. Sau đó tôi đi dạo quanh chùa mà lòng cứ hình dung bóng dáng của bố tôi ngày trước thơ thẩn quanh đây, cảnh chùa rất vắng vì không phải là ngày lễ hội hay ngày rằm. Nét đặc thù nhất mà tôi chưa thấy bao giờ là những ông bụt được đắp bằng đất sét tô đầy màu sắc để bên hành lang của chùa đã qua cả trăm năm mà vẫn tồn tại. Trong khi chúng tôi đang đi dạo trên sân chùa thì có cô gái thật dễ thương chào cười, tôi hỏi thăm vài chuyện, cô giúp đỡ hết lòng, thấy cô có máy chụp hình, tôi hỏi
- Cháu chụp hình phải không, chụp cho bác vài tấm nhé
Cô gái gật đầu
- Cháu chụp cho hai bác hình trước cửa chùa rồi ra bên chùa có tượng đồng Phật Bà Quán Thế Âm đẹp lắm. Cháu tên là Thi
Cô gái này thật là tay chụp hình chuyên nghiệp, những tấm hình của hai vợ chồng tôi trước chùa và nơi Phật Bà đứng giữa hai bảo tháp cân xứng tuyệt hảo. Trong khi chờ in hình, tôi hỏi thăm
- Bác muốn vào làng Nôm hỏi thăm tìm người thân cũ, cháu có biết đường không?
Cô Thi vui vẻ
- Từ đây vào làng đi lối sau chùa chỉ có khoảng 200 mét, bác muốn thì cháu đi chỉ đường giúp cho các bác.
Tôi mừng quá
- Cháu đi với bác nhé
- Vâng, cháu sẽ đưa các bác vào làng Nôm.
- Cháu chờ ở đây với hai bác trai nhé, bác ra dặn chú tài xế chờ ở cổng chùa
- Vâng ạ,

Lòng tôi thật hồi hộp khi đi theo cô Thi đi lối sau chùa đến làng Nôm, chỉ sau một quãng đường ngắn đã đến con sông có một cái cầu bằng đá bắc ngang qua. Thi nói
- Đây là cây cầu làm bằng đá đã mấy trăm năm, tên là cầu Đá hay cầu Nôm, cầu này bắc ngang qua sông Nguyệt Đức, mình đến làng Nôm rồi bác ạ
Cầu Nôm trông rất là cổ với những khối đá nguyên từng tảng lớn mạch liền nhau, trụ cầu cũng được xây bằng đá, có khắc đầu rồng, tôi bước trên cầu, thì thầm khấn bố
- Bố ơi, con tới làng mình rồi, bố phù hộ cho con tìm được các cô chú nhé, con gái rượu của bố đây, con đang đi trên cầu đá vào làng, bố còn nhớ cầu này không?
Qua cầu đến một con đường đất sỏi nhỏ, mới đi một quãng ngắn thì tôi thấy có một bà lớn tuổi đang ngồi trên chiếc ghế dưới gốc cây gần sông , Thi lên tiếng hỏi
- Bà ơi, có mấy bác đây muốn hỏi thăm và tìm người quen ở làng mình.
Người đàn bà đứng lên, vui vẻ hỏi
- Các ông bà muốn tìm ai ?
Tôi trả lời
- Thưa bà, tôi muốn tìm hai chú tôi tên Đắc và Kính, hai chú là em của bố tôi đã ở làng Nôm ngày trước. Nếu bà có nghe biết, xin chỉ giùm
Người đàn bà cười thật tươi.
- Các ông bà thật là may mắn vì tôi biết cả hai người bà hỏi, nhà bà Cúc, vợ của ông Kính ở ngay gần đây, để tôi đưa đến, tôi tên là Hương.
Bà Hương dẫn chúng tôi đi vào sân của một ngôi nhà nhỏ có sân trước khá rộng rồi gọi
- Bà Cúc ơi, có cháu của ông Kính đến kiếm thăm gia đình của ông Đắc và ông Kính, đang chờ ở đây.
Tôi nhìn quanh sân, thấy đồng vụn chất thành từng đống thì cảm thấy là đúng rồi vì còn nhớ lời bố kể là nhà ông nội có làm nghề đồng và câu ca dao
Đồng nát thì về cầu Nôm
Con gái nỏ mồm về ở với cha.

Đang ngắm đống đồng thì có một bà khoảng cỡ tuổi tôi và một cậu trung niên bước ra. Bà nói
- Tôi là Cúc, vợ ông Kính, có phải bà muốn tìm ông Kính không? Nhà tôi đã mất mấy năm rồi.
Tôi cúi chào bà Cúc, nghẹn ngào
- Cháu là Thảo Uyên, con ông Thiện, anh của chú Kính.
Bà Cúc nắm lấy tay tôi, khóc và nói ngay chuyện cũ
- Từ ngày Bà và bác Đắc đi thăm bác Thiện về thì dặn ai cũng phải nhớ địa chỉ nhà của cháu, nhưng lần sau vào thăm thì người ở nhà cháu bảo gia đình đã bán nhà và dọn đi nơi khác, họ không còn nhớ địa chỉ chỗ ở mới nữa, cả nhà lo buồn vì chờ tin mãi mà không thấy.
Anh chàng trung niên xen vào
- Em tên là Hưng, bác Đắc bảo chúng em phải nhớ địa chỉ nhà của bác Thiện, em đọc cho chị nghe xem có đúng không nhé.
Hưng đọc thuộc lòng địa chỉ nhà tôi ở Ngã Ba ông Tạ, Saigon. Giang bắt tay Hưng và nói chuyện khi thấy tôi khóc vì cảm động không nói được
- Tôi là Giang, chồng của Uyên, Hưng nhớ rất đúng địa chỉ nhà cũ của chúng tôi.
Tôi giới thiệu anh Khánh, bà Cúc mời mọi người vào nhà nhưng bà Hương xin phép về. Tôi cám ơn bà đã giúp cho. Thím Cúc bảo Hưng
- Con qua nhà cô Bảo và cô Hân, báo cho các cô biết có gia đình con bác Thiện đến tìm thăm.
Thím Cúc đang kể chuyện gia đình thím và thời gian chú Kính mất thì Hưng đưa một bà vào rồi nói với mẹ
- Chỉ có cô Hân ở nhà thôi, cô Bảo đi vắng mẹ ạ.

Người đàn bà dáng nhỏ hơn tôi, vừa thấy tôi thì nắm tay tôi khóc nức nở
- Cô Hân đây, chắc cháu không nhớ vì ngày đó cháu còn bé lắm, khi nhà còn ỏ Hải Phòng, cháu chỉ khoảng ba bốn tuổi thôi, rồi cô khóc lớn hơn, không cầm được xúc động
- Anh Tưởng của cháu chết trên tay cô, nó theo anh Đình đi tắm sông rồi bị mắc lưới, cứu không kịp…
Tôi cũng khóc theo
- Con có nghe bố mẹ con kể lại nhiều lần, mẹ con nói anh Tưởng hay về quấy mẹ lắm, mãi cho đến khi mẹ con có em Duy mới thôi .
Cô Hân vẫn hãy còn xúc động
- Chờ mãi không thấy tin, bác Đắc vẫn hy vọng ngày nào đó các cháu sẽ về tìm kiếm gia đình và tin rằng các cháu không còn ở thành phố nữa. Nhưng lâu quá không có tin cô lo sợ gặp sự không may trên biển cả, cho đến ngày hôm nay thấy cháu cô mới an tâm
Tôi nghẹn ngào
- Cũng đến gần hai mươi năm sau, tất cả bốn chị em chúng con cùng dâu rể và con cháu mới xum họp đầy đủ với nhau và vẫn ở chung cùng một tiểu bang ở Mỹ. Trong những ngày giỗ Tết thường quây quần đông đủ ở nhà em Duy, nhắc lại chuyện của bố mẹ và gia đình, vẫn mong có ngày tìm gặp lại các cô chú ở làng Nôm .
Thím Cúc xen vào
- Cô Hân, mình dẫn các cháu sang thắp hương ở nhà tổ, sau rồi các cháu dùng cơm nhà nhé.
- Vâng ạ.

Tôi trả lời và theo cả nhà đi ra đường làng để đến thăm nhà tổ của gia đình
Chỉ một quãng ngắn từ nhà thím Cúc thì đến một căn nhà nhỏ, có sân trước rộng và một cây rất lớn, cành lá xum xuê ( sau này tôi mới biết đó là cây sấu mà bổ tôi thường nhắc tới ngày trước). Hưng mở cửa mời mọi người vào, ngay sau cửa chính là bàn thờ lớn với nhiều hình trên bàn thờ mà tôi chỉ nhận ra hình ông nội vì giống bố tôi và bà nội trẻ. Thím Cúc và cô Hân thắp hương khấn trước rồi em Hưng đưa hương cho anh Khánh và vợ chồng tôi
- Mời các anh chị vào cúng tổ.

Tôi đón lấy những cây hương từ tay Hưng, lòng thấy thật xúc động vì không ngờ mình được may mắn đã tìm lại được họ hàng ở quê bố. Tôi khấn vái tổ tiên cùng các ông bà cha mẹ chú bác đã phù hộ cho tôi có được sự may mắn, vinh dự này và cầu mong cho có dịp tất cả các anh chị em tôi gặp gỡ đại gia đình và đưa bố mẹ về quê ở gần ông bà tổ tiên cho ấm cúng,

Tôi nhờ cô Thi chụp cho mấy tấm hình ở bàn thờ và hình cả nhà trước nhà tổ để kỷ niệm ngày về quê, và thật lòng cám ơn cô vì lòng tốt đã giúp cho gia đình chúng tôi có cơ hội được gặp nhau.
Cơm trưa xong, tôi nói với thím Cúc và cô Hân
- Chúng con đi theo tour du lịch và xe còn đang chờ trước cổng chùa, con phải về Hà Nội để đến phi trường lúc năm giờ đón phi cơ về thành phố
Cô Hân vui vẻ bảo
- Cô sẽ điện cho bác Đắc và cô Thái đến gặp các cháu ở khách sạn trước khi cháu đi. Chắc chắn là bác Đắc sẽ đến vì ông ấy chờ đợi ngày này mấy chục năm nay rồi.
Chúng tôi vẫy tay chào gia đình bố, tất cả mọi người vẫn còn cảm động và vui mừng vì đã gặp được nhau, tôi nói với chú tài xế
- Cám ơn Tú, hôm nay thật là may vì bác đã tìm được người thân, bác sẽ nói Thục cám ơn cháu, năm giờ chiều Tú đưa các bác ra phi trường nhé.

Khoảng hơn hai giờ chiều thì chúng tôi về đến khách sạn ở Hà Nội, thấy anh Khánh có vẻ mệt, tôi nói anh và Giang đi nghỉ. Một mình ngồi trên ghế nhớ lại buổi hội ngộ mà lòng vẫn còn cảm động. Chợt nhớ cô Hân bảo chú Đắc sẽ tới khách sạn, nhưng chưa thấy họ báo gì cả, tôi gọi số điện thoại cho cô em họ tên Hoa, con của cô Thái mà cô Hân đã cho để hỏi thăm thì mới biết cả nhà đang chờ ở quán cà phê trước khách sạn. Tôi vội vàng nói với Giang
- Chú đã đến rồi, đang chờ mình ở trước khách sạn.
Chúng tôi chạy vội xuống thì thấy một đám đông người đang ngồi ở quán cà phê đối diện với khách sạn, chú Đắc đứng dậy đón vì đã nhận ra tôi
- Chú Đắc đây
Chú bắt tay Giang và nắm lấy tay tôi, mắt đã rưng rưng.
- Hai cháu ngồi xuống... đây là thím Đắc, cô Thái, em của bố cháu. Hoa con gái cô Thái, hai em Quỳnh, Ngọc con sinh đôi của chú,
Tôi và Giang chào mọi người. Cô Thái lên tiếng trước
- Uyên phải không, cô chỉ nhớ cháu ít thôi vì ngày còn ở Hải phòng cháu còn nhỏ lắm, Lan và Thu thì lớn hơn một chút, các cháu khỏe cả chứ? Bác Đắc và cô nhận được điện, vội bảo các em đưa đến đây ngay.

Tôi nhìn cô đầy cảm động
- Thưa cô tất cả gia đình chúng con đều khỏe cả, con nhận ra cô ngay vì cô đẹp và giống như bà ngày bà và chú Đắc vào thăm bố con. Sau khi bà và chú đến thăm thì bố con vui và khỏe hơn trước. Nhưng chỉ khoảng độ hai năm sau khi gia đình ở quê vào thăm thì bố con mất.
Hoa thêm vào
- Mẹ em và bác Đắc cảm động quá vì không ngờ anh chị lại tìm được họ hàng ở quê, em tìm trên mạng thấy không có tour về chùa Nôm hôm nay nên để gia đình chờ ở đây .
Tôi giải thích
- Đây là chuyến đi đặc biệt mà chị nhờ họ chuẩn bị riêng cho nhóm chị vì chị muốn có thì giờ rộng rãi để về làng hỏi thăm, có lẽ vì vậy mà không có trong danh sách tour vì chỉ có ba người, ông anh chồng chị sau khi đi về thì bị mệt và khi biết cả nhà đang chờ thì anh chị vội đi xuống ngay.
Chú Đắc nắm lấy tay tôi, giọng thật là cảm động
- Bây giờ có chết chú cũng yên tâm vì các cháu đã tìm được về đây, đã hoàn thành được tâm niệm của chú, sau này nếu có dịp thì tất cả các cháu về thăm quê nhé.
- Thưa cô chú, chắc chắn là vậy,

Chúng tôi nói chuyện khá lâu, ai cũng có vẻ cảm động vì sự gặp mặt đã chờ đợi bao lâu tưởng như không còn có được. Chú tôi đã gần chín mươi tuổi, đã hơn bốn mươi năm từ ngày chú đưa bà vào thăm bố tôi rồi biệt tin, thế mà bây giờ, chú bảo .. như một giấc mơ…Chú kể lại những ngày gia đình dự định đi tản cư chung nhưng bố tôi bị theo dõi nên không dám đưa cả nhà đi mà giả như đi phát lương cho nhân viên rồi đi luôn nên chỉ có gia đình tôi đi được. Không thấy gia đình tôi về nhà, chú biết đã đi chuyến chót của chiếc tầu há mồm ở cảng Hải Phòng vào Nam và bặt tin luôn từ đó.
Chú Đắc hỏi tôi.
- Mấy giờ các cháu ra phi trường
- Thưa chú năm giờ
- Vậy thì cô chú thím và các em về để cháu chuẩn bị đi, em Đức, con út của chú đang làm việc ở thành phố, để chú bảo em ghé thăm các cháu
- Chúng cháu hứa sẽ về thăm các cô chú và đại gia đình mình

Chú Đắc bảo chúng tôi đi về khách sạn trước, nước mắt tôi đã lưng tròng khi từ giã những người thân mới gặp lại và theo Giang qua đường về khách sạn.

Tin và hình ảnh chúng tôi tìm được họ hàng ở làng Nôm đã được chuyển về các anh chị em tôi ở Mỹ một cách nhanh chóng, ai cũng vui mừng vì đã tìm ra họ hàng làng nước mà từ trước chỉ nghe qua lời bố kể mà thôi, người nào cũng háo hức mong có ngày về thăm quê nội.

Khi về Mỹ, chị em chúng tôi vẫn giữ liên lạc với họ hàng, thường thì qua các em họ của chúng tôi. Bich Như, em của Bích Hoa được giao nhiệm vụ đại diện cho bên cô Thái liên lạc thông tin qua email với chị em tôi, dù chưa gặp mặt nhưng tôi thân với Bích Như ngay vì ngoài những thông tin về đại gia đình, còn có những chia xẻ cá nhân giữa tôi và Như vì cả hai đều có con gái mới có gia đình và đều trở thành bà ngoại mới. Nhân một lần Bích Như kể chuyện mẹ em mua đất làm nhà tổ và mồ mả cho bên nội của em, tôi mới hỏi thủ tục mua đất để chôn như thế nào vì trong thâm tâm tôi muốn đưa di cốt của bố mẹ về quê như lòng mong muốn được về quê cha đất tổ của bố tôi, Bích Như có đề nghị thật hay là làng mình chỉ cho người trong làng được phép mua đất để chôn, chị hỏi em Hưng vì em ở ngay trong làng nên biết rõ thủ tục hơn.

Tôi mang việc này ra bàn với hai chị và Duy và chúng tôi đồng ý giao việc này cho Duy vì Duy là người giữ liên lạc với Hưng về việc ở quê. Trong công việc điều hòa thật khéo léo giữa Duy và Hưng, hai em đã mua được hai phần đất gần chỗ chôn ông bà nội và nhiều người trong đại gia đình tôi trong làng. Phần còn lại là làm sao mang được cốt của bố mẹ về quê để an táng.

Lúc đó vào khoảng tháng chín, độ hơn nửa năm từ ngày liên lạc được với họ hàng ở làng Nôm, chị em chúng tôi luôn luôn bàn bạc với nhau để tim cách đưa bố mẹ về quê. Duy đã suy nghĩ và tính toán rất nhiều Từ việc đến chùa xin cốt của bố mẹ, thời gian xin nghỉ phép để cùng Thúy và chị Thu mang cốt về quê. Cuối cùng vào giữa tháng mười một, mọi việc đã được các chị em chuẩn bị xong.

Chú Đắc đón ba chị em ở trong phi trường Nội Bài, ra ngoài đã thấy đông đủ người trong đại gia đình trên một chiếc xe buýt. Tro cốt của bố mẹ và hành lý được chuyển lên xe. Chú Đắc nói

-Hôm nay Hà Nội vào thu, trời thật đẹp, chú và cả nhà rất vui mừng đón được cổt của hai bác và các cháu về quê, xe sẽ đưa gia đình ta đi vòng quanh thành phố Hà Nội, qua ba mươi sáu phố phường, qua hồ Hoàn Kiếm, hồ Tây… vì chú muốn để hai bác thăm viếng Hà Nội trước khi về an nghỉ vĩnh viễn tại làng mình.

Trong làng, các cô thím và các em đã chuẩn bị tiệc cúng, hầu như tất cả dân trong làng tụ tập chung quang nghĩa trang đón người con phiêu bạt trở về với những vòng hoa màu sắc tuyệt đẹp. Mọi chuyện đã được chuẩn bị chu đáo, cốt của bố mẹ được cho vào hai cái quách nhỏ, rồi mỗi quách nhỏ được cho vào một quan tài nhỏ. Sau khi hoàn tất, mỗi quan tài nhỏ được bốn em trai khênh đến trước hai ngôi mộ đã đào sẵn để các thầy chuẩn bị làm lễ. Hai bên ngôi mộ mới đào là những vòng hoa tươi đẹp rất lớn của chùa, họ hàng và dân làng chào đón người về. Duy đội sớ quỳ trước, các cô chú thím và các anh chị em quỳ phía sau, các thầy làm lễ thật trang trọng với sự chứng kiến của tất cả dân làng Nôm đưa người con phiêu bạt trở về an nghỉ đời đời trong lòng đất mẹ

Sau buổi lễ, chú Đắc mời các thầy, các cụ tiên chỉ, tất cả người trong làng và họ hàng dự buổi tiệc mừng cho đại gia đình đã đón được anh chị về an táng với tổ tông họ hàng tại nhà tổ của gia đình, đồng thời cũng kể lại chuyện hai vợ chồng cháu Uyên Giang đã về làng và tìm được họ hàng sau gần nửa thế kỷ không liên lạc.

Chú Đắc nâng chén
- Xin mời quý vị dùng rượu, rượu này tôi đã cất và để dành hơn mười năm nay, chỉ mong một ngày nào đó các cháu tìm về quê cha đất tổ, bây giờ tôi đã được toại nguyện. Xin cám ơn tất cả mọi người đã đến chung vui với đại gia đình chúng tôi ngày hôm nay.
Chén rượu ngày về thật nồng nhiệt trong tình thân ấm cúng của làng xóm và cả đại gia đình.

Hình ảnh và tiến trình của việc đưa cốt bố mẹ về quê đã được chị Thu và hai em chuyển về cho anh chị Lan và vợ chồng tôi nên dù không được theo tiễn đưa bố mẹ nhưng chúng tôi vẫn cảm thấy mình như dự phần trong đó, cũng cảm động bồi hồi khi nhìn thấy quan tài nhỏ của bố mẹ đi vào lòng đất quê hương. Hai ngôi mộ nằm song song như lời hứa thủy chung mãi mãi bên nhau của bố mẹ.

Cho mãi đến gần bốn năm sau, tất cả anh chị em chúng tôi mới có dịp cùng nhau về thăm quê nội và thăm viếng mộ phần của cha mẹ. Chúng tôi về vào dịp Tết để dự lễ hội của làng Nôm theo lời hướng dẫn của chú Đắc. Hàng năm, lễ hội kéo dài sáu ngày từ ngày 11 đến ngày 16 tháng Giêng âm lịch nhưng chỉ có ba ngày đầu là quan trọng và có nhiều cuộc vui. Tôi thấy lòng mình háo hức muốn được xem lễ hội như bố tôi ngày trước

Thuở bé tôi đi xem tế Đình
Tấc lam ông Đám rộng thùng thình
Quan viên mũ áo uy nghi lắm
Đàn sáo du dương trống bập bình ( TT )

Sau khi mọi việc ở khách sạn đã ổn định, nóng lòng muốn đi viếng mộ bố mẹ, chúng tôi nhờ em Hưng và chú tài xế có chiếc xe nhỏ đưa chúng tôi đến nghĩa trang vì chỉ khoảng hơn mười phút lái xe. Hai em Hưng và Phong với sự chỉ dẫn của chú Đắc đã xây hai ngôi mộ cho bố mẹ tôi, trông thật là trang nghiêm và đẹp, gần đó là mộ của ông bà nội, bà cô Nhung, chú Kính và tổ tiên họ Nguyễn mà chú và các em đã quây tụ vào thành một vùng riêng rộng rãi và có lối đi quanh các ngôi mộ. Chúng tôi đốt hương cúng tất cả các ngôi mộ rồi về bên mộ của bố mẹ. Tất cả anh chị em chúng tôi, ai cũng bồi hồi cảm động và sung sướng vì được thăm viếng bố mẹ và cả nhà quây tụ đông đủ. Khi trời chạng vạng, Hưng nói
-Bây giờ cũng gần tối rồi, sáng mai mình lên chùa đón Thành Hoàng về Đình Nôm, buổi trưa cả nhà mình ra nghĩa trang cúng tổ tiên và hai bác. Đồ cúng chúng em đã chuẩn bị đầy đủ.
Sáng sớm hôm sau, ngày 11 tháng giêng, tất cả mọi người tụ họp tại nhà tổ. Chú Đắc nói
- Hôm nay, cả làng tụ tập để cùng nhau lên chùa làm lễ rước kiệu Thành Hoàng, rước bát hương của Mẫu, đồng thời rước nước giếng đá về làm lễ tắm cho Mẫu và thần hoàng khi về Đình Nôm. Cả nhà đi theo dân làng nhé, các cháu sẽ thấy tận mắt những nghi lễ ngày xưa như bố cháu đã kể cho nghe.
Tôi hỏi chú Đắc.
- Cháu đọc trong sách, thấy làng mình chỉ có độ hơn sáu trăm gia đình, nhưng sao hôm nay cháu thấy đông người đi xem lễ quá vậy, thưa chú,
Chú Đắc trả lời, giọng đầy hãnh diện
- Theo tục lệ của làng mình thì người trong làng dù buôn bán xa xôi cách mấy, nhưng đến ngày lễ hội thì phải về nên mới đông người như thế, các cháu thấy đó, họ nhà mình có thiếu ai đâu.

Sau khi theo đám rước vào chùa làm lễ, chúng tôi đi dạo quanh chùa, quang cảnh thật là tưng bừng náo nhiệt, chung quanh chùa những cây tắc, cây bưởi đầy trái tươi chen với những lá cờ ngũ sắc… thật đúng như bố đã viết

Đầu niên đóng đám rước Thành Hoàng
Cờ xí gươm đao sáng rực đường
Tán tía tàn vàng che võng kiệu
Tưng bừng nhã nhạc trống chiêng vang (TT)

Xong cuộc rước, cả họ về nhà tổ, các em gái đã chuẩn bị cỗ tiệc thật linh đình, chúng tôi được ăn những món ăn xưa mà ngay cả ngày trước mẹ tôi cũng ít khi nấu, có lẽ là khác miền nên không đủ gia vị. Mọi người ăn uống trò chuyện thật là vui vẻ và thoải mái .

Sau khi nghỉ ngơi, cả nhà mang lễ vật ra nghĩa trang của nhà và bầy trái cây, vàng bạc, nến hương ở tất cả ngôi mộ để cúng, các cô chú và các anh chị em đưa chúng tôi thăm từng ngôi mộ và giải thích sự liên hệ với chúng tôi, đặc biệt là mộ bà cô Nhung, người đã chăm sóc cho bố tôi từ ngày còn rất nhỏ vì bà nội tôi mất sớm, nghe nói bà cô rất linh thiêng. Sau đó anh chị em chúng tôi tụ lại bên mộ bố mẹ và nghe các cô chú kể chuyện về những ngày bố còn nhỏ sống ở trong làng với ông nội và gia đình .

Chiếu hôm đó, các em đã đãi chúng tôi một bữa cơm đầy hương vị quê hương như canh chua cá nấu với quả sấu ( quả sấu đã được lấy từ cây sấu trồng ở nhà tổ) đọt cây rau hái trên triền núi vùng Lạng Sơn xào với tỏi, cá kho với thịt, miến xào với cua ...sao mà ngon quá…

Trước khi về Hà Nội, Hưng thuê xe chở tất cả anh em chúng tôi thăm gia đình em Liên, con gái út của chú Kính và cũng để chúng tôi thăm viếng tỉnh Lạng Sơn. Trên đường đi, khi gần đến tỉnh, chú tài xế chỉ cho chúng tôi con đường và bảng mốc đi đến ải Nam Quan, một địa danh biên giới giữa hai nước Việt và Tàu nổi tiếng ngày xưa.. nhìn những hàng lau chen nhau bên đường, tôi mong có dịp đến thăm nơi đã có tên trong lịch sử với những bản hùng ca xưa cũ.

Nhà của vợ chồng hai em Liên và Bình ở thị trấn Đồng Đăng tỉnh Lạng Sơn, nhà khá lớn, có sân trước rộng trồng hoa rất đẹp, hai em có sạp buôn bán đồ bách hoá ở chợ và thường qua biên giới giáp ranh với nước Tàu để mua hàng về bán. Hưng và Bình đưa chúng tôi đi thăm chùa Tam Thanh, trèo lên những bậc thang vòng vèo đến lầu Vọng Thị để ngắm dáng hình nàng Tô Thị thấp thoáng trên núi cao bế con đợi chồng về như tích xưa trong ca dao

Đồng Đăng có phố Kỳ Lừa
Có nàng Tô Thị có chùa Tam Thanh

Chiều hôm cuối ở Hà Nội, chúng tôi được các cô chú và các em đãi ăn tại tiệm Chả cá Lã Vọng nổi tiếng với món cá đặc biệt xào trên chảo ngay trên bàn nóng sốt dậy mùi thơm của rau thì là theo đúng kiểu người Bắc ngày trước. Ngày về, các em đưa tiễn chúng tôi ra phi trường, buổi chia tay thật là bùi ngùi cảm động và cùng nhau hẹn gặp lại.

Nhiều khi nghĩ lại cuộc hành trình đã qua, tôi thấy yên lòng, bố mẹ đã nằm yên trong lòng đất thân thương của quê hương yêu dấu … tôi không còn phải lo nghĩ nữa, có làng nước họ hàng quanh năm khói hương ấm cúng. Chúng tôi sống ở quê hương thứ hai này đã hơn nửa đời người, các con tôi đã được sinh ra và trưởng thành nơi đây, chúng chỉ có chút khái niệm mỏng manh về quê hương của ba mẹ nên cũng không muốn làm chúng phải lo nghĩ nhiều về chuyện hậu sự của mình…cát bụi xin về với cát bụi.

Ý Nhi

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét