Học trò lớp Đại Dương vẽ bản đồ
Giờ học hôm nay lớp Đại Dương học đọc bài hát Việt Nam! Việt Nam! của nhạc sĩ Phạm Duy. Cô giáo cắt nghĩa những chữ khó bằng tiếng Việt, học trò thay phiên nhau lên bảng viết tiếng Việt và dịch ra tiếng Đức. Trong bài hát, học trò làm quen với những chữ dùng phép ẩn dụ (Metapher) như “vành nôi”, “xương máu”… Học trò đã học “đất” là Erde, “nước” là Wasser. Giờ đây học trò hiểu thêm, khi nói chung, hai chữ “đất nước” nghĩa là quê hương, là tổ quốc. Cô giáo hỏi học trò có những ấn tượng gì sau khi đọc và hiểu nội dung bài hát. Một trò phát biểu: “Việt Nam là đất nước đẹp. Việt Nam muốn sống trong hòa bình.” Cô giáo khen trò giỏi, vì trò đã hiểu câu hát: “Việt Nam không đòi xương máu.” Trò khác nói: “Con thích nhất câu: Việt Nam! Việt Nam! Nghe từ vào đời/ Việt Nam hai câu nói bên vành nôi”. Có mấy trò lại thích câu: Tình yêu đây là khí giới/ Tình thương đem về muôn nơi. Cô giáo có cùng ý nghĩ với học trò. Cô cũng thích những câu hát tràn đầy tình người. Cô giáo thật vui thấy sự tiến bộ của học trò trong chuyện học tiếng Việt. Nhớ năm nào đây, những học trò này còn bập bẹ đánh vần tiếng Việt. Giờ đây học trò đọc bài hát suôn sẻ và hiểu được ý nghĩa của bài hát.
Cuối giờ cô giáo mời cả lớp tham gia “vẽ” bản đồ Việt Nam. Câu hỏi đầu tiên của cô giáo: “Bản đồ Việt Nam có gì đặc biệt?” Một trò, có lẽ không chắc chắn, rụt rè: “Hình giống chữ S”. Cô giáo mừng rỡ: “Đúng rồi. Con giỏi lắm.” Cuộc trò chuyện của cô giáo và học trò rộn ràng với những câu hỏi: “Những thành phố nào trò đã đến, có nghe, có biết hoặc thích?” Cô giáo vẽ sườn bản đồ Việt Nam. Học trò vây quanh bản vẽ và ghi tên những thành phố với vị trí khá chính xác. Vài trò có cơ hội cùng gia đình và nhiều bạn bè về Việt Nam trong kỳ nghỉ hè. Các trò hào hứng kể: “Nhớ không? ở Cần Thơ tụi mình đi chơi chỗ này, ở Phú Quốc tụi mình chơi chỗ kia…Vui quá trời!” “Con tắm biển ở Vũng Tàu, ở Nha Trang. Lúc con ở Đà Nẵng, con không tắm biển được, vì trời nóng quá.” “Con thích Vĩnh Long. Vì ở đó có gia đình của Mẹ con.” Trò Hồng Hạ khoe: “Con coi hình trên internet, con vẽ Chùa Cầu Hội An. Lần tới con sẽ mang cho cô coi.” Một trò nhón chân cao để điền chữ Sa Pa vào phía bắc của bản đồ. Cô giáo hỏi: “Con đã đến Sa Pa rồi?” “Dạ, chưa. Nhưng con đã nghe về Sa Pa.”
Chùa Cầu Hội An, học trò Hoàng Hồng Hạ vẽ.
Cô giáo hỏi: “Đến Việt Nam, máy bay đáp xuống thành phố nào?” Các học trò trả lời ngay: “Phi trường Sài Gòn” Chẳng trò nào dùng chữ thành phố HCM. Hỏi Kaiserstadt cố đô, hầu như trò nào cũng biết đó là Huế. Hỏi thủ đô nước Việt Nam, học trò mau mắn trả lời: “Hà Nội”. Cô giáo diễn tả: “Đó là một vịnh, ein Bucht có cảnh quay trong phim James Bond.” Một trò gật gù: “Ja, ja, ich weiß. Vâng, vâng con biết. À, à, vịnh Hạ Long.” Các trò khác reo lên: “Genau! Chính xác! Con cũng biết.” Phía đông ven biển, cô giáo vẽ hai quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa. Cô giáo định sẽ cắt nghĩa cho học trò nghe về chủ quyền của nước Việt Nam. Nhưng tiếng chuông báo hết giờ học đã vang lên. Giờ học sau, cô sẽ dành thì giờ nói về hai quần đảo này.
Lớp Đại Dương sẽ tập hát bài Việt Nam! Việt Nam! để trình diễn vào dịp tết Nguyên Đán năm tới. Màn hợp ca hẳn sẽ hay hơn, bởi học trò hiểu ý nghĩa bài hát. Học trò sẽ mời mọi người cùng hòa giọng:
Việt Nam! Việt Nam!
Việt Nam quê hương đất nước sáng ngời
Việt Nam! Việt Nam! Việt Nam muôn đời.
Hoàng Quân
04.24
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét