Trong văn hóa Đông phương của xã hội Việt Nam, quan niệm "Đạo Đức" thường là của Nho Gia (và Nho Giáo) từ Khổng tử và nó khác với "Đạo Đức" của Phật Giáo Nguyên Thủy và hoàn toàn khác với khái niệm "Đạo Đức" của Đạo Gia (Lão tử và Trang tử).
a) Đạo Đức của Nho Gia (và Nho Giáo)
*
Với bối cảnh quốc gia xã hội vào thời Xuân Thu như trên, Khổng Tử nghĩ rằng muốn cho quốc gia xã hội có trật tự thì trước hết phải Chính Danh. Mục đích của Nho Học từ Khổng tử là "trật tự của quốc gia và xã hội".
Chính Danh có nghĩa là mọi vật (hay đúng hơn là mọi người) trong thực tại cần phải hợp với cái Danh nó mang. Đó là chính trị của Khổng Tử: “Ắt phải Chính Danh” (Luận Ngữ13.3). Đó là phép trị dân: “Chúa (sovereign) cho ra chúa, tôi (subject) cho ra tôi, cha cho ra cha, con cho ra con” (LN 12.11). Nói cách khác mỗi cái danh bao hàm một số điều kiện tạo nên bản chất một loại sự vật mà danh liên hệ đến.
Vậy trong những tương quan của con người (nhân luân) trong xã hội, mỗi cái Danh đều bao hàm một số trách nhiệm (responsibilities) và bổn phận (duties) nào, và những cá nhân mang danh ấy phải có những trách nhiệm và bổn phận phù hợp với Danh ấy. Đó là ý nghĩa lý thuyết “Chính Danh” của Khổng Tử.
Ta có thể nói Chính Danh là Luân lý (= hợp lý cho Nhân luân). Nhân luân là những tương quan của con người (= Nhân) trong xã hội như: chúa tôi, cha con, chồng vợ, anh em và bạn bè.
Chính Danh = Rectification of Names
Nhân luân = Social relationships, Human relationships
Luân lý = Social ethics
*
Từ đó mỗi cá nhân phải có năm Đức (5 virtues), hay Đức tính: Nhân Nghĩa Lễ Trí và Tín với Tín là biết Mệnh (Mệnh Trời). Đó là Nho Học (= Triết học của Nho Gia).
Từ Nho Học với những triết lý như trên, theo Khổng Tử, người Quân tử phải học và hànhvà tin theo triết học nầy. Đó là Đạo (the Way) hay Nho Đạo, thực tế là về 5 Đức (Nhân, Nghĩa, Lễ, Trí, Tín) nên còn gọi là Đạo Đức (Virtues of the Way).
b) Đạo Đức của Phật Giáo Nguyên Thủy
Từ ngữ Giới (Sila, tiếng Phạn) của Phật Giáo thường được dịch là "Đạo đức" với cùng một nghĩa. Anh ngữ vẫn dùng một từ ngữ cho cả 2 là Morality.
*
Từ ảnh hưởng của Ấn Độ Giáo, Phật Giáo tin rằng Con người phải có Chánh Giới là Trì giới mà không phạm tất cả 10 Ác Nghiệp là để khi tái sinh theo lục đạo thì không phải tái sinh theo khổ đạo vào những cõi "khổ" như cõi địa ngục, cõi của ngạ quỷ hay cõi của thú vật. Sanh mạng ở trong những cõi này thì hoàn toàn chịu khổ và không bao giờ tu hành đạt được giác ngộ để thoát khỏi tái sinh luân hồi được.
Trì Giới giúp Con người tái sinh trong cõi Trời (Thiên) hay cõi Con người. Sanh mạng trong cõi Con người và những cõi Trời (Thiên) có thể tu hành đạt được giác ngộ để giải thoát khỏi tái sinh luân hồi. Do đó Con người đang sống trong sinh kiếp phải Trì Giới mà không phạm tất cả 10 Ác Nghiệp.
{Theo Essential Buddhism của Mizuno}
Giới (= world = thế giới) của Tam Giới khác với Giới (= morality) của Trì Giới.
10 Giới cấm (còn gọi là Thiện Giới) để không tạo 10 Ác nghiệp:
1. Không nói dối (Not to lie)
2. Không dùng vọng ngữ tức là ngôn ngữ xấu (Not to use bad language): không nói với lưỡi 2 chiều.
3. Không nói xấu người khác (Not to slander others): không ác khẩu.
4. Không nói thêu dệt một cách phóng dật (Not to speak frivolously)
5. Không sát sinh (Not to kill)
6. Không trộm cướp (Not to steal)
7. Không tà dâm (Not to commit adultery)
8. Không tham muốn (Not to covet)
9. Không giận dữ (Not to give way to anger)
10. Không giữ tà ý (Not to hold false volition). Tà Ý là ý định vi phạm ngũ (5) trọng giới (giới 1-5).
*
Trì Giới (theo 10 Thiện Giới) để không tạo tất cả 10 Ác Nghiệp là điều quá khó khăn, không một Con người nào có thể làm được trong trọn một sinh kiếp của mình! 10 Ác Nghiệp lại quá khắt khe và hơn nữa có nghiệp lại mơ hồ không rõ ràng nên Con người dễ phạm Ác Nghiệp hoặc nhiều khi phạm Ác Nghiệp mà không biết.
Tuy biết được những yếu điểm này, Phật Giáo Nguyên Thủy có đưa ra phương pháp Tứ Chính Cần (4 right efforts) của Chánh Tinh Tiến (Right Effort) nhưng cũng mơ hồ và không rõ ràng.
Tứ Chính Cần (The 4 Right Efforts = Catvàri-samyakprahànàni). (
Tứ Chính Cần là:
Điều Ác (Evil) đã sinh cần phải siêng năng đoạn diệt
Điều Ác (Evil) chưa sinh cần phải siêng năng giữ đừng cho sinh ra
Điều Thiện (Good) đã làm cần phải siêng năng làm thêm
Điều Thiện (Good) chưa có cần phải siêng năng tạo ra
*
Trì Giới trong Bát Chánh Đạo:
Chánh Ngữ (Right Speech = Samyag-Vàcà / Sammà-Vàcà)
Chánh Nghiệp (Right Action = Samyag-Karmànta / Sammà-Kammanta)
Chánh Mệnh (Right Livelihood = Samyag-Àjìva / Sammà-Àjìva)
Chánh Tư Duy (Right Thought = Samyag-Samkalpa / Sammà-Sankappa)
Chánh Tinh Tiến (Right Effort = Samyag-Vyàyàma / Sammà-Vàyàma)
Chánh Ngữ là Trì Giới không tạo khẩu nghiệp:
Không nói dối (Not to lie)
Không dùng vọng ngữ tức là ngôn ngữ xấu (Not to use bad language): không nói với lưỡi 2 chiều.
Không nói xấu người khác (Not to slander others): không ác khẩu.
Không nói thêu dệt một cách phóng dật (Not to speak frivolously)
Chánh Nghiệp là Trì Giới không tạo thân nghiệp:
Không sát sinh (Not to kill)
Không trộm cướp (Not to steal)
Không tà dâm (Not to commit adultery)
Chánh Tư Duy là Trì Giới không tạo ý nghiệp:
Không tham muốn (Not to covet)
Không giận dữ (Not to give way to anger)
Không giữ tà ý (Not to hold false volition). Tà Ý là ý định vi phạm Ngũ Trọng Giới.
Chánh Mệnh là sống một Đời sống (sinh hoạt) Trì Giới theo đúng Chánh Ngữ, Chánh Nghiệp và Chánh Tư Duy.
Chánh Tinh Tiến là "tinh tiến" luôn luôn cố gắng tránh không làm điều Ác và chỉ làm điều Thiện trong tương lai mặc cho quá khứ.
Trì Giới là 1 trong 3 ngành của Phật Giáo. Đó là Trì Giới (Giới), Thiền Định (Định) và Giác Ngộ (Tuệ).
c) Đạo (và) Đức của Đạo Gia (Lão tử và Trang tử)
*
Lão tử* khởi xướng ra khái niệm "Đạo" (Dao, Tao) và "Đức" (De, Te). Khái niệm này làm căn bản cho phái triết học của Lão tử ghi trong sách Lão tử. Do đó phái triết học này có tên là Đạo Đức Gia và sách Lão tử có tên là là Đạo Đức kinh. Sau đó Đạo Đức Gia được gọi tắt lại là Đạo Gia.
Đạo:
Sự vật (muôn vật, vạn vật) thì hữu danh dù cho nó vô thể hay hữu thể.
Lão tử nghĩ rằng bởi vì có mọi sự vật thì cần phải có cái gì do đó mọi vật sinh ra. Cái "cái gì" ấy được ông gọi là Đạo. Đạo là cái bởi đó muôn vật sinh ra.
Đạo là vô danh, là vô thể, là cái do đó mọi sự vật sinh ra.
Mọi sự vật đều hữu danh. Nhưng để đối lập với những gì hữu danh, Lão tử nói đến vô danh. Những gì ngoài sự vật là vô danh. Cái "Đạo" của Đạo Gia là một khái niệm về loại nầy, ngoài sự vật và vô danh.
Đức:
Đạo là cái bởi đó mọi vật sinh ra. Khi sinh ra, riêng mỗi vật đều nhận từ cái phổ biến một phần từ Đạo gọi là Đức.
Đức của mỗi vật là cái mà tự nhiên* đã phó cho riêng mỗi vật.
Tóm lại, Đạo là cái bởi đó mọi vật sinh ra và Đức là cái bởi đó mọi vật trở thành vật.
Anh ngữ không có tiếng để dịch ra nên vẫn dùng tiếng Tàu, viết theo bính âm (pinyin) là Dao (hay Tao) và De (hay Te) trong Anh ngữ cho Đạo và Đức của Đạo Gia.
*
Sau Lão tử có Trang tử*. Cả hai là 2 triết gia tiêu biểu của Đạo Gia.
Triết lý của Trang tử từ triết lý của Lão tử nhưng có sự khác biệt:
Theo Lão tử, Đạo là cái bởi đó mọi vật sinh ra và Đức là cái bởi đó mọi vật trở thành vật. Trang tử cũng quan niệm giống như Lão tử về Đạo và Đức nhưng nói rõ hơn Đức là cái bản tính và khả năng của mỗi vật.
Lão tử áp dụng Đạo Thường và Đức vào đường lối xử thế (thường được biết là Vô Vi). Trang tử áp dụng Đạo và Đức vào đường lối đạt hạnh phúc tương đối và tuyệt đối.
d) Đạo Gia đối với Nho Gia và Phật Giáo
Do đó quan niệm Đạo Đức của Đạo Gia, Nho Gia và Phật Giáo hoàn toàn khác nhau. Chỉ có Đạo Gia có ý kiến đối nghịch với Đạo Đức của Nho Gia và Phật Giáo.
* Đạo Gia đối với Phật Giáo
Đức (của Đạo Gia) đã có sẵn trong mọi vật. Nếu theo Đức thì có đường lối sống giản dị và hành động Vô Vi tự nhiên không giả tạo và cưỡng chế. Theo Lão tử, người có cuộc sống và hành động hợp với Đức (của Đạo Gia) thì ở ngoài vòng phân biệt thiện ác (distinction of good and bad).
Đạo Đức kinh viết:
Nếu thiên hạ đều biết đẹp là đẹp, ấy là có xấu. Thiên hạ biết thiện, ấy là có bất thiện.
* Đạo Gia đối với Nho Gia (Nho Giáo)
Vì vậy Lão tử khinh bỉ những đức tính của Nho Gia như "nhân nghĩa lễ trí tín", vì theo Lão tử những đức tính ấy chỉ là suy đồi của Đạo và Đức (của Đạo Gia).
Đạo Đức kinh viết:
Mất Đạo ("Dao") mới có Đức ("De"). Mất Đức mới có Nhân (human heartedness). Mất Nhân mới có Nghĩa (righteousness). Mất Nghĩa mới có Lễ (ceremonials). Lễ là suy đồi của trung tín (loyalty and good faith), bước đầu của rối loạn (disorder of the world).
Ở đây ta thấy sự tương phản hiển nhiên giữa Đạo Gia với Nho Gia.
Bs Phan Thượng Hải biên soạn và giữ bản quyền
Bài viết này là trích đoạn trong bài "Lịch Sử Triết Lý của Đạo Gia" (Bs Phan Thượng Hải) đăng trong phanthuonghai.com
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét