Thứ Năm, 20 tháng 6, 2024

Ngày Quân Lực VNCH 19/6/2024

Sài Gòn Năm 19-6-1973)

Hôm qua, 18/6/2024, Tổng Thống Macron đã đến đảo Sein (Vùng Bretagne) chủ tọa buổi lễ kỷ niệm 84 năm lời kêu gọi ‘’kháng chiến chống Đức’’ của Tướng De Gaulle trên đài BBC, đồng thời để tưởng niệm 128 đứa con của đảo, ngay phút đầu, đã tình nguyện sang Anh tham gia kháng chiến ( huấn luyện quân sự )

Kéo dài từ 3/9/1939 đến 10/5/1940 thì cuộc chiến Pháp Đức trở nên sôi động khi quân Quốc Xã tấn công mạnh. 10/6 , chính phủ của Thủ Tướng Paul Reynaud ‘’di tản’’ về thành phố Tour. Đến 16/6, lại lui về Bordeaux. Tình hình trở nên nguy kịch. ‘’Trước nhục nước nên hòa hay nên chiến?’’, câu hỏi được đặt ra trong chính phủ. Sau những tranh cãi dữ dội, phe chủ ‘’hòa’’ ( = thừa nhận sự chiếm đóng một phần lãnh thổ của Đức!) ) của Thống Chế Pétain thắng, phe chủ chiến ( Thủ Tướng Reynauld, Bộ Trưởng Nội Vụ Mandel, Thứ Trưởng Chiến Tranh De Gaulle vv ) từ chức! Ngày 17/6, vị Tướng ‘’mới’’ ( gắn sao ngày 1/6/1940) De Gaulle sang Luân Đôn tị nạn và từ thủ đô Anh, lãnh đạo cuộc kháng chiến Pháp, qua ‘’hiệu triệu kháng chiến’’ được đài BBC phát thanh ngày 18/6! Thật ra, cuộc kháng chiến (quyết định) chống Đức đã ''bắt đầu'' ngay sau tuyên bố đình chiến của Thống Chế Pétain .Nhưng hiệu triệu của tướng De Gaulle là một ‘’tuyên ngôn kháng chiến’’ chính thức, nói với thế giới cái chính nghĩa của kháng chiến, mới chính là một động lực hổ trợ , đồng tình với những người đã quyết định kháng chiến cũng như thúc đẩy những ai còn phân vân, do dự. Cho đến 6/8/1940, BBC đã phát thanh 7 hiệu triệu của Tướng De Gaulle !

Do không dự định trước, lời hiệu triệu ngày 18/6 của tướng De Gaulle không được nhiều người Pháp nghe. Nhưng đó là một sự kiện lịch sử quan trọng. Quan trọng cho Pháp. Quan trọng cho thế giới . Bởi từ đó, kháng chiến Pháp chính thức ‘’khai sinh’’, được Đồng Minh ủng hộ, và tham gia. Quân Quốc Xã bị đánh tan, Pháp được giải phóng ( lâu quá mới viết được chữ này ! ) , phe ‘’trục’’ tan rã !

Nhưng, không phải có hiệu-triệu là có được nhiều đồng tình, ủng hộ. Chính những chữ, những câu trong bản hiệu-triệu 18/6 đã thuyết phục được quần chúng Pháp ! Thua keo này ta bày keo khác. ''.. … Certes, nous avons été, nous sommes submergés par la force mécanique, terrestre et aérienne de l'ennemi. …. Mais le dernier mot est-il dit ? L'espérance doit-elle disparaître ? La défaite est-elle définitive? Non! ‘’. Nhưng ‘’chữ cuối đã nói chưa’’ ? Hy vọng đã biến mất chưa ? Đã ‘’thật sự’’ thất bại chưa? - KHÔNG! Ông tướng mạnh mẽ nói không . Bằng một giọng chắc nịch ! Bởi, không chỉ vì ông có trái tim ‘’quyết chiến’’ mà vì, nhất là, ông biết ông không đơn độc. Ông có cả một ‘’đế chế lớn’’ ( vaste Empire) sau lưng : Anh  và Khối Thịnh Vượng Anh), Mỹ (.. Car la France n'est pas seule! Elle n'est pas seule ! Elle n'est pas seule! Elle a un vaste Empire derrière elle. Elle peut faire bloc avec l'Empire britannique qui tient la mer et continue la lutte. Elle peut, comme l'Angleterre, utiliser sans limites l'immense industrie des Etats-Unis..).Pháp quốc không đơn độc. Nước Pháp không đơn độc. Nước Pháp không đơn độc! Lời kêu gọi toàn dân, được viết bằng một giọng điệu tha thiết nhưng hùng hồn, thành thật mà cương quyết , nhìn nhận ‘’đã thua’’ nhưng rồi ‘’sẽ thắng’’. Trái với Việt Nam Cộng Hòa chúng ta !

Không chỉ những ngày tháng mùa xuân 75 mà trước đó, từ 1973, chúng ta đã chiến đấu đơn độc. Đồng minh nhỏ, đồng minh lớn lũ lượt rút đi. Những bàn tay lông lá không chỉ bán đứng Việt Nam Cộng Hòa qua những ký kết hiệp định, mà còn đâm sau lưng Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa những nhát thấu xương bằng cách phủ quyết viện trợ quân sự! Như một võ sĩ quyền anh bị trói tay, trói chân thẩy lên sàn đấu. Không chết thì cũng tàn phế . Và Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa đã chết , không chết bởi bàn tay đối phương . Mà chết vì đồng minh và các siêu sường muốn Quân Lực VNCH chết. Thế thôi. Chỉ có ‘’thắng đại’’. Không có ''đại thắng'.. khỉ khô gì cả!

Sau ngày mất nước, chúng ta cũng có kháng chiến. Trong nước và ngoài nước. Nhưng ‘’kháng chiến’’ của chúng ta chỉ toàn là bi kịch và thảm kịch! Bởi vì, như những ngày trước 75, những anh hùng của chúng ta cũng chỉ chiến đấu đơn độc! Cái gọi là ‘’thế giới tự do’’ đã hoàn toàn quên hẳn một quốc gia mà họ đã từng thiết lập bang giao quốc tế!
‘’Đất nước mất là mất tất cả’’. Mất tất cả nhưng chúng ta không quên tất cả, trong đó, có những người đã cầm súng bảo vệ chúng ta. Nhiều người trong số họ đã chết, đã trở nên tàn phế, để cho chúng ta, gia đình chúng ta được sống còn, có được ngày hôm nay! Đó chính là những người Lính của Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa. Tình ‘’quân dân cá nước’’, người dân miền Nam không quên ơn người Lính miền Nam. Cũng như người Lính Cộng Hòa không quên đồng đội, không quên màu cờ, sắc áo binh chủng, không quên mái ‘’nhà’’ Quân Lực thân yêu!

Theo nhà văn Giao Chỉ, 5 năm sau ngày nước mất, quân tan, ngày Quân Lực đầu tiên (ở hải ngoại) được một số quân nhân VNCH ở Bắc Cali tổ chức trong một nhà thờ … Tin Lành trên đường Saratoga, tháng 6-1980. Từ đó đến nay; mỗi năm, cộng đồng người Việt hải ngoại trên thế giới đều tổ chức ‘’Ngày Quân Lực’’ với sự tham gia của người Lính QLVNCH!

Bây giờ, là năm 2024. 44 năm trôi qua. Nhiều người Lính dự lễ năm xưa đã không còn! Rất nhiều người đã ''ra đi'' ! Nhưng không phải vì thế mà không còn ‘’Ngày Quân Lực’’. Như, theo báo ‘’Người Việt’’, chiều thứ bảy 15/6 vừa qua, Liên Hội Cựu Chiến Sĩ VNCH Nam California đã tổ chức ‘’Ngày Quân Lực’’ tại Tượng Đài Chiến Sĩ Việt Mỹ, Westminster dưới sự Chủ tọa của cựu Trung Tá La trịnh Tường nguyên tiểu đoàn trưởng Tiểu Đoàn 1 Nhảy Dù ( 3/71-7/72).

Ông Tường, mũ đỏ, tóc trắng (chắc cũng trên 80 tuổi? / khóa 9 Võ Bị Thủ Đức/ 1960 ) nhưng xem hình ông đọc diễn văn, thấy còn oai phong lẫm liệt lắm. Ông nói: ''... Anh em cựu quân nhân chúng tôi vẫn luôn trăn trở với châm ngôn Tổ Quốc, Danh Dự và Trách Nhiệm'' ( *)

Vâng, Trung Tá nói đúng, ''Người ta có thể mang người Lính VNCH ra khỏi Quân Lực VNCH nhưng không thể mang ngày Quân Lực VNCH ra khỏi người Lính VNCH''.

Có phải vì ‘’Một ngày Quân Lực là một đời Quân Lực’’, không , kính thưa Trung Tá?!

BP
19/6/2024

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét