Thứ Bảy, 22 tháng 6, 2024

Sương Lạnh Chiều Đông


Bạn ta,

Bác Sĩ Lê văn Lân (1931 – 2013) có một bài viết thú vị về tên các cô gái Huế ( sinh đẻ hoặc sinh sống ở Huế ) trong đó , tác giả ghi nhận 2 đặc điểm chánh: nhiều tên ''kép'' ( Diệu -Hương, Tịnh-Nhơn..) và ''lạ'' (ít thông dụng): Túy Nhạn , Thọai Ba vân vân.Tôi hoàn toàn đồng ý với ông Lê.

Từ lâu, tôi có cảm tình với (đa số) tên những cô gái Huế (sau khi đọc ''Cổng Trường Vôi Tím'' của Nhã Ca.
Trước hết, họ làm tôi liên tưởng đến những người… nổi tiếng, qua cái tên đôi của họ. Như Túy Hồng, Trùng Dương, Thanh Lan, Thái Thanh, Nhã Ca, Kim Cương vân vân. Dĩ nhiên những cái tên-đôi đó không phải là không có trong các gia đình người Nam hay Bắc nhưng khi gọi thì ''chúng ta'' thường gọi tên-đơn . Kim Hoàng gọi là Hoàng, Tuyết Mai là Mai. Ít nghe ai gọi tên-đôi như ''ngoài'' Huế. Sau đó, tên-đôi các cô gái ở Huế thường là những tên ''nguyên thủy'' (original) và mang những ý nghĩa đặc biệt, cho thấy người đặt tên phải là một bậc thâm nho , túc học , không thuộc giới Hoàng phái , quan lại thì cũng là người văn hay, chữ tốt (?). Như Tri-Túc (tri túc tiện túc … / Nguyễn công Trứ ), Hỷ-Khương, Thứ-Vọng, Đông-Nghi, Đạp – Thanh (hội Đạp thanh / Kiều) vân vân. Và, trong những cái tên đó có Lục Hà.
Tố Cần, Lục Hà, Phương Thảo, Liên Như, Tử Chi... là tên của 7 thiếu nữ trong một gia đình ''cổ kính'' mà bố là ông Trần Kiêm Phổ, trưởng tộc họ Trần Kiêm ở Huế. Theo anh Trần Kiêm Đoàn, một người trong gia tộc Trần Kiêm , Lục Hà (1939) là tên của người con gái thứ tư trong 10 anh chị em. Năm 14 tuổi, sau khi đoạt giải nhất trong cuộc tuyển lựa ca sĩ của đài phát thanh Huế (1953), Lục Hà chánh thức bước vào giới văn nghệ qua tên gọi Hà Thanh (âm-thanh của Hà hay ''dòng sông xanh'', một trong những ca khúc giúp chị Hà đoạt giải).

Cùng với Nam Phương hoàng hậu, kịch sĩ Kim Cương, sư cô Phùng Khánh Trí Hải, minh tinh Marilyn Monroe, ca sĩ Hà Thanh là một trong những người đẹp mà trung niên thi sĩ Bùi Giáng tương tư ngày đêm ( ông gọi là ''Hà Thanh Nương Tử''). Nghe nói nhà văn Mai Thảo cũng đã ra Huế xin cưới nhưng chị từ chối. Năm 1970 Hà Thanh lập gia đình với Trung Tá Thiết Giáp Bùi thế Dung(nguyên thứ trưởng Quốc Phòng VNCH trong chánh phủ giờ thứ 25 Vũ văn Mẫu ). Trong khi ông Dung đi tù cải tạo, chị Hà Thanh sang Mỹ năm 84 theo diện đoàn tụ.
Có những bài hát mà ca sĩ này hát ''tới'' hơn ca sĩ khác. ''Tới'' hơn có thể là dễ ''cảm'' thính giả hơn mà cũng có thể là hay hơn ( vì hợp giọng , hợp ''ton''). Nên chi mà chúng ta có Thái Thanh – Phạm Duy, Khánh Ly – Trịnh công Sơn, Châu Hà – Văn Phụng, Lê Uyên – Phương, Nhật Trường – Trần thiện Thanh (tuy hai mà một!), Chế Linh – Tú Nhi ( tuy một mà hai!), Lệ Thu – Từ công Phụng, Thanh Lan – Nhạc.. Pháp, Duy Quang – Phạm Duy vân vân và, với tôi, Hà Thanh – Nguyễn văn Đông.

Hè 1995, lúc ghé thăm bà chị ở vùng Normandie, tình cờ thấy cuốn cassette ''Hải Ngoại Thương Ca'' của Hà Thanh (lúc đó mới biết là chị ''ra được nước ngoài''), tôi bèn sang… lậu băng, đem nghe trong xe suốt mấy trăm cây số . Trong cuốn băng đó chị Hà Thanh (tôi gọi là chị vì chị Hà bằng tuổi bà chị thứ Tư của tôi ) hát các sáng tác của nhiều nhạc sĩ. Nhưng chỉ ở lại trong tôi 3 ca khúc: ''Hải ngọai thương ca'' (một mùa xuân kết muôn hoa lòng / người về đây nối câu tâm đồng), ''Nhớ một chiều xuân''( chiều nay thấy hoa cười / chợt nhớ một người) ''Mấy dặm sơn khê'' ( anh đến thăm / áo anh mùi thuốc súng / ngoài mưa khuya lê thê..) của nhạc sĩ Nguyễn văn Đông. Và lúc đó, mới trở về trong tôi ''Hàng hàng lớp lớp'', cũng là một sáng tác của họ Nguyễn.


''Còn đây giây phút này / Còn nghe tiếng hát, nụ cười xinh tươi / còn trong ánh mắt còn cầm tay nhau .. '' Làm sao quên được ''Hàng hàng lớp lớp'', bài hát lần đầu tôi xuất hiện trước ''công chúng'' (!), trong đêm lửa trại trường tôi, cách đây mấy chục… năm? Cậu học sinh trường Nam tiểu học cộng đồng ( lớp Nhất - thầy Tỏ / CM2), mặt nạ (masque) kéo lên đầu, áo trắng tay ngắn, quần ''short'' đen, run run ''cống hiến thầy cô và các bạn ca khúc Hàng hàng lớp lớp''. Người bạn NPH đêm đó, cũng là người bạn duy nhất đã tiếp tục chia cùng tôi biết bao nhiêu là kỷ niệm của tuổi học trò trong suốt chiều dài tiểu, trung, đại học (H. còn nhớ đêm lửa trại đó không, H?). Nhưng ''Hàng hàng lớp lớp'' tôi hát là theo version ''Kinh Kha'' của anh Hùng Cường, sau này, qua chị Hà Thanh, thì ''Hàng hàng lớp lớp'' mang một ''khuôn mặt'' khác: "khả ái" hơn, đầy nữ tính hơn ( nữ tính không phải vì do giọng nữ trình bày)!

Mỗi ca sĩ, ngoài giọng hát trời cho khác nhau ( thổ, kim, ấm áp, chắc nịch, bỗng trầm…), đều mang một sắc thái (cách hát) riêng biệt. Như Thái Thanh ở chỗ ''lảnh lót'', Khánh Ly ở những âm (dấu) hỏi, Khánh Hà nức nở, Thanh Lan nhí nhảnh (nhạc Pháp), Lệ Thu ngân dài vv Với Hà Thanh đó là luyến láy. Nói thế không phải là chỉ có Hà Thanh mới luyến láy (bên Nam có Từ Công Phụng và Anh Khoa) nhưng cái luyến láy của chị Hà đặc biệt: đúng chỗ, nhẹ nhàng, vừa phải và sang cả. Ngần ấy thứ hợp vào nhau, khiến cho những luyến láy trong tiếng hát Hà Thanh là những luyến láy mà chỉ Hà Thanh mới có ( cho đến giờ phút này ). Khiến cho, tuy nghĩ Hà Thanh - Nguyễn văn Đông, nhưng chính một ca khúc của nhạc sĩ Mạnh Phát mới đưa tiếng hát chị Hà vào trái tim tôi: ca khúc ''Sương lạnh chiều đông'' ( Chiều xưa phai nắng dấu mòn đưa lối / Soi bóng chung đôi mà hóa chia phôi..). Như tiếng chuông chùa, như bài thánh ca, chị Hà Thanh ''dấu mòn đưa lối'', đưa thanh tịnh, an bình vào cõi lòng tôi. Lẽ dĩ nhiên tôi yêu bài hát vì nét nhạc, lời ca Mạnh Phát (cũng là tác giả các ca khúc: Chuyến đi về sáng viết chung với Trần thiện Thanh); Nỗi buồn gác trọ; Dấu chân kỷ niệm; Khúc nhạc đồng quê; Ngày xưa anh nói vân vân) nhưng cũng vì tiếng hát Hà Thanh! Nếu không nghe chị Hà, có lẽ ''Sương lạnh chiều đông'' chỉ là sương lạnh chiều đông, đọng đó rồi tan đi, trong tôi! Yêu nhất là câu ''10 năm mơ kết mây thành mây trắng''.

Bây giờ, khi gõ những dòng chữ này, tôi mới nhận ra chính ca khúc Hà Thanh - Mạnh-Phát này đã giúp tôi viết ra được, 25 năm trước, những ca từ trong ca khúc nhân dịp ''10 năm tình cũ'' của ''chúng tôi'': ''Chàng chỉ là mây trắng / mấy năm đời lãng quên rồi! / Chàng chẳng là chiếc nôi / ru ai ngủ vùi …''!
" …
Mười năm mơ kết mây thành hoa trắng
Mây vỡ hoa tan ,tàn giấc mơ hoa
… "
Chị Hà Thanh mất ngày 1/1/2014. Lúc sinh tiền, có lẽ chị là một ca sĩ ''tu hành'' nhiều nhất. Và chị đem tiếng hát đó phục vụ ''đạo – đời'' trong những album thiền-ca.

Nhạc sĩ Mạnh Phát có ''Mười năm mơ kết mây thành mây trắng'' nhưng chị, chị Hà Thanh, có bao giờ chị mơ kết mây thành hoa trắng? Tuy hỏi nhưng em biết chị đã để nhiều năm ''mơ kết mây thành hoa trắng'', những đóa bạch hoa cài lên mái tóc, lên áo cưới ngày anh Dung đưa chị lên xe hoa . Trai anh hùng gặp gái thuyền quyên. 1970, ca sĩ Hà Thanh kết duyên cùng Trung Tá Thiết Đoàn Trưởng Thiết Đoàn 11 Bùi thế Dung 1975: anh đi tù, chị làm thiếu phụ nuôi con. Phải đợi đến 15 năm sau ''đoạn trường'' mới được ''tân thanh'' trên xứ người ! Nhưng chỉ được hai năm thì ''Mây vỡ hoa tan, tàn giấc mơ hoa''! (có lẽ vì thế nên chị tìm nỗi vui qua câu kinh, tiếng kệ?).

Bây giờ không phải anh mà là chị .''Chị lên đường trăm hướng'' để nhiều người ''ở lại sầu thương''!

Xin cám ơn chị đã mang những ca khúc tuyệt vời , cùng những luyến láy tuyệt vời vào lòng người yêu nhạc. Bằng một giọng ca nhẹ nhàng, êm ái, sang trọng, đầy nữ tính

Em kính chúc hương hồn chị sớm về cõi vĩnh hằng, chị Hà Thanh!

BP
29/1/2014


Sương Lạnh Chiều Đông

Chiều xưa phai nắng dấu mòn đưa lối.
Soi bóng chung đôi mà hóa chia phôi.
Sương lạnh chiều đông vương tiếng thở
của người nguyện đợi chờ nghẹn ngào giờ tiễn đưa.

Chợt thấy lòng như rớt giữa hư vô.
Đưa tiễn nhau đi ngại những đêm mưa.
Đêm chập chờn buông lên giấc mộng
Em vẫn thường gặp anh như lúc xưa nơi sân trường.

Anh lên đường trăm hướng.
Em ở lại sầu thương.
Buốt giá câu thơ những lúc đêm mờ,
Ướp cánh hoa xưa vẫn nhớ hương chờ / mà đắm trong nghẹn ngào.

Mười năm mơ kết mây thành hoa trắng.
Mây vỡ hoa tan tàn giấc mơ hoa.
Anh hãy về đây đêm giá lạnh
Vẫn nghe nồng hơi ấm của tâm hồn tròn mơ.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét