Mạnh Hạo Nhiên 孟浩然 (689-740) tên Hạo, tự Hạo Nhiên, hiệu Mạnh sơn nhân 孟山人, người Tương Dương (nay là huyện Tương Dương tỉnh Hồ Bắc), cùng thời với Trần Tử Ngang.
Ông từng làm quan, nhưng ông không thích hợp với đám quý tộc lạm quyền, nên rất thích nơi nhàn cư. Ông lui về ở ẩn, tìm lấy đời sống tao nhã ở Long Môn quê nhà và những cuộc du ngoạn ở nơi xa, khắp vùng đất. Ông đi nhiều, thấy nhiều, mạch thơ đầy ắp những khí chất hồn hậu của thiên nhiên núi sông diễm lệ, hợp với tâm hồn trong sáng của mình.
Ông để lại 260 bài thơ. Có thể gọi thơ ông là thơ sơn thuỷ được. Thơ năm chữ của ông luật lệ nghiêm cách, phóng khoáng, hùng tráng, rất nổi tiếng.
Đọc bài thơ này để biết Mạnh Hạo Nhiên làm những gì khi đến chơi nhà bạn cũ trong quãng đời hưu trí.
Nguyên tác Dịch âm
過故人莊 Quá Cố Nhân Trang
故人具雞黍 Cố nhân cụ kê thử,
邀我至田家 Yêu ngã chí điền gia.
綠樹村邊合 Lục thụ thôn biên hợp,
青山郭外斜 Thanh sơn quách ngoại tà.
開軒面場圃 Khai hiên diện trường phố,
把酒話桑麻 Bả tửu thoại tang ma.
待到重陽日 Đãi đáo trùng dương nhật,
還來就菊花 Hoàn lai tựu cúc hoa./.
Dịch nghĩa
Qua Nhà Bạn Cũ
Người bạn cũ làm cơm gà,
Mời ta đến chơi nhà ở nơi vườn ruộng.
Ở quanh làng có cây xanh mọc thành cụm,
Và có núi xanh nghiêng nghiêng bên ngoài thành quách.
Ra ngoài hiên đứng đối diện với vườn rau quả,
Nâng chén rượu nói toàn những chuyện trồng dâu trồng gai.
Hẹn nhau đến ngày trùng dương,
Sẽ trở lại nơi này để chơi hoa cúc.
Dịch thơ
Qua Nhà Bạn Cũ
Cố nhân dọn cơm gà
Mời ta đến chơi nhà
Quanh thôn cây xanh rợp
Ngoài thành núi biếc tà
Ra hiên nhìn vườn trái
Cụng chén luận dâu tơ
Hẹn tới Trùng dương* gặp
Chơi hoa cúc đậm đà.
*Trùng dương là ngày 9 tháng 9, ngày ăn mừng thượng thọ. Tới ngày này chỉ có hoa cúc còn tươi đẹp để thưởng ngoạn.
Lời bàn
Mạnh Hạo Nhiên đến ăn cơm gà ở nhà ai vậy? Ta không cần biết. Ông ít bạn và toàn là dân đạm bạc. Ý của bài thơ bao gồm cái “đạm bạc” trong tình bạn của họ Mạnh. Những chữ in nghiêng là ý chủ quan của Con Cò.
- Câu 1 & 2:
Cố nhân dọn cơm gà để khoản đãi ta; Ta không từ chối. Đối với người dân quê thì thịt gà là quý, ngày giỗ, ngày tết hoặc đãi khách quý mới giết gà. Đối với giới cao nhân mặc khách thì thịt gà cũng thường thôi, sơn hào hải sản mới quý. Đối với Mạnh thì khác, bạn mời tới nhà ăn cơm là vì tình bạn chứ không vì bữa ăn; vậy thì ăn gì cũng được, cơm gà hay cơm rau cũng hả hê.
- Câu 3 & 4:
Tả sơ qua phong cảnh của thôn quê nơi bạn cư trú: Xa xa là núi biếc, trong thôn đầy cây xanh. Khá đầy đủ, tả thêm nữa có thể lạc đề.
- Câu 5 & 6:
Tóm tắt mọi hoạt động trong bữa ăn thân mật tại nhà bạn: Khi vừa tới thì đứng ở ngoài hiên ngắm vườn trái cây của nhà bạn. Trong bữa ăn thì chỉ cụng chén bàn tới việc trồng dâu, nuôi tằm, dệt tơ. Tuyệt đối không bàn tới triều chính, quan trường, danh lợi. Khác với thời nay, họp mặt bạn bè tại tư gia, khách sạn, nhà hàng hoặc trên mạng, lúc nào cũng bàn tới kinh tế và chính trị. Trong mùa bầu cử năm 2020 ở Hoa Kỳ, hầu hết mọi cuộc bàn luận từ hai người trở lên đều sặc mùi chia rẽ. Đã vậy, có người, khi đuối lý, thì đem đời tư của nhau ra bêu xấu!
- Câu 7 & 8:
Lúc ra về thì hẹn ngày trùng cửu tới ngắm hoa cúc uống rượu. Vô tư! Con Cò
***
Ghé Cố Nhân Trại
Bạn cũ sẵn gà nếp
Mời ta đến viếng nhà
Cây xanh quanh xóm vắng
Núi biếc ngoại thành xa
Rau ruộng ngoài hiên mở
Nâng ly chuyện lụa là
Hẹn nhau ngày cửu cửu
Trở lại cúc phô hoa!
Cố nhân sẵn có nếp gà
Mời ta rảnh rỗi viếng nhà chốn quê
Cây xanh bao bọc bốn bề
Ngoại thành núi biếc nghiêng che dãi dầu
Ngoài hiên vườn rộng trồng rau
Nâng ly bàn chuyện trước sau dâu tằm
Hẹn ngày trùng cửu sang năm
Lại xem vàng cúc nảy mầm đơm hoa!
Lộc Bắc
***
Thăm Nhà Bạn Xưa.
Cơm gà bạn sẵn sàng,
Mời đến viếng thôn trang.
Cây tốt tươi quanh xóm,
Non xanh thẳm cuối làng.
Ra hiên nhìn ruộng rẫy,
Uống rượu chuyện tầm tang.
Hẹn gặp ngày Trùng Cửu,
Về xem cúc nở vàng.
Mỹ Ngọc
June 8/2024.
***
Quá Cố Nhân Trang
Thăm thôn trang của bạn xưa
Bạn xưa chuẩn bị cơm gà
Chân thành mời mọc viếng nhà vui chơi
Thôn trang cây cảnh xinh tươi
Xa xa đồi núi chơi vơi bạt ngàn
Chiếu trúc trải cạnh rẫy hàng
Rượu nồng chếnh choáng mùa màng bàn quanh
Ngày trùng dương sẽ đến nhanh
Thâm tình trở lại ngắm cành cúc hoa
Thanh Vân
***
Thăm Viếng Cố Nhân
Cơm gà thịnh soạn bày ra,
Cố nhân sốt sắng mời qua thăm làng.
Ruộng đồng màu mỡ lúa vàng,
Xanh um cây cối bạt ngàn thôn quê.
Núi non sừng sững đê mê,
Xa xa thành quách - bụi tre la đà.
Vườn rau mơn mởn trước nhà,
Hàng hiên ra ngắm - nắng tà lung linh.
Khề khà say cốc lưu linh,
Dâu tằm đàm luận - thoả tình vui chơi.
Trùng dương sắp đến tới nơi,
Mời ngài quá bộ - ngát hơi hương làn.
Cúc hoa đại đóa ngập tràn,
Giai nhân tài tử lớp hàng dạo quanh.
Khánh-Hưng
***
Thăm Trang Trại Bạn
Bạn thân hú ghé nhà chơi
Cơm gà thiết đãi rượu mời nâng ly
Thôn trang yên tĩnh cách gì
Cây cao ngợp bóng tường vy ngập giàn
Cỏ non núi biếc bạt ngàn
Vườn rau xanh mượt mấy chàng bướm quanh
Bên hiên rượu nhắp khề khàng
Mùa màng kinh nghiệm nuôi tằm trồng dâu
Tiệc tàn hứa hẹn lần sau
Vào ngày trùng cửu rủ nhau… nhẩm xà
Kiều Mộng Hà
June 10.2024
***
Góp ý của Bát Sách:
Theo ý BS thì Mạnh Hạo Nhiên là người không ham danh lợi, thích ở ẩn, lấy nhàn làm vui. Bài thơ Xuân Hiểu của Mạnh là tiêu biểu cho nếp sống nhàn nhã:
Xuân miên bất giác hiểu,
Xứ xứ văn đề điểu,
Dạ lại phong vũ thanh,
Hoa lạc tri đa thiểu.
(Sáng rồi mới tỉnh giấc xuân,
Tiếng chim ca hót vang lừng khắp nơi,
Đêm nghe mưa gió tơi bời,
Ngậm ngùi chẳng biết hoa rơi ít nhiều?)
Điển tích anh Giám kể về việc gặp gỡ giữa Đường Minh Hoàng và Mạnh tại nhà Vương Duy, BS có thấy trong sách của Trần Trọng San.
Hai câu thơ của Mạnh làm Huyền Tông bất mãn là trong bài Tuế Mộ Quy Nam Sơn:
Bất tài minh chủ khí,
Đa bệnh cố nhân sơ..
Lý Bạch rất kính trọng Mạnh Hạo Nhiên, gọi ông là Mạnh Phu Tử.
Về sự tích Tiết Trùng Dương, Đăng Cao…BS có nói rồi mà không nhớ ở bài nào, kể truyện Phí Trường Phòng khuyên học trò là Hoàn Cảnh lên núi lánh nạn ngày mùng 9 tháng 9.
Kỳ này ÔC đưa bài thơ lạ và hay, nhưng dịch không dễ, vì quá cô đọng.
- Tang, ma là cây dâu và cây gai.
- Thử là gạo nếp, nên kê thử BS cho là xôi gà. (ngon lắm đó!)
- Điền gia là nhà miền quê, có ruộng ở gần, nhưng không thể nào để chữ ruộng vào bản dịch được…
Trường phố là nơi trồng rau, vườn rau.
Sau đây là bản dịch thoát của BS.
Qua Nhà Cố Nhân
Bạn cũ thổi xôi gà,
Mời ta đến chơi nhà,
Cây đậm bên thôn tụ,
Thành ngoại núi nghiêng xa,
Mở hiên nhìn rau cỏ,
Nâng chén chuyện dâu tơ,
Hẹn Trùng Dương năm tới,
Trở lại ngắm cúc hoa.
Bát Sách.
(ngày 08/06/2024)
***
Nguyên tác: Phiên âm:
過故人莊-孟浩然 Quá Cố Nhân Trang - Mạnh Hạo Nhiên
故人具雞黍 Cố nhân cụ kê thử
邀我至田家 Yêu ngã chí điền gia
緑樹村邊合 Lục thụ thôn biên hợp
青山郭外斜 Thanh sơn quách ngoại tà
開筵面塲圃 Khai diên diện tràng phố
把酒話桑麻 Bả tửu thoại tang ma
待到重陽日 Đãi đáo Trùng Dương nhật
還來就菊花 Hoàn lai tựu cúc hoa
Mộc bản trong sách qua các thời đại đều xài chữ 筵diên=chiếu ngồi trong câu 5, phù hợp với phong cách ngày xưa. Vài trang web Trung Hoa cũng như Việt Nam ngày nay xài chữ 軒hiên=mái hiên, cửa sổ. Bài thơ được chọn đăng trong Đường Thi Tam Bách Thủ chắc chắn phải có gía trị văn chương nghệ thuật mà người đọc cần khám phá cho mình. · Mạnh Hạo Nhiên Tập - Đường - Mạnh Hạo Nhiên 孟浩然集-唐-孟浩然 · Trúc Trang Thi Thoại - Tống - Hà Khê Vấn 竹莊詩話-宋-何谿汶 · Đường Âm - Nguyên - Dương Sĩ Hoằng 唐音-元-楊士弘
· Thạch Thương Lịch Đại Thi Tuyển - Minh - Tào Học Thuyên 石倉歷代詩選-明-曹學佺
· Ngự Định Bội Văn Trai Vịnh Vật Thi Tuyển - Thanh - Trương Ngọc Thư 御定佩文齋詠物詩選-清-張玉書
Ghi chú:
cố nhân trang: nhà trang trại của một người bạn cũ kê thử: bữa ăn thịnh soạn (nghĩa đen là thịt gà và cơm vàng, một loại ngũ cốc cao quý thời xưa) quách: tường thành cổ có hai lớp, bên trong là thành, và bên ngoài là quách, ở đây chỉ các bức tường bên ngoài của làng diên: cái chiếu trúc, chỗ ngồi vì ngày xưa giải chiếu xuống đất ngồi, mời khách ngồi xuống chiếu khai diên: còn có nghĩa mở tiệc, tổ chức tiệc tràng phố: vườn rau
bả tửu: cầm chén uống rượu, nói đến việc uống rượu.
thoại tang ma: nói về dâu tằm và cây gai dầu, trò chuyện về nông nghiệp trồng tỉa nói chung
đãi đáo: chờ cho đến khi
Trùng Dương nhật: ngày trùng dương, ngày trùng cửu, ngày 9 tháng 9 của âm lịch; người Trung Hoa ngày xưa có phong tục leo lên núi cao với bạn bè vào ngày này và uống rượu hoa cúc để được may mắn
tựu cúc hoa: tiếp vận ngắm hoa cúc và uống rượu cúc
Dịch nghĩa:
Thăm Thôn Trang Của Bạn Cũ
Người bạn cũ đã chuẩn bị một bữa ăn thịnh soạn,
Và mời tôi đến chơi trang trại của anh ta.
Cây xanh mọc thành cụm bao quanh ngôi làng,
Những đồi núi lam nằm nghiêng nghiêng bên ngoài tường làng.
Chúng tôi trải chiếu ngồi ngoài hiên đối diện với vườn rau,
Nâng chén và nói toàn những chuyện về mùa màng.
Chờ cho đến ngày Trùng Dương,
Hẹn sẽ trở lại nơi này để ngắm hoa cúc.
《过故人庄》孟浩然古诗原文翻译及鉴赏 - 习诗词网
Khi sống ẩn dật ở núi Lộc Môn, Mạnh Hạo Nhiên là khách viếng thăm gia trang của một người bạn cũ. Ông đã được thư giãn và tận hưởng khung cảnh
đồng quê nên viết bài thơ này tán thán vẻ đẹp thiên nhiên và nếp sống nhàn nhã an lành của thôn quê, cho thấy sự khao khát của thi nhân với cuộc sống này.
Thoạt nhìn thoáng qua, bài thơ trông đơn giản mộc mạc, nhưng khi đọc kỹ, nó giống như một bức tranh thủy mặc với phong cảnh đồng quê, kết hợp chặt chẽ và hoàn hảo các cảnh, sự kiện và cảm xúc.
Mạnh Hạo Nhiên có lẽ là thủy tổ của thơ tranh, ngang hàng với Vương Duy, nên người đời sau thường gọi hai ông là Vương Mạnh, sơn thủy thi nhân.
A Visit to An Old Friend Farmhouse
An old friend prepared a sumptuous meal of chicken and rice,
And invited me to visit and stay at his farmhouse.
Green trees in clusters surround the village,
Blue mountains slant up beyond the outer wall.
We sat on bamboo mats facing the vegetable garden,
Drinking and talking about gardens and fields (from mulberry to hemp).
We’ll wait until next Double Nine day to meet again,
At this same place to watch chrysanthemums.
Meng Haoran’s “Stopping By an Old Friend’s Farmhouse” by Frank Watson
An old friend prepares a feast of chicken and millet,
Welcoming me to his farmhouse.
Green trees and plants, near the village edge,
The green hills slope outside the city walls.
The balcony opens to face the garden;
We raise a glass, talking of mulberries and hemp.
Waiting for the arrival of the Double Ninth Festival,
We will come again to drink chrysanthemum wine.
Notes
The poet is visiting his friend in his farmhouse in the outskirts of the city. Chicken and millet is a traditional banquet offering when hosting friends visiting one’s farmhouse. Green hills and greenery is symbolic of the good life. Mulberries and hemp is an idiom for the work of crop cultivation.
The Double Ninth Festival occurs on September 9 of the lunar calendar (9/9). In Daoist thought, nine is a number heavy in yang, meaning masculine or light energy in the concept of yin and yang. Daoists believe that yin and yang must
be balanced, but because of the double nine, the day is considered too heavy in yang, so they make offerings to honor their ancestors and drink wine made from chrysanthemum flowers.
Dịch thơ:
Viếng Nông Trại Của Người Bạn
Thể ngũ ngôn: Bạn làm cơm nếp gà,
Mời đến viếng thăm nhà.
Quanh xóm cây xanh mát,
Ngoài thôn núi thẳm xa.
Nhìn vườn ngồi đối diện,
Nâng chén chuyện nông gia.
Hẹn gặp ngày Trùng Cửu
Trở về ngắm cúc hoa.
Thể lục bát:
Bạn tôi dọn tiệc cơm gà,
Mời tôi về viếng ngôi nhà thôn trang.
Cây xanh che chở quanh làng,
Xa xa núi biếc nằm ngang chân trời.
Nhìn vườn nâng chén thảnh thơi,
Tràng giang đại hải đến thời tằm dâu.
Trùng Dương ngày hẹn gặp nhau,
Thưởng hoa nhấm rượu ngàn câu thâm tình.
Visiting an Old Friend's Cottage by Meng Haoran
Translation by Xu Yuan Zhong from 300 Tang Poems-A New Translation
An old friend has prepared chicken and food
And invited me to his cottage hall.
The village is surrounded by green wood;
Blue mountains slant beyond the city wall.
The window opened, we face field and ground,
And cup in hand, we talk of crops of grain.
When the Double Ninth Festival comes round,
I will come for chrysanthemums again.
Passing Through a Friend's Farmhouse by Meng Haoran
Translation by Betty Tseng
A friend of mine has prepared a country feast, And invited me to his village visit and sightsee. Along the way there are clusters of lush green trees, Once outside the town, there stretch blue mountains on one side. The dining hall has its doors wide open towards the courtyard, We drink to and talk about crops, yield and farm life. Looking forward to the Double Ninth festival we are, To again gather here and chrysanthemums admire.
Góp ý:
Tiểu sử của Mạnh Hạo Nhiên, như đăng trong Thi Viện, do những người dùng từ ngữ hậu-75 và thiếu chính xác. Cụm từ "thích hợp" hình như có gốc tiếng Nhật và ít khi được dùng trong các trang chữ Hán trên internet, và ngày xưa hình như không dùng với chủ từ chỉ người, chỉ dùng cho vật hay các khái niệm trừu tượng. Câu "nên rất thích nơi nhàn cư" là một câu chủ quan và vụng về, phản ảnh văn phong hậu-75 trong ngôn ngữ mẹ.
Mạnh Hạo Nhiên hình như có đeo đuổi việc quan trường, nhưng vì lý do nào đó ít ai nói đến, không hề đỗ đạt hay có một quan chức chính thức nào, cho dù được bạn thân Vương Duy tiến cử tới Đường Huyền Tông năm 728. Theo Tân Đường Thư:
《新唐書·文藝下:(王)維私邀入內署,俄而玄宗至,浩然匿床下,維以實對,帝喜曰:「朕聞其人而未見也,何懼而匿?」詔浩然出。帝問其詩,浩然再拜,自誦所為,至「不才明主棄」之句,帝曰:「卿不求仕,而朕未嘗棄卿,奈何誣我?」因放還。 《 tân đường thư· văn nghệ hạ》: (vương)duy tư yêu nhập nội thự, nga nhi huyền tông chí, hạo nhiên nặc sàng hạ, duy dĩ thật đối, đế hỉ viết:「 trẫm văn kỳ nhân nhi vị kiến dã, hà cụ nhi nặc?」 chiếu hạo nhiên xuất 。 đế vấn kỳ thi, hạo nhiên tái bái ; tự tụng sở vi, chí「 bất tài minh chủ khí」 chi cú, đế viết:「 khanh bất cầu sĩ, nhi trẫm vị thường khí khanh, nại hà vu ngã?」 nhân phóng hoàn。
Nghĩa đại khái là Huyền Tông đột ngột vào phòng khi Vương Duy mời riêng Hạo Nhiên vào nội điện nên HN trốn dưới giường, nhưng Duy khai thật; Huyền Tông đã nghe tiếng HN nên vui vẻ kêu ra và hỏi về thơ; HN đọc thơ cho vua, trong đó có câu "minh chủ phế bỏ người bất tài" nên Huyền Tông trả lời rằng : "vì khanh (HN) không hề xin làm quan, làm sao ta có thể phế bỏ khanh, tại sao lại vu oan cho ta?" Vì thế không nhận.
Họ Mạnh chỉ có một chức - cố vấn bán chính thức dưới trướng Trương Cửu Linh (cựu tể tướng thất sủng) - lúc đã 46-7 tuổi rồi từ quan về ở ẩn một năm sau. Tại sao thi nhân lại cần hẹn uống rượu cúc ngày trùng dương tới? Đa số các bài viết tân thời về tiết trùng cửu dựa trên những gì người ta đọc hay nghĩ mình hiểu về 重陽 để nói rằng đây là một tập tục để tảo mộ. Kính trọng người già và được sống lâu. Tập tục nào cũng phải có một nguyên ủy nào đó trong văn hóa, và trong trường hợp này, trùng dương chưa hẳn có nghĩa là tốt theo Kinh Dịch - vì trùng (cuối) dương sẽ phải chuyển sang âm, mà chỉ giao thời cuối thu và đầu đông, báo hiệu các bệnh sắp tới trong những tháng lạnh. Truyền thuyết về tục lên núi và uống rượu cúc bắt đầu với môt trận dịch nào đó thời Đông Hán làm một anh chàng tên Hoàn Cảnh (桓景) trở thành mồ côi, lên núi học đạo tiên với Phí Trường Thành (費長房) rồi được tiên chỉ cách ngừa trận dịch ngày trùng cửu sắp tới. Hiểu như thế thì leo núi thở không khí trong lành và uống rượu cúc gợi ý muốn tránh hay ngừa xui xẻo, tai ương, hay thất thời.
Phải chăng lúc sáng tác bài thơ này, Mạnh Hạo Nhiên đang cám cảnh về sự thất bại trên hoạn trường của chính mình?
g.
@ Phí Minh Tâm góp lời:
Phải chăng lúc sáng tác bài thơ này, Mạnh Hạo Nhiên đang cám cảnh về sự thất bại trên hoạn trường của chính mình?
Theo tiểu sử của Mạnh Hạo Nhiên (689-740), ông ẩn cư ở núi Lộc Môn trong những năm đầu của cuộc đời và làm bài thơ này khi viếng thăm thôn trang của một người bạn thân và thư giãn tận hưởng phong cảnh đẹp đẽ của đồng quê. Mãi đến năm Huyền Tông 16 (năm 728), ông mới thử bắt đầu quan lộ, lên Trường An thi rớt tiến sĩ nên trở về lại Tương Dương. Việc gặp Huyền Tông mà không được trọng dụng và việc tùy tùng theo Vương Xương Linh là trong thập niên sau năm 728. pmt
Huỳnh Kim Giám viết thêm:
Đôi khi ta cần cẩn thận khi gặp tên các địa danh trong cổ thư, chẳng hạn trường hợp Lộc Môn sơn, vì đây là một địa danh nổi tiếng từ thời Hán (Quang Vũ), qua thời Tam Quốc (với Gia Cát Lượng) đến thời Nguyên đánh nhau với Nam Tống (tk XIII). Tài liệu đầy đủ nhất tôi có cho tiểu sử của Mạnh Hạo Nhiên nằm trong cuốn The Poetry of Meng Haoran (524 tr.), riêng phần tiểu sử thôi dài 6 trang, hơn 2000 chữ. Đa số những dữ kiện về đời sống của họ Mạnh có thể tin được đến từ các bài thơ của ông, hay từ thơ người khác viết về ông, không phải từ cổ sử. Hai tài liệu cổ nhất về họ Mạnh là Cựu (44 chữ) và Tân Đường Thư chỉ viết rằng thời nhỏ ông ta ẩn cư ở Lộc Môn, thi hỏng tiến sĩ lúc đã 40 tuổi, làm việc dưới trướng Trương Cửu Linh. Các giai thoại về đời ông có vẻ toàn là hư cấu, kể cả chuyện đọc thơ cho Đường Huyền Tông. TĐT không nói đến chuyện thi tiến sĩ và các nhà nghiên cứu nghĩ rằng TĐT sửa sai CĐT; có thể rằng họ Mạnh chỉ là một 處士=xử sĩ (nghĩa là một nho sĩ không bằng cấp). Cũng nên chú ý rằng CĐT ra đời giữa tk X và TĐT giữa tk XI, nghĩa là 3 và 4 thế kỷ sau khi họ Mạnh đã qua đời.
Ta có thể phân vân tại sao một người ẩn cư từ thời thanh niên lại du ngoạn nhiều nơi, về kinh lúc đã 40 tuổi để nhờ bạn tiến dẫn; và viết thư tới tể tướng Trương Cửu Linh cũng để mong được tiến dẫn vào triều đình? Đây không phải là lối hành xử của một người muốn sống ngoài vòng danh lợi từ bé! Có thật sự họ Mạnh có thật ẩn cư ở Lộc Môn sơn chăng (có trang chữ Hán còn nói rằng Lộc Môn là sinh quán của họ Mạnh!) hay có thể rằng người ta đồng hóa sinh quán Tương Dương với Lộc Môn? và ta cần nhớ rằng hai bài thơ của Bạch Cư Dị và Lý Bạch về việc nghĩ đến họ Mạnh chưa hẳn xác quyết rằng ông ta ẩn tu ở Lộc Môn. Lý là người đồng thời với Mạnh nhưng Bạch ra đời 32 năm sau khi Mạnh lìa trần vì một cái nhọt ở sau lưng. Họ Mạnh hầu như không nói đến Lộc Môn trong thơ của mình và thường nói rằng ông ở bên bờ nam của một nhánh sông của sông Hán (澗南園=giản nam viên), gần Hiện sơn (峴山), một hòn núi phía đông-nam của Tương Dương.
(trên bản đồ này, Xiangyang là Tương Dương, chấm đỏ Xianshan là núi Hiện Sơn, con sông uốn quanh là Hán Thủy, và Google Maps không cho vị trí của Lộc Môn. Ở sát mép dưới của bản đồ, Hán Thủy rộng hơn 1 km và ta có thể thấy nhánh sông họ Mạnh nói đến.)
Tài liệu sớm nhất về thơ của Mạnh Hạo Nhiên đến từ công trình của Vương Sĩ Nguyên (王士源) một đạo sĩ đồng thời ở Nghi Thành (nam Tương Dương), có nghe tiếng nhưng không quen biết thi nhân. Vương về kinh đô năm 745, nghe tin Mạnh chết, và khởi công sưu tập các sáng tác của Mạnh, tạo thành cuốn Hạo Nhiên Thi Tập (浩然文集) năm 750, các dữ kiện trong đó thuộc loại "nghe kể lại". Tài liệu thứ nhì là sưu tập do em của Mạnh làm (Tiển Nhiên, 洗然). Với thời gian, tam sao thất bổn xảy ra và tất cả những gì "lâu đời" chúng ta biết về thơ của Mạnh đến từ đó qua một mộc bản thời Tống.
@Phí minh Tâm viết thêm:
Có thật sự họ Mạnh có thật ẩn cư ở Lộc Môn sơn chăng (có trang chữ Hán còn nói rằng Lộc Môn là sinh quán của họ Mạnh!) hay có thể rằng người ta đồng hóa sinh quán Tương Dương với Lộc Môn?
Trong tiểu sử của Mạnh Hạo Nhiên, theo Đường Thi Đại Từ Điển Tu Đính Bổn 唐詩大辭典 修訂本, ông ẩn cư ở cả hai nơi. Ông đã từng sống ẩn dật ở núi Lộc Môn, và sau đó sống ẩn dật tại nơi cư trú của tổ tiên tằng nhất độ ẩn cư
lộc môn san, hậu hựu ẩn cư kì tổ cư viên lư 曾一度隱居鹿門山, 后又隱 居其祖居園廬. pmt
Huỳnh Kim Giámviết thêm:
Kể lại các bạn một mẩu chuyện về giá trị của các tài liệu cổ và tân thời. Hơn 10 năm trước, một nhà nghiên cứu độc lập Việt nhờ tôi định giá trị và kiểm chứng một số tài liệu liên hệ tới con đường trà lụa và kế hoạch lưỡi bò của Bắc Kinh để dùng trong một hội thảo quốc tế về đề tài đó ở Washington D.C. Một nhà nghiên cứu tiếng tăm người Mỹ, chống Bắc Kinh, viết một bài trong đó nói rằng Trương Kiên, sứ thần Tây du thời Hán, thấy gấm Tàu ở Tây Vực.
Tôi thấy dữ kiện đó phi lý vì Trường An/Lộc Dương giữ bí mật về lụa và gấm chỉ được chế tạo cho triều đình, không cho thường dân dùng nên tôi kiểm chứng tài liệu tác giả đó dùng và thấy nó được xuất bản sau 1950, nghĩa là có thể do các cán ngố Bắc Kinh sáng tác. Tôi tìm câu trích văn về Trương Khiên và tìm ra một ấn bản tiền-1945, cũng với câu đó nhưng thay vì dùng từ 锦=cẩm/gấm thì dùng từ 布=bố/ vải. Chỉ cần đổi một chữ thôi, Bắc Kinh có "bằng chứng" để kéo dài con đường trà lụa và chủ quyền của người Hoa lục trên biển Đông thêm vài thế kỷ và vài ngàn cây số. Tôi viết thư cho tác giả người Mỹ và không được trả lời.
Giá trị lịch sử của Đường Thi Đại Từ Điển (Tu Đính Bổn) cũng tương tự như của các từ điển Hán-Việt ra đời sau 1975, với những lối hiểu cổ văn tào lao và thiếu khách quan tính. Đó là lý do tôi chấm dứt việc cộng tác với Đặng Thế Kiệt sau 3 tháng. Đặng Thế Kiệt cũng không trả lời tôi sau khi tôi nêu ra vài sai lầm trong cuốn Hán-Việt Từ Điển Trích Dẫn. Từ điển mà Thi Viện dùng còn sai nhiều hơn vì dùng nhiều từ điển hậu-75 làm dẫn chứng.
@Phí Minh Tâm viết thêm:
Khả năng xác định được niên đại của sách giúp mình ước đoán sự chân thật của nguyên tác. Vì lý do đó tôi luôn xài nguyên tác "mộc bản" trong sách của tác giả khi đó như trong bài thơ này. Không biết vì sao sách cổ Trung Hoa thường không ghi năm xuất bản nên có lần tôi nhờ một ông sư Đài Loan tìm mà cũng không được.
Đường Thi Đại Từ Điển Tu Đính Bổn 唐詩大辭典 修訂本 có thể tân tạo nhưng nguồn tài liệu của họ thì không tân tạo đâu. Như:
1. Chuyện MHN sống ẩn dật trước ở Núi Lộc Môn, rồi sau đó ở quê cha đất tổ ở Tương Dương được kể trong Tân Đường Thư 新唐書.
2. Chuyện MHN gặp Huyền Tông được kể trong Đường Tài Tử Truyện 唐才子傳.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét