Gần lễ Tạ Ơn, nhận từ trên trời rơi xuống cuốn sách Phê Bình Văn Học của Thuỵ Khuê do anh Tấn gửi cho, lại có lời viết tặng của tác giả. Xin nhắc anh em bà Thuỵ Khuê là em gái của bạn Vũ Ngọc Tấn.
Sở dĩ tôi viết thư này trên diễn đàn vì hai lý do:
1. Hy vọng trong anh em ta có người sau khi đọc thư này sẽ muốn tìm hiểu về Thuỵ Khuê và sẽ tìm đọc sách của bà, điều mà tôi say mê cổ động.
2. Tôi sẽ sửa đổi đôi chút để giới thiệu với diễn đàn khác nếu tác giả và anh Tấn cho phép.
Thuỵ Khuê là tác giả Việt Nam tôi ngưỡng mộ từ khi đọc cuốn Nhân Văn Giai Phẩm và Sóng Từ Trường của bà. Chưa bao giờ tôi đọc một tác giả Việt Nam có cách viết rõ ràng có chứng cớ và có đầy đủ tài liệu như Thuỵ Khuê. Trong cuốn Nhân Văn Giai Phẩm bà còn phỏng vấn qua điện thoại viễn thông từ Pháp về Việt Nam với các tác giả nạn nhân của phong trào Nhân Văn.
Lần này cuốn Phê Bình Văn Học Thế Kỷ Hai Mươi, tác giả đi vào đề tài chưa thấy tác giả Việt Nam nào làm trước. Đó là nhận xét và phân tích các tác giả Tây Phương từ Aristote đến Roland Barthes, không chỉ là văn chương mà còn triết lý rất nhiều.
Đọc danh sách, tôi nhảy ngay vào chương viết vể Sartre vì tương đối cá nhân tôi quen với ông hơn những vị khác. Thật là sảng khoái vì tác giả viết rõ ràng, giản dị, ngọn ngành với những danh từ dịch từ ngữ vựng triết lý, một ngữ vựng rất khó và phức tạp ngay cả cho người dân bản xứ (Pháp hay Đức). Tác giả viết không thua gì Luc Ferrry hay André Comte Sponville thuộc thế hệ trẻ ngày nay nổi tiếng trong việc phân tích, giảng giải những khúc mắc của thuyết hiện sinh của Sartre mà những vị cùng thế hệ với Sartre không viết nổi, chứ đừng nói gì đến các tác giả Việt Nam thời chúng ta.
Lấy một thí dụ về vấn đề vô nghĩa (Absurdité) có từ thời Kierkergaard đến Camus và Sartre. Quan niệm hiện sinh luôn luôn đi cùng với quan niệm Vô Nghĩa (Absurdité) từ thời Kỉerkergaard. Tuy nhiên Chỉ có Camus là đề cập tơi đề tài Vô Nghĩa mà thôi (sẽ nói sau).
Thuỵ Khuê khi bàn về Sartre, bà đã khởi đầu bằng hai tiêu đề mà ít người để ý tới.
1. “Thuyết hiện sinh là thuyết NHÂN BẢN” (L’existenctialisme et un humanisme). Bài diễn thuyết này đã in thành sách và đặt căn bản cho thuyết hiện sinh nhưng lúc đó thuyết này đã trót thành thời trang nên ít người để ý tới. Trong bài này có quan niệm quan trọng nhất: Hiện hữu có trước bản chất (L’existence précède l’essence). Ông lấy một thí dụ tuyệt vời: khi ta sản xuất ra cái rọc giấy, người thợ phải có trước Ý Niệm làm cái rọc giấy ra sao cho có thể dùng được (essence du coupe-papier), rồi mới sản xuất ra cái rọc giấy(existence du coupe-papier). Con người khác hẳn: người tin Thượng Đế thì nghĩ rằng Chúa sinh ra con người theo hình ảnh của Chúa để con người thờ phượng Chúa. Người hiện sinh vô thần nghĩ khác hẳn: con người sinh ra lúc ban đầu chẳng có bản thể gì cả. Con rùa mới sinh ra đã biết bò ra biển và bơi đi. Con người khác hẳn. Khi mới sinh ra con người không có một thảo trình (phần mềm) sẵn như súc vật. Con người rất vô hiệu và yếu đuối khi sinh ra. Con người hiện hữu lúc đó nhưng không có bản chất tốt hay ác, hùng hay hèn. Chỉ đến khi con người hành động con người mới hiện hữu. Hành động ra sao, đó là tự do toàn diện của mỗi cá nhân. Sartre còn nhấn mạnh: “con người bị bắt buộc phải tự do lựa chọn (L’homme est condamné à être libre). Con người phải có trách nhiệm làm ra bản thể của mình. Mỗi cá nhân có tự do và trách nhiệm chọn điều thiện hay điều ác. Tuỳ mình. Sartre không phải là nhà đạo đức. Tôi chỉ không động ý với tác giả vể một chi tiết nhỏ: …"anh không thể chộn điều ác…”
2. Con người là một project, một dự tính, một dự phóng, một dự trình( vào học tiểu học anh dự tính lên Trung Học, đậu Tú Tài, lên đại học, chọn nghề Bác Sĩ, Luật Sư v…v…) Anh phải có trách nhiệm với anh và với người khác vì người khác sẽ định nghĩa anh. Cho nên ông có câu: l’enfer c’est les autres. Không có dự tính, không có chương trình thì anh chẳng là gì cả. Đó là ý nghĩa của từ Néant trong tựa đề “l’Être et le Néant”. Hoặc anh hữu thể hoặc anh chẳng là gì cả như Luc Ferry viết. Néant không thể dịch là hư vô được. Anh có hay không có. Thế thôi.
Bây giờ tôi xin trở lại khái niệm Vô Nghĩa (absurdité) trong thuyết hiện sinh. Khải niệm này đã bị hiểu nhầm rất nhiều. Theo đúng định nghĩa của trong Triết Lý, Vô Nghĩa là tình trạng mâu thuẫn giữa khuynh hướng con người muốn tìm hiểu giá trị và ý nghĩa của cuộc sống đụng với sự im lặng toàn diện của vũ trụ. Chính vì nhiều nhà văn Pháp cũng như Việt hiểu theo nghĩa thông thường nên vào thập niên 50-60 ta thấy nhiều tác giả than vãn đời chẳng có ý nghĩa gì, rồi viết những chuyện không đầu không đuôi, mặt lúc nào cũng đăm đăm, rít thuốc, uống cà phê liên miên ra chiều khổ sở, tao bón kinh niên…
Camus là người duy nhất để ra nhiều thời giờ viết về quan niệm Absurde này. Cuốn tiêu biểu là Le Mythe de Sisyphe. Truyền thuyết Sisyphe như sau: Sisyphe là một ông vua khôn lanh, ranh mãnh hai lần trốn được cái chết nên thần chết Thanatos phạt phài đẩy cục đá nặng lên đỉnh núi. Nhưng khi đẩy lên được rồi thì cục đá lại rơi xuống chân núi và cứ thế phải đẩy lên lại cho đến bất tận. Camus viết: dù cho cuộc đời không có ý nghĩa, con người phải như Sisyphe, tiếp tục làm công việc và đến độ phải yêu công việc đó. Tự tử không giải quyết được gì và tin vào Thượng Đế cũng chỉ là chạy trốn.
Đọc phần Thuỵ Khuê viết về Sartre tôi nhìn thấy giá trị giáo huấn về văn hoá Tây Phương cho những ai muốn hiểu về văn hoá Tây Phương, nhất là thế hệ trẻ tại Việt Nam. Tôi không hiểu tác giả có đưa lên Amazon.com hay Amazon.fr để bán không? Tôi thấy rất nên nhất là cho giới trẻ.
Nếu tác giả và bạn Tấn bằng lòng tôi sẽ sửa chút ít lá thư này trở thành một bại nhận định và đăng lên các diễn đàn Sinh Viên Quân Y hay Hội Y-Sĩ Toronto v…v… Tôi cũng xin bạn Tấn gửi thư này đến bà Thuỵ Khuê ở bên Pháp vì tôi không có địa chỉ email của bà.
Cuối cùng tôi rất cảm ơn bà Thuỵ Khuê đã có nhã ý việt đề tặng cuốn sách quý này cho tôi và bạn Tấn mất công đi gửi cho tôi. Đã có người muốn hỏi mua sách.
Thân mến,
Nguyễn Ngọc Khôi
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét