François-de-Nion
Đó là vào một buổi chiều thời tiết khắc nghiệt của tháng mười, khi Hoàng hậu và tôi, người hầu gái của bà, cùng đi vào một hành lang ở viện bảo tàng Louvre cổ kính ấy, và tôi không thể quên được một khuôn mặt kinh khiếp đó mà cho đến bây giờ, khi ngồi viết lại những dòng này, - nét mặt ấy lại hiện ra, cũng như không thể nào không chấp nhận sự thật về việc này.
Ngoài ra, chuyến du hành của chúng tôi từ Versailles đi Paris như là một chiếc thuyền đang nguy khốn giữa một dòng thác,với những gương mặt gớm ghiếc hung dữ nhảy múa chung quanh chúng tôi, những cái đầu như treo trên ngọn giáo, đôi mắt bất động, hoặc nhớn nhác, miệng đang gào thét lời nguyền rủa..
Một ngày khiếp hãi, mưa lạnh, u tối!
Buổi tối thì phải lo sắp xếp chỗ ngủ trong các phòng của lâu đài Tuileries, nơi này chưa từng được sưởi ấm lại từ khi vua Louis XV con bé. Khắp mọi nơi đều trong tình trạng thật hỗn độn và ảm đạm. Tội nghiệp Thái tử từ lâu nay quen với khung cảnh ấm áp ở lâu đài Versailles, cứ nép sát vào mẹ, kinh hãi khi nhìn thấy tường trần đổ nát như thế này.
- Ở đây sao mọi thứ đều xấu xí quá Mẹ ạ, cậu thì thầm với Mẹ.
Hoàng hậu Marie-Antoinette trả lời: - Vua Louis XIV đã ở đây, con ạ, ta không thể nào khó tính hơn nhà vua đâu con.
Khi giường ngủ được sắp đặt một cách vội vàng, và các con đều ngủ yên, Hoàng hậu gọi tôi lại và nói:
- Nữ bá tước à, hãy đi với ta nào; Vua đã ngủ rồi, nhưng ta thì sẽ không nhắm mắt được nếu không đi một vòng xem các phòng ốc ở đây ra sao để yên tâm và không lo sợ có một kẻ thích khách nào đang lăm le đao kiếm trong bóng tối đồng lõa để làm hại Hoàng Thượng chăng.
* * *
Tôi bước đến lấy một đĩa nến. Đây là đĩa nến đặt trong phòng của Vua ở Versailles, chân nến bằng bạc mạ vàng cao đựng được hai ngọn nến mà bọn cận thần tha thiết ước mong được cầm lấy, vì cầm nắm được vật này là một điều vinh hạnh; nô gia đã cố mang vật quý này theo cho dù tình hình đang rối loạn. Tôi cầm chân nến và bước đi trước Hoàng hậu, soi sáng cuộc tuần hành vào đêm khuya qua tòa lâu đài ảm đạm.
Đám lính hoàng gia đang canh gác ở hành lang lớn khoảng giữa cung điện, phòng này lúc trước là của các thống chế; về phía đó thì không có điều gì phải lo ngại. Chúng tôi đi qua một phòng nhìn ra các khu vườn và sông Seine. Hôm ấy trăng sáng tỏ; một vài khung cửa sổ còn làm bằng kính ghép màu được cạp chì từ dưới thời dòng họ Medicis. Những cửa sổ này được làm bằng thủy tinh thô, lấy từ đáy chai lọ; từ đó một vệt ánh sáng màu lục nhạt chiếu thành từng đốm trên khuôn mặt Hoàng Hậu; bỗng dưng tôi nhìn thấy bà như một hình ma quái trong bộ áo trắng toát. Tôi còn nhớ là đôi tay mình run lẩy bẩy, còn những ngọn nến thì nhỏ giọt như từng dòng lệ trên nền nhà.
- Cô sợ à? Bà hỏi tôi, Xưa nay cô vẫn gan dạ lắm kia mà.
Rồi bà lại còn bồi thêm như thế này:
-Ta đã từng chứng kiến sự can đảm và lòng trung thành của cô rồi mà; ta sẽ không bao giờ quên điều đó... nếu như ta còn có cơ hội để nhớ như vậy nữa.
- Ôi, dạ bẩm Hoàng hậu, tôi thốt lên.
Nhưng rồi bằng một cử chỉ dịu dàng và đầy uy quyền bà đưa tay chỉ vào một cánh cửa.
- Ta cũng không biết phía bên kia của những căn phòng này có gì nữa. Mỗi khi có dịp đến Paris trong những lần viếng thăm hiếm hoi ta chưa bao giờ mạo hiểm xa thế này.
Tôi thoáng nhìn qua khung cửa kính: vị trí cung điện đang ở bên trên sông Seine , và gió thổi mạnh làm rung chuyển những cành cây cao ở bãi cát dọc bờ sông, từng nhánh cây đen sì đong đưa quyện vào tia long lanh ánh bạc của vầng trăng đang lên.
- Chúng ta đang đứng trước cánh cửa thông từ lâu đài sang hành lang của điện Louvre đây cô ạ, Hoàng hậu giải thích.
* * *
Bỗng dưng một luồng điện lạnh làm tôi rùng mình: tôi có cảm tưởng như phía sau tấm cửa mỏng manh có đường viền mạ vàng và do nghệ nhân Coypel vẽ này là cả một trang sử huyền bí cổ đại của điện Louvre đang khuấy động đây. Tôi cũng không thuộc loại thông thái về sử học của nước Pháp - chỉ những kiến thức được học cùng lần với gia phả học của dòng họ,- nhưng tôi vẫn nhớ như in về những câu chuyện khủng khiếp và những truyền thuyết nghe đến rợn người. Nghe đồn rằng cung điện này thường có những bóng ma kỳ quặc xuất hiện quanh quẩn. Thế nhưng Hoàng hậu ra lệnh cho tôi mở ra, và tôi run rẩy vặn tay nắm cửa.
Một cơn gió lốc quất vào mặt tôi và suýt thổi tắt nến; tôi lấy tay che và đưa nến lên để làm tan bóng đêm chung quanh; tia sáng lập lòe làm chao đảo những hình bóng rất ghê sợ trong trí tôi; nhưng rồi Hoàng hậu nói to lên:
- Đáng lý họ phải để một người lính canh ngay ở đây để cho an toàn. Chỉ có Trời mới biết hành lang này sẽ đưa đến đâu.
Bà nói như thế vì bây giờ chúng tôi nhận ra rằng hành lang thật dài như dẫn tới nơi vô tận.
- Thôi ta hãy đi nào, phải xem mọi việc như thế nào đã, Marie- Antoinette nói.
Lúc đó tôi đánh liều trình bày với Vương hậu rằng điều tối thiểu cần làm là phải gọi những người lính canh để đi hộ vệ Lệnh Bà, nhưng bà ra dấu cho tôi đi theo bà, rồi bà bước đi trước.
Phần tòa nhà của điện Louvre ở đây được các kiến trúc sư thời vua Louis XIV cho xây thông qua với lâu đài Tuileries; những căn phòng này đã được khởi công sửa chữa, rồi lại bỏ phế, nên bây giờ là một mớ hỗn độn thật bừa bãi. Chúng tôi đi lạc vào nhiều hành lang quanh co với nhiều bậc thang và hàng trăm lối quẹo, đôi khi lại bị những bậc thang xoáy trôn ốc bất thình lình chắn ngang, và làm như thể chúng xoáy tuột xuống trung tâm của lòng đất, và rồi bỗng dưng ngừng ngay trước một hàng lỗ cửa, vết tích của những cánh cửa đã bị bít lại. Những vòm cửa trên đầu chúng tôi rất thấp, theo kiến trúc thời trung đại, cột chống là tượng nửa thân những con thú với vẻ mặt quái dị. Hoàng Hậu thì thầm bằng một giọng nhỏ tựa như hơi thở:
- Chúng ta đang đứng ở phần tòa nhà mà chưa ai đụng đến; đây là lâu đài cổ xưa của các vua Charles IX và Henri III. Những tảng đá này chắc hẳn đã là chứng nhân của bao nhiêu biến cố.
*Ngay lúc đó, chúng tôi nghe thấy một tiếng động nhỏ rất rõ cách đó không xa. Chúng tôi đang đứng ở chính giữa một nơi tựa hình ngôi sao, ở đó những hành lang đen tối gặp nhau. Phản xạ tự nhiên của một người hầu đối với vị quân chủ phải khắc phục sự yếu hèn của tôi làm tôi vươn lên phía trước Marie-Antoinette vừa giương cao chân nến. Thế rồi một hình thù quái dị hiện ra, làm như đang bước xuống những bậc cấp đẽo trong các bức tường bằng đá, bước từng bậc một: đó là một người đàn ông nhỏ thó ăn mặc theo kiểu trưởng giả của thời xưa, với quần nịt có túi, áo kiểu kỵ sĩ có đường xẻ, và áo khoác với phần dưới rất dài. Tôi chiếu ánh nến về phía ông ấy và thấy trên người ông là y phục màu đỏ ngòm.
Khi nghe tiếng hét hãi hùng mà tôi không thể nào ngăn cản được, sinh vật kinh khiếp ấy với diện mạo là một một ông lão nhưng dáng của đứa trẻ con, liền ngẩng đầu lên và bằng một cú nhảy thật mạnh leo lên các bậc thang mà ông chưa xuống hết; rồi ông bỗng bay lên như muốn đập đầu vào vòm cửa rồi biến mất.
Marie-Antoinette trân người, mặt mày xám ngắt; tôi bạo dạn cầm lấy bàn tay lạnh buốt của bà.
- Thôi ta về phòng thôi, bà nói; ở khu này không có sự hiện diện của con người có thể làm hại chúng ta. Chắc là Thượng đế muốn ta phải đến nơi này để cho ta một dấu hiệu cảnh báo về những hiểm nguy đang đe dọa vương triều đó thôi.
- Tâu Bệ Hạ, vậy ngài nghĩ là?..
- Rằng chúng ta vừa mới nhìn thấy gã áo đỏ, cái bóng ma luôn luẩn quẩn ở những khúc quanh của điện Louvre khi quốc vương nước Pháp bị nạn.Ta không biết khi đã là con chiên của Thiên Chúa thì chúng ta còn có thể tin vào điều mê tín này không ; nhưng làm thế nào nghi ngờ về chứng cớ mà ta đã chứng kiến tận mắt như thế này đây?
Chúng tôi trở về phòng; hoàng hậu tỏ vẻ thản nhiên, nhưng tôi thì lại kinh hãi. Toàn lâu đài đã yên ngủ. Tôi giúp Vương hậu thay áo, rũ bỏ những phần trang sức nặng nề trên người, rồi tôi nghe bà lẩm bẩm một mình:
- Ta lo âu về mọi mặt cho Hoàng đế. Về phần ta, ta chỉ là một người ngoài dòng tộc, chúng sẽ ám sát ta; rồi các con tội nghiệp của ta sẽ như thế nào đây?
Niềm đau của Vương hậu trong tòa lâu đài đầy thảm họa này đã vượt xa tất cả những bi kịch có thể dự kiến về bao điều kinh khủng nhất...
* * *
Tôi là người hầu cuối cùng của vương triều đã nhìn thấy, chứng kiến tận mắt sự xuất hiện của người áo đỏ kỳ bí của điện Louvre.
=======
Phụ chú Về Người Áo Đỏ Kỳ Bí (Theo parisvox.info)
Hồn ma ĐiệnTuileries
Jean l’Ecorcheur.
Truyền thuyết cho rằng một hồn ma đã ám điện Tuileries trong một thời gian dài: đó là hồn của Jean l’Ecorcheur; người này sống dưới thời Catherine de Médicis. Khi bà quyết định xây vườn ở điện Tuileries- vườn ngày nay vẫn mang tên bà, thì Jean l’Ecorcheur làm ở lò mổ thịt trong khuôn viên vườn. Vào lúc đó nơi này chỉ có một nơi trú ngụ nhỏ bé cho gia đình của vua, sau mới trở thành tòa lâu đài, đó là quà của Francois đệ I cho mẹ mình, một mỏ cát, những nhà kho để sản xuất gạch ngói từ bao đời, và một lò mổ nơi mà Jean làm nghề của mình với hai con trai phụ giúp ông.(Sách hướng dẫn Paris huyền bí, tr 713).
Nhưng họ đồn rằng Jean đã khám phá ra nhiều bí mật của Mẫu hậu. Đó là điều mà hung thủ- một người tên Neuville -đã cho nạn nhân biết trước khi thanh toán ông ta. Nhưng trước khi trút hơi thở sau cùng, Jean hứa là sẽ trở lại ...Và hắn ta đã giữ lời không lâu sau đó: Trong khi mà Neuville trở lại nơi hành hình để biết chắc là nhiệm vụ đã hoàn thành để báo cáo với nữ hoàng, ông ta bỗng có cảm giác như có người đến phía sau mình. Ông quay đầu lại và kinh hãi nhận ra rằng Jean đang đứng đó, mình mẩy nhuộm đầy máu. Neuville tuốt kiếm ra để chém bóng ma đẫm máu, nhưng thanh kiếm chỉ quơ vào không trung và hồn ma của Jean biến mất. Neuville liền trở lại nơi mình đã hạ sát hắn nhưng không còn thấy xác của Jean ở đó nữa, mà chỉ còn lại vũng máu. Khi ông trở về kể lại câu chuyện cho Catherine de Médicis thì bà chỉ phá lên cười.
Về một Đế Vương:
...Cũng theo truyền thuyết, vào năm 1815, một thời gian không lâu trước trận Waterloo (18/6), Hoàng đế Napoleon đang ngồi ở chiếc ghế bành trong văn phòng ở Điện Tuileries, bỗng cảm thấy như bồn chồn về điều gì, rồi nhìn thấy như một đám sương mù màu đỏ hiện ra trước mặt. Từ đám sương này hiện ra một người đàn ông rồi lại biến mất. Ông ấy đội một chiếc nón len màu đỏ. Vài ngày sau đó, đội ngự lâm bị sát hại rồi đến lượt Hoàng đế bị đày ra đảo Sainte-Hélène và mất ở đó.
Cái chết được báo trước của Louis XVIII
Vua Louis XVIII (1755-1824) nối ngôi Napoléon, sống ở điện Tuileries. Ông thổ lộ với bá tước Artois rằng ông cảm thấy đầu rất nặng vì trước đó đã nhìn thấy một đám mây rồi từ đó một người đàn ông mặc bộ áo màu máu bay ra rồi sau đó biến mất. Quốc vương băng hà vài ngày sau đó.
Đám cháy ở Công Xã Pari:
Nghe đồn rằng các chiến sĩ công xã Pari là những người sau cùng nhìn thấy hồn ma của Jean. Vào năm 1871 trong khi họ đang tìm cách chế ngự hỏa hoạn ở lâu đài Tuileries và đang nhìn đám cháy thì bỗng họ thấy ở cửa sổ phòng của các Viên đội một hình ma đỏ lòm hiện lên giữa ngọn lửa rồi tan biến mất. Sau sự kiện này, từ đó không ai nghe nói về Người Áo Đỏ Kỳ Bí ở điện Tuileries nữa.
François-de-Nion- tháinữlan dịch
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét