Thấm thoát đã cuối tháng 10. Tháng của lễ hội Halloween.
Tôi nhớ 27 năm về trước, tôi đến nước Mỹ cũng đúng thời điểm này. Tháng 9 khi còn ở trại tị nạn Bataan Phi Luật Tân chúng tôi đã hoàn tất các thủ tục chỉ chờ ngày lên đường. Chúng tôi ở vùng 6 là vùng trung tâm cho nên những chương trình văn nghệ đều được diễn ra ở đây. Vũ Thành An cũng ở trại trong thời gian này. Anh ta có lên sân khấu biểu diễn cùng với một ca sĩ (hình như là ca sĩ Đài Trang) Nơi phát loa thông báo về các chuyến bay hay tin tức phái đoàn cũng ở vùng 6. Còn những việc khám bệnh, làm kiếng hoặc đi nhà thương, chích ngừa là phải lên tận vùng 10.
Gia đình tôi đã không bị rớt lại vì khám sức khỏe hay bất cứ lý do nào cho nên dự trù sẽ đi Mỹ đúng ngày quy định. Chúng tôi chỉ chờ có chuyến bay là chuẩn bị lên đường. Có những gia đình bị rớt lại vì có người thử lao có vấn đề, phải ở lại uống thuốc 6 tháng sau mới được rời trại. Những gia đình có trục trặc về vấn đề di trú hoặc kỷ luật thì cũng không được lên list để đi. Những ngày chờ đợi nhận giấy tờ rời trại thật là nôn nóng và dài vô tận. Bởi vì để tiện việc ăn ở cho gia đình chị, em tôi đã mướn sẵn nhà từ giữa tháng 9. Ai ở trại tị nạn thì biết sự lo lắng của tôi. Một gia đình đông người, không tiền, không tài sản, tiếng Mỹ như cái lá me không biết tới Mỹ mình phải ra sao, sống cách nào để lo cho con cái, gia đình. Tôi lâu nay là cột cái chống đỡ cho cả nhà, tôi như ngồi trên đống lửa, còn ở bên Phi mà đã phải trả tiền nhà bên Mỹ với số nợ em trai ứng trước 950$. Đó là chưa kể nếu có chuyện trục trặc nào đó không đi được thì nợ này làm sao trả.
May quá chuyến bay không trở ngại, gia đình tôi đặt chân xuống phi trường Honolulu của tiểu bang xinh đẹp Hawaii. Cơ quan di trú đã làm mọi thủ tục nhập cảnh cho cả gia đình 7 người. Chúng tôi làm social security và thẻ xanh tại đây. Gia đình tôi là một hồ sơ và con gái lớn tôi một hồ sơ riêng vì cháu đã trên 20. Đó cũng là lý do tại sao qua tới Mỹ những gia đình đi theo dạng con lai, đứa con lai bị tách ra phải tự lập. Có nhiều người ác miệng nói họ qua cầu rút ván nhưng sự thật là do quy định theo luật di trú của Mỹ.
Trên chuyến bay này, không biết họ book vé kiểu nào mà gia đình tôi ngồi rải rác mỗi người mỗi ngã. Ông chồng tôi phải ngồi cạnh mẹ già để chăm sóc. Tôi ngồi cạnh hai thằng nhóc con, hai đứa con gái ngồi hai nơi cách xa lắc xa lơ. Cháu Thu Em ngồi gần cuối nên bị say sóng, ói mửa lênh láng, người rủ xuống, mặt xanh như tàu lá. Thỉnh thoảng tôi phải bỏ con nhỏ đi xuống săn sóc con lớn, mà tôi lại cũng là chúa say sóng mới chết. Thật là một chuyến bay hãi hùng khi qua Mỹ.
Gia đình em tôi đón chúng tôi tại sân bay LAX và đưa về Riverside lúc trời đã tối. Hành lý nghèo nàn trong hai cái thùng nhôm. Đoàn người phờ phạc xơ xác đúng nghĩa dân tị nạn. Chúng tôi nhìn thành phố, cầu xa lộ nước Mỹ rực rỡ sáng choang, lấp lánh ánh đèn đêm. Vào nhà ngơ ngác như mán về thành phố. Lạ lẫm từ ngạc nhiên này đến ngạc nhiên khác. Một đêm thần tiên được ngủ trên nệm êm ái, cả thân thể được được buông thả sau chuyến bay dài mệt mỏi khôn cùng. Giấc ngủ đầu tiên ở nước Mỹ quả như lên thiên đàng.
Gia đình tôi có 7 người đủ mọi lứa tuổi. Một mẹ già trên 60, hai vợ chồng trên 40, đứa con gái lớn trên 20, con gái nhỏ 16 tuổi, hai nhóc tì 6 tuổi và 4 tuổi. Buổi sáng đầu tiên mở mắt để thấy rõ căn nhà của mình tại nước Mỹ là ngày 01/10/1991. Tháng 10 năm đó trời đã vào thu nên khí trời lành lạnh. Tôi dậy sớm đi một vòng trong nhà, đến từng phòng rồi ra sân sau mà tưởng mình nằm mơ. Mùi thơm từ những ổ cắm điện tỏa ra dịu cả căn nhà. Loay hoay nhìn trước nhìn sau, chưa quen với những tiện nghi văn minh mới, tôi không biết sáng nay mình cho cả nhà ăn gì? Có cái gì để nấu và nấu thế nào đây? May quá em tôi đến thật sớm, gõ cửa và mang đến hai cái Pizza Hut loại lớn còn nóng hổi. Các con tôi ăn ngon lành, còn mẹ chồng tôi cầm lên rồi bỏ xuống. Bà không quen mùi cheese. Bà thèm một chén cơm nóng với cá kho tiêu.
Vâng! Ngày đầu đến Mỹ là như vậy. Chúng tôi phải làm lại từ đầu với hai bàn tay trắng. Cũng may em trai tôi đã sẵn sàng tạm ứng những chi phí cho chị . Giúp chúng tôi hoàn tất thủ tục giấy tờ. Chở chị đi chợ mua nồi nấu cơm, mua gạo, mua thức ăn và mua một cái tủ lạnh. Lúc đó một cái nồi cơm điện trị giá một chỉ vàng VN. Tôi đứng tính nhẩm và sợ quá không biết mình phải sống như thế nào, tiền đâu mà chi tiêu. Tâm trạng rất là hoảng hốt. Cái tủ lạnh em mua dùm tôi là loại tủ lạnh đóng đá, cứ lâu lâu là nó đóng từng lớp đá trắng kín bên trong. Tôi phải tắt điện, nấu một nồi nước sôi bỏ vào trong để đá tan ra. Mệt cầm canh với cái tủ lạnh. Mấy năm sau dành dụm mua được cái tủ lạnh mới. Mừng rơn. Không biết em tôi đặt mua báo từ lúc nào, mỗi sáng trước nhà đều có một bịch nilon báo được quăng vào sân. Trời ơi, chữ nghĩa nhảy múa trước mắt, nó với tôi như người xa lạ. Đọc một tin tra tự điển mờ con mắt. Các mẫu quảng cáo, chợ búa, tiệm ...vừa không hiểu hết, vừa chưa có xe làm sao mà đi mua. Sau cùng đành dẹp sĩ diện năn nỉ em tôi đừng mua nữa chờ chị học ESL kha khá rồi mới tính.
Một chiều gần cuối tháng 10, em tôi đem đến cho tôi một bịch kẹo to đùng. Em nói sắp đến lễ Ma. Con nít sẽ đến nhà xin kẹo. Chị phải mở cửa và phát cho chúng. Đừng sợ. Phát hết kẹo thì đóng cửa, tắt đèn, ai gõ cửa cũng không mở nữa.
Chiều ngày 31, chúng tôi đang ngồi ăn cơm tối, có tiếng bấm chuông. Tôi ra mở cửa và tôi giật nảy mình khi thấy một con ma mặc áo trắng toát, vẽ mặt kỳ dị ló đầu vào nhà và nói Trick or Treat. Ngoài đường, người lớn con nít đi lũ lượt, hóa trang đủ kiểu, rộn rã nói cười. Mẹ chồng tôi la oái oái "Phong tục chi mà lạ như ri, đem ma quỷ ra chơi, vào cả nhà người ta quậy phá. Ui chao! quá dị " Bà vào phòng đóng cửa lại và dặn đừng có ra đường, đụng chạm với âm binh với người khuất mày, khuất mặt không được mô.
Đó là lần đầu tiên tôi biết đến Halloween. Lần đầu tiên tôi đối diện với một phong tục lạ kỳ nơi xứ người. Dám đùa với ma quỷ, dám chọc đến những gì thiêng liêng và bí hiểm nhất. Đại kỵ của người Việt Nam là chạm đến thế giới siêu hình. Thần thánh, ma quỷ là những gì mà người yếu bóng vía đại kỵ.
Ngày còn đi dạy, ba tôi đã cho tôi riêng một căn nhà. Căn nhà đó được xây trên một nghĩa địa bỏ hoang từ lâu lắm. Sau hông nhà tôi là một mộ bia kiên cố, tên trên bia mộ đã mòn không thấy tên người chết. Bên kia bức tường ngay phòng khách cũng là một bia mộ thật to. Người chết phải là một người giàu có hay thân thế không nhỏ. Tên và ngày tháng chết cũng đọc không ra. Tôi sống với những mồ mả bao quanh và dưới đất. Bởi vì khi chiến tranh bắt đầu khốc liệt. Ba tôi đã cho đào hầm để tôi trú ẩn mỗi khi quận lỵ bị Việt Cộng pháo kích. Khi đào ở dưới là hai bộ xương khô. Ba tôi đã cho lấy lên, bỏ vào hũ đem lên chùa nhờ thầy tụng kinh và hỏa táng.
Có ma hay không khi sống trong căn nhà đó. Xin thưa là có nhưng tôi chưa thấy bao giờ. Tôi vẫn ăn no, ngủ kỹ và sống yên bình. Ba má tôi nói tôi nặng bóng vía nên không bị ma nhát. Nhưng anh tôi, hay những người lạ đến ở lại ngủ đêm thì rất sợ. Chính anh ruột tôi đã bị ma kéo giò lôi xuống giường và đánh thê thảm. Anh rất sợ không bao giờ đến thăm và ngủ lại. Chiều là anh ra khỏi nhà tôi.
Hồi còn nhỏ kỳ thi sắp tới, học trò hay chơi cầu cơ hay xây chò để muốn biết kết quả thế nào. Nhà tôi là nơi lý tưởng để làm điều này. Tuy nhiên khi tay các bạn tôi làm miếng cơ chạy vù vù, thì đến phiên tôi cơ đứng im không nhúc nhích. Xây chò cũng vậy. Khi các chân chò nhảy lụp cụp theo câu trả lời thì tới phiên tôi, chân chò đứng im một chỗ. Thật lòng tôi cũng không biết tại sao, tôi tin có ma nhưng tôi không sợ ma vì tôi nghĩ mình không làm điều gì quấy thì ma cũng không hại mình.
Qua tới Mỹ, ngày lễ Halloween ma đầy đường, ma đầy phố, ma khắp nơi. Những con ma giả tạo dễ thương và yêu đời. Chúng làm cho cuộc sống thêm màu sắc và thú vị. Đi thăm những căn nhà ma thật đáng sợ nhưng sợ là vì mình bị giật mình bởi những hình ảnh lạ mắt và bất ngờ khi bị hù. Chứ để giữa ban ngày, ngoài ánh sáng thì có nhằm nhò gì ba cái hình ảnh bằng giấy có gắn điện chớp tắt đó.
Có nhiều năm tôi cũng trang hoàng nhà đáng sợ lắm. Tôi làm một con ma ngồi trước hông nhà, trên chiếc ghế đặt hơi khuất bên cửa ra vào. Tôi lấy cái mặt nạ thật dễ sợ làm đầu. Tôi lấy cái gối ôm mặc bộ đồ lính của ông xã làm thân hình, mang đôi giày đen và tạo một khung cảnh mờ mờ ảo ảo. Con ma, phải nói là con quỷ đúng hơn ngồi chình ình trước cửa nhà khiến nhiều đứa bé sợ quá khóc òa không dám vào xin kẹo. Mỗi lần như vậy mấy đứa con tôi thích lắm. Chúng cười nói tôi làm hình nộm còn dễ sợ hơn mấy nhà hàng xóm.
Mùa Halloween lại trở về. Nhà tôi vắng vẻ. Các con đi làm. Các cháu đã lớn không đi xin kẹo, chỉ ở nhà cho kẹo và làm homework. Thời gian qua nhanh, ngày nào các cháu tung tăng, hí hửng trong những bộ đồ hóa trang thì nay sự hứng thú không còn. Các cháu lo học và điềm nhiên hơn với những trò chơi ma quỷ. Chỉ có các cháu nhỏ nhất của tôi Facetime về cho bà nội xem hình ảnh chúng đi xin kẹo từ xa. Đứa làm ngựa, đứa làm superman, đứa làm công chúa... những y phục hóa trang khiến chúng dễ thương biết bao nhiêu.
Viết tới đây tôi bỗng mỉm cười khi nghĩ đến niềm vui Halloween của những người trạc tuổi tôi. Bây giờ ngày lễ Ma không còn dành cho trẻ em, mà người lớn tuổi cũng lấy lễ ma làm ngày vui họp mặt. Các cháu vẽ mặt, thay đồ, đi xin kẹo rồi về nhà. Kẹo đó được ba mẹ kiểm soát và tịch thu gần hết. Chỉ cho một ít những loại cháu thích, còn thì giữ lại cất đi. Vì ăn kẹo nhiều không tốt cho sức khỏe và răng. Riêng một số các vị lớn tuổi, ngày Halloween là một ngày thật vui và tận hưởng. Các cụ hóa trang đủ mọi kiểu: Công chúa, hoàng tử, ác ma, mèo xinh đẹp, thỏ dễ thương...Các cụ ca hát, tiệc tùng, chụp hình, nhảy đầm vui hết biết. Tuổi già xứ Mỹ thật sung sướng và hạnh phúc biết bao.
Trong ngày lễ Ma quỷ, chúng ta, những người Việt lưu vong còn rưng rưng đón nhận nguồn tin đầy xúc động. Miền Nam Cali chúng ta vinh dự được chọn là nơi an nghỉ của 81 hài cốt tử sĩ VNCH. Họ là những người lính thuộc Đại Đội 72, Tiểu Đoàn 7 Nhảy Dù của quân lực VNCH. Tháng 11 năm nay 81 hồn Ma mất nước, không nhà sống vật vờ ở một nơi xa lạ được rước về miền Nam Cali. Nơi người Việt lưu vong chọn làm thủ phủ. 81 người lính dù oai hùng thân xác rã tan, chỉ còn lại những mảnh xương nát vụn. Họ không có được một cái hòm riêng hay một hũ sành đựng tro cốt. 81 thân thể con người chỉ gom lại một cái hòm chung. Họ đã sống chiến đấu bên nhau. Họ đã chết cùng nhau theo một tiếng nổ lớn. Và cuối cùng họ nằm chung với nhau 6 mảnh ván hòm.
Ngày 11 tháng 12 năm 1965 trên chiếc vận tải cơ C123 của Hoa Kỳ do thiếu tá Robert M Horsky lái. Phi hành đoàn gồm 4 quân nhân Hoa Kỳ và 81 lính dù thuộc Đại Đội 72 Tiểu Đoàn 7 từ Pleiku về Tuy Hòa bị mất liên lạc. Ba ngày tìm kiếm nhưng không kết quả vì sương mù dày đặc nên tạm ngưng. Bảy ngày sau phi cơ trinh sát đã phát hiện ra nơi phi cơ bị rớt. Nhưng suốt 6 tháng sau đó không ai đặt chân vào được vì vùng này do Việt Cộng kiểm soát.
Mãi 8 năm rưỡi sau, toán tìm kiếm mới đến được và thu gom hài cốt và hiện vật gồm 17 bao tải được Hoa kỳ đem qua Thái Lan để xác nhận và phân tích. Hài cốt 4 người Hoa Kỳ được đưa về an táng tại nghĩa trang Quốc Gia Arlington Hoa Kỳ.
Riêng 81 hài cốt của các anh hùng Nhảy Dù VNCH thì được giữ lại trong phòng thí nghiệm POW/MIA ở Hawaii trong suốt 54 năm qua. Chính quyền Hà Nội không nhận họ. Chính thể VNCH đã không còn. Họ biến thành những tử thi vô tổ quốc. Nước mắt nào để khóc cho những sự oan ức và lạnh lẽo của những hương linh này. Người ta dường như không biết, không hay cho một sự nằm xuống hy sinh đầy bi ai của người lính bị mất quê hương.
Cám ơn ông Jim Webb (cựu bộ trưởng Hải Quân dưới thời TT Ronald Reagan, cựu Thượng Nghị Sĩ Hoa Kỳ ) đã tận tình giúp đỡ về ngoại giao và luật pháp để đem 81 hài cốt chiến sĩ dù VNCH về với đồng hương VN trên nước Mỹ. Chôn cất trong nghĩa trang Peek Funeral Home
Lễ truy điệu và an táng được tổ chức thật trọng thể, trang nghiêm và đầy xúc động.
Nếu các bạn muốn xem chi tiết. Xin vào trang Youtube.
https://www.youtube.com/watch?
Tôi lại nghẹn ngào với nguồn tin về cái chết của 39 Thùng Nhân Việt Nam tại Anh Quốc. Họ bây giờ cũng là những con ma thùng lạnh lẽo và đầy bi thống. Những con ma này nếu linh thiêng thì hãy về tìm đến những ai đã làm cho họ phải bỏ thây nơi xứ người mà đòi mạng.
Đây là một thảm kịch mà người Anh và cả thế giới đặc biệt chú ý. Nhưng khi vào các trang mạng xã hội VN, các YouTube do chính người VN làm thì mới biết đây là một đường dây tinh vi có từ lâu lắm. Một số người trong cuộc đã đến Anh, kể những gì họ trải qua thật kinh hoàng và thương tâm.
Các bạn vào YouTube đánh vào chữ "Vượt Biên Sang Anh Quốc" sẽ có hàng loạt video tường thuật từng chi tiết rất kinh hoàng.
Người vượt biên giới tìm đến nước Anh đa phần là ở các tỉnh phía Bắc. Khi quyết định chọn con đường này họ chi ra số tiền không phải nhỏ Giá có thể từ 15.000 dollars đến trên 20.000 dollars. Đó là một gia tài khá lớn mà người nghèo không thể nào với tới. Tiền được trả cho bọn buôn người nhiều đợt theo thỏa thuận với gia đình nạn nhân. Đã bỏ ra một số tiền kếch xù như vậy họ lại phải đánh cược mạng sống của mình. Phải chịu nhục nhằn dưới sự ra tay của những người có nhiệm vụ tải hàng là họ. Họ phải đi nhiều ngày, nhiều tháng, lén lút vượt biên giới nhiều nước. Sự đói khát, lạnh lẽo và nguy hiểm luôn rình rập hàng ngày.
Pháp là nước trung chuyển để vượt biên giới qua Anh. Các container đông lạnh là nơi trú ẩn an toàn vì có thể qua được máy rà khi vượt qua biên giới hơn các xe tải khác. Rất tiếc theo tin tức thì chuyến đi của 39 người bị mạng vong vì container này đã dừng quá lâu ở trạm kiểm soát, vượt quá thời gian tính toán. Họ chết vì lạnh, vì thiếu dưỡng khí để thở.
Người chết đã chết, linh hồn họ đang lạnh lẽo và vô cùng bi thống. Mong ước đến nước Anh để làm thật nhiều tiền gửi về cho cha mẹ trả nợ, cất nhà thật to để đổi đời đã tan thành mây khói.
Việt Nam ta chưa có lúc nào mà con người bỏ nước ra đi như sau 1975. Thuyền nhân liều chết ra đi để tìm tự do vì mình thua trận. Vì bị đàn áp đe dọa, tước đoạt tài sản. Thế thì sau 44 năm những Thùng Nhân này tại sao lại phải ra đi bất chấp sinh mạng?
Có những gia đình có con đi lọt, gửi tiền về cất nhà lầu, tiền bạc thong thả. Dường như hư danh và muốn làm nổi bật sự giàu có đã khiến họ bất chấp tất cả. Với một đất nước mà luật lệ tùy thuộc trong tay người có quyền có thế lực và có tiền thì bi ai của người dân, những uẩn khúc không thể nói cho hết. Đó cũng là một lý do của sự liều lĩnh ra đi. Ra đi đem tiền dâng cho bọn buôn người và đánh cược sinh mạng mình với số mệnh. Chính quyền có biết không mà sự việc diễn tiến liên tục bao nhiêu năm qua. Một câu hỏi đặt ra trên khắp diễn đàn nhưng ai là người dám trả lời đây.
Cùng là người VN, chúng ta không thể nén nước mắt trước hung tin này. Một hung tin được phơi bày cho cả thế giới thấy rõ một sự thật. Nước mắt đồng loại đổ xuống cho những người VN bất hạnh. Như ngày nào thế giới đã phải dang tay cứu vớt những người tị nạn CS. Chính phủ và người dân nước Anh tỏ ra rất đau buồn và họ đã đốt nến và cầu nguyện cho 39 con người xấu số.
Ngày lễ Halloween, khi những con ma giả lũ lượt đi xin kẹo, cười giỡn trên đường. Tôi đốt nhang trên bàn thờ Phật, bàn thờ gia tiên rưng rưng nước mắt nguyện cầu.
Cầu nguyện cho hương linh chồng tôi được về nơi an bình nhất.
Cầu nguyện cho hương hồn 81 chiến sĩ nhảy dù được siêu thoát về với Phật, với Chúa Trời. Xin các anh an lòng yên nghỉ. Các anh đã làm xong sứ mệnh, các anh đã trở về với anh em đồng đội, đồng hương. Xin các anh quên đi quá khứ và những ai oán. Hãy thanh thản ra đi và yên bình nơi cõi vô thường. Chúng tôi tri ân các anh, những vị anh hùng đã làm xong nhiệm vụ.
Cầu nguyện cho linh hồn 39 người trên chiếc xe tải oan nghiệt được về với gia đình và được mồ yên mả đẹp. Con đường đi không đến đích. Nhưng các vị đã gióng lên một hồi chuông cho cả thế giới biết âm mưu của bọn buôn người. Xin các vị hãy giúp đỡ để truy tầm thủ phạm thực sự. Xóa tan bức màn đen bóc lột người dân của những con người sống trên mồ hôi, nước mắt và sinh mạng của người khác. Xin hãy trở về VN nhận hương khói gia đình và an lòng quá vãng.
Một mùa lễ Ma nhiều bi ai không vui một chút nào, chỉ toàn là nước mắt.
Cách đây hai năm khi con trai tôi còn công tác ở San Antonio Texas. Tôi đến thăm con và được cùng cháu tham dự một ngày lễ của người Mễ tại đây. Tôi rất ngạc nhiên khi bước vào khu vực. Những gia đình người Mễ họ đem hình ảnh gia tộc, những đồ dùng cá nhân người chết, những tâm tình nhắn gửi của gia đình viết về người chết bày cả ra rất trang trọng. Suốt một khu vực, suốt một chặng đường lớn đi tới đâu cũng gặp ma. Họ hóa trang thành những con ma ghê sợ và nhảy múa, ca hát vang lừng. Phim COCO mà tôi đã được xem có nói về phong tục này. Ngày này người sống và người chết bắt nhịp cầu để liên lạc, tưởng nhớ về nhau. Ngày này cũng có thể người chết sẽ về thăm trước khi đi siêu thoát.
Năm
nay 2021 có lẽ ma nhiều hơn những năm trước nếu chúng ta tin có vong
hồn. Dịch Covid 19 giết hại không biết bao nhiêu nhân mạng trên khắp thế
giới. Người chết tức tưởi , cô đơn, vong hồn không siêu thoát sẽ là
những hồn ma bóng quế lạc loài vất vưởng. Những con ma đó ở xung quanh
ta trong thế giới bao la của vũ trụ. Thế giới cõi âm của những điều bí
ẩn không thể giải thích.
Ta đang sống và rồi ta sẽ chết. Ta đang là người rồi ta cũng sẽ là ma. Hai thế giới chỉ cách nhau một sát na hay một vói tay trong không gian này. Tuổi chúng tôi không còn trẻ, cánh cửa tử sinh đến bất cứ lúc nào. Sợ và băn khoăn cũng không tránh được. Không ai có thể chọn giờ mình sinh ra và giờ chết. Hãy coi như định số an bài và vui mỗi thời khắc còn lại trước mắt.
Năm nay tôi sẽ không đi tham dự lễ hội Halloween. Vì dù đã chích ba đợt vaccine tôi vẫn không an tâm khi ngoài kia rất nhiều người không muốn chích ngừa. Kẹo đã sẵn sàng nhưng có lẽ năm nay trẻ con cũng giảm bớt hóa trang đi xin kẹo.
Lễ ma dành cho những người không sợ ma và thích ma.
Còn bạn, bạn như thế nào? Có sợ ma không và có hóa trang thành một con ma già dễ thương dẫn cháu đi xin kẹo không?
Chúc ngày lễ Halloween vui nhộn.
Nguyễn Thị Thêm
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét