Thứ Tư, 8 tháng 9, 2021

Bóng Mát Trường Xưa


Cuối tháng bảy, tin tức bên Việt Nam bị dịch Covid_19 lây lan nặng nề, trí óc bị chi phối, những việc làm theo dự tính của group trường học vẫn phải bước tới. Trước khi về Sacramento tôi nhờ ông xã chuyển tiền của chị em trong gia đình đóng góp, gởi về Huế cũng như Sài Gòn nhờ người nhà bên đó giúp đỡ những kẻ nghèo khổ hoặc người bán hàng rong, bán vé số bị bế tắt, trong lòng mới thấy nhẹ nhàng bớt ray rức là mình không vô cảm.
Ngày xưa ngôi trường Nữ Trung Học Thành Nội nằm trong thành, học sinh ở ngoài thành học Đồng Khánh, ai ở trong thành học trường Thành Nội. Cô Tôn nữ Tiểu Bích làm Hiệu Trưởng thời đó đã bỏ công rất nhiều từ thuở khai sơ, khi trường Đồng Khánh quá đông không cung ứng đủ lớp học, ty giáo dục cho xây thêm ngôi trường nữ trong thành chỉ có đệ nhất cấp, lên đệ tam lại trở qua trường Đồng Khánh học tiếp, sau thời gian Cô Tiểu Bích vận động xin xây thêm lên đệ nhị cấp hoàn thành. Ngôi trường thọ được 10 năm cho đến tháng tư năm 75 thì thay tên và đổi hiệu trưởng.

Thời đó Cô xã giao bên ngoài rất lanh lẹ. Còn nhớ mỗi cuối kỳ nghỉ hè Cô xin được xe nhà binh đến chở học sinh đi biển Cảnh Dương, biển Thuận An, có lần tàu hải quân đón tại bờ sông Hương chở thầy trò đi thăm Điện Hòn Chén thật ngoạn mục. Cô luôn có những thông báo yêu cầu học sinh thêu khăn để nhà trường gởi ra tiền tuyến làm quà cho các anh chiến sĩ, hoặc dẫn học sinh vào thăm các anh bị thương nằm Quân Y Viện trong Mang Cá, năm vừa qua Cô Tiểu Bích cùng cô Thanh Tâm (Hiệu Trưởng trường Đồng Khánh), phối hợp quyên góp cựu học sinh tiền gởi các anh Thương Phế Binh ở quê nhà, do các cựu học sinh bên đó chia nhau đến tận địa chỉ theo danh sách. Cô sống rất tình cảm, mùa đông thường đan len phát cho các học sinh nghèo, chính vì vậy mà chị Xuân Ba tuy chỉ học một năm và sau đổi vào Nha Trang, nhưng mối ân tình nhận chiếc áo len ngày ấy vẫn nằm trong trái tim của chị. Qua Mỹ chị vẫn trăn trở thương yêu Cô nên bỏ công tìm kiếm những đứa con trường Thành Nội lưu lạc trên xứ người liên kết và tổ chức những buổi họp mặt tình nghĩa.

Cô Tiểu Bích và một số học sinh lọt ra nước ngoài ở rải rác. Năm nay Cô đã 84 tuổi làm bạn đời với một bác sĩ người Mỹ tên Fred, hiện ở tại thủ phủ Sacramento thuộc Bắc Cali. Tháng này là Sinh Nhật 89 của Thầy Fred.

Nói về tình nghĩa Thầy trò thật là tinh khiết chứa đựng tình thương, lòng biết ơn quý mến sâu đậm “nhất tự vi sư, bán tự vi sư”. Chờ đợi qua mùa dịch dự định một nhóm tổ chức về thăm Cô hiệu trưởng nay cũng lớn tuổi, ngày tháng qua mau nào ai biết hôm mai, nên muốn tạo cho cô niềm vui được lúc nào hay lúc đó.

Bóng Mát Trường Xưa

Mấy chục năm qua vẫn nhớ trường
Bao thời áo trắng nhẹ nhàng thương
Bài thơ nón lá trò Thành Nội
Ấp ủ bên lòng dẫu khói sương

Bóng mát lần theo dẫn lối về
Thăm bà hiệu trưởng một thời mê
Khi màu nắng Hạ bừng tươi sáng
Ríu rít đàn chim hẹn ước thề

Viễn xứ muôn phương chẳng ngại ngần
Về cô Tiểu Bích khỏi phân vân
Thời gian tựa bóng câu ngoài cửa
Chợt thấy hoàng hôn phủ xuống dần

Rạng rỡ đàn con những nụ cười
Quây quần cạnh mạ nét vui tươi
Ăn chơi thỏa thích mừng sum họp
Trở lại sân trường tuổi …mấy mươi
(Minh ThúyThành Nội)

SÁNG THỨ SÁU ngày 23/7 tôi cùng Thanh Xuân, Phương Chi và cô giáo Đạm Tuyết thuê xe Uber về nhà Cô Hiệu Trưởng, đặc biệt, Phương Chi từ San Diego tình cờ lên thăm con trên SF, ghé nhà tôi chơi, nghe về chuyến họp mặt liền đổi vé máy bay ở lại thêm hai ngày để đi chung. Từng đợt đến kế tiếp, chị Xuân Ba đến từ New York, chị Mễ Khuê từ Colorado, Hoàng Yến từ Texas, vợ chồng anh Tân, Dạ Điểm cũng như vài bạn đến từ Santa Ana. Tại Sacramento có 4 cặp vợ chồng khởi xướng nhiệt tình lo phần ăn uống trong mấy ngày. Vậy là học trò xông pha đại náo nhà Cô hiệu trưởng. Người ta thường nói “chật bụng chứ không chật nhà”. Cô và Phu Quân hân hoan đón chào tất cả. Chúng tôi chiếm giữ phòng ốc cho đến phòng khách, từ dưới thảm lên ghế sofa.

Chiều thứ sáu tập trung tay bắt mặt mừng. Thức ăn tràn ngập do bốn đầu bếp Kim Xuân, Huỳnh Thơ, Dạ Minh, Phạm Vinh tự tay nấu nào là miếng gà, nem chả, bánh lọc trần, bánh gói, bún bò chạo tôm, xôi trắng, xôi đậu đỏ, gà bóp rau răm, chè bột lọc, đậu xanh, và nhiều món lạ, chưa kể Dạ Điểm và rể Tân từ Santa Ana vác cả gia tài gồm bịch Vả to, hũ tôm chua bự lớn, giỏ trái cây, và nhổ cả vườn rau đem đến, Chị Thí anh Phước đặt áo đồng phục màu cam tặng và mấy chục đòn bánh tét, ngoài ra các chị em khác còn mang những món ăn vặt linh tinh, cô Đạm Tuyết mang mấy bịch kẹo chocolate lớn, lem thèm dân bị tiểu đường chơi.

Kể thêm hai cặp Dạ Điểm & Tân, Phước & Thí luôn làm người hùng nhiệt tình mọi việc từ tài chánh, vật chất cũng như công lao để chị em có những cuộc họp thật đầy đủ. Lần này Thao Thao bỏ công hướng dẫn cuộc vui với nhiều địa danh tuyệt vời.

Đêm nhộn nhịp ăn hưởng, nói chuyện râm ran, nói say sưa, nhắc nhở kỷ niệm thời đi học, nhắc tên Thầy Cô ngày ấy. Cô Tiểu Bích ngồi nhìn đàn con cười sung sướng và giỡn hết ga, rể Tân có một bụng chuyện tếu xổ ra làm chị em cười thắt ruột. Còn nhớ những lần họp mặt trước, chị Xuân Ba kể chuyện tiếu lâm, cô Đạm Tuyết nhăn mặt

- đừng nói rứa
Nhưng chị Xuân Ba không nghe và vẫn thao thao bất tuyệt, cô không biết gọi ai quay qua tôi
- Thuý...Thuý ...mấy người ni ...mấy người ni… chi… lạ…
Tức thì rể khác quay nhìn cô cười
- “Đừng nói rứa” thì mần răng cô cho ra những “nhi đồng cứu quốc” đó tề
Cô biết không trả lời được với lũ “nhất quỷ nhì ma thứ ba học trò” nên đành im lặng trong khi lũ này cười ngắc nghẻo. Có người còn nói
- “đừng nói rứa” chứ sau này sẽ có một ngày cô nói “kể nữa đi” cho mà xem
Giờ đây rể Tân kể đều đều cô Đạm Tuyết im lặng nghe và cười “hiểu rồi...hiểu rồi’ cô Tiểu Bích khoái trá nhái lại
- “đừng nói rứa” hay là “nói nữa đi”… ha...ha...”đi với bụt mặc áo cà sa, đi với ma mặc áo giấy”
Vì đề tài tạo những trận cười dòn dã nên rể Tân càng hăng hái, cống hiến thêm nhiều chuyện vui nữa.


SÁNG THỨ BẢY, Cô trò ra William B Pond Recreation Area trong William B Pond Regional Park, bên bờ sông American River, người khiêng kẻ vác thức ăn, các ông rể ra trước dựng lều che nắng. Vui hơn nữa có anh Luận & chị Dạ Minh, chị Yến, chị Hồng Soan và chị Minh Thu đến.

Chị em trường Nữ Thành Nội lại điệu đà trong tà áo dài tha thướt chụp chung, chụp riêng, làm mấy ông rể Tân, Phước, Hào, Huy và đặc biệt là rể Lâm chạy ê càng chiều lòng quý nữ. Chưa xong, ...màn hai thay đổi xiêm y đồng phục quần trắng áo cam đứng ngồi nghiêng ngả, trong khi trời nóng trên 100 độ, mấy ông rể mồ hôi nhễ nhại thật dễ thương vẫn vui vẻ bị mấy bà la gọi ơi ới, khi hình chất như núi mới thỏa mãn bày biện thức ăn trưa. Chị Yến (khóa đàn chị) đem món bánh ướt chả lụa chay do tự tay chị làm thật ngon miệng. Thỏa mãn bao tử xong, cô trò xuống suối lội nước trong veo thấy từng viên sỏi, giòng nước mát rượi giữa trưa nắng hè, mọi người ngâm chân hưởng làn gió mát dễ chịu,rồi khoái quá ngâm mình ướt từ cổ đến chân.

Trở về nhà chị em mệt lả, nằm nghỉ dưỡng sức cho tỉnh táo, chờ khoẻ chơi tiếp. Bốn chị em đầu bếp lại tiếp tục sửa soạn thức ăn khác cho buổi tối để mừng sinh nhật thầy Fred, đặc biệt chị Dạ Minh đặt món Tira Misu tại tiệm bánh Ettore’s nổi tiếng tặng cô thầy rất ngon, kế tiếp Huỳnh Thơ làm chè Khúc Bạch, tôi thấy món lạ quá nên muốn học hỏi, bạn cho biết loại chè này gồm có: Gelatine, Sữa Tươi, Sữa Đặc, trái cây (Xoài, Nhãn, Vải, Chôm Chôm, Strawberry… v..v...) Đêm văn nghệ bỏ túi thân mật, có hai giọng ca hay nhất là rể Phước và Kim Xuân được yêu cầu hát hoài, tới khuya cuộc vui dừng lại để ngày mai chuẩn bị lên đường đi chơi nơi khác.


SÁNG CHỦ NHẬT mờ sương mọi người thức dậy chào nhau, tiếng nói râm ran, mùi cà phê thơm phức, chị Thí luôn là người nội trợ giỏi, đảm đang lo hâm nồi bún bò, cắt bánh tét phục vụ mọi người ăn sáng no nê. Đúng 9 giờ cả đoàn tập trung tại nhà cô Tiểu Bích. Xe chạy khoảng hơn 2 tiếng đến Hotel Tahoe Hacienda Inn thuộc South Lake Tahoe Meadows, ăn trưa xong chờ lấy chìa khoá phòng đẩy hành lý vào. Chúng tôi đi bộ ra biển, trên đường nhìn toàn những cây thông cao bao bọc dẫn đến bãi, khách đạp xe nhàn lãm, người đông trên biển, chị em lội nước vui chơi mấy tiếng đồng hồ rồi trở về thay đổi xiêm y chuẩn bị đi ăn tối. Một… hiền phụ chạy qua phòng tôi thở dài

- Mình đem hai bộ áo dài, ba bộ đầm nhưng quên mang giày dép
Tôi trố mắt
- rứa thì khi leo lên xe mi đi chân đất à? mi ở Stockton chứ mô có xa
- mình…mình…quên

Lại được trận cười nữa, chị em đem dư giày đưa thử, sau cũng có đôi mang vừa, 10 phút sau bạn tôi trong chiếc dress thật sang trọng, càng đẹp thêm nhờ bạn có dáng cao ráo, thon thả quý phái, cộng thêm lối nói chuyện nhẹ nhàng ngọt ngào với nụ cười luôn nở trên môi thoải mái. Ơi chao! đến cái tuổi …quên…quên đủ thứ xảy ra trong nhóm liên tục mấy ngày qua.

Thao Thao tìm ra quán Thai On Ski Run, trời đêm gió mát ngồi ngoài sân say sưa nói chuyện trong lúc chờ đợi, không ngờ quán đông khách quá, chúng tôi bắt đầu thấy đói bụng nhưng phải đợi hơn một tiếng đồng hồ thức ăn mới đem ra từ từ. Ngồi ăn cùng nhau không phải là điều dễ nên chúng tôi cảm thấy hạnh phúc lâng lâng biết quý những giây phút hiện tại.

Biển Và Em

Biển vắng dường như cảm thấy buồn
Chân mềm sóng dạt cát rời buông
Đây màu nắng hạ phơi trời đất
Gợi nhớ quê hương trở lại nguồn

Biển vắng xanh xao nhạt nụ cười
Hong mềm mái tóc tạo đời tươi
Ơ hờ bước nhẹ đều hơi thở
Ký ức giàn say thủa tiễn người

Biển vắng mình em bóng đổ dài
Đìu hiu kỷ niệm xõa trên vai
Tàng cây đứng đợi mùa năm ấy
Xác Phượng hồng rơi điểm gót hài

Biển vắng thì thầm muốn gọi tên
Ai còn hóng nguyệt tựa bên thềm
Đàn vang gởi gấm lời tha thiết
Gởi gió mây ngàn, gởi bóng đêm

Biển vắng dòng xưa chảy xiết rồi
Bây chừ sóng cuộn nỗi đơn côi
Nâng niu hạt nắng loang màu áo
Biển vắng em thầm …lệ ướt môi
.(Minh ThúyThành Nội)

SÁNG THỨ HAI đoàn tiếp tục đi tới Nevada Beach, bãi biển này vào cửa đóng $10 mỗi xe, nơi cắm trại với khung cảnh chung quanh là những cây thông cao vợi. Sáng sớm biển vắng người yên tĩnh, nắng hạ đang còn lưng chừng, một vùng sương mù bên kia những dãy núi, nước màu xanh ngọc dịu mát, bãi cát vàng mịn màng êm như nhung. Các chị em tha hồ tung tăng lội nước, chờ những con sóng nhào tới nhảy lên đầy thích thú. Nhìn Hoàng Yến nhảy liên tục dưới nước khiến tôi đầy kinh ngạc, vì đêm đầu tiên mới đến, Hoàng Yến vô ý bị vấp chân nơi bậc thềm va chạm mạnh, chân sưng vù, chị em hoảng sợ, người lấy đá, người lấy thau cho bạn ngâm chân, từ đó bạn đi cà nhắc từng bước và chân vẫn còn sưng...Đang còn ngơ ngẩn bỗng thấy Thanh Xuân chạy trên cát, có điều gì đó làm tôi khựng lại suy nghĩ chưa ra, sau sực nhớ Thanh Xuân bị gãy xương, một chân bắt vít ốc đã mấy năm, vì vậy Thanh Xuân không thể tham dự những cuộc họp mặt vì hễ chân đi bộ một đoạn là sẽ đau và sưng vù, lần này trước khi tham dự, Thanh Xuân cũng hơi lo chuyện đi bộ sẽ ảnh hưởng đến cổ chân...vậy mà bây giờ nhìn Hoàng Yến và Thanh Xuân chạy nhảy, thật hết sức ngạc nhiên, đến hỏi hai người có đau chân không? cả hai cười khì lắc đầu. Niềm vui giúp tinh thần mạnh mẽ đến như vậy, giúp vượt qua vết thương của thể xác đến không còn biết đau đớn gì, tôi mỉm cười như vừa tìm ra chân lý.

Vẫn tiếp tục đeo nhau xúm xít hành các ông rể chụp hình không biết bao nhiêu là đủ, có hai cặp còn ngồi lên lưng chồng nhờ rể khác chụp hình nữa…Vậy đó! toàn những cô nữ sinh Thành Nội một thời áo trắng đội nón bài thơ, tan trường như bươm bướm lượn hướng về cửa Đông Ba, cửa Thượng Tứ hay Cầu Kho, Tây Lộc hoặc trên đường Phượng Bay có bóng mát êm dịu của hàng cây xanh, có hồ Sen tươi mát trước cổng Đại Nội. Nay tỵ nạn trên xứ người, gầy công cày bừa chăm nuôi các con ăn học nên người, đạt danh phận cao hãnh diện, giờ họ đã thành bà nội, bà ngoại cả rồi chứ đâu còn trẻ nhỏ, nhưng chị em bạn học cũ gặp nhau bỗng sống lại thời nghịch ngợm hồn nhiên. Ôi! cuộc gặp gỡ giữa tình thầy trò, tình bạn thật đáng giá níu lại tuổi thanh xuân và cũng sẽ được tăng tuổi thọ, tôi nghĩ vậy.


Dọc theo bờ biển thong dong hưởng khí trời trong mát, nắng đã lên cao chiếu hồng rực rỡ, thương quá tiếng sóng rì rào êm ái. Thả mặc các bạn vẫn say mê chụp hình, tôi ngồi xuống duỗi thẳng đôi chân chờ những đợt sóng cuồng cuộn tấp đến, trời xanh dịu theo những cụm mây trắng nhẹ nhàng, biển mênh mông bát ngát, vài cánh buồm nhấp nhô xa tít đưa tâm hồn tôi trở về ngôi trường Thành Nội, nhớ bạn bè, thầy cô, số còn sống, số đã qua đời, cứ vậy miên man từ hình ảnh này qua kỷ niệm khác say sưa cho đến khi chị em gọi đi về.

Dọn dẹp hành lý check out ra về vẫn còn luyến tiếc khung cảnh Nevada Beach quá đẹp. Anh Tân và Dạ Điểm mời cả đoàn ăn trưa, muốn những người thổ địa vùng Sacramento chọn dùm nhà hàng, nghe cô Tiểu Bích và các em nói có nhà hàng Lemon Grass rất ngon cũng như khung cảnh lịch sự, nhưng rất tiếc thứ hai đóng cửa. Cô Tiểu Bích nhờ thầy Fred chọn dùm tên tiệm là Summer 52 nằm trong khu shopping rộng lớn. Tiệm dành cho cả đoàn theo sự đặt chỗ của thầy Fred vào gian phòng riêng biệt, cho nên phe ta lại hát hò, hợp ca thoải mái dù ồn ào vẫn không ảnh hưởng bên ngoài. Rể Tân trả tiền nhưng Cô Thầy đã thanh toán tự hồi nào làm anh khựng người chẳng nói nên lời. Tuy ăn trưa nhưng cũng kéo dài tới chiều thong thả.

Về nhà cô Tiểu Bích phát hiện mất chùm chìa khoá và các giấy tờ tùy thân, học trò lớp xổ tung vali cũng như túi xách của Cô ra tìm, lớp gọi phone liên lạc hotel nhờ kiếm giúp, vẫn không có kết quả, thầy Fred lên máy gọi cancel số các thẻ visa.

Đêm cuối cùng, cô muốn ngồi nói chuyện hoài dù cô Đạm Tuyết nhắc nhở bao nhiêu lần là “đã khuya rồi”

Cô Tiểu Bích nói
- Rất vui vì cuối đời có được hạnh phúc bên thầy Fred, và thêm bầy học trò luôn xúm xít quanh cô, lại được chị Xuân Ba tìm kiếm thêm cựu nữ sinh, tổ chức những cuộc họp mặt đầy tình nghĩa thầy trò, hôm nay dù sau mùa dịch, chỉ là cuộc văn nghệ bỏ túi nhưng thật sự quá vui, trò chơi đâu kéo cô theo đó, có ai sung sướng bằng cô không?

Giờ khuya cả nhà ngủ say, thầy Fred nghe tiếng nước chảy ầm ầm sau vườn, dậy phát hiện ống nước bể, rể Tân thức theo phụ hứng nước nhiều bình trước khi khoá ống.

SÁNG THỨ BA thức sớm, cô lo nước và bánh trái cho chúng tôi bới theo, Dạ Điếm và anh Tân cùng về một lượt. Tôi muốn học tánh cô dù gặp xui xẻo điều gì, Cô vẫn nhanh chóng đẩy lùi nhường bước cho sự vui vẻ và nụ cười lạc quan tiếp tục, thầy cô chở ra bến xe đò Hoàng, chúng tôi leo xe ngồi thúc giục cô trở về, nhưng thầy cô vẫn đứng đợi cho đến khi xe chạy.

Chuyến đi như được hồi sinh lại cuộc sống, tươi vui trọn vẹn. Trước tiên em cám ơn thầy Fred và cô Tiểu Bích, đã để tụi em tới phá nhà phá cửa, ăn sạch hết tủ lạnh, và buổi cuối được thầy cô đãi ăn nhà hàng đắt tiền, cám ơn Huỳnh Thơ và anh Minh, Phạm Vinh và anh Huy, Chị Dạ Minh và anh Luận, Kim Xuân và Lâm đã lo phần ẩm thực ê hề, cám ơn chị Thí anh Phước, Dạ Điểm anh Tân cung cấp thêm thực phẩm ngập mặt, thương lắm những người ở xa đầy nhiệt huyết như chị Mễ Khuê, chị Xuân Ba và Hoàng Yến cùng các chị em khác đã góp mặt, cám ơn Thao Thao tìm tòi những phong cảnh đẹp, thuê khách sạn, sắp xếp tổ chức chu đáo và người quan trọng nữa là cô Đạm Tuyết đã kêu gọi, liên lạc thông tin gói trọn niềm vui dâng đến Cô Tiểu Bích của mùa hè 2021.

Biển Sớm

Sớm mai biển vắng mây mờ
Ngồi nghe sóng vỗ dệt mơ ươm vào
Hồn tôi mây gió dạt dào
Từng làn sóng lượn rì rào nỗi riêng
Nắng lên phủ đẹp lối nghiêng
Buồm thuyền xa tít gợi miên man sầu
Nước trong xanh ngọc sắc màu
Thương ơi bóng hạ giăng đầu đang lên
Bao la trời biển mông mênh
Quê hương kỷ niệm lại thênh thang về
Mơ màng Thành Nội bên tê
Soi miền ký ức đam mê một thời
Cô trò họp mặt vui chơi
Tìm vùng biển núi thỏa vơi tháng ngày
(Minh Thuý Thành Nội)

Minh Thúy Thành Nội
Tháng 7/2021 


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét