Thứ Hai, 6 tháng 9, 2021

Trà Châu Á - Asia Tea Show


Asia Tea Show là buổi giới thiệu Trà Á Châu do Hiệp Hội người Mỹ gốc Á tại Arizona (Arizona Asian American Association – 4A) tổ chức, theo lời mời của 4A nhiều lần nên kỳ này chúng tôi Câu Lạc Bộ Văn Hóa Việt Nam Arizona (Arizona Vietnamese Culture Club - CLB) không thể từ chối tham dự được nữa. Buổi Tea Show này có 3 sắc dân tham dự gồm Việt Nam, Trung Hoa và Nhật Bản. 


Hai Cộng đồng sắc dân bạn là đại thụ về Trà nổi tiếng trên thế giới, nếu CLB tham dự thì chúng ta sẽ giới thiệu gì với quan khách? Đó là điều mà chúng tôi phải cân nhắc. Nghi thức thưỡng thức trà của người Trung Hoa trong Phật giáo, Lão Giáo, hoặc của giới vua chúa, quan lại là nét văn hóa đầy ấn tượng. Người Nhật Bản đưa việc thưởng thức loại thức uống tuyệt diệu này lên một tầng cao trở thành một đạo giáo.


Với kiến thức hạn hẹp, anh em chúng tôi nghĩ rằng không thể giới thiệu Trà Việt Nam theo cách của người Trung Hoa hay Nhật Bản, do đó chúng tôi xây dựng ý niệm Trà Việt Nam khác hơn hai nước bạn là cây Trà trong đời sống dân gian, vùng miền sản xuất, những cây Trà tạo nên loại Trà được nhiều nước biết đến. 


Qua buổi giới thiệu Trà Châu Á quan khách có thể hiểu biết thêm về cây Trà ảnh hưởng sâu sắc trong đời sống, văn hóa của người Á Châu.

 

Ngoài ra trong buổi Tea Show mỗi sắc dân còn có phụ diễn để giới thiệu thêm các màn ca múa, và trong y phục truyền thống. Việt Nam trình diễn màn đơn ca “Em đi chùa Hương” do ca sĩ Anita Nguyệt Nga và màn múa nón lá của các em GĐPT Nhất Tâm; Nhật Bản thổi sáo; Trung Hoa một màn múa quạt của các em thiếu nhi.


Hàng năm Hiệp hội người Mỹ gốc Á tại Arizona đều có dành một khu trong Asian Festival để triển lãm Trà, có nhiều nước tham dự như: Trung Hoa, Nhật Bản, Việt Nam, Hàn Quốc, Thái, Đài Loan, Ba Tư mỗi sắc dân tham dự một gian hàng.


  • TỔNG QUÁT VỀ CÂY TRÀ


Cây Trà (tiếng địa phương miền Bắc Việt Nam gọi là chè), tên khoa học là Camellia Sinensis là loại cây mà lá và chồi (đọt non) được pha chế làm thức uống. Tên khoa học khác còn gọi là Thea bohea hay Thea viridis (Tea = Thea), trong tiếng Latin chữ Sinensis có nghĩ là Trung Hoa, bởi vì người Tây Phương khi mới giao tiếp với người Trung Hoa thì họ biết theo thư tịch cổ là cây trà có từ hơn 3000 năm trước tại xứ này.

Trà có nhiều giống, Trà Trung Hoa Camillia Sinensis dùng để sản xuất nhiều hiệu trà nổi tiếng coi như là nơi xuất phát. Năm 1823 người Anh phát hiện cây Trà giống Assam còn gọi là Assamica mà người Ấn Độ đã biết làm thức uống từ hàng ngàn năm trước. Giống Trà này trồng nhiều ở Ấn Độ, Sri Lanka (Tích Lan) và vài nước khác ở Nam Á như Pakistan, vùng vịnh Bangal. Trà Assam (Ấn Độ) có hương vị khác trà Sinensis (Trung Hoa), hơi ngòn ngọt khi pha nước uống và mùi hương dịu dàng cũng khác trà Tàu.

Nhờ người Anh đi tìm thuộc địa thế kỷ 17-18, họ đem Trà thức uống độc đáo này gồm trà Sinensis và Assam phổ biến rộng khắp trên thế giới, gây giống tốt, lập nhiều đồn điền trồng Trà và buôn bán đem lại lợi nhuận không nhỏ.

Một giống Trà trồng nhiều ở Campuchia, Thái được cho là lai giống giửa Trà Sinensis (Trung Hoa) và Assam (Ấn Độ) có tên là Sinensis Paryifolia.

Các nước Đông Á chịu ảnh hưởng Trung Hoa như Nhật Bản, Hàn Quốc và Đài Loan, Việt Nam đều có trồng nhiều Trà trên các vùng cao nguyên. Các nước vùng Trung Đông như Iran, Iraq, Pakistan, … cũng có trồng trà.

Cây Trà thích hợp trồng ở vùng nhiệt đới và cận nhiệt đới có khí hậu ẩm ướt nhưng không được úng nước và nhiều nắng thường ở độ cao từ trên dưới 1500 m nơi tương đối mát mẻ. Tùy theo thổ nhưỡng từng nơi để cây trà phát triển, nếu càng chậm thì nó tích tụ hương vị đậm đà hơn.

Dựa theo cách người ta thu hoạch Trà để phân hạng: Tốt nhất là Trà Búp còn gọi là tà Nõn Tôm, nếu búp trà còn lông tơ mịn nên được gọi là trà bạch mao (lông tơ trắng) hay trà Tuyết. Hạng thứ nhì là “một tôm, một lá” nghĩa là lấy 1 búp và 1 lá kế hoặc 1 búp 2 lá kế. Trà hạng ba là từ lá thứ tư, năm. Những lá dưới nữa là Trà mạn, giá trị thấp nhất, rẻ hơn cả. Thời gian tốt nhất để hái trà là vào tháng 10 và 11 hàng năm. 

Cách pha trà thì các nước gần giống nhau: Dụng cụ, nhiệt độ nước theo từng giai đoạn pha, phải là nước tinh khiết tốt nhất là nước suối trên nguồn, hay nước mưa, ngày nay thì người ta dùng nước lọc tiện dụng hơn. Trước khi pha trà cần dùng nước nóng tráng sơ qua trà để loại các chất cặn bã, tránh mùi hăng khi ướp trà sau đó đổ bỏ không dùng nước này. 

Thưỡng thức trà hai nước Trung Hoa và Nhật Bản rất cầu kỳ trang trọng, còn Việt Nam hoặc các nước khác đơn giản hơn nhưng cũng vẫn giử được nét tinh tuý của nó. 

TIỆC TRÀ CỦA NGƯỜI TRUNG HOA

Ms. …, giới thiệu nghi thức pha trà cung đình Trung Quốc


Nhắc đến Trà thì phải nói đến Trung Hoa vốn có ảnh hưởng quan trọng trong lịch sữ văn hóa lâu đời của họ mà chúng ta cần phải hiểu được lễ nghĩa cơ bản khi thưỡng trà, ở đó có một nền văn hóa thưỡng trà thật đặc sắc.

 

Có vài nghi thức trong tiệc trà chúng ta cần quan tâm khi giao tiếp với người Trung Hoa: Trước tiên là vị trí ngồi, lấy chủ nhân làm điểm chính, từ bên trái gia chủ và theo chiều kim đồng hồ và phải thứ tự theo thứ bậc địa vị của khách hoặc theo tuổi tác đây là nguyên tắc để sắp xếp buổi tiệc trà đều phải tuân theo. 

 

Đạo lễ tiết rất quan trọng của khách là đáp lễ, còn gọi là hồi lễ. Cái gọi là đạo lễ tiết đầu tiên là khi gia chủ pha bình trà đầu tiên, đồng thời mời khách thưởng trà. Nghi thức hồi lễ đầu tiên của khách sẽ như sau: Đứng dậy, cuối đầu, đưa hai tay tiếp nhận ly trà chủ đưa qua rồi mới ngồi xuống. Trước khi uống trà lễ tiết hồi lễ của khách là “khấu chỉ lễ”, còn gọi là “khuất chỉ quỵ” (nắm tay lại để hồi lễ, dùng tay phải, đầu ngón cái hướng về đốt thứ 2 ngón trỏ, quặp thẳng vào ngón trỏ và ngón giữa, dùng mặt ngoài đốt thứ 2 của ngón trỏ và ngón giữa, gõ nhẹ 3 cái xuống mặt bàn trà; Nhìn từ bên hông, sẽ thấy ngón trỏ và ngón giữa khi làm hành động này giống như đôi chân con người đang quỳ). 


Một nguyên tắc khác “Tiên tôn hậu ti, tiên lão hậu thiếu” (Mời bề trên trước mời bề dưới sau, mời người lớn trước, mời kẻ nhỏ sau). Lần châm trà đầu tiên cũng vậy phải theo thứ tự từ lớn đến nhỏ để châm. 


Trong việc rót trà đãi khách cần hiểu điều quan trọng này: “Tửu mãn kính nhân, trà mãn khi nhân” có nghĩa là “Uống rượu rót đầy thì kính khách, uống trà rót đầy thì khinh khách” đây cũng là nguyên tắc lễ nghĩa trong văn hoá thưởng thức trà của người Trung Quốc.


Ngoài các nghi thức lễ tiết ra còn một điểm độc đáo trong tiệc Trà của người Trung Hoa là nghệ thuật rót Trà (châm Trà ra chun đãi khách), không kê vòi bình Trà gần chun mà cầm bình Trà trên cao từ 2-3 tấc, và rót 1 lần duy nhất giọt nước xuống chun cho vừa đủ (khoảng 2/3 chun) và không thể có giọt nước nào bắn ra ngoài. Nghệ thuật thật là điêu luyện! 


Qua những lễ tiết trên, chúng ta có thể thấy rõ sự khác biệt giữa người thưỡng trà và kẻ tửu sắc. 


TRÀ ĐẠO CỦA NGƯỜI NHẬT BẢN



Ms. Fukumi Toyoda Zapp, giới thiệu trà đạo Nhật Bản

Trà đạo, tiếng Nhật: Sadō (茶道), là một nghệ thuật thưởng thức trà trong văn hóa Nhật Bản, Trà đạo được phát triển từ khoảng cuối thế kỷ 12

Theo truyền thuyết của Nhật Bản, có vị cao tăng người Nhật là sư Eisai (1141-1215) sang Trung Hoa để tham vấn học đạo, khi trở về nước ngài mang theo giống trà về trồng trong sân chùa. Sau này chính nhà sư Eisai này đã viết ra cuốn "Khiết Trà Dưỡng Sinh Ký" (Kissa Yojoki), nội dung ghi lại mọi chuyện liên quan tới thú uống trà và ý nghĩa của nó. 

Từ đó đã thu hút rất nhiều người dân Nhật đến với thú uống trà. Họ đã kết hợp thú uống trà với tinh thần Thiền của Phật giáo để nâng cao nghệ thuật thưởng thức trà, phát triển nghệ thuật này trở thành trà đạo (Chado, 茶道).

Trà đạo của người Nhật nhằm hướng dẫn con người làm trong sạch tâm hồn bằng cách hòa mình với thiên nhiên, để tu tâm dưỡng tính đạt giác ngộ. Bốn nguyên tắc cơ bản của Trà đạo gồm: Hòa – Kính – Thanh – Tịch.

(“Hòa” có nghĩa là sự hài hòa giữa con người và thiên nhiên; sự hòa hợp giữa trà nhân với các dụng cụ pha trà. “Kính” là lòng kính trọng, sự tôn kính đối với người khác, thể hiện sự tri ân cuộc sống. Khi lòng tôn kính với vạn vật đạt tới sự không phân biệt thì tấm lòng trở nên thanh thản, yên tĩnh, thể hiện sự thanh tịnh, đó chính là ý nghĩa của chữ “thanh”. “Tịch” có nghĩa là sự vắng lặng, tĩnh lặng mang đến cho con người giảm giác yên tĩnh, vắng vẻ). 

Trà đạo là một hình thức uống trà trong bầu không gian tĩnh lặng. Mà cả người chủ lẫn khách đều hướng đến sự thư giãn tinh thần và sự hòa hợp với thiên nhiên. Cách pha trà cũng phải theo một nguyên tắc theo từng bước như sau:

  • Bước thứ nhất: 

Nước pha trà – Nước pha trà chỉ khoảng từ 80 độ đến 90 độ không bao giờ lấy nước đang sôi để pha trà. Vì như thế, nước trà sẽ đẹp mắt hơn. 

  • Bước thứ hai: 

Làm ấm dụng cụ pha trà và chén uống trà. Sau đó, sẽ lau khô bằng khăn để sử dụng.

  • Bước thứ ba: 

Pha trà – Thông thường người ta hay sử dụng loại trà xanh trung bình để pha. Với loại trà này, người ta thường pha làm 3 lần:

  1. Chỉ sử dụng nước nóng khoảng 60 độ C để ngâm trà. Với nhiệt độ này, thì phải ngâm trà 2 phút để cho trà ngấm. Để có được nhiệt độ khoảng 60 độ thì người ta phải rót nước sôi từ bình thủy tinh ra một bình trà khác nhằm cho giảm nhiệt độ như yêu cầu để pha trà.


  1. Lúc này khi trà đã ngấm và nở, người pha trà phải dùng nước có nhiệt độ khoảng 80 độ C để pha. Chỉ cần để khoảng 40 giây là có thể rót ra mời khách được.


  1. Cũng pha tương tự như lần 2, chỉ có điều là nước pha ở lần 3 này khoảng 90 độ C.

Lượng nước pha trà của mỗi lẫn sẽ chỉ đủ rót ra cho khách. Không nên pha quá nhiều nước hay ít nước làm chè quá loãng hay quá đặc.

  • Bước thứ 4: 

Rót trà; để tránh tình trạng rót trước rót sau khiến độ đậm nhạt của trà khác nhau. Trước khi mời khách người rót trà lần lượt vào mỗi chén khoảng 1/3 chén. Sau đó sẽ rót lần thứ 2 nhưng không phải rót xuôi mà rót ngược lại. Nhằm mục đích cho vị trà đều ở các chén, sau đó mới đem ra mời khách.

  • Bước thứ năm: 

Uống trà: Để tăng thêm hương vị của trà, nên trong quá trình uống trà, người Nhật thường sử dụng thêm một số loại bánh ngọt. 

Từ đầu đến suốt buổi thiền trà, người pha trà không hề đứng dậy. Tất cả mọi dụng cụ pha trà đều nằm trong tầm tay, phía trước, phía sau và hai bên. Chú ý là phải giử yên lặng, các thao tác pha trà không được phát ra tiếng động hoặc chỉ rất nhỏ.


Tại Nhật Bản, nhiều trường cao đẳng và đại học có “khoa trà đạo”. Đa số sinh viên là nữ giới theo học trà đạo. Ngoài ra, ngày “Văn hóa trà” sẽ được tổ chức vào giữa tháng 10 hàng năm. 

Ý nghĩa đích thực của “Trà đạo” trong văn hoá Nhật Bản được hiểu là “Hoà hợp con người với thiên nhiên qua thao tác pha và uống trà”.

TRÀ VIỆT NAM

Cô Thanh Mai và Mrs Thy Yến giới thiệu trà Việt Nam 

Việt Nam là quốc gia có phong tục uống trà từ rất lâu, trà được sử dụng hàng ngày như một thứ nước giải khát. Dần dần trà đã trở thành phương tiện giao tiếp, mở đầu cho những cuộc gặp gỡ, tiếp đón người thân, bạn bè và đối tác.

Cây trà được du nhập lâu đời từ bên Trung Hoa hàng ngàn năm trước, là thức uống phổ biến mà người Việt Nam ai cũng biết. 

Đến giửa thế kỷ 20 cây Trà được trồng nhiều ở tỉnh Phú Thọ (Miền Bắc) và Quảng Nam (Trung phần), người dân ta lấy lá vò nát nấu nước uống gọi là Trà xanh hay Chè xanh theo tiếng địa phương.

Đến khoảng năm 1924, người Pháp thấy khí hậu trên vùng cao nguyên Trung Phần thích hợp trồng cây công nghiệp này nên họ lập những đồn điền Trà ở Kontum, Pleiku, DarlacĐồng Nai Thượng. Đến đầu thập niên 1930, trà được đem trồng một cách quy mô trên cao nguyên Lao Bảo (B'lao) và Di Linh (Djiring), sau đó  vùng này là nơi sản xuất chính ở Nam Phần. 

Trà là cây công nghiệp có giá trị cao nên cũng bắt đầu trồng ở vùng Thái Nguyên, Hà Giang, Cao Bằng, … Trà xanh, trà Ô longtrà Đen tất cả đều được chế biến từ loài này, nhưng được chế biến (cách ủ trà) ở các mức độ oxy hóa khác nhau. 

Người dân quê thường trồng vài buội cây trà trước sân để lấy lá tươi hoặc sao khô để dành lâu hơn dùng pha thức uống, tùy theo sở thích họ lấy hoa có mùi thơm để ướp có hoa sen (trà sen), trà ngâu (hoa lài, trà lài), có người dùng búp hoa hồng hoặc trái phật thủ ướp trà nữa.

  • Thiền trà trong đạo Phật 


Tìm hiểu về thiền Trà – Cô Ngọc Ruby, Thiền viện Trúc Lâm Phương Nam 



Uống trà được tổ chức thành tiệc trà trong các buổi họp mặt, gặp gỡ bạn bè, nhưng Thiền Trà là một thứ thiền làm gắn bó tình cảm giữa người với thiên nhiên và giữa người với người.

Trong khi dự thiền trà, chúng ta thấy thoải mái, an lạc và hạnh phúc. Những người đầu tiên biết sử dụng lá chè tàu (Camelia Sinensis) là các vị thiền sư, họ nhận thấy nấu trà này mà uống thì trong người tỉnh táo và ngồi thiền không buồn ngủ. Dần dần, chỉ lá non của cây trà tàu được sử dụng và ướp thành trà. Thiền và Trà đã có duyên với nhau trong lịch sữ cả một ngàn mấy trăm năm. Tại thiền viện nào thiền sinh cũng được uống trà, chú tiểu nào cũng biết pha trà.

CÁC LOẠI TRÀ NỔI TIẾNG CỦA VIỆT NAM

  • Trà cổ thụ Tây Bắc (Trà Shan Tuyết - Camellia sinensis var. Shan) 


Trà cổ thụ Shan Tuyết (Ảnh Internet)

Như chúng ta đã biết vùng Tây Bắc có khí hậu mát mẻ, cây trà nơi đây luôn tươi tốt, nổi tiếng với loại trà Shan Tuyết cổ thụ, nay chỉ còn khoảng 500 cây có tuổi từ 150 năm đến 300 năm, trên đỉnh cao 1.400-1.500m so với mực nước biển là những đồi chè quanh năm sương mù bao phủ. Lượng trà này rất ít, từ công đoạn thu hái và chế biến thủ công bởi những nghệ nhân lão luyện. Trà Shan Tuyết cổ thụ chỉ ở tại Hà Giang chính vì thế nhiều chuyên gia đánh giá đây là loại trà ngon nhất Việt Nam.

Trà Shan Tuyết cũng được gây giống trồng vài nơi khác có điều kiện thổ nhưỡng tương tự như không bảo đãm được chất lượng tốt nhất như ở Hà Giang.

  • Trà xanh Tân Cương (Thái Nguyên)

Trà Tân Cương nổi tiếng trên vùng đất Thái Nguyên. Để tạo ra được những ly trà thơm ngon, đượm vị, đẹp mắt là cả một nghệ thuật trong suốt quá trình chế biến. Từ đó sẽ mang đến những chén trà ngon đủ các yếu tố như “sắc, hương, thần, vị”.

  • Trà sen Tây Hồ 

Nếu bạn sành điệu về trà thì chắc hẳn phải biết đến trà sen Tây Hồ. Trà ướp hương sen thuần khiết thanh nhã cũng là một loại trà đại diện cho văn hóa trà Việt mang đậm linh hồn quốc thể.

  • Trà Ô Long 

Trà Ô Long là loại trà cũng khá phổ biến ở Việt Nam, có nguồn gốc xuất xứ từ loại trà truyền thống của Trung Quốc. Trà có hương thơm ngọt, vị trà thanh chứ không bị chát đượm như một số những loại trà khác. 

  •  Trà Móc Câu 

Do có hình dạng giống như lưỡi câu nên gọi là Trà Móc Câu, cánh trà xoăn, nhỏ, đều được chế biến từ những búp trà non của những cây trà. Búp trà được hái theo nguyên tắc “1 tôm, 1 lá”, luôn được hái nhanh vào khoảng thời gian sáng sớm, thời tiết không nắng gắt hoặc mưa là thời điểm cho chất lượng trà tốt nhất.

  • Trà Thiết Quan Âm - Kỳ chưỡng

Trà Thiết Quan Âm là là loại trà được sản xuất theo quá trình bán lên men, lá trà sau khi được chế biến có đặc điểm như sau: Sợi cong xoắn, kết tròn đầy đặn, nặng chắc đều nhau, màu xanh lục trạch sa, có hương thơm thoang thoãng. Nước trà màu vàng tươi đậm, đẹp tựa hổ phách, có mùi thơm tự nhiên ngào ngạt, vị trà đậm đà dịu ngọt, hậu vị. Giống trà này có nguồn gốc từ Trung Hoa.

  • Trà lài (trà hoa nhài) 

Trà lài hay còn được gọi là trà hoa nhài theo tiếng địa phương miền Bắc, lá trà tươi được ướp cùng với những bông hoa lài, có mùi thơm rất đặc trưng.

Trong trà lài có chứa một lượng cao dầu etheric, có tác dụng tăng cường năng lượng. Lá trà được lấy vào mùa xuân để đảm bảo được độ tươi non, tinh khiết nhất. 

  • Trà trắng 

Trà trắng không phải nước trà khi pha màu trắng mà khi đã chế biến lá chè cuộn và búp chè non vẫn còn trắng mịn. Vị của trà này hết sức thanh tao, đây cũng là loại trà rất được ưa chuộng.

  • Trà Nõn Tôm 

Trà Nõn Tôm là loại trà được chọn hết sức tỉ mỉ theo quy cách 1 tôm 1 lá trên các đồi chè, sạch nhất. Sau đó phải trải qua quá trình chế biến khéo léo bằng phương pháp thủ công bởi các nghệ nhân sao chè chuyên nghiệp.

Điều đặc biệt của loại trà này khi pha nước có màu xanh vàng chỉ cần nhấp một ngụm đầu tiên đã cảm nhận được hương vị thơm ngon lan tỏa, vị chát dìu dịu mà đượm đà.

  • Hồng trà hay trà đen

Hồng trà là loại trà được lên men toàn phần, quá trình oxy hóa khiến lá trà từ màu xanh chuyển sang màu đen nên còn gọi là trà đen. Trà đen được lưu giữ khá lâu và mọi người rất thích uống vì dễ uống và rất tốt cho cơ thể.

Thời công nghiệp hóa, tiện dụng, người ta sản xuất trà trong túi nhỏ để dễ dàng khi pha nước uống, nổi tiếng nhất là thương hiệu Trà Lipton. Tuy nhiện loại trà túi này không thể nào có hương vị và thú vị cho người dùng trà như theo cách cổ điển.

Ngoài ra người ta còn ướp trà kết hợp với hoa và trái cây tạo nên hương vị độc đáo và đẳng cấp thường phổ biến ở các nước Âu Mỹ.  

VÀI MẪU CHUYỆN LINH TINH


  • Trảm mã trà

Tương truyền các bậc quân vương xưa cho bỏ đói con ngựa hai ngày, sau đó buổi sáng cho ngựa ăn thật nhiều búp trà, đến chiều đem con ngựa chặt đầu (trảm mã) mổ lấy bao tử của con ngựa còn chứa nhiều xác trà rồi chế biến theo phương thức đặc biệt để trở thành một thứ trà vang danh thiên hạ: Trảm mã Trà!

  • Chè tam, rượu tứ

Câu "chè tam, rượu tứ" mà người xưa thường hay nói, qua đó cho ta bổ sung thêm kiến thức về văn hoá uống trà của người Việt Nam. 

Câu “Trà Tam Rượu Tứ” bắt nguồn từ một câu tục ngữ Trung Quốc: “Trà Tam, Tửu Tứ, Thích Đà Nhị” (Trà uống nên có ba, Rượu thì nên bốn, còn đi đường xa thì cần có hai. Ba người cùng uống trà, bốn người cùng uống rượu, hai người cùng kết bạn đi trên đường, vậy là đủ.

Cũng có thể hiểu là uống trà không nên uống quá 3 chung, vì lúc đó trà đã nhạt, mất ngon. Còn “rượu tứ” có thể hiểu uống rượu không nên uống quá 4 chun, vì sẽ làm người ta say, gây ra những hậu quả không đẹp. 

Dân Nam Bộ nhà mình thích hài hước nên diễn tả câu “chè tam, rượu tứ” một cách khác, khi uống trà nên có ba người để một người nói hai người kia nghe, bàn luận. Còn uống rượu thì cần bốn người, vì khi “sần sần” rồi ai cũng muốn nói hết nên có một người nói thì phải có một người nghe! 

  • Cây Trà bonsai


Trà Hoa Nữ (Ảnh Internet)

Khi nói đến cây Trà thì nhiều người trong chúng ta nghĩ ngay đến thức uống mà ai cũng biết. Nhưng ít người biết cây trà bonsai, thú vui chơi cây kiểng ngày càng đa dạng và phong phú, cây trà cũng là một trong các cây bonsai có kiểu dáng đẹp làm vật trang trí.

Dòng trà cổ của Việt Nam chủ yếu ở vùng Đông Bắc, có những cây trà lâu năm được rất nhiều người ưa chuộng bởi ngoài vẻ đẹp sang trọng, kiêu sa. Mỗi loại hoa trà lại có một ý nghĩa biểu tượng riêng. Nếu trà bạch tuyết, hồng trà tượng trưng cho sự tinh khiết, thuần khiết cũng như tượng trưng cho sự cao quý. Ngày nay những cây trà cổ bonsai không còn nhiều do người Tàu sang lùng kiếm khắp hang cùn, góc suối!

Người xưa có câu “vua chơi lan, quan chơi trà”, chính vì vậy không phải ngẫu nhiên cây trà được yêu thích từ xưa đến nay. 

  • Cuốn tiểu thuyết Trà hoa nữ (La Dame aux camélias)

La Dame aux camélias là tiểu thuyết của nhà văn Alexandre Dumas con (1824 – 1895, là con của người cha cùng tên Alexandre Dumas lừng danh, tác giả của cuốn tiểu thuyết "Ba chàng lính ngự lâm" được quay thành phim “Ba chàng Ngự lâm Pháo thủ”). Cuốn tiểu thuyết Trà Hoa Nữ được xuất bản lần đầu vào năm 1848, là cuốn tiểu thuyết bán tự truyện dựa trên mối tình ngắn ngủi của tác giả và kỹ nữ Marie Duplessis, có nhắc đến hình ảnh nhân vật nữ gắn hoa trà trên ngực mình để bày tỏ tình cảm. Cuốn tiểu thuyết Trà Hoa Nữ rất nổi tiếng và được dịch ra nhiều ngôn ngữ. 

Trà Châu Á đã lan tỏa khắp năm châu, bốn biển, đi sâu vào đời sống con người từ ẫm thực, văn hóa, phong tục, văn học, nghệ thuật, đến triết lý, đến cả về mặt kinh tế, … Mặc dù có tên là Trà Châu Á (Asia Tea) nhưng ngày nay giá trị của nó đích thực là tài sản của nhân loại! 

Lê Hữu Uy

  • Nguyên Chủ tịch CLB Văn Hóa Việt Nam Arizona (President of Arizona Vietnamese Culture Club)

  • Nguyên Giám đốc Văn hóa Việt Nam trong Hiệp hội người Mỹ gốc Á tại Arizona (Vietnamese Culture Director in Arizona Asian America Association

Arizona, July 09, 2021


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét