Thứ Năm, 9 tháng 9, 2021

Tản Mạn Về Chinh Phụ Ngâm - Nguyễn Thanh Bình (Bát Sách)

Trong kho tàng văn chương chữ nôm của Việt Nam, có rất nhiều tác phẩm hay và nổi tiếng, như Kiều, hay Đoạn trường tân thanh, Cung oán ngâm khúc, Phan Trần, Bích câu kỳ ngộ, Mai đình mộng ký, Lục vân tiên, Nhị độ mai,Tự tình khúc, Chinh phụ ngâm...

Kiều là nổi tiếng và đại chúng nhất, tới nỗi Phạm Quỳnh đã nói:Truyện Kiều còn, tiếng ta còn, tiếng ta còn, nước ta còn... Riêng tôi, thì từ nhỏ đã thích Chinh Phụ Ngâm, và càng thích hơn khi ra trường vào lính... Hồi đó, năm 1967-1968, chiến trường đang sôi động, gia đình nào cũng có người đi lính và lẽ dĩ nhiên có chinh phụ.Và Chinh Phụ Ngâm đã thấm vào đầu tôi từ hơn nửa thế kỷ.

Ngày 18/10/2019 vừa qua, trong sinh hoạt hàng tuần của hội cao niên tại Montreal, học giả Nguyễn Bá Triệu sẽ thuyết trình về Chinh Phụ Ngâm Khúc của Đặng Trần Côn và bản diễn nôm của Đoàn Thị Điểm. Dè đâu,diễn giả đến trễ,ban tổ chức tìm đủ cách câu giờ,nhưng tới 11g, quá 30 phút nên BS Từ Uyên và GS Lê Văn Mão biết tôi đã từng giới thiệu sách Chinh Phụ Ngâm Tập Chú của anh Triệu cách đây gần 20 năm, nên nhờ tôi nói thay diễn giả. Tôi không chuẩn bị trước, chỉ có mấy mảnh giấy nhỏ,ghi một số câu hỏi, định làm khó anh Triệu, giờ đây lại nhờ nó mà nói được!

Lẽ dĩ nhiên, trong lúc bất ngờ, những chi tiết nhỏ thì không nhớ nổi, nhưng thơ chữ Hán,chữ Việt thì tôi thuộc lòng, và may thay, không phụ lòng khán giả. Vì vậy, có sẵn ý, tôi viết lại ở đây, chỉ thêm chi tiết về những năm sinh, quê quán của các tác giả, và giải thích rõ ràng hơn,đầy đủ hơn những điển tích,và ảnh hưởng của thơ chữ Hán trên tác phẩm của Đặng Trần Côn.

Đặng Trần Côn người làng Nhân Mục, huyện Thanh Trì, tỉnh Hà Đông, sinh năm nào không rõ, có lẽ trong khoảng 1710-1720 (Sử của mình tệ thật!) mất năm 1745. Ông đỗ Hương Cống, nhưng hỏng thi hội, có làm quan một thời gian, chức lớn nhất là giám sát trong Ngự Sử Đài. Tính ông phóng khoáng, thích uống rượu, làm thơ, ngao du sơn thủy.

Nghe tiếng bà Đoàn Thị Điểm hay chữ, ông đưa thơ của mình cho bà thẩm định thì bị phán "tạm được, nhưng cần học thêm". Lúc đó là thời chúa Trịnh Giang, Trịnh Doanh, Trịnh Nguyễn phân tranh, dân tình đói khổ, trai tráng đi lính triền miên, vợ con nheo nhóc nên Đặng Trần Côn cảm xúc mới sáng tác Chinh Phụ Ngâm Khúc. Khi xem xong:

-Ngô Thì Sĩ than: Ông đã áp đảo lão Ngô này rồi.

- Bà Điểm, một phần vì hối hận đã chê Đặng, một phần vì cảm thông với nỗi lòng chinh phụ mà dịch ra chữ nôm.

- Người Tàu thì cho rằng tác phẩm quá hay, tinh anh phát tiết hết ra mấy câu thơ, tác giả sẽ không thọ được .

Theo một số tài liệu thì Chinh Phụ Ngâm được hoàn tất vào năm 1741 và Đặng Trần Côn  qua đời 4 năm sau đó, chưa tới 40 tuổi!

Bà Đoàn Thị Điểm, người làng Hiếu Phạm, huyện Văn Giang, tỉnh Bắc Ninh. Theo truyền thuyết thì bà vốn họ Đoàn, vì tổ tiên có công, được ban quốc tính họ Lê, đến đời cha là Đoàn Doãn Nghi mới lấy lại họ cũ. Bà sinh năm 1705, vừa có tài, vừa đẹp, chưa tìm được người vừa ý nên phòng không chiếc bóng, mãi đến năm 1742, đã 37 tuổi, bà mới về làm kế thất cho ông Nguyễn Kiều, một phần vì mến tài, một phần vì thương đám con côi nheo nhóc của ông. Kết duyên chưa được bao lâu,thì ông Nguyễn Kiều phụng mệnh vua đi sứ nhà Thanh, vừa đi vừa về mất 3 năm. Có lẽ vì thời gian xa chồng, mỏi mòn chờ đợi, nên bà mới cảm thông mà dịch Chinh Phụ Ngâm tuyệt vời như ta thấy. Sau khi đi sứ về được 3 năm, ông Kiều được bổ làm Tham Thị Nghệ An vào năm 1748, và trên đường theo chồng nhậm chức, bà Điểm bị bệnh và tạ thế, hưởng dương 43 tuổi.

Bỏ qua những giai thoại về tài đối đáp, tôi chỉ muốn nói tới những nỗi vất vả nhọc nhằn của bà Điểm khi ông anh Đoàn Luân qua đời, phải dạy học kiếm tiền nuôi mẹ, chị dâu và mấy đứa cháu, sau này thì chăm sóc mấy đứa con của ông Kiều, đúng như câu "nay một thân nuôi già, dạy trẻ"....


CHINH PHỤ NGÂM & ẢNH HƯỞNG CỦA THƠ TÀU.


Chinh phụ ngâm là một áng văn tuyệt diệu, bằng chữ Hán, làm theo thể trường đoản cú, lời thanh tao, quý phái, khi hào khí ngất trời, khi đau buồn não ruột, khi nhớ nhung, khi oán trách, khi than thở... Phần sáng tác thật nhiều, nhưng ảnh hưởng của thơ Tàu không ít, và dùng rất nhiều địa danh, nhân danh của Tàu.

A) NHỮNG ĐỊA DANH:

- Cổ bề thanh động Trường An nguyệt,
 Phong hỏa ảnh chiếu Cam Tuyền vân.
(Trống Trường Thành lung lay bóng nguyệt,
Khói Cam Tuyền mờ mịt thức mây)

- Những địa danh khác nhan nhản khắp nơi như Hàm Dương, Tiêu Tương, Thái Sơn,Vị Kiều, Bạch Đăng, Thanh Hải, Hãn Hải, Tiêu Quan, Kỳ Sơn, Phì Thuỷ...

Tôi không đưa ra các câu thơ dẫn chứng vì sẽ quá dài, chỉ đưa thêm một thí dụ nữa:

Kỳ Sơn cựu trủng nguyệt mang mang,
Phì Thuỷ tân phần phong niểu niểu.
(Non Kỳ quạnh quẽ trăng treo,
Bến Phì gió thổi đìu hiu mấy gò,)

B) NHỮNG NHÂN DANH: Có thể ít hơn địa danh.

- Ban Siêu quy thời,mấn dĩ ban.(câu 113)
(Chàng Siêu mái tóc điểm sương mới về)

-Vân tuỳ Giới Tử,liệp Lâu Lan.
Tiếu hướng Man Khê đàm Mã Viện.
(Săn Lâu Lan rằng theo Giới Tử,
Tới Man Khê bàn sự Phục Ba.)

Phó Giới Tử là danh tướng đời Hán, giết vua Lâu Lan, Mã Viện thì ai cũng biết, tướng Tây Hán, tước Phục Ba tướng quân, đã đánh hai bà Trưng của mình.

Lăng Yên các hề,Tần Thúc Bảo,
Kỳ Lân đài hề,Hoắc Phiêu Diêu.
(So tài Tần,Hoắc vẹn tuyền,
Tên ghi gác Khói, tượng truyền đài Lân)

Tần Thúc Bảo là danh tướng đời Đường, Hoắc Phiêu Diêu là Hoắc Khứ Bệnh, đời Hán, có công đánh Hung Nô, được phong là Phiêu Diêu Hiệu Uý, tước Quán Quân Hầu lúc 22 tuổi,và năm 24 tuổi đã bị bệnh chết, mộ được xây theo hình Kỳ Lân, còn Thúc Bảo được ghi tên trên Lăng Yên  các. Các sách xưa thường chú thích nhầm Hoắc Phiêu Diêu là Hoắc Quang, nhưng hai người là anh em cùng cha, khác mẹ.

C) ẢNH HƯỞNG THƠ TÀU: Đây là phần tôi thích nhất, vì tôi biết khá nhiều thơ chữ Hán, và tìm ra được nguồn gốc của nhiều câu trong Chinh Phụ Ngâm.

Các câu 68,69,70,71:

Tương cố bất tương kiến,(68)
Thanh thanh mạch thượng tang,(69)
Mạch thượng tang,mạch thượng tang,(70)
Thiếp ý,quân tâm thuỳ đoản trường.(71)
(Cùng ngoảnh lại mà cùng chẳng thấy,
Thấy xanh xanh những mấy ngàn dâu,
Ngàn dâu xanh ngắt một mầu,
Lòng chàng ý thiếp ai sầu hơn ai.)

Đoạn này tác giả dựa vào hai bài thơ,và một điển tích:
Trong Trường Tương Tư của Lương Ý Nương, có những câu: 

Quân tại Tương Giang đầu,
Thiếp tại Tương Giang vĩ,
Tương tư bất tương kiến,
Đồng ẩm Tương Giang thủy.

(Chàng ở đầu sông Tương,
Thiếp ở cuối sông Tương,
Cùng nhớ nhau mà không thấy nhau,
Cùng uống nước sông Tương
)

Câu 68, tác giả chỉ đổi chữ TƯƠNG thành chữ CỐ.

& Ba câu 69, 70, 71: tác giả dựa vào bài thơ Mạch Thượng Tang, kể sự tích nàng La Phu họ Tần, đã có chồng, đi hái dâu, bị Sứ Quân ( ó chỗ nói là Thái Thú, hoặc vua Triệu) tính ép về làm vợ, nhưng nàng khéo léo chối từ, giữ được lòng chung thuỷ. Tác giả cũng dùng bài Xuân Khuê của Đái Thúc Luân, tả người chinh phụ, đeo giỏ đi hái dâu, mà ngẩn ngơ quên việc của mình, vì giấc mơ gặp chồng đêm qua:

Niểu niểu thành biên liễu,
Thanh thanh mạch thượng tang,
Đề lung vong thái diệp,
Tạc dạ mộng Ngư Dương 

(Bên thành tơ liễu thướt tha,
Ngàn dâu xanh ngắt la đà trên nương,
Quên hái lá, dạ vấn vương,
Đêm qua mộng tới Ngư Dương gặp chàng
.)
(Bát Sách dịch)

Đoạn thơ này, bà Điểm dịch rất hay, nhưng câu 70, tôi thích bản của Phan Huy Ích "ngàn dâu thôi lại ngàn dâu" láy được 2 lần mạch thượng tang của nguyên bản.

Câu 112:

Cổ lai chinh chiến kỷ nhân hoàn.


Lương Châu Từ của Vương Hàn:


Bồ đào mỹ tửu,dạ quang bôi,
Dục ẩm tỳ bà,mã thượng thôi,
Tuý ngoạ sa trường quân mạc tiếu,
Cổ lai chinh chiến kỷ nhân hồi.

Câu của Đặng Trần Côn chỉ khác câu chót chữ cuối cùng, là hoàn, thay vì hồi.

(Rượu bồ đào, chén dạ quang,
Muốn say, đàn đã rền vang giục rồi,
Sa trường say ngủ ai cười,
Từ xưa chinh chiến mấy người về đâu.)

    (Trần Trọng San dịch)

& Các câu sau đây:

Tín lai,nhân vị lai,(162)
Dương hoa linh lạc ủy thương  đài,(163)
Thương đài,thương đài,hựu thương đài,(164)
Nhất bộ nhàn đình bách cảm thôi.(165)

(Tin thường lại người không thấy lại,
Hoa dương tàn đã trải rêu xanh,
Rêu xanh mấy  lớp chung quanh,
Dạo sân một bước,trăm tình ngẩn ngơ.)

Trong bài Cửu Biệt Ly của Lý Bạch, 2 câu chót là:

Đãi lai, cánh bất lai,
Lạc hoa tịch tịch uỷ thương đài.
(Đợi hoài không thấy người tới,
Hoa  rơi lặng lẽ phủ rêu xanh).

Trong đoạn này, ta nhận thấy mấy điều:
1) Các câu162, 163 của Đặng Trần Côn rất giống hai câu thơ của Lý Bạch.
2) Đoạn này có 6 câu, các câu 160,161 bà Điểm không dịch:

Tích niên ký tín khuyến quân hồi,
Kim niên ký tín khuyến quân lai,
(Năm ngoái gửi thư khuyên chàng về,
Năm nay gửi thư khuyên chàng trở lại.)

Phải chăng bà sợ chinh phụ khuyên chồng đào ngũ?

3) Câu 164: bà Điểm dịch là Rêu xanh mấy lớp chung quanh, không sát nghĩa, tôi nghĩ không bằng câu của Phan Huy Ích "Rêu xanh lớp lớp rêu xanh", láy được mấy chữ thanh đài của nguyên tác. Nhưng câu 165 mà dịch là "Dạo sân một bước trăm tình ngẩn ngơ" thì thật là thần cú, vừa hay, vừa sát nghĩa, đáng thán phục.

4) Câu 344, 345:

Hồi thủ trường đê dương liễu sắc.
Hối giao phu tế mịch phong hầu.

Bài Khuê Oán của Vương Xương Linh như sau:

Khuê trung thiếu phụ bất tri sầu,
Xuân nhật ngưng trang thướng thuý lâu,
Hốt kiến mạch đầu dương liễu sắc,
Hối giao phu tế mịch phong hầu.

Phòng khuê nàng chửa biết buồn,
Ngày xuân điểm phấn tô son lên lầu,
Chợt trông đường liễu xanh mầu,
Xui ai tìm cái phong hầu mà chi.
(Trần Trọng San dịch).

Ta thấy 2 câu của Đặng Trần Côn chỉ khác 2 câu chót của Vương Xương Linh một
chút xíu.
Bà Điểm dịch rất hay:

Lúc ngoảnh lại ngắm mầu dương liễu,
Thà khuyên chàng đừng chịu tước phong.

& Các câu sau đây:

Phụ Quyết hề!Cự Hư.(414)
Bão La hề!Thỏ ti.(415)
Hà nhân sinh chi tương viễn,(416)
Ta vật loại chi như tư,(417)
Yên đắc:Tại thiên vi tị dực điểu,(418)
Tại địa vi liên lý chi.(419)

Quyết và Cự Hư là con gì thì tôi xin chịu. Theo học giả Nguyễn Bá Triệu thì Cự Hư là

một loài thú, chân trước dài, chân sau ngắn, không cúi xuống ăn cỏ được, còn Quyết thì chân trước ngắn, chân sau dài, khi chạy ngã, nên nó gặm cỏ truyền cho Cự Hư, con này cõng Quyết chạy khi hữu sự. Theo sách Bác Vật Chí, thì con vật chân trước dài, chân sau ngắn là con Lang, chân trước ngắn, chân sau dài là con Bái, hai con này hợp tác với nhau để leo rào, leo tường kiếm mồi, nên Tầu có thành ngữ là Lang Bái vi gian.

Bão La và Thỏ Ti thì tôi nghĩ là Nữ La và Thố Ti,không biết ông Côn nhầm hay sách in sai,vì trong bài Cổ Ý của Lý Bạch,có câu : Quân vi Nữ La Thảo,Thiếp tác Thố Ti Hoa, tả 2 loại cây,cành cành kết nhau chằng chịt,bên trong có đôi phỉ thuý,bên trên có đôi uyên ương,toàn là đôi,tương phản với sự cô đơn một mình của chinh phụ.

Hai câu 418, 419 thì từ bài Trường Hận Ca của Bạch Cư Dị:

Tại thiên nguyện tác tỉ dực điều,
Tại địa nguyện vi liên lý chi.

Đoạn này có 6 câu, bà Điểm dịch thành 4 bỏ các câu 414,415, hai câu 416,417 thành 3,

2 câu 418,419 dịch làm một:

Ấy loài vật tình duyên còn thế,
Sao kiếp người nỡ rẽ đó đây,
Thiếp xin muôn kiếp duyên này,
Như chim liền cánh,như cây liền cành.

Xin giải thích về hai điển tích:

- Chim liền cánh: Ở miền nam,có loài chim Kiêm Kiêm, chỉ có 1 cánh và 1 mắt, khi muốn bay, con trống và con mái phải chắp vào với nhau.

- Cây liền cành: Hàn Phùng, có vợ đẹp họ Tức. Vua Tống bắt Tức thị vào cung, Hàn tuyệt vọng, tự tử. Tống vương ép Tức thị, nàng cũng nhẩy lầu mà chết, để lại bức thư,xin chôn mình cạnh chồng.Vua Tống giận quá, cho chôn thật xa,nhưng từ hai ngôi mộ,có mọc lên hai cây leo, bò lại gần, quấn lấy nhau, không rời.

GIÁ TRỊ CỦA BẢN DỊCH CHINH PHỤ NGÂM

Nhìn một cách tổng quát,bản dịch của bà Đoàn Thị Điểm quá hay.Trong phần trên, tôi đã khen hay ở một vài chỗ rồi,ở đây,xin ghi thêm một số câu dịch mà tôi thấy thật xuất thần,nhưng cũng xin phép nêu lên một vài chỗ mà tôi thấy chưa được hoàn hảo như mình mong muốn,nhưng nói thì dễ,làm mới khó,ở đời này,chẳng có gì hoàn hảo cả.

Câu 39: Trịch ly bôi, vũ Long Tuyền.
Bà Điểm dịch là:Múa gươm rượu tiễn chưa tàn.

Theo học giả Nguyễn Bá Triệu thì câu văn ủy mị quá,không nói được vẻ oai hùng của chinh phu.Ông đề nghị: Quẳng ly bôi, múa Long Tuyền.Cũng hợp lý. Tôi vốn mê truyện Kim Dung, có coi phim Thiên Long Bát Bộ, tới chỗ Tiêu Phong đem A Châu tới Tụ Hiền Trang để xin Tiết Mộ Hoa, Y tiên chữa hộ. Lúc đó Tiêu Phong đang là kẻ thù của võ lâm trung nguyên, chàng một mình đi vào hổ huyệt. Sau khi uống rượu đoạn nghĩa với bạn cũ, Tiêu Phong quăng hũ rượu rồi vung chưởng độc chiến quần hùng... Hình ảnh đó làm tôi nhớ tới câu thơ của Đặng Trần Côn, và thấy quả nhiên ông Triệu có lý.

Câu 397: Phân phân thiếu phụ kỷ thành bà, được dịch là Gái tơ mấy chốc hoá ra nạ dòng, nghe không mấy quý phái, nhưng biết sửa làm sao?

Đoạn 6 câu: Sương thôn vũ điếm,(92)
Hổ lạc xà khu,(93)
Phong xan lộ túc(94)
Tuyết hĩnh băng tu.(95)
Đăng cao vọng vân sắc.(96)
Yên phục bất sinh sầu.(97)

Bản dịch: 
Đã cách trở đòi ngàn xà hổ,
Lại lạnh lùng những chỗ sương phong,
Lên cao trông thức mây lồng,
Lòng nào mà chẳng động lòng bi thương.

Hai câu 94,95 không được dịch. Theo học giả Nguyễn Bá Triệu:

- Phong xan lộ túc là Bữa ăn ở ngoài gió, ngủ ở chỗ sương giá.
- Tuyết hĩnh băng tu là: Tuyết ngập ống chân, băng bám vào râu.

Nhưng 4 câu dịch thì thật tuyệt, theo ý tôi, nhất là câu chót.

Lại một đoạn 6 câu được thu thành 4:

Hương các trùng hoài bồi tiếu kiểm,(398)
Hoa lâu thượng ký giải hương la.(399)
Hận thiên bất dữ nhân phương tiện,(400)
Để sự đáo kim thành khảm kha,(401)
Khảm kha,khảm kha tri nại hà,(402)
Vị thiếp ta hề!vị Quân ta.(403)

Bản dịch của bà Điểm:

Gác hương nọ mơ màng vẻ mặt,
Lầu hoa kia phảng phất hơi hương.
Trách trời sao để dở dang,
Thiếp vì thiếp lại vì chàng thở than.

Như vậy 3 câu 400, 401, 402 dịch gom thành Trách trời sao để dở dang.(Cả 3 câu này có nghĩa là: đến nỗi bây giờ thành trăc trở, biết làm sao đây), cũng đủ ý, câu cuối quá hay, nhưng hai câu đầu, theo ý ông Nguyễn Bá Triệu, thì dịch chưa đủ ý âu yếm, lả lơi của nguyên tác, vì Bồi tiếu kiểm là kề má vui cười, và Giải hương la lá cởi áo là thơm... Hấp đẫn lắm chứ!

Nói về những câu dịch hay, thì vô số kể... Ở phần trên, khi có dịp tôi đã nói rồi, tôi ghi thêm vào đây một số câu nữa:

Câu 28, 29, 30:

Tống Quân khứ hề! tâm du du,
Quân đăng đồ hề!Thiếp hận bất như câu,
Quân lâm lưu hề!Thiếp hận bất như châu.(chu là cái thuyền)

Ba câu này, gom thành 2 câu tuyệt diệu:

Đưa chàng lòng dằng dặc buồn,
Bộ khôn bằng ngựa, thuỷ khôn bằng thuyền....

Bốn câu 31, 32, 33, 34 cũng như vậy:

Thanh thanh hữu lưu thuỷ,
Bất tẩy thiếp tâm sầu,
Thanh thanh hữu phương thảo,
Bất vong thiếp tâm ưu.
   
Nước có chảy mà phiền khôn rửa,
Cỏ có thơm dạ nhớ chẳng khuây.
-  Các câu 68, 69, 70, 71:  Đã nói ở trên
- Hai câu76, 77: 
Phong ngao ngao hề! đả đắc nhân nhan tiều,
Thuỷ thâm thâm hề!khiếp đắc mã đề súc.

Hơi gió lạnh, người rầu,mặt rạn,
Dòng nước sâu ngựa nản chân bon...

Ngựa nản chân bon thì hay hết biết.Một nhà văn  đã dùng 4 chữ ngựa nản chân bon làm tên cho tác phẩm của mình,cũng như Phan Nhật Nam đã lấy "Dấu binh lửa", theo câu Dấu binh lửa nước non như cũ của bà Điểm, cho sách của ông.

Kỳ Sơn cựu trủng nguyệt mang mang,(104)
Phì Thuỷ tân phần,phong niểu niểu.(105)
(Non Kỳ, quạnh quẽ trăng treo,
Bến Phì gió thổi đìu hiu mấy gò).

Chữ mấy gò để chỉ cả cựu trủng và tân phần, ngoài ra thì có đủ trăng, gió, quạnh quẽ, đìu hiu, hay và sát nghĩa vô cùng.

- Câu 113: Ban Siêu... Đã nói ở trên.
-Câu 165:Nhất bộ... Đã nói ở trên.
- Câu 180: Quân hữu lão thân,mấn như sương,
                 Quân hữu nhi lang,niên thả nhụ,
                 Lão thân hề ỷ môn.
                 Nhi lang hề đãi bộ.(183)
Mẹ già phơ phất mái sương,
Con thơ măng sữa còn đương bù trì.
Lòng lão thân buồn khi tựa cửa,
Miệng hài nhi chờ bữa mớm cơm.

Bây giờ đây, con đã lớn,nhưng hai câu viết về mẹ thì vẫn còn làm tôi ứa lệ, nhớ tới mẹ thủơ sinh tiền, dù mẹ tôi qua đời đã 15 năm...

Câu 213: Văn sương mạn tự chế miên y, được dịch là: Nghe hơi sương, sắm áo bông sẵn sàng, theo ông Triệu thì vừa êm tai vừa tha thiết.

Kỷ độ hoàng hôn thì, trùng hiên nhân độc lập,(222)
Kỷ hồi minh nguyệt dạ, đơn chẩm mấn tà khi.(223)

Trời hôm đứng lặng ngẩn ngơ,
Trăng khuya nương gối,bơ phờ tóc mai.

Câu sau này, chẳng ai biết là thơ dịch!
Bất thăng tiều tụy hình hài nhuyễn (290): Võ vàng đổi khác dung nhan.
Hai chữ võ vàng thật hay và thật Việt Nam.

- Tây phong phiêu bạc, điều thanh ai (329): Con chim bạt gió,lạc loài kêu thương.
- Câu 369: Ngọc nhan tuỳ niên tước mà dịch là một năm một nhạt mùi son phấn thì theo ý tôi, hay hơn câu chữ Hán.

Nói tóm lại,bà Điểm dịch Chinh Phụ Ngâm,theo ý tôi, với cả tấm lòng mình, với sự thông cảm nỗi đau đớn, nhớ thương của chinh phụ. Bà dịch theo cảm hứng của mình, không gò bó, vì vậy cho nên, ngay 3 câu đầu,bà đã dịch thành 4 câu cho đủ ý, và có rất nhiều đoạn, 6 câu bà dịch gọn thành 4, cũng vì vậy mà nguyên bản 477 câu,theo thể trường đoản cú,bà dịch thành 408 câu theo thể song thất lục bát.

Lời văn thì tuyệt hay, trang nhã,quý phái, khi thì hùng mạnh, khi thì buồn thảm, âu yếm, nhớ nhung... Theo thiển ý thì đây là áng văn hay nhất trong kho tàng chữ nôm của ta và cũng là tác phẩm mà tôi yêu thích từ nhiều năm nay.

Nguyễn Thanh Bình (Bát Sách)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét