Thứ Ba, 7 tháng 9, 2021

Vài Sinh Hoạt Văn Học Nghệ Thuật Paris

 

Đề Tài:

- "Ý Nghĩa Cuộc Sống Của Loài Người "
- "Những Điều Huyền Bí Về Sự Sáng Tạo Vũ Trụ"
 - "Sự Bảo Tồn Văn Hóa Việt Nam tại Hải Ngoại"

Khách mời tham dự là những khuôn mặt trí thức quen thuộc trong giới Văn Hóa Việt Nam Paris.
Mở đầu chương trình BS Nguyễn Bá Hậu, vị niên trưởng, cựu chủ tịch CLBVHVN Paris, ông tường trình sơ lược về sinh hoạt văn hóa của CLB trải qua một khoảng thời gian dài mấy thập niên:

"Chúng ta sống ở hải ngoại đã 40 năm. Về vấn đề văn hóa, tôi xin chia làm hai mức: hai mươi năm đầu, Ba Lê Thi Xã (BLTX) gồm những nhà thơ lão thành khoa bảng, những nhà trí thức ở Việt Nam di cư sang Âu Châu, rất nổi tiếng về thơ Đường, nhưng bây giờ tuổi đã quá cao, họ chết gần hết chỉ còn lại một vài người thôi như nhà thơ Vân Uyên Nguyễn Văn Ái, nhà thơ Quỳnh Liên Cao Văn Chiểu, tôi, và Đỗ Bình là người trẻ nhất. Chúng tôi cũng nghĩ xa là BLTX sẽ thiếu hội viên vì họ qua đời cả, sẽ có ít người làm thơ Đường nên chủ trương thành lập CLBVH mà chúng ta được họp mặt sinh hoạt như bây giờ. Hơn hai mươi năm nay rồi, CLBVH mở rộng tầm hoạt động ra đủ thể loại: thơ, thơ tự do, văn, nhạc, hội họa… để các nghệ sĩ khác đều được tham dự. Nếu muốn tìm hiểu về BLTX ở giai đoạn thứ nhất thì tôi biết được nhiều, sẽ cố vấn cho những ai muốn biết, còn về CLBVH ở giai đoạn thứ nhì thì ai cũng biết rồi, nó dễ hơn.

  Bác sĩ Phan Khắc Tường, chủ tịch Câu Lạc Bộ ngỏ đôi lời:

"Chúc mừng quý quan khách và các bạn một năm mới nhiều hạnh phúc và sức khỏe. Tôi ước mong: Sẽ có những buổi họp mặt để chúng ta được dịp hội thảo, hàn huyên trao đổi văn hóa...".

Nhà thơ Đỗ Bình cựu chủ tịch CLB, cũng là MC trong chương trình, cho biết những dự định của CLB trong tương lai sẽ tổ chức giới thiệu những buổi ra mắt sách trong đó có Nhà văn Toàn Phong Giáo sư Nguyễn Xuân Vinh, Nhà văn Nguyễn Hữu Nhật, Nhà văn Nguyễn Thị Vinh, Học giả BS Trần văn Tích…v.v..

Mở đầu phần thảo luận: Ý Nghĩa Cuộc Sống Của Loài Người, nhà thơ Đỗ Bình đã đặt câu hỏi:

- Theo những tài liệu được ghi lại trong sách, trái đất được hình thành từ Tinh Vân Mặt Trời cho đến nay khoảng 4,54 tỷ  năm. Con người xuất hiện trên trái đất rất từ 250 ngàn  năm,  nhưng Ai sinh ra ta con người?.

BS Nguyễn Bá Hậu xin phát biểu trước:

" Theo tôi đây là một đề tài rộng lớn. Con người là một thành phần của vũ trụ. Muốn biết ai sinh ra ta thì ta phải biết ai tạo dựng ra vũ trụ hay là vũ trụ được tạo dựng như thế nào?... Và mọi sự xảy ra trong vũ trụ đều là huyền bí... Những người theo Thiên Chúa giáo nhờ có Thánh kinh mà biết được nguyên nhân làm ra những điều huyền bí về việc tạo dựng vũ trụ..." (Sách Sáng Thế- Genèse).

Nói về tôn giáo tín ngưỡng là nói về Đức Tin, đó là theo quan niệm của mỗi người, do sự dạy dỗ và truyền thống đã có sẵn trong gia đình hay do sự tìm hiểu riêng biệt của mỗi cá nhân. Giáo sư Trịnh Khải giải thích rằng:

" Theo Hippocrate le Grand (460-370 trước J-C): Từ lúc sinh ra, con người chúng ta lúc nào cũng có thể nhim mọi thứ bệnh. Và bệnh tật là con đường hay phương tiện dẫn đến cái chết. Trong lúc học hỏi hay mong chờ sự giúp đỡ bên ngoài, con người thật vô dụng. Trong lúc đang lớn, nó vừa yếu vừa thiếu đức hiền". Theo Blaise Pascal (1623-1662): Nếu có Trời, Người  sẽ vô cùng tận không thể hiểu được đối với kẻ phàm tục. Vì không thể đo lường, không có kích thước, Người không có dính dáng gì đến chúng ta. Chúng ta không có khả năng để biết Người là thế nào, kể cả Người có thật không. Sự thật là thế, ai có thể giải quyết câu hỏi trên? Chắc chắn không phải chúng ta vì chúng ta phàm tục chẳng có bang giao gì với Người.  Đức Phật lại nói rằng: "Tất cả sinh đều đi đến tử" từ vạn vật cho đến các ngôi sao sáng trên vòm trời rồi cũng sẽ tan rã. Và "Trong sự sinh, sống, lão, tử của con người không có thánh thần nào can dự vào..."

BS Nguyễn Bá Hậu đáp lời Giáo sư Trịnh Khải:

"Quan niệm về Phật học khác với Công Giáo. Theo Công giáo con người ta có hai phần là phần xác và phần hồn. Nói về đau khổ, phần xác không lâu dài chỉ có trên 80 năm là hết, còn phần hồn là vĩnh cữu. Vậy con người ta sống ở đời này đều tạm bợ cả. Tạm bợ để thử thách xem giá trị của linh hồn mình ra sao. Muốn thử thách phải có đau khổ. Có đau khổ mà mình thắng được, giữ cho linh hồn trong sạch thì mới được vinh quang đời sau". Sau khi đọc bài tôi viết, có nhiều người hỏi tôi rằng: " Nếu Thiên Chúa là Đấng Tạo Hóa thì tại sao ta không nhìn thấy mặt Thiên Chúa, làm thế nào mà tin được?"
 
Nhà thần học TS Nguyễn Tấn Phước cho rằng:

"Tại sao ta không thấy Thiên Chúa nhưng ta lại tin Ngài? Tất cả những điều đó qui tụ trong sách Sáng Thế, khi xưa trong Vườn Địa Đàng, Thiên Chúa đối với ông Adong và bà Evà như trong một gia đình, nhưng từ khi có tội tổ tông và tội bất phục tùng. Tổ tiên ta đã bị kết án bởi nguyên tội và tội lỗi ban đầu dẫn đến bị tước đoạt con người nhìn thấy Thiên Chúa. Tại sao có đau khổ? Vì tội lỗi ban đầu mà Thiên Chúa lên án con người. Người đàn ông phải chịu đau khổ để tồn tại và người phụ nữ phải chịu đau khổ để sinh con, chia sẻ giữa các thế hệ, tội lỗi được truyền đạt cho nhân loại. Sự đau khổ theo loài người cho tới chết tất nhiên luôn luôn một mình. Tất cả mọi người được sinh ra một mình, chịu đựng một mình và chết trong cô đơn ..."

Bà TS Từ Thu Hương góp một vài cảm nghĩ về ý nghĩa cuộc sống của những người ngoại đạo:

"Không theo một tôn giáo nào, chỉ tự tạo cho mình một ý nghĩa riêng biệt mà họ cho là phù hợp với nếp sống của họ như đại đa số người tích cực đóng góp vào công cuộc xây dựng hạnh phúc gia đình; những nhà từ thiện tìm kiếm phương tiện để trợ cấp, cứu giúp người nghèo đói khổ đau; giới y dược chữa trị bệnh nhân, khảo cứu y khoa để khắc phục các chứng bệnh nan y... Rất nhiều trường hợp của biết bao người theo đuổi những ý nghĩa tốt đẹp ở trên đời tựu chung là đi tới lòng thương yêu gia đình, đồng loại... Ngược lại, cũng có những người theo đuổi ý nghĩa đời sống của họ trong những ước muốn xấu xa như tham lam vật chất, tiếm đoạt của cải... Trường hợp của nhà thơ Charles Baudelaire (1821-1867) chọn sự sống sa đọa đam mê tửu sắc diễn tả trong tập thơ "Les Fleurs du Mal". Theo Baudelaire, trong thâm tâm của mỗi người lúc nào cũng có sự hiện hữu của hai đòi hỏi trái ngược: sống khắc khổ lành mạnh theo điều răn của Thiên Chúa hay sống dễ dàng trong lạc thú tội lỗi như quỷ Satan. Đời sống của nhà thơ này bị ray rức giữa an lạc tâm hồn và khổ đau nhức nhối. Rút cục ông bị rơi vào con đường sa ngã bùn lầy vì ông chỉ thấy cái đẹp trong sự đồi trụy..."

Linh mục Nguyễn Văn Hội thuật lại một buổi nói chuyện trao đổi với một vị tu hành Phật giáo và sau khi xem một vài quyển sách liên quan đến Phật giáo đã có đôi dòng suy tư về ý nghĩa của hoa sen cùng việc giải thoát của con người. Linh mục phát biểu:

"...Sen mọc lên từ bùn. Mà bùn thì hôi tanh, dơ bẩn. Thế nhưng dù trong bùn, sen cũng không bị nhiễm cái hôi tanh của bùn, trái lại sen vẫn đẹp rực rỡ thơm ngát. Theo giáo lý Phật giáo, điều hệ trọng để có thể giải thoát là ở việc hướng về Tâm, làm chủ được Tâm và chuyển hóa Tâm. Bởi vì Tâm là Phật. Mỗi người cần phải tự mình cố gắng vươn lên, tu luyện làm cho Phật tính nơi mình lớn dần lên từng ngày, để thoát khỏi những gì là "hôi tanh" của cuộc đời, của thân phận con người, giống như hoa sen vươn lên khỏi mặt nước thoát cảnh bùn nhơ để trở thành thơm tho, tinh khiết. Theo giáo lý Công giáo, việc giải thoát khởi đầu bằng việc Ngài xuống trần gian qua mầu nhiệm Nhập Thể, mang thân phận con người và sau khi chịu chết trên thập giá, Ngài đã lên trời về nơi vĩnh hằng nhưng điều đặc biệt là Ngài không lên một mình mà kéo theo mình tất cả những ai tin vào Ngài..."

TS Võ Hùng Anh phát biểu:  

"Theo một tài liệu vừa thu thập: "Về căn bản tín ngưỡng tôn giáo, chúng ta không có cách nào có thể so sánh Phật Giáo với Kitô Giáo được. Lý do rất đơn giản, vì Phật Giáo là tôn giáo của trí tuệ, mà trí tuệ thì không thể tách rời “Lý Trí” [Reason]. Đại Học Vạn Hạnh trước đây có “motto”: ‘Duy Tuệ Thị Nghiệp’. Còn Kitô Giáo thì ai cũng biết đó là tôn giáo của “Đức Tin” [Faith]. Vậy thì trước hết chúng ta cần phải biết định nghĩa của Đức Tin và của Lý Trí.
Theo H. L. Mencken thì “Đức tin có thể định nghĩa ngắn gọn như là một niềm tin phi lý vào những gì không chắc chắn xảy ra (Faith may be defined briefly as an illogical belief in the occurrence of the improbable.) Còn theo Tự Điển thì “Đức Tin là sự tin chắc vào một cái gì đó mà không chứng minh được cái đó có thực” [Faith is the firm belief in something for which there is no proof].
Trong tự điển có 2 định nghĩa của Lý Trí: “khả năng có những tư tưởng hợp lý, suy lý hoặc phân biệt” (The capacity of rational thought, inference, or discrimination), và “suy xét đúng, phán đoán hợp lý” (Good judgment, sound sense)”.

Nhà văn Đỗ Bình:
- Trong Ý Nghĩa về Cuộc Sống của Loài Người, các vị đã nói đến Đức Tin, Cái Tâm; Phật Tính, và những người không theo một tôn giáo nào mà chỉ tự tạo cho mình một ý nghĩa riêng biệt phù hợp với nếp sống của họ, nhất là nói về ý nghĩa của hoa Sen, xin hỏi: Thế nào là Thiền ?

Giáo sư Trịnh Khải trả lời câu hỏi của nhà văn Đỗ Bình:

"Nếu tìm hiểu đến tận nguồn gốc, ta có thể hiểu cuộc đời Đức Phật chia làm ba giai đoạn: Giai đoạn cuộc sống gia đình, giai đoạn đi tầm Đạo để tới tột đỉnh về Thiền Yoga, giai đoạn thứ ba nhờ nắm vững phương thức Thiền Yoga, Đức Phật tìm ra phương thức Thiền Đạo Phật để đi đến Niết Bàn rồi đến Giác Ngộ. Có hai lối Thiền là Hatha Yoga và Raja Yoga...".
Nhà thần học Nguyễn Tấn Phước cũng cho biết thêm có một lối Thiền của Nhật Bản là Thiền Tọa.

Tiếp theo phần phát biểu của Giáo sư Nguyễn Quang Riệu.

Giáo sư Nguyễn Quang Riệu, nguyên là Giám đốc Nghiên cứu danh dự Trung tâm Quốc gia nghiên cứu Khoa học Pháp (CNRS), Đài Thiên văn Paris. Chuyên gia về Thiên văn vô tuyến và các chất hữu cơ trong vũ trụ. Năm 1973, ông đã được giải thưởng của Viện hàn lâm khoa học Pháp cho công trình nghiên cứu Cygnus X3 trong chùm sao Thiên Nga (Cygnus), cách trái đất 30.000 năm ánh sáng. Ông còn là tác giả nhiều tác phẩm thiên văn học bằng Việt ngữ như: Vũ trụ-Phòng thí nghiệm thiên nhiên vĩ đại, Lang thang trên dải Ngân Hà, Sông Ngân khi tỏ khi mờ, Bầu trời tuổi thơ v.v.. Con Người Đối Mặt Với Vũ Trụ (l'Homme face au Cosmos) . Giáo sư Nguyễn Quang Riệu bằng một giọng nói nhỏ nhẹ, trầm ấm:

"Tôi xin mượn mấy lời của nhà văn học Pháp Henri Poincaré: "La pensée n'est qu'un éclair au milieu d'une longue nuit. Mais c'est cet éclair qui est tout". Tôi tạm dịch: "Tư duy chỉ như một tia chớp trong cả một đêm dài. Nhưng chính tia chớp này là tất yếu". Dù tia chớp không có ý nghĩa gì cả nhưng chính là con đường mình phải đi còn thật dài. Không có tia chớp này thì nhân loại không tiến được. Ngoài mắt thường ta nhìn thấy, còn có những ánh sáng mà mắt ta chỉ nhìn thấy được một phần rất nhỏ trong phổ điện từ như: tia bức xạ gamma, quang tuyến X, tia tử ngoại ultraviolet, tia hồng ngoại infrarouge… được ứng dụng vào các ngành y tế, hóa học, vật lý, xây dựng, dầu khí, cơ khí v.v.
Do đó, các nhà thiên văn phải làm ra kính thiên văn như: kính thiên văn quang học (optical téléscope), kính thiên văn radio (radio téléscope) hay ăng-ten ra-đa… để thu được các bức xạ vô tuyến và nhìn thấy được chi tiết các thiên thể trên trời. Khởi đầu Vũ trụ là một hạt cực kỳ nhỏ và nóng đặc, thuộc về một môi trường "chân không lượng tử" (vide quantique), khoảng chân không này không phải hoàn toàn trống rỗng mà là nơi có những hạt ảo (particules virtuelles) xuất hiện đột biến bất thường. Sự chuyển động trong chân không của những hạt ảo này sản sinh ra rất nhiều năng lượng để tạo nên một lực đẩy vô cùng mãnh liệt làm Vũ trụ bỗng phình ra khoảng 10-35 giây sau Vụ Nổ Lớn (Le Big Bang). Hiện tượng lạm phát (phénomène d'inflation) này chỉ kéo dài trong vòng 10-3  giây nhưng đã làm thể tích Vũ trụ tăng lên 1078 lần trong vòng một mili giây! Để so sánh, sau thời đại lạm phát, thể tích của Vũ trụ chỉ tăng lên có 109 lần trong suốt 13,82 tỷ năm tuổi. Sau khi Vụ Nổ Lớn diễn ra, nhiệt độ tăng lên vô cùng nóng tạo điều kiện cho electron bị tách ra khỏi hạt nguyên tử và khuếch tán photon (ánh sáng) ra tứ phía làm Vũ trụ nguyên thủy mờ đục. Phải đợi đến khoảng 400.000 năm sau, nhiệt độ nguội dần xuống tới khoảng 3.000 độ K, các electron lúc đó mới tái hợp được với ion và Vũ trụ không còn bị electron tự do khuếch tán nên trở thành trong sáng. Như vậy, giải thích sự hình thành và phát triển của Vũ trụ được tạo ra từ một Vụ Nổ Lớn.
Những mô hình vũ trụ mô tả nguồn gốc và sự tiến hoá của Vũ trụ đã được xây dựng trên những kết quả quan sát thiên văn và những lý thuyết vật lý phức tạp. Sở dĩ những điều kiện tự nhiên trong Vũ trụ nguyên thủy được điều chỉnh tinh tế, nên có các nhà khoa học nảy ra ý kiến là có sự can thiệp của một thực thể tương tự như một Đấng Sáng tạo. Hiện tượng này tỏ ra thích hợp với tư tưởng của những tôn giáo độc thần, như Kitô giáo, Do thái giáo và Hồi giáo. Ngược lại, khái niệm sáng tạo không phù hợp với tư tưởng Phật giáo. Đạo Phật được coi là một tôn giáo không có Thượng đế, thậm chí chỉ là một thuyết triết học. Phật tử phải sống theo đạo lý của Phật giáo để được giác ngộ và thoát ra khỏi vòng luân hồi liên miên đầy đau khổ. Theo Phật giáo, Vũ trụ không có khởi điểm và cũng không có kết thúc. Tư tưởng này hoà hợp với thuyết đa vũ trụ, cho là có nhiều vũ trụ bong bóng vĩnh hằng và bất di bất dịch, không trải qua trạng thái nóng đặc của thuyết Vụ Nổ Lớn. Tuy nhiên, tín ngưỡng là lòng tin thâm thúy của mỗi người và không cần phải được biện hộ bằng những chứng cứ khoa học. Tôn giáo và khoa học đi theo những con đường song song với nhau mà không bao giờ gặp nhau".

- Mỗi người mỗi ý nghĩ, tựu trung đều đưa ra nhiều thắc mắc, khoa học và tôn giáo có liên quan với nhau hay không?

GS Nguyễn Bảo Hưng phát biểu:

"Khoa học giải thích cho chúng ta biết sự hình thành và phát triển mà sinh ra mọi vạn vật nhưng hạt nhân do từ đâu ra? Tôn giáo và khoa học là hai con đường song song cùng nhau. Là một nhà nghiên cứu khoa học có bao giờ GS bước sang lĩnh vực tôn giáo để đặt vấn đề khoa học nghĩ rằng tôn giáo mang một dạng khác?".

Giáo sư Nguyễn Quang Riệu trả lời:

"Cái đó thuộc về lĩnh vực Neurologie để cho người ta nghiên cứu hoặc là tâm linh. Theo ý tôi, người Pháp nói: "L'Un n'empêche pas l'autre" tức là khi chọn khoa học thì cứ nghiêng về khoa học. Tôi cũng tin, cũng đi chùa chứ không phải là tôi phủ nhận. Người vô thần có thể là một nhà khoa học rất tốt hay ngược lại".

Gs Trịnh Khải góp ý:

"Phật giáo đặt căn bản trên hai chữ vô thủy và vô chung. Cho nên những cái gọi là chân lý tương đối không phải là chân lý tuyệt đối, cũng không phải là chân lý tối hậu. Đức Phật khuyên chúng ta con đường của người Phật tử là đừng tìm chuyện cao xa mà phải tìm hiểu những điều ta sống hằng ngày, sửa đổi, tu tâm, để chuyển cái nghiệp của cuộc đời mình theo luật nhân quả, nếu làm xấu trước sau cũng phải trả. Câu nói của Đức Phật rất đơn giản: "Tout se paye et tout est payé" (Đã mang nợ thì trước sau phải trả thôi). Cuộc đời của chúng ta nên sống như vậy".

Nhà thơ Phương Du tiếp lời:

"Quan niệm về nghiệp chướng tôn giáo nào cũng có cả, tức là làm ác thì gặp đau khổ, làm lành thì gặp hạnh phúc. Ngoài ra còn có sự huyền bí trong vũ trụ, các nhà khoa học chỉ nói con người ta có ký ức, tư tưởng, trí thông minh nhưng không nói do ở đâu mà ra. Nếu chỉ nói về vật chất, người ta sinh ra, sống rồi chết thì vô lý quá. Phần hồn cũng là quan trọng. Phần xác là tạm bợ, phần hồn là vĩnh cửu. Tại sao không nghiên cứu về đời sau?".
Phần hội luận vô cùng sôi nổi TS Võ Hùng Anh, Linh mục Ngô Đình Sỹ, GS Trần Văn Thu cùng các vị khác có nhiều góp ý.

GS Trần Văn Cảnh nêu ra nhiều câu hỏi:

"Những khám phá về triết học cũng như về thần học, khoa học chưa đủ vì nó chỉ có hai khái niệm về không gian và thời gian. Ngoài ra còn có những cái khác, bước nhảy vọt vượt qua mà không dựa vào gì hết, nếu dựa vào biến đổi khoa học sơ đẳng thì có vật lý biến đổi theo chuyển động, có sinh lý biến đổi theo sinh đẻ, có hóa học tức là có những biến đổi theo phân tích và tổng hợp. Trong thế giới có những biến đổi này, thì ta thấy qua và hiểu được. Và các khái niệm về không gian và thời gian thì ta có hiểu được nhưng chưa giải thích hết được?". 

GS Nguyễn Quang Riệu trả lời:


"Nhiều khi tôi tự hỏi không cần tìm hiểu xa xôi trước khi sinh ra mình là gì, khi chết mình ra sao? Có ai biết được không? Tôi thấy con người mình phải khiêm tốn thôi, không thể nào biết được hết. Các nhà khoa học giỏi đến đâu thì giỏi mà cũng không thể hiểu". 

GS Trần Văn Cảnh: "Tiến trình từ lúc có Vụ Nổ Lớn (Big Bang) cho đến bây giờ ta đang ở đây sau gần 14 tỷ năm có những giai đoạn tiến trình nào khác? Trong tương lai giả dụ có tiến triển nào chưa? Ước lượng giả sử những tiến trình trong tương lai, những điều đã biết và những điều còn đang trong giả thuyết?"


GS Nguyễn Quang Riệu trả lời:


"Điều mà các nhà thiên văn hiện giờ đã đánh giá vào độ tuổi của Vũ trụ là 13,7. Đó cũng là một khoảng sai hay đúng thì không biết, nhưng người ta công nhận là đúng. Khoa học tiến qua giai đoạn gọi là sai và đúng chứ không có tuyệt đối. Vấn đề nan giải bây giờ người ta muốn giải quyết là thuyết Big Bang có đúng không? Theo như ý thức chung chung của Einstein khi có một vật thể nào gây ra sự nổ thì nó phát ra một làn sóng gọi là sóng hấp dẫn làm cho không gian và thời gian cong như một làn sóng cảnh tượng như khi ta ném một vật gì xuống hồ. Vấn đề là làm thế nào để phát hiện ra làn sóng đó".


Đỗ Bình


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét