Gia đình Vân ở Myrtle Beach được 4 hôm. Trưa hôm sau con Vân trả phòng lên đường đi Charleston, South Carolina, cách Myrtle Beach khoảng hơn 2 tiếng lái xe. Buổi sáng các con rủ nhau đi tắm biển. Cũng may biển lặng không có sóng. Nếu sóng to họ cắm cây cờ đỏ và không ai dám xuống biển. Trước khi ra biển các cháu ghé phòng ăn lấy túi đựng thức ăn điểm tâm với hàng chữ “chúc một ngày vui ”trong có sữa, trái cây, sandwich, bánh ngọt… dành cho những người muốn dùng điểm tâm ngoài bãi biển hoặc đi du ngoạn sớm. Ai muốn lấy thêm món ăn gì trong quầy tùy ý: bánh croissant,muffin, táo, cam, qúit, chuối, trứng,thịt nguội, sữa chua ….
Từ Myrtle Beach đi Charleston thấy nhà lớn nhỏ hay hàng quán dọc 2 bên đường. Cũng có ruộng trồng toàn hoa hướng dương mênh mông và cây xanh xanh nhưng không phải đậu hay thuốc lá. Không thấy cây bông vải. Các con Vân cho biết bông trồng nhiều ở Georgia. Dọc đường và trước nhà hoặc nơi sân thương xá, siêu thị có nhiều cây lạ, Vân mới thấy lần đầu tên gọi Spanish Moss, bám vào các nhánh cây sồi to thòng xuống đất giống như rễ cây si, màu trắng ngà, nhiều lắm, dài khoảng ½ mét đến 1 mét hay hơn. Tuy tên gọi Spanish Moss nhưng không phải xuất xứ từ nước Tây Ban Nha. Các cháu cho biết South America và Texas cũng có loại cây này. Chim lấy Spanish Moss làm tổ. Người ta còn gọi là”tree hair”hay cây”long beards”…
ĐẠI CƯƠNG:
Charleston South Carolina có khoảng 139.000 dân (2020) cửa vào Đại tây dương, có cảng Charleston, sông Cooper, Ashley và Wando, thành lập năm 1670, thành phố lớn của Nam Carolina. Mùa Hè Charleston nhiều mưa, mùa Đông ít khi có tuyết. Charleston là thành phố quan trọng trong nông nghiệp và mua bán nô lệ vào thế kỷ thứ 18. Hầu hết nô lê châu Phi đưa qua Mỹ ghé cảng Charleston, cảng lớn thứ tư Hoa kỳ, sau Boston, New York, Philadelphia và từ đó đưa đi các tiểu bang khác. Trong số người da đen đưa vào Hoa kỳ có cả phụ nữ và trẻ em.
Hàng trăm ngàn người Phi Châu đưa qua Mỹ làm công nhân, người hầu, phu đồn điền, khuân vác …Thời kỳ ấy người Phi Châu thường làm những việc nặng nhọc. Charleston có nhiều đồn điền. Các chủ đồn điền miền Nam Hoa Kỳ thường là chủ nô, có nô lệ nhiều ít tùy theo nhu cầu công việc như trồng và hái thuốc lá, bông vải,trồng mía, nuôi gia súc,các việc nặng khác…Năm 1750 Charleston có chợ bán đấu giá nô lệ công khai.Sau nội chiến Nam Bắc(Civil War 1861-1865) chế độ nô lệ hủy bỏ, người da đen được đi bầu, vào nhà hàng,học trường học như người da trắng… Các đồn điền thiệt hại nặng vì thiếu nhân công giá rẻ.Các tiểu bang miền Nam Hoa kỳ lúc ấy chưa dùng các dụng cụ hiện đại trong nông nghiệp như cày, ủi đất, gieo hạt, thu hoạch hoa màu bằng máy. Năm 2018, thành phố chính thức xin lỗi việc buôn bán nô lệ thời xa xưa.
DU NGOẠN:
Các con Vân đưa cả nhà thăm vài nơi trong thành phố sau khi nhận phòng khách sạn và nghỉ ngơi chốc lát. Theo tài liệu khách sạn, Charleston có nhiều di tích lịch sử và thắng cảnh.Khoảng xế chiều con rể cho xe chạy một vòng thành phố,những nơi gần gần khách sạn, qua nhiều kiến trúc khang trang ở French Quarter, Church St,Charmers St…, thấy khu “Rainbow Row”, những phố lầu cao 3, 4 tầng, sơn nhiều màu khác nhau, hồng, vàng, cam, xanh, tím, đỏ…vui mắt nằm phía đối diện bờ sông. Nơi vỉa hè trước khu phố có hàng cây palmetto thân suông đuột, cao,thẳng đứng, lá xanh to đang có trái. Có những đường nằm ngang đường bờ sông, nhỏ, xe chạy chỉ được 2 chiều xuôi ngược. Các nhà ở những đường này kiến trúc xưa nhưng đẹp, hoa cỏ cắt tỉa cẩn thận. Nếu là nhà lầu các cửa sổ có trồng hoa xinh xắn như phần lớn khu gia cư Âu Châu.
Đường bờ sông xe qua lại nhiều và du khách đi trên vỉa hè cũng đông, chẳng thấy ai mang khẩu trang.Xe tìm chỗ đậu và cả nhà đi bộ đến bồn phun nước ở giữa có hình trái thơm ( pineapple fountain) xinh xắn gần cầu tàu Charleston. Cầu rộng, dài, có lan can từ đường xe chạy ra tận ngoài sông khá xa, có nóc che và nhiều băng màu đen cho khách ngồi nghỉ chân,giải khát, nhìn chim biển, nước xanh, thưởng thức gió mát. Sở quan thuế(United States Custom House) bên kia đường gần cầu tàu, đẹp,hơn 100 tuổi nhưng còn tốt, chắc chắn ( xây 1879) nhưng khi về khách sạn xem tài liệu trên mạng lưới mới biết kiến trúc này được tu bổ năm 1968, tốn 212.000 mỹ kim.
Bồn nước Pineapple như công viên hình tròn, chung quanh có cỏ hoa xinh đẹp,lối đi lát gạch sạch sẽ. Nước phun ra liên tục từ trái dứa giữa bồn nước. Thiên hạ chụp ảnh kỹ niệm nơi đây, trẻ con người lớn khá đông, có lẽ du khách ở xa đều đến đây xem cho biết. Từ đó cả nhà vào” Công Viên Bờ Sông “(Waterfront Park) nằm dọc theo bờ sông Cooper, dài khoảng 1,5 dặm, chiều ngang cũng rộng hơn 2 mẫu tây. Bờ sông nơi công viên có hàng cây palmetto cao nghệu, thẳng đứng, đường đi sạch sẽ, đèn đường mỹ thuật và nhiều băng sơn đen dọc theo con đường. Gió sông nhè nhẹ thổi lên mát mẻ, dễ chịu. Bên trong công viên nhiều cây to trồng theo kiểu cách chuyên môn có hàng lối ngay ngắn.Các đường đi trong công viên rộng rãi, lát gạch, có bồn nước phun nước trắng xóa trong vườn cây. Rất nhiều băng sơn đen đặt rải rác dọc theo lối đi trong công viên.
Xe chay ngang qua chợ bán nô lệ ngày xưa, viện bảo tàng”Old Slave Mart Museum”, City Market...Harbourview Inn nằm gần Công Viên Bờ Sông. Cả nhà đi bộ về chỗ đậu xe. Vân không nhớ đậu xe miễn phí hay phải trả tiền nhưng vào công viên tự do. Cả nhà dùng cơm chiều ngoài phố trước khi trở về khách sạn. Tòa nhà chẳng biết xây cất năm nào trang trí theo lối cổ xưa, bàn ghế nơi phòng ăn và phòng ngủ, màn cửa, bàn viết như kiểu cách đây cả thế kỷ nhưng đẹp…
WHITE POINT GARDENS
Hôm sau các con đưa Vân đến viếng White Point Gardens ở Đại lộ Murray và King ST nơi các con Vân khuyến khích đi xem cho biết. Công viên rộng hơn 2 mẫu,có một mặt quay ra bờ sông,mở cửa công chúng viếng thăm từ đầu thế kỷ 19. Đến nơi tuy còn sớm nhưng đã đông du khách, nơi đậu xe gần hết chỗ. Chẳng thấy du khách mang khẩu trang. Trong vườn toàn là cổ thụ hơn 100 tuổi, cành lá xum xuê, gốc cây to lắm do những người chuyên nghiệp trồng, thẳng hàng theo khoảng cách nhất định rất đẹp mắt. Trong vườn sạch sẽ, nhiều bóng mát, chẳng thấy lá vàng, lá khô hay cành cây nhỏ rơi trên thảm cỏ xanh. Có lẻ công nhân quét lá từ sáng sớm. Vân nói như thế vì sân cỏ nhà Vân sáng nào cũng có lá rơi từ cây cổ thụ hàng xóm bay sang dù trời không gió không mưa. Hai kiến trúc nhỏ hình bát giác (Gazebo) sơn trắng xinh xắn với những bụi hoa mùa hè đang ra hoa rực rỡ chung quanh, tăng thêm vẻ đẹp trong công viên nhiều cây xanh bóng mát. Nơi đây thường có các buổi trình diễn âm nhạc,đám cưới, cô dâu chú rể và gia đình thân hữu hoặc du khách đến chụp hình kỷ niệm theo tài liệu mạng lưới.
Trước công viên phía bờ sông thật lý tưởng cho người đi dạo lúc bình minh hay chiều tà. Vỉa hè hai bên con đường này rộng rãi, phía bờ sông có lan can. Đường xe chạy cũng rộng. Xe đậu dọc con theo đường gần công viên. Rất nhiều tượng danh nhân hay chiến sĩ, to bằng hay hơn người thật, đặt trên các bục đá cao khỏi đầu người trước công viên sát vỉa hè.Có tượng mặc quân phục, có tượng mặc thường phục. Có nơi trên bục đá chỉ một tượng, có bục đá 2 tượng đứng chung và còn có một tượng bán thân. Dĩ nhiên nơi bục đá có tên tuổi, tiểu sử bức tượng nhưng Vân không nhớ để ghi lại. Ngoài ra còn nhiều cổ đại bác đặt trên cổ xe hay giá súng thật to, miệng súng đen ngòm hướng về con sông rộng. Một số đạn đại bác to như quả dưa hấu nhỏ xếp thành hình tháp gần những súng đại bác.Được biết đó là những canon dùng trong chiến tranh Nam-Bắc(Civil War)vào năm 1861-1865. Tưởng tượng khi những quả đại bác đó chạm vào tường thành hay chiến hạm sức công phá sẽ vô cùng mãnh liệt. Vân bùi ngùi nghĩ đến các chiến tranh từ ngày xưa và nay.
Ngày xưa cách đây hơn 200 năm nội chiến Hoa Kỳ, chiến tranh Nam- Bắc làm thiệt mạng khoảng 750.000 chiến binh hai bên. Quê hương Vân chiến tranh Việt Nam cũng làm cả triệu quân nhân chết trong các trận chiến không kể thường dân vô tội. Tội nghiệp hơn là có 58.000 người đồng minh Hoa kỳ chết và mất tích ở Việt Nam,một quốc gia xa xôi, không người thân, họ hàng cha mẹ vợ con bên cạnh. Chiến tranh để lại các cô nhi quả phụ, vợ trẻ khóc chồng, con thiếu cha,tang tóc nhớ thương, đau buồn khôn nguôi cho gia đình, cha già mẹ yếu. Ngoài ra còn những người bị thương tật vì súng đạn và các thiệt hại khác về tài sản,kinh tế, thương mại, giáo dục…Trẻ em không dám đến trường trong vùng khói lửa. Các công trình kiến trúc xinh đẹp, nhà cửa dân chúng bị hư hại, ruộng vườn, đồn điền hoang phế,buôn bán đình trệ, kinh tế suy thoái…
Vì chiến tranh đồng bào Việt Nam và gia đình Vân rời bỏ quê hương cách xa nửa vòng trái đất đến cư ngụ xứ Cờ Hoa, may mà được an toàn và đón nhận, cho học chữ học nghề. Vân nói may vì có người làm mồi cho cá biển hay chết vì hải tặc trên đường tìm tự do.
Xin lỗi quý độc giả, Vân đã lạc đề nhưng các khẩu đại bác làm Vân xót xa nghĩ đến những chết chóc tang thương do chiến tranh gây ra. Vân chợt nhớ bài thơ” Ngày Mai Đi Nhận Xác Chồng” của nhà thơ Lê Thị Ý buồn quá chẳng muốn tiếp tục xem các thắng cảnh dù gió mát trời trong, cây xanh nước biếc,chim hót trên cành, có hoa có bướm, cảnh trí êm đềm thơ mộng trừ…mấy khẩu ca- nông. Vân đến Charleston như người cưỡi ngựa xem hoa, ghi đại cương những điều nghe thấy và thêm ít tài liệu mạng lưới để quý vị chưa thăm Charleston có chút khái niệm về thành phố trù phú, có nhiều di tích lịch sử,thắng cảnh như: đồn điền và vườn Magnolia, viện Bảo tàng Charleston, Angel Oak, hồ nuôi cá Charleston …Dĩ nhiên còn thiếu sót và rất cám ơn nếu được người địa phương bổ túc cho.
Vân cầu mong Viêt Nam và các quốc gia trên thế giới được hòa bình, không chiến tranh, hết dịch cúm Covid, kinh tế phục hồi, mọi người an cư lạc nghiệp, trẻ em đến trường, dân chúng sống bình an, yêu thương giúp đỡ lẫn nhau…
Ngọc Hạnh
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét